Bạn đọc : Đầu năm Tân Mão, trong bài “Đâu là Việt, đâu là Hoa?”, đăng trên trang mạng Tủ Sách Báo Phương Đông ngày 20-2-2011, tác giả Hà Văn Thuỳ đã viết về chữ Tân: “Tân ở đây là cay đắng, tân toan, nhọc nhằn. Điều này dự báo năm nay sẽ chẳng ngọt ngào!” Vậy, năm nay ta sẽ được chia ngọt sẻ bùi hay phải ngậm đắng nuốt cay, thưa ông An Chi? Và có đúng tân là cay đắng hay không?(Huỳnh Hồng Gấm).
An Chi : Ông Hà Văn Thuỳ phát biểu câu mà bạn đã dẫn lại để bài bác ý kiến của GS Nguyễn Thừa Hỷ cho rằng chữ tân trong Tân Mão có nghĩa là mới. Ông Thùy khẳng định rằng, ở đây, tân là “cay đắng, tân toan, nhọc nhằn”. Quả nhiên Hán-Việt từ-điển của Đào Duy Anh giảng tân là: “Vị thứ bảy trong 10 thiên-can – Cay – Khổ-sở – Buồn rầu.” Còn Hán-Việt tự-điển của Thiều-Chửu giảng là: “1. Can tân, can thứ tám trong mười can. 2. Mùi cay. 3. Cay đắng nhọc nhằn. 4. Thương xót, như bi tân, tân toan.” Toàn bộ lời giảng của ông Thuỳ đều có trong từ điển Thiều-Chửu nên nó không thể không đúng được. Tiếc rằng đây chỉ là từ điển cỡ nhỏ nên không thể đầy đủ “để giải mã những vấn đề lớn lao của văn hóa” (chữ của ông Thuỳ) và chính vì không đầy đủ nên nó đã không giúp được cho ông Thuỳ biết thêm rằng chính cái chữ tân 辛 của ông còn có nghĩa là … “mới”!
Vâng, tân 辛 còn có nghĩa là “mới” nữa. Vương Lực cổ Hán ngữ tự điển (Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, 2002) đã cho chữ này 5 nghĩa, mà nghĩa 5 là “ Thông tân «新». Dữ cựu «舊» tương đối ”, nghĩa là “dùng như chữ «tân» là mới; đối nghĩa với chữ «cựu» là cũ”. Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993), tập đại thành cả cái kho chữ Hán đồ sộ, còn giảng rằng “tân «辛» là tân «新»”, nghĩa là đã trực tiếp giảng chữ «tân» của ông Thuỳ bằng chữ «tân» là “mới” nữa.
Ấy là ta còn chưa nói đến chuyện, ngoài hai nghĩa “cay” và “mới”, chữ tân 辛 còn có một nghĩa đặc biệt nữa là “tội lỗi” – đây mới thực sự là nghĩa gốc của nó –, mà hai quyển từ điển trên đây không hề nói đến.
Hóa ra GS Nguyễn Thừa Hỷ đã không bị chữ «tân» của ông Thuỳ đánh lừa còn chính ông thì đã bị chơi khăm nên chỉ thấy ở nó có cái nghĩa “cay đắng”! Hóa ra, chính GS Nguyễn Thừa Hỷ mới là người hiểu đúng theo truyền thống cái ý nghĩa của can Tân trong thập can, đã được giảng cách đây hàng ngàn năm cùng với chín can khác, trong sách Thuyết văn giải tự của Hứa Thận đời Hán, như tác giả Phạm Thị Hảo đã ghi lại:
“ Về hàm nghĩa của các tên gọi can, chi, sách Thuyết văn giải tự của Hứa Thận đời Hán giải thích: “Giáplà vỏ, muôn vật sơ sinh, phải phá vỡ vỏ mà ra. Ất là uốn mềm, vạn vật sinh ra, mềm mãi quanh co mà lớn dần lên. Bính là sáng, vạn vật được mặt trời chiếu sáng, ấm nóng mà phát triển. Đinh là mạnh mẽ, vạn vật ngày càng lớn lên mạnh mẽ. Mậu là rậm rạp, cây cỏ ngày càng tốt tươi. Kỷ là ghi nhớ, vạn vật định hình có thể ghi nhớ hình dạng. Canh là thay đổi, vạn vật vừa phát triển vừa đổi thay liên tục. Tânlà cay, lại giống với Tân là mới, vạn vật luôn thay cũ đổi mới. Nhâm là hoài thai, vạn vật lớn lên rồi mang cái nhân mới trong mình. Quý là tiêu đi, vạn vật phát triển cực độ ắt phải tiêu đi thay mới.” (“Năm Mão – Tết con mèo của Việt Nam và Tết con thỏ của Trung Quốc”, Hồn Việt số 43, tr. 33).
Rõ ràng là tự nghìn xưa, người ta đã hiểu như thế. Ở đây, người ta dùng tên (âm) của một vật hoặc khái niệm để chỉ vật hoặc khái niệm khác cùng tên (âm). Đây là một biện pháp tu từ trên cơ sở của hiện tượng đồng âm, tiếng Hán gọi là song quan 双關, tiếng Pháp là calembour, lối chơi chữ mà Cao Xuân Hạo đã cho một thí dụ dí dỏm: “Il n’y a plus de faucons là-haut: on n’y trouvera plus que de vrais cons.” (“Về cương vị ngôn ngữ học của tiếng”, Ngôn ngữ, số 2-1985, tr. 28). Nghĩa của câu này là: “Không còn con chim cắt nào trên đó: người ta chỉ có thể thấy ở đó những thằng ngu thật mà thôi.” Nhưng hiểu như thế này thì ngớ ngẩn, vì ở đây, người ta đã chơi calembour: faucons (chim cắt) phải được hiểu là faux cons (những thằng ngu giả) thì mới đối với vrais cons (những thằng ngu thật) được. Và cả câu sẽ là: “Không còn thằng ngu giả nào trên đó: người ta chỉ có thể thấy ở đó những thằng ngu thật mà thôi.” Đó là calembour, tức song quan, kiểu như “tân cay” được hiểu thành “tân mới” vậy.
Nhưng điều quan trọng cần nhấn mạnh là có lẽ ông Hà Văn Thuỳ không ngờ rằng ở đây, tân 辛 chỉ là một chữ giả tá nên cứ cố gán cho nó cái nghĩa “cay đắng, nhọc nhằn”. Giả tá, nói nôm na là chữ mượn. Khi người ta cần ghi lại tên của can Tân, thì người ta thấy đã có sẵn chữ tân 辛 , mà nghĩa gốc là “tội” nên mới mượn tự dạng của từ có nghĩa là “tội” này, tức chữ 辛, để ghi âm tên của nó, với tư cách là can thứ tám của thập can. Nếu biết được điều này thì ông Thuỳ sẽ dễ dàng thấy rằng cả “cay” lẫn “mới” đều không trực tiếp dính dáng gì đến nội hàm của khái niệm TÂN với tư cách là can thứ tám của thập can.
Cuối cùng, xin thưa thật với bạn rằng chúng tôi không dám đoán xem năm nay ta sẽ được chia ngọt sẻ bùi hay phải ngậm đắng nuốt cay vì chúng tôi không muốn làm … thầy bói. Còn nếu nói về ước nguyện, và chỉ về ước nguyện mà thôi, thì dù chữ tân 辛 có nghĩa là cay đắng, cay đắng đến cực độ đi nữa, chúng tôi vẫn cứ mạn phép cầu mong cho dân ta được ấm no, hạnh phúc, nước ta được yên bình, ổn định trong cả năm con … “meo meo” này.
Và cũng xin nhân tiện tặng bạn và bạn đọc đôi câu đối cây nhà lá vườn sau đây:
Chung thân ôn bão dân tâm thoả;
Đương chức thanh liêm quốc vận hưng.
終身温飽民心妥;
當職清廉國運興.
(Suốt đời no ấm, lòng dân thoả;
Đương chức thanh liêm, vận nước hưng).
No comments:
Post a Comment