Friday 21 September 2012

Âm và nghĩa của hai chữ "song viết"双曰. (An Chi / Huệ Thiên)

Âm và nghĩa của hai chữ "song viết"双曰.

by An Chi on Saturday, July 7, 2012 at 10:28pm ·
 AN CHI

Chúng tôi cho rằng trong các câu thơ cổ, âm của hai chữ "song viết" 双曰 là sông vát. Đây là âm xưa của hai chữ 生活 mà âm Hán Việt hiện đại là sinh hoạt.
Chữ  đọc thành sông là điều đã được thừa nhận về mặt lý thuyết tại mục 2.a trong bài Thử tìm cách đọc Nôm hai chữ «song viết» của Nguyễn Tài Cẩn (Tạp chí Văn học, số 2-1974, tr.77-93). Còn chữ thì đã được chính Nguyễn Tài Cẩn đọc thành vát (nhưng hiểu theo nghĩa khác). Vả lại, viết  đọc thành vát là chuyện bình thường (Ss: niết bàn = nát bàn; kiết hung = cát hung, v.v.).
Trở lên là nói về cách đọc. Bây giờ xin nói về mối quan hệ sông vát ~ sinh hoạt.
Về trường hợp sông ~ sinh, xin lưu ý rằng sinh chỉ là âm hậu khởi vì 生 vốn là một chữ thuộc vận bộcanh 庚 nên âm Hán Việt gốc của nó phải là sanh. Vậy sông ~ sinh ở đây thực chất là sông ~ sanh. sông ~ sanh thì cũng giống như:
– bộng (một loại nồi đất, miệng to) ~ bạnh 甏 (bình to bằng sành);
– bộng (chỗ rỗng trong lòng gỗ) ~ bạnh 窉 (cái lỗ);
– mồng (trong mồng một, mồng năm, v.v.) ~ mạnh 孟 (trong mạnh xuân, mạnh nguyệt, v.v.);
– mống (trong không còn một mống) ~ manh 氓 (trong manh dân);
– mống (trong mầm mống) ~ manh 萌 (mầm);
– mống (trong khôn sống mống chết) ~ manh 盲 (ngu tối);
– phồng (trong căng phồng) ~ bành 澎 (trong bành trướng); v.v.
Sông trong sông vát đã trở thành một từ cổ nhưng nó có một điệp thức rất thông dụng hiện nay làsống. Sự tồn tại của hai điệp thức sông và sống ở đây không phải là điều khó giải thích vì trong vận thư thì chính chữ 生 cũng có hai hình thức thiết âm với hai thanh điệu tương ứng. Trong Quảng vận, ở phần bình thanh, thiết âm của nó là «sở canh thiết» (= sanh) còn ở phần khứ thanh thì thiết âm của nó là «sở cánh (→ kính) thiết» (= sánh).
Về trường hợp vát ~ hoạt thì trước hết xin nói rằng vát trong sông vát cũng chính là vát trong tháo vát, đều có liên quan về từ nguyên với chữ hoạt 活 mà nghĩa gốc là sống, rồi nghĩa phái sinh là nhanh nhẹn, sinh động, v.v.. vát ~ hoạt thì cũng giống như:
– và (kết từ) ~ hoà 和;
– vạ (trong tai vạ) ~ hoạ 禍;
–  (trong chó vá) ~ hoa 花 ( là cái đốm, giống như «đoá» hoa);
– vả (trong nhờ vả) ~ hoá 化 (đi ăn xin);
– van (trong van nài) ~ hoán 喚 (trong hô hoán);
– vàng ~ hoàng 黄;
– vạch (trong vạch ngang) ~ hoạch 劃 ; v.v..
Tóm lại, âm của hai chữ Nôm 双曰 là sông vát và đây là âm xưa của hai chữ Hán 生活 , mà âm Hán Việt hiện đại là sinh hoạt (cũng như goá bụa là âm xưa của quả phụ; thiêng liêng, của tinh linh 精靈;thơ ngây, của si ngai 癡獃, v.v.).
Vì là âm xưa của hai tiếng sinh hoạt nên nghĩa của sông vát tất nhiên cũng là nghĩa của hai tiếng trên đây. Đó là: sự hoạt động; đời sống, cuộc sống; cuộc đời; cảnh ngộ, hoàn cảnh; kế sinh nhai, nghề mưu sinh (Xin x. các nghĩa này tại mục «sinh hoạt» và các mục hữu quan trong Từ nguyên, Từ hải,v.v.). Các nghĩa này thực sự phù hợp từng nghĩa một với từng câu thơ tương ứng có hai chữ 双曰 và với chủ đề của từng bài thơ hữu quan trong Quốc âm thi tập (Nguyễn Trãi), Hồng Đức quốc âm thi tập(đời Lê Thánh Tông), Bạch Vân am quốc ngữ thi tập (Nguyễn Bỉnh Khiêm) và trong một số câu lẻ tẻ khác. Nếu muốn «hiện đại hoá» mà thay sông vát bằng sinh hoạt thì những câu thơ đó tất nhiên vẫn thông nghĩa, thậm chí có khi còn... dễ hiểu hơn. Ngay cả đối với 4 trường hợp mà Nguyễn Tài Cẩn cho là «xem ra cần phải có cân nhắc biện luận» (ông đọc 双曰 ở đây thành rông vát và hiểu là «dong chơi thơ thẩn, ung dung nhàn tản, phóng túng»), nếu thay «rông vát» bằng «sinh hoạt» thì ý thơ, theo chúng tôi, xem ra vẫn thông hơn:
– Sinh hoạt chớ rằng đã ngặt
Đến đâu thời cũng có xuân phong.
– Mựa hiềm sinh hoạt nhà còn ngặt
Tích đức cho con ấy mới mầu.
– Con cháu chớ hiềm sinh hoạt tiện
Thi thư thực ấy báu nghìn đời.
– Con cháu mựa hiềm sinh hoạt ngặt
Nghìn đầu cam quít ấy là tôi.
Dĩ nhiên là để phục hồi âm xưa, nhất là để đọc đúng âm của hai chữ 双曰 thì hai tiếng «sinh hoạt» trong 4 trường hợp trên đây phải được thay bằng hai tiếng «sông vát» (Và dĩ nhiên là cũng không thể không kể đến các trường hợp mà hai chữ này phải được đọc khác và hiểu khác).
Tuy hai tiếng sông vát chưa hề được ghi nhận ở bất cứ nơi nào và ở tác giả nào nhưng ta hoàn toàn có thể kiểm chứng các nghĩa của nó với âm Hán Việt hiện đại là sinh hoạt và ta có:
– Sông vát1 = sinh hoạt1 = (ngữ danh từ) I. 1. sự hoạt động; 2. đời sống, cuộc sống, cuộc đời, sinh hoạt; 3. nếp sống; 4. cảnh ngộ, hoàn cảnh; 5. kế sinh nhai, nghề mưu sinh. II. 1. sản phẩm, vật dụng; 2. của cải, tài sản, vốn liếng.
– Sông vát2 = sinh hoạt2 = (ngữ vị từ) 1. hoạt động; 2. sinh sống; 3. ăn ở, cư xử.
Về nghĩa II của sông vát1, xin nói rõ rằng sinh hoạt (sông vát) còn có một nghĩa đặc biệt đáng chú ý nữa là: «sản phẩm», «vật dụng», như có thể thấy, chẳng hạn, trong Nguyên điển chương, Thuỷ hử,v.v. (x. Cổ đại Hán ngữ từ điển của Tổ biên tập Cổ đại Hán ngữ từ điển, Bắc Kinh, 1998, tr.1393, hoặcTừ hải, bản tu đính 1989, in lần thứ 4, Thượng Hải, 1997, tr.1944; v.v.) Nghĩa này, kết hợp với các nghĩa trên kia dễ dàng cho phép ta suy ra cái nghĩa của «của cải/tư nghiệp», vốn chỉ là một cái nghĩa phái sinh hoàn toàn tự nhiên; của cải/tư nghiệp, suy đến cùng, chẳng qua là những «sản phẩm», «vật dụng» mà người ta tích luỹ được trong quá trình «hoạt động mưu sinh» (kể cả hành động chiếm đoạt và lừa đảo).
Bây giờ chúng tôi thử ứng dụng cách đọc, và nhất là cách hiểu của chúng tôi vào bốn câu trong bốn bài số 59, 60, 61, 62 của «Phong cảnh môn» trong Hồng Đức quốc âm thi tập. Trong bốn câu đó thì đây là sông vát1 dùng với nghĩa I.2.. Thay vì sông vát, dưới đây chúng tôi sẽ điền cái nghĩa đó (= cuộc sống) vào cho dễ thấy vấn đề và dễ thẩm định đúng sai:
– Cuộc sống ai bằng cuộc sống ngư;
– Cuộc sống ai bằng cuộc sống tiều;
– Cuộc sống ai bằng cuộc sống canh;
– Cuộc sống ai bằng cuộc sống mục;
Liên quan đến bốn câu trên, tác giả của thuyết rông vát cho rằng ở đây các nhân vật ngư, tiều, canh, mục «tự hào là tự hào về cái ‘vui thú’ trong cuộc sống của các vị». Lý do của ông là:
– Đề mục chung cho cả loạt bài được gọi là đề mục tứ thú (bốn thú).
– Khi các vị kể cho nhau nghe về mỗi người thì bài thơ đặt tên là Tứ thú tương thoại (= Bốn thú cùng nhau trò chuyện).
– Trong các bài xướng hoạ, nhiều dị bản có chữ thú trong hai câu mở đầu, nhất là ở câu 2.
– Nhưng, gút lại lạc thú của bốn vị dật dân, cao sĩ thường gắn bó với thiên nhiên này là gì? Đó là thú nhàn cư. (Xin x. Nguyễn Tài Cẩn, «Lại bàn thêm về hai chữ song viết», Ngôn ngữ, số 1 (164) – 2003, tr.5).
Khi gút lại vấn đề, tác giả đã tạo cho chúng tôi một chỗ dựa quan trọng. Cuối lập luận của mình, ông đã đưa chữ thú xuống hàng thứ yếu mà đài hai chữ nhàn cư lên. Thú thì có nhiều thứ thú nhưng ở đây lại là thú nhàn cư. Mà trong hai tiếng nhàn cư thì chính chữ cư mới là trung tâm. Nhàn thì có nhiều thứnhànnhàn bộ, nhàn du, nhàn đàm, nhàn sự, v.v. Còn ở đây thì lại là nhàn cư. Nhàn cư là sống rảnh rang, rỗi việc, là sống một mình, là sống trong cảnh hưu trí; tóm lại, có thể nói đó là cuộc sống «tự do, phóng khoáng, hoàn toàn thoát khỏi mọi vòng câu thúc», đúng như Nguyễn Tài Cẩn đã viết (Bđd, tr.1). Một cuộc sống như thế, thử hỏi có cuộc sống của hạng người nào khác có thể sánh được?
Sông vát ai bằng sông vát ngư ?
Sông vát ai bằng sông vát tiều? 
Sông vát ai bằng sông vát canh? 
Sông vát ai bằng sông vát mục?
Rõ ràng «song viết» trong bốn câu thơ đang xét có nghĩa là «cuộc sống», «đời sống», «sinh hoạt», v.v., mà chúng tôi đã đọc thành sông vát. Ưu thế của cách đọc và cách hiểu này là ở chỗ ngữ danh từsong vát còn có thể chuyển đổi từ loại thành ngữ vị từ và các nghĩa trong chuỗi ngữ nghĩa của hai cấu trúc, một danh từ tính và một vị từ tính này, có thể thay thế cho nhau để lấp đầy một cách đủ sức thuyết phục những khoảng trống ngữ nghĩa do hai chữ «song viết» đảm nhiệm.
Hai tiếng rong vát cùng với chuỗi ngữ nghĩa mà Nguyễn Tài Cẩn đã nêu thì không đủ sức thuyết phục nhưng cách đọc «song viết» cùng với nghĩa «tài sản/tư nghiệp» thì lại không thể ứng vào mọi trường hợp mà không trở thành gượng ép, chẳng hạn trong hai câu đề của bài 58 trong QÂTT. Huống chi ngay cả cách đọc thành «song viết», như đã nói, vẫn đang còn là một điều nghi vấn. Chúng tôi mạo muội cho rằng ở đây mà đọc thành sông vát1 với nghĩa I.3 thì sẽ thích hợp hơn:
Buồng văn khép cửa lọn ngày thu,
Đèn sách nhàn làm nếp sống nhu (nho).
Hai chữ «song viết» được «đóng khung» trong cái cảnh «suốt ngày thu nhà thơ đóng cửa để hưởng nhàn bằng thú đèn sách» có lẽ phải là để nói lên chuyện nếp sống thì mới đúng hơn là chuyện «của cải».
Ngay cả ở hai câu luận của bài «Phong cảnh môn» số 54 trong HĐQÂTT mà có ý kiến cho là «trường hợp đầu tiên cho thấy giả thiết rông vát thắng thế» thì «sông vát» có vẻ như cũng có thể được điền vào để góp phần «xử lý» cách hiểu hợp lý cho hai chữ «song viết»:
«Ngư hà sông vát2 ngày hằng đủ,
Bạng duật đôi co thế ngại dòm.»
có thể được hiểu là:
(Ngư ông cho rằng mình) sinh sống hằng ngày bằng con cá con tôm đánh bắt được đã là đủ lắm rối;
Còn chuyện trai cò đôi co thì lại là cái «thế» (nghĩa là cái nếp sống tranh giành) mà ngư ông không quan tâm («ngại dòm»).
***
Với tất cả các nghĩa trên đây, ta có thể kiểm chứng và thấy rằng sông vát là:
– gia cảnh trong các bài 10, 13, 49 của Quốc âm thi tập và bài 122 của Bạch Vân quốc ngữ thi;
– cuộc sống trong các bài 18, 59 của QÂTT, bài 113 của BVQNT, các bài 54, 59, 60, 61, 62, 63 thuộc «Phong cảnh môn» của Hồng Đức quốc âm thi tập;
– của cải trong các bài 113, 156, 164 của QÂTT, các bài 35, 47 của BVQNT, bài 32 thuộc «Thiên địa môn» và bài 64 thuộc «Phong cảnh môn» của HĐQÂTT.
Nhưng dù là nghĩa nào thì cái nghĩa này cũng nằm trong cùng một hệ nghĩa của một đơn vị từ vựng duy nhất là sông vát. Đơn vị này có thể chuyển loại thành vị từ với các nghĩa: hoạt động; sinh sống; ăn ở; cư xử; v.v. (sinh hoạt trong tiếng Hán cổ đại và hiện đại cũng chuyển loại như thế).
Nguồn Facebook của An Chi (Huệ Thiên)

No comments:

Post a Comment