Thursday 13 September 2012

Giáo chủ và “chim giáo chủ” (Năng Lượng Mới số 145 , 10-8-2012) An Chi


Giáo chủ và “chim giáo chủ” (Năng Lượng Mới số 145 , 10-8-2012).

by An Chi on Friday, August 10, 2012 at 12:55pm ·
BẠN ĐỌC : Mục “Chuyện lạ đó đây” của Tuấn Huy trên Kiến thức Ngày nay số 791 (1-8-2012) có mẩu tin “Chim kỳ quái”, lấy từ báo Daily Hampshire Gazette với lời chú thích ảnh như sau : “Chim giáo chủ còn non có 2 đầu, 1 mỏ nhỏ giữa 2 mỏ lớn, do đột biến gien hoặc tác nhân môi trường tạo thành.” Xin ông An Chi cho biết “chim giáo chủ” là chim gì, tên của con chim này trong bài báo tiếng Anh nói trên là gì và, nhân tiện, xin ông cho hỏi việc dùng hai tiếng “giáo chủ” để chỉ một chức vụ bên Công giáo có chính xác hay không.
                                                                               Nguyễn Huỳnh Lâm, Q.1, TPHCM.
AN CHI : “Chim giáo chủ” là một cách dùng từ không thích hợp mà cách đây hơn 11 năm chúng tôi đã có nhận xét ngay trên Kiến thức Ngày nay số 382 (ngày 20-3-2001, mục “Chuyện Đông chuyện Tây”). Có người, có lẽ vì mặc nhận rằng “giáo chủ” là một cách gọi không đúng (với lối nói bên  Công giáo) nên đã gọi nó là “chim hồng y”, như Minh Long trong bài “Chim hai đầu, ba mỏ” (Vnexpress.net, ngày 1-6-2012). Có người còn gọi nó bằng một cái tên “đầy đủ” hơn, là “chào mào Hồng y giáo chủ ”, như Bảo Châu, trong “10 loại chim đẹp nhất hành tinh” trên m.tin247.com.
Tên con chim này trong bài báo của Daily Hampshire Gazette  là “cardinal”. Từ này nằm trong câu: “Britt said she found the bird near the base of a tree in her yard Monday afternoon and, figuring it wouldn't survive for long on the ground, returned it to its nest and to the pair of cardinals inside.” (“Baby bird with two heads, three beaks found in Northampton”, Gazettenet.com [Daily Hampshire Gazette],  Wednesday, May 30, 2012). Dịch nghĩa: “Bà Britt nói rằng bà đã thấy con chim gần một gốc cây trong sân (nhà) bà vào xế chiều ngày thứ hai và, nghĩ rằng nó sẽ không sống sót được lâu ở dưới đất (nên) đã đặt lại nó vào tổ cho đôi chim cardinal trong đó).”
Cardinal là từ chỉ một chức sắc Công giáo trong tiếng Anh, mượn thẳng từ tiếng Pháp trung đại, mà nguyên từ (etymon) là “cardinalis” trong ngữ đoạn “cardinalis sanctæ romanæ Ecclesiæ” của tiếng La Tinh, có nghĩa là “cốt cán của Toà Thánh La Mã”. Đặc trưng về lễ phục của chức sắc này là màu đỏ thắm nên về sau người ta còn dùng chính từ “cardinal” để chỉ một vài loài động vật hoặc thực vật có màu đó trong tiếng Pháp (có thể hoặc dùng thẳng hoặc làm định ngữ):
– giống chim sẻ lông đỏ (mà ta đang nói đến);
– một  giống cá;
– một giống bướm;
– một giống ốc;
– một giống bọ cánh cứng, còn gọi là pyrochre;
– giống hoa dơn (glaïeul) màu đỏ thắm;
  – giống nho đỏ; v.v..
Cứ như trên thì việc so sánh ở đây tuyệt nhiên không dính dáng gì đến con người hoặc tính cách của các chức sắc cốt cán bên Công giáo vì nó chỉ liên quan đến lễ phục, nói cho rõ ràng hơn, là cái màu đỏ thắm trên lễ phục của họ mà thôi. Vì vậy cho nên dịch “cardinal” của tiếng Pháp hoặc tiếng Anh thành “chim giáo chủ” hoặc “chim hồng y” là đã làm một việc không thích hợp. Diễn đạt thành chim “chào mào Hồng y giáo chủ ” thì lại càng vô lý. Có lẽ do muốn tránh cái sự vô lý này mà dân Tàu mới dịch “cardinal” thành “Bắc Mỹ hồng tước” 北美紅雀 (sẻ đỏ Bắc Mỹ). Tiếc rằng Từ điển Anh-Việt của Viện Ngôn ngữ học (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1975), cũng dịch “cardinal” thành “chim giáo chủ” (!). Từ điển Pháp-Việt (Dictionnaire français-vietnamien) của Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam do Lê Khả Kế làm tổng biên tập (Agence de Coopération Culturelle et Technique, 1981) đã dịch một cách khá hợp lý thành “chim áo đỏ”. Cách dịch này làm chúng tôi nhớ đến danh ngữ “chim áo già”, chỉ một giống chim có tên khoa học là Lonchura malacca, khá phổ biến ở trong Nam. Riêng cá nhân chúng tôi thì muốn gọi đó là “(chim) sẻ đỏ”; khi nào sợ văn cảnh có thể gây hiểu lầm thì sẽ nói rõ là “sẻ đỏ Bắc Mỹ”. Còn nếu muốn dùng một thuật ngữ thực sự chăt chẽ thì chúng tôi sẽ gọi đó là “hồng tước Bắc Mỹ”.
Trước đây, chức vụ cardinal vẫn được gọi một cách bình thường là “hồng y giáo chủ” trong tiếng Việt. Hồi tháng 4 -1955, khi Francis Spellman – kẻ đã kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ sử dụng bom nguyên tử ở Việt Nam – đến Sài Gòn để chuẩn bị cho Ngô Đình Diệm về hất cẳng Bảo Đại, thì dân chúng và báo chí ngoài Công giáo vẫn gọi tay này một cách bình thường là “hồng y giáo chủ”. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức (Khai Trí, Sài Gòn, 1970), Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (Nxb Khoa học xã hội, Hà nội, 1967) và Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên (Nxb Đà Nẵng – Vietlex, 2007) đều có ghi nhận mục từ “hồng y giáo chủ”. Đây là một cách gọi hoàn toàn thích hợp. Nhưng nhiều năm gần đây, nhiều tác giả ngoài Công giáo, vì muốn tỏ ra “thức thời” nên đã theo cách nói bên Công giáo mà gọi cardinal là “hồng y” trơn tru và gạt bỏ hai tiếng “giáo chủ”. Họ không biết rằng “hồng y” chỉ là một lối nói mang tính biệt ngữ của Công giáo còn “hồng y giáo chủ” mới là một lối nói của tiếng Việt toàn dân. Cái lý do bên Công giáo mà họ đã nghe theo là: “giáo chủ” cũng là một lối nói để chỉ giáo hoàng (nên không thể gọi “hồng y” thành “giáo chủ”). Nhưng trong tiếng Việt thì hai hình vị “chủ” và “hoàng” khác nhau nhiều lắm.
“Hồng y giáo chủ” thực ra là một lối nói đã cải biên từ mấy tiếng “hồng y chủ giáo” 紅衣主教, mà  dân Tàu đã dùng để dịch “cardinal”. “Chủ giáo” 主教 là hai tiếng mà Tàu đã dùng để dịch “bishop” (giám mục) của tiếng Anh. Trong cái cấu trúc này của tiếng Hán thì “chủ” là định ngữ còn bị định ngữ, tức trung tâm, là danh từ “giáo”. Nhiều người Việt Nam không quen với kiểu chuyển loại từ động từ thành danh từ – như trường hợp của từ “giáo” – nên mới đưa “giáo” lên trước làm định ngữ cho “chủ” thành “giáo chủ” vì, theo họ, chỉ có “chủ” mới là danh từ. Nhưng hai lối nói hữu quan chỉ khác nhau về thành phần cấu tạo, cũng như về sắc thái ngữ nghĩa gốc, chứ lối nói của tiếng Việt thì tuyệt đối không sai ngữ pháp (dĩ nhiên là ngữ pháp của tiếng Tàu). Như vậy thì trong tiếng Việt, “giáo chủ” có đồng nghĩa với “giáo hoàng” hay không? Xin thưa rằng tuyệt đối không. Cái lý do đơn giản nhất mà ta có thể đưa ra ngay tức khắc là tiếng Việt văn học và tiếng Việt toàn dân không bao giờ gọi giáo hoàng là “giáo chủ”. Huống chi, trong tâm thức của người Việt thì “chủ” và “hoàng” là hai hình vị khác hẳn nhau. “Chủ” là biến thể ngữ âm hậu kỳ của  “chúa”  (chúa nhựt = chủ nhật) mà lịch sử Việt Nam thì có một giai đoạn gọi là “vua Lê chúa Trịnh”. Dòng họ Trịnh chỉ kế vị nhau làm “chúa” (chủ); chỉ có người của họ Lê mới làm “hoàng” (đế) mà thôi. Ngôi vị giữa “chủ” (chúa) và “hoàng” cách biệt nhau như thế thì ta tuyệt đối không thể nói rằng “giáo chủ” đồng nghĩa với “giáo hoàng”. Người Công giáo có thể đánh dấu bằng giữa “giáo chủ” và “giáo hoàng”. Đó là chuyện nôi bộ của họ. Nhưng ta không thể buộc tiếng Việt toàn dân cũng phải bắt chước mà làm y như họ. Đây là một điều dứt khoát.

No comments:

Post a Comment