Đột phá giùm đi, các sử quan!
March 5, 2009Khoảng 1981 – 1982 đọc một giáo trình về lịch sử Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX của Đại học Sư phạm Hà Nội, có một chi tiết đại khái là một thủ lãnh chống Pháp kéo quân từ Hắc Khẩu về Gò Đen. Gò Đen thuộc Long An thì ai uống rượu cũng biết, nhưng thường qua lại uống rượu ở Long An mà chưa bao giờ nghe thấy địa danh Hắc Khẩu, rất là ngạc nhiên. Ngẫm nghĩ một lúc chợt hiểu ra cười sặc lên, thì ra đó vốn là một lỗi morasse, chứ Hắc Khẩu đây đúng ra là Hắc Khâu, mà Hắc Khâu là một tên gọi Việt Hán hóa địa danh Gò Đen (Hắc = Đen, Khâu = Gò) của các nhà nho người Việt đầu thế kỷ XIX, còn các nhà nho Minh Hương cuối thế kỷ XVIII thì Việt Hán hóa thành Ô Nguyên (Ô = Đen, Nguyên = Gò), tương tự Gò Công được Việt Hán hóa thành Khổng Tước Nguyên vậy. Nhưng kéo quân từ Hắc Khâu về Gò Đen thì nghe rất chướng, đoán là các vị viết giáo trình không rành địa lý địa danh Nam Kỳ nên cứ ngồi ở miền Bắc chế tạo ra cuộc hành quân kiểu đèn cù ấy cho phong trào võ trang chống Pháp ở Nam Kỳ nửa sau thế kỷ XIX thêm phần náo nhiệt, trong bụng hỡi ôi, nghĩ thầm may mà bản nhân là con dân Nam Kỳ lại biết chữ Hán, chứ thầy cô và sinh viên người Bắc người Trung mà đọc cái này thì thế nào cũng bị trúng độc sử học. Nhưng từ đó trở đi rất để ý tới các nhân danh địa danh trong các sử sách chữ Hán được phiên dịch, và đã thấy rất nhiều chuyện hay ho. Ví dụ có người đọc Quốc triều hương khoa lục của Cao Xuân Dục thấy một vị Cử nhân trường Gia Định quê ở Phước An (Biên Hòa) bèn đọc là Phúc Yên rồi viết sách nói vị Cử nhân ấy là người Phúc Yên ở miền Bắc vào phụ thí (thi ké) ở trường Gia Định, tóm lại rất là cực kỳ vô cùng mệt mỏi lắm…
Sau đây là một đoạn trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập IV, bản dịch của Viện Sử học, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1993, tr. 576 – 577. Nói thêm rằng những đoạn kiểu này là nhầy ra trong bộ sách ấy và nhiều bộ sách khác về triều Nguyễn chứ không phải là chuyện cá biệt đâu nhé.
(Vĩnh Long). Minh Mạng năm thứ 9, chuẩn y lời tâu cho đầm Hải Đông ở trấn ấy, tiền thuế cả năm 790 quan.
Năm thứ 10, chuẩn y lời tâu cho các phủ Lạc Hóa, Vĩnh Bình thuộc trấn ấy, về tiền thuế cả năm gấp đôi ra cộng 21 sở, tiền là 3.063 quan, tự nay về sau cho miễn trừ tất cả.
Năm thứ 11, chuẩn y lời tâu cho chi nhánh sông Hải Đông ở trấn ấy từ cửa biển Ba Lầy đến những chỗ có nghề đánh cá như: Mỹ Mịch, Ba Thắc, Nội Giang, Ngoại Hải, Trúc Quỳ, Khẩn Để, Phao Võng, đều quy vào một sở tiền thuế là 790 quan, về Trà Vinh, Mân Thiết, Tà Ngoa, Tà Công, Tà Mông đều quy vào một sở tiền thuế 561 quan, lạch Gỗ Dầm Cần Thơ thông sang đến Giáp Nặc, từ Phiếm đến Mễ gồm hai bên các sở tiền thuế 35 quan, lạch Mục Phát Trà Vinh tiền thuế 390 quan, sở Lang Thiết gồm các bào xác xảo 360 quan, về lạch cá từ Cổ Trinh thông sang Cái Hồng, gò An, Vịnh Liêm, Lãng The, và Cổ Chọn, cái Bãi, cái Tiêu, Thị Luận, cái Thảm, cái Lãng và cái Chác, quy về một sở tiền là 209 quan, lạch cái Cá ở Mỹ Long Bàng Côn 20 quan, lạch Ba Tri thuộc Mỹ Long 35 quan, lạch các Vông thuộc Mỹ Lung 40 quan, lạch Ba Tri thuộc Ba Lầy 46 quan, lạch Mỹ Lung 95 quan, lạch Cái Sơn, bào Cừ thuộc Mỹ Lung 20 quan, lạch Yên Giọi Tiểu Lịch thuộc Băng Côn 80 quan, từ Trà Vinh nội ngoại đến Mỹ Mịch, Ba Thắc 12 quan, từ sông Mỹ Lung thông sang đến Cái Chăn, Giả Nhự, Nước Trong, Sơn Đốc, bãi Ngư, quy vào một sở 75 quan, lạch Mỹ An thuộc Ba Lầy 10 quan.
Ngoài một vài trường hợp như Mân Thít (Mân Thiết), Cổ Chiên (Cổ Trinh), Vũng Liêm, Láng Thé (Vịnh Liêm, Lãng The), Mỹ Lồng, Mỹ Luông (Mỹ Lung, Mỹ Long), Ba Rai (Ba Lầy)… có thể nhận ra ngay, các địa danh còn lại thì kẻ hèn này phải tìm tới nguyên bản chữ Hán may ra mới có thể biết thêm được một số tên thật là gì và hiện ở chỗ nào, còn để hiệu đính bản dịch này thì phải các chuyên gia về lịch sử địa lý có đủ đồ chơi về bản đồ Nam Bộ như Nguyễn Đình Đầu hay các nhà nghiên cứu ở ngay bản địa như Trương Ngọc Tường mới giải quyết nổi. Chứ cứ để thế này thì các nhà nghiên cứu ở miền Bắc tự nhiên không biết là sai mà chỉnh lý sẽ có người yên tâm trích dẫn để viết bài, bài ấy lại được dịch ra tiếng nước ngoài rồi phát tán đi bốn phương thì ôi thôi thôi, hậu quả thế nào thật là không dám nghĩ tới nữa.
Cho nên các vị sử quan năm rồi hô hào đột phá nhận thức về triều Nguyễn xin vui lòng đột phá giùm mấy chuyện tư liệu này trước đi đã, còn vụ nhận thức sang trọng kia có đột phá chậm một chút chắc cũng không sao đâu.
Chú Minh ơi, Blog của bác Cao Tự Thanh ở địa chỉ nào ấy nhỉ, ghi cho cháu vào tham quan với :D
ReplyDeletetrucnhatphi.wordpress.com. Nghe nói đó là blog do một người bạn của Cao Tự Thanh lập ra để gom các bài viết của ông ấy.
ReplyDelete