Friday, 8 November 2013

Án dành cho ông Nguyễn Thanh Chấn là cẩu thả, vô cảm (Bùi Quang Nghiêm - Tuổi Trẻ)


07/11/2013 18:30

Án dành cho ông Nguyễn Thanh Chấn là cẩu thả, vô cảm

TTO - Vụ án Nguyễn Thanh Chấn là vụ án gây gây bức xúc cho nhiều người bởi sự cẩu thả, vô cảm của cơ quan tố tụng trước thân phận một con người.
Ông Nguyễn Thanh Chân đau khổ trong chiếc áo tù hơn 10 năm qua - Ảnh: Minh Quang
Vì sao ở một nước mà "cơ quan điều tra thuộc hàng giỏi nhất thế giới" (như nhận định của một cán bộ Uỷ Ban Tư Pháp) lại buộc được một người ngồi tù oan suốt 10 năm trời? Trong khi suốt 10 năm đó, không biết bao nhiêu lá đơn kêu oan đã gửi đi nhưng chưa một lần được trả lời.
Hiện tại, hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên phạt ông Nguyễn Thanh Chấn tù chung thân về tội giết người đã bị hủy theo thủ tục tái thẩm của TAND Tối cao theo kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao. Nhiều câu hỏi đặt ra, tại sao lại là tái thẩm mà không phải giám đốc thẩm? Tình tiết Lý Nguyễn Chung đầu thú có phải là tình tiết mới hay không?
Thực chất, cả Tái thẩm và Giám đốc thẩm đều không phải là cấp xét xử mà chỉ là một thủ tục đặc biệt. Theo đó, bản án (hoặc quyết định) đã có hiệu lực pháp luật được xem xét lại trên cơ sở có kháng nghị của người có thẩm quyền.
Tuy nhiên, căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Toà án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó.
Bao gồm: Lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, lời dịch của người phiên dịch có những điểm quan trọng được phát hiện là không đúng sự thật; Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm đã có kết luận làm cho vụ án bị xét xử sai; Vật chứng, biên bản điều tra, biên bản các hoạt động tố tụng khác hoặc những tài liệu khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật; Những tính tiết khác làm cho việc giải quyết vụ án không đúng sự thật.
Trong khi đó, Giám đốc thẩm là "xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án".
Như vậy, căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Căn cứ giám đốc thẩm bao gồm: Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ; Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố, xét xử; Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự.
Trong vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, tình tiết Lý Nguyễn Chung đầu thú có phải là tình tiết mới để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm hay không? Thực tế thì Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) không có định nghĩa cụ thể thế nào là tình tiết mới? Tuy nhiên, nếu theo quy định tại Điều 290 Bộ luật TTHS, có thể hiểu tình tiết mới là tình tiết: có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định và Tòa án không thể biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó.
Theo như quy định nêu trên, việc Lý Nguyễn Chung đầu thú hội đủ các yếu tố để được xem là một tình tiết mới mặc dù chúng ta đều biết rằng, tình tiết này không tự nhiên xuất hiện mà là do sự cẩu thả của cơ quan tiến hành tố tụng.
Chúng ta không cần thiết phải tranh cãi về việc xem xét lại bản án của ông Nguyễn Thanh Chấn theo hình thức nào vì mục đích của giám đốc thẩm hay tái thẩm trong trường hợp này đều như nhau.
Bản án có hiệu lực pháp luật đã được ban hành một cách cẩu thả và vô cảm - đã bị hủy. Cái chính là cơ quan tư pháp bằng việc kháng nghị và xem xét lại bản án đã thừa nhận sự sai sót và cẩu thả của mình.
Như vậy, với thủ tục tái thẩm hay giám đốc thẩm thì các cơ quan tiến hành tố tụng trong hệ thống tư pháp của chúng ta đã làm ngay được việc phải làm: thừa nhận là mình cẩu thả, vô cảm…
Luật sư BÙI QUANG NGHIÊM
Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM
Sẽ không né được trách nhiệm
Ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng VKSND tối cao - đã khẳng định như trên trước Quốc hội chiều nay (7-11).
Ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: "Tôi xin khẳng định tái thẩm hay giám đốc thẩm thì cuối cùng cũng có kết quả như nhau. Chỉ có khác nhau điều kiện. Sở dĩ kháng nghị tái thẩm là vì xuất hiện tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án, ở đây là đối tượng Lý Nguyễn Chung ra đầu thú".
"Còn việc tái thẩm có làm cho các cơ quan tiến hành tố tụng (tập thể và cá nhân) tránh được trách nhiệm không? Thưa Quốc hội là không tránh được nếu có vi phạm", Ông Bình nói.
Trước đó, trả lời báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội, ông Nguyễn Hòa Bình nói thêm: tuy tòa chưa tuyên nhưng khả năng phạm tội của Lý Nguyễn Chung là khá rõ ràng. Với tình tiết mới như vậy đã làm thay đổi bản chất vụ án cho nên phải tái thẩm".
LÊ KIÊN

No comments:

Post a Comment