Thursday, 26 July 2018

Chăm hay Chàm đúng? (Inrasara Phú Trạm - Báo Đà Nẵng)

Trao đổi: Chăm hay Chàm đúng?

Thứ Hai, 23/08/2010, 07:16 [GMT+7]
.(http://www.baodanang.vn/channel/5433/201008/trao-doi-cham-hay-cham-dung-1999374/)
 
Từ Chăm chính thức được Nhà nước quy định gọi tên dân tộc Cham từ năm 1979. Từ quần chúng đến nhà nghiên cứu, từ nghệ sĩ cho đến giới khoa bảng đều sử dụng tên gọi này trong sinh hoạt, bài viết, thơ văn hay công trình khoa học của mình. Nhưng thỉnh thoảng vẫn có người dùng từ “Chàm”. Bởi hiện tại từ “Chàm” vẫn còn hiện hữu ở rất nhiều địa danh, tên gọi, danh từ riêng. Vân vân… Không hiếm người dùng nó. Rồi cũng không ít người cho như thế là không phải phép, nặng hơn - miệt thị dân tộc này.
Sự thể là như thế nào? Vậy, Chăm hay Chàm, là đúng?
Xưa nay, dân tộc [Cham] này được người Kinh (Việt) gọi bằng Hời, Người đàng thổ (khác với Người đàng quê là người Việt), Chàm hay Chà, chứ tuyệt đối chưa có từ Chăm. Có lẽ vấn đề xuất phát từ bài viết và suy diễn “hợp lý” của một nhà nghiên cứu chưa hiểu thấu đáo vấn đề, nên mới ra nông nỗi!
[Biết thêm: Một vị giáo sư trong một bài viết trên tạp chí Dân tộc học (?) cũng đã rất sai khi cho rằng gọi Rađê là miệt thị người Êđê. Có thế đâu chứ! Người Chăm từ lâu lắm gọi dân tộc này đầy tôn trọng là Rađaiy (phát âm Ra-đe); người Pháp khi đến vùng này cũng đã dùng từ đó: Rhade. Có miệt thị ai đâu].
Có mấy điểm cần minh định lại:
- Cham (hay Cam) là một dân tộc trong cộng đồng dân tộc thuộc vương quốc Champa (hay Campa) cổ. Campa đọc là “cham-pa”. Có nhà viết sử phiên âm Campa là Chiêm Bà. Chúng ta đặc biệt chú ý âm “bà” này.
- CHÀM là do người Việt phiên âm chữ CHAM (hay CAM). CAM trong akhar thrah (chữ truyền thống Cham viết không có dấu âm pauh thơk, đọc là “cham”. Cả người Thái, người Lào hay Khmer cũng đọc là “cham”. Nhưng do đặc trưng giọng nói của người Cham vùng Panduranga (Ninh Thuận và Bình Thuận) phát âm nặng hơn nên CHAM biến thành CHĂM. Do chi tiết này nên từ ba hay bốn thập kỷ qua, một số người Cham viết thêm pauh thơk vào chữ truyền thống. Từ đó, có nhà nghiên cứu phiên âm thành “chămpa”. Việc phát âm trong mỗi phương ngôn xảy ra chuyện nặng nhẹ, dài ngắn không là vấn đề. Suy diễn sai lệch mới thành ra chuyện.
- Trước 1979, trong vốn từ Việt suốt miền Trung, không có CHĂM mà chỉ có CHÀM là vậy: Tháp Chàm, Cù lao Chàm, giếng Chàm (hay giếng Hời), vàng Chàm,… Ngay cả nơi người CHAM sống hiện nay cũng có mặt cả khối địa danh liên quan đến CHÀM: Phan Lí Chàm, Ma Lâm Chàm, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm
- Nhất là trước 1975 người CHAM bản xứ vẫn dùng thuật ngữ này trong mọi lĩnh vực: Trung tâm văn hóa Chàm, Nội san Panrang, tiếng nói của cộng đồng sắc tộc Chàm - Ninh Thuận (do học giả Cham là Thiên Sanh Cảnh chủ bút), Từ điển Chàm - Việt - Pháp, Dân tộc Chàm lược sử (của 2 tác giả Cham Dohamide - Dorohiêm). Nguyễn Khắc Ngữ viết công trình dân tộc học có tên Mẫu hệ Chàm. Học giả Thiên Sanh Cảnh có loạt bài nghiên cứu nổi tiếng: “Đám ma Chàm”. Còn tất cả công dân Cham đều được ghi trên thẻ căn cước là Người Việt gốc Chàm. Không ai bảo như thế là phân biệt đối xử gì gì cả!!!
Người viết bài này (Inrasara) năm 1994 vẫn có một tiểu luận đăng trên tạp chí Văn học: “Ca dao - dân ca, tiếng nói trữ tình của dân tộc Chàm” hay có bài thơ có tên là “Apsara, vũ nữ Chàm” (Tháp nắng, 1996). Tôi phân biệt đối xử với chính tôi à? Cạnh đó, một nhà thơ mang hai dòng máu Việt Cham đất Tây Ninh còn lấy cả bút danh: Khaly Chàm.
Từ Chiêm cũng thế: lúa Chiêm, “Chiêm nhân” là bút danh của một nhà thơ Cham, rồi “Hỡi em chiêm nữ em ơi, nhìn chi chân trời…” (lời ca khúc Đàng Năng Quạ). Vân vân.
Câu chuyện đủ cho ta thấy, một hiểu biết sai lệch, nhưng khi người phát ngôn là nhân vật có học hàm và chức vị thì nó thành ra có trọng lượng. Từ có trọng lượng chuyển sang ban hành quyết định cách nhau không xa. Từ đó “quần chúng” nghe theo chẳng có chi lạ.
Qua dẫn chứng trên, Chàm hay Chiêm có khi còn nguyên bản, còn truyền thống hơn, nên chính xác hơn Chăm nữa. Dù sao, quy định của Nhà nước vẫn phải được tuân thủ. Tuân thủ, nhưng nếu có ai dùng từ “Chàm” trong bài viết, nhất là khi có người viết đúng các tên gọi cũ như Trung tâm văn hóa Chàm, Ma Lâm Chàm chẳng hạn, ta phải chấp nhận mà không biên tập. Bởi sự thể không có gì sai hay miệt thị người Cham cả.
Sài Gòn, 26-7-2010

Inrasara

No comments:

Post a Comment