Saturday 17 May 2014

Mấy quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và thực tế hiện nay (Phan Hồng Giang - Hồn Việt Quốc Học)

Mấy quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và thực tế hiện nay

PHAN HỒNG GIANG

Hình ảnh của Mấy quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và thực tế hiện nay
Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển văn hóa và xây dựng con người là một chủ đề rộng lớn. Trong bài viết nhỏ này, tác giả chỉ điểm lại (có đối chiếu với thực tế hiện nay) ý kiến của Người về một số vấn đề liên quan đến các lĩnh vực: vai trò của văn hóa, văn hóa chính trị, cốt cách văn hóa, đời sống văn hóa và xây dựng con người.
1. Về vai trò của văn hóa
Đã có hàng trăm định nghĩa về văn hóa. Dù không có điều kiện và thời gian để đi sâu tìm hiểu các định nghĩa “hàn lâm” đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã tự tìm ra một định nghĩa về văn hóa rất gần với cách hiểu văn hóa mà hàng chục năm sau, năm 1982, tại Mexico, UNESCO mới nêu lên.
Trong mục Đọc sách ở phần cuối tập Nhật ký trong tù (1942-1943), Hồ Chí Minh đã viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra những ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó, mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.
Chính văn hóa được hiểu theo nghĩa rộng như vậy mới có thể đóng góp được vai trò “là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa làmục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”.
Vị trí rất cao của văn hóa trong đời sống xã hội, vai trò tối quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra một cách rành rẽ ngay từ những ngày đầu của chính quyền nhân dân non trẻ.
Ngay đầu tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Ủy ban Văn hóa lâm thời Bắc Bộ. Ngày 7/9/1945, khi tiếp các đại biểu của ủy ban đó, Hồ Chủ tịch đã nói: “Tôi mong rằng các ngài trong giới văn hóa nhận thấy rõ nhiệm vụ của các ngài trong lúc này là củng cố nền độc lập của Việt Nam, sửa soạn gây dựng cho đất nước một nền văn hóa mới…Bổn phận của các ngài là lãnh đạo tư tưởng của quốc dân, đấu tranh cho nền độc lập và kiến thiết một nền văn hóa mới” (Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, tập 3, tr.13). Thật quả là một kỳ vọng to lớn mà Người đã trông đợi ở các nhà văn hóa!
Hơn một năm sau, khi tiếng súng kháng chiến đã nổ ở Nam Bộ, ở Hải Phòng, tình hình đất nước hết sức nguy cấp, ngày 24/11/1946, Hồ Chủ tịch vẫn dành thì giờ tới đọc diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc với lời lẽ đã đi vào lịch sử như một hàng chữ vàng: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.
Sau này, Hồ Chủ tịch còn nhiều lần nhắc lại vai trò, vị trí của văn hóa trong sự nghiệp chung. Đáng tiếc là nơi này, nơi khác, lúc này, lúc khác một số cán bộ, cấp ủy còn chưa đặt đúng văn hóa vào vị trí của nó, thậm chí còn coi nó như một lĩnh vực “ăn theo” kinh tế, một “cái đuôi” của sự phát triển. Để đáp ứng được những yêu cầu, kỳ vọng của Người đối với văn hóa, chúng ta còn phải nỗ lực tìm ra những chính sách, những giải pháp hiệu quả sao cho vai trò to lớn của văn hóa được khẳng định trong hiện thực.

Lao động là niềm vui của Người.
2. Về một khía cạnh quan trọng trong văn hóa chính trị
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ rõ rằng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ta bốn lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa gắn bó mật thiết với nhau, cần được coi trọng như nhau.
Ở đây cần đặc biệt lưu ý tới kiến giải của Người về sự tác động qua lại giữa các lĩnh vực đó và văn hóa không đứng ngoài, đứng trên mà phải hiện diện ở mọi lĩnh vực của đời sống.
Từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra luận điểm “Văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.
Chúng tôi xin điểm lại một ứng xử của Người thể hiện rõ nét văn hóa đã lồng ghép, đã thấm sâu như thế nào vào hoạt động chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Cả cuộc đời vì nước, vì dân…” - câu hát quen thuộc đã nói lên mục tiêu chính trị của Người là vì độc lập, tự do của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Và để đạt được mục tiêu ấy phải lấy dân làm gốc, người cán bộ phải thực sự là đầy tớ của nhân dân, không thể là một thứ “quan cách mạng” như Người đã nhiều lần nhắc nhở.
Trên thực tế, không ít cán bộ của chúng ta chỉ mới nói mà chưa làm được như mình nói, còn để dân sợ, dân ghét, dân không tin. Nguyên nhân là từ trong nhận thức, tình cảm đến biểu hiện công việc hàng ngày của họ chưa thực sự kính trọng dân, chưa thực coi dân là gốc.
Một việc tưởng như là nhỏ, như là chuyện hình thức - việc cán bộ tiếp dân thế nào trong thực tiễn hàng ngày, tiếc thay còn gây bao phiền toái, bực bội cho người dân! (Đấy là còn chưa nói đến thái độ không hiếm gặp “bịt tai, làm ngơ” coi như “không nghe, không thấy, không biết” trước bao điều thắc mắc, thỉnh cầu của người dân !...).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một tấm gương sáng trong công việc này. Ngay sau ngày đọc bản Tuyên ngôn Độc lập(2/9/1945), Người đã cho thông báo Về việc tiếp chuyện các đoàn thể. Ở cương vị cao nhất đất nước, bận trăm công ngàn việc, giữa thời điểm nước sôi lửa bỏng, vô cùng phức tạp ở trong nước và thế giới khi nhà nước non trẻ mới ra đời được tính bằng giờ, Người đã nghĩ ngay đến việc tiếp dân. Người thông báo rành rẽ:
1. Gửi thư nói trước để tôi sắp thì giờ, rồi trả lời cho bà con, như vậy thì khỏi phải chờ đợi mất công.
2. Mỗi đoàn đại biểu, xin chớ quá 10 vị.
3. Mỗi lần tiếp chuyện, xin chớ quá 1 tiếng đồng hồ”.
(Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, tập 3, tr.11)
Từ thái độ ân cần, chu đáo, lời nói bình dị, khiêm nhường, việc tiếp dân đối với Người đã là một hành xử văn hóa mang đậm tư tưởng chính trị chủ đạo (“lấy dân làm gốc”), hay cũng có thể nói là một động thái chính trị thấm nhuần sâu sắc tinh thần văn hóa - yêu dân, tôn trọng từng người dân, nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của mỗi người dân để có thể làm được một việc tối thiểulà trả lời kịp thời những câu hỏi chính đáng của họ.
3. Cốt cách văn hóa trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chúng ta đều biết Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất thân trong một gia đình Nho học uyên thâm của một vùng đất học truyền thống - vùng xứ Nghệ. Những tinh hoa trong tư tưởng, tình cảm của các hiền triết đời xưa - từ Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh Tử, Trang Tử… đến Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm… đã thấm sâu vào tâm hồn, trí tuệ của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành qua sự truyền thụ của người cha, cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, của người thầy khả kính Vương Thúc Quý và từ những cuốn sách vỡ lòng như Sơ học vấn tân, Ấu học ngữ ngôn, Minh tâm bảo giám đến những tác phẩm đã trở thành “khuôn vàng thước ngọc” của Nho giáo như Tứ thư, Ngũ kinh.
Sau này, khi bước chân xuống tàu để sang châu Âu, có thể nói Nguyễn Tất Thành đã là một người phụ bếp khác thường - một trí thức Nho giáo với khát vọng tiếp cận với thế giới phương Tây, tìm đường cứu dân, cứu nước.
Nguyễn Tất Thành đã trở thành Nguyễn Ái Quốc rồi là Hồ Chí Minh với bao kiến thức phong phú, sâu sắc thu nhận được từ cuộc dấn thân của Người vào đời sống chính trị - xã hội thế giới, nhưng tựu trung, ở chính cội nguồn của mình, Người vẫn mang đậm cốt cách văn hóa phương Đông, văn hóa dân tộc Việt Nam với sự bổ sung sáng tạo của Người và sự hòa hợp với tinh hoa của văn hóa phương Tây.
Khát vọng cao đẹp, dù không tưởng, của các bậc hiền triết cổ đại phương Đông về một thế giới đại đồng, khi mọi người được sống trong tình thương yêu, trong hạnh phúc, có thể nói đã chiếm một vị trí quan trọng trong suy nghĩ, tình cảm của Người. Từ năm 1921, trên tạp chí Cộng sản, cơ quan của Quốc tế thứ III, Hồ Chí Minh đã viết: “Khổng Tử vĩ đại từng đề xướng chủ nghĩa quốc tế và từng hô hào quyền bình đẳng về của cải. Ngài nói tóm tắt là: Nền hòa bình trên thế giới chỉ nảy nở từ một nền đại đồngthiên hạ… Người ta không sợ thiếu mà chỉ sợ không công bằng…”. Ít năm sau, trong cuốn sách nổi tiếng Đường kách mệnh (1927), Người lại viết: “Làm cho thiên hạ đại đồng, ấy là thế giới cách mạng”.
Cũng giống như trong Nho giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao vai trò của đạo đức như là yếu tố quan trọng bậc nhất của văn hóa dân tộc, văn hóa từng cá nhân. Người nhắc nhở: “Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo… Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (Sửa đổi lối làm việc, 1947). Con người có đạo đức trong quan niệm của văn hóa phương Đông mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tâm đắc nhấn mạnh nhiều lần là con người “chí công vô tư”, “cần kiệm liêm chính”, con người “giàu sang không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục” (Lời bế mạc Lễ ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam, 1951). Đó là con người “trung với Tổ quốc, hiếu với nhân dân”, đầy đủ những phẩm chất “trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”.
Chăm lo xây dựng con người có đủ đức tài là mối quan tâm suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Câu nói nổi tiếng của vị tể tướng nước Tề thời Chiến quốc Quản Di Ngô “Thập niên thụ mộc, bách niên thụ nhân” đã được Người diễn giải nôm na: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.
Có thể thấy tư tưởng văn hóa của các hiền triết phương Đông xưa được ghi nhận và phát triển trong các phát biểu của Người. Điều đặc biệt đáng lưu ý là tinh hoa văn hóa phương Đông không chỉ dừng lại ở lời nói của Người, mà đã toát ra từ cốt cách con người, từ cuộc đời của chính vị lãnh tụ Hồ Chí Minh, một cốt cách khoan hòa, ung dung, tự tại, luôn luôn làm chủ được bản thân mình, làm chủ được mọi hoàn cảnh. Nhờ thoát khỏi - thoát khỏi một cách “tự nhiên nhi nhiên”, không cần một sự “ráng sức” nào! - mọi sự ràng buộc của danh lợi cá nhân, chỉ suốt đời theo đuổi một “ham muốn tột bậc” là làm sao cho “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, mà Người đã có được cái phong thái sống ung dung, tự tại đó.
Những kẻ hậu sinh chúng ta đều nhớ lời tâm sự chân thành của Người từ những ngày đầu mới ở cương vị cao nhất đất nước: ngoài “ham muốn tột bậc” nói trên, Người chỉ ao ước cho riêng mình “một căn nhà nhỏ, nơi có non xanh nước biếc, để câu cá trồng rau, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ em chăn trâu, không dính líu gì tới vòng danh lợi”. Phong thái sống tránh xa “vòng danh lợi” ấy phải chăng Người đã thừa hưởng từ tiếng suối chảy rì rào bên rừng thông, rừng trúc Côn Sơn của Nguyễn Trãi, từ “ngôi nhà nhỏ mây trắng”, “thu ăn măng trúc, đông ăn giá; xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao” của Nguyễn Bỉnh Khiêm?...
Ngôi nhà sàn giữa vườn cây, bên ao cá của Người mãi mãi còn là biểu tượng sống động cho cốt cách văn hóa Hồ Chí Minh.
Khi mà không ít quan chức đủ các cấp bị rơi vào tình trạng “phai nhạt lý tưởng”, bị cầm tù bởi “vòng danh lợi”, xa rời dân, vô cảm trước những bức xúc của dân, chỉ lo “vinh thân phì gia”, hễ có dịp là bòn rút, ăn cắp của công… thì bài học về cốt cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giữ nguyên tính thời sự nóng hổi.

 Người thường có phong thái ung dung tự tại.
4. Về xây dựng đời sống văn hóa
Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã chỉ rõ việc phát động một cách thực chất phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là một trong những giải pháp quan trọng nhất để thúc đẩy sự nghiệp văn hóa phát triển. Có thể nói chủ trương này đã bắt nguồn từ những suy nghĩ và việc làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đời sống văn hóa ngay từ những ngày đầu tiên sau khi Nhà nước dân chủ nhân dân vừa mới ra đời. Thời kỳ đó Người đã dùng khái niệm “Đời sống mới”.
Tháng 1/1946, Người phát động phong trào “Đời sống mới”. Ba tháng sau, Người cho thành lập Ủy ban Trung ương vận động “Đời sống mới”. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp vừa bắt đầu được ít lâu, giữa lúc vận mệnh chính quyền cách mạng tưởng chừng như đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, với một tinh thần lạc quan, niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến, Người đã bình tâm viết cuốn sách Đời sống mới (3/1947) để hướng dẫn cụ thể mọi người tích cực tham gia xây dựng “Đời sống mới”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuốn sách của mình, đã làm rõ khái niệm “Đời sống mới” trên cơ sở xác định vị trí nền tảng củađạo đức và sự thể hiện của đạo đức đó trong lối sống, nếp sống hàng ngày.
Người viết: “Thực hành đời sống mới là cần, kiệm, liêm, chính; nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì sẽ trở thành hủ bại, biến thành sâu mọt của dân; nêu cao và thực hành cần, kiệm, liêm, chính là nhen lửa cho đời sống mới”.
Người chỉ rõ việc xây dựng đời sống mới phải bắt đầu từ việc “sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông trong đời sống của mọi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc”. Năm cách đó chính là cái mà hôm nay chúng ta thường gọi là lối sống.
Người viết thật giản dị về những gì làm nên đời sống mới: “Đời sống mới không phải những gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Thí dụ: ta phải bỏ hết tính lười biếng, tham lam. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Thí dụ: đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi”…
Khái niệm thường gặp hiện nay về “làng văn hóa” đã được Người nêu lên với chữ dùng là “làng phong thuần tục mỹ”: “Về phong tục, phải cấm hẳn say sưa, cờ bạc, hút xách, bợm bãi, trộm cắp. Phải tìm cách làm cho không có đánh chửi nhau, kiện cáo nhau, làm cho làng mình thành một làng phong thuần, tục mỹ”. Người dặn dò mọi người dân phải chú ý đến những việc tưởng chừng như rất nhỏ trong đời sống hàng ngày như giữ vệ sinh trong nhà, ngoài ngõ; sao cho đường sá, ao hồ, nước ăn, nước rửa đều thật sạch sẽ; lễ hội, giỗ tết, ma chay, cưới xin, phải thật trang trọng mà giản dị, tiết kiệm…
Để xây dựng được đời sống mới, Người chỉ ra sự cần thiết phải bắt đầu từ mỗi con người, mỗi gia đình. Người viết: “Do nhiều người nhóm lại thành làng. Do nhiều làng nhóm lại thành nước. Nếu người này xấu, người kia cũng xấu thì thành làng xấu, nước hèn. Nếu mọi người đều tốt thì thành làng tốt, nước mạnh. Nếu mọi người đều cố gắng làm đúng đời sống mới thì dân tộc ta nhất định sẽ phú cường”. “Ai cũng làm như thế thì tự nhiên nước Việt Nam ta trở thành một nước mới, một nước văn minh”.
Sự nghiệp xây dựng đời sống mới, đời sống văn hóa có thành công hay không một phần quan trọng là phụ thuộc vào vai trò gương mẫu của các cán bộ. Người viết: “Đời sống mới cũng cần có những người làm gương, những nhà làm gương. Khi trông thấy có hiệu quả tốt tươi thì chắc những nơi khác cũng hăng hái làm theo. Nếu miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm, mà tự mình thì xa xỉ, lung tung, thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích!.
Đối chiếu với những mặt sa sút, yếu kém hiện nay trong đời sống văn hóa ở nước ta (mê tín dị đoan, cúng bái tùm lum, cán bộ thiếu gương mẫu, ma chay cưới hỏi linh đình, cờ bạc, số đề, nghiện hút, trộm cắp của công và của riêng, văng tục, chửi bậy, va chạm một chút là gây gổ đánh nhau…), chúng ta càng thấy việc đọc lại, suy ngẫm về những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đời sống mới là một việc làm cần thiết, cấp bách.

Giờ nghỉ trưa, Người vẫn thường đọc báo.
5. Về vấn đề xây dựng con người
Có thể nói xây dựng con người đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp phát triển đất nước là mối quan tâm hàng đầu trong suốt cuộc đời hoạt động lâu dài của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ bài giảng đầu tiên cho lớp huấn luyện những người được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội (1925), Người đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ thường xuyên trau dồi “Tư cách một người cách mệnh”. Trên báo Thanh Niên tháng 9/1926, một lần nữa Người lại đề ra những yêu cầu cụ thể của “một người cách mệnh mẫu mực”. Đó chính là những con người tiên tiến, đi đầu dẫn dắt quần chúng nhân dân cùng phấn đấu thực hiện mục tiêu cao cả giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội.
Sau ngày cách mạng thành công, Người đã phát triển, mở rộng vấn đề nêu trên thành vấn đề xây dựng con người mới như một phạm trù của lĩnh vực văn hóa.
Tháng 2/1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, trong Báo cáo chính trị, Người đã lần đầu tiên chỉ ra sự cần thiết phải “xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc”.
Để xây dựng được con người mới, một nguyên tắc hết sức quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh đó là vừa phải tu dưỡng đạo đức thường xuyên, vừa phải kiên quyết chống những biểu hiện thoái hóa đạo đức.
Phải nói rằng Người không chỉ quan tâm đề cao những gương sáng đạo đức, những “người tốt, việc tốt” mà còn vạch ra một cách sắc sảo từ rất sớm những căn bệnh tệ hại của sự suy thoái đạo đức, trước tiên là trong hàng ngũ cán bộ. Chỉ hai tháng sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trong Thư gửi Ủy ban Nhân dân các cấp, Người đã nhìn thấy rõ các khuyết điểm nghiêm trọng của các cán bộ đảng viên: trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo.
Những điều xấu xa đó, hơn một năm sau, trong Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ (3/1947) lại được Người nhận dạng kỹ càng hơn: Người nêu đúng bản chất của các thói xấu đó là “địa phương chủ nghĩa, bè phái, quân phiệt, quan liêu, hách dịch, hoạnh họe với dân, coi thường cấp trên, lấn át cấp dưới, hẹp hòi, ham chuộng hình thức, làm việc lối bàn giấy, vô kỷ luật, ích kỷ, hủ hóa, tranh giành địa vị, chỉ chăm lo ăn ngon mặc đẹp, chiếm của công làm của tư, lợi dụng địa vị để buôn bán phát tài v.v…”.
Những bệnh trầm kha trên còn có dịp được Người nhắc lại trong cuốn Sửa đổi lối làm việc (10/1947), trong rất nhiều phát biểu sau này của Người, khi Người gọi đó là “giặc nội xâm”, “giặc ở trong lòng”, nguy hiểm không kém gì “Việt gian, mật thám"!... Thật là chí lý!
Một trong những bài viết cuối cùng của Người là bài Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (công bố vào dịp kỷ niệm 39 năm thành lập Đảng, 3/2/1969). Người chân thành dặn dò: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân. Cho nên trong khi ta kiên trì và đẩy mạnh cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước, làm cho văn minh chiến thắng tàn bạo thì đồng thời phải loại trừ những cái xấu xa do chế độ cũ để lại trong xã hội và trong mỗi con người".
Trong thực tiễn cuộc sống hôm nay, bên cạnh bao điều tốt đẹp, vẫn còn tồn tại nhức nhối những “điều xấu xa” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “chỉ mặt đặt tên” từ hàng chục năm về trước. Những điều xấu xa ấy không còn chỉ là của “xã hội cũ để lại” mà nó nảy sinh, đâm thêm nhành ngọn chính là từ trong những kẽ hở, những lỗ hổng, những yếu kém của cơ chế quản lý và vận hành xã hội hôm nay.
Từ những bất cập về cơ chế sở hữu, chính sách tài chính, những biểu hiện mất dân chủ, thiếu công khai , minh bạch trong việc thực hiện các quyền cơ bản của người dân… đến tình trạng thủ tục hành chính nhiêu khê, sự thiếu hụt các chế định luật pháp và thực thi luật pháp không nghiêm… tất cả những khiếm khuyết có tính hệ thống đó là môi trường hoàn toàn không thuận lợi cho việc xây dựng con người mới, nếu không nói là mảnh đất màu mỡ cho đủ các thói hư tật xấu phát triển, làm sa ngã không ít cán bộ vốn trước đây là tốt…
Một câu hỏi nhức nhối đặt ra là: Vì sao những lời hay, ý đẹp, mong muốn cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng con người sau mấy chục năm, sau bao cuộc vận động sống và làm theo gương Bác vẫn chưa thành hiện thực, nếu không nói là có lúc, có nơi cái xấu xa còn trầm trọng hơn thêm, ngang nhiên thách thức sự kiên nhẫn của đông đảo những người dân lương thiện đang ngày ngày nhọc nhằn mưu sinh trên ruộng đồng, trong nhà máy?...
Hiệu quả từ cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh” chỉ có thể đạt tới một cách rõ ràng và thực chất nếu chúng ta, song song với việc tuyên truyền, cổ vũ, phải cương quyết đẩy nhanh những thay đổi mạnh mẽ, rộng lớn và sâu sắc để có thể hoàn thiện trên thực tế theo hướng dân chủ hóa, minh bạch hóa cơ chế quản lý xã hội, quản lý kinh tế, văn hóa, coi đó như một điều kiện tiên quyết để xuất hiện ngày càng nhiều hơn những con người tử tế, trung thực, giỏi giang đáp ứng được yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong nỗ lực đồng hành cùng nhân loại.

No comments:

Post a Comment