Sách
vở của ta thường phân loại quân địch trên chiến trường Đông Dương theo chủng tộc thành lính Âu Phi (từ
châu Âu hoặc từ châu Phi đến) và lính ngụy (người bản xứ).
TRƯỚC khi vào
mùa khô 1953-1954, so sánh lực lượng về quân số, địch đã vượt lên ta
khá xa. Tổng quân số của địch là 445.000 người, gồm 146.000 quân Âu Phi
(33%) và 299.000 quân ngụy (67%). Tổng quân số của ta là 252.000 người.
Như vậy, quân địch đông hơn ta: 193.000 người. Riêng quân ngụy cũng đã
đông hơn ta: 47.000 người.
(Võ
Nguyên Giáp – Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử)
Theo
cách phân loại này, Điện Biên Phủ chỉ có vỏn vẹn ba tiểu đoàn người bản xứ:
Trừ 2 tiểu đoàn
bộ binh Thái và 1 tiểu đoàn dù ngụy là người bản xứ, do những sĩ
quan Pháp chỉ huy, số còn lại đều là những đơn vị Âu Phi được lựa
chọn trong các binh đoàn cơ động, gồm 5 tiểu đoàn bộ binh và dù lê dương,
4 tiểu đoàn Bắc Phi. Tất cả đều là những đơn vị. có truyền thống
lâu đời hoặc đã được thử thách nhiều trong chiến đấu và có chỉ huy
tốt.
(Võ
Nguyên Giáp – Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử)
Thực
ra thì trong các đơn vị gọi là Âu Phi lúc nào cũng có người Việt làm nhiệm vụ
thông ngôn, dẫn đường và nhiều việc linh tinh khác. Số này không nhiều nên các
đơn vị được gọi là Âu Phi trông đúng là Âu Phi. Tuy nhiên, từ năm 1949 trở đi,
ngoài số lính Việt đỡ đần chân tay đó ra, trong biên chế của các tiểu đoàn tác
chiến (gọi là) Âu Phi đều có 1-2 đại đội người Việt.
Ngày
18 tháng 3 năm 1951, tiểu đoàn nhảy dù lê dương số 1 (1er BEP) số 1 được tái lập
tại Hà Nội với đủ 3 đại đội tác chiến, trong đó có 1 đại đội Đông Dương gọi là
CIP (compagnie indochinoise parachutiste).
Tiểu
đoàn nhảy dù thuộc địa số 6 (6e BPC) của Bigeard khi xuống tàu ở Pháp (tháng
7-1952) chỉ có 352 người, chủ yếu là khung cán bộ, chỉ có một đại đội chỉ huy
và một đại đội tác chiến hoàn chỉnh. Khi sang đến Đông Dương nhận 318 lính Việt
bổ sung mới hình thành tiểu đoàn có khả năng chiến đấu, trong đó có một đại đội
CIP (đại đội 6). Tháng 10-1953 thành lập thêm một đại đội CIP nữa (đại đội 26),
tức là trong số bốn đại đội tác chiến của tiểu đoàn này đã có hai đại đội người
Đông Dương.
Do
việc xin tăng viện từ chính quốc có khó khăn, bộ chỉ huy Pháp ở Đông Dương phải
tăng tỷ trọng lính bản xứ trong các đơn vị (gọi là Âu Phi). Tháng 5-1953, tiểu
đoàn 2 nhảy dù lê dương có biên chế 980 quân thì số lính bản xứ đã là 481 (về
lý thuyết, tiểu đoàn này chỉ được phép có 439 lính bản xứ). Bán lữ đoàn lê
dương số 13 (13e DBLE) vào năm 1953 phình ra bằng một lữ đoàn nhờ mộ thêm được
lính bản xứ. (Michel Bodin, 2003:11-27).
Tất
cả các đơn vị vừa kể trên đều có mặt ở Điện Biên Phủ và được tướng Giáp gọi là
các tiểu đoàn Âu Phi.
Tiểu
đoàn 1 nhảy dù thuộc địa (thiếu một đại đội), đơn vị cuối cùng được ném xuống
Điện Biên Phủ vào cuối tháng 4, đầu tháng 5-1954, có thành phần như sau:
-ban
tham mưu và đại đội chỉ huy: 48 người (12 Việt);
-đại
đội 2: 3 sĩ quan, 17 hạ sĩ quan (1 Việt) và 102 lính (47 Việt);
-đại
đội 3: 4 sĩ quan, 16 hạ sĩ quan (2 Việt) và 101 lính (49 Việt);
-đại
đội 4: 3 sĩ quan, 11 hạ sĩ quan và 64
lính (43 Việt);
Các
tiểu đoàn (toàn) Phi như Ma-rốc, An-giê-ri, Xê-nê-ga-le... có lẽ vì đặc điểm
văn hóa, ban đầu không lập đại đội người bản xứ nhưng rồi vì quân số hao hụt
nên đành nhận các đại đội phụ lực. Quân chính quy người bản xứ chỉ dành cho các
đơn vị dữ dằn (lê dương, dù...).
Bộ
tham mưu liên quân (EMIFT) đã dự trù đến
cuối năm 1953 lực lượng bộ chiến có 158.566 quân (con số thực tế ngày
1/11/1953 là 182.424, chia làm 100 tiểu đoàn bộ binh, 17 pháo đoàn, 40 chi đoàn
kỵ binh, 8 tiểu đoàn công binh và một số đại đội binh chủng khác) trong đó số người
bản xứ là 53.870 chính quy và 52-58.000 quân
phụ lực. Một phần số này là do quân đội quốc gia Việt Nam chuyển qua cho quân
liên hiệp Pháp (Lê Văn Dương, 1972:196).
Trong
khi đó các đơn vị gọi là ngụy cũng không hoàn toàn là người bản xứ. Cuối năm
1952 (Lê Văn Dương, 1972:226) có 4568
người Pháp (718 sĩ quan) phục vụ trong quân đội quốc gia Việt Nam: 2011 vệ binh
cộng hòa (người Pháp) chỉ huy 26.000 vệ binh quốc gia (Việt Nam). Theo thống kê vào ngày 1/11/1953, trong quân đội
quốc gia Việt Nam, (151.020 quân chính quy và 47.025 quân phụ lực người bản
xứ) có 3.961 sĩ quan, hạ sĩ quan lục quân Pháp được biệt phái qua làm chỉ
huy (Lê Văn Dương, 1972:196).
Tiểu đoàn 5 nhảy dù
Việt Nam (5eBPVN) được thành lập ngày 1/9/1953, thực chất chỉ là đổi phiên hiệu
của một tiểu đoàn viễn chinh (tiểu đoàn 3 dù thuộc địa - 3e BPC). Tiểu
đoàn 3 được giải thể trên giấy tờ trước đó một ngày. Khung cán bộ cùng với hai
đại đội CIP số 3 và số 23 được đưa sang cho tiểu đoàn 5 dù Việt Nam. Đây là tiểu đoàn dù ngụy duy nhất có mặt ở Điện
Biên Phủ, được tướng Giáp nhắc đến trong đoạn trích hồi ký Điểm Hẹn Lịch Sử đã
dẫn ở trên.
No comments:
Post a Comment