Sunday 9 September 2012

Về bài liên quan đến hai tiếng "Hoa Lang" của Roland Jacques (Kiến Thức Ngày Nay số 365, ngày 01-10-2000) - An Chi

 ĐỘC GIẢ: Trong một số sách, hai tiếng “Hoa Lang” được dùng để chỉ người Bồ Đào Nha và/ hoặc người Hà Lan, rồi người châu Âu nói chung. Nhưng đâu là xuất xứ của hai tiếng đó?

AN CHI: Trong bài viết rất công phu và đầy tư liệu quý hiếm nhan đề Nguồn gốc và ý nghĩa các tên gọi “Hoa Lang” và “Hoa Lang đạo”, đăng trên Ngôn ngữ, số 8-2000, Roland Jacques đã giải thích về nguồn gốc của tên gọi “Hoa Lang” đại khái như sau. Nguồn gốc xa xăm của nó là các từ “Frans”, “Franken”, “Franchi” trong một số ngôn ngữ ở châu Âu, dùng để chỉ một dân tộc gốc Đức là người Frăng (theo cách phiên âm của tác giả). Đây là thành phần cư dân chủ yếu của đế quốc Charlemagne ở Tây Âu đầu thế kỷ IX. Người Ả Rập theo Hồi giáo gọi họ là “Ifranji” (số nhiều), rồi từ đó lại thành ra “Faranji”. Trong thời Thập tự chinh, “Ifranji/ Faranji” trở thành từ phổ biến ở vùng Trung Đông và được dùng để gọi quân thù. Khi người Bồ Đào Nha chiếm thành quốc Malacca vào năm 1511 thì họ cũng được gọi là “Ifranji/ Faranji” hoặc “Ifranghi/ Faranghi”. Nhưng tên gọi này dần dần mất đi sắc thái thù địch và người Bồ được gọi là “Frangue (s)” /fraŋ-gə/ theo mẫu “Ifranghi” nhưng mất đi nguyên âm ở đầu. Tiếng Mã Lai và tiếng Indonesia hiện nay vẫn còn dùng từ “Perenggi”, còn tiếng Thái Lan thì dùng từ “Farang” (cả hai đều theo mẫu “Faranghi”) để gọi người châu Âu với sắc thái hơi coi thường. Thành phố Malacca bấy giờ có ba phường của người Trung Hoa, một của người Phúc Kiến, một của người Chương Châu và một của người Quảng Châu. Nhờ họ mà tên dùng để chỉ người Bồ Đào Nha sớm được truyền đến Trung Hoa, hẳn là theo cách ghi thích hợp cho từng phương ngữ. Mục thời luận trong Minh sử năm Chính Đức thứ 16 (1521) còn nhắc đến một khẩu đại bác, có tên gọi là “Fu-lang-chi” (nhưng không rõ được ghi bằng những chữ Hán nào, vì chỉ dẫn theo phiên âm), dạo ấy bị tước đem về Bắc Kinh. Về sau, người ta đã xác định nghĩa đen của ba chữ đó là tên gọi một loại “dương nhân” (người nước ngoài), chứ không phải một loại pháo. Từ “faranji” đến “fu-lang-chi” không xa rồi từ “fu-lang-chi” chuyển sang “Hoa Lang” cũng khá gần gũi. Có thể chữ thứ ba bị bỏ đi vì được coi như chữ 之 “chi” là một trợ từ vô nghĩa, hoặc là dùng giữa định ngữ và danh từ trung tâm trong tiếng Hán cổ, có nghĩa là “của”. “Fu-lang-chi pháo” là “súng đại bác của người Fu lang”. Còn có một giả thiết khác: song song với dạng Á Rập hoặc Mã Lai, từ “Farang” của tiếng Xiêm cũng được truyền miệng đến Trung Hoa. Nếu đúng thì riêng tiếng “Farang” này được người Quảng Đông phiên âm bằng chữ Hán: về sự tương ứng “rang ~ lang” thì đã rõ còn chữ “Hoa” (Hán Việt) thì tiếng Quảng Đông đọc là “Fa”. Từ Quảng Đông sang Việt Nam hồi giữa thế kỷ XVI thì có cả hai dạng, đều dùng để gọi người Bồ Đào Nha: dạng truyền miệng là “Falang”, ghi bằng chữ quốc ngữ “Pha lang” và dạng viết bằng chữ vuông mà người Việt đọc thành “Hoa Lang”.
Trở lên chúng tôi đã lược thuật kiến giải của Roland Jacques về nguồn gốc của hai tiếng “Hoa Lang” còn sau đây là nhận xét của chúng tôi về kiến giải đó.
1. - Sự ráp nối “faranji > fu-lang-chi (~ fu lang chi pháo) > Fu lang > Hoa Lang” là một chuỗi thao tác không chặt chẽ. Fu-lang-chi là ba tiếng mà Hán tự là 佛郎機, đọc theo âm Hán Việt là “Phật lang cơ”. Đây là một hình thức phiên âm để chỉ người Franc(s) như đã được ghi nhận và chú giải trong nhiều quyển từ điển quen thuộc: Từ nguyênTừ hải (bản cũ), Từ hải (bản tu đính 1989), Mathews’ Chinese – English DictionaryVương Vân Ngũ đại từ điển, v.v.. Đặc biệt bản tu đính 1989 của Từ hải đã ghi nhận cho ba chữ “Phật lang cơ” đến bốn nghĩa mà nghĩa thứ nhất là: “Đời Minh gọi người Bồ Đào Nha là Phật lang cơ (phiên âm từ tiếng Ba Tư frangí hoặc firingí, vốn chỉ chung tín đồ Cơ Đốc giáo của châu Âu)”. Còn sau đây là nghĩa thứ tư: “Đời Minh cũng gọi pháo (đại bác) do người Bồ Đào Nha chế tạo là phật lang cơ”. Vốn chỉ là một hình thức phiên âm thuần túy (cả ba âm tiết đều vô nghĩa) với nghĩa thứ nhất, đến nghĩa thứ tư thì âm tiết thứ ba () vô hình trung đã được xem như một danh từ có nghĩa là “máy móc”, “súng ống” (nên Phật lang cơ mới có nghĩa là súng do người Phật Lang, tức người Bồ Đào Nha chế tạo). Nhưng để tránh nhầm lẫn hoặc tên tộc người thành tên một loại đại bác hoặc ngược lại, người ta đã đặt ra cụm từ “Phật lang cơ pháo”, có nghĩa là “đại bác (của người) Phật lang cơ (tức Bồ Đào Nha)”, như đã được ghi nhận trong Từ nguyên và Vương Vân Ngũ đại từ điển.Từ trên đây suy ra, chữ “chi” trong “Fu-lang-chi” chẳng qua chỉ là một cách ghi âm cũ theo tiếng Bắc Kinh của chữ  機, mà phương án pínyín hiện nay ghi thành “jí ” (nên trong Xứ Đàng Trong, Nxb Trẻ, 1999, tr.86, d.5, Li Tana mới ghi thành “fulangji” để chỉ người Bồ Đào Nha) chứ không phải của chữ chi 之 mà âm Bắc Kinh (pínyín) là “zhí ”. Một đằng là (Hán Việt)/   (Bắc Kinh) còn một đằng là chi (Hán Việt)/ zhí  (Bắc Kinh) nên không thể lẫn lộn được. Do đó, việc ông Roland Jacques đưa chữ chi 之 vào cấu trúc “Fu-lang-chi” là một việc làm thực sự không thích hợp. Huống chi chữ 佛, mà âm Bắc Kinh là , âm Quảng Đông là fặt, âm Hán Việt là phật, âm cổ Hán Việt là bụt, tuyệt đối không thể nào được phát âm thành “hoa”!!! Vậy thì làm sao mà “Fu lang” có thể trở thành “Hoa Lang”?
2. - Tiếng Xiêm Farang có được người Quảng Đông phiên âm bằng chữ Hán hay không là một vấn đề khó khẳng định hoặc phủ định. Nhưng nói rằng tiếng Xiêm Farang đã được người Quảng Đông phiên âm bằng hai chữ 花郎 (Bđd, tr.8) nên người Việt mới đọc thành “Hoa Lang” (Bđd, tr.12), thì lại là một việc có thể phủ định được. Ám chỉ chữ 花, tác giả có lập luận rằng trong phương ngữ Quảng Đông chữ Hán Việt “Hoa” được đọc là “Fa”. Quả có gần đúng như thế vì âm Quảng Đông của chữ đang xét là “fá”, thí dụ: Fá khềy là “Hoa Kỳ”, fá fúi là “hoa khôi”, fá chúc là “hoa chúc”, v.v.. Vậy nói rằng người Quảng Đông dùng chữ 花 mà họ đọc là “fá” trong tiếng Xiêm “Farang” là một điều có thể tạm chấp nhận được. Đến như nói rằng chữ 郎 mà lại được họ dùng để phiên âm âm tiết “rang” của từ đó thì lại khó có thể chấp nhận. Dùng “l” để phiên âm “r” là chuyện hoàn toàn bình thường. Bất bình thường là ở chỗ dùng một nguyên âm tròn môi là “o” [ɔ] để phiên âm một nguyên âm không tròn môi là “a”. Âm Quảng Đông của chữ 郎 là “loòng”  nên không thể dùng để phiên âm âm tiết “rang” của tiếng Xiêm. Đây là nói về điểm xuất phát. Còn nói về điểm đến thì nếu họ đã dùng hai chữ花郎 để phiên âm tiếng Xiêm “Farang” thì tất nhiên là họ phải đọc thành “Fá loòng” nên cái dạng truyền miệng sang tiếng Việt cũng phải là “Phá loòng” (người Việt vẫn đọc được vần "oong" : kính coong,xoong chảo) chứ không thể là “Pha lang”. Nhân tiện, xin nói thêm về hai tiếng “Pha lang”. Đây là dạng “truyền miệng” mà người Đại Việt đã đọc theo âm Bắc Kinh của hai chữ pháp lang 法郎. Âm Bắc Kinh của hai chữ này, ghi theo lối pínyín, là “fáláng”. Đây là một hình thức phiên âm tương ứng với hai chữ phật lang 佛郎 (trong Phật lang cơ). Bằng chứng là danh từ franc dùng để chỉ một đơn vị tiền tệ (của Pháp hoặc Thụy Sĩ) có thể được phiên âm bằng một trong hai dạng: pháp lang (nay dùng phổ biến trong tiếng Bắc Kinh) hoặc phật lang (mà trước đây người Việt Nam đã đọc trại thành “phật lăng”). Dạng “truyền miệng” của âm Bắc Kinh không phải là một hiện tượng hiếm hoi trong tiếng Việt sau thời nhà Minh, mà cái thí dụ có thể coi như đã trở thành “cổ điển” là tiếng “tủ” vốn là đọc theo âm Bắc Kinh (pínyín) của chữ độc 櫝, có nghĩa là... cái tủ (Chú ý: chữ “d” của lối pínyín  dùng để ghi âm [t]).Tóm lại, giả thiết thứ hai của Roland Jacques về nguồn gốc của tên gọi “Hoa Lang” cũng không đáng tin.
3. - Vậy thì đâu là nguồn gốc đích thực của tên gọi “Hoa Lang” trong tiếng Việt? Chúng tôi cho rằng đó chính là tên gọi “Hoa Lang” 花郎 sẵn có trong tiếng Hán. Tại mục từ cùng tên, Từ nguyên đã giảng như sau: “Tục của nước Tân La, chọn trong con em các gia đình cao sang những người xinh đẹp mà tô son điểm phấn, gọi là hoa lang”. Vậy hoa lang hẳn phải là những trang thanh niên trắng trẻo, hồng hào và đặc điểm này có lẽ chính là cơ sở cho cách dùng hai tiếng đang xét theo phép ẩn dụ để chỉ người Bồ Đào Nha chăng, vì nói chung họ cũng là những người "hồng hào, trắng trẻo"? Chẳng biết đúng, sai thế nào, xin cứ tạm nêu lên để chất chính cùng các bậc thức giả.

No comments:

Post a Comment