Vì sao có cái tên "Sài Gòn"?
03-08-2012 | 11:00Thuyết Đề Ngạn: Là thuyết được đưa ra bởi 2 người Pháp là Aubaret và Francis Garnier. Theo Aubaret, năm 1778 người Hoa ở Cù lao Phố (Biên Hòa) vì giúp đỡ nhà Nguyễn nên bị quân nhà Tây Sơn tàn sát, phải rút lui theo con sông Tân Bình (Bến Nghé). Họ chọn vùng đất ở giữa đường Mỹ Tho đi Cù lao Phố mà xây dựng tân sở, ngày sau là phố Chợ Lớn. Năm 1782, họ lại bị quân nhà Tây Sơn tàn sát một lần nữa. Ít lâu sau, họ xây dựng lại, đắp đê cao nên đặt tên chỗ mới là "Tai-Ngon", hoặc "Tin-Gan", phát âm theo giọng Quảng Đông là "Thầy Ngồn" hay "Thì Ngòn", đọc theo âm Hán-Việt là "Đề Ngạn". Họ dùng danh từ "Tây Cống" hoặc "Xây cóon", "Xi cóon" để ám chỉ vùng người Việt ở, tức chợ Bến Thành ngày nay. Thuyết này được hai học giả là Vương Hồng Sển và Thái Văn Kiểm đồng ý.
Thực tế, trên phương diện ngữ âm, thì "Thầy Ngòn", "Xi Coón" rất giống "Sài Gòn". Nhưng theo lịch sử thì không phải, vì lịch sử chứng minh rằng Sài Gòn có trước, rồi người Tàu mới đọc theo và đọc chại ra thành Thầy Ngòn, Xi Coón.
Quanh cảnh trước chợ Bến Thành những năm đầu Pháp xâm lược An Nam
Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776, năm 1674 Thống suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên và phá vỡ "Luỹ Sài Gòn" (theo Hán Nho viết là "Sài Côn"). Đây là lần đầu tiên chữ "Sài Gòn" xuất hiện trong tài liệu Việt Nam. Vì thiếu chữ viết nên chữ Hán - "Côn" - được dùng thế cho "Gòn". Như vậy, ngay từ năm 1674 đã có địa danh Sài Gòn, không phải đợi đến năm 1778 khi người Tàu ở Cù Lao Phố bị quân Tây Sơn tiêu diệt rồi chạy xuống lập nên Thầy Ngòn tức Đề Ngạn, hay Xi Coón tức Tây Cống.
Thuyết Củi và bông gòn thì "Sài Gòn" bắt nguồn từ chữ "Sài" theo chữ Hán là củi và "Gòn" và là chữ Nôm chỉ cây bông gòn. "Sài” là mượn tiếng viết theo chữ Hán có nghĩa là củi gỗ, “Gòn” là tiếng Nam chỉ bông gòn. Người ta nói rằng, cái tên đó phát sinh bởi sự kiện nhiều cây bông gòn do người Cao Miên đã trồng quanh đồn đất xưa của họ. Dấu vết nay vẫn còn ở chùa Cây Mai và các vùng lân cận… Song, cho tới nay thì các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra được nguồn gốc đích thực để chứng minh sự tồn tại của thuyết này.
Tương tự như vậy, có nhiều thuyết cho rằng "Sài Gòn" xuất phát từ chữ "Prey Kor" (Rừng Gòn) hay "Kai Gon" (Cây Gòn) mà ra. Nói chung, các thuyết này đều dựa vào cây bông gòn. Nhưng thuyết này phần lớn đã bị bác bỏ vì lý do đơn giản là không ai tìm được dấu tích của một thứ "rừng gòn" ở vùng Sài Gòn, hay sự đắc dụng của củi gòn ở miền Nam. Thêm nữa, cây gòn thời đó dùng làm hàng rào chứ không làm củi. Và theo nhà nghiên cứu Lê Trung Hoa trong Địa Danh thì "sài" chỉ xuất hiện trong các từ ghép Hán-Việt như "Sài Tân" chứ chưa bao giờ được dùng như một từ đơn. Vì thế không thể nói "củi" được, là "sài" được, hay là "củi gòn" là "Sài Gòn" được. Vậy, thuyết Sài Gòn là "củi gòn" đã bị bác bỏ bởi thực tế địa lý và ngữ học.
Thuyết Prei Nokor thì dựa theo lịch sử và phát âm thuyết này cho "Sài Gòn" là được phiên âm từ "Prei Nokor" hay từ "Thầy Ngồn" mà ra. Prei Nokor nguyên là dinh của phó vương Chân Lạp thuộc vùng Chợ Lớn tới chùa Cây Mai, là dấu vết của một "thành phố" có từ thời Tiền Angkor (theo nhà sử học Pháp - Louis Malleret). Tuy nhiên, không có tài liệu nào khẳng định rằng nơi đây từng tồn tại khu dân cư trước thế kỷ XVI . Ông Petrus Trương Vĩnh Ký là người đưa ra thuyết này.
Theo sử Cao Miên được dịch lại bởi Louis Malleret (người Pháp), vào năm 1623, một sứ thần của chúa Nguyễn đem quốc thư tới vua Cao Miên và ngỏ ý muốn mượn xứ Prei Nokor và Kras Krabei của Cao Miên để đặt phòng thu thuế. Tới năm 1674, Cao Miên có biến, chúa Nguyễn sai Nguyễn Dương Lâm đánh và phá lũy Sài Gòn. Như vậy, từ 1623 tới 1674, vùng Prei Nokor hay Sài Gòn đã được phát triển. Năm 1747, theo danh mục các họ đạo trong Launay, Histoire de la Mission Cochinchine, có ghi "Rai Gon Thong" (Sài Gòn Thượng) và "Rai Gon Hạ" (Sài Gòn Hạ). Đó la theo sử sách, còn theo tiếng nói thì Prei Nokor (hay Brai Nagara theo tiếng Phạn mà người Miên mượn) có nghĩa là "thị trấn ở trong rừng", "Prei" hay "Brai" đều là "rừng", "Nokor" hay "Nagara" là "thị trấn". Đây là vùng mà chúa Nguyễn đã mượn làm nơi thu thuế. Theo tiến trình của ngôn ngữ, Prei hay Brai biến thành Rai, thành "Sài", Nokor bị bỏ "no" thành "kor", và từ "kor" thành "gòn".
Thuyết Bến Củi lại cho rằng: Dọc theo con đường Nam tiến của dân tộc Việt Nam có nhiều bến bên các dòng sông: Bến Vân đồn, Bến Thủy, Bến Hải, Bến Quan, Bến Ván, Bến Thóc, Bến Đình, Bến Tranh, Bến Tre, Bến Súc, Bến Tắm Ngựa, Bến Thành, Bến Củi… Bến Ván đã được đổi ra Bản Tân, Bến Thóc đã đổi ra Mễ Tân. Bến Thành nay vẫn lưu tên ở chợ Bến Thành. Bến Củi theo nhiều nhà nghiên cứu về Sài Gòn thì có thể đã được đổi ra thành Sài Tân, Sài Ngạn do người Quảng Đông sống ở khu vực này gọi chữ bến (bờ) là ngạn. Chữ Sài Ngạn có lẽ sau này được đọc thành Sài Gòn.
Dù ý nghĩa cái tên “Sài Gòn” là gì thì hiện thực lịch sử đã chứng minh nó từng là một thành phố phát triển và năng động bậc nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Ngày nay, Sài Gòn là một trong những thành phố công nghiệp và hiện đại nhất Việt Nam…
Đăng Văn
No comments:
Post a Comment