Thứ Tư, ngày 11 tháng 9 năm 2013
CHÀNG hay TRÀNG, VẠT ÁO hay CỔ ÁO ?
Hoàng Tuấn Công
Áo dài ngày xưa Ảnh: Internet |
1. Đầu tiên, Học giả Huệ Thiên
(An Chi) phải thốt lên: “Thật là chuyện quá đỗi bất ngờ khi mà một quyển từ điển lại có thể viết sai chính tả và giảng sai nghĩa đến thế; hình thức chính xác của câu đang xét là “Áo cứ TRÀNG, làng cứ xã”. (Tại sao một số thành ngữ tục ngữ lại khó hiểu - An Chi).Trong bài Đọc lướt “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” của Nguyễn Lân An Chi một lần nữa cho rằng “Tràng là vạt trước của áo dàivà đây là một cách hiểu hoàn toàn đúng với cấu trúc cú pháp - ngữ nghĩa của câu tục ngữ đang xét”.
(An Chi) phải thốt lên: “Thật là chuyện quá đỗi bất ngờ khi mà một quyển từ điển lại có thể viết sai chính tả và giảng sai nghĩa đến thế; hình thức chính xác của câu đang xét là “Áo cứ TRÀNG, làng cứ xã”. (Tại sao một số thành ngữ tục ngữ lại khó hiểu - An Chi).Trong bài Đọc lướt “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” của Nguyễn Lân An Chi một lần nữa cho rằng “Tràng là vạt trước của áo dàivà đây là một cách hiểu hoàn toàn đúng với cấu trúc cú pháp - ngữ nghĩa của câu tục ngữ đang xét”.
2. Trong Từ điển tục ngữ Việt, Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương cũng lên tiếng phê phán: “Do tra cứu chưa kỹ nghĩa từ vựng của TRÀNG trong câu Áo cứ tràng, làng cứ xã, Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (1989-10) đã đánh đồng nó với CHÀNG và đinh ninh rằng CHÀNG này cũng chính là từ được “phụ nữ hay dùng để gọi chồng hoặc người yêu còn trẻ (với hàm ý thân thiết)”...Sơ suất đáng tiếc ấy đã đẩy tác giả tới chỗ phải đưa ra cho một lời diễn giải hoàn toàn “xa lạ” với cảm thức của bao người”. Rồi, TS Nguyễn Đức Dương khẳng định “TRÀNG là một từ cổ dùng để chỉ cái vạt trước của chiếc áo dài”.
3. Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam của nhóm Vũ Dung-Vũ Thúy Anh-Vũ Quang Hào tuy không tranh luận gì với GS Nguyễn Lân nhưng cũng đưa ra dị bản giống An Chi, Nguyễn Đức Dương và chú giải “(tràng: tràng áo, tức vạt áo; xã; xã trưởng, người đứng đầu xã).
Như vậy, An Chi, Nguyễn Đức Dương và nhóm Vũ Dung đều có hai điểm tương đồng, thống nhất cao: 1. Công nhận dị bản TRÀNG chứ không phải CHÀNG; 2. Khẳng định TRÀNG là vạt trước của chiếc áo dài.
Vậy ai đúng, ai sai ? Và sai, đúng như thế nào ?
Có thể khẳng định ngay: An Chi, Nguyễn Đức Dương và nhóm Vũ Dung đã đúng khi lựa chọn TRÀNG chứ không phải CHÀNG. GS Nguyễn Lân đã sai hoàn toàn khi nhầm “tràng”, một bộ phận của chiếc áo thành “chàng” là chồng, người yêu và đưa ra cách giải thích không thể chấp nhận. Có lẽ GS cho rằng: việc giặt giũ, vá may quần áo lẽ ra người phụ nữ phải đảm đương, đằng này ỷ lại, “cứ”(để cho) “chàng” (chồng) phải lo, phải làm, (nên gọi là“áo cứ chàng”); còn công việc của làng “người dân trong thôn xóm” “cứ”(ỷ lại) cho ông xã trưởng mà “không thấy vai trò làm chủ của mình”( nên gọi “làng cứ xã”) chăng ? !
Tuy nhiên, liệu An Chi, Nguyễn Đức Dương, nhóm Vũ Dung đã đúng khi cho rằng TRÀNG trong câu tục ngữ là cái vạt trước của chiếc áo dài ? Theo tôi, ở ý thứ hai, các nhà khảo cứu, biên soạn đã thay cái sai này bằng cái lầm khác. TRÀNG trong câu tục ngữ có nghĩa là cái cổ áo, không phải cái vạt trước của chiếc áo dài. Để đến được kết luận ấy, ta cần phải đi đường vòng. Tức xét nghĩa Hán Việt của từ lĩnh領 (cổ áo) trong một số cuốn từ điển, tự điển:
4.Khang Hy tự điển:
領:(...) 里整切音嶺。領,頸也。(...)。亦言總領衣體,爲端首也:“Lĩnh (...) Lý chỉnh thiết, âm lĩnh (...) “Lĩnh, cảnh dã (...), diệc ngôn tổng lĩnh y thể, vi đoan thủ dã” nghĩa là: Chữ Lĩnh - thiết âm là lý chỉnh, âm đọc là lĩnh. Lĩnh-cái cổ (...) cũng chỉ bộ phận thống lĩnh đối với chiếc áo; là cái đầu mối vậy”.
2. Hán Việt tự điển của Thiều Chửu: “Lĩnh 領.① Cái cổ...② Cái cổ áo, một cái áo cũng gọi là [b]nhất lĩnh[/b] 一領. Xóc áo thì phải cầm cổ, cầm tay thì áo mới sóng, vì thế nên người nào quản lí một bộ phận, một nhóm gọi là [b]lĩnh tụ[/b] 領袖 (đầu sỏ)”.
3. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giải thích: “Lãnh領-Cái cổ-Cổ áo-Một cái áo-Thống suất cả…”. “Lãnh tụ - Cổ áo và tay áo. Khi cổi áo tất trước cầm cổ áo và tay áo-Ngb. Người có tài xuất chúng làm thủ-lãnh cho nhân-chúng”.
Trong 3 cách giải thích, Thiều Chửu rõ ràng hơn cả. Tuy nhiên, hai từ “xóc áo” và “sóng” có vẻ hơi khó hiểu. Việt Nam tự điểncủa Hội Khai Trí Tiến Đức giải thích: “2.Xóc: Xách lên mà lắc để cho xuống đều: Xóc cổ áo”; “Sóng: Trơn óng, thẳng, không rối”.Từ điển AN NAM - LUSITAN - LA TINH- A.de Rhodes giải thích“Xóc: Xóc áo: Xóc áo đã mặc để cho thẳng”.
Như vậy, từ lĩnh với nghĩa cổ áo-bộ phận thống lĩnh, chức năng thâu tóm cả cái áo tỏ ra rất “đắt”, rất hợp với nghĩa của chữ TRÀNG trong câu tục ngữ đang bàn. Thế nhưng, tục ngữ nói tràng, đâu có nóilĩnh ? Dựa vào đâu để nói rằng tràng chính là cách gọi nôm của lĩnh? Câu trả lời có trong các sách:
1. Tam thiên tự - Đoàn Trung Còn viết: “Y 衣 - Áo; Lãnh 領 -Tràng”.
2. Ngũ Thiên Tự (bản Hán, Việt, Pháp) Đoàn Trung Còn chú rõ hơn: “領-Lãnh (lĩnh) - Tràng (cổ áo) - Col ”.
3. Việt ngữ tinh nghĩa từ điển - Long Điền Nguyễn Văn Minh (tr.133) giải thích: “Lãnh" mục “c, là tràng áo, như “lãnh tụ” tràng áo và ống tay áo, chỉ dùng với nghĩa bóng nói người đứng đầu một đảng phái.”
4. Việt Nam tự điển - Hội Khai Trí Tiến Đức: “領-Lĩnh.Tràng áo (không dùng một mình). Lĩnh tụ 領 袖 tràng áo và tay áo. Chỉ dùng nghĩa bóng để nói người đứng đầu một đảng- phái:Lĩnh - tụ đảng xã hội”.
5. Đại Nam quấc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của: “Lãnh:Tràng;(...) Áo viên lãnh: Áo cổ tròn, áo cổ trịt”. (Trịt ở đây có nghĩa là bệt, bẹt xuống, tức không phải áo cổ đứng-HTC).
Như vậy, ít nhất 5 cuốn từ điển, tự điển Hán Việt thích nghĩa chữlĩnh nghĩa nôm trực tiếp là tràng (cổ áo). Kết luận: lĩnh - tràng - cổ áo - bộ phận quan trọng nhất của cái áo. Cách kết cấu ngữ pháp, ngữ nghĩa của dân gian rất rõ ràng, đăng đối chặt chẽ: tràng (cổ áo) là bộ phận mấu chốt, căn bản nhất của cái áo, giữ vị trí thống lĩnhđối với cả cái áo; xã (xã trưởng, lý trưởng) là cấp chủ chốt, quản lý cao nhất của làng. Muốn “xóc” (cầm, túm,) để giũ cái áo cho phẳng cứ nắm lấy phần cổ áo là chắc chắn, gọn gàng nhất. (Thực tế, trong sinh hoạt hàng ngày, khi cầm chiếc áo, ta đều chọn vị trí cổ áo, thậm chí khống chế một người nào đó, người ta vẫn hay nắm lấy vị trí cổ áo); cũng như gặp việc ở trong làng (phu phen, tạp dịch, bắt rượu lậu…) cứ nắm lấy người đứng đầu có trách nhiệm cao nhất “xã” (trưởng) mà “gõ” xuống. (Bởi thế, dân gian có câu: Đục đến chạm thì chạm đến khăng, Đòn đánh lý trưởng thì văng cả làng là vậy).
Trở lại cách lý giải của các nhà nghiên cứu và biên soạn từ điển. Vì chọn nghĩa TRÀNG là vạt trước của áo dài nên tất cả đều rất lúng túng khi đưa ra lý giải tại sao lại “cứ tràng” (cứ vạt áo). Cái vạt áo (vốn chỉ đáng được “vinh danh” ở một số chức năng “sáng tạo tự phát” ngoài trang phục như: lau nước mắt, lau, chùi, đùm, đựng, vân vê làm dáng...) đã bị các nhà ngữ học, biên soạn gán ghép cho một số chức năng rất “hoang đường”:
1. Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam của nhóm Vũ Dung giải nghĩa: “Áo cứ tràng...” là “muốn tìm ai thì cứ túm lấy vạt áo”. Thế nhưng, nếu hiểu như vậy lại thành “Người cứ tràng...” (người thì cứ tràng (vạt áo) mà túm) chứ không phải “Áo cứ tràng...” nữa. Vả lại, còn đang đi “tìm ai” đó thì làm sao túm được “vạt áo” của người ấy ?
2. Từ điển tục ngữ Việt của Nguyễn Đức Dương giải thích: “Áo thì nên lấy tràng làm chỗ dựa (khi cắt may) làng thì nên lấy lý trưởng làm chỗ dựa (khi tiếp xúc, bình phẩm)”. Nếu giải thích như vậy, tục ngữ này lại đưa đến cho ta một kinh nghiệm khác, đó là cách cắt may áo mất rồi ! Và không biết Nhà ngữ học đã tiếp thu cái “kinh nghiệm” này ở đâu ? Vạt áo không bao giờ là chỗ dựa khi cắt may. Bởi bộ phận này dẫu ngắn - dài, hay rộng - hẹp một chút cũng không sao, nhưng cổ áo, vai áo mà chật thì mặc không nổi. Nói lấy vạt áo“làm chỗ dựa (khi cắt may)” là một kiểu gán ghép rất phi lý. Ấy là chưa kể đến “kinh nghiệm ngoại giao” “lấy lý trưởng làm chỗ dựa (khi tiếp xúc, bình phẩm)” cũng có “vấn đề”. Bởi “bình phẩm” về làng xã mà chỉ dựa vào mỗi ông lý trưởng thì làm sao chính xác ? Không lẽ mỹ tục thuần phong của làng xã tập trung cả nơi ông xã, ông lý chăng ?
3. Riêng Nhà từ nguyên học An Chi thật khôn khéo khi không cố giải thích tại sao lại “áo cứ tràng” mà chỉ dừng ở chỗ khẳng định TRÀNG là vạt trước của áo dài. Đúng là Từ điển AN NAM - LUSITAN - LA TINH A.de Rhodes có giải nghĩa “Tlàng áo: phần trên chiếc áo che cổ” (Tlàng là cách phát âm xưa của tràng-TC). Tuy nhiên, A.de Rhodes chỉ giải nghĩa từ vựng mà không giải thích ý nghĩa hàm ẩn của từ tràng (cổ áo). Chính vì vậy nên ngay cả khi An Chi tiếp cận với dữ liệu này, ông vẫn lựa chọn nhầm TRÀNG trong câu tục ngữ đang bàn với nghĩa cái vạt trước của chiếc áo dài, chứ không phải là chiếc cổ áo trứ danh ?
Đến đây, ta thấy thêm một thực tế: từ TRÀNG với nghĩa là cổ áovà TRÀNG với nghĩa là vạt trước của chiếc áo dài thường bị đánh đồng làm một (theo nghĩa thứ hai vạt áo) ngay cả đối với các nhà làm từ điển. Ví dụ:
1. Chữ 領 lĩnh (lãnh), Việt Nam tự điển và Đại Nam quấc âm tự vị đều giải nghĩa là tràng (cổ áo). Nhưng cũng chính trong hai cuốn tự điển này, ở mục từ tràng lại chỉ thấy thích nghĩa vạt trước của áo dài mà không hề nhắc đến nghĩa cổ áo đã được chú ở mục từlãnh, lĩnh.
2. Từ điển từ Việt cổ của Nguyễn Ngọc San - Đinh Văn Thiện,Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên và nhiều cuốn từ điển khác đều cho rằng tràng là từ cổ, chỉ duy nhất có một nghĩa liên quan đến trang phục là vạt trước của chiếc áo dài.
3. Cuốn từ điển cổ xưa Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, mục Y quan bộ đệ cửu, chữ tràng với nghĩa cổ áo cũng bị người phiên âm chú giải thành vạt áo:
Hộ Lĩnh buộc che ngoài tràng.
Yểm Lý danh rằng lụa vuốt mồ hôi
Trần Xuân Ngọc Lan chú thích “Tràng: vạt áo”. Tuy nhiên, chữ領-lĩnh có một số nghĩa: cổ, cổ áo, một cái áo... Chữ “lĩnh” trong“hộ lĩnh” phải được hiểu là cái cổ, “hộ” là bảo vệ, che chắn, “hộ lĩnh” = vật bảo vệ cái cổ (tức cái khăn quàng cổ). Tên gọi này xuất phát từ chức năng của cái khăn quàng cổ, ban đầu chỉ có ý nghĩa thực dụng là bảo vệ cái cổ (hộ lĩnh). Sau này, cái “hộ lĩnh” mới trở thành phục sức, (nghĩa là thêm cả chức năng trang điểm, làm dáng) và được gọi là lĩnh cân (khăn quàng cổ). Cách giảng giải của tác giả Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa hiểu theo ngôn ngữ ngày nay là: Vật bảo vệ cái cổ (hộ lĩnh) được buộc che ở bên ngoài cái cổ áo (tràng). Hai câu:Hộ Lĩnh buộc che ngoài tràng,Yểm Lý danh rằng lụa vuốt mồ hôiđều nói về hai mảnh vải: một là khăn quàng cổ buộc che bên ngoàitràng (cổ áo) và một là mảnh lụa “vuốt”(lau, thấm) mồ hôi, được lót ở phía trong áo. Điều này hoàn toàn phù hợp với văn cảnh và cách trình bày của Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa: xếp từ theo chủ đề, theo cặp từ, loại từ cùng chỉ về sự vật, hiện tượng nào đó. Ví như cặp nói về hai loại áo của vua: “Long Cổn” và “Hoàng bào”:
Long Cổn hiệu là áo rồng,
Hoàng bào Tống tổ mặc phong mạ vàng
Hoặc cặp nói về hai loại áo “Sa y” và “Hiệp y”:
Sa y mặc mát áo the.
Hiệp y áo kép kéo dê càng dài.
Rồi cặp từ nói về hai loại đai (dải):
Kê Đới tơ điều thắt ngoài.
Hộ Đới dải áo hằng cài tương liên.
Nếu hiểu tràng là vạt áo theo cách chú giải của Trần Xuân Ngọc Lan, thì “lĩnh” ở đây có nghĩa là một cái áo, “hộ lĩnh” là vật bảo vệ cái áo? Hộ Lĩnh buộc che ngoài tràng là Vật bảo vệ cái áo được buộc che ngoài vạt áo. Diễn giải này hết sức vô lý. Vì ta không thấy có bộ phận hay một thứ trang phục nào lại có thêm một vật đảm nhận chức năng bảo vệ cái áo và nằm ở vị trí buộc che ngoài vạt áo như vậy. Mặt khác, vị trí xung yếu, thường bị rách, rách trước tiên của áo cần được “hộ” (bảo vệ) là vai áo, chứ không phải vạt áo.
Thực tế trên buộc ta phải nhìn nhận lại một số cách giải thích, cách hiểu về từ “tràng”. Trong các câu thơ: Giọt châu tầm tã đẫmtràng áo xanh (Truyện Kiều-Nguyễn Du), Lệ ai chan chứa hơn người, Giang Châu Tư - mã đượm tràng áo xanh. (Tỳ - bà - hành). Thì “tràng” ở đây chính là vạt trước của áo dài thấm những “giọt châu”, giọt lệ “tầm tã”, “chứa chan”. Tuy nhiên câu “Áo rách phải giữ lấy tràng” thì tràng lại là cổ áo chứ không phải vạt áo? Bởi vì, cái cổ áo là bộ phận quan trọng nhất của cái áo nên dù áo có rách (ở đâu) chăng nữa cũng phải giữ được cái cổ áo lành lặn. Cũng giống như cái lề của tờ giấy rất quan trọng nên dù rách ở đâu cũng phải giữ lấy cái lề (Trong câu đồng nghĩa “Giấu rách phải giữ lấy lề”). Thế nhưng, nhiều nhà nghiên cứu, biên soạn từ điển lâu nay vẫn nhầm lẫn khi cho rằng trong câu tục ngữ Áo rách phải giữ lấy tràng thì tràngnghĩa là vạt áo:
1. An Chi trong bài phê bình GS Nguyễn Lân viết: “Tràng” (...) được hiểu là cái vạt trước của chiếc áo dài. (Tục ngữ còn có câu “Áo rách phải giữ lấy tràng” mà chính Nguyễn Lân cũng đã có ghi nhận)”.
2. Nguyễn Đức Dương trong Từ điển tục ngữ Việt chú thíchtràng là vạt trước của áo dài và giải thích: “Áo dù có rách chăng nữa thì cũng phải cố giữ cho được cái tràng (để còn dùng được vào việc khác). Hay dùng với ẩn ý: nh. Giấy rách phải giữ lấy lề”.
3. Việt Nam tự điển - Hội Khai Trí Tiến Đức, mục từ “lĩnh”chú nghĩa "tràng (cổ áo)" nhưng mục “tràng” lại chỉ ghi nhận“Tràng: Vạt dài trong áo: Tràng áo” Rồi trích dẫn: “Văn liệu: Áo rách thì giữ lấy tràng, Đủ đóng đủ góp với làng thì thôi (C-d). Lệ ai chan chứa hơn người, Giang Châu Tư - mã đượm tràng áo xanh. (Tỳ - bà - hành). Như thế Việt Nam từ điển đã sai khi đánh đồng chữ tràng (cổ áo) trong câu tục ngữ Việt và chữ tràng (vạt áo) trong câu thơ dịch Tỳ bà hành làm một.
Riêng Nguyễn Đức Dương đã dấn sâu vào sai lầm khi giải thích“Áo dù có rách chăng nữa thì cũng phải cố giữ cho được cái tràng (để còn dùng được vào việc khác). Xin hỏi, “việc khác” ở đây là gì, nếu không phải là để “tận dụng” làm miếng vá vào chỗ rách của chiếc áo khác, hoặc làm giẻ lau ? Nếu chỉ với mục đích như vậy thì liệu có cần “cố sống cố chết” mà giữ cho được cái vạt áo của chiếc áo rách bỏ đi không ? Tục ngữ đang nói cái áo rách nhưng vẫn mặc, vẫn dùng cơ mà ? Nếu đủ cả lục bát “Áo rách phải giữ lấy tràng, Đủ đóng đủ góp với làng thì thôi, ta sẽ hiểu: Áo (mặc trên người) dù có rách ở đâu thì cũng phải giữ lấy phần quan trọng nhất là cái tràng (cổ áo); Cũng như dù khó khăn nghèo túng đến mấy cũng phải cố gắng đủ đóng đủ góp nghĩa vụ với làng.
Có thể nói câu tục ngữ Áo cứ tràng, làng cứ xã có “niên đại” rất sớm. Sớm đến mức từ tràng (với nghĩa cổ áo) đã trở nên mờ nhạt, thậm chí biến mất hoàn toàn trong sách vở và ngôn ngữ thời hiện đại. Chỉ khi trả lại cho chữ tràng trong câu Áo cứ tràng, làng cứ xã (vàÁo rách phải giữ lấy tràng) nghĩa chính xác là cái cổ áo vấn đề mới được sáng tỏ. Đây chính là bài học kinh nghiệm điển hình đối với các nhà sưu tầm biên soạn từ điển thành ngữ, tục ngữ. Nhiều trường hợp không thể chỉ tra cứu kỹ nghĩa từ vựng của từ nôm trong câu tục ngữ (như cách Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương từng chỉ giáo GS Nguyễn Lân) rồi đoán định, áp đặt cách hiểu. Trong khi ý nghĩa đích thực của nó lại nằm trong từ vựng từ Hán Việt./.
Những sách đã dẫn và tham khảo:
1,Đại Nam quấc âm tự vị (Dictionnaire ANNAMMITE) Huình Tịnh Paulus Của-Sài Gòn 1895.
2,Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa -Trần Xuân Ngọc Lan phiên âm chú giải (NXB Khoa học xã hội - Hà Nội 1985).
3,Ngũ thiên tự Đoàn Trung Còn (Nhà xuất bản Thanh Niên-1999)
4, Từ điển AN NAM - LUSITAN - LA TINH (thường gọi Từ điển Việt-Bồ-La) A.de Rhodes - NXB Khoa học xã hội-1991.
5,Việt Ngữ Tinh nghĩa từ điển-Long Điền Nguyễn Văn Minh (-NXB Quảng Vạn Thành- Hà Nội 6/1950).
6.Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam -GS Nguyễn Lân (NXB Văn hóa - 1989)
7.Việt Nam tự điển - Hội Khai Trí Tiến Đức - Nhà in Trung Bắc Tân Văn - 1931.
8. Từ điển từ Việt Cổ-Nguyễn Ngọc San- Đinh Văn Thiện-NXB Văn hóa thông tin-2001(Cần nói thêm từ tràng vốn gọi đầy đủ làtràng vạt (trường vạt-vạt dài), sau này mới biến đổi và gọi tắt làtràng (trường) với nghĩa mặc định là vạt trước của áo dài. (Đúng như Đào Duy Anh giải thích trong Từ điển Truyện Kiều). Theo đó, từ tràng vạt có sớm hơn, cổ hơn từ gọi tắt tràng).
9. Một số bài viết của Huệ Thiên (An Chi) được đăng lại trêne.cadao.com và ngonngu.edu.vn
No comments:
Post a Comment