Sunday 3 November 2013

Tây rạch mặt là bọn nào?



Một số Tây đen, tức lính châu Phi da đen (Afrique Noire) trong đoàn quân viễn chinh Pháp ở Viễn Đông có tục rạch mặt vằn vện, trông rất dữ dằn. Người Việt gọi chúng là Tây rạch mặt / Tây gạch mặt / Tây mặt gạch hay lính Xê-nê-ga-le (tirailleur sénégalais).



Bữa nó đưa bố sang gặp thầy Lư tôi mới được nhìn kỹ khuôn mặt người lính viễn chinh này. Môi ông dày và đặc biệt hai bên má đều có vết gạch sâu vào. Ở quê tôi người ta gọi là Tây gạch mặt! 

Tô Đức Chiêu - Đứa con lai


Sau khi Nhật chiếm một thời gian, thì Tây chiếm trở lại. Nhưng lần nầy có nhiềâu "Tây đen Phi châu" như người Maroc và Senegal (còn có biệt danh là "cột nhà cháy" vì nước da đen tuyền, hay "Tây gạch mặt" vì trên mặt của họ có những lằn giống như thẹo do phong tục gạch mặt làm duyên của họ).


GS Nguyễn Hữu Phước - Dòng Sông Định Mạng




Loại lính này thoạt kỳ thủy được chiêu mộ ở Xê-nê-gan năm 1857, do đó có tên gọi là tirailleur sénégalais. Về sau từ tirailleur sénégalais được dùng để chỉ chung bộ binh nhẹ người da đen châu Phi (trừ khu vực Bắc Phi).


Vì giá rẻ nên lính Tây đen được tuyển mộ để đưa sang chiến đấu ở Đông Dương từ tháng 4-1947. Đợt đầu tiên chỉ có 167 người, nhưng đến cuối năm đó đã có 2260 anh Tây đen trên chiến trường Đông Dương. Năm 1948 nhiều tiểu đoàn Xê-nê-ga-le dã chiến (BMTS) được tổ chức và huấn luyện riêng cho chiến trường Đông Dương. Tiểu đoàn 1/24 và tiểu đoàn 2/24 đến Hải Phòng ngày 1/1/1949, tiểu đoàn 26 đến ngày 16/4/1949, tiểu đoàn 27 đến ngày 18/4/1949, tiểu đoàn 28 đến ngày 23/4/1949, tiểu đoàn 29 đến ngày 25/7/1949, tiểu đoàn 30 đến ngày 17/8/1949, tiểu đoàn 32 đến ngày 28/9/1949, tiểu đoàn 31 đến ngày 19/10/1949. Tổng cộng là 12090 người. Khi đến nơi lính Xê-nê-ga-le được phân phối cho các đơn vị có sẵn ở chiến trường như các trung đoàn bộ binh thuộc địa (RIC) số 2, số 6 và số 43, các trung đoàn pháo binh thuộc địa (RAC) số 4 và số 10... và cả trung đoàn bộ binh Ma-rốc (Bắc Phi, không đen). Năm 1951 tuyển được 14600 lính Xê-nê-ga-le. Khi Pháp thua trận Điện Biên Phủ, số lính Xê-nê-ga-le có mặt ở Đông Dương lên đến 19570 tên, trong đó có khoảng 1000 tên phục vụ trong không quân.

Trong suốt cuộc chiến có khoảng 5500 Tây đen tử trận, mất tích hoặc đào ngũ và 1000 tên khác bị Việt minh bắt. Tây đen có sức khỏe tốt nên thường phải gánh những việc nặng nhọc nhất trong trại tù binh. Khoảng 800 người được trao trả vào năm 1954.
Sau chiến tranh Đông Dương, chỉ một số lính Xê-nê-ga-le đáng tin cậy được chuyển qua các trung đoàn bộ binh thuộc địa (RIC) hoặc pháo binh thuộc địa (RAC). Số còn lại bị cho về vườn.

No comments:

Post a Comment