Tuesday, 1 October 2013

Thiết giáp binh Việt Nam Cộng Hòa được tổ chức như thế nào?

Thiết giáp binh Việt Nam Cộng Hòa được tổ chức như thế nào?
Thiết giáp binh Việt Nam Cộng Hòa thoát thai từ các đơn vị thiết giáp của quân đội Quốc Gia Việt Nam do Pháp tổ chức và trang bị trước 1954. Người Pháp chia một régiment blindé (trung đoàn thiết giáp) thành nhiều escadron (chi đoàn), trong đó có một vài chi đoàn chỉ huy và/hoặc tham mưu và/hoặc công vụ. Thời xa xưa thì một chi đoàn kỵ binh (đơn vị chiến thuật) có thể có hai đại đội (compagnie,  đơn vị hành chính), nhưng sau 1815 trong kỵ binh không còn compagnie nữa. Mỗi escadron có một số peloton (chi đội). Mỗi peloton thường có 3-5 xe, 20-30 quân, do thượng sĩ hoặc thiếu úy chỉ huy.

Một chi đội thiết giáp, chiến xa hay thiết quân vận tương đương một trung đội bộ binh. Một chi đoàn tương đương một đại đội bộ binh ; cả hai đều do sĩ quan cấp đại úy (capitaine) chỉ huy.


Có lúc giữa trung đoàn (régiment blindé) và chi đoàn (escadron) còn một cấp trung gian là là liên chi đoàn (groupe d’escadrons). Chỉ huy chi đoàn là chef d’escadron (chi đoàn trưởng) ; chỉ huy liên chi đoàn là chef d’escadrons (thiếu tá / liên chi đoàn trưởng), tương đương với commandant / chef de bataillon (thiếu tá / tiểu đoàn trưởng) bên bộ binh. Nhưng cả Pháp và Việt Nam Cộng Hòa trước 1963 đều đã bỏ cấp trung gian đó trong kỵ binh. 

Trước năm 1963 Việt Nam Cộng Hòa có bốn trung đoàn thiết giáp: trung  đoàn 1 (vùng 3 chiến thuật), trung đoàn 2 (vùng 4 chiến thuật), trung đoàn 3 (vùng 2 chiến thuật) và trung đoàn 4 (vùng 1 Chiến thuật). Mỗi trung đoàn có bốn chi đoàn tác chiến (0-1 chi đoàn chiến xa M24, 1 chi đoàn trinh sát M114, 2-3 chi đoàn cơ giới M113). Sau năm 1963 tất cả bốn trung đoàn thiết giáp của Việt Nam Cộng Hòa được gọi là thiết đoàn, phiên ngang với squadron của Mỹ, thực chất là giáng cấp về mặt tổ chức. Squadron trong kỵ binh Mỹ (tương đương với escadron của tiếng Pháp thời xưa) lại tương đương với tiểu đoàn (battalion) bộ binh ; cả hai đơn vị này đều do sĩ quan cấp trung tá chỉ huy.

No comments:

Post a Comment