Thursday, 2 January 2014

GS NGUYỄN LÂN HIỂU NHƯ THẾ NÀO VỀ NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN ? (Hoàng Tuấn Công - Tuấn Công Thư Phòng)


Thứ Năm, ngày 17 tháng 10 năm 2013


GS NGUYỄN LÂN HIỂU NHƯ THẾ NÀO VỀ NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN ?


                                Hoàng Tuấn Công
Trong sách “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”của GS Nguyễn Lân, nhiều từ ngữ, khái niệm liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã được thu nhận và giải thích. Tuy nhiên, nếu xem kỹ có thể thấy rằng, rất nhiều từ, ngữ, thuật ngữ, khái niệm quan trọng đã bị GS giải thích sai. Sau đây là một số ví dụ được lược trích từ cuốn “Phê bình từ điển” của Hoàng Tuấn Công (sách được nhận tài trợ sáng tác của Nhà nước 2013, chưa in). Những câu in đậm là của GS Nguyễn Lân. Nội dung gạch đầu dòng là trao đổi của Hoàng Tuấn Công:
Bón đón đòng. Bón phân cho lúa khi sắp trổ bông: Kịp thời bón đón đòng nên năng suất cao.
-Đã gọi là “bón đón đòng” có nghĩa phải bón khi lúa mới bắt đầu giai đoạn hình thành đòng chứ ? Sao lại bón vào lúc lúa sắp trổ bông ? Khi lúa sắp trổ bông người ta gọi là có đòng già hoặc đòng trổ. Lúc này quá trình hình thành đòng đã xong. Đòng to hay đòng nhỏ, bao nhiêu vỏ hạt cũng đã định hình; lúa chỉ đợi trổ bông, phơi màu thụ phấn và vào chắc nữa là ổn. Vậy, bón đón đòng được tiến hành khi nào ? PGS TS Nguyễn Văn Bộ-Trường đại học Cần Thơ cho biết: Để có bông lúa nhiều hạt và hạt to, cần phải bón phân đón đòng đúng lúc và đủ lượng. Thông thường, nông dân dựa vào thời gian tính từ khi sạ (khoảng 40 - 45 ngày) để bón đón đòng. Bón đón đòng dựa vào thời gian không chính xác vì thời điểm tượng đòng thay đổi theo chu kỳ sinh trưởng của giống, thời tiết và kỹ thuật canh tác. Bón sớm cây lúa tiếp tục nhảy chồi, chồi sẽ cạnh tranh dinh dưỡng ảnh hưởng đến bông; bón trễ khi hạt trên bông đã hình thành, dù bón phân cũng không thể nào tăng thêm số hạt được. Thường sau khi sạ 36 - 38 ngày phải thăm ruộng thường xuyên, nhổ cây lúa xé ra quan sát đỉnh sinh trưởng, khi thấy có tim đèn (hay còn gọi là bông gòn) nhô lên chừng 1mm là bón đón đòng được”. (Quản lý tốt giai đoạn làm đòng, lúa có năng suất cao-Báo Kiên Giang). Thời gian từ có tim đèn (hay tượng đòng) này đến lúc trổ cũng phải mất đến 25 ngày, đủ để cây lúa hấp thu dinh dưỡng nuôi đòng và nuôi hạt sau này. Nếu thực tế có chuyện bón phân vào lúc lúa sắp trổ bông thì phải gọi là bón “tiễn đòng” mới đúng chứ không còn đón rước gì nữa. Tuy nhiên, không ai còn đem phân bón cho lúa thời kỳ này.
Bón lót. Bón phân vào ruộng trước khi cấy lúa: Đã bón lót rồi nên cấy kịp thời.
-Bón lót không phải là khâu kỹ thuật chỉ áp dụng cho cây lúa nước. Trong thâm canh cây trồng, từ đậu, lạc, ngô khoai...đến các loại cây công nghiệp mía, dứa, cà phê, rồi cây ăn quả lâu năm, cây lâm nghiệp đều áp dụng biện pháp kỹ thuật bón lón. Nói về khâu “bón lót” nói chung phải giải nghĩa là: bón phân trước khi cấy, trồng hoặc gieo hạt, nhằm cung cấp dinh dưỡng kịp thời cho cây ngay sau khi bén rễ, hồi xanh, ra lá mới.
Bón phân. Bỏ phân vào ruộng: Bón phân bằng u-rê.
-Người ta thực hiện bón phân với mọi loại đất trồng. Không chỉ ruộng mới bón phân và cần phải bón phân. Bởi vậy “bón phân” phải được giảng là: bỏ phân vào đất để bổ sung chất dinh dưỡng cho cây trồng.
Bón thúc. Bón phân để đẩy mạnh sự trưởng thành của lúa: Nhờ có bón thúc nên lúa được xanh tốt.
-Bón thúc cũng là biện pháp kỹ thuật áp dụng cho tất cả các loại cây trồng thâm canh, không riêng gì cây lúa. Ví dụ: bón thúc cho ngô, mía, cây ăn quả các loại. Bón thúc được thực hiện vào những giai đoạn cây trồng cần nhiều dinh dưỡng để sinh trưởng, phát triển như: giai đoạn phát triển thân, lá, đẻ nhánh, phân cành, giai đoạn hình thành hoa, giai đoạn nuôi quả.
Nhìn chung các từ bón lót, bón phân, bón thúcmà GS Nguyễn Lân giải thích chỉ phù hợp với các chuyên đề về kỹ thuật trồng lúa nước chứ không phải là “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” nói chung.
Cá ngựa. Loài cá biển nhỏ, đầu dài, lưng cong, đuôi nhỏ.


Cá ngựa,phần cong là đuôi chứ 
không phải là thân
-Có một đặc điểm rất quan trọng làm nên tên gọi của con cá ngựa không được GS đề cập: đầu giống đầu ngựa. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê) mô tả như sau: “Cá biển, đầu giống đầu ngựa, thân dài, nhiều đốt, đuôi thon nhỏ và cong, có thể dùng làm thuốc”. Và thực tế (cũng như Hoàng Phê đã mô tả), phần cong của con cá ngựa là đuôi chứ không phải "lưng cong" (như GS Nguyễn Lân viết). Ngoài ra, so với Hoàng Phê, “cá ngựa” của GS Nguyễn Lân thiếu hẳn 2 nghĩa thông dụng:“Cá ngựa. Đánh cuộc ăn tiền trong các cuộc đua ngựa” và “Cá ngựa. Trò chơi súc sắc tính điểm để chạy thi quân ngựa gỗ. Chơi cá ngựa”.
Cá nóc. Cá nước ngọt thân tròn và ngắn.Cá nóc đuổi bắt cá con.
-Sai nghiêm trọng. Cá nóc là cá nước mặn (cá biển) chứ không phải cá nước ngọt. Từ điểnBách khoa nông nghiệp cho biết "Cá nóc (Tetraodontiformes) bộ cá xương, chủ yếu sốnggần bờ biển nhiệt đới và cận nhiệt đới". Mặt khác từ điển thiếu một thông tin quan trọng và bổ ích: cá nóc rất độc, có thể gây chết người khi ăn. Nếu am hiểu, người làm từ điển có thể thay thế ví dụ vô bổ "Cá nóc đuổi bắt cá con" bằng ví dụ: Ăn cá nóc có thể bị ngộc độc gây chết người. Qua đó, người sử dụng từ điển có thêm thông tin cơ bản, hữu ích về loài cá "giết người" này.
Cá trắm. Loài cá nước ngọt, mình dài và to, nuôi chóng lớn:Con cá trắm to bằng bắp chuối (Tô Hoài).
-Thực ra "nuôi chóng lớn" không phải là thuộc tính của cá trắm. Thông tin này bị thừa so với yêu cầu giải nghĩa ngắn gọn, đủ, đúng của từ điển. Trong khi đó, từ điển lại thiếu nét tiêu biểu của cá trắm là “mình tròn”. Đặc điểm này rất quan trọng nên dân gian hay so sánh người phụ nữ có thân hình tròn lẳn, rắn chắc là mình trắm là vậy. Và không phải ngẫu nhiên mà Tô Hoài so sánh con cá trắm với cái “bắp chuối” trong câu văn soạn giả trích dẫn.
Cây thế. Cây uốn thành hình đồ vật hay giống vật để làm cảnh.
-Cây thế có thể gọi chung là cây cảnh, nhưng không phải cây cảnh nào cũng được gọi là cây thế.Ví dụ cây uốn tỉa giống con hươu thì đó là cây cảnh hình con hươu chứ không phải thế con hươu. Các nghệ nhân cây thế thường bắt chước dáng dấp của cây cối trong tự nhiên rồi khái quát hóa, điển hình hóa, tạo thành thế cây trong chậu tập trung được những nét đẹp nhất, có tính biểu tượng cao. Ví dụ: thế hoành, thế trực, thế bạt phong, thế thác đổ…Rồi thế quần thụ, song thụ, tam đa,v.v…Mỗi thế cây đều có ẩn ý của nghệ nhân tạo tác. Trong khi đó, cây hình con vật (thường là hươu nai, voi, gà trống, hạc...) và hình đồ vật (thường là hình đỉnh đồng, chùa một cột...) lại trần trụi phô bày...
Chĩnh Đồ gốm nhỏ hơn vại và dài.
-Ở đây, GS Nguyễn Lân đã vận dụng phương pháp của người làm từ điển là dùng cái đã biết để định nghĩa, hình dung cái chưa biết. Cụ thể ở đây: dùng cái vại để giúp độc giả hình dung ra cái chĩnh. Thế nhưng hình như soạn giả lại chưa nhìn thấy cái vại bao giờ. Hoặc nhìn thấy cái chumnhưng lại đinh ninh đó là cái vại. Thực tế cái chĩnhcó hình dáng gần giống cái chum chứ không phải giống cái vại. Cổ chĩnh thắt lại nhiều hơn và cao hơn cổ chum. Còn cái vại thì thành đứng, đáy và miệng có kích thước bằng từ trên xuống dưới. (Thế nên mới có câu Cháy nhà hàng phố bình (bằng) chân như vại là vậy). Ở mục từ vại, chính Giáo sư đã giải nghĩa: “Đồ dùng bằng sành, hình trụ”. Có thể GS Nguyễn Lân đã tham khảo cuốnViệt Nam tự điển“Chĩnh: thứ đồ gốm nhỏ hơn cái vại mà dài. Chĩnh gạo, chĩnh tương” và bê nguyên cái sai của Hội Khai Trí Tiến Đức sang chăng ? Việc tham khảo, kế thừa trong các công trình từ điển là điều thường thấy. Tuy nhiên, tham khảo, kế thừa của người đi trước để tạo ra lợi thế đúng hơn, đủ hơn chứ không phải lập lại cái sai, cái hạn chế của người đi trước. Cũng lưu ý thêm: Dù vại hay chĩnh thì chiều đứng của nó phải được gọi là cao, không ai nói là “dài” (trừ trường hợp các đồ vật chĩnh, vại này sinh ra để sử dụng ở tư thế...nằm ngang !).
Chuối ngự Thứ chuối quả nhỏ, thịt rắn và thơm.
-Từ "rắn" trong “thịt rắn” phải thay bằng chắc(thịt chắc, không nhão). Chuối mà “rắn” (cứng) thì còn gì gọi là chuối.Từ“thơm” nên đi đôi với “ngon” = thơm ngon. Vì thơm nhưng chưa chắc đã ngon. Đây đang nói về giống chuối tiến vua (chuối ngự) thơm ngon nổi tiếng cơ mà ?
Chuồng. Chỗ che kín giành cho việc nuôi súc vật.
Chuồng trại Chỗ nhốt các giống vật: Chuồng trại trong vườn bách thú.
-Có sự bất hợp lý trong cách giải nghĩa hai mục từ "chuồng" và "chuồng trại". Nghĩa mà soạn giả giải về từ "chuồng trại" dường như chính xác hơn khi áp dụng cho từ "chuồng". Vì chỉ cóchuồng mới có thể hiểu là “nhốt các giống vật”.Còn “chuồng trại” không phải nơi“nhốt” mà là nuôi nhốt và quản lý gia súc, gia cầm. "Trại" ở đây được hiểu là hệ thống hàng rào lớp ngoài để quản lý vật nuôi. Còn "chuồng" lại là hình thức xây dựng có mái che, cửa ra vào để nhốt hoặc nuôi nhốt vật nuôi. Như thế chuồng trại phải được hiểu là nơi quản lý và nuôi nhốt các giống vật nuôi, không phải "chỗ nhốt các giống vật".
Từ điển phải chính xác, không thể đại khái như vậy.
Chuyên canh Chỉ trồng một cây trong một thời gian: Vùng ấy chuyên canh lúa.
-"Chuyên canh" là chỉ chuyên trồng một loại cây trên chân đất nào đó.Ví dụ vùng chuyên canh mía thì ngoài mía ra không trồng một cây nào khác. Nếu trồng một loại cây“trong một thời gian”, rồi chuyển sang cây khác thì gọi là luân canh chứ sao gọi là chuyên canh được ?
 Cùi dừa Bộ phận của quả dừa ở dưới vỏ cứng, màu trắng, ăn giòn.
-Quả dừa hình tròn, cấu tạo nhiều lớp: vỏ ngoài cùng, sau đến lớp xơ, đến gáo và cùi dừa, nên phải dùng khái niệm bên trong và bên ngoài,tại sao GS nói "ở dưới" ? Từ điển Tiếng Việt - Hoàng Phê không có mục từ riêng cho "cùi dừa". Tuy nhiên, mục "cùi" nghĩa 2 được dùng với khái niệm bên trong, bên ngoài: "cùi: phần dày bên trong vỏ của một số quả. cùi dừa". Trở lại với "Từ điển từ và ngữ Việt Nam" của GS Nguyễn Lân. Nếu có riêng mục "cùi dừa", chúng tôi đề xuất giải nghĩa: Cùi dừa: miền Nam còn gọi là cơm dừa, màu trắng, nằm ở bên trong gáo dừa, dùng ăn tươi hoặc ép dầu, chế biến thực phẩm.
 Củi tạ Củi bằng những thanh gỗ dài gần bằng nhau bán từng tạ.
-Thực ra, "củi tạ" là loại củi không bán theo bó mà bán theo khối lượng. Do đó “củi tạ” có thể là một đống hỗn độn gồm các thân gỗ to nhỏ, dài ngắn khác nhau được cân lên bán. Những thân gỗ, cành cây “dài gần bằng nhau” đó là nguyên liệu làm ra củi bó chứ không phải củi tạ.
Đa canh (canh: cày ruộng) Trồng được nhiều loại cây: nhờ có đất đa canh nên nhân dân vùng ấy khá giả.
-Chữ “canh” ở đây được hiểu là sản xuấtĐa canh là sản xuất, phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức, nhiều nghề. Ví dụ, ngoài trồng lúa, địa phương còn phát triển chăn nuôi, sản xuất hàng thủ công, đem lại thu nhập đáng kể, đó là đa canh. Đối với một mảnh đất hai vụ lúa, một vụ màu, hoặc hết vụ lúa thì trồng ngô, khoai, đậu lạc thì gọi là luân canh, chứ không thể gọi là đa canh.Trong trường hợp này, nếu trồng lúa là chính, các cây khác là phụ thì vẫn gọi là độc canh như thường. Để phân biệt đa canh = nhiều hình thức sản xuất với đa canh = canh tác nhiều loại cây trồng, người ta gọi là đa cây. Ví dụ: Áp dụng mô hình đa cây, đa con.
Độc canh (canh: cày) Trồng lâu dài một cây duy nhất trên một khoảng đất. Vùng độc canh cây lúa không thể làm giàu được.
-Theo cách giảng của GS thì nội dung trên được hiểu là chuyên canh chứ không phải độc canh. Chuyên canh đơn thuần nói về phương thức lựa chọn cơ cấu cây trồng để canh tác. Cònđộc canh, hay đa canh lại liên quan đến cơ cấu kinh tế. Canh trong độc canhđa canh có nghĩa làsản xuất chứ không phải trồng. Ví dụ một địa phương nào đó giành toàn bộ diện tích đất nông nghiệp để trồng một loại cây duy nhất là lúa nước. Nhưng ngoài ra còn phát triển kinh tế trang trại, nghề thủ công thì đó không thể gọi là độc canh (cây lúa) mà là đa canh.Như vậy, độc canhlà kiểu phát triển kinh tế nông nghiệp của một địa phương hay một quốc gia chỉ dựa vào một đối tượng cây trồng duy nhất. Thế nên, nói phá thế độc canh cây lúa không phải là phá lúa để thay bằng cây trồng khác hoặc trồng luân canh với cây khác, mà là phát triển kinh tế bằng nhiều ngành nghề khác, ngoài trồng lúa.
Đồng ruộng. Nông thôn nói chung: Trở lại đồng ruộng xí nghiệp, công trường (PVĐồng)
-“Nông thôn nói chung” có nghĩa rộng hơn“đồng ruộng” nhiều. Nó bao gồm cả cảnh quan, đường sá, ruộng đồng, làng mạc....Trong khi ruộng đồng chỉ là khu ruộng, mảnh đất phục vụ cho việc cấy cày, trồng trọt mà thôi. Giống như "xí nghiệp, công trường" không phải "thành thị nói chung" mà là nơi làm việc của công nhân.
Đũa bếp. Đũa dài dùng để gắp than hay củi vụn.(Đũa bếp khuấy nồi bung).
-Ngay trong một mục từ cũng thấy cách giải thích của GS mâu thuẫn. Mới câu trước "đũa bếp"chỉ dùng "để gắp than hay củi vụn”, đến câu sau nó đã dám “tự tiện” khuấy cả vào “nồi bung” rồi ! Đũa bếp (còn gọi là đũa cả) không chỉ "dài" mà còn to, hình bẹt, đầu đũa to. Đũa bếp đa năng: ghế cơm, đảo thức ăn nồi bung, nồi luộc, nạy cơm cháy...Đang bực tức, tiện tay thì gõ luôn vào đầu...Nhưng đa năng đến đâu cũng không bao giờ dùng để gắp than hay củi vụn. Hơn nữa nếu là công cụ để gắp, người ta phải dùng đũa vót tròn chứ không dùng đũa bẹt như đũa bếp.
Gối vụ nói nhà nông làm lấn sang vụ sau, trong khi chưa xong hẳn vụ này. Nông dân phải gối vụ để tăng sản lượng.
-Phải hiểu ngược lại: vụ sau gối vào vụ trướcmới đúng. Nghĩa là khi vụ trước chưa xong thì đã triển khai vụ sau. Như chuẩn bị cây giống, phân bón, nhân lực để khi vụ trước vừa xong thì gối ngay vào. Ví như để trồng ngô đông trên đất hai lúa, người ta gieo sẵn hạt ngô vào bầu trước khi trồng tới hàng tuần. Đến vụ gặt mùa, thu hoạch lúa phía trước, cày ngay đất phía sau, rải phân bón đã chuẩn bị sẵn đầu bờ ruộng và đưa bầu ngô ra trồng (thế nên mới có cây khẩu hiệu Sáng lúa, chiều ngô). Như thế cây ngô đông đã gối lên vụ trước được tới cả chục ngày (mà tục ngữ có câu “Hơn một ngày hay một đường”). Nếu nói vụ trước “lấn sang vụ sau” có nghĩa thời gian của vụ trước bị kéo dài, gây ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai vụ sau, sao gọi là “gối vụ” được ?
Hòn đất nỏ một giỏ phân. Làm ruộng cần để đất nỏ rồi mới cấy thì tốt:tôi chưa cấy, để đất nỏ đã, hòn đất nỏ một giỏ phân kia mà.
-Đất nỏ ở đây phải được giải nghĩa là đất cày phơi ải cho khô trắng rồi đưa nước vào bừa, cấy (đổ ải) chứ không phải đất ruộng khô nói chung.
Im như thóc đổ bồ. Người có thóc đổ bồ không muốn cho ai biết, sợ người ta vay mượn.
-Lưu ý: đây là “Im như thóc đổ bồ” chứ không phải Im như đổ thóc vào bồ. Câu này một lần nữa soạn giả lại bê nguyên cái sai trong cuốn Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam (xuất bản 1989) để giải thích. “Im” ở đây không phải tả động tác đổ thóc vào bồ một cách nhẹ nhàng, kẻo có người (đang rình ở xó nhà hay bờ vách nhà mình chăng ? !) nghe tiếng rào rào của thóc chảy vào bồ rồi đến vay mượn như GS hiểu. Sự im lặng theo nghĩa đen này ám chỉ những hạt thóc đã ở yên  trong bồ, đã cất vào bồ, đưa vào trong kho, buồng kín rồi, không có gì xáo trộn nữa. Đó là sự im hơi, lặng tiếng ở một nơi kín đáo, không hề nhúc nhích. Còn có câu mang tính nhấn mạnh hơn“Câm như thóc” hoặc “Im như thóc trầm ba mùa”.Thóc “trầm ba mùa” là thóc không còn khả năng mọc mầm nữa, một sự im lặng tuyệt đối và mãi mãi.
  Ý câu thành ngữ muốn diễn đạt: Nói sự sợ sệt im thin thít, không nhúc nhích, không dám tỏ thái độ phản ứng trước một việc nào đó. Đó là cách ví von, sự mô tả giàu tính hình tượng của thành ngữ dân gian.
Khuyến lâm. Khuyên dân phải bảo vệ rừng.
-Thực ra "khuyến lâm" không chỉ “khuyên dân”mà còn đầu tư, khuyến khích; không chỉ “bảo vệ rừng” mà còn trồng rừng, phát triển kinh tế từ rừng.
Khuyến ngư. Nói chính sách động viên ngư dân đánh được nhiều cá và hải sản.
-“Khuyến ngư” không chỉ “đánh được nhiều cá và hải sản” mà còn có chính sách đầu tư nuôi trồng thủy sản, phát triển nghề nuôi cá.
Lờ ngờ như gà mang hòm (không hiểu mang hòm là lấy ở tích gì)
-GS không hiểu là đúng. Vì không có tích nào nói về chuyện con gà mang hòm cả.Thành ngữ này bị chép sai. Nguyên câu này là Lờ ngờ như gà ban hôm. Hôm là lúc chập tối, mắt gà bị quáng nên đi lờ ngờ.
Quạ ăn dưa bắt cò dãi nắng. Ý nói: Bắt người vô tội chịu hình phạt thay kẻ có tội:Trong chế độ thực dân, thường có chuyện quạ ăn dưa bắt cò dãi nắng.
  -Thực ra, quạ là giống chim đa thực. Ngoài gà con, xác thối...chúng còn rất thích ăn các thứ quả như mít, dưa hấu...Tục ngữ có câu “Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa”. Thời tiết nắng nhiều khiến quạ được chén những quả dưa ngọt lành. Trong khi đó, cò không ăn được dưa (loài chim này chỉ ăn tôm tép, cá con, côn trùng…) lại phải chịu chung đặc điểm thời tiết nắng nóng chang chang ấy (đôi khi làm cạn nước, chết hết cá tôm, ảnh hưởng đến môi trường kiếm ăn của cò). Ý thành ngữ muốn nói: Hoàn cảnh thuận lợi của người này đôi khi lại chính là khó khăn vất vả đối với người kia. Cách giải thích.  Bắt người vô tội chịu hình phạt thay kẻ có tội của GS Nguyễn Lân suy diễn quá xa nghĩa bóng của thành ngữ.
Rau muống. Thứ rau phổ biến nhất ở nước ta, cùng họ với khoai lang trồng ở ao hoặc ở trên cạn.
-Không biết căn cứ vào đâu mà GS lại cho rau muống “cùng họ với khoai lang”. Bách khoa toàn thư mở - Wikipedia “Rau muống (Ipomoea aquatica) là một loài thực vật nhiệt đới bán thủy sinh thuộc họ bìm bìm (Convolvulaceae), là một loại rau ăn lá”.
Rắn giáo. rắn đầu nhọn, mình dài: Thằn lằn, rắn giáo.
-Cái sai này xuất phát từ chỗ phát âm không phân biệt được Gi và R, dẫn đến viết sai chính tả rồi suy diễn. Ở nước ta không có loại rắn nào tên là rắn giáo, mà chỉ có rắn ráo.
Rắn cạp nia. Rắn độc, mình có những vằn tròn đen và trắng liên tiếp nhau.
-Từ “vằn” phải thay bằng khoang, từ “liên tiếp”phải thay bằng xen kẽ: mình có những khoang tròn đen, trắng xen kẽ nhau.
Ruộng đầu chợ, vợ đầu làng. Đó là lý tưởng của một anh chàng nông dân có tư tưởng thiển cận.
Ruộng giữa đồng, chồng giữa làng. Đó là lý tưởng của một chị nông dân thiển cận.
-“Ruộng đầu chợ” là “lý tưởng” đối với “anh”,nhưng“ruộng giữa đồng” lại là “lý tưởng” đối với“chị”. Không biết cách làm ruộng của anh chị có gì khác nhau mà lại có cách chọn ruộng khác biệt đến vậy ?
Thực ra “Ruộng đầu chợ, vợ đầu làng” đều là hai điều “anh chàng nông dân” không thích. Bởi vì“ruộng đầu chợ” là mảnh ruộng hay bị người ta xoi mói, trăm người hai trăm con mắt đều nhìn vào. Nếu canh tác không tốt (lúa xấu, cỏ mọc) thì hay bị chê và tiếng xấu dễ bị đồn rộng thổi xa. Mặt khác ruộng đầu chợ dễ bị xâm phạm (bị vứt rác bừa bãi, ăn đòng đòng lúa hoặc ngắt lúa). Còn“vợ đầu làng” thì nhiều người biết đến, hay bị “người ta” để ý, trêu ghẹo, dòm ngó thậm chí “tòm tem” khi ông chồng đi vắng.Như thế, “Ruộng đầu chợ, vợ đầu làng” đều nói đến hai điều bất lợi,không phải là“lý tưởng” như cách lý giải của GS.
Thóc lép Nói hạt thóc nhỏ hơn bình thường.Năm ấy hạn hán nên nhiều thóc lép.
  -Giải nghĩa như thế là chưa nhìn thấy hạt thóc lép bao giờ. Và cái cơ bản thóc lép khác thóc mẩy ở bên trong chứ không phải bên ngoài. Thóc lép có hai loại. Loại 1: lép lửng (còn gọi lúa trửng hay lúa kẹ) chứa rất ít tinh bột, có khi chỉ bằng 1/3 thóc mẩy. Loại này xưa kia nhà nông hay tận dụng cho gà, nuôi cá hoặc xay xát làm cám cho lợn. Loại 2: lép hoàn toàn, chỉ có vỏ mà không có chất dinh dưỡng. Loại này chỉ dùng đun nấu thay trấu, hay đổ ra vườn. Như thế, “hạt thóc nhỏ hơn bình thường” không phải là thuộc tính của thóc lép.
Thâm canh (canh: cày) Nói lối canh tác dồn công sức, kỹ thuật và phân bón vào ruộng đất nhằm đạt năng suất cao (trái với quảng canh).
-Đã từ lâu, từ canh không còn được hiểu theo nghĩa ban đầu là cày nữa. Nên ngoài canh điền, còn có canh viên (làm vườn) canh trì (nuôi cá)(Thứ nhất canh trì, thứ nhì canh viên, thứ ba canh điền - tục ngữ) Và từ thâm canh cũng không còn được dùng riêng để chỉ việc đầu tư chiều sâu cho đối tượng trồng mà có thêm cả đối tượng nuôikhác. Như nuôi tôm thâm canh,nuôi cua thâm canh,nuôi cá thâm canh. Bởi vậy nói chính xác và đầy đủ: Thâm canh: chỉ việc đầu tư công sức, vốn, khoa học kỹ thuật vào một đối tượng sản xuất nào đó để khai thác triệt để tiềm năng đất đai, cây, con giống nhằm thu năng suất cao nhất.
Trọng nông. Nói chủ trương kinh tế coi đất đai là nguồn gốc của tất cả tài sản:
Trọng nông không phải coi trọng đất đai,  “coi đất đai là nguồn gốc của tất cả tài sản” mà đơn giản làcoi trọng phát triển nông nghiệp.
Tứ túc hoa mai (túc: chân; mai: cây mơ; hoa: hoa) nói loài chó có chấm lốm đốm trắng như hoa mai ở bốn chân.

Móng đèo (huyền đề) của con chó quý
                                    Ảnh: VTC
-Thực ra "hoa mai" ở đây là chiếc móng đèo của con chó quý "tứ túc huyền đề" (bốn chân có móng đèo). Chiếc "huyền đề" (móng đeo) xoắn lại hình như những cánh hoa mai. Đây là cách gọi bóng bẩy, đề cao chiếc móng đèo cho xứng với con chó quý chứ không phải “chấm lốm đốm trắng như hoa mai ở bốn chân”.
Tức như bò đá (Thực ra bò không thể đá được) Bực mình vì một chuyện rất vô lý.
-Chưa nhìn thấy bò đá bao giờ không có nghĩa"bò không thể đá được". Tuy không ra được những cú song phi uy lực, dứt khoát như ngựa, nhưng bò vẫn đá theo kiểu của bò. Đó là kiểu đá hất một chân ra phía sau. Bình thường, bò là con vật nhút nhát, hiền lành, chậm chạp đến độ bị coi “ngu như bò”. Thế nên người ta có tâm lý xem thường, ít để ý đến nó. Tuy nhiên, đôi khi đi ngang qua hoặc đứng phía sau đuôi bò (do bị giật mình) nó vẫn bất ngờ “ra đòn” đánh “nhằng” một phát. Người bị bò đá đã đau lại bị một phen giật mình, hồn vía lên mây. Định thần lại mới hóa ra nguyên nhân chính từ “kẻ ngu đần” kia. Bực tức, mà chẳng làm gì được, thậm chí có điên tiết lên quất cho nó mấy roi cũng đến thế. Tức như bò đá là như vậy. Ý nói: bỗng dưng gặp phải chuyện bị ức chế, bực mình, rất tức mà chẳng làm gì được.
Vịt xiêm Giống vịt to, người ta nói nhập từ Thái Lan. Trong sân nhà có đôi vịt xiêm rất lớn.
-Thực ra, vịt xiêm là cách gọi tên con ngan của người miền Nam, không phải là giống vịt to như GS giải thích.
Xen canh: nói trồng vài ba thứ cây vào cùng một lúc, vào một nơi (trồng xen canh ngô và lạc)
-Hiểu như vậy nôm na quá. Khi thực hiện biện pháp xen, người ta thường trồng xen cây này với cây kia (chỉ hai loại), và không hẳn phải “trồng cùng một lúc”. Và đã gọi là xen là nói đến cách trồng có xác định cây chính và cây phụ (cây trồng xen vào).


Trồng xen cây hương bài dưới tán vải ở Lục Ngạn-Bắc Giang. 
Ở đây hương bài là cây phụ và không phải trồng cùng một lúc với nhãn vải.


 Nếu trồng "vài ba thứ cây" mà không phân biệt chính phụ, không theo hàng lối như cách giải thích của GS, đó là hỗn canh chứ không phải xen canh. Ví dụ: khi xen canh lạc với mía hoặc cà phê, thì mía, cà phê được xác định là cây trồng chính, lạc là phụ. Mục đích là dùng cây phụ để tận dụng đất, ánh sáng giữa hai hàng cây chính (khi cây chính chưa khép tán) và tận dụng loại dinh dưỡng mà cây chính ít cần đến. Trong quá trình này cây phụ lại góp phần chống xói mòn, cải tạo đất cho cây trồng chính. Cách trồng xen cây ngắn ngày với dài ngày không dứt khoát phải“trồng cùng một lúc” mà có thể chủ động theo thời vụ của cây trồng xen. Khi trồng xen ngô với lạc, thì lạc là cây chính, ngô là cây phụ (Viết “Trồng xen ngô  lạc” như GS Nguyễn Lân là không phân biệt cây nào là chính, cây nào là phụ) Ngô được trồng thành hàng theo rãnh của luống lạc để tận dụng đất trống và thứ dinh dưỡng mà ngô cần, lạc không cần. Đặc biệt, ngô sẽ tận dụng được nguồn ánh sáng dồi dào vì ngô cao, lạc thấp. Ngô lạc đều là cây ngắn ngày, có thời gian sinh trưởng tương đương nên trong trường hợp này người ta mới “trồng cùng một lúc” để chăm sóc và thu hoạch cho tiện. Người ta chỉ trồng xen khi hai loại cây trồng khác nhau về đặc điểm sinh trưởng, nhu cầu về ánh sáng, dinh dưỡng…Nếu trồng hai loại cây giống nhau về đặc điểm sinh trưởng (ví dụ cùng là cây thân mộc, cây lấy gỗ) thì gọi là trồng hỗn giao.
Như thế “xen canh” phải được hiểu là: một biện pháp kỹ thuật mà trên cùng một diện tích người ta canh tác hai loại cây trồng, khác nhau về đặc điểm sinh trưởng, có xác định cây chính, cây phụ nhằm tận dụng diện tích, ánh sáng, dinh dưỡng, để có thêm sản phẩm thu hoạch.
                                                   H.T.C
(Còn nữa)

No comments:

Post a Comment