KHI nói đến Hồ Chủ tịch trong mối quan hệ với đảng, chính phủ Trung Quốc (TQ) - hầu như ai cũng nhắc đến hai câu thơMối tình hữu nghị Việt – Hoa/ Vừa là đồng chí vừa là anh em; qua đó, gián tiếp và mặc nhiên khẳng định rằng đối với Bác Hồ, quan hệ Việt – Trung là một điều gì đó đã được mặc định, đương nhiên và, trong suy nghĩ và Tư tưởng Hồ Chí Minh (HCM), đó là sự thiêng liêng không cần phải bàn cãi?!
Có thể nói đây là một mối quan hệ đặc biệt và tế nhị cần phải nghiên cứu một cách kỹ càng. Bài viết nhỏ này trên cơ sở cứ liệu công khai đã có muốn đưa ra một phác thảo nghiên cứu rất nhỏ nhằm làm sáng tỏ những quan niệm - ứng xử - thái độ đúng và đủ của HCM đối với TQ trong một khoảng thời gian không dài nhưng hết sức quan trọng của Người – 10 năm cuối đời, tức là từ 1/10/1959 đến tháng 9/1969.
1. Điều đặc biệt và điềukỳ lạ là suốt 10 năm rất, rất quan trọng đó của sự nghiệp Cách mạng của nhân dân ta, HCM chỉmột lần duy nhất viết bài kỷ niệm ngày quốc khánh của nước CHNDTH – ngày 28/9/1959, nhân chuyến thăm TQ đồng thời kỷ niệm 10 năm ngày thành lập nước Cộng hòa công nông lớn nhất thế giới. Kể từ đó, cho đến khi từ biệt thế giới này, Chủ tịch HCM không bao giờ gửi thư hay điện mừng để chúc mừng quốc khánh nước CHND Trung Hoa.
2. Suốt 10 năm trời, Chủ tịch HCM chỉ một lần bàn về cách mạng TQ trong một bài viết nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đảng CSTQ, tháng 7/1961. ở bài viết này (báo Nhân Dân, 1/7/1961, số 2.658), Hồ Chủ tịch cho biết Người đã hai lần đứng trong hàng ngũ Đảng CSTQ. Một lần trong những năm 1924-1927, với chức danh là “tuyên truyền đối ngoại”, viết bài về Đảng CSTQ cho một bài báo bằng chữ Anh và, một lần, vừa là binh nhì trong Bát lộ quân, vừa là Bí thư chi bộ của một đơn vị ở Hành Dương (HCM, TT, T.10, tr. 365-368. NXB CTQG, H. 2002). Có một bài viết nữa về TQ nhưng đó lại là bài Trả lời Thư của các đảng phái dân chủ, các nhân sĩ dân chủ không đảng phái và Hội liên hiệp công thương TQ (T.11, tr.385).
3. Một điểm rất cần được nhấn mạnh là trong bài viết duy nhất về cách mạng TQ, Bác Hồ đã thẳng thắn ca ngợi chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư ĐCS Liên Xô N. Khruchov: “cuộc đi thăm nước Mỹ của đồng chí Khơrútsốp (in liền trong nguyên bản, T.9, tr.511-512, sic) càng làm cho nhân loại tiến bộ nức lòng phấn khởi và tăng thêm tin tưởng vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình thế giới”. Hầu như ai cũng biết TQ luôn gọi Khruchov là "xét lại" và Liên Xô là "đế quốc xã hội". Thế nhưng, Hồ Chủ tịch vẫn thẳng thắn ca ngợi mối quan hệ Xô - Mỹ - nghĩa là không hề ngần ngại khi đụng chạm vào điều “khó nói” của các nhà lãnh đạo Trung Hoa!
Từ những dẫn liệu trên đây, chúng tôi nghĩ rằng rất nên đặt ra một số câu hỏi để làm rõ hơn về Chủ tịch HCM - đặc biệt, đây là thời điểm mà toàn Đảng toàn dân đang ra sức học tập và làm theo Tư tưởng, đạo đức HCM. Thứ nhất, không thể nói suốt 10 năm trời của cuộc cách mạng đầy nước sôi lửa bỏng của nhân dân ta mà Hồ Chủ tịch lại “quên” không gửi điện chúc mừng quốc khánh nước CHNDTH. Bằng chứng rất rõ là ở chỗ, ngay như những nước Mali hay Ghinê xa xôi, Hồ Chủ tịch vẫn gửi Điện mừng nhân dịp quốc khánh – ngày 1/10/1960 và 2/10/1963(!) (T.10, tr.212 và T.11, tr.143)...
Như vậy, nếu chúng ta đối chiếu với 4 bài viết về TQ trong 3 năm 1922-1924 so với một bài trong 10 năm thì sẽ thấy - hiểu khá rõ rằng, trong quan điểm của HCM, có không ít những điều Người (tuy không nói rõ ra) không đồng tình với cung cách hành xử của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh. Cách nhìn mẫn tiệp và sắc sâu ấy là điều mà chúng ta cần nghiên cứu và học tập. Không ngẫu nhiên mà những năm 1959-1969 là những năm TQ đang ủng hộ rất nhiều về cả tinh thần và vật chất cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta mà Chủ tịch HCM đã “quên” việc gửi thư cảm ơn hay điện mừng nhân dịp quốc khánh? Cách “quên” của thiên tài HCM buộc chúng ta phải suy nghĩ và, buộc tất cả những nhà nghiên cứu quan tâm tới vấn đề phải nhìn nhận một cách khách quan hơn, đúng đắn hơn. Những dẫn chứng trên phải chăng là những minh chứng về những điều thiêng liêng nhất về trí tuệ và tình cảm của một Nhân cách Vĩ đại - một Tầm nhìn Sắc sâu của một người con đáng kính của Đất Mẹ Việt Nam!
No comments:
Post a Comment