Wednesday, 11 September 2013

Ai có đủ tư cách phê bình một bản dịch?



Trên mạng Talawas có một loạt bài liên quan đến vụ Phan Ngọc không biết tiếng Đức đi dịch Hegel. Đầu tiên là Sấm Hegel (PhạmThị Hoài). Phan Ngọc đợi một thời gian khá lâu mới trả lời Phạm Thị Hoài bằng Câu chuyện dịch “Mỹ học” của Hegel. Bài trả lời này gây ra những phản ứng trái ngược nhau ở người đọc: talawas có thực sự hướng đến cộng đồng không?(N. Xu), Vài ý kiến nhận xét thư trả lờiPhạm Thị Hoài của Phan Ngọc (Phạm Việt Vinh).
N. Xu khen:
Bài viết của Phan Ngọc để trả lời Phạm Thị Hoài theo tôi có thể đưa vào sách giáo khoa đạo đức dành cho người lớn.
Phan Ngọc cũng được N. Xua khen là  biết cách dừng lại một cách lịch sự khi ông phát biểu rằng Việc hiểu Hegel cho đúng quả là rất vất vả và phải có chân truyền, nếu không chỉ cãi lộn nhau mãi mà thôi. N. Xu thấy Phan Ngọc chỉ trách nhẹ Phạm Thị Hoài thấy cây không thấy rừng (chị là người đầu tiên (theo tôi biết?) đã cho rằng chỉ cần biết tiếng Ðức thông thường là hiểu được Hegel).
Phạm Việt Vinh chỉ ra rất xác đáng những chỗ trật đường ray trong chiến lược tự biện hộ của Phan Ngọc và phê là ông đã cố tình lừa dẫn chúng ta vào một trận đồ bát quái. Cách ông kết thúc bài trả lời bằng một hình ảnh liêm chính, đạo đức chứng tỏ ông thành thực tin vào những điều mình nói. 
Phong thái đĩnh đạc, trưởng thượng của Phan Ngọc khiến người đọc dễ bị mắc lừa.
Chiến lược tự biện hộ của ông dựa trên hai thủ đoạn chính:
Một là dùng người khác (Trần Đức Thảo, Trương Tửu) chống đỡ thay cho mình. Phạm Việt Vinh chê thủ đoạn này là ngờ nghệch. Chắc là chỉ mỉa mai thôi vì hàm ý sâu xa của Phan Ngọc là không ai có thể dịch được Hegel: tôi không, Trần Đức Thảo cũng không, chị càng không.
Để vô hiệu hóa sự công kích của đối phương, Phan Ngọc còn dùng một thủ đoạn khác là lấy tấn công thay cho phòng ngự. Thay vì loay hoay chống đỡ ở những điểm mình sai mười mươi, Phan Ngọc tìm mọi cách chứng minh là Phạm Thị Hoài không đủ tư cách để nói bất cứ chuyện gì.
 Phạm Việt Vinh thấy Phan Ngọc đã dùng một phần lớn bài trả lời nhằm chỉ ra cái quấy khi Phạm Thị Hoài chê bai cụm từ "tha hóa". Đây không phải là sự ngẫu nhiên. Điều Phan Ngọc muốn nói đơn giản chỉ là không rành từ Hán Việt là không giỏi tiếng Việt mà tiếng Việt đã dốt thì nói gì đến tiếng Đức cho cao sang. Người đọc tự hiểu ai là người không có quyền bàn chuyện dịch Hegel.
Để đạt được mục đích này Phan Ngọc cần một điểm tựa từ đó có thể triển khai sức mạnh công kích:
May mà ở chú thích (4), chị giải thích cách chị hiểu chữ tha trong tha hóa như sau :"Nhiều người cho rằng "tha" trong "tha hoá" cùng một nghĩa như trong "thối tha"
May mà người đọc không cần dốt nát lắm cũng có thể nhận ra là chẳng có chỗ nào trong bài viết của mình Phạm Thị Hoài đã hiểu từ tha theo cách ấy cho nên việc Phan Ngọc thuyết giảng tràng giang đại hải về nghĩa của từ tha thật là vô duyên. 

No comments:

Post a Comment