Tuesday 13 May 2014

BỘ THỦ KHÔNG TRỰC TIẾP MANG NGHĨA TRONG CHỮ NÔM - Nguyễn Quang Hồng

21. Bộ thủ không trực tiếp mang ý nghĩa trong chữ Nôm (TBHNH 1998)
Cập nhật lúc 08h27, ngày 27/09/2007
NGUYỄN QUANG HỒNG
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Theo thống kê chưa đầy đủ, có hơn một phần ba trong số 214 bộ thủ của chữ Hán (theo Khang Hi tự điển, 1716) đã được dùng vào chữ Nôm. Đó đều là những bộ thủ mà trong chữ Hán vẫn rất thường gặp và đều mang nghĩa, tức là chúng thường làm thành tố biểu ý trong cấu tạo chữ Hán. Chẳng hạn: bộ thuỷ () là “nước” (biểu ý) cộng với chữ công (biểu âm) để thành chữ giang “sông”. Đi vào cấu tạo chữ Nôm, các bộ thủ Hán trên đại thể cũng đóng vai trò là thành tố biểu ý như vậy. Ví dụ: chữ Nôm sông viết tắt là gồm bộ thuỷ “nước” (biểu ý) và chữ long (biểu âm), v.v..
Tuy nhiên nếu xem xét kỹ hơn một chút các cứ liệu chữ Nôm ta sẽ thấy sự thể không phải bao giờ cũng đơn giản như vậy. Ví dụ như chữ gần thường được viết là 貝斤, trong đó thành tố biểu âm có thể là chữ cân , song còn lại bộ thủ bối “vỏ sò” thì làm sao mà bắt mối cho được với nghĩa “gần” của chữ Nôm này? Đi vào tìm hiểu nhiều trường hợp tương tự như vậy, chúng tôi muốn gọi chung đó là hiện tượng các bộ thủ không trực tiếp ngang nghĩa trong chữ Nôm. Phân tích kỹ các hiện tượng này, có thể phân chia chúng thành những lớp lang khác nhau và chúng tôi sẽ lần lượt gọi là “bộ thủ biểu âm”, “bộ thủ liên tưởng”, “bộ thủ lâm thời” và “bộ thủ liên kết”.
1. Bộ thủ biểu âm
Bộ thủ mà không biểu ý lại dùgn để biểu âm, thì rõ là một điều nghịch lý. Đã đành là vậy, nhưng ta không nên làm ngơ trước những hiện tượng sau đây:
a, Có không ít chữ Nôm được cấu tạo theo kiểu hình thanh (biểu ý + biểu âm), trong đó thành tố biểu âm là một chữ Hán mà đồng thời cũng là bộ thủ. Thành tố này được coi là chữ khi cần đến âm đọc của nó để biểu âm cho từ Việt được ghi, song nó cũng sẵn sàng được nhận diện là bộ thủ khi xem xét hình thể của chữ Nôm đó trong mối liên hệ với một loạt chữ khác có bộ thủ ấy. Ví dụ:
Nửa女半 Gồm nữ (âm) + bán (ý).
Cong弓曲 - cung (âm) + khúc (ý).
Mựa馬勿 - (âm) + vật (ý).
Khi phải xếp những chữ này vào tự điển, thật khó lòng cưỡng lại việc lần lượt quy chúng vào bộ nữ , bộ cung , bộ v.v…
b, Như GS.Vương Lực đã từng nhận xét, bộ khẩu “miệng” trong thành phần cấu tạo chữ Nôm không phải bao giờ cũng thực sự mang nghĩa, mà trong khá nhiều trường hợp nó chỉ giữ vai trò như là một dấu hiệu chỉnh âm đọc mà thôi.
Chẳng hạn chữ lo 口卢 trong câu:
- “Vì vậy chẳng hay là chẳng mắc lo vậy” (Truyền, I, 51a) được viết gồm khẩu + chữ . Lẽ ra phải dùng bộ tâm mới biểu thị được ý “lo lắng” trong lòng. Vậy bộ khẩu ở đây đơn giản chỉ là để báo rằng chữ được dùng biểu âm cần phải đọc chệch đi (thành lo) mà thôi.
Cũng vậy, chữ nguýt 口月 trong câu:
+ “Hàng thịt nguýt người hàng cá” (Bạch) được viết bằng chữ nguyệt (biểu âm) với bộ khẩu (mà lẽ ra phải với bộ mục “mắt” mới đúng).
Lại như chữ ra nhiều khi đã được viết với thành tố biểu ý là chữ xuất “ra” và thành tố biểu âm là chữ la (viết tắt là ): 罗出 hoặc 出罗. Song cũng không phải là hiếm khi chữ ra được viết với bộ khẩu là 口羅, như trong câu dưới đây:
- “Thủa ấy phương Tây thầy Khâu ra đời” (Cổ, 20b).
Dùng bộ khẩu không để biểu ý mà cốt để chỉ báo cần đọc chệch âm Hán Việt của chữ Hán được mượn để ghi âm từ Việt như thế, là một hiện tượng rất phổ biến trong các văn bản chữ Nôm. Dẫu sao thì trong chức năng chỉ báo âm đọc, bộ khẩu vẫn chưa hẳn đã dứt khỏi nghĩa vốn có của mình là cái miệng, bởi vì miệng là cơ quan để ăn, đồng thời cũng là để nói (để phát âm).
c, Trong các văn bản chữ Nôm có niên đại sớm, thấy có khá nhiều những từ Việt được ghi âm bằng một chữ Hán, lại còn gia thêm một chữ Hán nữa làm thành tố biểu âm phụ trợ, để thể hiện các phụ âm kép như kl-, sl-, ml-, bl-,… trong tiếng Việt thời trung cổ. Trong các thành tố biểu âm phụ trợ đó có chữ xa @ trùng hợp với bộ thủ xa (với nghĩa “xe cộ). Sau đây là một vài ví dụ từ sách Phật thuyết:
Trong龍車 gồm long + : *[kl η]
Trước略車 - lược + : *[klak]
Sau 婁車: lâu + xa: *[slau]
So: + xa: *[sl ]
Chữ trong Hán ngữ cho 2 âm đọc khác nhau: (1) - cửu ngưthiếthoặc cân ưthiết : cho ta âm ; (2)- xương giáthiết: cho ta âm xa. Như vậy, tuỳ theo từng trường hợp, bộ (chữ) đã biểu thị tiền ân [k] hay [s] trong các phụ âm kép kl-, hoặc sl. Về sau này tiếng Việt không còn giữ các phụ âm kép đó nữa, nhưng những chữ Nôm đó vẫn tiép tục được sử dụng, bên cạnh các chữ mới thay vì bộ (biểu âm) là thành tố biểu ý thực sự, như trước 略前 (trong đó chữ tiền là “trước”), sau 婁後 (trong đó chữ hậu là “sau”), v.v…(1).
2. Bộ thủ liên tưởng
Trên kia có nói đến chữ Nôm gần được viết phổ biến là 貝斤 trong đó bộ bối “vỏ sò” khó lòng có mối quan hệ gì với nghĩa của từ gần. Nhưng tại sao lại có mặt nó ở đây, và vị trí bộ thủ của nó trong cấu trúc chữ này là không thẻ bác bỏ được. Ta biết rằng, trong hệ thống từ vựng của một ngôn ngữ, các từ luôn luôn được người bản ngữ liên tưởng, liên hội với nhau theo các trường ngữ nghĩa (và cả ngữ âm – như khi gieo vần thơ). Chính nhờ có sự liên tưởng này mà người bản ngữ không mấy khó khăn tìm ra những từ đồng nghĩa hay trái nghĩa vẫn tiềm tàng trong kí ức của mình. Cũng chính nhờ mối liên tưởng đó mà khi cấu tạo một chữ Nôm để ghi từ gần, người ta lập tức nhớ đến từ xa, và không ngần ngại mô phỏng chữ xa 贝余 để viết chữ gần. Mà một khi chữ xa đã có bộ bối , thì chữ gần cũng dùng bộ bối là điều hết sức tự nhiên(2).
Cũng theo cái cơ chế như thế, người xưa đã từng có lúc viết từ ghét 月结 gồm thành tố biểu âm là chữ kết với thành tố “biểu nghĩa” là bộ nhục “thịt”, chứ không với bộ tâm “lòng”. Đó là vì từ trước đã có chữ yêu vẫn có nghĩa là “eo lưng” trong tiếng Hán, được mượn để ghi từ yêu tiếng Việt (đọc theo âm Hán Việt), nên khi viết từ ghét cùng trường nghĩa với yêu, một cách tự nhiên là người ta có lý do để “nhái lại” bộ nhục ở chữ yêu. Thế là bộ nhục mặc nhiên được chấp nhận trong các chữ Nôm mà nghĩa của chúng đều chỉ liên quan đến trạng thái tâm lý, chứ đâu phải là chuyện của… “thịt”.
3. Bộ thủ lâm thời.
Gọi là bộ thủ lâm thời, vì những bộ thủ như thế chỉ có thể giải thích được lý do tồn tại của chúng là nhờ ở một văn cảnh nhất định. Thoát khỏi văn cảnh ấy, chúng trở nên vô nghĩa lý. Có không ít thí dụ để nói về loại bộ thủ lâm thời này. Chẳng hạn:
- “Đất rắn nặn chẳng nên nồi” (Ca, 52a).
Trong câu này hai chữ đất rắn 坦 土吝 đều viết với bộ thổ “đất”. Chữ đất phải dùng bộ thổ để biểu ý thì đã hẳn, nhưng chữ rắn là “cứng” thì sao lại là bộ thổ (biểu ý) + lận (biểu âm). Cứng rắn có thể là tính chất của nhiều vật thể, song tiêu biểu phải là sắt (bộ kim ) hay đá (bộ thạch ), chứ đâu là đất (bộ thổ ). Mặc dầu vậy, tính chất rắn trong câu này chính là thuộc về hòn đất: hòn đất khô cứng, khó nặn nên nồi. Và bộ thổ được dùng cho chữ rắn 土吝 chính là do cái nghĩa cụ thể, thực tại của câu văn quy định. Lại như:
- “Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu” (Ca, 38a).
Đựng là một đồng từ có nghĩa “chứa, để”, vậy mà ở đây nó được viết là 木登 với bộ mộc “gỗ” (biểu ý) + đăng (biểu âm). Sở dĩ như vậy được là vì cạnh nó là chữ cơi (cũng đọc khay) 木门 cũng với bộ mộc (biểu ý) + khai (biểu âm). Cái khay bằng gỗ thì đựng vào đó là việc cũng có thể liên quan đến gỗ vậy. Một thí dụ khác:
Dẻo quỳ bạch lạy tăng ông” (Tây, 3a).
Hai chữ dẻo quỳ trong câu này được viết là 足妙足危, đều dùng bộ túc “chân”. Chữ quỳ vốn là mượn nguyên từ chữ Hán (âm Hán Việt là quỵ). Quỳ trước hết đó là việc của đôi chân, nên chữ quỵ (quỳ) phải có bộ túc thì đã đành. Nhưng còn dẻo thì sao? Trong câu này không nói đến sự mềm dẻo hay dẻo dai nào bất kỳ, cũng không nói “dẻo lưỡi” hay “dẻo tay” (mặc dù ở đây có cả “bạch lạy”), mà chính là lưu ý đến sự dẻo dai chịu đựng của đôi chân trong tư thế quỳ. Vậy thì chữ dẻo ở đây phải dùng đến bộ túc là phải rồi. Lại như:
Lắng bên tai tỏ giải nguồn cơn” (Hiếu 9b).
Giãi ở đây là “giải bày ra bằng lời”, lẽ ra phải dùng bộ ngôn “nói” hoặc bộ khẩu “miệng”, nhưng người ta đã dùng bộ hỏa “lửa, sáng” để giống như chữ tỏ là “sáng tỏ, rõ ràng” đứng kề trước nó: 火新 火待.
Và cũng tương tự như vậy, ta hoàn toàn hiểu được tại sao chữ lỡ là “lầm” đã không dùng bộ tâm “lòng” mà dùng bộ túc “chân”, vì trong câu sau đây đang nói đến chuyện lỡ bước 足呂 足北 chân:
Tối tăm lỡ bước tới đây” (Lục, 36a).
4. Bộ thủ liên kết.
Nếu như bộ thủ lâm thời chỉ xuất hiện giữa những chữ không nằm trong một cấu trúc từ ngữ cố định, thì bộ thủ liên kết được dùng đến trong các đơn vị từ ngữ ổn định, nhằm liên kết gắn nối các chữ (ngữ tố) đó lại thành một khối hoàn chỉnh.
a, Trong một số từ ghép, lẽ ra theo nghĩa gốc từng ngữ tố, có thể phải viết với các bộ thủ khác nhau, song đôi khi người ta đã viết với cùng một bộ thủ. Thí dụ:
- Chữ dấy là “nổi lên” thường viết là 𧽈 (hoặc 𧽇) với bộ tẩu “chân đi”, song có khi được viết với bộ khẩu “miệng nói” trong từ ghép dấy dức 口曳 𠯅 nghĩa là “vang lên” (Truyền, II, 35b).
- Chữ dền là “đáp trả lại” thường viết với bộ bối “vỏ sò, của cải” là 貝田, nhưng trong đền bồi có khi đã được viết với bộ thổ cho thống nhất với chữ bồi “đắp bồi” 土田 培 (Kiều, 14a).
- Chữ rỡ là “rạng rỡ, sáng rực”, thường viết là 光呂 với thành tố biểu ý là chữ quang “sáng”, nhưng trong từ mừng rỡ 忄明 (Lục, 47b), nó đã dùng bộ tâm 忄呂 “lòng” cho thống nhất với chữ mừng.
b, Tuy nhiên, vai trò liên kết của bộ thủ thể hiện rõ nhất là ở những chữ Nôm ghi các từ láy âm trong tiếng Việt. Ta biết rằng, trong các từ láy âm bao giờ cũng có sự láy lại một phần âm thành nào đó giữa các tiếng (ngữ tố) và nhờ đó mà các ngữ tố này được liên kết gắn nối nhau về mặt ngữ âm, phân biệt với từng tiếng “rời rạc” khác trong lời nói. Trên hình thức chữ viết, với chữ Nôm thì thay vì sự láy lại âm đầu hoặc vần cái giữa các ngữ tố ấy, là sự láy lại các bộ thủ (hoặc thành tố biểu âm).
* Với những từ láy mà trong đó có một ngữ tố gốc mang nghĩa thì bộ thủ của ngữ tố láy lại sẽ “nhắc lại” bộ thủ đã có ở ngữ tố gốc. Đây là hiện tượng rất phổ biến trong chữ Nôm. Thí dụ:

Bươn
足 奔
-
Bươn bả
足奔 足把
Gầy
𤷍
-
Gầy guộc
𤷍 𤶹
Sợ
忄事
-
Sợ sệt
忄事 忄列
Của
貝古
-
của cải
貝古 貝改
Thơm
𦹳
-
thơm tho
𦹳 萩
火魯
-
Rõ ràng
火呂 火床
Nặng
石囊
-
nặng nề
石囊 石 尼
Đất
-
đất đai
坦 土帶
Bịt

-
bịt bùng
別 𩅛
Quanh
(3)
-
Quanh quất
縈 糸 屈

Trong các từ láy trên đây, bộ thủ của các chữ là ngữ tố gốc đều thực sự có mang ý nghĩa, và nghĩa ở bộ thủ láy lại là được “lây lan” từ các ngữ tố gốc sang.
Đôi khi cũng bắt gặp hiện tượng bộ thủ của chữ gốc thực ra chỉ là một (hoặc một phần) thành tố biểu âm trong chữ đó, mà khi viết cho ngữ tố láy, người ta đã lặp lại một cách “trung thành”. Thí dụ:
- Chữ Nôm nợ gồm 女債 thành tố biểm âm là bộ (chữ) nữ và thành tố biểu ý là trái nợ”. Theo đó, từ láy nợ nần được viết là 女債 女难.
- Chữ Nôm lẻ 𥛭 gồm chữ @ (âm) + chích “chiếc” (ý). Theo đó, từ láy lẻ loi được viết là 𥛭 礼雷.
- Cũng vậy, một khi đã có chữ rẻ 礼易 là thì từ láy rẻ rúng sẽ được viét là 礼易礼用(4).
* Với những từ láy mà các tiếng cấu thành tự thân đều không mang nghĩa riêng, thì bộ thủ chung cho chúng được quyết định bởi ý nghĩa chung của từ láy đó, mà lắm khi cũng do ý nghĩa thực tại của văn cảnh quy định.
Chẳng hạn: từ láy lẹt đẹt thường được hiểu là “chậm chạp, tụt lại sau” hoặc “tiếng nổ trầm, rời rạc”. Song trong hai câu sau đây, từ láy này được viết với bộ túc “chân”: 足列 足失, vì ở cả hai văn cảnh đều nói đến tiếng chân đi:
- “Nghe lẹt đẹt có tiếng lê dép” (Truyền III, 55b).
- “Có tiếng đi lẹt đẹt” (Truyền, IV, 53a).
Ở đây các bộ thủ liên kết trong từ láy âm đồng thời cũng mang tính cách của bộ thủ lâm thời trong văn cảnh, xét về mặt ngữ nghĩa.
Bài này thực hiện việc phân tích hiện tượng các bộ thủ không trực tiếp mang nghĩa trong chữ Nôm tiếng Việt theo các mối liên hệ tiềm tàng giữa chúng với nhau trong hệ thống văn tự - ngôn ngữ, cũng như trong các chu cảnh hành văn mà chúng xuất hiện. Kết quả phân tích cho phép ta giải thích được hầu hết những gì ngỡ là phi lí, nhưng thực ra không phải là không có duyên cớ sâu xa trong tâm lí tạo chữ và dùng chữ của người bản ngữ.
Mọi sự xem xét và phân tích ở đây mới chỉ hạn chế trong phạm vi các bộ thủ không trực tiếp mang nghĩa trong chữ Nôm. Chắc rằng vấn đề sẽ còn phức tạp nhưng cũng thú vị hơn nhiều nếu tiếp tục mở rộng và đi sâu nghiên cứu nhiều hiện tượng tương tự như thế nữa trong chữ Nôm.
Chú thích:
1. Ngoài chữ (bộ) xa , còn có hàng loạt các chữ khác nhau như cự , ba , , khả , , a ... cũng có thể đã từng làm thành tố biểu âm phụ trợ như thế trong tiếng Việt cổ.
2. Chữ xa 貝余 nghĩa gốc là “mua chịu” nên dùng bộ bối. Sau này dần dần có nghĩa là “xa rộng”. Trước khi mượn từ xa này, người Việt hẳn đã có các từ cùng nghĩa như thế, chẳng hạn: ngái (Nghệ Tĩnh), diễn (Nguyễn Trãi).
3. Chữ này được mượn nguyên từ chữ Hán, kể cả hình lẫn nghĩa, với âm Hán Việt là oanh hoặc quanh .
4. Với những chữ ghi các từ láy đang xét, vấn đề không chỉ là bộ thủ mà đã là các thành tố biểu âm nói chung (mà bản thân thành tố đó có chứa bộ thủ).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đào Duy Anh: Chữ Nôm: Nguồn gốc - cấu tạo - diễn biến. Nxb KHXH, Hà Nội, 1975.
2. Nguyễn Tài Cẩn: Một số vấn đề về chữ Nôm. Nxb ĐH và THCN, Hà Nội, 1985.
3. Bảng tra chữ Nôm. (Viện Ngôn ngữ học). Nxb KHXH, Hà Nội, 1976.
4. Từ điển chữ Nôm tiếng Việt (Nguyễn Quang Hồng chủ biên. Bản thảo. Viện Hán Nôm, 1995).
5. Vương Lực. Hán Việt ngữ nghiên cứu. Trong sách “Hán ngữ sử luận văn tập”, Khoa học xuất bản xã, Bắc Kinh 1958.
6. Nguyễn Tá Nhí. Bộ phận chỉ nghĩa giả trong chữ Nôm. Tạp chí Hán Nôm, 2/1987.
7. Khang Hi tự điển. Trung Hoa thư cục xuất bản. Bắc Kinh, 1992 (in lần thứ 8).
8. Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh. Bản khắc in. Tư liệu riêng. (Viết tắt: Phật).
9. Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục. (Viết tắt: Cổ). Trong sách “Di văn chùa Dâu”. Nxb KHXH, Hà Nội 1996.
10. Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập. (Viết tắt: Bạch). Bản khắc in (Viện Hán Nôm, AB, 635).
11. Truyền Kỳ Mạn Lục tăng bổ giải âm tập chú. (Viết tắt: Truyền). Bản khắc in năm Cảnh Hưng 35 (Thư viện Viện Văn học, Hán Nôm 157-258).
12. Nguyễn Du: Đoạn trường tân thanh. (Viết tắt: Kiều). Bản khắc in (Viện Hán Nôm, AB, 12).
13. Lí Văn Phức. Nhị thập tứ hiếu diễn ca (Viết tắt: Hiếu). Bản khắc in (Viện Hán Nôm, VHV 1259).
14. Nguyễn Đình Chiểu, Lục Vân Tiên truyện (Viết tắt: Lục). Bản khắc in. Trong sách cùng tên. Nxb KHXH, Hà Nội, 1994.
15. Tây du truyện, (Viết tắt: Tây). Bản khắc in (Viện Hán Nôm, AB 81).
16. Lí hạng ca cao (Viết tắt: Ca). Bản khắc in (Viện Hán Nôm, VNv 303).
Thông báo Hán Nôm học 1998 (tr.168-178)

No comments:

Post a Comment