Friday, 16 May 2014

Hoàng Tùng - Những kỷ niệm về Bác Hồ


Hoàng Tùng - Những kỷ niệm về Bác Hồ


Tôi có khoảng thời gian gần 25 năm làm việc gần Bác. Tôi được biết một số việc, hoặc được nghe rồi nói lại cho các đồng chí. Có tài liệu các đồng chí có thể sử dụng được, có tài liệu các đồng chí nghiên cứu thêm.
Trong khoảng thời gian 25 năm đó có 3 năm tôi công tác ở xứ, khu và tỉnh, còn tôi liên tục ở Trung ương, lúc đầu tôi làm phó trưởng ban Tổ chức Đảng vụ (cơ quan của Đảng lúc đó gọi như thế), tức là làm phó cho anh Lê Đức Thọ, sau là anh Lê Văn Lương. Sau tôi còn làm chánh văn phòng của đồng chí Trường Chinh, sau cùng là làm công tác Tuyên huấn, báo chí. Các công việc trên giúp tôi có điều kiện gần gũi Bác hơn. Các anh trong Bộ Chính trị cũng có nhiều người đi tù cùng tôi về. Tôi có may mắn được dự hầu hêt các phiên họp Bộ Chính trị hay Ban Bí thư­. Nhiều khi Bác bảo tôi làm việc này hay việc khác, tất nhiên là những việc nhỏ thôi. Khi Trung ương họp Bác thường hay ngó trông xem có thấy tôi ngồi ở phía sau không, bởi tôi làm công tác báo chí. Nhiều cuộc họp tôi bị Bác phê bình, nhưng nhiều lần được Bác khen. Hội nghị Trung ương, hội nghị các ngành, hội nghị quân sự, hội nghị cán bộ tôi đều dự cả. Nhiều chuyện tôi biết được từ các cuộc hội nghị này, cố nhiên không phải chuyện gì cũng biết, có chuyện tôi thật sự là nhân chứng, có chuyện thì tôi nghe lỏm được.
Tôi muốn kể lùi về quá khứ một chút. Vào những năm 1933-1934, khi tôi còn đang đi học, tôi biết hàng xóm nhà tôi có hai người bị bắt từ năm 1930 được tha về. Nghe đồn họ là cộng sản, họ nói giỏi lắm, tôi mới tìm đến. Họ nói Nguyễn Ái Quốc bị chết rồi. Lúc đó tôi còn nhỏ, nhưng nghe nói mất người đứng đầu thì cảm thấy gay go thật. Sau này tôi tham gia phong trào Dân chủ (1937-1938) cùng với nhiều người, sau có người vào Bộ Chính trị như Lê Đức Thọ, Nguyễn Lương Bằng.
Đầu tháng 8-1945, anh Lê Đức Thọ được bổ sung vào Trung ương, là uỷ viên dự khuyết, phụ trách an toàn khu của Trung ương, kiêm cả Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ, tức là người phụ tá trực tiếp của đồng chí Trường Chinh. Tôi được gọi về phụ trách khu an toàn của Trung ương và phụ trách trực tiếp khu ngoại thành Hà Nội. Tôi phụ trách khu an toàn A, còn khu B ở trên kia thì tôi không biết. Một hôm, anh Lê Đức Thọ nói với tôi là anh đi họp một cuộc Hội nghị quan trọng, dặn tôi ở nhà giữ gìn, trong nom cẩn thận công việc của Trung ương, sau này tôi mới biết là anh đi dự Hội nghị Tân Trào. Anh còn tiết lộ bí mật cho tôi biết chuyến đi này anh đi thế nào cũng gặp Nguyễn Ái Quốc.
Sau ngày 19/8, Hà Nội lập chính quyền cách mạng. Tôi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở ngoại thành, tham gia chỉ đạo khởi nghĩa ở Đông Anh, Phúc Yên, trực tiếp chỉ đạo việc lập chính quyền ở ngoại thành Hà Nội. Khởi nghĩa thắng lợi, chính quyền được thành lập, Uỷ ban Nhân dân cách mạng Bắc Bộ và Uỷ ban Nhân dân cách mạng Hà Nội ra mắt. Tổ chức này ngang với thị trưởng Hà Nội trước đây thay Trần Văn Lai, thống sứ Bắc kỳ. Những người ra mắt toàn là học trò trung học Hà Nội cũ, như Trần Quang Huy ở trường Thăng Long, Nguyễn Duy Thân ở trường Bư­ởi, cùng với ông Vũ Kỳ... Hai cuộc ra mắt toàn là các cậu học trò kém tuổi tôi. Nhân dân Hà Nội xôn xao lắm. Họ nói lãnh tụ Việt Minh có thế thôi à! Tôi cũng sốt ruột. Khởi nghĩa xong họ bầu tôi làm chủ tịch, được 3 ngày tôi không làm nữa, vì lúc này tôi đang phụ trách an toàn khu của Trung ương.
Hàng ngày tôi ra Bắc Bộ phủ gặp anh Xuân Thuỷ và một số người khác. Họ hỏi tôi:
- Anh xem có cách nào đi tìm Trung ương về không, chứ thấy tình hình khó khăn lắm.
Dân không hiểu lãnh tụ Việt Minh là ai cả, chúng tôi thì còn trẻ lắm, tôi làm sao biết được để mời. Hàng ngày giải quyết công việc ở trong khu xong tôi lại đạp xe ra Bắc Bộ phủ xem tình hình thế nào. Chiều ngày 24/8 tôi trở về chỗ mình vẫn ở tức là khu an toàn, gặp khoảng hơn 10 người đang ăn cơm ở đình làng Phú Xá. Tôi thấy một cụ già có râu, ngồi cạnh có anh Trần Đăng Ninh. Bữa ăn của đoàn cán bộ chỉ có cơm gạo hẩm, canh m­ướp suông, mọi người ngồi trên chiếc phản ở đình làng Phú Xá. Anh Trần Đăng Ninh trước ở tù với tôi, tuy đã được bầu vào Trung ương nhưng chưa làm được ngày nào đã bị bắt, sau vượt ngục trốn về. Tôi biết ông cụ này được anh Trần Đăng Ninh đưa đi chắc phải to hơn Trung ương. Tôi nghe giọng Nghệ đoán chắc là Ông Cụ rồi. Ở đây tôi muốn nói thêm một chút thế này: Đêm hôm trước ngày Ông Cụ về, đoàn tự vệ ở Chèm có bắt được 4 người bên kia sông sang, bốn người đó hỏi phụ trách khu này là ai, khi biết tôi là Khánh phụ trách khu này, họ đề nghị cho gặp tôi. Tôi gặp chẳng phải ai xa lạ mà là anh Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Trân, Vũ Thụy Khôi, Nguyễn Văn Phư­ơng, tức Chu. Bốn người đi Tân Trào về. Họ nói chuyện về Hội nghị Tân Trào và cho tôi xem danh sách chính phủ lâm thời được dán khắp thành phố. Dân biết trong chính phủ có ông Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Võ Nguyên Giáp. còn nhiều nhân vật khác nữa họ không biết như Nguyễn Văn Xuân, còn Nguyễn Lương Bằng thực sự dân cũng không biết, họ chi biết có đồng chí Sao Đỏ thôi.
Lại nói về chuyện gặp Bác ở đình Phú Xá. Hôm đó tôi cũng mặc bộ quần áo mùa thu bình thường như các vị ở đây thôi. Bác nhìn tôi và hỏi anh Trần Đăng Ninh:
- Quan nào mà diện thế?
Chuyện này sau được anh Trần Đăng Ninh nói lại tôi mới biết.
Như thế, trước khi về Hà Nội Bác đã chú ý tới cách ăn mặc của cán bộ ta, ý Bác muốn cán bộ cách mạng là phải ăn mặc giản dị, không được làm ra dáng ông quan cách mạng. Trong ý thức của Bác, cán bộ cách mạng, nhất là khi cách mạng mới thành công không thể ăn mặc diện được. Cơm nước xong, lúc đó cũng đã mưuộn, tôi mời Bác về nghỉ ở nhà tôi. Tôi mới chuyển sang nhà một bà chánh tổng, tức nhà ông chánh tổng Luân ở làng Gạ (Phú Gia) nhưng ông chết lâu rồi. Nhà này do chị Sáu cán bộ của đội công tác giới thiệu cho tôi. Nhà không to lắm, cũng đủ để chứa độ hơn 10 người. Nhà này kín đáo, tụt vào trong đê. Nhà ở Phú Xá ngay cạnh bờ đê không tiện. Tiện đây tôi muốn nói lại một chút. Có ai đó viết về Bác, nói về Bác mặc áo choàng hay áo gì đó là không phải. Bên ngoài Bác mặc chiếc áo của người thiểu số. Trời nóng nên Bác mặc quần cộc, tức quần soóc, túi áo có một đèn pin khoằm khoằm. Bác mới ốm dậy nên phải chống gậy.
Chủ nhà mời Bác nằm ở một chiếc sập gỗ, gỗ thường thôi, không phải gỗ gụ, ở trước bàn thờ. Anh Trần Đăng Ninh và một số người khác nằm ở hai gian bên cạnh. Tôi nằm trong buồng chủ nhà vẫn dành cho tôi. Quen kiểu đùa như trong nhà tù, tôi nói với Bác:
- Đồng chí nằm đây cho sướng cái thân già!
Sau anh Trần Đăng Ninh máy tôi ra ngoài, nói: “Ông cụ không thích đùa đâu!”.
Cố nhiên lúc đó tôi cũng đã biết ông cụ là ai rồi. Bác nói (khi ấy chưa gọi là Bác, mà gọi là Cụ):
- Thế chú cùng nằm với tôi rồi chúng ta cùng nói chuyện.
Cụ hỏi tôi:
- Chiều nay đồng chí vào trong thành có nghe chuyện gì lạ không ?
Tôi nói:
-Thưa đồng chí, có hai việc, việc thứ nhất dư luận đang bàn tán Hồ chí Minh có phải là Nguyễn Ái Quốc không ?
Cụ hỏi:
- Anh em mình trả lời thế nào ?
Tôi trả lời là anh em ta nói mập mờ. Không nói là phải, mà cũng không nói là không.
Cụ nói:
- Như thế là anh em mình nói đúng.
Cụ hỏi tôi việc thứ hai.
Tôi nói:
- Quân Trung Quốc đã đến, trông nhếch nhác lắm, mặc quần áo vàng bạc màu, chân quấn xà cạp, gánh cả nồi niêu, bát đĩa, lại có cả chó theo sau.
Cụ nói:
- Ấy, Đệ nhất phương diện quân của người ta đấy!
Tôi hỏi Cụ ý nghĩa của việc Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật bản. Cụ nói:
- Việc Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản thực ra không cần thiết nữa. Đây chính là Mỹ muốn đánh tín hiệu cho Liên Xô, rằng nếu không dừng lại thì tôi sẽ..”
Người nhận định Mỹ ném bom Nhật Bản là để cảnh cáo Liên Xô.
Nói đến việc Chính phủ về Hà Nội. Tình hình sẽ khó khăn, nếu không có người như Cụ ra mắt. vì lúc đó các thế lực khác sẵn sàng giương cờ lên, trong khi mình toàn những người “vô danh” cả.
Nguyễn Ái Quốc - Hồ chí Minh đã xuất hiện trong ngày 2 tháng 9 đàng hoàng và giản dị. Người đọc Tuyên ngôn Độc lập rõ ràng, giọng ấm cúng rất gần gũi với nhân dân. Từ đấy uy tín của cách mạng, của Việt Minh, của Đảng (tuy Đảng lúc đó chưa ra công khai) mới lan rộng. Sự thật thì các thế lực phản động cũng đã biết rõ. Tưởng, Pháp, Mỹ đã biết từ trước người đứng đầu lực l­ợng cách mạng là ai. Cánh Việt Quốc, Việt Cách cũng biết. Bọn chúng đều tập trung vào thực hiện âm mưu đánh đổ chính quyền của Đảng cộng sản, của Hồ Chí Minh, đưa Việt quốc, Việt Cách lên cầm quyền. Mũi nhọn đả kích của kẻ thù bên trong và bên ngoài đều chĩa vào Hồ chí Minh và Đảng cộng sản. Chúng lôi kéo Bảo Đại, tập hợp các lực l­ợng phản động chiếm Yên Bái, Vĩnh Yên, Hải Ninh (Móng Cái).
Bác nhận định tình hình thế giới từ trận ném bom của Mỹ xuống Nhật Bản. Bác có ý kiến ngay lập tức từ lúc Đảng ta mới giành được chính quyền. Người nói cán bộ cách mạng phải giản dị, sống gần gũi với quần chúng. Chính vì thế khi đồng chí Nguyễn Lương Bằng định chuẩn bị cho Bác một bộ quần áo t­ơm tất để ra mắt đồng bào nhưng Bác không nghe. Người yêu cầu may cho mình bộ quần áo kaki màu vàng, kiểu Tôn Trung Sơn. Từ đó Người mặc bộ quần áo này để tiếp khách, còn bình thường Người chỉ mặc bộ quần áo nâu. Kể thêm chuyện này để các đồng chí hiểu rõ thêm về Bác. Nghe nói khi cách mạng Trung Quốc thắng lợi năm 1949, trên đường về Bắc Kinh Mao Trạch Đông đã làm bài thơ vịnh “Tuyết”, vì ông trông thấy nước Trung Hoa mênh mông, chỗ nào cũng thấy tuyết trắng xoá. Ông nói đất nước Trung Hoa hùng vĩ như thế này, trước kia đời Tần Thuỷ Hoàng ghê gớm lắm té ra cũng không bằng vô sản, không bằng mình đây. Trước khi đi, Mao Trạch Đông nói với những người chung quanh rằng: “Bây giờ chúng ta về làm vua”.
Sau đó anh Lê Đức Thọ có nói lại với tôi về việc Bác muốn chọn thư ký, anh Lê Đức Thọ giới thiệu 3 người: Trần Quang Huy, Nguyễn Chuẩn (tức Vũ Kỳ) và tôi. Sau khi cân nhắc Bác nói tôi có thể về làm Bí thư Hà Nội, anh Vũ Kỳ gần như suốt đời gắn bó với Bác.
Sau khi Bác về ít lâu, tôi được cử làm Bí thư Hà Nội, có lần tôi chủ trì một cuộc họp của thanh niên Hoàng Diệu (Hà Nội) ở Nhà hát lớn thành phố. Mọi người đến dự đông, chúng tôi ngỏ ý mời Bác. Người vui vẻ nhận lời. Bác gợi ý nên mời cố vấn Vĩnh Thuỵ. Tổ chức cuộc mít tinh chúng tôi không làm như bây giờ, không kê bàn chủ tịch lên sân khấu. Những người chủ trì hội nghị ngồi ở dưới. Trên sân khấu để 1 bàn, 2 ghế để Bác và cố vấn Vĩnh Thụy ngồi. Sau khi tuyên bố lý do, tôi mời cụ Chủ tịch (lúc đó gọi Bác như thế) cho ý kiến. Người lên nói tình hình của đất nước và nhiệm vụ của thanh niên. Tôi cũng chủ động mời ngài Cố vấn Vĩnh Thụy lên nói mấy lời, không ai nghe rõ.
Cảnh tượng trên sân khấu rât đối nghịch nhau. Một bên là một ông già mặc quần áo kaki giản dị. Bên kia là một ông béo tốt, bảnh bao, nhưng nói năng ấp úng. Một sự so sánh giữa một ông vua cũ và một ông chủ tịch mới.
Tưởng Giới Thạch điều Lư Hán sang làm tư lệnh để chuẩn bị tiếp quản vũ khí của quân dội Nhật ở Việt Nam. Đây là một âm mưu. Vì Long Vân là trùm quân phiệt ở Vân Nam. Nếu không có Lư­ Hàn thì Long Vân không làm được gì, vì ông ta vừa già vừa nghiện hút. Lư Hán là tay chân đắc lực của Long Vân. Tưởng điều Lư Hán đi khác nào điệu hổ lý sơn, để tước dần vây cánh của Long Vân. Nhưng Lư Hán thực sự cũng không có quyền bằng Tiêu Văn. Ai đó nói Tiêu văn là người có cảm tình với Bác là rất sai. Vì Tiêu Văn chính là người của Tưởng, làm công tác đảng... Tưởng cử Tiêu Văn sang Việt Nam với nhiệm vụ quan trong nhất là đánh đổ Việt Minh, đánh đổ Đảng cộng sản. Thế nhưng Tiêu Văn không làm được. Lư Hán càng không làm được. Việc cứ nấn ná mãi, Tưởng còn phái Tổng tham mưu trưởng là Hà Ứng Khâm (về chức tước gọi là Hà Bộ trưởng) sang. Bác chỉ thị cho chúng tôi tổ chức một cuộc mít tinh, diễu hành thật lớn để đón Hà bộ trưởng, nhưng thực chất là để thị uy. Chúng tôi huy động được nhiều người Hà Nội, khoảng hơn 10 vạn. Hà Ứng Khâm sang ở Phủ Toàn quyền. Bác nói tôi nhân danh nhân dân Hà Nội đón Hà Bộ trưởng, Bác bảo tôi cứ nói để Bác dịch cho. Tôi nói mấy câu đại loại hoan nghênh Hà Bộ trưởng, chúc tình hữu nghị. Bác dịch như thế nào tôi không rõ, vì lúc đó tôi không biết tiếng Trung Quốc. Ngày hôm sau Hà Bộ trưởng gặp Bác.. Bác hết sức gian khổ với bọn Lư Hán, Tiêu Văn và Tr­ương Sỹ Thu (Bí thư của Quốc dân đảng), với cánh Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh. Bọn chúng lập ra một tờ báo tên là Việt Nam ở phố Quan Thánh. Chúng bắc loa nói xấu Hồ Chí Minh.
Bác nói với đồng chí Trần Quốc Hoàn bảo tôi dẫn đầu một đoàn nhà báo đến phỏng vẫn Nguyễn Hải Thần. Người dặn rằng ông này không biết gì đâu, hay nói lung tung. Các đồng chí hỏi ông ta trả lời như thế nào ghi lại rồi đưa đăng báo. Tôi cùng với anh Thép Mới, Như Phong và cô gái Tuyết Minh đến xin gặp Nguyễn Hải Thần. Hôm đầu đến ông khất đến ngày mai. Hôm sau đến nữa thì ông dứt khoát từ chối. Nhân dịp tết Bác bảo chúng tôi: Hà Nội nên tổ chức một đoàn đại biểu đến chúc Tết ông Nguyễn Hải Thần. Lúc đó ông ta ở phố Hoàng Diệu, chỗ Đại sứ quán Trung Quốc bây giờ, cố vấn Vĩnh Thụy ở 51 Trần Hư­ng Đạo. Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Hải Thần, bà vợ Tàu của ông cho biết ông mệt không tiếp ai cả. Đến nhà cố vấn Vĩnh Thụy, ông ở trên nhà xuống nói ấp úng mấy câu rồi chuồn, chứ không mời ngồi.
Về chuyện Bác đồng ý cho tôi làm Bí thư Hà Nội, rồi đến khi vì sai lầm của tôi mà Bác cho tôi nghỉ chức bí thư. Đài đưa tin Pháp ném bom Nam Bộ, Bộ trưởng thông tin tuyên truyền Trần Huy Liệu tuyên bố trên đài cảnh cáo người Pháp ở Nam Bộ rằng: “Nếu các người cứ tiếp tục ném bom Nam Bộ, thì chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm tính mạng những người Pháp ở Hà Nội”. Vì những người Pháp bị quân Nhật bắt giam ở Hà Nội, khi quân Tưởng và Mỹ đến đã thả hết ra. người Pháp hay ra phố đi chợ. Hôm sau đài của ta đưa tin quân Pháp lại ném bom Nam Bộ với giọng gay gắt. Thanh niên ở Hà Nội trong đó có Trần Lâm (sau làm Tổng giám đốc đài phát thanh) mới tổ chức nhau lại, ra phố Tràng Tiền, chợ Đồng Xuân, thấy người Pháp nào là đánh đến nơi. Họ cho người đến hỏi tôi lúc đó là Bí thư Hà Nội là làm như thế có được không? Hôm ấy anh Trần Quốc Hoàn bận họp hội nghị công nhân cứu quốc Bắc bộ. Tôi đến Bộ Tuyên truyền hỏi Trần Huy Liệu không gặp mà lại gặp anh Nguyễn Hải Triều. Anh Triều nói chính phủ đã quyết định rồi, cứ làm tới thôi. Chiều hôm đó Bác cho gọi tôi lên gặp Bác ở căn nhà lợp ngói đá ở Uỷ ban Nhân dân Hà Nội bây giờ, Người hỏi tôi tình tiết sự việc như thế nào. Tôi thật thà thuật lại mọi chuyện. Nghe xong Người không nói gì. Mấy ngày sau tôi được nghỉ chức Bí thư Hà Nội, nhưng vẫn ở Thành uỷ. Giữa năm sau, Bác cho tôi đi Hải Phòng làm Bí thư. Được ba tháng lại cho làm Xứ uỷ Bắc kỳ. Như thế khi gặp khuyết điểm thì Người phê bình, nhưng đến khi cần thì Người vẫn dùng. Chính sách dùng cán bộ của Bác là như thế.
Hồi đó còn chuyện này nữa. Chuyện này chắc ông Vũ Kỳ biết hơn tôi. Khoảng tháng 10 năm 1945, khi bà Bạch Liên, chị ruột của Bác, biết em mình trở về, đã ra Hà Nội muốn gặp. Gặp Bác, bà nắm tai Bác kéo lên và kêu: Đúng nó đây rồi! Bà nhận ra vì Bác có cái sẹo nhỏ ở tai, khi còn bé ở nhà câu cá, giựt câu bị l­ỡi câu mắc vào tai. Để bà ở Bắc bộ phủ thì không tiện, Bác nói tôi đưa bà về nhà tôi ở. Bà ăn trư­a, ngủ đêm ở nhà tôi, còn ban ngày đưa bà đi chơi thăm các nơi. Sau chuyến này tôi không biết bà có ra thăm Bác lần nào nữa không. Lúc đó tôi ở 23 Hàng Nón. Bà ra có mang theo biếu Bác hai chục trứng gà. Bác bảo đem luôn về nhà tôi.
Về quan hệ của Bác với bên ngoài. Vì quan hệ của ta với Trung Quốc và Liên Xô không được thuận tiện, cho nên khi chính quyền của ta được thành lập thì hai nước đều không công nhận. Trung Quốc thì quan hệ không chính thức. Hai người sang ta đầu tiên nhân danh Đảng mà cũng là Đảng địa phương thôi, đó là Chu Nam và Trang Điền. Một người là chính uỷ, một người là tư lệnh quân khu Hoa Nam sang nhờ ta giúp họ tiễu phỉ ở Thập Vạn Đại Sơn. Sau đó ta có cử một trung đoàn do Lê Quảng Ba phụ trách sang Trung Quốc. Các đồng chí Việt Nam ở Diên An và Trung Quốc sau khi thấy cách mạng Việt Nam thắng lợi thì xin về. Lúc đầu là Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Sơn, Lý Ban, Trương Ái Dân, Cao Tử Kiến. Trương Ái Dân trong thời gian kháng chiến chống Pháp làm công tác công vận ở Liên khu III, do tôi phụ trách. Đồng chí ấy nói với tôi rằng, sau cuộc khủng bố của Pháp năm 1930-1931 đồng chí ấy sang Trung Quốc hoạt động cách mạng, được đi Diên An. Trong cuộc vận động chỉnh phong năm 1942-1943, đồng chí ấy bị thẩm vấn lý lịch. Người ta hỏi người đứng đầu Đảng cộng sản là ai? Đồng chí ấy trả lời là Trần Văn Giàu, liền bị chôn một nửa người xuống một hố sâu. Sau đó, không hiểu vì sao được thả. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí được về nước cùng với một số người nói trên. Cao Tử Kiến công tác ở Yên bái trong thời gian kháng chiến chống Pháp. Sau khởi nghĩa ta mở một lớp huấn luyện ở Vạn Phúc cho cán bộ học. Tôi không được học. Nghe anh Lê Đức Thọ nói lại là đó là Hồng Lĩnh, tức Nguyễn Khánh Toàn, nói chẳng ai hiểu gì cả. Sau tôi nghe mấy người khác nói ông ta là một giáo sư giỏi lắm. Cả Bùi Công Trừng đi học ở Liên Xô về nói cũng thế cả. Về quan hệ với Liên Xô, tôi biết, Liên Xô, nhất là Stalin coi Bác là một người dân tộc chủ nghĩa cải lương từ năm 1928. Sau lại thêm việc Bác bị bắt ở Hồng Kông rồi lại được thả, khiến Liên Xô Nghi ngờ. Stalin không hiểu được lại có những người như Lôdơbai. Lại thêm việc Hà Huy Tập báo cáo. Anh Lê Duẩn có nói với tôi là Hà Huy Tập báo cáo với quốc tế về việc mật thám đưa bà Thanh đi Trung Quốc tìm Nguyễn Ái Quốc và ra nghị quyết phê phán sai lầm dân tộc chủ nghĩa cải lương của Nguyễn Ái Quốc. Bác đến Liên Xô năm 1934-1938 chỉ làm công tác ở ban thuộc địa của Quốc tế cộng sản, không được giao nhiệm vụ cụ thể. Người được giao nghiên cứu làm luận án phó tiến sĩ về vấn đề thuộc địa. Bác xin được làm nhưng không được trả lời. Người xin về nước. Tại Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ VII, Người không tham gia đoàn đại biểu Đảng ta, chỉ là đại biểu dự thính. Liên Xô vẫn cho rằng Việt Minh là một thế lực dân tộc chủ nghĩa. Họ không thấy Đảng cộng sản đâu, và vì sao Đảng cộng sản giải tán. Năm 1948, cả hai nước đều tìm hiểu xem Việt Nam là gi? Đảng ta cử Nguyễn Chương, cúng ở Xứ uỷ với tôi, làm phó cho Lê Đức Thọ sang Xiêm để tổ chức lại tổ chức của ta ở đó. Trong khu uỷ ở Khu Bốn mọi người mâu thuẫn với nhau, mà toàn những lão thành cả, như Nguyễn Sơn, Hoàng Văn Hoan, Hồ Tùng Mậu, Trần Hữu Dực. Ông Hoàng Văn Hoan thì nổi tiếng về những chuyện kèn cựa ngay từ đầu. Ta cử Hoàng Văn Hoan bàn với Nguyễn Chương (có thể là do gợi ý của Trung Quốc) là cử Nguyễn Chư­ơng sang Trung Quốc để nghiên cứu. Nhưng thực tế Trung Quốc muốn qua Nguyễn Chương để tìm hiểu tình hình Việt Nam. Nguyễn Chương đến Trung Quốc báo cáo tình hình. Phương hướng báo cáo cũng hữu khuynh đúng như họ đánh giá, nói là ta dân tộc chủ nghĩa, đề cao địa chủ quan lại, không nêu cao vai trò của Đảng và Liên minh công nông. Đại diện của Liên Xô ở Praha, gặp 2 đại diện của ta là Trần Ngọc Danh và Lê Hy hỏi tình hình. Hai người này nói cùng khớp với Nguyễn Chương nói. Nói khớp như nhau bởi vì chúng tôi lúc đầu nghiên cứu theo cương lĩnh của đồng chí Trần Phú, nghĩa là cương lĩnh thứ hai của Quốc tế cộng sản, tức là làm cách mạng tư sản dân quyền, lấy công nông làm trụ cột, do giai cấp công nhân lãnh đạo, lập chính quyền xô viết.. Chỉ đến khi cách mạng Trung Quốc thắng lợi, Bác trực tiếp sang mới trình bày rõ vấn đề. Việc này tôi không được nghe trực tiếp, nghe anh Lê Văn Lương nói lại. Khi gặp Bác, L­ưu Thiếu Kỳ nói ngay rằng: “Các đồng chí giải tán Đảng, các đồng chí tưởng lừa được địch, nhưng địch không l­à được mà lại lừa chính chúng tôi, vì chúng tôi hiểu các đồng chí giải tán Đảng thật. Còn địch nó thừa hiểu các đồng chí không giải tán Đảng”. Hôm tuyên bố giải tán Đảng tôi không được dự. Nhưng nghe nói lại rằng, quyết định này của bác thật là táo bạo. Lúc đó không làm thế cũng nguy, vì âm mưu của Tưởng là đánh đổ Đảng cộng sản. Với bọn Lư Hán, Tiêu Văn, Đảng cộng sản tồn tại là nó chết, vì sẽ bị Tưởng trị. Nên ta mới lập mẹo tuyên bố giải tán Đảng, chỉ tuyên bố về danh nghĩa thôi, còn trên thực tế Đảng vẫn tồn tại. Khi đưa ra bàn tuyên bố giải tán Đảng ở Thường vụ, người không tán thành nhất là đồng chí Trường chinh. Sau Tưởng không có lý do gì thúc ép khi Đảng đã tuyên bố giải tán.
Sang Trung Quốc, Mao đưa Bác vào quỹ đạo của Mao. Sang tới Liên Xô, Stalin lại đưa Bác vào qũy đạo của Stalin. Chuyến đi của Bác năm 1950 sang Trung Quốc và Liên Xô của bác là chuyến đi gian khổ. Stalin nói: “Bây giờ cách mạng Trung Quốc thắng lợi rồi, Trung Quốc có trách nhiệm giúp đỡ các nước phương Đông, còn Liên Xô có trách nhiệm giúp đỡ các nước châu Âu và châu Mỹ”. Trung Quốc nhận định như thế là do Quốc tế phân công Trung Quốc phụ trách châu Á. Bám vào ý kiến ấy, sau này Trung Quốc coi như là người đỡ đầu ta. Khó khăn ở bên ngoài là như thế. Tôi cho rằng vì lý do như thế mà mấy lần Bác từ chối làm Tổng bí thư. Ngoài việc Ban chấp hành Trung ương trong nước đã chỉ định đồng chí Trường Chinh làm Tổng bí thư, có lẽ Bác cho rằng hội nghị Trung ương lần thứ 8 nếu Bác nhận làm Tổng bí thư thì Liên Xô sẽ gây chuyện. Từ Đại hội I ở Ma Cao Hà Huy Tập đã phê phán Bác như Quốc tế cộng sản đã phê. Bác không nhận là chủ tịch nước cũng là thật lòng chứ không khách khí. Sau này anh Lê Đức Thọ nói với tôi rằng khi đề nghị Bác làm chủ tịch nước Bác từ chối mãi. Bác nói mình là Chủ tịch nước à? Mình chỉ đứng đằng sau thôi! Còn tìm người khác làm. Người còn nói: nếu tìm khó quá cứ đưa Bảo Đại ra làm rồi mình thu xếp. Bác thực sự vì cách mạng chứ không vì mình. Đấy là về phía Liên Xô, Trung Quốc, còn về phía Đảng cộng sản Pháp, là Đảng thân thiết đối với ta, lúc đầu họ cũng cho rằng Việt Minh là phái thân Nhật chứ không phải là cộng sản. Năm 1950, Đảng cộng sản Pháp phái Léo Figuère uỷ viên dự khuyết của Trung ương, phụ trách tờ báo Thanh Niên sang điều tra tình hình của ta. Léo Figuère đến Việt Bắc. Về mặt chức vụ tôi cũng tương đương với anh, nên được cử tiếp anh. Cố nhiên là năm 1946, khi sang Pháp Bác cũng đã nói một phần nào rồi, nhưng Đảng cộng sản Pháp chưa thể hiểu hết. Léo Figuère muốn biết thực sự Đảng cộng sản còn tồn tại hay không, anh ta đi khắp các nơi, ở đâu cũng thấy có Đảng cộng sản, mà đảng viên Đảng cộng sản là những người lao động, những người công nhân, trí thức, còn quan lại địa chủ là tượng tr­ưng bên ngoài thôi. Từ đó Đảng cộng sản Pháp mới thực sự công nhận ta. Cũng từ đó mới có các phong trào ủng hộ Việt Nam. Trước đó Đảng cộng sản Pháp không làm gì để ủng hộ ta. Đó là khó khăn đối với Bác lúc bấy giờ.
Trong Đảng ta có hai nguồn đào tạo, một học ở Liên Xô về, một học ở Trung Quốc về. Do đó họ theo quan điểm hai nơi, có những ý kiến không giống nhau: đôi lúc hục hặc với nhau. Nhưng nói chung cả hai bên đều chịu Bác. Chỉ có Nguyễn Sơn về sau có vấn đề phải ra đi. Trước khi mất Nguyễn Sơn có tâm sự với tôi rằng sai lầm thì phê bình chứ sao lại đuổi đi. Ông ta trách Bác. Lúc đó tôi hỏi anh Võ Nguyên giáp, anh ta hay hục hặc như thế để anh ta làm phó cho anh có được không, Võ Nguyên Giáp nói làm thế nào được. Anh ta suốt ngày chửi tôi, anh ta còn phê bình Trường Nguyễn Ái Quốc rất ghê. Sau Bác nói chú Nguyễn Sơn hữu tài nhưng.... nên mời chú đi. Thực ra thì cái khó của hai nhóm này không hiểu được tư tưởng biện chứng mác-xít. Ta làm cách mạng ở một nước thuộc địa chứ không phải làm cách mạng ở một nước tư bản, hay quân phiệt nông dân như Trung Quốc. Vấn đề thống nhất dân tộc Việt Nam nhiều người không hiểu được, cho đến tận bây giờ nhiều người vẫn hiểu là phải nhấn mạnh liên minh công nông. Bác có lúc nói Đảng của giai cấp công nhân là theo thời cuộc và cũng là để chiều lòng người. Bác định nghĩa về Đảng đúng nhất là ở Đại hội II. Đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, tức là của dân tộc Việt Nam. Bây giờ lại càng đúng, vì nông dân, công nhân có cách biệt gì lớn, không phải là giai cấp bị áp bức, cùng làm chủ cả, cùng là người lao động tự do, thêm một số trí thức nữa, chứ không phải chỉ có giai cấp công nhân vừa mới ra đời mấy chục năm nay. Bác hết sức sâu sắc nhưng Người không nói ra. Những bài viết, những bài phát biểu của Bác từ năm 1920 đến năm 1925 có phân tích sâu sắc, lý luận sắc bén. Sau này, từ cách mạng tháng Tám trở đi Người viết ngắn gọn đi thẳng vào vấn đề, không phân tích dài dòng để quần chúng dễ hiểu. Hai bên không hiểu, cứ “chiếu tướng” nhau rồi sinh chuyện. Nói Bác lý luận kém là hoàn toàn sai.
…. Trừ mấy trường hợp, như Trần Văn Giàu. Tôi được biết Trần Văn Giàu học ở Liên Xô về. Tôi biết có người tên là Phi Vân cũng học ở Liên Xô Về, vì h­ư hỏng bị đi tù ở Sơn La. Khoảng năm 1935, ở tù cùng Phi Vân tôi hỏi Phi Vân nhận xét về Nguyễn Ái Quốc, Phi Vân nói: “Ông này không có gì đâu, ở nhà cứ tưởng là nhân vật quan trọng lắm, chứ ông ta dân tộc chủ nghĩa, trình độ lý luận kém”. Đó là cách nhận định về Bác của mấy người đi Liên Xô về. Trần Văn Giàu thuộc loại nói trên. Có lần Tràn Văn Giàu nói với tôi năm 1932 về anh là Bí thư, sau khởi nghĩa Nam kỳ bị thất bại, anh em mình nhiều người bị bắt, anh đứng ra lập một tổ chức Tiên Phong, coi như nòng cốt của cách mạng. Khởi nghĩa ở Sài Gòn chính anh là người lãnh đạo. Còn ở Nam Bộ một số đồng chí của ta như Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Nguyễn Thị Thập ra nắm vùng nông thôn. Ba người này ra ngoài Bắc dự Hội nghị Tân Trào. Nguyễn Thị Thập đến không kịp. Ung Văn Khiêm đến chỗ tôi rồi đi Tân Trào, chứ Trần Văn Giàu không được thừa nhận. Việc phân xử Trần Văn Giàu có các lớp đàn anh đi tù ở Côn Đảo về. Họ là bậc thầy ở Nam Bộ, là những người lãnh đạo quen thuộc của nhân dân Nam Bộ. Thế của Trần Văn giàu yếu đi, về sau điều Trần Văn Giàu đi Xiêm.
Sau khi gặp Stalin và Mao, hai bên cứ thúc ép Bác làm như họ, tức là liên minh công nông, do Đảng lãnh đạo, lập chính quyền công nông, rồi làm cải cách ruộng đất. Bác chưa muốn làm cải cách ruộng đất. Thuyết ba giai đoạn của đồng chí Trường chinh đưa ra ở Đại hội II là có ý kiến của Bác. Theo thuyết ba giai đoạn thì cải cách ruộng đất để sau, hãy làm giảm tổ, giảm tức. Đồng chí Trường Chinh phân tích rất hay. Năm 1946, họp Xứ uỷ tôi được nghe ông nói: “Dưới chính quyền cách mạng, những cải cách nhỏ đều có ý nghĩa cách mạng, nhiều cải cách nhỏ cộng lại thành cuộc cách mạng lớn”.
Mùa thu năm 1950, Trung Quốc phái hai đoàn cố vấn sang Việt Nam. Một đoàn chính trị do La Quý Ba làm cố vấn. La Quý Ba trước là Bí thư của Mao, Bí thư Sơn Tây. Ông này là người nghiêm chỉnh, phục Mao Trạch Đông như một ông thánh. Ông là người tin cẩn của Mao. Còn tổng cố vấn về quân sự là Vi Quốc Thanh. Đoàn cố vấn quân sự đông hơn, vì nó có đủ cả các bộ máy của quân sự. Ta không hiểu thâm ý của Trung Quốc là muốn “sửa” ta. Họ sang để giới thiệu kinh nghiệm Trung Quốc, lý luận Mao Trạch Đông, lý luận quân sự, tổ chức quân đội. Việc đầu tiên là họ “sửa” quân đội đã. Họ “sửa” cả Đảng trong quân đội cho nên mới lập ra chức chính uỷ. Trước ta chỉ có chính trị viên. Cũng là chính trị viên cả nhưng có khác nhau về chức năng. Chính uỷ là người bao trùm lên tư lệnh, chứ không phải tư lệnh là người quyết định. Lập ra chính uỷ là để xác định vị trí của Đảng, mà việc đầu tiên là nhằm vào ông Giáp. Vì ông Giáp xuất thân trí thức, năm 1950 mới có 10 tuổi Đảng, mặc dù ông tham gia cách mạng từ năm 1930, nhưng ông hoạt động bị bắt, rồi lại đi học, mãi đến năm 1940 mới được Bác kết nạp vào Đảng. Theo Trung Quốc ông là một trí thức xuất thân không phải công nông, mà để ông nắm quân sự là không ổn. Đặt ra chế độ chính uỷ là để phụ trách Đảng trong quân đội. Có người đưa cho đoàn cố vấn một danh sách cán bộ trong quân đội xuất thân gia đình không phải là công nông định để gạt ra ra khỏi quân đội. Ai đưa danh sách này cho đoàn cố vấn? Tôi ngờ rằng đó là một người trong quân đội, người này là Lý Ban, phó của Văn Tiến Dũng. Văn Tiến Dũng là cục trưởng, Lý Ban là cục phó. Ông Giáp mới đưa danh sách đó cho Bác, Bác bảo: “Đốt ngay đi, thay bằng ấy người thì quân đội không còn cán bộ”; Nguyễn Hữu An, Đặng Vũ Hiệp đều thuộc danh sách ấy cả, vì thuộc trí thức. Theo họ chấn chỉnh quân đội trước để chuyển mạnh sang Tổng phản công. Lúc đó ta tin tưởng quá nhiều vào Trung Quốc, vì các ông Trang Điền, Chu Hạ sang nói khi nào quân giải phóng Nam Hạ (đi xuống phía nam) thì sẽ giúp Việt Nam đánh Pháp.
Đầu năm 1950, Bác cùng Bộ Chính trị phân tích tình hình, mối quan hệ giữa thế và lực. Lực của ta còn yếu, mới có một đơn vị tổ chức thành đại đoàn 308. Còn lại là tiểu đoàn và trung đoàn. Lực Lương thực sự cũng yếu, Tổng phản công lúc này cũng khó; chỉ hy vọng ở cái thế. Bác đã viết trong “học đánh cờ”; lực yếu nhưng thế mạnh thì lực sẽ được tăng. Về lý luận thì đúng, nhưng còn trong điều kiện cụ thể lại khác. Nên ta tính năm 1950 chưa thể tổng phản công được. Vi Quốc Thanh chuẩn bị. Mọi việc nhất nhất xin ý kiến của Mao. Mùa thu năm 1950, ta đánh chiến dịch Biên giới - Đường số 4. Trần Canh trực tiếp sang giúp. Tôi nghe nói lúc đầu ta định đánh từ Cao Bằng (theo ý của ông Giáp). Trần Canh nói ta nên đánh Đông Khê. Vì Đông Khê là tuyến chính nhất ở trên này. Mà đánh vào điểm yếu thì cả phòng tuyến của địch sẽ bị rung. Đánh vào điểm mạnh thì ta chưa đủ sức. Đúng là Trung Quốc có công giúp ta trong trận Biên giới. (Về điểm này nên xem lại “Đường số 4 rực lửa” của Đặng Văn Việt). Sau thắng lợi mới tổng kết chiến dịch và sau đó là tiến hành chỉnh huấn, chỉnh quân, thay đổi lại tổ chức của quân đội.
Thế là năm 1950-1951 đoàn cố vấn thực hiện chỉnh đốn quân đội. Các chỗ khác họ chưa đụng tới. Đại hội Đảng ta năm 1951 đại biểu nước ngoài tới dự chỉ có La Quý Ba, bên Campuchia có Xiêng Hiêng (sau phản bội), phía Lào có một đại biểu. Tại Đại hội La Quý Ba phát biểu chủ yếu về thuế nông nghiệp. Sau đó bắt đầu đánh thuế. Họ đem các nề nếp từ bên Trung Quốc sang, đem kinh nghiệm chỉnh Đảng, chỉnh phong từ Diên An sang. Sau Đại hội ta không nói gì đến cải cách ruộng đất, chỉ thấy nói đến thuyết ba giai đoạn, vì thế nên mùa hè năm 1952 Mao Trạch Đông và Stalin gọi Bác sang, nhất định bắt phải cải cách ruộng đất. Sau thấy không thể từ chối được nữa Bác mới quyết định phải thực hiện cải cách ruộng đất. Bác viết một bài nhan đề “Terre et Eau” (Đất và Nước) ký tên là Le Ding, đăng ở Tạp chí “Vì một nền hoà bình lâu dài, vì một nền dân chủ mới”. Bác nói đại ý: “Đất và Nước bao giờ cũng đi liền với nhau, muốn giải phóng nước phải đưa đất cho dân”. Bác nói khéo để nói lên việc phải cải cách ruộng đất. Năm 1952, Đảng ta không có đoàn nào dự Đại hội Đảng cộng sản Liên Xô. Mùa hè năm 1952, sau khi đi Trung Quốc và Liên Xô về Bác chuẩn bị cho hội nghị cán bộ đầu năm 1953, quyết định cải cách ruộng đất. Trung Quốc cử đoàn các cố vấn sang bao gồm cố vấn công an, cố vấn tổ chức, cố vấn tuyên truyền. Đoàn cố vấn cải cách ruộng đất do Kiều Hiểu Quang làm trưởng đoàn. Kiều là phó Bí thư tỉnh uỷ Quảng Tây. Họ muốn qua cải cách ruộng đất để “chỉnh đốn” lại Đảng ta. Thời gian từ lúc tiến hành cải cách ruộng đất đến lúc dừng là 3 năm. Khi đó tôi thường được dự họp Bộ chính trị do đó cũng biêt một số việc. Đó là việc làm thí điểm cải cách ở đồng bằng và chọn đồn điền Nguyễn Thị Năm. Nguyễn thị Năm tức là Cát Thành Long có một người con làm trung đoàn trưởng ở cục chính trị của Văn Tiến Dũng. Gia đình bà trong dịp tuần lễ vàng có hiến 100 lạng vàng. Bà còn tham gia công tác của Hội Phụ nữ từ năm 1945 đến 1953. Tôi chưa đến đó lần nào, các anh Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ thường hay ăn cơm ở nhà bà. Gia đình Nguyễn Thị Năm cũng giống như các gia đình Đỗ Đình Thiện, Trịnh Văn Bô giúp đỡ nhiều cho cách mạng. Chọn địa chủ Nguyễn Thị Năm để làm trước là do có người mách cho cố vấn Trung Quốc. Họp Bộ Chính trị Bác nói: “Tôi đồng ý người có tội thì phải xử thôi, nhưng tôi cho là không phải đạo nếu phát súng đầu tiên lại nổ vào người đàn bà, mà người ấy lại cũng giúp đỡ cho cách mạng. Người Pháp nói không nên đánh vào đàn bà, dù chỉ đánh bằng một cành hoa”. Sau cố vấn Trung Quốc là La Quý Ba đề nghị mãi, Bác nói: “Thôi tôi theo đa số, chứ tôi vẫn cứ cho là không phải”. Và họ cứ thế làm. Thuyết của họ là không dựa vào tổ chức cũ mà tổ chức lại một số tổ chức khác của Đảng, họ phủ nhận hết chỉ các tổ chức khác như chính quyền, các đoàn thể. Ai lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công, ai lãnh đạo cuộc kháng chiến từ năm 1945 đến 1953, thế mà họ thẳng tay bỏ hết, trong đó có mầy ngàn người bị xử tử. Mục đích của họ không phải là cải cách ruộng đất mà là đánh vào Đảng ta. May mà đến năm 1956 ta kịp dừng lại, nếu không thì tan nát hết. Sau này có những phiên họp Bộ Chính trị tôi hay ngồi lại cùng Bác nói chuyện, có lần bác trầm ngâm nói: “Mình đã nói để kháng chiến xong đã, mới tiến hành cải cách ruộng đât, cứ ép mãi. Mà nếu có làm cũng làm theo cách ta, chứ không theo cách của họ”.
Đánh thuế công thương nghiệp, cải tạo tư sản cũng là do Trung Quốc đề ra. Hậu quả là hơn một triệu người di cư ­ vào Nam. Ta đổ tội cho Pháp, Mỹ điều đó chỉ đúng một phần nào, còn là do ta làm vội, làm ẩu, đánh tràn lan hết. Không phải địa chủ mà phú nông, thậm chí trung nông cũng bị đánh. Đảng viên nhiều người tốt cũng bị đánh. Kết quả của những chính sách cải cách lúc đó là như thế. Do đó khi cách mạng tháng Tám thắng lợi không khí vui mừng đến như thế, mà chiến thắng Điện Biên Phủ không khí không được vui bằng.
Tôi nhớ có chuyện thế này, đầu năm 1951, lúc đó tôi là chánh văn phòng của Tổng bí thư nên được dự các cuộc họp của Thường vụ Trung ương. Trong một cuộc họp Thường vụ Trung ương, Bác nói Stalin không được như thế đâu, chỉ vì người ta cần có một ngọn cờ mà đưa lên như thế. Nghĩa là Bác biết rõ Stalin. Người không sùng bái, cũng như không sùng bái Mao Trạch Đông. Nhiều lúc Bác cũng phải ngoại giao. Cũng như Bác không thích gì Tưởng Giới Thạch, nhưng Bác vẫn dịch cuốn “Trung Quốc mệnh vận” do Tưởng viết, rổi đem biếu Trương Phát Khuê. Tranh thủ để giữ vững chính quyền, giảm được kẻ thù. Bác hết sức tinh trong nhìn nhận tình hình chính trị. Nhưng Người ít nói. Nhiều người không biết cứ tưởng bác mơ hồ trong vấn đề này khác. Chính trị Bác sắc sảo, nhưng Người rất ghét nói ba hoa. Bác bao giờ cũng vì dân, vì nước, chứ không vì cá nhân mình. Nhiều người sắc sảo nhưng lại vì bản thân mình nhiều, củng cố vị trí của mình nhiều hơn. Nếu người lãnh đạo cách mạng nào cũng được như Bác thì không bao giờ chính quyền bị đổ, vì Bác lúc nào cũng có Đảng, có dân, quan hệ với dân chặt chẽ không bao giờ làm điều gì vì mình, tất cả đều xuất phát vì nhân dân. Tôi cho rằng hiểu được Bác không phải dễ, làm theo Bác càng khó hơn.
Sau chiến thắng 1954, Bác gọi tôi đến và căn dặn: “Ta chiến thắng rồi công tác tuyên truyền chỉ nên biểu dương tinh thần anh dũng của quân và dân ta, không nên sỉ nhục Pháp. Vì như thế sẽ khích động tinh thần tự ái dân tộc của họ. Sau này đối với Mỹ, Bác cũng căn dặn như thế.
Tháng 10 năm 1956, đồng chí Trường Chinh xin từ chức Tổng bí thư, vì sai lầm trong cải cách ruộng đất, Trung ương bàu đồng chí Lê Duẩn làm Tổng bí thư, lúc này đồng chí Lê Duẩn vẫn ở Nam Bộ. Trong lúc chờ đồng chí Lê Duẩn ra nhận chức Tổng bí thư, Trung ương đề nghị Bác làm Chủ tịch, tạm kiêm nhiệm chức Tổng bí thư. Để giúp Người giải quyêt công việc hàng ngày, Trung ương cử đồng chí Võ Nguyên Giáp sang giúp Bác. Ngoài ra còn có công việc chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng với đồng chí Trần Quang Huy, Hoàng Tùng chuẩn bị sơ bộ một bản đề cương báo cáo chính trị. Khi đồng chí Lê Duẩn ra Hà Nội làm nhiệm vụ Tông Bí thư, đồng chí trực tiếp giải quyết mọi công việc của Trung ương cùng Bác. Đồng chí bắt tay vào việc chuẩn bị cho Báo cáo chính trị tại Đại hội. Giúp cho đồng chí Lê Duẩn trong những công việc này có Trần Quang Huy, Hoàng Văn Thái, Hoàng Tùng. Đồng chí Lê Duẩn làm việc liên tục cùng các đồng chí trên ở nhà số 6 phố Hoàng Diệu.
Đồng chí Lê Đuẩn phân tích tình hình miền Nam từ năm 1954 đến lúc đó và trình bầy có hệ thống đường lối giải phóng miền Nam. Đồng chí viết thành dự thảo Nghị quyết trình Bác và Bộ chính trị thảo luận. Trong quá trình chuẩn bị các đồng chí Quân uỷ Trung ương cũng tham gia thảo luận, góp thêm nhiều ý kliến. Quá trình chuẩn bị Nghị quyêt này kéo dài gần một năm.
Về cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1968, Người đưa ra sáng kiến này là đồng chí Lê Duẩn, sau khi đã trực tiếp chỉ đạo mọi mặt công tác ở miền Nam từ năm 1958 (nói đúng hơn là từ năm 1946 đến 1954 và từ năm 1954 đến năm 1957). Bộ Chính trị và Bác quyêt định mục tiêu, phương hướng và các vấn đề khác của chiến dịch. Cuối năm 1967, Bác đi chữa bệnh ở Trung Quốc. Giáp Tết, Trung ương họp ở Kim Bôi quyết định mở chiến dịch này. Đồng chí Lê Duẩn trực tiếp chỉ đạo mọi công tác chuẩn bị chiến dịch này ở cả hai miền cùng với Quân uỷ Trung ương và Trung ương cục miền Nam.
Sau đây tôi kể thêm một số kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên. Khi Bác đi Liễu Châu gập Chu Ân Lai, thì ở nhà chị Bác (bà Bạch Liên) qua đời. Lúc đó Bác cùng Bộ Chính trị đóng tại xã Kim Quan, huyện Yên sơn, tỉnh Tuyên Quang. Nhận được điện báo từ khu Bốn đánh ra, tôi báo cáo anh Trường Chinh, anh Trường Chinh ngậm ngùi nhưng không nói phải làm gì. Khi Bác về tôi báo cáo lại. Bác hỏi tôi: “Thế các chú có nhân danh Bác điện vào chia buồn và xin lỗi gia đình và địa phương là Bác bận việc không về được không? Tôi trả lời: “Th­ưa Bác, không ạ”. Bác nói: “Các chú ngốc quá”.
Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Bác giao cho tôi tham gia chuẩn bị Hội nghị chính trị đặc biệt. Bác cho phép tôi được góp ý kiến vào bài nói của Người tại Hội nghị và bồi dưỡng cho một số người phát biểu tại Hội nghị trong đó có anh hùng Núp.
Năm 1968 Bác có vịệc phải ra nước ngoài, ở nhà Ban Bí thư mà cụ thể là đồng chí Tố Hữu có chủ trương dong bọn giặc lái Mỹ mà ta bắt được đi diễu qua các đường phố để cảnh cáo Mỹ. Khi về Bác hỏi: “Vì sao các chú lại làm một việc dại dột như thế?” Tôi thành thật báo cáo Bác là mình không tham gia việc này. Bác nói luôn rằng tôi cũng ở trong Trung Ương mà lại không chịu trách nhiệm sao được, dư luận thế giới sẽ không đồng tình về việc làm của ta.
Bác đọc báo thấy các báo đưa tin Bộ Văn hoá đúc tượng nửa người của Bác bằng đồng (việc này do đòng chí Hà Huy Giáp quyêt định). Bác hỏi tôi, (vì lúc đó tôi làm công tác tuyên truyền): “Ai cho phép các chú làm? Đồng để dùng vào việc quân, không phải để tạc tượng”.
Từ khi tôi phụ trách báo Nhân Dân và một phần công tác của Ban Tuyên huấn, tôi thường xuyên được Bác dạy bảo, phê bình, cho chỉ thị công tác, khi gặp trực tiếp, khi gọi qua điện thoại, hoặc qua các đồng chí khác. Bác dạy tôi cả kinh nghiệm viết báo. Bác viết khá đều đặn cho báo Sự Thật, báo Nhân Dân. Những bài viêt của Bác báo Nhân Dân đã tập hợp lại. Tuy nhiên bản thảo của Bác giữ lại không nhiều.
Tháng 7 năm 1969 tôi đưa Charles Fourniau, phóng viên thường trú báo L’Humanité đến phỏng vấn Bác. Hai người phóng viên cuối cùng tôi đưa đến phỏng vấn Bác là Marta Rohad của Cuba và Charles Fourniau. Bác cho gọi tôi lên sớm để góp ý kiến về những câu trả lời.Tôi nói chắc đồng chí đó sẽ hỏi cảm tưởng của Bác khi Người vào tuổi 80. Bác nổi nóng, dồn cho tôi một hồi. Người nói chúng tôi tại sao lại bày ra việc kỷ niệm 80 tuổi, so với Các Mác, Lênin, chỉ là con cháu thôi, các chú tưởng rằng Bác cũng như người khác hay sao? Vì lúc bấy giờ không khí chống sùng bái cá nhân rât kinh khủng. Đúng lúc đó thì Charles Fourniau vào. Chuyện của hai Bác cháu tạm dừng. Nhưng chủ đề câu chuyện Charles Fourniau hỏi Bác hôm đó lại về chuyến đi của Bác từ Pháp sang Liên Xô năm 1923. Sau buổi làm việc khi Charles Fourniau về rồi, Bác gọi tôi vào, và dường như Người đã quên chuyện lúc trước, Người chỉ vào trong nhà và nói: “Trong tủ lạnh có nhiều thứ, chú vào lấy mà ăn”.
Một kỷ niệm không bao giờ quên đối với tôi là trước khi vĩnh biệt chúng ta mấy ngày Bác cho gọi tôi vào, Người giơ tay cho tôi nắm rất lâu. Khi Bác mất tôi được tham gia công việc tổ chức tang lễ. Túc trực bên quan tài của Người. Tôi viết phần tiểu sử của Người. Còn bài điếu văn tôi viết dài quá, anh Lê Duẩn bảo Đông Ngạc viết lại.
Tìm hiểu về Bác tôi thấy Bác có 10 nỗi đau lớn.
Một là gia đình tan nát. Mẹ và người em út mất sớm vì nhà nghèo không đủ tiền mưua thuốc, không ai chăm sóc, trong lúc bố đi vắng. Cụ Nguyễn Sinh Sắc bị thù oán nên bị hại. Tính cụ ngay thẳng, phê phán thẳng thắn những người xấu và làm theo ý mình cho là phải. Bọn quan lại ghét cụ. Nhân có một người bị phạm tôi đưa đến, lệ ngày x­a trước khi xử án phải nọc người đó mấy chục roi trước. Chẳng may người phạm tội bị bệnh từ trước nên sau khi bị đánh trả về một thời gian người ta chết. Nhân việc này trên mới cách chức cụ và đầy đi biệt xứ. Còn ông anh và bà chị Bác cũng bị tù đày, rồi sau mất sớm.
Nỗi đau thứ hai là: sau vụ chính biến Tưởng Giới Thạch, Bác đi Liên Xô. Trước đó Bác phụ trách các nước Đông Nam Á của Quốc tế cộng sản. Bác có đi dự Đại hội V Quốc tế cộng sản nhưng không được bầu vào Ban chấp hành. Lần này sang, do cách hoạt động của mình Bác bị Liên Xô nghi ngờ là chưa đủ tiêu chuẩn cộng sản. Sang Liên Xô Bác không được giao việc gì cả, không có chức vụ chính thức trong tổ chức quốc tế. Bác xin về, họ không cho tiền. Sau Bác phải đi xin bạn bè tiền để về. Bác về Xiêm tìm đến các gia đính người Nghệ như gia đình cụ Đặng Thúc Hứa, Bác hoạt động trong Việt kiều. Sau Bác có sang cả Lào để gây dựng cơ sở ở đó. như thế việc Bác về Xiêm là do Bác chủ động chứ không phải do Quốc tế phân công. Nghe tin ở nước nhà giải tán Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí hội, để lập Đảng cộng sản, Bác cho rằng chưa phải lúc. Bác cho rằng, lúc đầu hãy tập hợp thanh niên và giương cao ngọn cờ yêu nước đã. Có tổ chức Đảng cộng sản chỉ là tổ chức bí mật chứ chưa đưa Đảng cộng sản ra và nói đấu tranh giai cấp vội, cứ nói đánh Tây cho quần chúng dễ hiểu. Theo tôi vì sao lại lập Đảng cộng sản? Chuyện này có lẽ bắt nguồn từ Đảng cộng sản Pháp. Đảng cộng sản Pháp sợ liên lụy không dám bênh vực phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa nữa. Sau cách mạng tháng Mười, hai người cộng sản Pháp sang Liên Xô gặp Lênin và Phrôtxa và Cachin. Phrôtxa không đồng ý với Lênin một số điểm cho nên về nước không được dùng mà chỉ có Cachin mới được dùng. Những điều này tôi đoán lúc đầu Bác không biết, vì lúc đó Bác đang là một nhà cách mạng chân thành, trong sáng, không nghĩ đến những điều phức tạp bên trong.
Đảng cộng sản Pháp cho rằng bác không lập ra Đảng cộng sản mà chỉ tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, lại phê phán Đảng cộng sản Pháp khá nhiều, trên báo chí và ở Đại hội Quốc tế cộng sản Đảng cộng sản Pháp l­ưu ý không tán thành Bác. Năm 1923, Nguyễn Văn Tạo là học sinh bãi khoá ở Sài gòn được sang Pháp học, được kết nạp vào Đảng cộng sản Pháp, rồi vào Trung ương ngay. Nguyễn Ái Quốc không được bàu vào Trung ương, Bác làm ở Ban Thuộc địa, Đảng cộng sản Pháp cử 3 người trong đoàn Pháp sang dự Đại hội thứ VI Quốc tế cộng sản trong đó có Nguyễn Văn Tạo. Nguyễn Văn Tạo đề nghị là ở Đông Dư­ơng điều kiện đã chín mưồi, đề nghị cho thành lập Đảng cộng sản. Sau đó mới tác động đến nhóm Bắc Kỳ - Ngô Gia Tự, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh, ba người hăng hái nhất lập ra chi bộ Đông Dư­ơng cộng sản Đảng, đề nghị giải tán Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Việc đó chính là phê phán Nguyễn Ái Quốc, hay gọi là sự sửa sai đối với Nguyễn Ái Quốc. Nhưng Bác vẫn im lặng tìm cách sửa sai việc đã rồi, vì ba tổ chức tìm cách chống nhau gây chia rẽ. Sau Lê Văn Lương nói với tôi là khi Bác về Trịnh Đình Cửu có hỏi Bác giấy uỷ nhiệm của Quốc tế cộng sản, vì Bác nói là Quốc tế cử về. Bác nói: “Đồng chí thử tưởng tượng xem nếu tôi mang trong người giấy uỷ nhiệm của Quốc tế cộng sản thì liệu tôi có về được đến đây không ?”
Trong số những người dự hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản có Lê Hồng Sơn, Đông Dương cộng sản đảng. Có người nói không có Đông Dương cộng sản đảng là không đúng. Người sáng lập An Nam Cộng sản Đảng là Hà Huy Giáp, nhưng anh theo quan điểm công nông, đưa công nhân lên là chính, nên mới đưa Hạ Bá Cang lên. Hạ Bá Cang, Nguyễn Thiều, Châu Văn Liêm được cử đi dự Hội nghị hợp nhất, nhưng sau đó Hạ Bá Cang bị bắt ở Hài Phòng nên không dự được. Đại diện cho Bắc kỳ là Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh. Bác đưa ra chính cương vắn tát và điều lệ vắn tát, thật sự là Bác đã trở lại đường cách mạng với 3 mục tiêu: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc. Mà dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc chính là tư tưởng của Tôn Văn. Nhưng cách thực hiện khác hoàn toàn. Tôn Văn dùng cách mạng tư sản, bác là làm cách mạng nhân dân, cách mạng quần chúng rồi tiến dần lên cách mạng chủ nghĩa xã hội thật sự. Bác nói là làm từ từ, dần dần. Tiến lên chủ nghĩa xã hội ngay làm sao được với một nước có nền nông nghiệp lạc hâu. Mẫu của Stalin không phải đâu cũng áp dụng như thế. Nhiều ông cách mạng còn trẻ kinh nghiêm it cứ tin theo sách, nhưng bác không khờ như thế.
Năm 1931-1932, ở Hư­ơng Cảng Bác không có chức vụ gì, nhưng vì sự nghiệp cách mạng Bác vẫn làm. Bác gửi thư cho Quốc tế Cộng sản đề nghị giao việc, vì thời gian đó bác chỉ làm nhiệm vụ như một hộp thư­. Đường giao thông của ta với Pháp bị vỡ do một anh thuỷ thủ người Pháp bị bắt khai ra. Khi tôi ở trong tù thì được thông báo cho biết là Trần Văn Giàu bị bắt khai ra đường dây. Nhưng sau này tôi hỏi lịch sử Đảng Sài gòn, họ nói có tài liệu chứng minh là không phải Trần Văn Giàu khai. Mật thám tìm được chỗ Bác ở và bắt Bác. Việc Bác được tha là nhờ luật sư Loseby. Ông luật sư cãi cho bác là ông Stafe Krip (thực tế là Nowen Krip), sau này ông là bộ trưởng dưới thời thủ tướng Churchill. Việc Bác bị bắt rồi lại được tha Liên Xô không hiểu, họ nghi ngờ có điều gì phức tạp trong vụ án. Tại sao lãnh tụ cộng sản mà được đế quốc tha yên ổn, cho nên trong vòng 4 năm họ không giao việc gì. Bác là nhân viên thường ở Ban Thuộc đia. Sau đó Bác nhận làm nghiên cứu sinh phó tiến sĩ, nhưng Người rất chán. Đại hội VII của Quốc tế cộng sản Bác không có cương vị gì cả. Đại hội lần thứ nhất của Đảng ta họp trước đó, bầu Bác là Uỷ viên dự khuyết, và còn ghi rõ chỉ là công tác ở nước ngoài. Chính vì thế nên Bác không có tên trong đoàn đại biểu của Đảng ta sang dự đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ VII. Đoàn đại biểu của Đảng cộng sản Việt Nam chỉ có Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong. Sau khi xin việc mãi không được, Bác xin về nước. Gần đây tôi có gặp một nhà trí thức Việt Nam, người này có gặp một nhà trí thức Pháp, họ nói Bác suýt bị hại vì những chuyện lôi thôi này. Ông lãnh tụ Nhật bản Nasaka Sanzo cùng bị làm rầy rà. Những chuyện này Bác biết cả.
Thời gian này quan hệ với Trung Quốc không gay go, vì tình bạn của Bác với Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân, Diệp Kiếm Anh.. khi Bác ở Quảng Châu là thân thiết. Năm 1938-1939 Chu Ân Lai cũng giúp đỡ Bác nhiều, chỉ có sau này với Mao Trạch Đông là Bác gặp khó khăn thôi.
Về việc Bác bị bắt năm 1942 ở Trung Quốc tôi được biết như sau: Chuyện này do Hoàng Điền, đại tá về hư­u, người được dự các lớp huấn luyện ở Liễu Châu năm 1944, nói với tôi. Mục đích chuyến đi này của bác là gặp Chu Ân Lai để hỏi thăm tình hình quốc tế. Lúc Bác bị bắt trong người có tấm danh thiếp: Hô Chí Minh - Việt Nam hoa kiều ký giả và một số giấy tờ khác. Hoàng Điền nói: Trương Bội Công đứng đầu bọn tình báo của Trương Phát Khuê đã bố trí Trần Báo ở với những người cách mạng của ta thường đi qua để bắt. Tên này là em bà Ngô Khổn Duy, vợ ông Hồ Học Lãm, người đã biết rõ Bác Hồ. Bác bị hành hạ khổ sở. Nhưng nỗi đau nhất của Bác là Người bị bắt trong lúc tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động. Nếu ở nhà lúc đó không có anh Trường Chinh thì thật sự chúng ta cũng không có ngày nay đâu. Tả lại phần nào nỗi đau của mình trong những ngày bị bắt giữ, Bác có viết bài thơ: “Trên đời ngàn vạn điều cay đắng, cay đắng chi bằng mất tự do”. Càng cay đắng hơn là Bác bị bắt trong lúc cách mạng rất cần Người. Nỗi đau thứ tư là sau năm 1945 Liên Xô, Trung Quốc không công nhận ta, Đảng cộng sản Pháp cũng nghi ngờ.
Nỗi đau thứ năm là 1950-1952 Mao Trạch Đông và Stalin gọi Bác sang phê phán gay gắt, buộc phải thay đổi đường lối dẫn ta đến sai lầm trong cải cách ruộng đất. Tuy nhiên Trung Quốc giúp ta chỉnh lại quân đội có phần đúng. Mục đích của họ là sửa lại cả quân sự, chính trị, tổ chức, cách dùng người. Nhân nói về chính sách dùng người của Bác tôi muốn kể chuyện này. Có lần trong một cuộc hội nghị về công tác tổ chức, Lý Ban nói: “Đối với con cán bộ khi kết nạp vào Đảng không cần phải thời gian dự bị, mà được chính thức ngay”. Bác nói ngay: “Chú nói như thế không đúng. Đối với người cách mạng phải xem cụ thể người ấy như thế nào. Vì có chuyện hổ phụ sinh khuyển tử, tức là hổ đẻ ra con là chó như Phan Bá Ngọc là con của Phan Đình Phùng đã đưa mật thám bắt Phan Bội Châu. Nhưng cũng có nhứng địa chủ lớn như Bành Bái, địa chủ nổi tiếng ở tỉnh Quảng Đông lại là người tiến bộ, Đảng cộng sản coi là anh hùng. Cho nên không được máy móc, không được xem nguồn gốc xuất thân, lý lịch làm quan trọng”.
Họ “sửa” khá nhiều nên Bác đau lòng. Bao nhiêu nhân sĩ Bác lôi kéo tranh thủ, sau đó phải gạt hết, có những người còn bị đấu tố nữa.
Nỗi đau thứ sáu là Bác không ngờ Liên Xô và Trung Quốc lại xung đột, mẫu thuẫn đến gay gắt như thế. Bác nói phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô và Trung Quốc lãnh đạo. Nhưng Liên Xô và Trung Quốc cùng lãnh đạo thế nào được. Một nước chỉ có một mặt trời. Mao Trạch Đông là mặt trời hay Stalin là mặt trời đây. Liên Xô hay Trung Quốc đứng đầu lãnh đạo. Chỉ có một mà thôi. Hai bên xung đột nên bên nào cũng muốn lôi kéo Bác về phía mình. Bác bị giằng xé trong suốt những năm cuối của cuộc đời.
Nỗi đau thứ bẩy là sự bất hoà giữa mấy người lãnh đạo của ta. Không phải mọi việc đều êm đẹp cả. Họ nhất trí với nhau về quan điểm đánh Mỹ, nhưng quan điểm quốc tế không thống nhất, về quan hệ cá nhân với nhau không thuận lợi. Sau này Bác bảo tôi viết bài: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Ý Bác là muốn nói mấy ông này. Bài đó tôi viết Bác sửa lại nhiều. Sau Bác nói anh Tố Hữu cũng sửa nữa. Tôi được biết từ năm 1966, cứ mỗi chiều thứ bẩy, Bác lại cho làm cơm và nói: “Mấy chú cứ đến đây ăn cơm vui vẻ với nhau, có gì khúc mắc cứ nói hêt ra, không nên để bụng”. Anh Nguyễn Chí Thanh làm thư ký cho những cuộc đó cho đến khi anh đi vào Nam. Sau anh Lê Văn Lương nói lại với tôi là họ cứ đến ăn cơm, chén hết rồi họ về, chẳng ai nói với ai điều gì. Nếu không biết việc này thì không hiểu hết tại sao trong di chúc Bác lại dặn phải đoàn kết toàn Đảng, từ Trung ương đến đia phương. Trên mà đã đoàn kết rồi thì cần gì nói đến cơ sở nữa. Trên đoàn kết mà dưới không thì lôi thôi to, các ông trị cho chết. Chính vì thế mà bác rất buồn. Có thể có một vài hiện tượng, có đồng chí nào đó muốn vượt Bác, Bác biết hết, nhưng Bác không quan tâm.
Nỗi đau thứ tám là tình hình trong nước và thế giới trước khi Bác qua đời đều căng thẳng, nên đầu óc Bác không được thư thái. Cuộc kháng chiến chông Mỹ kéo dài, nhân dân ta hy sinh nhiểu của, nhiều người, Bác rất đau lòng. Tuy Bác nói là Trường kỳ kháng chiến nhưng thực sự Bác không muốn cuộc chiến tranh phải kéo dài. Từ đầu đến cuối Bác không muốn có chiến tranh. Cho nên mới có cuộc hoà hoãn với Pháp. Đối với Mỹ cũng thế, Bác muốn tranh thủ, nhưng không được mới phải đánh. Cộng thêm những năm tháng ốm đau kéo dài (trên 3 năm), có lúc Người cáu gắt cũng vì lẽ đó. Tất cả những nỗi đau này Bác không thổ lộ cùng ai, kể cả với anh Lê Duẩn, anh Trường Chinh. Nếu chúng ta không hiểu những nối đau của Bác, không hiểu được sự chín chắn, đúng đắn của Bác trong chính trị thì ta sẽ giáo điều, nói không sát.
Tổng kết lại, cho đến nay Đảng ta có 4 thắng lợi lớn và 4 thất bại. Bốn thắng lợi thì đã rõ: Thắng lợi thứ nhất là Tổng khởi nghĩa thắng lợi, thắng lợi thứ hai là Kháng chiến chông Pháp thắng lợi, thắng lợi thứ ba là Kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, thắng lợi thứ tư là thực hiện công cuộc đổi mới đang thắng lợi dần dần. Thắng lợi trong công cuộc đổi mới tuy Bác không còn, nhưng đường lối đi đúng tinh thần độc lập tự chủ, tức là trở lại với chính mình, trở lại với tư tường Hồ chí Minh mới đổi mới được. Cứ để như cũ chắc hôm nay nước đổ rồi. Bốn thắng lợi đều do tư tưởng độc lập tự chủ, do tư tưởng Hồ Chí Minh quyết định.
Bốn lần thất bại là do học theo Trung Quốc, học theo Liên Xô. Đó là xông thẳng tới chính quyền mà là chính quyền công nông thôi, đó là cải cách ruộng đât, đấu địa chủ. Bác không phải là không nói tới đấu tranh giai cấp. Cụ nói đấu tranh giai cấp phụ thuộc vào đấu tranh dân tộc.
Tất cả các lãnh tụ ở các nước khi cầm quyền không có ai trong sáng như Hồ Chí Minh, kể cả Fidel Castro. Vì Fidel cố giữ một cái gì đó đã cũ, hai nữa là ông còn dành một phần cho “em”. Bác không làm như thế. Ở Cuba không ai dám trái với Fidel. Kim Nhật Thành thì quá tệ. Còn Mao Trạch Đông, Stalin, Khrutchev, Gorbachov... cũng không thể hơn Bác. Việc Bác sống và sinh hoạt giản dị như thế không phải Người cố ý thể hiện cái gì là đồ Nghệ, lập dị mà vì Bác thấy dân còn đói khổ, chiến tranh làm họ nghèo đói chêt chóc. Bác không nỡ lòng sống một cách cách biệt. Vả lại Bác xuất thân từ một gia đình nghèo khổ. Bác giữ được phẩm chất như thế suốt cuộc đời.
Tôi không đồng ý nếu chỉ nói rằng tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mac-Lênin vào điều kiện Việt Nam. Tôi đã viết cuốn sách: “Từ tư duy truyền thống đến tư tưởng Hồ chí Minh”. Nói như thế có nghĩa là Bác có nắm được tinh hoa của chủ nghĩa Mác Lênin. Bác nắm được phép biện chứng của chủ nghĩa Mác-Ănghen cộng với tư duy thực tiễn của người Việt Nam. Tức là điều kiện ở Việt Nam, đất nước bị đô hộ kéo dài, nhân dân cực khổ, nên phải nói những điều thiết thực, không nói lý luận viển vông. Bác có kinh nghiệm nhiều. Bác nói ông Phan Bội Châu, ông Phan Chu Trinh là những người yêu nước rất đáng kính, nhưng các ông ấy không biết làm công tác quần chúng, không thấy vai trò của dân đen. Bác nói và Bác hoà nhập với nhân dân ngay từ khi Người về Cao Bằng. Nếu nói Bác chỉ học Mác - Ănghen thôi thì không đúng, Bác rất sáng tạo, quý trọng con người. tư tưởng Hồ chí Minh không phải chỉ là sự vay m­ợn, mà là sản phẩm tinh thần của một phần tư duy con người Việt Nam.
Sai lầm lớn nhất của Chủ nghĩa Xã hội là cứ xông thẳng tới chính quyền. Và khi đã nắm được chính quyền rồi đáng lẽ phải thực hiện dân chủ thì lại nhấn mạnh chuyên chính. so sánh Bác với các Tổng bí thư các nước mới thấy sự khác biệt. Mác nói mục đích của cách mạng vô sản là giành chính quyền dân chủ, chuyên chính với kẻ thù để bảo vệ nền dân chủ. Cái sai nữa là, sau khi giành được chính quyền rồi thì thực hiện công hữu ngay lập tức, công hữu cực đoan, tức là vô sản hoá hơn cả tư bản. Mọi người không ai có gì cả, chỉ là người làm công ăn Lương, nên động lực mới yếu đi. Mác dự báo khoa học có cái đúng có cái trật. Nhưng về xu thê lịch sử là Mác nói dúng. Chủ nghĩa tư bản không thể tồn tại lâu mà nó phải thay thế bằng công bằng hơn, cuối cùng là chế độ công h­ũ. Hiện tại không phải là công hữu hết mà chỉ cần xây dựng một nền kinh tế hợp tác là đủ. Chúng ta chưa dám nói khác. Người cầm quyền lại càng sợ nói khác đi.
----- O -----
Lời ban biên tập: Tác giả của bài viết sau đây là ông Hoàng Tùng, một nhân vật cao cấp trong ĐCSVN. Ông đã từng giữ cương vị Tổng biên tập báo Nhân Dân, ủy viên trung ương Đảng, thường trực ban bí thư v.v... Đoạn hồi ký sau đây của ông trả lời cho ta nhiều câu hỏi: Khoảng thời gian 1934-1938 Nguyễn Ái Quốc làm gì ? Uy tín của Nguyễn Ái Quốc trong Quốc Tế Cộng sản như thế nào ? Hà Huy Tập đã báo cáo gì với Quốc tế cộng sản về Nguyễn Ái Quốc ? Stalin có tín nhiệm Nguyễn Ái Quốc hay không ? Trung Quốc và Liên Xô có công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hoà hay không ? Vì sao xảy ra cải cách ruộng đất đau lòng ? Thái độ của Hồ Chí Minh trong việc xử bắn bà Nguyễn Thị Năm ? v.v…
Chúng tôi gửi tặng độc giả đoạn hồi kỳ này nhằm để bạn đọc quan tâm tới lịch sử Việt Nam cận đại có thêm tài liệu tham khảo. Tuy nhiên, ban lãnh đạo ĐCS Việt Nam hiện tại không hoan nghênh hồi ký này, cho rằng tác giả đã để lộ nhiều bí mật của đảng, và như thế nó là một tài liệu “có hại”. Vì nhận định đó mà hồi ký của Hoàng Tùng đã không được phổ biến rộng rãi dưới hình thức in.
Đối với phần đông dân chúng trong nước, sự hiểu biết về nước Mỹ quả thật còn quá ít ỏi. Cách tuyên truyền của Đảng cộng sản đã khiến nhiều người nhìn nước Mỹ bằng những dữ kiện sai, với một thế giới quan thù hằn, đầy thành kiến: Nước Mỹ tuy giàu có nhất thế giới, nhưng xã hội Mỹ đầy tệ nạn, với lối sống đồi bại, buông thả, nạn phân biệt chủng tộc diễn ra hàng ngày, người ta có thể cầm súng giết nhau bất cứ lúc nào,v.v…
Có thật như thế không ? Tác giả bài viết dưới đây là một đảng viên kỳ cựu ĐCSVN, ông từng được mệnh danh là “Con Hùm xám của đường số 4” trong kháng chiến chống Pháp.
Đây là kết quả ghi chép được của ông nhân một lần sang thăm nước Mỹ. Những gì mà ông được thấy tận mắt khác xa so với những gì mà Đảng đã dạy ông. Chắc hẳn từ trong tâm khảm, ông đã khoan khoái thốt lên rằng: “Suýt nữa thì ta phải mang theo sang thế giới bên kia một sự dối lừa”
Cũng xin nói thêm rằng, trong đoạn viết về những người Việt Nam ở Mỹ, ông vẫn còn bị nhiễm lối nhìn nhận mà ĐCS đã “trao tặng” cho ông. Ông không phân biệt được “yêu nước” và “yêu Đảng” là hai khái niệm khác nhau. Những người Việt xa xứ có thể không chấp nhận sự lãnh đạo đất nước của ĐCSVN, nhưng dù họ là ai thì chắc chắn trong họ luôn ấp ủ một tình cảm yêu thương da diết của những người con luôn hướng về đất mẹ.
Hoàng Tùng

No comments:

Post a Comment