Tuesday, 8 October 2013

Đợt phong quân hàm đầu tiên của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam là khi nào?


Đợt phong quân hàm đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam là khi nào?
Để trả lời câu hỏi này ta cần xác định rõ nghĩa của từ quân hàm.
Ngày 22 tháng 3 năm 1946 chủ tịch chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra sắc lệnh số 33/SL minh định các cấp bậc, quân phục, phù hiệu, cấp hiệu [...] để tổ chức quân đội. Theo sắc lệnh này quân nhân có thể được ban một cấp bậc từ binh nhì đến đại tướng.

Từ quân hàm chính thức xuất hiện lần đầu trong sắc lệnh số 116/SL ngày 25 tháng 1 năm 1948 của chủ tịch chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa về việc đặt một hệ thống quân hàm cho các nhân viên thuộc bộ quốc phòng không phải là quân nhân (điều 1). Hệ thống quân hàm này gồm có các cấp bậc từ hạ sĩ đến trung tướng (điều 2). Về phương diện danh vị và kỷ luật, những nhân viên có quân hàm được quyền hạn và có nhiệm vụ như những quân nhân cùng cấp bậc trong Quân Đội Quốc Gia (điều 3).

Chiếu sắc lệnh 116 này, ông Trần Đại Nghĩa, quân giới cục trưởng, nay thụ cấp quân hàm thiếu tướng (điều 1 sắc lệnh số 117 25 tháng 1 năm 1947), phải được hiểu là được đồng hóa với cấp (bậc) thiếu tướng trong quân đội (tiếng Pháp là assimilé au grade de général de brigade). Ở đây quân hàm thiếu tướng là một tổ hợp Hán Việt với trung tâm là thiếu tướng và thành phần phụ là quân hàm, cùng kiểu tổ chức với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (nước cộng hòa theo chế độ dân chủ), quân giới cục trưởng (nay là cục trưởng quân giới)...

Trong khi đó Hoàng Văn Thái, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Nguyễn Sơn đều là quân nhân và là thiếu tướng (thiệt thọ) chứ không phải quân hàm thiếu tướng. Điều 1 sắc lệnh 111 ngày 20 tháng 1 năm 1948 của chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi rõ:
Các quân nhân có tên dưới đây thụ cấp thiếu tướng kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1948
Ông Hoàng Văn Thái Tổng tham mưu trưởng Quân đội quốc gia Việt Nam
Nguyễn Sơn Khu trưởng Chiến khu 4
Chu Văn Tấn Khu trưởng Chiến khu 1
Hoàng Sâm Khu trưởng Chiến khu 2

Quân hàm hiện nay có nghĩa là cấp bậc trong quân đội (Hoàng Phê, 2006:805). Có nghĩa này là do quân đội nhân dân Việt Nam từ sau năm 1950 học tập cách tổ chức của quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Chế độ quân hàm (cấp bậc trong quân đội) được chính thức áp dụng trong quân đội Trung Quốc năm 1955. Ba năm sau đó Quốc Hội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong phiên họp ngày 31-5-1958 biểu quyết thông qua Luật quy định chế độ phục vụ của sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, chính thức sử dụng từ quân hàm. Trong luật này hai từ quân hàmcấp bậc là tuyệt đối đồng nghĩa.


Đôi khi quân hàmcấp bậc được sử dụng trong cùng một câu để tránh lặp từ:
Hệ thống quân hàm sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam gồm các cấp bậc sau đây:
...
Vì nhu cầu công tác hoặc vì lý do sức khoẻ một sĩ quan có thể được giao cho giữ một chức vụ thấp hơn chức vụ tương đương với quân hàm của mình. Nhưng trường hợp này không phải là giáng chức, sĩ quan vẫn giữ nguyên cấp bậc cũ.
Lại có khi cấp bậcquân hàm được ghép thành cấp bậc quân hàm:
Việc xét phong cấp bậc quân hàm cho cán bộ căn cứ vào phẩm chất chính trị, năng lực nghiệp vụ, cấp bậc và chức vụ hiện tại, thành tích phục vụ trong Quân đội và công lao đối với Cách mạng của cán bộ.
Việc xét thăng cấp bậc cho sĩ quan căn cứ vào niên hạn ở cấp bậc quân hàm hiện tại, phẩm chất chính trị, năng lực nghiệp vụ, thành tích chiến đấu và công tác.
Mỗi cấp bậc quân hàm có một chức vụ tương đương trong biên chế.
Hệ thống chức vụ trong biên chế của Quân đội do Chính phủ ấn định căn cứ vào tình hình tổ chức cụ thể của Quân đội trong từng giai đoạn.


Khái niệm quân hàm của sắc lệnh 116 (ngày 25 tháng 1 năm 1948) bị thủ tiêu bằng điều 47 của Luật quy định chế độ phục vụ của sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam.


Kể từ đây quân hàm thiếu tướng (đồng nghĩa với cấp bậc thiếu tướng) là một tổ hợp với trung tâm là quân hàm thiếu tướng đóng vai trò định ngữ:
 Ngay sau khi nhận quân hàm Thiếu tướng, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tổ chức buổi lễ gặp mặt, chúc mừng các đồng chí được nhận quân hàm Thiếu tướng.
(Hoàng Anh, “Trao quân hàm Thiếu tướng cho 2 cán bộ cao cấp của lực lượng BĐBP”, http://bienphong.com.vn/BaoBienPhong/32/349/349/17427/Trao-quan-ham-Thieu-tuong-cho-2-can-bo-cao-cap-cua-luc-luong-BDBP/bbp.aspx)

No comments:

Post a Comment