Thành Hà Nội dưới ngòi bút của người Pháp cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX (I) | ||||||
Chúng ta đang sống trong không khí của đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Trong hàng loạt các hoạt động chào mừng sự kiện trọng đại này của đất nước, nổi bật là việc khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Trải qua nhiều thế kỷ với bao thăng trầm của lịch sử, Hoàng thành đã chịu nhiều biến cố, tác động xấu đến diện mạo, quy mô các công trình kiến trúc. Nhưng dưới ngòi bút của người Pháp cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, thành Hà Nội được tái hiện với những nét rất đặc trưng. Trải qua hai lần chiến đấu chống các cuộc tấn công của quân đội thuộc địa Pháp, thành Hà Nội đã viết nên những trang sử hào hùng và bi tráng.
Những tài liệu còn được lưu tại Thư viện Trường Viễn đông Bác cổ Pháp cho thấy thành Hà Nội được xây dựng từ năm Gia Long thứ 4 (1805) theo kiểu Vauban. Tài liệu này bác bỏ giả thuyết đã từng tồn tại trước đó cho rằng thành được một người Pháp có tên là Olivier de Puymanel xây dựng (thực ra Olivier de Puymanel đã chết từ ba năm trước khi Nguyễn Ánh chiếm Hà Nội ngày 20-7-1802). Tuy nhiên, khi Nguyễn Ánh chiếm được Hà Nội thì bên cạnh ông ta còn có bốn người Pháp: Vannier, Chaigneau, de Forsans và Despiau. Theo André Masson, một Lưu trữ viên - Cổ tự làm việc tại Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương những năm 1920, thành được xây dựng theo bản thiết kế của các sĩ quan Pháp vào năm 1805, nhưng đã có sửa đổi đôi chỗ cho hợp với thuật phong thuỷ.
Năm 1867, sau khi đánh chiếm được toàn bộ Nam Kỳ lục tỉnh, cùng với việc thiết lập hệ thống chính quyền cai trị ở Nam Kỳ, thực dân Pháp bắt đầu nhòm ngó ra Bắc Kỳ, bởi họ cho rằng “sự chiếm đóng Bắc Kỳ là vấn đề sống còn đối với nền đô hộ của Pháp ở Nam Kỳ” (1). Nhưng trên thực tế, ngay từ năm 1872, qua một vài chuyến đi thám sát khu vực Hạ Long, họ đã có kế hoạch đánh chiếm Bắc Kỳ bởi họ nhìn thấy ở Bắc Kỳ một tiềm năng khai thác lớn, nhất là con đường thương mại qua sông Hồng.
Lợi dụng việc “giải quyết vụ lái buôn Jean Dupuis gây ra ở Hà Nội” ngày 11-10-1873, thiếu tá hải quân Francis Garnier đã được phái ra Bắc Kỳ, thực chất nhằm “khai thông đường sông Hồng và khai trương cảng Hà Nội”. Ngày 20-11-1873, dưới sự chỉ huy của Francis Garnier, quân Pháp đã tấn công thành Hà Nội. Diễn biến của cuộc tấn công này được mô tả trong báo cáo của trung uý hải quân Bain de la Coquerie gửi cho cấp trên, và đây là lần đầu tiên được công bố.
“Thưa Ngài đại uý,
Tôi hân hạnh gửi tới Ngài bản báo cáo về việc tấn công thành Hà Nội tại cổng Tây-Nam rạng sáng ngày 20 tháng mười một 1873.
Theo lệnh Ngài, chúng tôi khởi hành từ trại vào lúc 5 giờ 30 sáng, quân lính đi rất lặng lẽ, liên tục, không có gì gây cản trở cuộc hành quân của chúng tôi. Tới khu nhà bịt kín cạnh cổng Tây-Nam, chúng tôi rẽ phải và nằm mai phục dọc theo tường thành. Không một tên lính gác nào xuất hiện vào lúc đó. Chúng tôi đi vòng theo công sự và tại trước cổng thành, binh lính được phân tán thành các nhóm. Một khẩu đại bác 40 ly theo sự chỉ huy của ông Perrin được phân công hạ cầu thứ hai. Nhóm do tôi chỉ huy vượt qua cầu thứ nhất. Có hai tên lính xuất hiện và vội vàng trốn đi. Viên hạ sĩ thuỷ quân Ardeven đã nhảy qua cổng bằng cách bám lấy các then ngang và thanh gỗ và mở cổng. Chúng tôi tiến lên và bắt đầu bắn vào vài tên lính có trang bị giáo và súng trường. Công sự lập tức bị chiếm, binh lính ẩn sau bức tường nhỏ phía trước ngoài công sự, những người khác chiếm lấy vũ khí. Khẩu đại bác 40 ly sau khi vào theo chúng tôi đã bắn vào cổng lớn. Không có tiếng súng bắn trả. Tôi tiến lên phía trước cùng với một vài người được đảm bảo bằng một phân đội sẵn sàng bắn vào bất cứ ai xuất hiện trên bức tường thành. Vào lúc đó, chúng tôi nhận được một loạt đạn từ một pháo đài nhỏ ở phía trái. Phát pháo này không có hiệu quả, chỉ một vài hòn đá rơi từ trên cánh cổng xuống chúng tôi. Sau vài cú đại bác, chúng tôi đã có thể mở nhiều lỗ trong cánh cổng. Trong khi một người sẵn sàng bắn vào một lỗ cổng, lính mang súng trường Corven đã chuyển sang phía bên kia cánh cổng và cổng thành đã được mở.
Chúng tôi chiếm lĩnh cổng thành ngay lập tức, nơi mà chúng tôi chỉ thấy một vài người không chống cự.
Tôi cho ngừng bắn và ra hiệu đã thoả thuận với lính kèn.
Ý tôi định đi tới cổng phía Tây và ngăn chặn lính An-nam chạy trốn qua đó, nhưng súng trên tầu vẫn nổ, bắn về phía cổng đó nên tôi phải đợi cho súng ngừng bắn. Ngay khi tất cả đã chấm dứt, tôi cùng với 15 người và khẩu đại bác của ông Perrin tiến về cổng phía Tây. Tôi đã nối liên lạc được với phân đội lính thuỷ đánh bộ vừa tới một lúc sau đó.
Theo lệnh Ngài, tôi đã cho rút quân về hướng cổng Tây-Nam nơi tôi đã thu lại số quân còn lại, chúng tôi đóng quân dọc theo tường thành ngoài và gặp lại toán quân trở lại trại ở cổng phía Nam.
Với lòng kính trọng, Ngài đại uý, tôi luôn là người phục vụ trung thành của Ngài.
Trung uý hải quân
Ký tên: Bain de la Coquerie” (2).
Hai năm sau ngày thành Hà Nội thất thủ lần thứ nhất, ngày 16-11-1875, Tư lệnh Chapolot đã mô tả thành Hà Nội như sau: “ Thành Hà Nội có hình vuông, mỗi cạnh có ba thành liên tháp, hai pháo đài, và hai pháo đài một mặt. Các mặt thành ở chính giữa, ở các cạnh phía Bắc, Đông, Tây và ở cuối của cạnh phía Nam đều được bảo vệ bởi các lũy hình bán nguyệt” (3).
Theo mô tả của Chapolot, đi từ ngoài vào thành phải qua hai lần cầu bằng gạch, một cầu cố định nối cửa thành với lũy hình bán nguyệt và một cầu thông ra bên ngoài, qua những cánh cổng bằng những tấm gỗ lim dầy, chắc chắn. Bao quanh tường thành là một con hào lúc nào cũng ngập nước, mực nước không quá 1, 2 hoặc 1,3 mét, rộng khoảng từ 20 đến 40 mét.
Trong thành được chia làm các khu như sau:
Khu trung tâm (khu Hoàng cung): chính giữa là điện Kính Thiên xây hơi lệch về phía tây để lấy hướng phong thuỷ. Bên ngoài là tường cao vòng quanh hình chữ nhật, bề dài 350 mét, rộng 120 mét. Bên trong chia làm hai phần: điện Kính Thiên xây trên một ngọn núi đất thấp, cột gỗ lim lớn người ôm không xuể, thềm điện cao 3 cấp, hai bên có rồng đá lượn, phía sau là Hành Cung chỗ vua ngự mỗi khi ra Bắc. Điện Kính Thiên và Hành Cung có tường cao xây ngăn và có hai cổng nhỏ thông với nhau. Từ điện Kính Thiên trước mặt đi thẳng ra Đoan Môn, hai bên đường là tường cao. Đoan Môn có ba cửa: cửa chính ở giữa dành cho vua và hai cửa phụ dành cho các quan. Sau Hành cung là lầu Tĩnh Bắc, còn gọi là Hậu Lâu.
Khu phía đông là dinh các quan lại. Khu phía Tây là các kho thóc, kho tiền, kho thuốc súng. Dinh các quan phụ trách các kho ở phía Bắc thành, tức là Hộ tào quan, Công tào quan, sau đổi là Dinh Bố chính. Phía Đông Bắc có nhà ngục.
Phía trong thành là các trại lính, phía tây nam có Thần công.
Cột cờ phía ngoài Đoan Môn, xây năm Gia Long thứ 11 (1812), đốc công là Đặng Công Chất.
Đường cái đi trong thành đều kẻ thẳng băng theo chiều các tường thành nên ngang dọc đều đặn như đường trên bàn cờ.
Trong thành có mấy ngọn núi đất thấp như núi Nùng, núi Tam Sơn, núi Khán Sơn… Ngoài ra còn có rất nhiều hồ ao nhất là khu phía Tây và phía Nam và những khoảng đất trống, tạm thời làm vườn rau và ruộng lúa…
Nói chung thì thành Hà Nội là một khu vực khá rộng, cư dân trong thành cũng đông, có khi tới 3.000 quân đóng ở các doanh trại, cộng với vợ con và người trong gia đình quan lại cũng đủ thành một thị trấn riêng biệt. Những công sự phòng thủ dựa theo kiểu thành trì của châu Âu, bốn góc thành là bốn pháo đài, cổng cũng là pháo đài, mỗi cạnh có hai công sự pháo, tường cao và dày, hào sâu và rộng, trong thành kho lương thực và súng đạn dồi dào nên có khả năng chống giữ không nhỏ đối với đầu thế kỷ 19...
Năm 1942, căn cứ vào nhiều bản đồ thành phố Hà Nội qua các thời kỳ khác nhau ở Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, trong “La Citadelle de Hanoï” (4) (Thành Hà Nội), L. Bezacier viết: Thành Hà Nội chiếm cứ một khoảng đất hình vuông rộng lớn, mỗi cạnh đo được khoảng hơn 1 km, có thể giới hạn bởi các trục phố của đại lộ Carnot (phố Phan Đình Phùng) ở phía bắc, đại lộ Brière de l’Isle (phố Hùng Vương) ở phía tây, phố Duvillier (phố Nguyễn Thái Học) ở phía nam và đại lộ Henri d’Orléans (phố Phùng Hưng) ở phía đông.
Toà thành có 5 cửa: cửa Bắc nằm trên đại lộ Carnot (phố Phan Đình Phùng), đối diện với phố Dieulefils (phố Đặng Dung); cửa Đông nằm ở chỗ giao nhau giữa phố Maréchal Joffre (phố Lý Nam Đế) và phố Citadelle (phố Đường Thành), trong trục tuyến của phố sau; cửa Đông – Nam nằm ở chỗ cắt nhau giữa phố Maréchal Galliéni (phố Trần Phú, đoạn phía Đông) và phố Général Badens (phố Tôn Thất Thiệp) trong trục tuyến của phố sau; cửa Tây – Nam ở giữa đại lộ Félix Faure (phố Trần Phú), trong trục tuyến của toà nhà trường Cao đẳng tiểu học nữ sinh Pháp (5); cửa Tây ở vào vị trí của điểm tròn gặp nhau giữa các đại lộ Puginier (phố Điện Biên Phủ) và đại lộ Brière de l’Isle (phố Hùng Vương).
(còn nữa)
TS. Đào Thị Diến
Chú thích
1. Trích thư của Tổng Chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp tại Nam Kỳ Dupré gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp ở Paris ngày 19-5-1873. Georges TABOULET: “La geste française en Indochine” (Bản hùng ca của Pháp ở Đông Dương), Tome II, Andrien-Maisonneuve, Paris, 1956, tr. 694.
2. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, phông: Đô đốc và các Thống đốc, hồ sơ: 235.
3. André Masson: Hanoï pendant la période héroïque (1873-1888), Librairie Orientaliste Paul Geuthner, Paris, 1929, tr. 56.
4. Indochine hebdomadaire illustré No 100, 1942.
5. Toàn bộ khu công trình này quay mặt ra các đại lộ Félix Faure (phố Trần Phú), Van Vollenhoven (phố Chu Văn An), Brière de l’Isle (phố Hùng Vương) và phía sau là đại lộ Giovaninelli (phố Lê Hồng Phong). Hiện nay, phần quay ra phố Trần Phú của công trình này do Bộ Tư pháp quản lý và sử dụng, phần phía sau, quay ra phố Lê Hồng Phong là vị trí của Trung tâm Hội nghị quốc tế.
***
(Tiếp theo và hết)
Ngày 25-4-1882, quân đội Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ hai. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I còn lưu giữ một số báo cáo của đại tá hải quân Henri Rivière, chỉ huy cuộc tấn công thành Hà Nội gửi cho Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa Pháp và Thống đốc Nam Kỳ về cuộc tấn công này. Nhưng quan trọng nhất là báo cáo số 611 viết các ngày 25-4, 30-4, 6-5 và 13-5-1882 của Henri Rivière gửi Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa Pháp báo cáo chi tiết về vụ chiếm thành Hà Nội. Dưới đây là nội dung chính của báo cáo này và đây cũng là lần công bố đầu tiên.
Báo cáo của Henri Rivière viết: “Ngay từ những ngày đầu tiên đến Hà Nội, khi nhận thấy những sự chuẩn bị phòng thủ ngày một gia tăng hơn của phía thành Hà Nội, về phía mình, tôi đã phải chuẩn bị hành động”.
Theo báo cáo, để chuẩn bị lực lượng cho việc chiếm thành Hà Nội, Henri Rivière đã “cho chở từ Hải Phòng về Hà Nội đạn dược, pháo phóng và các vũ khí khác mà các tàu của Sư đoàn thuỷ quân có thể cung cấp”. Đó là các pháo thuyền Drac, Hamelin, Parseval, Fanfare, Surprise, Massue và Carabine. Ngoài ra còn có hai tầu hơi nước là Hải Phòng và Cửa Lạc là hai tầu hơi nước cũ của Sở Chỉ huy cảng Sài Gòn và của đội Hoàng gia. Tàu Fanfare đã chở lên Hà Nội một đại đội đổ bộ một trăm người của tàu Hamelin, Parseval và Drac, và năm mươi lính bộ binh đường thuỷ của phân đội đồn trú ở Hải Phòng.
Tổng số, Henri Rivière có trong tay 450 lính bộ binh đường thuỷ, 20 pháo thủ của pháo binh thuỷ chiến với 3 khẩu pháo 40 ly, 20 pháo thủ bản xứ, 130 lính thuỷ, 1 khẩu pháo 120 ly và 1 khẩu pháo 40 ly của khu nhượng địa, 2 khẩu pháo 40 ly được mang đến từ các tàu Tilsitt, Fanfare, Carabine và Massue.
Báo cáo của Henri Rivière mô tả chi tiết toàn bộ cuộc tấn công vào cửa Bắc thành Hà Nội, “với hoả lực của các pháo thủ cửa Bắc ở pháo đài phía Đông - Bắc, một hoả lực khác của các pháo thủ cửa Bắc ở pháo đài phía Tây - Bắc, và ở pháo đài liên tháp của pháo đài phía Tây - Bắc”, và cuối cùng là “hàng trăm binh lính và các thuỷ thủ sau khi trèo bằng thang lên và chiến đấu ngay trên mặt thành ở cửa Bắc” để mở cổng thành.
Về việc tấn công lũy hình bán nguyệt của cửa Bắc, Henri Rivière viết: “ Cửa lũy hình bán nguyệt chắc, trụ lại sức công phá của những chiếc rìu, chúng tôi phải làm nó bật ra bằng một phát pháo. Các khẩu pháo được chuyển gấp tới trước cửa Bắc và nổ súng công phá cùng các pháo binh dàn trận... Tuy vậy cánh cửa thành lúc đó ở phía bên trong được chèn chặt với các phiến gỗ lớn, phải có một khối thuốc nổ lớn để phá tung mới mở đường vào được.
Thành đã bị chiếm.
Sau 2 giờ nghỉ và ăn trưa, tôi lập tức đặt toà thành trong tình trạng không thể phòng thủ được nữa. Các thuỷ thủ, từ cửa Bắc đến cửa Đông, và lính thuỷ đánh bộ từ cửa Bắc đến cửa Tây, đều vứt qua các ụ súng tất cả đại bác, gía súng và một số lớn thân cây to mà quân địch đã để sẵn ở trên thành để lăn xuống chúng tôi.
......
Từ ngày 25 đến ngày 30 tháng tư, công việc phá thành vẫn được tiếp tục. Tất cả những khẩu pháo còn lại đã bị đóng đinh và vứt xuống dưới các hào. Bốn lỗ hổng lớn đã được mở ra ở các pháo đài các cửa Bắc và cửa Đông.
Chính các cổng ở hai phía này đã bị tháo dấu niêm và đã bị phá huỷ hoàn toàn cũng như các cánh cửa khác ở các lũy hình bán nguyệt. Trên hai phía này, cửa Bắc và cửa Đông, người ta có thể tự do đi vào thành, hoặc là đi qua cửa, hoặc là qua các lỗ hổng lớn” (6).
Về sự phản kháng của quân ta, Henri Rivière viết: “Từ phía cửa Bắc, người An-nam đã ném nhiều ngòi nổ thiêu cháy các túp lều gianh, chỉ một ngôi hoặc từng dãy. Những lều gianh này, có nghĩa là cả thành phố, trải dài khắp các phía đến tận chân toà thành. Ở cửa Đông, các ngòi nổ này đã gây nên một đám cháy thực sự buộc khẩu pháo 120 ly cùng đạn được phải chuyển vị trí”.
Tuy nhiên, trước sức mạnh và trang bị vũ khí tối tân gấp nhiều lần của địch, thành Hà Nội đã thất thủ. Tổng đốc Hoàng Diệu sau đó đã thắt cổ tự vẫn. Tấm gương hy sinh của ông đã khiến Henri Rivière phải viết những dòng vừa cảm phục lại vừa có phần chối bỏ trách nhiệm vì sợ hãi:
“Sáng ngày 26 tháng tư, chúng tôi biết được rằng ông Tổng đốc đã treo cổ tự tử. Đó là một người đàn ông điềm tĩnh và kiên quyết.. Sự dũng cảm và ảnh hưởng của ông có thể gây nhiều trở ngại cho chúng ta...”
“Ông Tổng đốc là một người dũng cảm, ông ta đã chứng tỏ điều đó bằng cái chết, nhưng tôi nhìn nhận ông ta với tất cả lương tâm và tất cả sự chân thành, như là người chịu trách nhiệm về các sự kiện, bởi vì tôi không phải là người gây ra những sự việc này”.
Thời gian sau khi Pháp chiếm được thành Hà Nội, nhiều người Pháp, trong đó có các quan chức trong chính quyền thuộc địa như Công sứ Bonnal (1883-1884), Phó Tổng Trú sứ Paulin Vial (1886-1887), Toàn quyền Đông Dương J.L. de Lanessan (1891-1894), Toàn quyền Đông Dương J. Decoux (1940-1945), và những người khác như bác sĩ Horquard, phóng viên tờ Le Figaro Paul Bonnetain… đã ghé thăm và đã để lại nhiều bài viết về thành Hà Nội. Những bài viết đó cho thấy thành Hà Nội ngày càng thay đổi, bị biến dạng nhiều do phục vụ mục đích quân sự. Đầu tiên là điện Kính thiên mà người Pháp gọi là Chùa Vua (Pagode Royale).
Sau khi chiếm được thành, một đại đội bộ binh do đại uý Retrouvey chỉ huy đã đóng quân tại điện Kính thiên. Năm 1883, đại uý Retrouvey đã cho bịt các cột có chạm trổ tuyệt đẹp của điện Kính thiên bằng “các bức tường kinh khủng có lỗ châu mai” để chống lại những cuộc tấn công của quân Cờ đen.
Năm 1884, nhiều lán trại được các nhà thầu Trung Hoa dựng trong thành cho binh lính, còn các sĩ quan thì ở ngay trong các khu nhà trước đây dành cho các quan lại. Tháng 5-1884, trong thành chứa đầy bệnh binh do bệnh xá ở khu nhượng địa quá tải.
Từ 1885, Pháp cho phá các dinh thự của quan lại như Tổng đốc, Đề đốc, Bố chánh… để xây các doanh trại cho các Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 4, Trung đoàn pháo binh thuộc địa 9, Trung đoàn binh lính khố đỏ Bắc Kỳ số 9… Cũng vào năm này, Cột cờ được dùng làm trạm điện tín quang học, rồi 1887, nó được dùng làm khán đài cho những cuộc đua ngựa, sau đó làm sân vận động. Và đến năm 1886, điện Kính thiên đã bị phá để lấy chỗ xây trụ sở của Ban Chỉ huy Pháo binh (7). Chỉ duy nhất Cột cờ là còn lại nguyên vẹn.
Từ năm 1894 đến 1897, với mục đích “làm trong sạch thành phố Hà Nội và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thành phố” nhưng thực chất là để “làm cho thông thoáng khí trời cho những doanh trại của quân đội người Âu” ở bên trong thành, chính quyền thuộc địa chủ trương phá huỷ nốt bức tường thành.
Ngay sau đó, theo quyết định của Toàn quyền Đông Dương, một hợp đồng đã được ký kết với Auguste Bazin, một kỹ sư dân sự ở Paris về việc phá tường thành Hà Nội với nội dung chính như sau:
1. Phá bỏ tường thành cổ và các ụ đất;
2. Lấp các đường hào và các vũng do lấy đất đắp ụ tạo thành;
3. Mở các con đường trong khu vực đã bị loại khỏi thành, không kể các công việc rải đá, lăn đường và trồng cây là những công việc thuộc trách nhiệm của chính quyền Bảo hộ;
4. Xây tường bao quanh phần bảo vệ thành.
Theo hợp đồng, Auguste Bazin được nhận 60.000 đồng Đông Dương. Sau khi trừ 5 héc-ta thuộc sở hữu của chính quyền Bảo hộ, phần đất bị giáng loại sẽ thuộc quyền sở hữu của Auguste Bazin, công việc sẽ phải hoàn thành trong thời hạn 3 năm kể từ ngày 1-9-1894; vật liệu thu được từ tường thành bị phá có thể được tái sử dụng cho việc xây bức tường mới bao quanh khu vực thành. Auguste Bazin là người duy nhất chịu trách nhiệm tất cả các công việc xây dựng lại nhà cửa phải di chuyển do việc phá thành gây nên, với điều kiện các loại giá cả được kèm theo hợp đồng(8). Các điều quy định trong hợp đồng này đã bị tờ L’Indépendance tonkinoise chỉ trích rất nhiều và cho rằng hợp đồng này là một vật chứng thực về sự thiên vị Auguste Bazin của chính quyền thuộc địa.
Ngay sau khi việc phá huỷ bức tường thành Hà Nội được hoàn tất, Paul Doumer đã đến Hà Nội để nhậm chức Toàn quyền. Về sự có mặt của Paul Doumer ở Hà Nội năm 1897 và việc những di tích lịch sử trong Hoàng thành bị phá huỷ, L. Bezacier đã viết như sau: “…không phải là không xót xa khi Paul Doumer đến Hà Nội vào năm 1897 đã phàn nàn về việc huỷ diệt những ký ức lịch sử đó…”(9). Chính vì vậy, vào năm 1905 (tức là 3 năm sau khi mãn nhiệm trở về Paris), Paul Doumer đã cho xuất bản cuốn L’Indochine française – Souvenirs (Xứ Đông Pháp – những kỷ niệm). Trong tác phẩm của mình, ông đã thốt lên rằng: “Tôi đến quá chậm để có thể cứu lấy những phần đặc sắc, cụ thể là các cổng thành. Những di tích ấy đáng lẽ phải được bảo tồn. Chúng có những đặc trưng quý giá, chỉ như vậy thôi cũng đáng được chúng ta trân trọng. Đó là những kỷ niệm lịch sử gắn bó với nơi đây, chúng có thể làm đẹp cho các khu xây dựng mới của Thành phố, và có lẽ sẽ không làm vướng víu đến việc giao thông và ngăn trở việc sắp xếp thẳng hàng các đường phố, cũng như khải hoàn môn Ngôi sao vẫn giữ lại được mọi sự cân đối cho Paris” (10).
Sau khi Paul Doumer nhậm chức một năm, ngày 20-1-1900, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp đã chính thức được thành lập(11). Kể từ đó, các di tích lịch sử trên toàn bán đảo Đông Dương đã trở thành đối tượng được chăm sóc chu đáo của tổ chức này và vì thế, nhiều di tích lịch sử ở Hà Nội đã thoát khỏi sự xâm hại, cho dù vô tình và dưới danh nghĩa “vì sự phát triển của Thành phố”.
TS. Đào Thị Diến
Chú thích
7.Nay là Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
8.9.L. Bezacier: La Citadelle de Hanoï, Indochine hebdomadaire illustré No 100, 1942.
10. Paul Doumer: L’Indochine française ( souvenir), 1905, p. 123. Dẫn theo André Masson: Hanoï pendant la période héroïque (1873-1888), Librairie Orientaliste Paul Geuthner, Paris, 1929, tr. 85.
11. Tiền thân của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp là Phái đoàn Khảo cổ tại Đông Dương thành lập từ năm 1898.
|
Monday, 23 September 2013
Thành Hà Nội dưới ngòi bút của người Pháp cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX (Đào Thị Diến - Cục Văn Thư & Lưu Trữ)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment