Monday, 24 September 2012

Về địa danh Sài Gòn (Năng Lượng Mới số 155 ,14-9-2012). An Chi / Huệ Thiên


Về địa danh Sài Gòn (Năng Lượng Mới số 155 ,14-9-2012).

by An Chi on Friday, September 14, 2012 at 12:51pm ·
BẠN ĐỌC : Blog của Dang Thai Minh có bài “Nguồn gốc địa danh Sài Gòn” của tác giả Bình Nguyên Lộc, tóm tắt nhiều xu hướng giải thích về nguồn gốc tên gọi này, trong đó có nguồn gốc từ tiếng Quảng Đông. Trong cuốn A Voyage to Cochin China của John White (London,1824), tác giả cũng ký âm tên nhiều vùng đất (như Canjeo (Cần giờ), Vung-tau, Gagn-jai, Cai-mep, Don-nai, v.v.) trong đó có SAIGON.
Phải chăng Saigon là từ của người ngoại quốc ký âm tên vùng đất mà triều đình Huế đặt tên là Trấn biên rồi là Gia định.         Trong tấm bản đồ của Trần (hay Nguyễn?) Văn Học vẽ vào năm 1815, có địa danh CHỢ SAIGON bằng chữ Hán, chỉ khu vực Chợ lớn ngày nay. Nhờ ông An Chi đọc và cho ý kiến. Xin cám ơn.
                                                                          Trần Gia Quốc Anh, Huế.
AN CHI : Về vấn đề bạn quan tâm, cách đây 22 năm, chúng tôi đã có nói rõ ý kiến cá nhân trong bài “Từ nguyên của địa danh Sài Gòn”, đăng trên Kiến thức Ngày nay số 36 (1-6-1990), in lại trongNhững tiếng trống qua cửa các nhà sấm (Nxb Trẻ, 2004, tr.167-177). Lần này, xin căn cứ vào tài liệu bạn gửi đến để trả lời bạn như sau.
                Bình Nguyên Lộc (BNL) là tác giả mà chúng tôi ái mộ từ năm 15 tuổi khi đọc quyển Nhốt Gió, tác phẩm  đầu tay của ông, do nhà Thời Thế xuất bản năm 1950. Nhưng ông chỉ là một nhà văn, và có thể là cả một nhà văn hoá nữa, chứ không phải một nhà ngữ học. Dĩ nhiên ngữ học không chỉ là độc quyền của những nhà ngữ học chính danh nhưng muốn bàn về ngữ học thì phải có những kiến thức hữu quan cần thiết. Không phải hễ là một học giả trứ danh  thì có thể có kết luận chính xác về bất cứ vấn đề ngữ học nào. Điển hình là trường hợp của Georges Condominas mà chúng tôi đã nêu trong bài “Nghĩa và nguồn gốc của từ Vặt” trên Năng lượng mới số 22 (26 - 5 - 2011). Với BNL, hơn 200 biểu so sánh ngôn ngữ trong quyển Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Viêt Nam (1971), rồi toàn bộ quyển Lột trần Việt ngữ (1972) của ông chỉ cung cấp cho ta những ngữ liệu bổ ích chứ không phải là công trình ngữ học thực thụ. Cũng vậy, bài “Nguồn gốc địa danh Sài Gòn” của ông mà bạn gửi đến không phải là một bài viết thật sự chặt chẽ và khoa học. Lĩnh nhận đề nghị của bạn, chúng tôi chỉ xin nêu một vài nhận xét cơ bản về bài này mà thôi.
        1.Tên của Sài Gòn trong tiếng Khmer.– Phủ nhận cái tên gốc của Sài Gòn là Prây Nôkor (cách ghi của BNL) trong tiếng Khmer, như BNL đã tuyên bố, là đã loại bỏ cái căn cứ đích thực giúp cho ta đi tìm từ nguyên của địa danh Sài Gòn. Sài Gòn  từ xưa đến nay vẫn được người Khmer gọi là Prey Nokor (cách ghi của AC) ; nghĩa là cho đến bây giờ cái tên Prey Nokor (dùng để chỉ Sài Gòn) vẫn còn tồn tại dai dẳng trong tiếng Khmer. Sau đây là một dẫn chứng sinh động. Trong bài “L'origine du mot Yuon et les avatars de notre voisin de l'Est” do Khemara Jati (Montréal, Québec) đưa lên mạng “RepublicofCambodia” (Yahoo!Groups) ngày 13-2-2010 , ta có thể đọc thấy một lời chú thích dứt khoát, rành mạch về địa danh “Sài Gòn” , ghi trong ngoặc đơn như sau: “Saigon (Maintenant «Hochiminhville», mais pour les Cambodgiens c’est toujours Prey Nokor)”. Dịch nghĩa: “Sài Gòn (Bây giờ [là] Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng đối với người Campuchia thì đó luôn luôn là Prey Nokor)”. Nên nhớ rằng cái câu này ra đời vào cuối thập kỷ thứ nhất của thế kỷ XXI. Nó mới toanh! Nghĩa là Prey Nokor, tên của Sài Gòn bằng tiếng Khmer, vẫn còn sống dai dẳng cho đến tận bây giờ. Làm sao có thể phủ nhận nó?
 Nhưng BNL còn biện luận rằng người Chăm gọi Sài Gòn là Prây Kor chứ không phải là Prây Nokor. Cái lý này hoàn toàn không vững. Ta đang nói về đất (cũ) của Campuchia thì phải căn cứ vào tiếng Khmer chứ sao lại lấy tiếng Chăm làm điểm xuất phát? Huống chi, Prây Kor chẳng qua chỉ là Prây Nôkor đã bị người Chăm bỏ đi âm tiết “nô”của Nôkor mà thôi.
Nhưng BNL còn đưa ra một cái lý khác nữa. Ông viết:
“Một ông Tây thứ nhì, cũng biết cơ cấu ngôn ngữ Cam Bu Chia như tôi, xác nhận rằng địa danh phải là Prây Ko, hoặc Prây Kor, chớ không thế nào mà là Prây Nokor được hết (…) Ông ấy cho là Ko, hoặc Kor, không phải chỉ có nghĩa là Bò, mà là có nghĩa là cây gòn, một thứ cây có công dụng y hệt như cây gạo của Bắc Việt.”
Thực ra thì, với cái chứng lý hoàn toàn cụ thể và chắc chắn mà chúng tôi đã đưa ra trên đây, thì ngoài Prey Nokor, không có bất cứ một cái tên nào khác của Sài Gòn bằng tiếng Khmer mà lại có giá trị được cả, dù cho nó do bất cứ ông Tây, ông ta nào lăng xê. Dĩ nhiên là kể cả Georges Coedès, học giả lừng danh, tác giả quyển Les peuples de la péninsule indochinoise (Dunod, Paris, 1962). Tại trang 185 của quyển này, Coedès đã viết như sau: “Grâce à la princesse, une ambassade cochinchinoise put en 1623 obtenir du souverain cambodgien l’autorisation d’établir un poste de douane à Prei Kor, à l’endroit où s’élève aujourd’hui la ville de Saigon.” (Nhờ nàng công chúa [Ngọc Vạn – AC], năm 1623 một sứ bộ Đàng Trong đã được quốc vương Campuchia cho phép lập một trạm thu thuế tại Prei Kor, nơi mà ngày nay thành phố Sài Gòn được xây dựng).
Kể ra cũng là chuyện khôi hài khi mà người ta muốn tìm tên của Sài Gòn bằng tiếng Khmer nhưng lại phớt lờ cách gọi nó của chính người Khmer để đưa ra toàn những thứ do chủ quan của mình tưởng tượng hoặc lựa chọn. Tóm lại, những thứ như Prây Ko (Rừng Bò), Prây Kor (Rừng Gòn), v.v., đều phải bị gạt bỏ không thương tiếc.
2. Sài Gòn và Thầy Ngòn (BNL viết “Ngồl”).– BNL viết:
“Trịnh Hoài Đức viết rằng sau khi Tây Sơn tàn phá thành phố lớn Nông Nại Đại Phố, ở Biên Hòa, thì người Tàu sống sót, trong đó có họ Trịnh, người Tàu lai, chỉ mới lên tám, chạy xuống phía dưới để lập ra một thành phố khác, nay truy ra là thành phố ấy là vùng Chợ Lớn ngày nay. Đa số người Tàu sống sót là người Quảng Đông. Họ đặt tên thành phố mới ấy là Đề Ngạn Thành. Đề Ngạn có nghĩa là “Nắm (vững) bờ sông”. Sông ở đây, chỉ là sông con, trỏ tả ngạn của con rạch Cầu ông Lãnh, đoạn nằm ở đại lộ Đồng Khánh ngày nay. Người Quảng Đông phát âm Đề Ngạn là Thầy Ngồl, và Thầy Ngồl bị Việt Hoá ra là Sài Gòn.”
Ý kiến của BNL hoàn toàn trái ngược với sự thật lịch sử. Trong Địa chí văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh, t.1, phần ba (Nxb TPHCM, 1987), Nguyễn Đình Đầu đã khẳng định:
“1698 là năm chúa Nguyễn cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh (cũng đọc là Kính) vào Nam kinh lược.
“Nguyễn Hữu Cảnh «lấy đất Nông Nại làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn là huyên Tân Bình, dựng dinh Phiên trấn; mỗi dinh đặt chức lưu thủ, cai bộ và ký lục đẻ cai trị».
“Từ đây mới chính thức có chính quyền của chúa Nguyễn ở vùng đất mới bấy lâu nay do lưu dân Việt Nam tự động đến sinh sống, khai hoang lập ấp và tự quản.
“Ta lấy năm 1698 là cái mốc đầu tiên của Sài Gòn là vì vậy, vì từ đó mới có phủ sở Gia Định, huyện sở Tân Bình thuộc phủ Gia Định, từ đó xứ Sài Gòn mới chánh thức là đất Việt Nam (…)”.
Huống chi, thực ra,  theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn thì thống suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đã đánh Cao Miên và phá vỡ Luỹ Sài Gòn từ năm 1674.
                                                     (Xin xem tiếp trên số 156, Thứ ba 18-9-2012).

No comments:

Post a Comment