"Tái thẩm hay giám đốc thẩm thì những vi phạm, nếu có, của các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn bị xử lý, chứ không phải tái thẩm thì tránh được"?
Bên lề QH ngày 7/11, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời PV về việc ra quyết định kháng nghị tái thẩm bản án của ông Nguyễn Thanh Chấn thay vì kháng nghị giám đốc thẩm sẽ “giúp” Tòa phúc thẩm TAND Tối cao “phủi” trách nhiệm và số phận pháp lý của ông Chấn tiếp tục bị “treo”.

- Thưa ông, đang có những tranh luận của các chuyên gia luật cho rằng lẽ ra Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao phải ra kháng nghị giám đốc thẩm bản án Giết người của ông Nguyễn Thanh Chấn thì mới quy trách nhiệm của các cơ quan liên quan rõ ràng hơn và giúp số phận pháp lý của ông Chấn sớm được giải quyết?

 
Án oan 10 năm: Tái thẩm có 'phủi' trách nhiệm của TAND Tối cao?
Ông Nguyễn Hòa Bình 
Giải thích luật thì rất là dài. Nhưng tái thẩm hay giám đốc thẩm thì những vi phạm, nếu có, của các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn bị xử lý, chứ không phải tái thẩm thì tránh được. 

Việc xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân tham gia quá trình tố tụng đều được đặt ra và xử lý nghiêm. Không có chuyện tái thẩm thì tránh được còn giám đốc thẩm thì đặt ra.

Tại sao lại tái thẩm? Tôi rất tiếc vì có một số người có ý kiến về việc này nhưng việc tái thẩm và giám đốc thẩm bản án khác nhau như thế nào? Tái thẩm là có tình tiết mới mà tòa không biết tình tiết đó làm thay đổi bản chất vụ án. 

Ở đây xuất hiện nhân vật Lý Nguyễn Chung và khả năng phạm tội của Chung, mặc dù tòa chưa tuyên, nhưng đã khá rõ ràng. Và tình tiết mới như vậy làm thay đổi bản chất vụ án.

- Nhưng thưa ông, kháng nghị của VKSND Tối cao cũng cho thấy có những căn cứ vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, tại sao không áp dụng kháng nghị giám đốc thẩm để có lợi nhiều mặt hơn cho ông Nguyễn Thanh Chấn?

Kể cả giám đốc thẩm hay tái thẩm thì kết luận cuối cùng của tòa án (Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao - PV) như thế nào trong luật cũng quy định cả rồi. Chỉ đều bác kháng nghị, chấp nhận kháng nghị hoặc hủy án điều tra bổ sung lần đầu. 

Các kết luận đều giống nhau, chứ không phải giám đốc thẩm kết luận khác và tái thẩm cũng kết luận khác. Điều này đã được ghi trong luật.

- Trả lời báo chí, TS Vũ Đức Khiển (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao) khẳng định việc kháng nghị tái thẩm bản án như VKSND Tối cao đã làm sẽ giúp TAND Tối cao phủi trách nhiệm dễ dàng hơn trong vụ việc này?

Tôi không có ý định bàn luận về ý kiến của anh Khiển.
Lẽ ra phải kháng nghị giám đốc thẩm bản án
TS Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết việc Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm, điều tra lại vụ án Giết người có nghĩa là ông Nguyễn Thanh Chấn vẫn còn trong vòng tố tụng, chưa thể được tuyên vô tội hoặc được minh oan.
 
“Lẽ ra phải làm theo thủ tục giám đốc thẩm bản án thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sẽ tuyên bố xét thấy việc điều tra, truy tố và kết tội ông Chấn có nhiều sai sót vi phạm và có chiều hướng bị oan; đồng thời trả lại hồ sơ cho tòa án sơ thẩm xét xử lại theo hướng tuyên bố Nguyễn Thanh Chấn không phạm tội”- ông Khiển nói.

Ông Khiển cho rằng nếu làm như vậy TAND tỉnh Bắc Giang sẽ xử lại ngay. Khi đó, ông Chấn sẽ có nhiều khả năng được tuyên vô tội ngay và TAND Tối cao phải đền bù cho ông Chấn bởi cấp xét xử phúc thẩm (Tòa phúc thẩm TAND Tối cao xét xử - PV) đã tuyên y án sơ thẩm (tù chung thân).

Ông Khiển phân tích thêm: Vừa qua, trả lời báo chí, những người xét xử ở cấp sơ thẩm, thuộc tỉnh Bắc Giang, đã thẳng thắn nói rằng họ không làm sai, bởi tại phiên phúc thẩm do Tòa phúc thẩm TAND Tối cao xét xử đã không phát hiện ra những điểm bất thường trong án sơ thẩm và vẫn xử anh Chấn tù chung thân. Đó là lỗi của TAND Tối cao và nếu thực hiện theo quy trình tái thẩm sẽ giúp họ phủi trách nhiệm.