Friday, 8 November 2013

Án oan 10 năm: Chọn tái thẩm để đền ít tiền hơn? (An Khanh - Báo Đất Việt)


.
Cập nhật lúc 09:58, 07/11/2013

Án oan 10 năm: Chọn tái thẩm để đền ít tiền hơn?

(Tin tức thời sự)-'Về mặt hậu quả pháp lý hình sự, ông Chấn được minh oan nhưng nếu xét lại bản án theo trình tự giám đốc thẩm thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải bồi thường nhiều cho ông Chấn về mặt dân sự theo Nghị quyết 388. Còn tái thẩm thì việc bồi thường không được bao nhiêu', Luật sư  Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty luật TNHH Fanci cho biết.

PV: - Ngày 6/11, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao mở phiên toà xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự tái thẩm đối với vụ án Nguyễn Thanh Chấn phạm tội giết người theo kháng nghị tái thẩm của Viện KSND tối cao. Theo ông, việc xét lại bản án theo trình tự tái thẩm có hợp lý không? Việc Lý Nguyễn Chung ra đầu thú có được coi là tình tiết mới?
LS Nguyễn Văn Tú: - Theo tôi, việc xét lại bản án theo trình tự tái thẩm là không đúng. Bởi tái thẩm là phải phát sinh ra tình tiết mới. Nhưng trước hết phải hiểu không phải tình tiết mới nào cũng được xem xét để tái thẩm. Tình tiết mới để làm căn cứ tái thẩm phải thỏa mãn 2 yếu tố: thứ nhất là mới, nghĩa là trước đây chưa từng có. Thứ hai, cái mới này phải làm thay đổi căn bản bản chất của vụ án, quyết định của bản án đang có hiệu lực và tại thời điểm xét xử vụ án này cơ quan ra bản án đang có hiệu lực này người ta không thể biết được.

Yếu tố thứ hai này trong tình tiết Lý Nguyễn Chung ra đầu thú không thỏa đáng bởi theo thông tin trên báo chí, trong giai đoạn xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, ông Nguyễn Thanh Chấn đã từng kêu oan vậy nhưng đều không được tòa xem xét thấu đáo, cho rằng kêu oan không có căn cứ. Vậy mà ngày hôm nay, một người đến nói rằng tôi mới là kẻ giết người, tại sao cơ quan tố tụng chưa kịp điều tra đã vội tin rồi?

Khi Lý Nguyễn Chung ra đầu thú về hành vi giết người, cướp của, về nguyên tắc phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì người ta lại dùng đó là căn cứ để kháng nghị tái thẩm. Đấy là sai lầm của VKSND Tối cao.

Mặt khác, chưa thể biết được ông Nguyễn Thanh Chấn có bị bức cung, dùng nhục hình hay không. Trước đây ông này kêu oan nhưng không thể chứng minh được, bây giờ lời khai của Lý Nguyễn Chung cũng vậy, vậy mà ngay lập tức người ta tin luôn thì chứng tỏ nó cũng rất ngây thơ và vu vơ.

Ông Nguyễn Thanh Chấn trong vòng tay người thân sau khi được trả tự do. Ảnh: TTO
Ông Nguyễn Thanh Chấn trong vòng tay người thân sau khi được trả tự do. Ảnh: TTO

Việc xét lại bản án theo trình tự tái thẩm vừa không đúng về pháp luật vừa vô hình trung giúp cho cả cơ quan ra bản án trước đây thoát được Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra. Người làm sai, làm oan đương nhiên phải bồi thường, nhưng giờ đây khi nói có tình tiết mới, tức là tôi có biết đâu mà tôi phải bồi thường.
PV: - Xét lại bản án theo trình tự tái thẩm và giám đốc thẩm, hình thức nào sẽ có lợi cho ông Nguyễn Thanh Chấn hơn, thưa ông?

LS Nguyễn Văn Tú: - Về hậu quả pháp lý của phiên tòa là như nhau. Hai quyết định kháng nghị vẫn dẫn đến một phiên tòa, mà hậu quả của phiên tòa ấy chỉ có mấy khả năng, một là chấp nhận kháng nghị, hai là không chấp nhận kháng nghị.
Nếu chấp nhận kháng nghị thì phải minh oan cho ông Chấn. Không chấp nhận kháng nghị thì coi như kháng nghị sai.

Như vậy, ông Chấn về mặt hậu quả pháp lý hình sự là được minh oan. Nhưng nếu xét lại bản án theo trình tự giám đốc thẩm thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải bồi thường nhiều cho ông Chấn về mặt dân sự theo Nghị quyết 388.
Còn nếu tái thẩm thì việc bồi thường không được bao nhiêu. Các cơ quan tố tụng kia cũng không bị xử lý gì về trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính hay trách nhiệm kỷ luật cả.

Vì thế tái thẩm có lợi cho những cơ quan, những người làm sai.
PV: - Nếu ông Chấn yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường thiệt hại do đã làm oan cho ông thì thử làm một phép đơn giản, ông sẽ được bồi thường bao nhiêu?
LS Nguyễn Văn Tú: - Khi có quyết định của TAND tối cao về việc ông Chấn không thực hiện hành vi phạm tôi, ông Chấn được bồi thường 3 khoản sau:
1. Thiệt hại tinh thần:
Theo Nghị quyết 388, thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp bị tù giam được tính: 1 ngày tù giam oan được bồi thường 3 ngày lương tối thiểu.
Một ngày lương tối thiểu tính theo mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường được xác định bằng việc lấy mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường chia cho 22 là số ngày làm việc bình quân của mỗi tháng.

Với mức lương tối thiểu hiện nay là 1.150.000 đồng/tháng, tức ông Chấn có thể được bồi thường thiệt hại về tinh thần hơn 52.000 đồng/ngày bị giam oan.
Số tiền bồi thường thiệt hại tinh thần cho ông Chấn sẽ được tính như sau:
(Số ngày bị oan sai tính từ thời điểm ông Chấn bị khởi tố) x 3 x (1.150.000 đồng : 22 ngày)
Ông Chấn bị tù oan 10 năm, tương đương khoảng 3.650 ngày. Theo cách tính trên, ông Chấn sẽ nhận được số tiền bồi thường hơn 570 triệu đồng.
2. Thiệt hại mất thu nhập:
Mỗi ngày ông Chấn làm thu nhập ổn định x số ngày bị oan sai tính từ thởi điểm bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù
3. Cải chính xin lỗi công khai
4. Thiệt hại vật chất
- Khoản suy giảm sức khỏe (nếu có)
- Chi phí tố tụng (nếu có) bao gồm: Án phí sơ thẩm, phúc thẩm, phí luật sư v.v...


Xem xét bồi thường sau
Chiều 6/11, Hội đồng tái thẩm TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao, tuyên hủy bản án phúc thẩm đối với ông Nguyễn Thanh Chấn.

Theo đó, sau nhiều giờ họp kín, Hội đồng tái thẩm của TAND Tối cao đã đồng ý với kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao, ông Nguyễn Hòa Bình.

Hai bản án tuyên ông Nguyễn Thanh Chấn tù chung thân về tội "giết người" ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm bị tuyên hủy, điều tra lại từ đầu.

Được biết, việc bồi thường sẽ được xem xét sau.

An Khanh

No comments:

Post a Comment