Địa danh Việt Nam có thành tố "Bà"
1.Trong địa danh Việt Nam có hằng trăm tên đất mang thành tố chung Bà ở trước. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ khảo sát một số địa danh tiêu biểu cho mỗi loại. Ở mỗi địa danh, chúng tôi tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa căn cứ vào các tài liệu đã được công bố.
2.1.Trước hết là địa danh mang từ Bà với nghĩa phổ biến nhất. Đây là từ gốc Hán Việt chỉ người phụ nữ đã có con và đã được Việt hoá từ xa xưa nên có thể xem như là một từ thuần Việt.
2.1.1.Bà Tư là tên một cồn cát ở xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ban đầu mang tên cồn Trẹt. Bà Tư là bà Võ Thị Phò, thường gọi Tư Phò, vì đầu thế kỷ 20, bà đến lập nghiệp nơi đây. Bà kiên trì bám trụ, ủng hộ kháng chiến, có chồng và hai con là liệt sĩ, được phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng [18].
Bà Đồ là xóm thuộc vùng Bình Thuỷ xưa, nay thuộc xã Long Tuyền, cách thành phố Cần Thơ 5km về phía Long Xuyên. Đây là nơi các văn nhân tụ hội xướng hoạ. Bà Đồ có chồng dạy học. Chồng qua đời, bà tiếp tục dạy nên dân làng gọi là xóm Bà Đồ [7, 110].
Bà Mụ là cầu nằm trên đường Nguyễn Huệ, thuộc phường Phú Khương, thị xã Bến Tre. Vì cầu do dân góp tiền xây, giúp mộtbà mụ vườn tiện qua lại khi đi hộ sản nên mang tên trên [18].
2.1.2.Bà cũng chỉ những người đàn bà của các dân tộc anh em.
Bà Đen là núi ở phía tây tỉnh Ninh Thuận, là tên dịch địa danh gốc Chăm Chơk Juk “núi đen” – tên bà mẹ xứ sở, có vương hiệu là Po Inư Nagar [16].
Bà Đen cũng là tên núi gần thị xã Tây Ninh, cao 986m, cách thị xã 15km, một điểm du lịch nổi tiếng. Cũng gọi tắt là núi Bà. Có 5 giả thuyết để lý giải: 1. Nàng Đênh quyết chí đi tu ở núi; cha mẹ ép duyên; nàng trốn biệt tích; tên núi Bà Đênh nói chệch thành Bà Đen [7]. 2. Cô Lý Thị Thiên Hương yêu và định lấy một trí thức tên Lê Sĩ Triệt, nhưng bị tên công tử bắt cóc; nàng tuẫn tiết; vua phong cho nàng là Linh Sơn Thánh mẫu [3]. 3. Nàng Rê Đeng cùng chàng trai đắp núi thi; cuối cùng nàng thắng, núi nàng đắp trở thành núi Bà Đen; 4. Nữ Oa và Tứ Tượng thi đắp núi; nếu Tứ Tượng thắng thì thành vợ chồng; cuối cùng nàng thắng; núi nàng đắp trở thành núi Bà Đen. 5. Có một nữ thần được người Khmer thờ, gọi là “Mẹ Đen” (Néang Khmau), và hòn núi là bàn chân của bà nên trước đây thường gọi là Phnom Chơn Bà Đen ; hiện trên núi còn dấu chân này [20]. Chúng tôi vừa đến thăm núi và thấy dấu chân này khắc trên đá, lớn hơn dấu chân người một chút [4]. Thuyết thứ 5 có lý nhất.
Bà Tó là hóc (rạch nhỏ) ở xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Bà Tó có lẽ là một người Khmer. Vì ngày xưa hóc (= hói) ở giữa rừng vắng, xa xôi nên từ tổ hóc Bà Tó chỉ nơi xa xôi, vắng vẻ [4].
2.1.3.Bà cũng dùng để chỉ một nữ thần nào đó. Hòn Bà ở huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà, cao 1.356m và hòn Bà ở giữa hai huyện Diên Khánh và Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hoà, cao 1.285m - còn gọi là Bích Sơn (“núi vách”) – là hai thí dụ. Bà ở đây chính làThiên Y A Na [13].
Bà Rén là tên cầu trên quốc lộ 1A, bắc qua sông Bà Rén, thuộc xã Duy An, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, dài 250,5m. Bà Rén bắt nguồn từ Bà Rắn vì nơi đây, người ta đã đào được một tượng nữ thần có hình con rắn Naga nhiều đầu và nói chệch theo ngữ âm địa phương [19].
2.1.4.Bà kết hợp với một từ gốc Pháp đồng nghĩa dame thành bà đầm. Bà Đầm là con kinh nối liền Rạch Giá với thành phố Cần Thơ ra sông Hậu, dài 14km, đào năm 1894 – 1895. Cũng gọi kinh Ô Môn. Sở dĩ gọi là kinh Bà Đầm vì lúc đào kinh, các đốc công Pháp đem theo gia đình sống trên một cái nhà bè, chiều chiều một bà đầm thường ra đứng xem công nhân làm việc [12, 412].
2.2.Bên cạnh đó, một số địa danh có thành tố Bà là biến âm của âm tiết hoặc âm tố khác.
2.2.1. Trước hết là nhóm địa danh Bà Bèo, Bà Hói, Bà Môn.
Bà Bèo là kinh nối sông Tiền và sông Vàm Cỏ, chảy qua các huyện Cai Lậy, Tân Phước (Tiền Giang) và Châu Thành (Long An), dài 25km. Vương Hồng Sển cho biết âm gốc của địa danh này là Bàu Bèo. Người Khmer cũng gọi kinh Bà Bèo là Cumnik Prêk Cak “kinh rạch bèo” [20]. Bà Hói là rạch ở xã Long Thới, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh. Trên bản đồ thời Pháp thuộc ghi rạch này là Bàu Hói “rạch ở giữa có chỗ phình rộng”. Bà Môn là rạch ở thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, tp.HCM. Nguyễn Văn Trấn [14], người địa phương, cho biết âm gốc của địa danh này là Bàu Môn, tức “cái bàu có trồng môn nước”.
Dạng gốc của ba địa danh này (Bàu Bèo, Bàu Hói, Bàu Môn) đều là hai âm tiết có vần tròn môi cho nên khó phát âm. Vì vậy, chúng cần dị hoá cho dễ phát âm. Từ đó, chúng tôi nghĩ rằng dạng gốc của các địa danh Bà Hom, Bà Quẹo (tp.HCM) có thể là Bàu Hom (bàu ngâm hom tre), Bàu Quẹo (bàu nằm ở chỗ quẹo của đường Trường Chinh). Ở xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh có cống Quẹo, ở xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ ( tp. HCM) có vùng Lộ Quẹo.
2.2.2. Kế đến là các âm tiết vốn không phải Bà biến thành Bà.
Bà Băng là rạch ở xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, tp. HCM. Bà Băng là địa danh thuần Việt, có âm gốc là Bờ Băng vì tại đây có con đường bờ băng qua cánh đồng của xã nên có tên trên. Cho nên hiện nay, có người còn gọi là Bờ Băng, một số khác gọi Bà Băng [5].
Bà Kè là rạch ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Bà Kè vốn là Bờ Kè bị nói chệch [11].
Bà Nà là núi ở huyện Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam, cao 1.487m. Tại đây có khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – núi Chúa, diện tích 43.327ha, là nơi du lịch, nghỉ mát và an dưỡng.
Có người cho rằng do Po Na(gar) mà ra [9]. Tác giả không giải thích tại sao mất âm tiết gar. Chúng tôi nghĩ rằng Bà Nà có lẽ đã bắt nguồn từ tên của dân tộc Ba Na, vì các lý do sau: 1.Dân tộc Ba Na có cư trú ở vùng núi tỉnh Quảng Nam [1]; 2. Bà Nà cũng gọi là Bà Na hay Ba Na [2;8]; 3. Ngôn ngữ Ba Na cũng gọi là Bà Nà [10]; 4. Hai thanh ngang và huyền có quan hệ chuyển đổi: (bao) nhiêu – nhiều, (ngày) nao – nào, (nhà) ngươi – người,…; 5. Nhiều địa danh bắt nguồn từ tên dân tộc, như: (cao nguyên) Mạ, tỉnh Gia Lai, Lào, Bulgaria, Moldova, Paris (thủ đô của Pháp),…Như vậy, Ba chuyển thành Bà là hoàn toàn hợp lý.
Bà Om là ao thuộc xã Nguyệt Hoá, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Có 4 truyền thuyết để lý giải nguồn gốc của địa danh này: 1. Bà Om là người Khmer, đứng đầu đội nữ đào ao sâu hơn đội nam. 2. Bà Om là một trong bốn nữ tì canh gác cho hoàng tử tắm trong ao nên ao mang tên bà. 3. Ao mang tên chùa Prah Âng nên bị nói chệch thành Bà Om. 4. Bên ao có loại rau mà ơm (một thứ rau thơm) nên bị nói chệch thành Bà Om [7].Thuyết thứ tư có lý nhất vì có cơ sở thực tế và ngôn ngữ Mà à Bà (hai phụ âm môi – môi M – B chuyển hoá với nhau).
Bà Rịa là thị xã của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, diện tích 90,6km2, dân số 78.800 người (2006), gồm 7 phường và 2 xã. Có hai cách lý giải: 1. Một bà tên Rịa có công với vùng này trong thế kỷ 19 nên tên bà được đặt cho địa phương. 2.Do phiên âm tên một nữ thần của người Chăm Po Riyak (thần trấn sóng) [15].Thuyết một thiếu tư liệu lịch sử nên không có cơ sở khoa học và địa danh này đã có từ trước thế kỷ 19 (Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức khắc in khoảng năm 1820 đã nói tới). Thuyết hai có lý hơn vì có cơ sở ngữ âm và lịch sử. Từ địa danh Bà Rịa sinh ra hai địa danh Bà Biên và Bà Chợ.
Bà Biên là tỉnh ở miền Đông Nam Bộ trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 12 – 1963. Bà Biên do ghép tên hai tỉnh Ba Rịa vàBiên Hòa.
Bà Chợ là tỉnh ở miền Đông Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) do phía Cách mạng đặt. Ban đầu gọi là tỉnh Bà Rịa – Chợ Lớn (từ ngày 27 – 6 – 1951), sau đó đổi thành Bà Chợ. Bà Chợ do ghép tên hai tỉnh Bà Rịa và Chợ Lớn [4].
2.2.3. Một số địa danh khác vốn không mang từ Bà nhưng khi Việt hoá biến thành Bà. Đó là các địa danh Bà Lý, Bà Nay.
Bà Lý là tên núi ở thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, một trong ba ngọn của núi Tà Pang, cao 30m. Bà Lý bắt nguồn từ tên gốc Khmer Pang Li: Pang nghĩa là “măng tre”; Li (Hán Việt) tức là “luỹ”. Pang đọc chệch thành Bàn, rồi thành Bà; Li đọc chệch thành Lý [20]. Thuyết này chưa thuyết phục lắm.
Bà Nay là núi ở ấp Việt Nam, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, cao 117m. Bà Nay gốc Khmer và Thái Pù Nạy, nghĩa là “núi lớn”, nói rút thành P’nay, người Việt đọc thành Bà Nay [20,26]. Kiên Giang không phải địa bàn người Thái sinh sống và trong tiếng Thái từ lớn là láo, chứ không phải nạy nên giả thuyết chưa thuyết phục [4].
2.2.4. Sau cùng là âm tố được âm tiết hoá. Bà Rá là núi ở huyện Phước Long, thuộc tỉnh Bình Phước, cao 726m. Năm 1963, đổi thành Phước Sơn, nhưng tên này không phổ biến. Bà Rá gốc S’tiêng Brah, nghĩa là “thần linh” [6]. B- đã được âm tiết hoá thành Bà; -Rah biến âm thành Rá*.
2.3. Người Việt đã dịch ý một số địa danh gốc Khmer và gốc Chăm thành Bà và giữ âm gốc của địa danh. Bà Kè là sông ở tỉnh Vĩnh Long. Bà Kè gốc Khmer Prêk Năk Yây Kè, nghĩa là “rạch đức bà Kè” [21].
Bà Kéc là núi ở tỉnh Đồng Nai. Tên dịch Hán Việt là Thần Mẫu phong. Bà Kéc gốc Khmer Phnom Sèk, nghĩa là “núi con kéc” [21]. Bà Ký là rạch ở tỉnh Đồng Nai. Bà Ký gốc Khmer Kompong Koki, là “bến cây sao đen”, bị nói chệch thành Bà Ký [21].
Bà Râu là xứ xưa ở tỉnh Ninh Thuận. Bà Râu gốc Chăm Po Inư Nưgar Mư Rau, nhưng chưa biết nghĩa [17].
3.Qua hơn hai mươi địa danh mang thành tố Bà ở trước, chúng ta thấy nguồn gốc và ý nghĩa của các địa danh này khá phức tạp, chứ không đơn giản. Vì vậy, công việc nghiên cứu này phải còn tiếp tục lâu dài và cần sự tham gia của nhiều người. Bài báo này xem như bức phác thảo đầu tiên nên chắc chắn còn nhiều ý kiến tán thành hoặc không. Chúng tôi hi vọng sẽ được đọc những ý kiến của các thức giả khác.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Đặng Nghiêm Vạn, Cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam, Nxb. Đại học quốc gia tp. HCM,, 2003.
2.Đinh Xuân Vịnh, Sổ tay địa danh Việt Nam, HN, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002.
3.Huỳnh Minh, Tây Ninh xưa, HN, Nxb Thanh niên, 2001.
4.Lê Trung Hoa, Từ điển từ nguyên địa danh Việt Nam, bản đánh máy, chưa xuất bản.
5.Lê Trung Hoa (cb) – Nguyễn Đình Tư, Từ điển địa danh thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, 2003.
6.Lorraine Haupers, Ralph Haupers, Stieng – English dictionary, Thailand Group, 1991.
7.Nguyễn Hữu Hiếu, Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ qua chuyện tích và giả thuyết, HN, Nxb KHXH, 2004.
8.Nguyễn Như Ý (cb), Nguyễn Thanh Chương, Bùi Thiết, Từ điển địa danh văn hóa và thắng cảnh Việt Nam, HN, Nxb KHXH, 2004.
9.Nguyễn Sinh Duy, Khảo về danh xưng Bà Nà, Thế giới mới, số 544, 20 – 9 – 2005.
10.Nguyễn Tài Cẩn, Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo), HN, Nxb Giáo dục, 1995.
11.Nguyễn Thị Kim Phượng, Nghiên cứu địa danh ở tỉnh Bến Tre, Luận văn thạc sĩ khoa học ngữ văn, Trường ĐHSP, tp.HCM, 2009.
12.Nguyễn Trung Vinh, Huỳnh Thương, Nguyễn Lương Bằng (cb), Địa chí Cần Thơ, Tỉnh uỷ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Cần Thơ xb., 2002.
13.Nguyễn Văn Khánh – Giang Nam (cb), Địa chí Khánh Hoà, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2003.
14.Nguyễn Văn Trấn, Chợ Đệm quê tôi, Nxb Văn Nghệ, tp. HCM, 1985.
15.Phan Đăng Nhật, Bàn về yếu tố sông nước trong nghi lễ Chăm, trong “Văn hoá sông nước miền Trung”, HN, Nxb KHXH, 2006, tr. 411 – 424.
16.Phan Minh Đạo, Địa danh ở tỉnh Bình Thuận, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Sở, 2005.
17.Sử Văn Ngọc, Yếu tố nước trong tâm thức người Chăm, Nguồn sáng dân gian, số 4 – 2006, tr. 51 – 53, 64.
18.Thạch Phương – Đoàn Tứ (cb), Địa chí Bến Tre, Nxb KHXH, 2001.
19.Thạch Phương – Nguyễn Đình An (cb), Địa chí Quảng Nam, bản đánh máy, chưa xuất bản.
20.Trương Minh Đạt, Nhận thức mới về đất Hà Tiên, Tạp chí Xưa và Nay, Nxb Trẻ, 2001.
21.Trương Vĩnh Ký, x. Lê Hương, Người Việt gốc Miên, tr. 253 – 264. TS.Thái Văn Chải dịch phần Địa danh.
22.Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng Việt miền Nam, HN, Nxb Văn hoá, 1993.
………………………………………………………
*Tương tự: Brahman thành Bà la môn.
No comments:
Post a Comment