Nguồn gốc địa danh Bà Rịa-Vũng Tàu
1. Địa danh Bà Rịa
Sự kiện sớm nhất nói tới địa danh Bà Rịa là năm 1690, sách “Đại Nam thực lục tiền biên " ghi rằng: "Năm Canh Ngọ (1690), Cai cơ Nguyễn Hữu Hào đem quân đi đánh Nặc Thu, vua Chân Lạp, rồi rút từ Bích Đôi (Chân Lạp) về đóng ở Bà Rịa". Theo “Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658- 1813” thì trong danh mục họ đạo ở Đồng Nai có nói đến xứ Bà Rịa vào năm 1747 có 140 giáo dân Địa danh Bà Rịa cũng được Lê Quý Đôn nhắc tới trong sạch "Phủ biên tạp lục " qua sự kiện "Tháng 4 năm Bính Thìn (1776) chúa Nguyễn Phúc Thuần đã bỏ Phú Xuân chạy vào xứ Bà Rịa".
Sau này địa danh Bà Rịa còn được nhắc đến nhiều lần trong một số sử sách, tài liệu, nhưng đều là tên gọi để chi xứ đất, vùng đất, địa hình, công trình xây dựng, còn Bà Rịa với tư cách là tên một đơn vị hành chính xuất hiện lần đầu tiên từ ngày 9-11-1864, khi Thống đốc Nam Kỳ De la Grandìere ra nghị định thành lập Nha Nội chính thì huyện Phước An, tương đương phần đất liền Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay được đổi thành hạt tham biện Bà Rịa, một trong 13 hạt tham biện của miền Đông Nam. Từ đó trở đi, Bà Rịa chính thức là tên gọi đơn vị hành chính .
Từ trước tới nay có nhiều giả thuyết và cách giải thích khác nhau về nguồn gốc địa danh Bà Rịa:
- Cách giải thích thứ nhất: Bà Rịa là tên người?
Truyền thuyết Bà Rịa (tên người) lần đầu tiên được nhắc tới trong sách "Chuyên khảo tỉnh Bà Rịa và thành phố Cap Saint-]acques". Theo sách này thì "Bà Rịa là một phụ nụ sống cuối thế kỷ XVIII và chết năm I803 tại làng Phước Liễu do bà lập nên. Truyền thuyết trong vùng kể rằng người đàn bà này đã đến trú ngụ ở đây vào năm 1789, mà tên của bà được lưu truyền như là cư dân đầu tiên”
- Cách giải thích thứ hai : Bà Rịa là tên vị thần?
Bùi Đức Tịnh cho rằng trong vùng người Khơme sinh sống ngày xưa họ hay đào ao đề phục vụ nhu cầu sinh hoạt và tín ngưỡng. Tiếng Khơme ao là "prah " tiếng Việt đọc trại thành "bà”. Địa danh Bà Rịa "có thể là tên một người gốc Khơme được Việt hóa" và không có dáng là tên của người Việt Nam.
Thải Văn Kiểm cho rằng Bà Rịa có nguồn gốc từ Bà Địa mà ra. Bà Địa là một nữ thần được dân chúng sùng mộ đặt tên cho vùng đất mà họ sinh sống, cũng như Bà Điểm, Bà Hom, Bà Chiều, Bà Hạt…
Theo Tạ Chí Đại Trường, địa danh Bà Rịa có lẽ lấy từ danh xưng thần Po Riyak của người Chăm. Po Riyak là thần Sóng Biển, thuộc trung đẳng thần. Tên gọi Bà Rịa (Việt hóa từ Po Riyak) trên vùng đất mới là hồi ức của những người dân di cư từ miền Trung vào trong các thế kỷ XVII-XVIII.
- Cách giải thích thứ ba: Bà Rịa là tên gọi tộc người (tộc danh) từng cư trú trên địa bàn?
Trước khi người Việt tới, đây là địa bàn cư trú của người Khơme, người Mạ, người S'tiêng, người Châuro . . . Theo Lê Hương (sách Ngừơi Việt gốc Miên, 1965) thì núi Bà Rịa được gọi là Phnom Châr. Malleret, học giả người Pháp khi nghiên cứu văn hóa Óc Eo đã giải thích địa danh Bà Rịa được gọi trại từ Barey của người Khơme vốn là một cái hồ ở Long Điền (tức Bàu Thành). Etienne Aymonier cho rằng địa danh Bà Rịa vốn là từ Pariya theo cách gọi của người Khơme. M. Pau] Pelliot lại cho rằng Bà Rịa vốn là tên một xứ đất của Lục Chân Lạp là Baria. Còn Mar Phoeun và Po Dharma chỉ ra Barea (Bà Rịa), Kapéâp Srêkatrey (Biên Hòa), Kompong Krâbei (Bến Nghé), Prey Nokor (Sài Gòn) là những địa danh theo cách gọi của Chân Lạp trong thế kỷ XVI-XVII.
- Cách giải thích thứ tư: Địa danh Bà Rịa là tên một vương quốc xưa?
Trịnh Hoài Đức, trong sách Gia Định thành thông chí viết: “… Bà Rịa là đất Lục Chân Lạp xưa. Khảo sách Tân Đường thư nói: “Nước Bà Lị ở thẳng phía Đông Nam Chiêm Thành, từ cửa biển Giao Châu vượt biển trải qua các nước Xích Thổ, Đan Đan mới đến. Đất ấy có bãi rộng nhiều ngựa, cũng gọi tên là Mã Lễ… Tra ở sách Chính vận, chữ Lị âm là lực + địa thiết ngờ Bà Rịa tức là nước Bà Lị xưa chăng?... Tạm chép phụ ở đây để chờ những bậc học rộng sau này khảo biên”.
Sau này, năm 1969, Lê Thọ Xuân đã viết bài "Sau ngót 150 năm, thử giải điểm thắc mắc của An Toàn hầu Trịnh Hoài Đức về sử địa nước nhà”. Trong bài viết này, bằng những chứng cứ khá thuyết phục, Lê Thọ Xuân đã chứng minh Bà Rịa (tức địa danh của Bà Rịa-vũng Tàu ngày nay) không phải là nước Bà Lì xưa mà Trịnh Hoài Đức đã từng nghi ngờ khi viết trong Gia Định thành thông chí. Theo Lê Thọ Xuân, căn cứ vào vị trí địa lý, đặc điểm nhân chủng và phong tục mà Tân Đường Thư và Gia Định thành thông chí viết thì Bà Lị (cũng gọi là Mã Lễ) là của người Mã Lai (tức Malaysia ngày nay).
Như vậy, hiện nay, nguồn gốc địa danh Bà Rịa vẫn chưa được giải thích với đầy đủ chứng cứ thuyết phục. Tuy nhiên, qua cách giải thích của các học giả xưa nay chúng ta thấy hầu hết đều thiên về ý kiến cho rằng nguồn gốc Bà Rịa là từ địa danh hoặc nữ thần của tộc người bản địa. Lưu dân người Việt đã Việt hóa, hoặc đọc trại tên gọi đã có từ trước .
2. Địa danh Vũng Tàu
Địa danh Vũng Tàu được biết tới sớm nhất là qua lời ghi trong cuốn Tự vị Annam-Latinh (Dictionnarium Annamitico-Latinum) của Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine), in năm 1772-1773. Sách này cho biết Vũng Tàu có nghĩa là “nơi tàu đậu” .
Sách Phủ Biên tạp Iục của Lê Quý Đôn, viết năm 1776, đã nói đến địa danh Vũng Tàu là "nơi hải đảo có dân cư", khi miêu tả trận chiến giữa quân Tây Sơn và quân của chúa Nguyễn Phúc Thuần.
Sách Đại Nam thực lực chính biên cũng đề cập đến Vũng Tàu và Cửa Lấp (tức cửa Tắc Khái, ranh giới giữa Vũng Tàu và Phước Tỉnh) khi cho biết thảng 5-1796, Nguyễn ánh đã lập 5 đài phong hỏa (tức đài quan sát, đốt lửa báo tin) từ Cần Giờ ra đến địa giới Bình Thuận.
Sang thế kỷ XIX, các sách Gia Định thành thông chí và Đại Nam nhất thống chí đều giải thích Vũng Tàu là Thuyền Úc, tức vũng biển có nhiều thuyền neo đậu. Có lẽ người ta đã dùng chữ Vũng Tàu có ý nghĩa tương tự để thay cho chữ Vũng Thuyền khi vùng biển này ngày càng có nhiều tàu neo đậu.
Sau khi cuốn Tự vị Annam-latinh (tức là cuốn sách đầu tiên có ghi địa danh Vũng Tàu) của Bá Đa Lộc xuất bản được hai năm, năm 1775, nhà hàng hải Manneviclette cho ấn hành sách địa lý á Đông Neptune Oriental. Theo sách này thì Vũng Tàu được các nhà hàng hải người Bồ Đào Nha gọi là "Cinco Chagas". Cần lưu ý rằng; trong quá trình chinh phục thế giới, người Bồ Đào Nha hay dùng cụm từ Cinco Chagas để đặt tên cho tàu bè vượt biển hoặc tên núi đồi. Cinco Chagas có nghĩa là “năm dấu thánh của Đức Giês¬u” hay "năm vết thương của chúa cứu thế" (4 dấu vết thương bị đóng đinh chân tay vào thập giá và 1 dấu bị giáo đâm bên sườn có trái tim). Chính người Bồ đã dùng cụm từ này để đặt tên cho Vũng Tàu một vùng đất có thể nhìn thấy từ khơi xa qua 5 ngọn núi ở Vũng Tàu và Bà Rịa. Mannerilleue ghi trong sách Neptune Onental Cinco Chagas là Sinkel-jacques và người Pháp viết-đổi thành (Cap) Saint-jacques. Như vậy, địa danh Cap Saint-jacques (bắt nguồn từ tên Cinco Chagas) xuất hiện từ năm 1775, cùng thời điểm với tên gọi Vũng Tàu được ghi trong Tự vị Annam-Latinh (1772-1773).
Tên gọi "Ô Cấp" để chỉ Vũng Tàu xuất hiện đầu thế kỷ XX có lẽ được Việt hóa từ cụm từ "Aller au Cap" (có nghĩa là đi ra mũi đất-để nghỉ mát và tắm biển) được rút gọn thành "Au Cap" (có khi rút gọn là "Cấp", Cap = mũi) ra đời cùng với nhu cầu đi nghỉ cuối tuần của người Sài Gòn…
Nguồn: S.T.
cám ơn tác giả, ở Vũng Tàu nhiều năm mà giờ mới biết những điều này!!!
ReplyDelete