CHÍNH TRỊ |
Kỷ niệm 63 năm ngày Nam bộ kháng chiến (23-9-1945 - 23-9-2008) | |
Một tháng đứng đầu sóng ngọn gió không thể nào quên | |
Thứ hai, 22/09/2008, 23:54 (GMT+7) | |
Liền sau thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945, nhân dân thành phố ta đã phải đương đầu với một liên minh phản động quốc tế: quân của Chính phủ Anh dưới danh nghĩa lực lượng đồng minh; quân phát xít Nhật đã đầu hàng nhưng còn nguyên đội ngũ và được sử dụng để chống lại cách mạng; quân Pháp bị Nhật bắt làm tù binh nay được thả ra cùng với quân Pháp từ chính quốc đưa qua. Ngoài ra còn có các đảng phái phản động từng gắn chặt quyền lợi với thực dân Pháp và chạy theo Nhật trước đây, nay ngóc đầu dậy.
Mưu đồ của Gracey, trưởng phái bộ quân Đồng minh khi vào Việt Nam là sử dụng bộ máy chính quyền do Nhật dựng lên rồi sau đó bàn giao cho thực dân Pháp để tiếp tục cai trị dân ta. Nhưng ngày 8-9-1945, phái bộ Anh, có một đại đội quân Pháp bám gót theo, khi đặt chân đến Sài Gòn thì chính quyền tay sai của Nhật đã bị lật đổ, mưu đồ không thực hiện được nên rất cay cú. Đối với chính quyền cách mạng chúng đã tìm cách liên tục gây rối. Đến đêm 22 rạng ngày 23-9-1945, thực dân Pháp dựa vào quân Anh đã nổ súng đánh chiếm Sài Gòn. Tính rằng chính quyền nhân dân ở Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ còn trong trứng nước, chúng có thể đánh chiếm Sài Gòn và mở rộng đánh chiếm các tỉnh Nam bộ chỉ trong thời gian rất ngắn giống như cuộc xâm lược Việt Nam, 76 năm về trước. Nhưng đâu dè, một cuộc phản kích của quân dân thành phố rất quyết liệt đã nổ ra. Sau lời kêu gọi kháng chiến chiều ngày 23-9 của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ do đồng chí Trần Văn Giàu soạn thảo, nhân dân thành phố đã lập tức tổng bãi công, bãi khóa, bãi thị, triệt phá các đường tiếp tế lương thực của địch, làm chướng ngại vật cản bước tiến của địch khắp nơi. Những người già yếu được tổ chức tản cư ra ngoài thành phố. Nhiều máy móc thiết bị được công nhân chuyển ra vùng Dĩ An, An Phú Đông... để lập các công binh xưởng, sản xuất vũ khí đánh địch. Nhiều đoàn quân “nốp với giáo, mang ngang vai” từ các vùng nông thôn tiếp giáp, tiến vào Sài Gòn tham gia chống giặc. Đồng thời UB Kháng chiến Nam bộ đã hình thành 4 phòng tuyến chặn địch: Phòng tuyến miền Đông do Nguyễn Đình Thâu chỉ huy; phòng tuyến Bắc Tây Bắc Sài Gòn do Nguyễn Văn Tư chỉ huy; phòng tuyến miền Tây do Trần Văn Giàu, sau đó là Nguyễn Lưu chỉ huy; phòng tuyến phía Nam do Nguyễn Văn Trân, sau đó là Dương Văn Dương chỉ huy. Hưởng ứng lời kêu gọi khẩn thiết của Đảng và Hồ Chủ tịch, mỗi tỉnh ở Bắc bộ và Trung bộ đã tổ chức từ một đến hai chi đội Nam tiến. Các chi đội đầu tiên đã đến chiến trường kịp thời, trong đó có chi đội đã tham gia chiến đấu rất kiên cường tại mặt trận cầu Bình Lợi. Trong tuần lễ đầu, nhiều quân địch bị thương vong, nhiều xí nghiệp, công sở lớn nhỏ, nhiều kho hàng, cơ sở các chợ, nhiều tàu xuồng, ô tô vận tải, cầu cống và nhiều cơ sở kinh tế đã bị phá hoại. Hãng thông tấn Anh Reuter sáng 30-9-1945 nhận xét: “…Có khoảng chừng 3.000 quân Anh, một số quân Pháp và 20.000 người Âu ở Sài Gòn hiện đang bị hàng ngàn Việt Minh có khí giới đe dọa. Hiện thời quân đội Anh - Pháp phải chống trả với 7.000 lính Việt Nam có vũ khí và hàng vạn dân quân mang dao, gậy, mác nhất định tử chiến... Sau 7 ngày, tình thế càng nghiêm trọng hơn. Chúng tôi ở Sài Gòn lâm vào cảnh rất nguy ngập về lương thực, vì trên bộ, quân và dân Việt Nam phong tỏa, còn trên biển thì trước kia quân Nhật thả rất nhiều thủy lôi đến nỗi không một chiếc tàu nào của Đồng minh cập bến Sài Gòn được. Các kho gạo của quân đội Nhật trước đây đều bị người Việt Nam đốt phá, hết nơi này đến nơi khác. Đã hai lần, máy bay Đồng minh thả lương thực xuống. Càng ngày càng khó kiếm thức ăn và nước uống. Rất nhiều người khổ sở vì nạn khát, nếu không nhờ thỉnh thoảng có một trận mưa” (*). Chịu nhiều tổn thất và gặp rất nhiều khó khăn, Pháp phải nhờ Gracey dàn xếp một cuộc đàm phán với ta, hòng kéo dài thời gian để chờ viện binh. Ta cũng cần có dịp để tỏ rõ chính nghĩa của mình và cũng muốn có thời gian để củng cố lực lượng nên chấp nhận ngưng chiến một tuần lễ để đàm phán. Ngày 2-10, Cédille, đại diện phía Pháp gặp đoàn đại biểu của ta do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm trưởng đoàn, có tướng Gracey của Anh cùng tham dự. Ta đã họp với đại diện của Pháp 3 lần, nhưng không có kết quả. Riêng phía ta, trong tuần lễ hưu chiến, đã loại trừ bọn phản loạn tính chuyện “lập chính phủ dân quốc lâm thời” để thương thuyết với Đồng minh. Ta đã rước được nhiều cán bộ từ Côn đảo về để tăng cường cho bộ máy kháng chiến trong đó có các đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng. Hết hạn ngưng bắn, trên cả 4 phòng tuyến, quân dân ta tiếp tục đánh địch ở nhiều nơi, nổi lên là các trận ở các cầu trên đường ra vào thành phố. Đêm 17-10, thiếu niên Lê Văn Tám được anh Lê Văn Châu tổ chức, đã tình nguyện bí mật đột nhập vào bên trong mang theo diêm và xăng, đã đốt được kho đạn rất lớn của Pháp, gần cầu Thị Nghè. Khi rút lui bị dính xăng, bén lửa đã cháy thành một cây đuốc sống, nêu tấm gương sáng ngời của thiếu niên Việt Nam xả thân vì nước. Đến ngày 23-10, quân Pháp được tiếp viện đã lên đến 6.000 tên. Danh tướng Pháp Leclerc tổng chỉ huy, quyết tập trung sức, đã phá vỡ phòng tuyến phía Tây Sài Gòn, theo đường số 4 đánh chiếm Tân An, Mỹ Tho, Gò Công. Quân Anh đánh chiếm Biên Hòa, Thủ Dầu Một rồi giao lại cho Pháp. Từ đây, cuộc chống giặc Pháp của quân dân thành phố hòa nhập với cuộc kháng chiến Nam bộ và cuộc kháng chiến toàn quốc. Kỷ niệm ngày 23-9-1945, là ngày mà quân dân thành phố ta có vinh dự được bắn những phát súng đầu tiên vào kẻ thù xâm lược. Đó cũng là ngày mở đầu cho một tháng kiềm chân giặc tại thành phố, với kết quả mang lại là: Làm phá sản kế hoạch đánh mau thắng mau của giặc Pháp; các xã ngoại thành có thời gian để xây dựng lực lượng và bước đầu hình thành vành đai đỏ bao quanh Sài Gòn; các tỉnh ở Nam bộ và cực Nam Trung bộ có một tháng trời chuẩn bị kháng chiến; góp phần tạo thế cho các cuộc đàm phán của Chính phủ ta với Chính phủ Pháp. Tuy thời gian ngắn ngủi, chỉ một tháng, nhưng Đảng ta thu được kinh nghiệm vừa đánh vừa đàm, kinh nghiệm sáng tạo ra thế trận chiến tranh nhân dân chống giặc ở trung tâm đô thị, điều chưa từng có trong lịch sử trước đó của dân tộc ta. Từ 23-9 đến 23-10-1945 là “Tháng Sài Gòn kháng chiến”, tháng của đội xung kích trong “Mùa thu rồi ngày hăm ba”. Đó là một tháng mà quân dân thành phố ta đã đứng ở đầu sóng ngọn gió, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Đó là một tháng không thể nào quên! (*) Báo Cứu Quốc số 57, ngày 3-10-1945.
TRẦN TRỌNG TÂN
|
No comments:
Post a Comment