Câu chuyện thẩm định lại luận văn “Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa" và thu hồi bằng Thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan rồi đây sẽ đi vào lịch sử văn chương như một vụ Nhân Văn Giai Phẩm thời hiện đại và là một thí dụ kinh điển về sự xâm phạm quyền tự do học thuật trong môi trường đại học.
Bài này điểm lại những sự kiện chính trong kỳ án này để tiện tra cứu sau này và giúp những ai quan tâm dễ theo dõi câu chuyện từ khi nó bắt đầu.
***
12/2010: Đỗ Thị Thoan, bút danh Nhã Thuyên, sinh năm 1986, học viên cao học khóa 18 (2009 – 2010), chuyên ngành Văn học Việt Nam hiện đại, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bảo vệ thành công luận văn “Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa" dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS. TS. Nguyễn Thị Bình. Hội đồng chấm luận văn bao gồm PGS. Nguyễn Văn Long, TS. Chu Văn Sơn, PGS. TS. Ngô Văn Giá, TS. Nguyễn Văn Phượng và PGS. TS. Nguyễn Đăng Điệp được thành lập theo quyết định số 7460/QĐ-ĐHSPHN đánh giá luận văn ở mức xuất sắc và cho điểm tuyệt đối (10/10) [1].
Có rất ít người biết đến đến Nhã Thuyên và luận văn của cô vào thời điểm này.
8/3/2011: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ra quyết định số 676/QĐ-ĐHSPHN cấp bằng Thạc sĩ khoa học Ngữ văn, số hiệu A005416 (vào sổ cấp bằng số 7437) cho Đỗ Thị Thoan [2]. Đỗ Thị Thoan trở thành giảng viên hợp đồng tại Khoa Ngữ văn, giảng dạy chuyên đề Văn học Việt Nam ở nước ngoài cho đến khi bị ngừng hợp đồng vào tháng 5/2013.
30/5/2013: Tuần báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đăng loạt bài của Chu Giang (tức Nguyễn Văn Lưu) phê phán luận văn của Nhã Thuyên trên các số từ 256 đến 259 [3-7]. Một bài khác [8] nằm trong loạt bài này được cho là sẽ xuất hiện ở số 260 nhưng cuối cùng đã không được đăng.
4 & 5/06/2013: Tại Hội nghị Lý luận-Phê bình văn học lần thứ III ở Tam Đảo, Chu Giang đăng đàn tiếp tục phê phán gay gắt luận văn của Nhã Thuyên.
7/7/2013: 9:19 PM, báo Nhân Dân điện tử đăng bài “Nhân danh nghiên cứu để ca ngợi thứ "thơ" rác rưởi” [9]. Hơn 1 tiếng sau (10:35 PM), báo Quân đội nhân dân online đăng bài “Một “góc nhìn” phản văn hóa và phi chính trị” [10]. Cả hai bài cùng kịch liệt lên án luận văn của Nhã Thuyên.
Sau phát súng mở màn của Nhân Dân và Quân đội nhân dân, một làn sóng phê phán luận văn này xuất hiện trên hàng loạt báo như Văn nghệ quân đội [11], Công an Thành phố Hồ Chí Minh [12], Hà Nội mới [13], Sài Gòn giải phóng [14], Thanh Tra [15], Lâm Đồng online [16], Vĩnh Long online [17]…
Kể từ đây, câu chuyện về luận văn Nhã Thuyên bắt đầu thu hút sự chú ý của nhiều người.
20/7/2013: RFA đăng bài phỏng vấn Chu Giang và một số người liên quan [18].
10-31/7/2013: Nhà văn Phạm Thị Hoài gọi những bài viết của Chu Giang là “cú giãy cuối cùng của nền phê bình chỉnh huấn” [19], GS. Trần Đình Sử gọi loạt bài của Chu Giang là lối “phê bình kiểm dịch” [20], Nhà văn Phạm Xuân Nguyên gọi đây là “phê bình chỉ điểm” [21].
25/7/2013: Nhà báo Nguyễn Vạn Phú cho rằng việc phê phán luận văn Nhã Thuyên là hành động “hận cá, chém thớt” [22].
26/7/2013: GS. Trần Đình Sử viết bài “Cuộc phê phán luận văn của Đỗ Thị Thoan hay là sự xung đột về khung tri thức và thế hệ” nhận định cuộc phê phán luận văn của Đỗ Thị Thoan rầm rộ khắp cả nước là “một cách hành xử quá nóng vội” [23].
27/7/2013: Lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chỉ đạo Ban chủ nhiệm Khoa Ngữ văn triệu tập họp hội đồng khoa học khoa (mở rộng) lấy ý kiến các nhà khoa học về luận văn thạc sĩ của Nhã Thuyên. Nhiều học giả trong buổi họp này bày tỏ quan điểm phải có một ứng xử khoa học với một công trình khoa học [24-25].
28/7/2013: Bài viết “Từ một bản luận văn” của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên trên Báo điện tử Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh bị rút xuống [26-27] sau vài giờ.
31/7/2013: Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng vụ lên án luận văn Nhã Thuyên đã đưa chúng ta “về thời kỳ đồ đá, nhất là trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa” [28].
1/8/2013: Lê Tuấn Huy phân tích tính pháp lý của việc thẩm định luận văn Nhã Thuyên [29].
12/2/2014: Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định luận văn Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn của Đỗ Thị Thoan, nhưng không một ai, kể cả Nhã Thuyên, người hướng dẫn và hội đồng chấm luận văn được biết về quyết định này. Hội đồng thẩm định gồm PGS.TS Đoàn Đức Phương, GS. Đặng Thanh Lê, PGS.TS Phan Trọng Thưởng, PGS.TS Lê Quang Hưng và PGS.TS Phạm Duy Đức. Không thành viên nào trong Hội đồng thẩm định có công trình nghiên cứu về văn học Việt Nam hiện đại [30-31].
5/3/2014: Báo Kinh doanh và Pháp luật đăng Đơn kêu cứu của PGS. TS. Nguyễn Thị Bình về việc bà bị Trường Đại học Sư phạm Hà Nội buộc nghỉ hưu sớm 5 năm. Bài báo nhanh chóng bị gỡ xuống [32].
11/3/2014: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ra quyết định số 667/QĐ-ĐHSPHN về việc không công nhận luận văn thạc sĩ khoa học ngữ văn của Đỗ Thị Thoan [33].
14/3/2014: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ra quyết định số 708/QĐ-ĐHSPHN về việc thu hồi bằng thạc sĩ khoa học ngữ văn của Đỗ Thị Thoan [33].
17/3/2014: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội gửi giấy mời Nhã Thuyên đến nhận hồ sơ và các giấy tờ liên quan đến việc thu hồi bằng thạc sĩ [33].
17/3/2014: Facebook của Nhị Linh đăng một tấm ảnh được cho là trích từ công văn của Ban Tuyên giáo, trong đó có đoạn chỉ thị “báo chí không đăng tải ý kiến, đơn thư trái chiều” liên quan đến luận văn Nhã Thuyên [34].
21/3/2014: Trong một lần trả lời phỏng vấn hiếm hoi, Nhã Thuyên nói trên RFA: “… khi mà câu chuyện đã không còn là câu chuyện cá nhân mình, cũng không phải là câu chuyện của cá nhân của cô Nguyễn Thị Bình mà nó trở thành một vấn đề chung để mọi người cùng nghĩ và cùng thảo luận” [35].
24/3/2014: BBC đăng bài phỏng vấn Phạm Xuân Nguyên cho rằng vụ việc đã bị “chính trị hóa” [36].
27/3/2014: Nhã Thuyên đến Trường Đại học Sư phạm Hà Nội làm việc theo giấy mời nhưng không nhận các quyết định không công nhận luận văn và thu hồi bằng thạc sĩ vì “cho rằng hai quyết định này hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý và minh bạch về các thông tin: như hội đồng chấm, các biên bản nhận xét của hội đồng, v.v” [33].
28/3/2013: PGS. TS. Ngô Văn Giá đăng bài “Luận văn, phê bình luận văn và…” trên trang Facebook cá nhân vì “thấy có trách nhiệm phải nói đôi lời” [37].
30/3/2014: Nhã Thuyên công bố toàn bộ hồ sơ bảo vệ luận văn năm 2010 [38].
30/3/2014: Toàn văn luận văn của Nhã Thuyên được công bố trên trang Kệ Sách eBook [39].
1/4/2014: Nhã Thuyên gửi đơn đến Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề nghị được minh bạch thông tin và tham gia trao đổi, đối chất giữa các hội đồng với tác giả luận văn và người hướng dẫn [40].
8/4/2014: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trả lời Đơn đề nghị của Nhã Thuyên: “Việc thẩm định luận văn thạc sĩ dẫn tới các quyết định không công nhận luận văn và thu hồi bằng đã được Nhà trường thực hiện đúng quy trình” [40].
8/4/2014: Văn Việt đăng bài phỏng vấn PGS. TS. Nguyễn Thị Bình, PGS. TS. Ngô Văn Giá và TS. Chu Văn Sơn [41].
15/4/2014: Báo Nhân dân điện tử đăng bài viết phê phán những người “lên tiếng bênh vực tác giả luận văn và bác bỏ kết luận của Hội đồng thẩm định” [42].
18/4/2014: Các giáo sư Hồ Tú Bảo, Ngô Bảo Châu, Trần Văn Thọ, Cao Huy Thuần gửi thư đến Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội “bày tỏ mối quan tâm” “đối với hiện tình của nền học thuật đại học tại Việt Nam qua sự cố” liên quan đến luận văn Nhã Thuyên [43].
19/4/2014: 70 người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam gửi Bản phản đối và yêu cầu đến Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội yêu cầu hủy bỏ các quyết định 667/QĐ-ĐHSPHN và 708/QĐ-ĐHSPHN [44].
19/4/2014: Trang vanvn.net của Hội nhà văn Việt Nam đăng toàn văn bản nhận xét phản biện của PGS.TS. Phan Trọng Thưởng tại Hội đồng thẩm định luận văn do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thành lập, quy kết luận văn Nhã Thuyên là một luận văn “chính trị đội lốt văn chương”. Đây là lần đầu tiên sự tồn tại của Hội đồng thẩm định được xác thực một cách chính thức [45].
20/4/2014: Nhã Thuyên đề nghị ông Phan Trọng Thưởng làm rõ cáo buộc luận văn của cô là “chính trị đội lốt văn chương” [46].
20/4/2014: 40 người quan tâm đến giáo dục Việt Nam, đa số ở nước ngoài, gửi Thư ngỏ Về sự vi phạm tự do học thuật trong vụ thu hồi bằng thạc sĩ của bà Đỗ Thị Thoan đến Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam “yêu cầu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hủy bỏ quyết định thu hồi bằng Thạc sĩ của bà Đỗ Thị Thoan và công bố các hồ sơ liên quan” và “yêu cầu nhà nước mở cuộc điều tra về những lý do đã dẫn đến vụ tái thẩm định, và thiết lập những biện pháp để ngăn ngừa tái diễn những sự can thiệp một cách lén lút, bất hợp pháp vào các quy định có hiệu lực pháp lý” [47].
21-24/4/2014: Vũ Thị Phương Anh có loạt bài phân tích bản nhận xét phản biện của Phan Trọng Thưởng [48-53].
22/4/2014: Văn Việt đăng bài “Những câu hỏi chưa được trả lời” của Nguyễn Thị Từ Huy đặt ra nhiều câu hỏi về vụ việc [54].
22/4/2014: Tạp chí Văn hóa Nghệ An đăng bài “Luận văn Đỗ Thị Thoan và những lời bàn” của Nguyễn Xuân Đức cho rằng “…[việc nghiên cứu hiện tượng văn họa ngoài lề/ngoại biên] không phải và không thể là công việc của học sinh được thể hiện qua một bài thi” [55].
23/4/2014: Văn Việt đăng bài phỏng vấn PGS. Nguyễn Văn Long và TS. Nguyễn Phượng, 2 thành viên trong hội đồng chấm luận văn Nhã Thuyên [56].
23/4/2014: Văn Việt đăng bài của Hà Nhân phân tích các nghịch lý trong bản nhận xét của Phan Trọng Thưởng [57].
23/4/2014: Văn Việt đăng bài “Thẩm định bài thẩm định của Phan Trọng Thưởng” của Đặng Thái Minh phê bình bản nhận xét của Phan Trọng Thưởng [58].
23/4/2014: Tiền Vệ đăng bài “Một bản nhận xét không có tính khoa học” của Nguyễn Thị Từ Huy kết luận bản nhận xét phản biện của Phan Trọng Thưởng “không phải là một bản nhận xét khoa học” [59].
28/4/2014: Một đoàn 5 người gồm nhà giáo Phạm Toàn, TS. Đặng Thị Hảo (Viện Văn học), TS. Nguyễn Xuân Diện (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam), luật gia Nguyễn Kim Môn và họa sĩ Mai Xuân Dũng thay mặt những người ký tên đến Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trao Bản phản đối và yêu cầu và Thư ngỏ [60].
28/4/2014: RFI phỏng vấn giáo sư Phạm Xuân Yêm, một trong những người tham gia soạn thảo và ký tên đầu tiên vào Thư ngỏ, về tự do học thuật qua vụ Đỗ Thị Thoan. Giáo sư Yêm cho rằng việc thu hồi bằng thạc sĩ của Nhã Thuyên đã "vi phạm nghiêm trọng tinh thần tự do học thuật, sự vụ đã bị chính trị hóa theo quan điểm của nhà cầm quyền" và "Nhã Thuyên đâu cần bằng thạc sĩ của Đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng nếu trả lại văn bằng cho Nhã Thuyên thì danh tiếng của trường tăng lên gấp bội trong lòng dân tộc vì đã dám phá rào" [61].
2/5/2014: Ủy ban các nhà Khoa học Quan tâm (Committee of Concerned Scientists) gửi thư cho Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo đề nghị đáp ứng yêu cầu rút lại quyết định thu hồi bằng thạc sĩ của Nhã Thuyên [62-63].
35. http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/nha-thuy-vict-littera-03212014081012.html
41. http://vanviet.info/phe-binh-gioi-thieu/luan-van-nha-thuyen-tieng-noi-cua-mot-so-nguoi-trong-cuoc/
No comments:
Post a Comment