Tuesday, 24 July 2018

Chợ Lớn Lịch sử địa lý, kinh tế và văn hóa Phần 2 (Nguyễn Đức Hiệp - Lê Quý Đôn Khung Trời Kỷ Niệm)

Chợ Lớn 
Lịch sử địa lý, kinh tế và văn hóa 
Phần 2



Nguyễn Đức Hiệp



Sinh hoạt tôn giáo, giáo dục: các chùa, đình, nhà thờ ở Chợ Lớn


So sánh các cơ sở hoạt động văn hóa người Hoa ở các thành phố người Hoa hay khu phố Tàu (Chinatown) trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Bankgkok, Kuala Lumpur, Hong Kong thì ta có thể nói thành phố Chợ Lớn hơn hẳn về số lượng, bề thế, giá trị mỹ thuật và lịch sử của sự hoạt động liên tục lâu đời khi người Hoa đến định cư. Các chùa của người Hoa ở Chợ Lớn chủ yếu là do các cộng đồng người Hoa ở các bang (tỉnh) vùng Hoa Nam như Phúc Kiến, Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam… thành lập qua các hội quán của mỗi bang. Các hội quán được lập ra để tương trợ những người cùng bang, ngoài ra còn lập ra các trường học kế bên hội quán hay chùa để giáo dục con cái cộng đồng của họ theo chương trình của họ. Do đó một trong những hoạt động chính của Hội quán là tín ngưỡng và giáo dục.
Về phương diện giáo dục, sau này vào năm 1908, qua sự cần thiết đào tạo các kế toán, thư ký, thông dịch, hành chánh… phục vụ trong các cơ sở thương mại, ngân hàng, chuyên chở đường sông biển liên hệ đến chính quyền hay với các công ty Pháp; các đại diện người Hoa và người Pháp của các nhà băng, các công ty Pháp và cơ sở thương mại người Hoa, các phòng thương mại đã nhóm họp và đồng ý trợ giúp tài chánh xây dựng và lập ra một trường trung học Pháp-Hoa, gọi là Lycée Franco-Chinois. Toàn quyền Pháp Jean Paul Beau đã đồng ý thành lập trường, vì theo ông Beau nó còn tạo thêm ảnh hưởng văn hóa Pháp vào cộng đồng người Hoa, để cho họ khỏi phải gởi con cái họ đi học ở những nơi khác như Hong Kong, Thiên Tân hay Nhật Bản (lúc bấy giờ phong trào Đông Du trong cộng đồng người Việt và Hoa rất mạnh). Thời đó những người tốt nghiệp trường Lycée Franco-Chinois, vì biết hai hay ba thứ tiếng (Việt-Pháp-Hoa) là trung gian lý tưởng nên rất có giá và thế trong xã hội trong lãnh vực thương mại khắp Nam kỳ lục tỉnh. Họ được người Saigon-Chợ Lớn và Lục tỉnh gọi là “Mái Chín”. Một số truyện của Hồ Biểu Chánh và Bình Nguyên Lộc có nói về các ông Mái Chín. Lycée Franco-Chinois sau này là trường Bác Ái và sau năm 1975 trở thành Trường cao đẳng sư phạm.
Các chùa đình của người Hoa ở Chợ Lớn là những công trình văn hóa tín ngưỡng đặc sắc có giá trị cao và hầu hết được nhà nước công nhận là các di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật quốc gia. Các đình chùa được xây dựng từ các thế kỷ 18, 19 và đầu thế kỷ 20. Trong các đình chùa có những di sản văn hóa quí giá như chuông đồng, lư hương, tượng đá, gươm giáo, bàn ghế gỗ quí, hoành phi, trang phục,.. từ những thế kỷ 18, 19 và rất nhiều các di vật này là được mang từ Trung quốc sang. Ngay cả vật liệu xây cất, trang trí trên nóc như gạch, gốm men được mang sang Chợ Lớn từ Trung Quốc để xây chùa bà Thiên hậu của bang Quảng Đông.
Các chùa của các hội quán xây kiểu kiến trúc đặc trưng cùa người Hoa là hình ấn, với 4 ngôi nhà liên kết nhau hình chữ nhật tạo thành mặt bằng giống chữ "khẩu" hoặc chữ "quốc". Ở giữa các dãy nhà này có một khoảng trống gọi là thiên tỉnh (giếng trời), làm chùa thoáng đãng, có đủ ánh sáng và có chỗ thoát khói hương. Bước vào cổng là tiền điện hai bên, rồi trung điện và chánh điện và dãy nhà sau cùng là hậu điện. Dọc hai bên các điện thờ sau cửa vào là văn phòng hội quán. Các hội quán đều có ban quản trị do bang lập nên để quản trị chùa và trường học hay bệnh viện cho bang.
Trong Nhà truyền thống người Hoa ở góc đường Triệu Quang Phục và Nguyễn Trãi (xưa gọi là đường Cây Mai) thường có triển lãm và các hình ảnh xưa ở Chợ Lớn cùng các sản phẩm mỹ thuật. Nhà Truyền thống trước đây là nhà hát Tam Đa (hay Vàm Cỏ) của người Hoa Triều Châu trong vùng. Cạnh nhà truyền thống ở số 137 đường Triệu Quang Phục là trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc, chủ yếu là của người Hoa. Trụ sở là Hội quán của chùa bà (Thiên Hậu) cho mượn. Hoạt động của Hội gồm hội họa, thư pháp, nhiếp ảnh, xuất bản văn học. Ngoài ra còn có ban bảo trợ văn hóa người Hoa, với chi hội ca múa nhạc có trụ sở là nhà văn hóa Quận 5, đường Trần Hưng Đạo.
Chùa Thiên Hậu của bang Quảng Đông nằm ở góc đường Nguyễn Trãi và Triệu Quang Phục. rất nhiều du khách nước ngoài viếng thăm. Kiến trúc chùa rất đẹp với các tượng trên nóc, mái chùa bằng sành sứ rất công phu và các tranh khắc trên tường là những tuyệt tác rất trang nhã của nghệ thuật người Hoa. Chùa có tên chính thức là Huệ thành hội quán, của người Quảng Đông, hay còn gọi là bà Miễu hay Chùa Bà, được xây vào các năm 1825-1830 dưới thời vua Tao Kouan (Đạo Quang) nhà Thanh (9). Huệ thành là tên một địa danh gần Quảng Châu. Đền thờ Thiên hậu thánh mẫu. Chuông lớn trong đền có ghi năm thứ 10 đời vua Tao-Kouan (1831). Chùa được trùng tu năm 1859 với sự đóng góp của bang Quảng Đông.
Ông Vương Thái, một thường gia giàu có vào cuối thế kỷ 19 ở Saigon-Chợ Lớn, là bang trưởng Quảng Đông và đã giúp đỡ tài chánh chùa và hội quán, cũng như bảo vệ quyền lợi và đặc ân cho hội quán qua sự can thiệp và những hoạt động của ông với chính quyền Pháp ở Phòng Thương Mại và Hội đồng Quản Hạt. Ngày lễ bà thiên hậu là ngày 23 tháng 3 năm âm lịch. Ngay cạnh chùa là trường học Quảng Đông do Huệ thành hội quán thành lập. Trường nằm trong khu đất của hội quán, ngày nay có tên là trường Mạch Kiếm Hùng.


Hình 1 -Kiến trúc chùa bà Thiên hậu, Chợ Lớn

Trong chùa còn giữ lệnh viết tay của đại úy hải quân (capitaine) D'Ariès nghiêm cấm binh sĩ liên quân Pháp - Tây Ban Nha phá chùa. Lúc này D'Ariès đang trấn giữ Saigon-Chợ Lớn sau khi chuẩn đề đốc Francois Page rời Saigon tham gia chiến dịch ở Trung Quốc với đề đốc Charner vào tháng 4 1860. Liên quân Pháp - Tây Ban Nha, với số quân ít ỏi dưới quyền D'Ariès đang phải đối diện với quân tiếp viện của triều đình do Nguyễn Tri Phương chỉ huy ở phía đồn Chí Hòa.


Hình 2 - Lệnh viết tay của đại úy thuyền trưởng D'Ariès
ngày 4 tháng 8 1860 nghiêm cấm binh sĩ
Pháp và Tây Ban Nha phá chùa bà Thiên Hậu.

Gần chùa Thiên hậu là đền Tam Sơn, trên đường Triệu Quang Phục, của người Phúc Kiến (Phúc Châu), nơi đây thờ bà chúa Thai Sanh, Ngọc Hoàng, Quan âm, Quan công.., không có chữ quốc ngữ chỉ có chữ Hán trong và ngoài đền. Tam Sơn (ba núi) là tên của một địa danh ở Phúc Châu (tỉnh Phúc Kiến). Chùa được thành lập năm 1839, chùa còn có tên nôm là “Chùa bà Chúa” (9). Chủ yếu thờ bà chúa bảo hộ cho tất cả phụ nữ mong được con, thai nhi, trẻ em. Theo ông Lê Văn Lưu, phụ tá thị trưởng thành phố Chợ Lớn vào đầu thế kỷ 20, thì chùa được quản lý bởi một hội đồng gồm các phụ nữ người Việt có chồng người Hoa (9). Ngày lễ lớn của chùa là ngày lễ bà chúa Thai Sanh vào ngày 18 tháng ba âm lịch. Lễ kéo dài đến 3 ngày.
Kế bên đền Tam Sơn, ở góc đường Triệu Quang Phục và Nguyễn Trãi, xưa kia có Thất phủ cổ miếu, nhưng đã bị phá đi, hiện nay là xí nghiệp in, chỉ còn để lại lại một bức tường. Đây là một mất mát văn hóa to lớn vì miếu này là miếu cổ nhất của người Hoa ở Chợ Lớn. Thất phủ cổ miếu hay Thất phủ Võ đế miễu, còn được gọi nôm na là chùa Bảy Phủ Ông, được xây năm 1820 thờ Quan Võ (Quan Công) do 7 bang người Hoa góp công xây dựng. Ngoài ra còn có sự đóng góp của một số người Việt, trong đó có phu nhân của tổng trấn Lê Văn Duyệt (9). Hình dáng chùa bên ngoài giống như chùa Thiên Hậu và chùa Tam Sơn với cổng, sân trước và mái có 2 rồng bên trên.


Hình 3 - Chùa Bảy Phủ - Hiện nay không còn

Không xa chùa Bà Thiên Hậu của Huệ Thành hội quán, Quảng Đông, cũng trên đường Nguyễn Trãi là chùa Ông của Nghĩa An hội quán. Nghĩa An hội quán là do người Triều Châu thành lập. Chùa Ông, thờ Quan Công (vì thế gọi là chùa Ông), được xây dựng đã hơn 200 năm qua các lần trùng tu vào các năm 1866, 1901, 1966, 1984. Trong sân từ cổng vào đến cửa miếu có các cặp kỳ lân bằng đá đặt đối xứng nhau, trong đó có cặp "lân hàm châu" (lân ngậm ngọc) chầu hai bên cửa.
Có 5 chùa ở Chợ Lớn thờ quan công, trong đó có 3 chùa người Việt và Minh hương: Nghĩa Nhuận hội quán (đường Gò Công), Phước An hội quán (đình của người Minh hương, gần bưu điện Chợ Lớn, đường Frederic Drouhet tức Hùng Vương ngày nay) và Bửu Sơn hội quán (đường Xóm Voi) (9). Ngày lễ Quan Công là ngày 13 tháng 1 âm lịch.
Đến Đình Minh Hương Gia Thạnh ở trên đường Trần Hưng Đạo (trước 1975 là đường Đồng Khánh). Đình là tòa nhà cổ nhất Saigon, xây năm 1789, được công nhận là một di tích lịch sử. Năm 1698, ở vùng này đã hình thành nên làng Minh Hương ở Gia Thạnh, làng Minh hương còn để lại câu ca dao
Gỏi chi ngon bằng gỏi tôm càng
Đố ai lịch sự cho bằng làng Minh Hương.
Lần trùng tu cuối cùng của đình là vào năm 1921. Trong đình, bên phải thờ Trần Thượng Xuyên (có 2 di ảnh tướng Trần Thượng Xuyên) và Nguyễn Hữu Cảnh, bên trái thờ Trịnh Hoài Đức và Ngô Gia Tịnh. Cạnh đó là 1 chuông đồng do vua Minh Mạng tặng, với sắc phong và chuyển tên từ làng thành đình. Chuông được gióng một năm một lần vào ngày 16/1. Sau chánh điện là sân rất rộng gọi là Thiên Quang Tỉnh (giếng trời). Đình Minh hương Gia Thạnh cũng là nơi tề tựu, gặp gỡ của nhóm Bình Dương thi xã, sáng lập bởi Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, với nhiều nhân sĩ đến đây để ngâm thơ, xướng họa vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19.
Nghĩa Nhuận hội quán, chùa người Việt thờ thành hoàng bốn cảnh, trong đình còn thờ quan công, và thiên hậu thánh mẫu. Đình này là đình xưa của một làng quê, đất rộng người thưa ở vùng Chợ Lớn thờ thần sắc phong thời vua Tự Đức (1852) tục gọi là Thành hoàng bốn cảnh. Đình xây cất lại với tường gạch, lợp ngói sau khi Pháp chiếm Saigon vào năm 1872. Vị trí trên “Quai de la distillerie” (bến nhà máy rượu), nay là đường Phan Văn Khỏe gần góc với đường Gò Công. Chùa được xây và quản lý với sự trợ giúp tài chánh từ nhiều người Việt, trong đó có Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, ông Đỗ Hữu Trí. Sau này trong thập niên 1930, ông Trương Văn Bền, nhà doanh nghiệp là chủ tịch hội đồng quản trị chùa. Đình xây theo kiến trúc Hoa và trải qua nhiều đợt trùng tu những năm 1940, 1952, 1962 và 1990.


Hình 4 - Phòng tiếp khách của hội quán Nghĩa Nhuận,
trên tường là các bản khắc chữ Hán tên ân nhân
của hội quán từ nhiều đời trong các năm đã qua.

Tác giả bài viết này được ông Nguyễn Thành Long và Trần Tấn Phát trong ban quản trị Nghĩa Nhuận hội quán cho biết trong hội quán vẫn còn có các sổ sách hình ảnh những ân nhân chùa từ những thế kỷ trước, trong đó có ông Trương Văn Bền, Đỗ Hữu Phương và được vào phòng chính của ban quản trí thăm viếng trong đó có 6 bia khắc chữ Hán tên các vị ân nhân từ hơn 100 năm qua.
Phước An hội quán lúc đầu chỉ là một miếu của người thờ Quan công, nhưng sau này thiếu bảo quản nên đổ nát. Năm 1900 được giao cho người Minh hương xây và trùng tu lại thành một hội quán lớn hơn. Trong năm 1930, ông Nguyễn Chiêu Thông, một nhà doanh nghiệp là chủ tịch hội đồng quản trị.
Bửu sơn hội quán, thờ quan công, xây đầu thế kỷ 20 (khoảng năm 1900) ở đường Xóm Voi.
Giác Viên tự, hay còn gọi là chùa Hố đất, nằm trong một khu cây xanh yên tĩnh, cạnh một rạch nhỏ. Chùa được hòa thượng Hải Tịnh ở chùa Giác Lâm, Phú Thọ cách Giác Viên tự 1km, thành lập vào năm 1803. Mục đích của thượng tọa Hải Tịnh là xây lại chùa Phú Lâm nên lúc đầu thượng tọa Hải Tịnh xây chùa để làm chỗ chứa đựng tạm thời những tượng thờ của chùa Phú Lâm, vật liệu, gỗ quí như gõ... để xây chùa. Chùa Giác Viên sau đó có những vị sư tu khổ hạnh trụ trì được sự kính trọng của quần chúng, trong đó hòa thượng Hoằng Ngã trụ trì từ năm 1882 trong hơn 35 năm đào tạo nhiều vị sư có đức hạnh. Từ đó chùa là nơi nhiều người biết và kính trọng các bậc chân tu. Hòa thượng Hải Tịnh còn giúp xây lại chùa Giác Lâm đẹp hơn vào năm 1903. Trong khuôn viên chùa Giác Viên có mộ của Ngô Nhân Tịnh, nhà thơ vào thế kỷ 18 ở đất Gia Định xưa. Ông là người Minh Hương gốc Quảng Đông, cùng với các bạn học đương thời của thầy Võ Trường Toản là Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định lập ra Bình Dương thi xã, được gọi là Gia Định tam gia. Ông cũng là đồng môn của Ngô Tùng Châu và thiền sư Viên Quang (sư tổ chùa Giác lâm).


Hình 5 - Chùa Giác Viên

Giác Hải tự được xây năm 1887 ở Phú Lâm trong khu người Việt, tọa lạc trong một vườn rộng của một chủ đất là bà Hồ Thị Lộc. Sau này Hòa thượng Từ Phong (Yết ma Nguyễn Văn Tường) trụ trì, xây lại năm 1912 đẹp đẽ hơn.
Đình Vĩnh Hội tọa lạc trên đường Đinh Hòa trong khu vực Xóm Củi, là một đình cổ của người Việt, xưa thuộc thôn Vĩnh Hội, huyện Tân Long, phủ Tân Bình của tỉnh Gia Định. Đình được xây từ năm 1818 đến 1836. Nghệ thuật kiến trúc và trang trí Việt Nam thờ thần thành Hoàng Bổn Cảnh (vị thần giúp nước, giúp dân trong thôn Vĩnh Hội).
Ở góc đường Hải Thượng Lãn Ông và Phùng Hưng là Nhị phủ miếu của người Phúc Kiến. Sở dĩ gọi là Nhị phủ miếu vì là do dân Phúc Kiến ở hai phủ: phủ Chương Châu và phủ Tuyền Châu góp sức xây miếu. Nhị phủ miếu thờ ông Bổn (tức Trịnh Hòa thời Minh). Nhị phủ miếu vì thế cũng còn được gọi là chùa ông Bổn. Nhị phủ miếu được xây dựng từ lâu đời vào thế kỷ 18 khi người Hoa Phúc Kiến đến lập nghiệp ở vùng Saigon - Bến Nghé thời chúa Nguyễn. Cũng như hội quán Huệ Thành ở chùa Bà, hội quán người Phúc Kiến cũng thành lập trường học ngay trong khuôn viên đất của Nhị phủ miếu. Trường học có tên là École de Foukien, sau này còn gọi là truờng Phúc Đức và sau 1975, là trường THCS Trần Bội Cơ. Ở Quận 1, đường Nguyễn Công Trứ, Saigon, cũng có một chùa của người Phúc Kiến, gọi là Phụng Sơn Tự hay chùa ông Bổn. Và dĩ nhiên người Minh Hương gốc Phúc Kiến nổi tiếng trong lịch sử Saigon và miền Nam là Trịnh Hoài Đức, tác giả của bộ sách vô giá về vùng đất Saigon – Gia Định (miền Nam) trong thế kỷ 17-19: Gia Định thành thông chí.


Hình 6 - Trường Trần Bội Cơ,
cạnh Nhị phủ miếu trên đường Hãi Thượng Lãn Ông.

Trên đường Trần Hưng Đạo, có chùa bà Hải Nam và trường học bên trong hội quán Quỳnh Phủ của người Hải Nam: trường Trần Hữu Trang. Các chùa khác thờ Thiên hậu thánh mẫu của người Hoa là Ôn Lăng hội quán và Hà Chương hội quán của người Phúc Kiến. Ôn Lăng hội quán ở đường Lão Tử do người Phúc Kiến ở phủ Tuyền Châu thành lập vào đầu thế kỷ 19 (Ôn Lăng là tên một địa danh ở phủ Tuyền Châu). Chùa thờ chính ở tiền điện là Thiên hậu thánh mẫu, hai bên tả hữu là Phước Đức chính thần (ông Bổn tức Trịnh Hòa), bà chúa Thai Sanh, ở hậu điện thờ Quan Âm bồ tát, Quan Công, Bao công, Thành hoàng…
Hà chương hội quán, ở cuối đường Nguyễn Trãi, của người phủ Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến thành lập năm 1809, còn gọi là chùa Ông Hược hay chùa bà Hà Chương. Cùng như Ôn Lăng hội quán, chùa bà Hà Chương trong chính điện thờ Thiên hậu thánh mẫu, ngoài ra chùa còn thờ Phước Đức chính thần (ông Bổn), bà chúa Thai sanh, Ngọc hoàng thượng đế, phật bà Quan âm và Quan công.


Hình 7 - Hà Chương hội quán của người Phúc Kiến, 802 đường Nguyễn Trãi


Hình 8 - Thiên tỉnh phía trước chính điện

Nhà thờ Chợ Lớn, còn gọi là nhà thờ thánh Francisco Xavier hay nhà thờ cha Tam, là nhà thờ có lịch sử rất xưa. Nhà thờ được thống đốc Nam Kỳ, de Lagrandière giúp đỡ xây dựng để phục vụ cộng đồng người Hoa theo đạo công giáo. Bắt đầu xây dựng từ cuối năm 1900 đến năm 1902 thì hoàn thành. Linh mục Pierre d’ Assou, sinh quán ở Macao, giỏi tiếng Triều Châu và Hẹ và có tên Hoa là Đàm Á Tố (Tam Assou, đọc sang âm Việt là Cha Tam), được giám mục địa phận Saigon là Jean Dépierre, cử ra mua một khu đất rộng thưa người ở xóm Lò Rèn, trên đường ngày nay gọi là Học Lạc. Mặt tiền nhà thờ đối diện đường rue des Marins (Đồng Khánh, nay là đường Trần Hưng Đạo nối dài), gần Lệ Châu hội quán (đền thờ tổ nghề kim hoàn của Sài Gòn xưa) để xây nhà thờ.


Hình 9 - Cổng vào chánh điện nhà thờ cha Tam,
bên trái là mộ cha Tam Assou

Hình 10 - Mộ cha Tam Assou ngay bên trái cổng chánh điện nhà thờ

Trong cuộc chiến hồi tết Mậu thân 1968, vùng chung quanh nhà thờ ở các đường Đồng Khánh (Trần Hưng Đạo nối dài), Nguyễn Trãi, Phùng Hưng đều bị thiệt hại nặng nề, nhưng nhà thờ cha Tam vẫn không hề hấn. Hiện nay nhà thờ còn nhiều người Hoa theo đạo, đến làm lễ, cho con cái học tập.
Phụng Sơn tự (chùa Gò) là chùa xây trên nền xưa của một đền Khmer cổ. Phụng Sơn tự không xa chùa Cây Mai (cũng xây trên một đền Khmer cổ trên gò cao, tượng trưng cho núi thiêng Meru, bao bọc chung quanh bởi các hồ, đầm trong vùng). Phụng sơn tự ngày nay nằm trên đường 3/2, thuộc quận 11. Theo tích xưa thì khi người Việt đến nhiều vào đầu thế kỷ 19 đời vua Gia Long, người Khmer bỏ chùa, tượng Phật và chuông chùa được chất lên bạch tượng (voi trắng) ra đi về hướng tây bắc, nhưng bị sụp chân làm đổ tượng và chuông rơi xuống bàu (ao) trong chùa. Tượng phật bằng đồng được người ta mang vào chùa thờ cho đến ngày hôm nay, còn chuông thì dưới bàu không tìm được. Tương truyền vào những giờ lành ngày kiết mỗi tháng,người dân quanh vùng thường nghe tiếng chuông từ bàu vang lên nhưng tìm không thấy. Từ đó bàu được gọi là Bàu Chuông. Khi người dân xây lấn chiếm đất, thải chất thải làm ô uế bàu Chuông, và người ta không còn nghe tiếng chuông nữa.


Hình 11 - Tích về tượng phật và chuông chùa chất trên
lưng bạch tượng trong khuôn viên chùa Gò.
Tượng phật đồng Khmer trên lưng voi là bản sao
của tượng Khmer vẫn còn trong chùa

Hai chùa cổ xưa ở Chợ Lớn không còn là chùa Cây mai và chùa Kiểng Phước. Như đã nói ở trên, chùa Cây Mai lúc đầu là chùa đền Khmer, sau này trở thành chùa Việt. Trong những năm đầu Pháp đến đánh Saigon vào năm 1859-1861, chùa Cây Mai và chùa Kiểng Phước (pagode des clochetons) bị liên quân Pháp – Tây Ban Nha chiếm đóng làm đồn quân sư cho “phòng tuyến chùa” (ligne des pagodes) trãi dài từ chùa Cây Mai, chùa Kiểng Phước đến đền Hiển Trung (pagode des mares) và chùa Berbet ở gần thành Saigon. Chùa Cây Mai bây giờ ở vị trí trại quân đội nhân dân gần đường Nguyễn Thị Nhỏ và Hồng Bàng, chỉ còn lại Cây Mai trong trại. Chùa Kiểng Phước là chùa người Hoa, mà liên quân Pháp - Tây Ban Nha do chuẩn đề đốc Page lãnh đạo năm 1860 đã chiếm đóng làm thành đồn clochetons. Vị trí của chùa Kiểng Phước là ở góc đường Marechal Foch (Lý Thường Kiệt) và Armand Rousseau (Nguyễn Chí Thanh). Leopold Pallu trong đoàn viễn chinh đánh Saigon năm 1861 đã nói về đồn clochetons như sau (17):
Chùa Clochetons hơi xa hơn các chùa kể trên, nhưng cũng nằm trên đường từ Saigon đi Mỹ Tho. Chùa xây cất giữa cánh đồng mồ mả. Các tượng thần (dieux) mạ vàng nằm đầy trong các phòng trong chùa, vẽ mặt như trong trạng thái gần như hoàn toàn thoát tục. Một đàn gà chạy bươi móc khắp nơi làm các lính thủy binh và bộ binh nhìn them muốn. Trên bàn của các sĩ quan có để vài chai rượu vermouth và absinthe; trước mặt đồn, các súng 30 ly nòng dài xoáy xếp thành hang trên các bệ bắn...”
Ngày nay chùa Kiểng Phước không còn vết tích nào để lại.

Tổng luận:


Vùng Chợ Lớn chủ yếu đa dạng về văn hóa, sắc tộc và tôn giáo và có lịch sử lâu đời, nơi đây là nơi tập trung nhiều đình, chùa, nhà cổ nhất vùng Saigon-Chợ Lớn. Các đình, chùa, hội quán, trường học đều được cộng đồng giữ gìn và quản lý tốt từ nhiều đời trong bao nhiêu năm. Tiềm năng về phát triển văn hóa và du lịch không kém gì các thành phố khác trong khu vực. Nhưng cảnh quan đô thị, môi trường sống và giá trị đặc trưng các khu phố của cộng đồng trong Chợ Lớn đã mau chóng biến dạng xuống cấp và không được đánh giá để ý đúng mức, qua sự lỏng lẻo trong quy hoạch và thiếu tầm nhìn xa xứng đáng cho một khu vực nhiều khả năng kinh tế và văn hóa như thành phố Chợ Lớn.


Tham khảo


(1) Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Lý Việt Dũng dịch và chú giải, Nxb Đồng Nai, http://namkyluctinh.org/a-sachsuvn/giadinhthanh-thongchi%5Bp3%5D.pdf
(2) Jean Baptiste Pétrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Souvenirs historiques sur Saïgon et ses environs, conférence faite au collège des interprètes par M. P. Truong Vinh Ky, Éditeur : Impr. coloniale (Saïgon), 1885.
(3) Les colonies françaises: notices illustrées / publ. par ordre du sous-secrétaire d'état des colonies sous la dir. de M. Louis Henrique, Quantin (Paris), 1889-1890.
(4) Vương Hồng Sển, Saigon năm xưa, 1992, Nxb Trẻ
(5) Claudine Salmon, Tạ Trọng Hiệp, De Batavia à Saigon: notes de voyage d’ un marchand chinois (1890), Archipel, 1994, Vol. 47, pp. 155-191.
(6) Hình ảnh, tư liệu, http://belleindochine.free.fr/Saigon1882.htm
(7) Albert Morice, Voyage en Cochinchine pendant les années 1872-73-74, par M. le Dr Morice, H. Georg (Lyon), 1876.
(8) Eugène Bonhoure, Indo-Chine, Challamel (Paris), 1900.
(9) Lê Văn Lưu, Pagodes chinoises et annamites de Cholon (orné de 26 photogravures), Imprimerie Tonkinoise, Hanoi,1931.
(10) Séance du 2 mars 1893, Bulletin de la Société des études indochinoises, année 1893, pp. 63, 1893, Société des études indochinoises (Saïgon).
(11) Pierre Passerat de la Chapelle, L’industrie du decorticage du riz, Bulletin de la Société des études indochinoises, année 1901, 1901/1 (no. 41)-1901/6, pp. 53, Société des études indochinoises (Saïgon).
(12) Louis Finot, Les papiers de Landes, Bulletin de l'Ecole française d'Extrême-Orient,1903, Vol. 3, No. 3, pp. 657-660.
(13) Antoine Brébion, Dictionnaire de bio-bibliographie générale, ancienne et moderne de l'Indochine française, publié après la mort de l'auteur par Antoine Cabaton, 1935, Contributeur: Cabaton, Antoine (1863-1942). Éditeur scientifique, 
http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k5848754g.image.hl.r=Spooner+saigon.f420.langFR
(14) Nola Cooke, King Norodom’s Revenue Farming System in Later-Nineteenth-Century Cambodia and his Chinese Revenue Farmers (1860-1891), Chinese Southern Diaspora Studies, Volume One, 2007. (http://csds.anu.edu.au/volume_1_2007/Cooke.pdf).
(15) Choi Chi-Cheung, Cheung Ah-Lum A biographical note, Journal of the Hong Kong. Branch of the Royal Asiatic Society, v. 24 (1984), pp. 282-7. (sunzi.lib.hku.hk/hkjo/view/44/4401560.pdf).
(16) Notice historique, administrative et politique sur la ville de Saïgon. Publiée par les soins du secrétaire général de la mairie, Impr. de l'Union (157 rue Catinat, Saïgon), 1917, 
http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k5843454w.r=%22notice+historique%22+ville+de+Saigon.langEN
(17) Léopold Pallu de la Barrière, Histoire de l’Expédition de Cochinchine en 1861, Berger-Levrault et Cie, Paris 5 Rue des Beaux-Arts, 1888, http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k5783366m.r=cochinchine+Leopold+Pallu.langFR
                                                                                                            (Còn tiếp)
(http://thaolqd.blogspot.com/2015/09/cho-lon-lich-su-ia-ly-kinh-te-va-van_8.html)

No comments:

Post a Comment