Saturday, 19 October 2013

Lính ta-bo là lính gì?



Ta-bo là từ người Việt gọi một loại bộ binh nhẹ người Ma-rốc thuộc đạo quân châu Phi (Armée d’Afrique). Gốc tiếng Pháp là tabor, chỉ đơn vị cấp tiểu đoàn của thứ lính này.

Mỗi tabor có ba goum tác chiến (tương đương đại đội bộ binh) và một goum chỉ huy – trợ chiến. Mỗi goum tác chiến có 181 quân, trong đó có 2 sĩ quan và 10 hạ sĩ quan. Cán bộ các cấp đều là người Pháp.

Về mặt hành chính, tabor là đơn vị thường trực cấp cao nhất. Tùy theo nhu cầu của chiến trường, một số tabor được ghép lại thành liên đoàn (binh đoàn) mang danh G.T.M. (groupement de tabors marocains).  Tuy nhiên, về mặt tổ chức, goum mới là hạt nhân tạo nên bản sắc của đơn vị:

Trong tiếng Ả Rập Ma-grếp, gum vốn có nghĩa là bộ lạc, sau đó được dùng để chỉ những đội kỵ binh mà bộ lạc đóng góp cho quân đội của nhà vua. Pháp chiếm Ma-rốc, dùng từ goum để gọi các đội quân phụ lực người bản xứ được chiêu mộ theo kiểu này. Vì vậy người Pháp gọi lính ta-bo là goumier (lính của goum). Từ goumier cũng được phổ biến trong tiếng Anh (goumier unit, goumier battalion...) trong khi người Việt chỉ chú ý đến đặc điểm hành chính (đơn vị quân ta-bo, tiểu đoàn ta-bo...).

Như thế là sau bảy ngày chiến đấu ròng rã trên chặng đường số 4, từ Đông Khê đến Thất Khê, quân ta tiêu diệt hoàn toàn đạo quân Lơ Pagiơ, gồm có tiểu đoàn Tabo thứ nhất (1er Tabor), tiểu đoàn Tabo thứ mười một (11ème Tabor), một tiểu đoàn lính Marốc trong trung đoàn Marốc thứ tám và một tiểu đoàn quân nhảy dù lê dương (BEP), bắt sống tên quan nǎm Lơ Pagiơ và Bộ tham mưu của hắn ở gần Đông Khê. Làm xong nhiệm vụ quân ta quay lại bao vây và tiêu diệt đạo quân Sáctông gồm có ba tiểu đoàn tinh nhuệ: tiểu đoàn Tabo thứ ba (3ème Tabor), tiểu đoàn thứ ba của trung đoàn lê dương thứ ba và một tiểu đoàn ngụy binh, bắt sống quan nǎm Sáctông và Bộ tham mưu của hắn.




Cùng là bộ binh nhẹ người Ma-rốc nhưng goumier, tức lính ta-bo, sang Đông Dương chiến đấu theo hợp đồng, khác với tirailleur (marocain) là lính quân dịch. Do nguồn gốc xuất thân,  lính ta-bo chiến đấu rất giỏi ở địa hình rừng núi. Có người căn cứ vào đặc điểm này để gọi chúng là lính sơn cước Ma-rốc:


Trung tá Le Page, tư lệnh Chiến đoàn Tabor (Groupement des Tabors Marocains G.T.M) bao gồm các tiểu đoàn sơn cước Ma-rốc: 1er Tabor, 3ème Tabor, 8ème Tabor, 10ème Tabor, 11ème Tabor.
...
Trung tá Charton, tư lệnh phó Trung đoàn 3 Lê Dương (3ème REI), quân trấn trưởng Cao Bằng, tư lệnh Chiến đoàn Charton bao gồm các tiểu đoàn 3 Lê Dương (III/3 REI), tiểu đoàn 3 sơn cước Ma-rốc (3ème Tabor), tiểu đoàn phụ lực quân nhẹ (Bataillon Léger de Supplétifs Militaires B.L.S.M) và pháo đội 105 ly.


Lính Ta-bo nổi tiếng từ Tây sang Đông vì lì lợm khi xung trận, đặc biệt là vô kỷ luật số một và đi đến đâu hiếp dâm đến đó.  Chuyện lính ta-bo cướp bóc, cưỡng hiếp phụ nữ Ý và Đức cuối chiến tranh thế giới thứ hai đã khiến dư luận hết sức phẫn nộ (tiểu thuyết La Ciociara của Alberto Moravia và bộ phim cùng tên năm 1960,  tiểu thuyết Point of Honor của Mortimer R. Kadish...). Vì lý do đó, phần lớn các đơn vị ta-bo bị giải tán sau năm 1945, từ 4 liên đoàn chỉ còn lại 3 tiểu đoàn (tabor) và 50 đại đội (goum). Khi bộ chỉ huy Pháp ở Đông Dương liên tục xin tăng viện bằng quân ta-bo, bên chính quốc cương quyết từ chối. Mãi đến mùa thu năm 1948 yêu cầu này mới được đáp ứng (Michel Bodin, 2000:20). Từ 1948 đến 1954 có 9 tiểu đoàn ta-bo được gửi sang chiến đấu ở Đông Dương (Michel Bodin, 2000:26).

Ghê như lính Ta-bo của Pháp, ác hơn hổ mà lạc rừng đói lả, ta chỉ cơm nguội nhử cũng ra hàng. 

No comments:

Post a Comment