Saturday, 2 August 2014

SỬA SAI ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ VÀ PHÁT HIỆN SAI LẦM CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT (Hoàng Nhật Tân - Talawas)


HOÀNG NHẬT TÂN – TRÍCH HỒI KÝ “THIÊN THU ĐỊNH LUẬN”: CHƯƠNG VI “SỬA SAI ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ VÀ PHÁT HIỆN SAI LẦM CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT”

25/09/2010 | 3:11 sáng | 4 phản hồi
Tác giả: talawas
talawas – Trong chương VI của cuốn hồi ký tự xuất bản mang tên Thiên thu định luận (Phả ký gia tộc) mà chúng tôi giới thiệu dưới đây, tác giả Hoàng Nhật Tân thuật lại việc cha mình, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Hoàng Văn Hoan (1905-1991), phát hiện sai lầm Cải cách Ruộng đất giai đoạn 1953-1956. Do những bất đồng trong nội bộ ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là do mâu thuẫn với Lê Duẩn, ông Hoàng Văn Hoan đã bỏ trốn sang Trung Quốc giữa thời điểm quan hệ Việt – Trung căng thẳng cao độ năm 1979 và bị Việt Nam kết án tử hình vắng mặt. Trong cuốn hồi ký Giọt nước trong biển cả viết tại Bắc Kinh năm 1986, ông nhận định: “Lê Dun là mt k âm mưu đt li ích cá nhân và bè cánh lên trên li ích ca dân tc, đc bit là nhng năm trước và sau khi H Ch tch mt, tôi được biết nhng hot đng xu xa nguy him ca y, nhưvic choán quyn Đng, vic xuyên tc lch s, vic đng viên toàn b lc lượng chng Trung Quc và xâm chiếm Cam-pu-chia, là nhng vic phn ch nghĩa Mác – Lê-nin, phn cách mng, phn li ích ca dân tc, ca T quc.”
__________
Trong cuộc đời cha tôi có nhiều sự kiện tỏ ra ông độc lập suy nghĩ nên thường hay phát hiện được sai lầm. Chương trên đã kể nhiều sự kiện, những phải nói rằng sự kiện nổi bật nhất và có ý nghĩa trọng đại hơn cả là việc ông đi sửa sai “đấu tranh chính trị” đầu năm 1953 và phát hiện sai lầm Cải cách Ruộng đất từ 1953 đến 1956.
Ngày ấy cha tôi là một Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt nam và uỷ viên Thường vụ Quốc hội, đang làm Đại sứ nước ta ở Trung Quốc, kiêm Đại sứ ở Triều Tiên và ở Mông Cổ. Ông thường từ Bắc Kinh về nước tham gia các cuộc hội nghị Trung ương Đảng và họp Quốc hội để xây dựng Cương lĩnh Ruộng đất của Đảng và Luật Ruộng đất của Quốc hội cũng như kiểm điểm công tác định kỳ của Trung ương.
Về phần tôi, từ cuối năm 1952 cho đến đầu năm 1957 là một cán bộ chủ chốt của cuộc vận động giảm tô và Cải cách Ruộng đất. Cuối năm 1952 đến tháng 7-1954 là thư ký của đồng chí Hoàng Quốc Việt, uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách công tác Mặt trận và dân vận, chuyên trách chỉ đạo chung phong trào phát động quần chúng thực hiện giảm tô và Cải cách Ruộng đất. Từ tháng 7-1954 đến cuối năm 1956 là Trưởng ban Tuyên huấn của Uỷ ban Cải cách Ruộng đất Trung ương.
Do hoàn cảnh như trên mà tôi hiểu khá kỹ một phần hoạt động của cha tôi trong thời gian này, mỗi lần ông về nước.
*
Tháng 12-1952, tôi có một chuyến đi từ Liên khu IV ra Việt Bắc để phục vụ Hội nghị Nông vận và Dân vận Toàn quốc họp tại khu rừng tỉnh Tuyên Quang. Mấy ngày ở làng quê Quỳnh Đôi, tôi chứng kiến cuộc “đấu tranh chính trị” của quần chúng địa phương. Ở làng tôi, người ta bắt mấy chục người thuộc từng lớp giáo viên, hào lý, công chức cũ bị tình nghi là “phản động”, đưa ra đình làng cho nhân dân truy khảo bắt phải nhận tội. Hình thức truy khảo rất tàn bạo, như trói, treo, đánh bằng gậy, đốt mười đầu ngón tay v.v… khiến những người bị tra tấn phải nhận tội và khai ra “tổ chức phản động”, mặc dầu chưa có chứng cớ gì xác thực để buộc tội họ là phản động.
Từ Quỳnh Đôi ra tới địa điểm hội nghị, tôi lập tức tìm gặp đồng chí Hoàng Quốc Việt báo cáo ngay những điều tai nghe mắt thấy như trên:
“Thưa anh”, tôi nói, “Đây là một hiện tượng khác thường. Tôi thấy Bác Hồ nêu cao chính sách khoan hồng và Đại đoàn kết, thế mà ở quê tôi, nghe nói đây là sáng kiến, chủ trương từ đâu trên Tỉnh uỷ hay Khu uỷ đưa xuống. Vậy đề nghị anh báo cáo với Bác để kịp thời xem xét.”
Đồng chí Hoàng Quốc Việt vỗ vai tôi thân mật:
“Tân thấy hiện tượng như thế mà báo cáo ngay với trung ương là rất tốt. Nhưng anh cứ yên trí, việc này tối hôm qua anh Ca là cán bộ Cục Thuế ở Hà Tĩnh ra đây họp đã báo cáo với trung ương và Bác Hồ đã phái anh Hoan cầm đầu một đoàn cán bộ vào ngay khu IV kiểm tra và xử lý vấn đề.”
Nhiều đồng chí cán bộ Liên khu IV hồi ấy kể lại rằng phong trào truy bức, đấu tố chính trị nói trên khởi đầu từ Diễn Châu (Nghệ An). Cán bộ tình nghi một số phần tử phản động, liền bắt họ ra trước hội nghị dân làng để cật vấn. Nhân dân căm thù phản động, đánh đập họ, truy khảo bắt khai, thế là lòi ra cả một tổ chức phản động rất lớn, tay sai của thực dân xâm lược Pháp, ngấm ngầm phá hoại kháng chiến đã từ lâu, và tổ chức này đã lan rộng ra nhiều làng xã.
Một đồng chí Uỷ viên Khu uỷ kiêm Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An được tin, cho rằng đây là một sáng kiến rất hay của quần chúng, liền chỉ thị cho các tỉnh truyền bá kinh nghiệm này, mở rộng nhanh chóng thành một phong trào quần chúng đấu tranh chính trị truy nã phản động, từ Nghệ An ra tới Thanh Hoá, vào cả Hà Tĩnh.
Hàng trăm người bị tra khảo rất tàn bạo. Có người đã chết. Các chị nói: Ngày ấy, nếu Bác không kịp thời phái anh Hoan vào ngăn lại thì phong trào “đấu tranh chính trị” tai hại nay còn làm chết bao nhiêu người nữa.
*
Anh Sơn Tùng là nhà văn đã sưu tầm được nhiều sử liệu và hồi ký, nhắc lại với tôi rằng: Các lão đồng chí tham dự cuộc họp sửa sai đấu tranh chính trị ở Khu IV hồi ấy còn nhớ anh Hoan chỉ vào đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An (là Khu uỷ viên) mà nói như mắng: “Là một người cộng sản mà anh đang tâm ngồi xem quần chúng treo ngược người ta, thui đốt người ta, thử hỏi lương tâm cộng sản của anh ở đâu? Chủ trương của Khu uỷ, tỉnh uỷ phát động đấu tranh chính trị như thế chẳng những là một sai lầm mà còn là một tội lỗi với dân, với Đảng, gây tác hại vô cùng nghiêm trọng và lâu dài. Mấy đời sau, con cháu những người bị tra tấn kia sẽ còn nguyền rủa ai là người đã gây ra tang tóc, thương tật cho ông cha họ!”
Sau này tôi được xem bản báo cáo của cha tôi trình lên Bác khi đã làm xong đợt sửa sai “đấu tranh chính trị”. Ông phê phán chủ trương của Khu uỷ IV và Tỉnh uỷ Nghệ An là hồ đồ, mù quáng, tạo thành một sai lầm phổ biến và rất nghiêm trọng, tác hại sâu sắc đến uy tín của Đảng, xâm phạm lợi ích quần chúng, phá hoại khối đoàn kết kháng chiến. Trong quá trình sửa sai, ông đã xuống một vài xã, huyện điều tra cụ thể, rồi họp Khu uỷ, Tỉnh uỷ, chỉ thị phải chấm dứt ngay phong trào đấu tố chính trị ấy, thừa nhận chủ trương sai lầm và tự phê bình nghiêm túc với các cấp dưới. Một mặt tuyên bố xoá bỏ các hồ sơ báo cáo về tổ chức phản động do truy bức mà tạo nên. Ông không chủ trương thi hành kỷ luật tất cả cán bộ đã chấp hành nghị quyết sai lầm kia, chỉ đề nghị Trung ương thi hành kỷ luật một đồng chí Khu uỷ viên đã mù quáng ra chỉ thị. Mặt khác ông đề nghị tuyên dương một số đồng chí ở các xa, huyện đã dám phản đối, hoặc ngăn cản hành động truy bức, nhục hình.
Cho đến nay một số người từng bị truy bức còn giữ thương tật, họ thường nhắc lại việc cha tôi sửa sai. Nhờ có sự sáng suốt của Bác Hồ và công tác sửa sai của ông mà bao nhiêu người đã thoát nạn.
*
Sau vụ “đấu tranh chính trị” ở khu IV xong, cha tôi trở sang Trung Quốc, lần đó cha con chúng tôi không có dịp gặp nhau ở Việt Bắc.
Về phần tôi, sau Hội nghị Nông vận và Dân vận Toàn quốc tháng 2-1953, tôi được đi theo đồng chí Hoàng Quốc Việt đến Thái Nguyên tổ chức Đoàn uỷ thí điểm giảm tô. Tôi được làm thư ký chung của Đoàn uỷ, theo dõi các đội thí điểm giảm tô trong 25 xã thuộc ba tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ và Thanh Hoá. Sau đó tiếp tục theo dõi công tác phát động quần chúng giảm tô đợt 1, mở rộng trong 163 xã.
Khi hai đợt giảm tô đầu tiên đã kết thúc, Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ 5 vào tháng 11-1953, đánh giá kết quả giảm tô rất tốt: phát động được quần chúng nâng cao ý thức đấu tranh giai cấp, bước đầu hạ uy thế địa chủ, gây một luồng phấn khởi rất sâu rộng trong toàn dân, nhất là quân đội, những người nông dân mặc áo lính, càng hăng hái chiến đấu quên mình trên các chiến trường. Trung ương Đảng quyết định mở rộng nhanh chóng phong trào phát động quần chúng giảm tô và tiến hành một đợt thí điểm cải cách ruộng đất.
Chuyện từ giảm tô lên cải cách ruộng đất là một chủ trương lớn, có ý nghĩa lịch sử, nên Trung ương quyết định họp Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất của Đảng (từ 14 đến 23-11-1953) để thông qua đường lối chung. Tiếp đến Hội nghị Uỷ ban Mặt trận Liên Việt toàn quốc (26 đến 28-11-1953) nhiệt liệt hoan nghênh thắng lợi giảm tô và hoàn toàn tán thành chủ trương của Đảng về cải cách ruộng đất. Sau đó Quốc hội (Khoá I) họp lần thứ ba (1 đến 4-12-1953) nhất trí thông qua Luật ruộng đất và ngày 19-12-1953 Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh ban hành Luật Ruộng đất.
Trong dịp này cha tôi có mặt ở Việt Bắc khá lâu. Tôi lại được hân hạnh tham gia Hội nghị toàn quốc của Đảng với tư cách là cán bộ của Trung ương theo dõi diễn biến của hội nghị qua các buổi thảo luận của các đoàn đại biểu các địa phương. Trong hoàn cảnh đó cha con chúng tôi thường gặp nhau.
Một buổi chiều, khi Hội nghị toàn quốc đã kết thúc, cha tôi tìm gặp tôi sau bữa cơm chiều, cùng tôi đi dạo trên đường rừng, quanh khu vực hội nghị. Ông hỏi tôi tin tức về gia đình ở trong quê Nghệ An, rồi hỏi về công tác của tôi từ ngày được điều động về nước.
Tôi kể:
“Khi con từ Bangkok về tới Việt Bắc cuối năm 1951 được gặp đồng chí Phạm Văn Đồng báo cáo tình hình công tác của Đảng bộ ở Thái Lan. Sau đó anh Trần Hiệu là Trưởng ban Tình báo gặp con, dự định xin con sang làm công tác tình báo Đông Nam Á. Nhưng Trung ương cho con dự một lớp chỉnh huấn ở trường Nguyễn Ái Quốc khoá 2, rồi điều động về Văn phòng Trung ương Đảng làm thư ký cho đồng chí Hoàng Quốc Việt, theo dõi công tác Mặt trận và Dân vận. Cuối năm 1952, con đã giúp anh Việt ấy thảo chương trình công tác 1953. Hồi ấy đã có thư của Đoàn Cố vấn Trung Quốc hỏi Trung ương đối với giai cấp địa chủ thì có đánh đổ toàn bộ không và đối với việc phát động quần chúng thì có ‘phóng tay’ hay không. Trung ương đã quyết tâm ‘phóng tay’ phát động quần chúng và đánh đổ toàn bộ giai cấp địa chủ một cách có sách lược phân hoá.” Cha tôi hỏi:
“Qua hai đợt phóng tay phát động quần chúng giảm tô vừa rồi Tân có nhận xét gì không?”
“Con thấy các đội công tác, đội nào đi sâu thăm nghèo hỏi khổ và phóng tay phát động quần chúng thì ở đấy giảm tô, thoái tô nhanh chóng. Nhưng địa chủ cũng phản ứng rất mạnh, thầy ạ.”
Ông nhìn tôi có vẻ thăm dò, rồi nói với một giọng, tin cậy, thân mật:
“Tân dự Hội nghị toàn quốc vừa rồi thì thấy đấy: đường lối Cải cách Ruộng đất của Trung ương rất toàn diện, rất mềm dẻo, đánh vào giai cấp địa chủ có phân biệt các loại, chiếu cố địa chủ kháng chiến, chú trọng đoàn kết nông thôn, tránh gây chấn động, làm mất sự đồng tình của các nhân sĩ, trí thức, anh em khối đoàn kết kháng chiến toàn dân. Những lần này thầy về nước, đi từ biên giới đến an toàn khu, có tham quan mấy cuộc đấu tố địa chủ ở các xã giảm tô, thì thấy cách làm như hiện nay là không đúng.”
“Không đúng thế nào ạ?” Tôi hỏi trong thái độ ngạc nhiên.
“Mình thấy các đội giảm tô đem địa chủ ra cho quần chúng đấu tố, xỉ vả như thế thì sẽ gây ra oán thù không cần thiết. Mặt khác mình thấy trên đường nhan nhản khẩu hiệu ‘Dựa vào bần cố nông, đoàn kết với trung nông, trung lập phú nông, đánh đổ giai cấp địa chủ’ cũng rất đáng suy nghĩ. Đây là một khẩu hiệu sách lược, cần phổ biến sâu sắc, thấm nhuần nội bộ để trong hành động thực tế của cán bộ có phương pháp đúng mức, chứ giương lên công khai khắp các nẻo đường như thế thì không thể đoàn kết nông thôn, thậm chí có thể gây chia rẽ trong nội bộ nông dân. Khẩu hiệu ‘trung lập phú nông’ nay đã được Trung ương sửa lại là ‘Liên hiệp phú nông’ cốt để lôi kéo phú nông, nhưng cách phát động quần chúng như thế này thì chưa chắc đã liên hiệp được phú nông đâu.”
Ngừng một lát, có ý xem thái độ của tôi, ông nói tiếp:
“Những điều mình nói với Tân hôm nay mình đã phát biểu trong cuộc họp Trung ương rồi, nhưng chỉ là ý kiến trong nội bộ thôi. Tân là một cán bộ của Trung ương, nên biết, nhưng cũng là biết vậy chớ không được tuỳ tiện phát biểu rộng rãi.”
Nghe cha tôi nói, tôi hơi ngạc nhiên. Qua hai đợt giảm tô, tôi là một cán bộ chủ chốt của Đoàn uỷ do đồng chí Hoàng Quốc Việt phụ trách, tôi chỉ được nghe những lời ca ngợi cái hay cái tốt của phong trào và sự sáng suốt của Đảng, lòng biết ơn của nhân dân với Bác, với Đảng đã đem lại quyền lợi thiết thân. Đây là lần đầu tiên tôi được nghe một ý kiến phê bình từ miệng cha tôi, một đồng chí uỷ viên Trung ương Đảng. Tôi chỉ im lặng.
Thật ra, trong vấn đề này tôi đã một lần vấp váp hồi chỉnh huấn ở Trường Nguyễn Ái Quốc đầu năm 1952.
Ngày ấy Trung ương đang cân nhắc và chuẩn bị có sự chuyển hướng chính sách đối với giai cấp địa chủ. Việc giáo dục về lập trường giai cấp trong các lớp chỉnh huấn được nhấn mạnh, đi đôi với việc khuyến khích “tự do tư tưởng”, dám nghĩ, dám nói (để Trung ương nắm vững tư tưởng cán bộ). Nhà trường tổ chức một buổi thảo luận chung tại hội trường, cho học viên tranh luận chuyên đề “Có nên chuyên chính với giai cấp địa chủ hay không”. Nhiều đồng chí đã thấu hiểu dự định của Trung ương đặt vấn đề lập trường giai cấp thành cơ sở nghiên cứu vấn đề này. Riêng tôi, mới ở Thái Lan về nước, chưa nhạy bén cảm thụ điều dự kiến của Trung ương, nên đã mạnh dạn phát biểu:
“Từ ngày Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay, Bác Hồ đã nhiều lần tuyên bố chính sách đoàn kết, không phân biệt giai cấp để mưu cầu giải phóng dân tộc. Hồi đầu kháng chiến, nhiều nhân sĩ hỏi Bác ‘Có đoàn kết với địa chủ không và có đoàn kết lâu dài không?’ thì Bác đã trả lời dứt khoát: Chân thành đoàn kết, đoàn kết lâu dài cho đến ngay kháng chiến thành công. Bây giờ Đảng ta muốn nâng cao đời sống nông dân, giảm nhẹ bóc lột, thì nên vận động địa chủ vì lòng yêu nước, vì nghĩa đồng bào mà nhả bớt quyền lợi kinh tế, khiến nông dân đỡ khổ, hăng hái đánh giặc, vì số đông bộ đội là con cái nông dân. Chỉ có những địa chủ đã là Việt gian, phản động thì mới không nghĩ tới đồng bào, không chịu giảm bớt bóc lột mà thôi. Nếu ta tuyên bố chuyên chính với giai cấp địa chủ thì hoá ra Bác Hồ làm sai lời hứa. Như vậy có ảnh hưởng tới lòng tin của nhân dân đối với Đảng, nhất là các nhân sĩ yêu nước đã đi theo kháng chiến mà nghe nói giai cấp của họ là đối tượng chuyên chính của ta thì họ sẽ nghĩ như thế nào về Bác, về Đảng Lao động Việt Nam.”
Sau buổi thảo luận, một số đồng chí trong lớp gặp tôi tỏ lời hoan nghênh bài phát biểu của tôi là có tình có lý. Nhưng ngày hôm sau tôi đã bị phê bình đích danh trên tờ báo tường dán ở trước hội trường. Đó là bài của anh Hà Nghệ, thư ký đồng chí Trường Chinh, từng viết một số bài hay trên báo Nhân dân, nay được đi học chỉnh huấn Trường Nguyễn Ái Quốc. Tác giả bài bích báo phê phán: “Đồng chí Hoàng Nhật Tân không nắm vững lập trường giai cấp, không hiểu sự cần thiết phải chuyển hướng đường lối giai cấp của Đảng… còn thông cảm với giai cấp bóc lột hơn là thông cảm với quần chúng cơ bản của cách mạng.”
Từ đó tôi dè dặt hơn trong phát biểu ý kiến, và tự nhắn nhủ mình phải quan tâm rèn luyện lập trường giai cấp của một chiến sĩ cộng sản. Qua thực tế của phong trào giảm tô tôi càng thấm nhuần cách giải thích của các đồng chí cố vấn Trung Quốc về âm mưu của giai cấp địa chủ, về những người liên quan với địa chủ thường vì tình cảm bà con họ hàng mà làm trái lợi ích giai cấp của bần cố nông. Các đồng chí cố vấn giải thích cho cán bộ tham gia giảm tô rằng: Một người chiến sĩ cách mạng chân chính thường phải trải qua ba của ải: Cửa ải kháng chiến để rèn luyện tinh thần yêu nước, cửa ải phát động quần chúng để nâng cao lập trường giai cấp và cửa ải chỉnh huấn để từ sửa chữa sai lầm, tỏ lòng trung thành với Đảng.
Trong thời gian các đợt giảm tô và Cải cách Ruộng đất đầu tiên, tôi hoàn toàn tin tưởng những điều đã học được ở trường chỉnh huấn và ở các lớp giảng của cố vấn, cho nên mỗi khi nghĩ đến những lời cha tôi phê bình việc phát động quần chúng giảm tô thì tôi lại thấy hơi lo, một mối lo mơ hồ, không rõ rệt. Tôi không thể nói điều lo lắng này ra với cha tôi cũng như với bất cứ ai cả.
*
Ngay sau khi Luật Ruộng đất được công bố, đồng chí Hoàng Quốc Việt đích thân chỉ đạo đợt thí điểm Cải cách Ruộng đất ở 6 xã thuộc huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên, vào đầu năm 1954.
Tháng 5-1954, phát động quần chúng giảm tô đã làm xong ở 631 xã thuộc các tỉnh vùng tự do từ Việt Bắc đến Thanh Nghệ Tĩnh. Đợt thí điểm Cải cách Ruộng đất cũng hoàn thành. Đợt I Cải cách Ruộng đất bắt đầu tiến hành trên 47 xã thuộc tỉnh Thái Nguyên và 6 xã thuộc Thanh Hoá. Bản thân tôi được đồng chí Hoàng Quốc Việt cho nắm một đội Cải cách Ruộng đất xuống xã Túc Duyên (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) làm thí điểm.
Đi vào thực tế, là đội trưởng, tôi cũng bắt rễ, xâu chuỗi như mọi anh em đội viên, xét duyệt danh sách địa chủ ở các xóm do các tổ báo cáo lên. Tôi thấy thật khó mà trong vòng một thời gian ngắn nắm bắt được tâm trạng của 20 anh em đội viên của mình, khó mà nắm rõ thực hư trong mọi trường hợp nông dân tố khổ địa chủ. Tôi chỉ làm được một việc là nhắc anh em lắng nghe cả trung bần cố nông để giữ được khách quan, đừng để xảy ra nhục hình khi đấu tố. Những đến cuối đợt thì được đồng chí đội phó báo cáo là ở xóm của đồng chí phụ trách có một địa chủ tự sát. Thẩm tra lại các yếu tố thì chúng tôi xác định đây là trường hợp bị quy oan địa chủ. Phát hiện sai lầm này cũng vừa lúc Đoàn uỷ triệu tập các đội ở Thái Nguyên về địa điểm tổng kết đợt thí điểm Cải cách Ruộng đất. Tôi uỷ thác đồng chí đội phó ở lại Thái Nguyên tiến hành sửa sai ngay cho gia đình bị quy oan, rồi đưa toàn đội về Thái Nguyên tham gia Hội nghị Tổng kết.
Qua thực tế đợt I Cải cách Ruộng đất, tôi bắt đầu nghĩ rằng ý kiến cha mình phê bình cách làm phát động quần chúng là có phần đúng: Một số cán bộ trong đội Cải cách Ruộng đất muốn gây thành tích, cố moi ra cho được nhiều địa chủ. Khi động viên nông dân kê khai ruộng đất thì chẳng những cán bộ trong đội, mà ngay cả đồng chí cố vấn Trung Quốc xuống xã cũng có khuynh hướng ép nông dân khai tăng số ruộng đất họ mới được chia để có thành tích tuyên truyền. Nhân dân trong xã Cải cách Ruộng đất từ trung nông trở lên có nhiều thắc mắc mà không ai dám nói vì sợ bị vạ lây.
Trong Hội nghị Tổng kết, tôi được chỉ định ra báo cáo điển hình ở hội trường, nói lên một số nhận thức của mình là phải chống hữu khuynh đồng thời hết sức tránh tả khuynh. Cần lắng nghe cho thấu ý kiến của nhân dân, cả bần cố và trung nông trong khi phân định thành phần giai cấp trong xã cũng như khi lãnh đạo nông dân bình nghị để kê khai ruộng đất. Tôi thay mặt toàn đội Túc Duyên tự phê bình nghiêm khắc về việc quy oan địa chủ dẫn tới vụ tự sát thảm thương. Có thể nói nhận thức của tôi tuy có chuyển biến bước đâu, nhưng còn rất hời hợt.
Đợt I Cải cách Ruộng đất chấm dứt đúng vào lúc Hội nghị Genève kết thúc thắng lợi. Hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Campuchia và Lào được ký kết. Hoà bình được lập lại, quân xâm lược Pháp sắp phải rút khỏi miền Bắc Việt Nam.
Từ tháng 7-1954, Đoàn uỷ Cải cách Ruộng đất ở Thái Nguyên do đồng chí Hoàng Quốc Việt phụ trách, bàn giao nhiệm vụ lại cho khu uỷ Việt Bắc và Đoàn uỷ Cải cách Ruộng đất ở Thanh Hoá do đồng chí Hồ Viết Thắng phụ trách bàn giao lại cho Khu uỷ IV. Các đồng chí lãnh đạo cùng một số cán bộ chủ chốt trong đó có tôi trở về thủ đô Hà Nội. Trung ương Đảng quyết định thành lập Uỷ ban Cải cách Ruộng đất Trung ương gồm các đồng chí lãnh đạo của Đảng và đại biểu của Mặt trận Liên Việt (sau đổi là Mặt trận Tổ quốc), đại biểu các đoàn thể quần chúng và một số nhân sĩ yêu nước tiêu biểu là uỷ viên Uỷ ban Cải cách Ruộng đất Trung ương do đồng chí Trường Chinh làm chủ tịch, hai uỷ viên Bộ Chính trị là Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương trực tiếp phụ trách, đồng chí Hồ Viết Thắng, uỷ viên Trung ương Đảng là uỷ viên thường trực, chỉ đạo công tác hàng ngày. Bản thân tôi được giao nhiệm vụ mới: Trưởng ban Tuyên huấn của Uỷ ban Cải cách Ruộng đất trung ương, dưới quyền chỉ đạo của đồng chí Hồ Viết Thắng.
Trong hoàn cảnh hoà bình, tháng 9-1954, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra nghị quyết mới, coi Cải cách Ruộng đất là điều kiện quyết định để phục hồi kinh tế sau chiến tranh, nhưng cần phải điều chính chính sách cho thích họp với tình hình mới, không trái với Hiệp định Genève. Dựa theo tinh thần nghị quyết Bộ Chính trị ,Uỷ ban Cải cách Ruộng đất Trung ương ra quyết định “Đẩy mạnh phát động quần chúng thực hiện Cải cách Ruộng đất”, trong đó sửa đổi và bổ sung một số quy định cụ thể như: Rút khẩu hiệu “Đánh đổ Việt gian phản động” (Vì Hiệp định Genève quy định hai bên không được trả thù người đã từng cộng tác với đối phương) thay bằng khẩu hiệu “Đánh đổ địa chủ cường hào gian ác”, thu hẹp diện đấu tranh, sửa đổi phương pháp đấu tranh, tăng cường tác dụng của Toà án Nhân dân; không vạch linh mục là “Địa chủ Nhà Chung”, mở rộng diện trưng mua, cho địa chủ hiến ruộng với điều kiện rộng rãi hơn, chiếu cố những nhà công thương nghiệp kiêm địa chủ v.v…
Tuy chủ trương, chính sách vạch ra mềm dẻo như vậy, nhưng trong thực hành, các đội giảm tô và Cải cách Ruộng đất vẫn làm như cữ. Diện đả kích ngày càng mở rộng. Toà án Nhân dân do các đội Cải cách Ruộng đất lập nên xử bắn nhiều người bị quy oan là địa chủ cường hào gian ác. Từ Uỷ ban Cải cách Ruộng đất Trung ương truyền xuống một quy định miệng là mỗi xã phải có từ 3 đến 5 phần trăm số hộ là địa chủ thì mới tránh khỏi “lọt lưới”. Hầu hết cán bộ lãnh đạo xã trước ngày phát động quần chúng giảm tô và Cải cách Ruộng đất bị gạt ra khỏi công cuộc vận động quần chúng. Không ít người bị quy thành phần địa chủ, hoặc liên quan với địa chủ, tay sai địa chủ, thậm chí bị quy là phản động, ngấm ngầm làm tay sai cho Pháp trong thời địa phương bị chiếm đóng.
Tháng 3-1955, Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ 7. Cha tôi từ Bắc Kinh về Hà Nội tham gia hội nghị. Ông đã thẳng thắn nói lên những ý kiến phê phán của mình đối với cách thực hiện Cải cách Ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Nhưng ông đã được đả thông rằng tuy có những hiện tượng “tả khuynh”, nhưng đó là tất yếu trong cuộc đấu tranh giai cấp “long trời lở đất” ở nông thôn hàng ngàn năm dưới ách phong kiến, đứng trước sức phản ứng quyết liệt của giai cấp địa chủ và bọn tay sai của địch còn cài lại ở miền Bắc. Tuy được đả thông, ông vẫn kiên trì phản ánh dư luận nhân dân không đồng tinh với những sai lầm của các đội cải cách. Ông dẫn chứng báo cáo của đồng chí Hoàng Quốc Việt là trong hai đợt Cải cách Ruộng đất đầu tiên có 500 địa chủ lọt lưới và 400 địa chủ bị quy sai; và lập luận rằng 500 người lọt lưới thì có thể quy lại, nhưng 400 người bị quy sai, đã bị đấu tố, xỉ vả thì sửa như thế nào cho người ta, làm sao xoá được sự oán trách của họ và con cháu để hàn gắn sự đoàn kết trong thôn xóm.
Ý kiến phê bình của cha tôi không được chấp nhận, nhưng dầu sao sau Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, trong các bài phát biểu của các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hồ Viết Thắng đã nêu lên tinh thần “chống hữu, phòng tả”.
Tháng 8-1955 lại họp Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cũng có mặt cha tôi. Lần này ông vẫn kiên trì phê phán tả khuynh, yêu cầu phải sửa chữa ngay “tả” khuynh, chứ không phải chỉ “đề phòng tả khuynh”, vì trong thực tế “tả” khuynh đã rất nghiêm trọng. Tai hội nghị này ý kiến phê phán của ông đã mang tính chất như là đối lập với các đồng chí lãnh đạo Cải cách Ruộng đất, và dường như ông đang bị cô lập. Ở cơ quan Uỷ ban Cải cách Ruộng đất một số cán bộ thân cận với lãnh đạo đã thì thào với nhau rằng: Có lẽ chuyến này anh Hoàng Văn Hoan sẽ phải ra khỏi Trung ương và anh Hồ Viết Thắng sẽ được đề bạt vào Bộ Chính trị.
Phần tôi, tuy thầm hiểu rằng cha mình có phần đúng, nhưng mặt khác tôi vẫn còn phân vân: Phải chăng cha mình chưa thật sát với hoàn cảnh trong nước, nên chưa thật vui với niềm vui giải phóng của nông dân được có ruộng cày, thoát ách tô tức của địa chủ. Phải chăng ông đã thông cảm nhiều với nỗi oan ức của các người bị đấu tố, bị khai trừ mà ít thông cảm với nỗi khổ nhục của nông dân trước cách mạng, vì ông cũng chỉ là xuất thân gia đình nhà Nho thôi mà. Phải chăng ông chưa được trải qua cửa ải “đấu tranh giai cấp” nên về phương diện lập trường giai cấp, ông chưa thật sâu sắc như lập trường yêu nước?
Sau nhiều ngày đêm phân vân, suy nghĩ, đắn đo, cuối tháng 10-1955 tôi viết một bức thư dài 4 trang đánh máy gửi sang Bắc Kinh để bàn giải với cha mình bằng lời lẽ rất lễ độ nhưng cũng khá thẳng thắn.
Ý chính trong thư:
“Thầy ạ, mấy năm nay Trung ương Đảng đã nhận thấy mình có hữu khuynh, nên mới kiên quyết phóng tay phát động quần chúng đấu tranh. Tuy con chưa thấy Trung ương ra quyết định tự phê bình hữu khuynh, và các uỷ viên Trung ương Đảng không phải tham gia chỉnh huấn, nhưng tất cả cán bộ cao cấp đều đã kiểm thảo về khuyết điểm trước đây không am hiểu tình hình thực tế ở nông thôn, đánh giá quá thấp tính chất phản động của giai cấp địa chủ. Đối với thầy, con thấy từ sau Hội nghị Trung ương lần thứ 7, thầy thường than thở với con về những sai lầm nguy hại trong Cải cách Ruộng đất. Thầy nói ‘chỉ sợ Trung ương nghe phản ánh chưa đủ nên chưa thấy hết tầm nghiêm trọng của vấn đề, chưa thấy hết sự lo sợ và bất mãn trong nhân dân, chưa đánh giá được hậu quả của tình hình.’ Thầy còn nói ‘Có khi nghe 90 người mà chưa thấy ra sự thực, trái lại nghe một câu nói, xem một thái độ mà có thể phán ra đầu mối của sự thật.’ Cách lập luận của thầy có phần đúng, nhưng chỉ sợ thầy chưa xuất phát từ chỗ ‘nghe ai’, ‘giải quyết vấn đề cho ai’. Cải cách Ruộng đất là vấn đề của hàng triệu quần chúng lao động từng bị đói cơm rách áo. Chỉ e thầy chưa cảm thông sâu sắc nỗi khổ của họ trước cách mạng và điều phấn khởi của họ ngày nay.”
Cuối thư tôi viết: “Trên đây là những lời chân thành của đứa con một của thầy mẹ, và cũng là lời bàn giải thẳng thắn của một đồng chí cách mạng, mong góp phần suy nghĩ với thầy”.
Phải nói rằng hồi ấy tôi tuy đã nhận rõ tác hại của “tả” khuynh, và đã từng phát biểu trong hội nghị cán bộ Cải cách Ruộng đất là cần “chống tả khuynh” đi đôi với chống hữu khuynh. Nhưng trong hệ thống tư tưởng tôi đã thấm sâu quan điểm đấu tranh giai cấp qua các luận văn của đồng chí Mao Trạch Đông như “Mâu thuẫn luận”, “Thực tiễn luận”, nhất là tác phẩm “Bàn về cuộc nổi dậy của nông dân Hồ Nam”… Ngày ấy Đảng ta đặt cụ Mao lên hàng lãnh tụ mẫu mực của cách mạng thế giới, đã ghi vào Điều lệ Đảng: “Lấy học thuyết Mác, Ăng-ghen, Lenin, Stalin và tư tưởng Mao Trạch Đông kết hợp với thực tế cách mạng Việt Nam làm nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho tất cả mọi hành động”. Tôi tự nhủ không nên vì tình cảm cha con mà không nói thật, nói thẳng những ý kiến phê bình với người cha thân yêu của mình.
*
Bức thư của tôi gửi sang Bắc Kinh không được trở lại, đến tháng 9, tháng 10-1956 thì tôi bắt đầu hiểu rõ điều ngây thơ của mình và sự đúng đắn, sáng suốt của cha tôi.
Ngày ấy Cải cách Ruộng đất đợt 4 đã kết thúc từ tháng 12-1955. Trên toàn miền Bắc đã có 1585 xã nông dân được chia ruộng đất. Báo chí và đài phát thanh tuyên truyền rầm rộ về những thắng lợi huy hoàng của sự nghiệp chống đế quốc cũng như chống phong kiến. Tiếp đó, đợt 5 Cải cách Ruộng đất được phát động từ đầu tháng 1-1956. Trên ba vạn cán bộ lấy từ tất cả các cơ quan Đảng, chính, quân, dân ở các cấp được huấn luyện hàng tháng trước khi toả xuống 1720 xã thuộc 16 tỉnh, trong đó 13 tỉnh là vùng mới giải phóng.
Khi đợt 5 sắp kết thúc thì cơ quan Chủ tịch phủ cũng như Uỷ ban Thường trực Quốc hội và Văn phòng Trung ương Đảng nhận được hàng ngàn lá đơn kêu oan.
Hồ Chủ tịch gọi đồng chí Hồ Viết Thắng sang nói cho biết tình hình nghiêm trọng này và yêu cầu Thường trực Uỷ ban Cải cách Ruộng đất chọn 4 cán bộ kiểm tra có kinh nghiệm về tình tình trung thực đưa sang Phủ Chủ tịch để Bác trực tiếp giao nhiệm vụ và hướng dẫn cách làm việc để đi thẩm tra một số địa phương có nhiều dân khiếu nại. Bác dặn dò bốn anh phải hết sức khách quan, nghe đầy đủ sự thật và trở về trực tiếp báo cáo với Bác, không giấu diếm sự thật.
Bốn anh cán bộ này, tôi còn nhớ tên hai anh. Một là anh Thúc Khu IV và hai là anh Mỹ Hảo, người Hưng Yên, đều trình độ thường vụ Huyện uỷ, tham gia Cải cách Ruộng đất từ những đợt đầu và làm cán bộ kiểm tra từ đợt 5 Cải cách Ruộng đất. Họ đều xuất thân nông dân, bản chất trung thực và khiêm tốn.
Khoảng giữa tháng 8-1956, bốn anh làm xong nhiệm vụ, báo cáo kết quả kiểm tra với Bác Hồ rồi trở lại cơ quan Uỷ ban Cải cách Ruộng đất Trung ương kể lại cho một số cán bộ chủ chốt của Uỷ ban nghe.
Các anh nói đại ý là: Lâu nay các Đoàn uỷ Cải cách Ruộng đất báo cáo lên Trung ương chỉ nói nhiều về thành tích đấu tranh mà che giấu nhiều sự thật. Lần này chúng tôi đến tận nơi có vấn đề oan khuất, nghe các lão đảng viên báo cáo thực tình, vào tận nhà tù đang giam các địa chủ cường hào và “cán bộ cũ” bị qui là phản động, đến tận nhà những người đã tự sát, nghe vợ con họ trình bầy.
Ở Khu IV, các lão đồng chí yêu cầu Hồ Chủ tịch hãy xem xét lại người lãnh đạo Khu uỷ IV đã dám tuyên bố rằng: “Qua Cải cách Ruộng đất mới thấy phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là một phong trào giả tạo, do đế quốc Pháp dựng nên”.
Một đảng viên thời 1930-1931 đắp lên mình lá cờ đỏ búa liềm trước khi viết thư tuyệt mệnh, vạch tội Cải cách Ruộng đất rồi cắn lưỡi tự sát. Ở Liên khu III, trong nhà tù đã có mấy cán bộ cũ tự sát. Khi chúng tôi cùng với cán bộ Khu uỷ vào phòng giam thẩm tra, có lão cán bộ đã chửi thẳng vào mặt chúng tôi: Chính chúng mày mới là bọn phản Đảng, hại dân, hại nước.
Bà con nông dân thì kể lại nhiều trường hợp rễ chuỗi tố oan trung ương, phú nông, kích họ lên thành phần địa chủ cường hào gian ác để tịch thu được nhiều ruộng đất. Không ít trường hợp tố oan, vu khống để trả thù nhau. Cũng nhiều trường hợp do cán bộ đội mớm cung hoặc nhục hình buộc địa chủ phải nhận tội gian ác. Nguy hại nhất là nhiều cán bộ đội cải cách coi nhục hình là biện pháp tốt không thể thiếu trong đấu tranh giai cấp, mặc dầu Uỷ ban Cải cách Ruộng đất Trung ương đã nhiều lần chỉ thị ngăn cấm nhục hình.
Chúng tôi hỏi:
“Nghe các anh báo cáo, Bác nói thế nào?”
“Bác chưa nói gì, những tỏ ra rất đăm chiêu tư lự. Có lẽ nay mai họp Hội nghị Trung ương Bác sẽ có ý kiến.”
Một không khí hồi hộp chờ đợi lan nhanh trong số cán bộ của Uỷ ban Cải cách Ruộng đất Trung ương.
*
Hội nghị Trung ương họp vào tháng 9, kéo dài đến tháng 10-1956. Có người nói đây là Hội nghị Trung ương lần thứ 9, có người gọi đây là Hội nghị Trung ương lần thứ 10. Cuốn sử biên niên của Viện Sử học (xuất bản 1975) chỉ ghi Hội nghị Trung ương lần thứ 8 rồi ghi đến Hội nghị Trung ương lần thứ 10 mà không ghi gì về Hội nghị Trung ương lần thứ 9. Phải chăng đây là hai cuộc họp quan trọng được nhập làm một?
Cuốn hồi ký Giọt nước trong biển cả của cha tôi ghi lại một cách khái quát nhưng cũng khá đầy đủ:
“Hội nghị Trung ương về sửa sai Cải cách Ruộng đất họp vào tháng 9-1956, là một cuộc hội nghị họp nhiều ngày nhất (gần một tháng) từ khi có Đảng. Hầu hết các đồng chí Trung ương đều cho rằng trong quá trình Cải cách Ruộng đất, Uỷ ban Cải cách Ruộng đất đã không thi hành đúng chủ trương của Đảng. Thí dụ:
- Đảng chủ trương “đấu lý” để nâng cao giác ngộ của nông dân và làm cho địa chủ biết việc bóc lột nông dân là không đúng thì các đội cải cách đã để cho nông dân xỉ vả người bị gọi là địa chủ, thậm chí để cho nàng dâu xỉ vả mẹ chồng, con xỉ vả bố mẹ, mà người bị gọi là địa chủ cứ phải cúi đầu chịu, không được thanh mình phải trái, có người bị bao vây chặt chẽ đến nỗi cơm không có ăn, hàng xóm hoặc bà con quá thương phải giấu lén đưa cho củ khoai, củ sắn.
- Đảng chủ trương những địa chủ có công với cách mạng, hoặc địa chủ kháng chiến được chiếu cố, thì các đội cải cách đều coi họ là địa chủ có tội ác với nông dân mà đấu tố lung tung.
- Đảng chủ trương những người có một ít ruộng cho thuê, nhưng nguồn sống chính là nhờ vào việc làm ăn khác, như đi buôn, dậy học v.v… thì chỉ khuyên họ trả ruộng đất cho nông dân, mà không coi là địa chủ, nhưng các đội cải cách cứ coi là địa chủ để mặc cho nông dân tuỳ tiện xỉ vả. Vì vậy có những người chỉ có năm ba sào ruộng mà cũng bị coi là địa chủ, trở thành một hiện tượng phổ biến. Những người là trung nông đáng lý phải được đoàn kết chặt chẽ trong hàng ngũ nông dân, những người phú nông đáng lý phải được ở vào địa vị liên hiệp trong Cải cách thì một số không ít cũng bị coi là địa chủ, bị tịch thu hết ruộng đất nhà cửa, của cải, bị đủ mọi điều xỉ nhục mà không được chối cãi.
- Tai hại hơn là lúc chuyển sang giai đoạn “chỉnh đốn tổ chức” thì chẳng những đánh vào trung nông và phú nông mà còn đánh vào các tổ chức cơ sở Đảng, phần lớn là những đảng viên vào Đảng năm 1930, hoặc tham gia Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội từ những năm 1925 – 1926 đều bị đấu tố và giam cầm. Đặc biệt là ở Nghệ Tĩnh thì nhà tù dựng lên khắp nơi, hầu hết cơ sở Đảng đều bị đánh phá tan nát.
(…)
- Hồ Chủ tịch tuy không ở trong Uỷ ban Cải cách Ruộng đất nhưng với cương vị là Chủ tịch Đảng, đã nghiêm khắc tự phê bình trước Hội nghị về việc thiếu kiểm tra đôn đốc. Người chủ trương Đảng phải kiên quyết sửa sai.”
Trên tinh thần thừa nhận sai lầm, các đồng chí phụ trách Uỷ ban Cải cách Ruộng đất Trung ương đều tự nhận phần trách nhiệm: đồng chí Trường Chinh thôi giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Các đồng chí Hoàng Quốc Việt , Lê Văn Lương rút khỏi Bộ Chính trị. Đồng chí Hồ Viết Thắng ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
*
Sau này, trong một buổi gặp mặt, anh Lưu Động, một đồng chí lão thành cách mạng kể lại cho tôi sự kiện sau đây. Anh nói với giọng thân mật của một bác đàn anh:
“Hồi ấy mình đã có lúc gặp anh Hoan trong dịp phát hiện sai lầm Cải cách Ruộng đất. Mình cũng đi Cải cách Ruộng đất, làm một cán bộ trong đội công tác, thấy bọn họ xử lý oan cán bộ, quy oan thành phần địa chủ, truy bức, nhục hình, mình chống lại, bị họ phê bình cảnh cáo. Mình tức quá, viết thư lên anh Trường Chinh. Anh đả thông, mình không chịu. Một hôm, vào khoảng tháng 9-1956, anh Trường Chinh triệu tập mình đến trụ sở Trung ương Đảng ở cạnh hồ Hale. Mình đến thì đã thấy anh Hoan và anh Trường Chinh ở đó. Một lúc sau Bác đến. Cuộc họp chỉ có mấy người thôi. Mình có dịp được trình bầy với Bác những điều phê phán của mình. Anh Hoan nói nhiều về các vấn đề anh không đồng tình với anh Trường Chinh, về những điều mắt thấy tai nghe, dư luận trong cán bộ và nhân dân và những lý lẽ anh phê bình cách tiến hành Cải cách Ruộng đất.”
Qua câu chuyện của anh Lưu Động, tôi hiểu rằng cuộc đấu tranh của cha tôi phát hiện sai lầm này là rất gay go. Nếu không có sự can thiệp của Bác chắc khó mà phân rõ phải trái.
Đến năm 1960, tôi mới có dịp tranh thủ tìm hiểu thêm qua cha tôi. Ông kể:
“Hồi ấy, trong các cuộc hội nghị Trung ương, lúc đầu có 5 anh phê phán sai lầm Cải cách Ruộng đất.”
“Những ai hả thầy?”
“Các anh Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu và tôi. Sau khi nghe anh Trường Chinh đả thông thì bốn anh im lặng. Riêng tôi cứ kiên trì phản bác lý lẽ thanh minh của anh Trường Chinh. Mình thấy rằng nếu Trung ương không nhận ra những sai lầm này thì nguy hiểm quá. Anh Trường Chinh nói: ‘Bây giờ chỉ còn một mình anh Hoan, đề nghị anh tiếp tục suy nghĩ. Tôi sẽ gặp và làm việc riêng với anh trong một buổi sau.’”
“Cuộc gặp sau có căng thẳng không hả thầy?”
“Mình chờ đợi mấy hôm thì có 4 cán bộ sừng sỏ của Uỷ ban Cải cách Ruộng đất Trung ương sang nhà khách gặp mình, nói là họ được anh Trường Chinh phái đến. Họ đem hết tài liệu, số liệu về thắng lợi Cải cách Ruộng đất ra để thuyết phục tôi. Nghe xong tôi nói: Tất nhiên Cải cách Ruộng đất đem lại ruộng đất cho nông dân, đó là thắng lợi quan trọng của cách mạng, chứng tỏ đường lối lớn của Đảng ta là đúng. Nhưng sai lầm trong cách làm lại quá nghiêm trọng, quá phổ biến, đã ảnh hưởng sâu sắc đến lòng tin của nhân dân và uy tín của Đảng. Những điều các anh trình bầy hôm nay tôi đã được nghe nhiều rồi. Đề nghị các anh về báo cáo lại với anh Trường Chinh rằng anh đã hẹn đích thân gặp tôi những sao không gặp, mà lại phái các anh đến. Cách làm việc như thế tôi không đồng tình đâu!”
“Rồi sau đó, anh Trường Chinh có gặp lại thầy nữa không?”
“Có. Sau đó mình trình bầy thêm với Bác, Bác đã gặp chung cả mình với anh Trường Chinh. Thực ra những sai lầm của Cải cách Ruộng đất không phải như cái kim trong bị lòi đầu ra mà như cái ung nhọt và mủ. Nỗi oan ức trong nhân dân đã quá nặng nề, ‘tiếng oan dậy đất’ đến tai Bác. Trong Hội nghị Trung ương, Bác lắng nghe ý kiến mọi người và khẳng định rằng Cải cách Ruộng đất giải phóng nông dân, xoá bỏ quan hệ bóc lột phong kiến là một thắng lợi căn bản to lớn, nhưng trong việc chỉ đạo thực hiện đã phạm những sai lầm nghiêm trọng. Nhiều đồng chí uỷ viên trung ương phê bình cách làm việc của Bộ Chính trị và Ban Bí thư có chỗ chưa hợp lý nên mới để xảy ra những sai lầm trong Cải cách Ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức kéo dài đến lúc kết thúc mới được phát hiện. Các đồng chí đề nghị bổ sung ba thành viên Bộ Chính trị và đã bỏ phiếu bầu ba người: anh Nguyễn Duy Trinh, anh Lê Thanh Nghị và tôi vào Bộ Chính trị. Trong tình hình đó, Bác là Chủ tịch Đảng phải kiêm nhiệm chức Tổng Bí thư.”
Sau Hội nghị Trung ương, cha tôi ở lại trong nước một thời gian tham gia việc chỉ đạo sửa sai bước đầu, rồi mới trở sang Bắc Kinh tiếp tục công tác ở Đại sứ quán cho đến năm 1957 mới trở về hẳn trong nước.
Đầu năm 1957, tôi được Trung ương cho sang Mạc Tư Khoa học tập lý luận ở trường Đảng cao cấp Đảng Cộng sản Liên Xô. Mùa hè năm ấy, cha tôi tháp tùng Hồ Chủ tịch đi thăm 9 nước trong “phe xã hội chủ nghĩa”. Đoàn của Bác Hồ dừng lại ở Mạc Tư Khoa, và cha con chúng tôi lại có dịp gặp nhau.
Cho đến lúc này tôi mới biết cha mình được bổ sung vào Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khi đọc báo Nhân dân đưa tin về danh sách đoàn đại biểu cấp cao Việt nam do Hồ Chủ tịch dẫn dầu đi tham hữu nghị 9 nước.
Cha con gặp nhau ở nhà khách Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô ông cười, hỏi tôi:
“Tân còn nhớ bức thư gửi sang Bắc Kinh góp ý với mình về lập trường giai cấp nữa không? Bây giờ Tân được học tập có hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác – Lenin, cần phải chú ý nâng cao lập trường giai cấp. Nhưng lập trường giai cấp không phải là ‘công nông chủ nghĩa’ mà là vận dụng đúng đắn chủ nghĩa Mác Lenin vào thực tiễn Việt Nam, lúc nào cũng phải nghĩ đến lợi ích của nhân dân. Sách có câu ‘Hưng lợi, trừ hại’. Ngày nay chúng ta làm cách mạng mà biết quan tâm hưng lợi trừ hại cho nhân dân thì mới là có lập trường giai cấp.”
Câu chuyện về cha tôi phát hiện sai lầm Cải cách Ruộng đất cùng với toàn bộ sự kiện Bác Hồ thừa nhận sai lầm Cải cách Ruộng đất, đối với tôi có ảnh hưởng rất sâu sắc. Từ ngày ấy tôi tâm niệm rằng mình phải độc lập suy nghĩ, phải trung thực từ trong sự suy nghĩ của bản thân mình thì mới tránh được sai lầm, và mới thực sự “dám nghĩ, dám nói, dám làm” như Bác Hồ đã dạy. Tôi coi cha tôi là một tấm gương cho tôi trong việc độc lập suy nghĩ, dám nghĩ, dám nói, đặt lợi ích chung của Đảng, của nhân dân lên trên những tính toán riêng tư cho mình.
Nguồn: Hồi ký Thiên thu định luận của Hoàng Nhật Tân, tác giả tự xuất bản.

No comments:

Post a Comment