Thursday, 15 July 2021

'Nhiệm kỳ' Tổng Thống vài ngày (Nguyễn Bắc Sơn - Tiền Phong)


Viết nhân ngày 30/4 - Kỳ 1: 'Nhiệm kỳ' Tổng Thống vài ngày

Nội các Dương Văn Minh trong ngày 30/4; Từ trái qua phải: ông Vũ Văn Mẫu, ông Dương Văn Minh, ông Nguyễn Văn Huyền. (Ảnh tư liệu).
Nội các Dương Văn Minh trong ngày 30/4; Từ trái qua phải: ông Vũ Văn Mẫu, ông Dương Văn Minh, ông Nguyễn Văn Huyền. (Ảnh tư liệu).
TP - Trong lịch sử thế giới đương đại, có lẽ không ở đâu, “nhiệm kỳ” nguyên thủ quốc gia tính bằng ngày như ở Việt Nam Cộng hòa trước đây 42 năm.

LTS: Nếu không có ngày 29/4? Câu hỏi như của người gàn. Theo dòng thời gian, dòng lịch sử thì vẫn có ngày 30/4, vẫn có giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Đương nhiên, ngày 30/4 vẫn đến nhưng không như thực tế đã diễn ra. Có thể thế hệ sau 30/4/1975 chưa biết tường tận. Vậy nên Tiền Phong giới thiệu loạt bài này của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn ngõ hầu thêm một kênh tư liệu cho sự kiện lịch sử nhân kỉ niệm 42 năm giang sơn nối liền một dải.

Trong lịch sử thế giới đương đại, có lẽ không ở đâu, “nhiệm kỳ” nguyên thủ quốc gia tính bằng ngày như ở Việt Nam Cộng hòa trước đây 42 năm.

Sài Gòn, hạ tuần tháng 4/1975.

Khi Buôn Ma Thuột mất vào tay quân giải phóng, dù có kém hiểu biết về quân sự đến đâu, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu biết, thế là hết. Ngày tàn của chế độ sắp điểm. Để tránh bị tiêu hao thêm lực lượng, ông ta ra lệnh bỏ địa bàn chiến lược Tây Nguyên, rút về co cụm trong các căn cứ ở đồng bằng, ven biển.

Các tướng lĩnh thiếu nhiều phẩm chất cần thiết của người chỉ huy quân sự, nhưng hầu như ai cũng thấy Nguyễn Văn Thiệu không còn làm được việc gì liền gây áp lực buộc ông ta phải từ chức. Ông ta liền mặc cả với người Mỹ rồi mới chịu từ chức ngày 21/4.

Đang là Phó Tổng thống nên ông Nguyễn Văn Hương lên thay. Ông Hương định kéo Đại tướng Dương Văn Minh (đại sứ ở Thái Lan) về làm Thủ tướng. Nhưng cả giới quân sự lẫn dân sự đều đòi ông ta phải từ chức. Thượng, hạ nghị viện nhất trí cử ông Minh làm Tổng thống. Thế là ông Hương làm Tổng thống được 5 ngày.

Ông Minh được người Pháp đào tạo, có tư tưởng thân Pháp, về chính trị theo hướng trung lập, không chống mà muốn hòa hoãn với cộng sản. Ngô Đình Diệm lúc  làm  Tổng  thống Việt Nam Cộng hòa (VNCH) lại quyết liệt chống cộng nên không tin dùng, chỉ cho làm cố vấn đối ngoại, một chức hữu danh vô thực. Còn ông Ngô Đình Nhu (em ruột) mới được tin dùng làm cố vấn đối nội. Khi phe đối lập đảo chính lật và giết ông Diệm (1/11/1963) thì ông Minh trở thành người cầm đầu lực lượng chống Diệm, đứng đầu Hội đồng tướng lĩnh.

Thời cuộc phân hóa xã hội và  ngay cả trong từng gia đình. Trong mỗi người cũng có sự phân hóa, nhất là những người có học vấn, biết suy nghĩ cân nhắc. Ông Minh có em là Dương Thanh Sơn, đại tá quân đội VNCH. Lại có em kế Dương Thanh Nhựt (Ba Nhựt còn có bí danh Mười Ty) trung đoàn phó Việt Minh thời chống Pháp, là cán bộ Cục địch vận, hoạt động đơn tuyến chuyên theo dõi diễn biến của chính quyền VNCH từ 12/1960. Theo chỉ thị cấp trên Mười Ty phải bằng mọi cách tác động để anh trai mình không làm gì hại cho cách mạng. Thế nên sau khi giải tán nội các Ngô Đình Diệm, Mười Ty có đến nhà anh trai tác động. Sau đó, ông Minh cho thả tất cả tăng ni Phật tử, trí thức, sinh viên bị bắt. Đến khi được bầu làm Quốc trưởng (ông Nguyễn Khánh làm thủ tướng), ông Minh lại cho xóa bỏ ấp chiến lược và cũng không đồng ý cho máy bay Mỹ ném bom phá đê miền Bắc. Theo lời kêu gọi của Mặt trận dân tộc giải phóng, ông Minh muốn thương lượng để tuyển cử tự do, lập chính phủ liên hiệp, trung lập. Người Mỹ tỏ thái độ ngay.

Được người Mỹ ủng hộ, ông Khánh định lật ông Minh bằng cách thông qua Hiến chương Vũng Tàu để mình làm Tổng thống VNCH, kiêm Thủ tướng, kiêm cả Tổng tư lệnh quân đội. Những cuộc biểu tình rầm rộ của học sinh, sinh viên đòi xé bỏ Hiến chương ấy. Nhân cơ hội đó ông Nguyễn Cao Kỳ bèn lật đổ ông Khánh. Nhưng ông Kỳ chỉ có thể làm thủ tướng (Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương). Ghế tổng thống lại rơi vào tay Nguyễn Văn Thiệu. Ông Thiệu không ưa gì ông Minh nên đẩy sang làm đại sứ Thái Lan. Với nhiều biến cố tiếp theo, sau khi ông Thiệu từ chức, ngày 26/4 hai viện mới họp bầu ông Minh làm tổng thống. Công việc được tổ chức của ta chuẩn bị trong mấy chục năm đến thời đoạn ngắn ngủi đó mới có kết quả mà cuối cùng là ngày 30/4. Nhưng đã có ngày 30/4, không thể không trung thực với lịch sử nhắc đến những gì diễn ra ngày 29/4.

*

Nhậm chức Tổng thống nhưng ông Dương Văn Minh vẫn làm việc tại nhà riêng số 3 Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần, Q.3) vì quân ta đang tiến vào Sài Gòn như vũ bão và dù cờ đã đến tay, nhưng ông Minh chưa thể phất ngay được. Ông ta còn phải chuẩn bị nội các. Nói nội các, thật ra chỉ là nắm hai lực lượng: quân đội (thì bổ nhiệm GS Bùi Tường Huân, Bộ trưởng Quốc phòng làm vì, công việc chỉ huy cuối cùng vào tay ông Nguyễn Hữu Hạnh, cảnh sát (là Việt Cộng thứ thiệt) và đài phát thanh thì mới thực hiện được ý đồ chính trị.

Viết nhân ngày 30/4 - Kỳ 1: 'Nhiệm kỳ' Tổng Thống vài ngày ảnh 1 Ông Dương Văn Minh trước ngày giải phóng. (Ảnh tư liệu).

Đi ngược thời gian.

Cuối năm 1967, cô Sáu (Dương Thu Hà em gái ba ông Minh, Nhựt, Sơn) mất ở Paris (Pháp) thì ông Dương Văn Minh sang dự lễ tang nhưng anh không đợi được em đã về. Ba Nhựt được tổ chức chỉ thị phải đi Pháp gặp anh. Chưa biết làm thế nào thì Ba Nhựt (Mười Ty) được lệnh về ngay Hà Nội. Sau khi gặp Cục trưởng Cục địch vận Võ Văn Thời còn được gặp Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn nhận chỉ thị rồi lập tức vào Sài Gòn (sau khi được phong quân hàm Trung tá, sau này về hưu với hàm đại tá) tìm cách gặp bằng được anh. Nhưng phải chờ cơ hội để khi anh mình nắm được chính quyền. Và phải gần 8 năm sau cơ hội ngàn vàng đến, ông Minh được bầu làm
Tổng thống.

Sau Hiệp định Paris (1973), người Mỹ đã rút quân khỏi miền Nam (chỉ còn để lại phái bộ quân sự) bên đại sứ Máctin. Ông Minh có một người thân tín là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh. Ông Hạnh từng làm Chánh sự vụ Ngân hàng Thế giới tại VNCH. Rồi Thống đốc Ngân hàng Quốc gia và còn làm cố vấn kinh tế cho hai đời tổng thống Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu. Người này không biết người kia đã có liên hệ với phía bên kia. Ông Hạnh liên hệ với bác Tám Vô Tư (nằm vùng), còn ông Minh có em trai bên ta là ông Nhựt.

Hiệp định Paris có nội dung: Lập hội đồng hòa giải, hòa hợp dân tộc ba bên (VNCH, chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam và các nhóm trung lập), tiến tới bầu cử tự do ở miền Nam Việt Nam. Ông Minh công khai ủng hộ điều khoản trên.

Ban Binh vận Trung ương cục Miền Nam chỉ đạo ông Hạnh bằng mọi cách tác động làm sao để ông Minh thực hiện phương án Sài Gòn không kháng cự càng sớm càng tốt.

Quen biết đại tá, nhà văn quân đội Nguyễn Trần Thiết, nhờ cuốn Dương Văn Minh, tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn của ông, tôi đã dựng lại bối cảnh lịch sử sự xuất hiện của ba nhân vật chủ chốt: Dương Văn Minh, Triệu Quốc Mạnh (sẽ nói về nhân vật này ở những kỳ sau) và Nguyễn Hữu Hạnh và sự đóng góp của họ cho ngày 30/4.

(Còn nữa)

Công việc được tổ chức của ta chuẩn bị trong mấy chục năm đến thời đoạn ngắn ngủi đó mới có kết quả mà cuối cùng là ngày 30/4. Nhưng đã có ngày 30/4, không thể không trung thực với lịch sử nhắc đến những gì diễn ra ngày 29/4.

Ông Dương Văn Minh sinh năm 1916 ở Mỹ Tho, theo đạo Phật. Năm 1940 được đào tạo hạ sĩ quan và sĩ quan dự bị của Pháp. Năm 1942 vào quân đội Pháp. Sau 1945 tham gia lực lượng vũ trang chống Pháp. Pháp gây hấn ở Nam bộ gia đình tản cư về Tân An. Lần về thăm nhà, đơn vị rút, kẹt lại, bị Pháp bắt, buộc làm việc cho họ, được phong thiếu úy (1946). Sau ngày 30/4/1975, ông được về nhà sống với tư cách công dân một nước độc lập. Bị tiểu đường, đau dạ dày, có lần lãnh đạo TPHCM mà cụ thể là  Bí thư  Thành ủy Võ Văn Kiệt nhờ người gợi ý để hỗ trợ, ông Dương Văn Minh nói: các anh chị sống được thì tôi cũng sống được. Chưa quen thì tập cho quen. Năm 1983 ta đồng ý để ông đi Pháp chữa bệnh, thăm con, sau đó sang Mỹ định cư. Ông mất năm 2011.


 https://tienphong.vn/viet-nhan-ngay-30-4-ky-1-nhiem-ky-tong-thong-vai-ngay-post947688.tpo

No comments:

Post a Comment