Monday, 2 September 2013

“... Không được rời dù chỉ một khắc” (Nguyễn Hòa - Quân Đội Nhân Dân)


Đảng, Nhà nước, nhân dân Trung Quốc hết lòng chăm sóc sức khỏe Chủ tịch Hồ Chí Minh
“... Không được rời dù chỉ một khắc”
QĐND - Thứ Sáu, 28/08/2009, 21:35 (GMT+7)
Từ năm 1960 tới năm 1969, sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giảm sút. Mặc dù được Đảng, Chính phủ cùng đội ngũ các thầy thuốc, bác sĩ giỏi nhất nước ta chăm sóc, nhưng do đất nước trong hoàn cảnh chiến tranh, y tế nhiều mặt còn hạn chế, Bác đã có một số lần sang Trung Quốc chữa bệnh. Trong những năm tháng Bác chữa bệnh tại Trung Quốc cũng như khi các tổ y tế của Trung Quốc sang Việt Nam phối hợp với các bác sĩ Việt Nam chữa bệnh cho Bác, tinh thần trách nhiệm của các bác sĩ, y tá Trung Quốc luôn tuân theo chỉ thị của Thủ tướng Chu Ân Lai “Chăm sóc Chủ tịch Hồ Chí Minh, không được rời dù chỉ một khắc” đã để lại ký ức đẹp về tình hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc.
Bác Hồ chụp ảnh kỷ niệm với cán bộ điều dưỡng tại Tùng Hóa (Quảng Đông-Trung Quốc). Ảnh tư liệu
Năm 2008, nhân dịp sinh nhật Bác, Đoàn đại biểu Trung Quốc gồm 50 cán bộ ngoại giao, bác sĩ, y tá, nhân viên phục vụ, các học giả... những người đã từng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đi chữa bệnh ở Trung Quốc và những người trong các tổ y tế đặc biệt tới Việt Nam để chữa bệnh cho Bác những ngày cuối cùng đã có chuyến giao lưu “Gặp gỡ trên quê hương Bác Hồ”. Những câu chuyện cũ, những kỉ niệm về Bác được các thành viên trong đoàn kể lại. Mỗi người, trên cương vị công tác của mình đã có những khoảnh khắc đặc biệt với Bác, cho dù đó là một kỉ niệm, là một câu chuyện giản dị nhất. Ông Nguyễn Huy Hoan, nguyên cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh, người có nhiều năm sưu tầm và nghiên cứu về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thành viên đi cùng đoàn chứng kiến những câu chuyện xúc động trên đã ghi và kể lại cho phóng viên Báo Quân đội nhân dân về một số kỉ niệm trong quá trình Bác sang Trung Quốc chữa bệnh cũng như khi các đoàn bác sĩ Trung Quốc sang Việt Nam chữa bệnh cho Bác.
Từ năm 1960, sức khỏe của Bác đã có dấu hiệu yếu đi, bệnh tật tăng thêm. Mỗi lần Người ốm đau, ngoài các bác sĩ ưu tú của Việt Nam còn có sự tham gia chữa trị của các bác sĩ Trung Quốc. Đầu năm 1960, do bị cảm, Chủ tịch Hồ Chí Minh ho nhiều và đau lưng. Các bác sĩ Việt Nam đã khám và chữa bệnh cho Người, đồng thời Đảng ta đã đề nghị Đảng Cộng sản Trung Quốc cử một số bác sĩ sang Hà Nội để phối hợp chăm sóc sức khỏe cho Bác. Nhận lời của Đảng ta, bác sĩ Tôn Chấn Hoàn đã đến Hà Nội, đây là đợt đầu tiên phía Trung Quốc cử bác sĩ sang Việt Nam chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tháng 9-1963, Bác sắp xếp kế hoạch tới vùng suối nóng Tùng Hóa (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) để chữa bệnh. Sau khi khám và hội chẩn, các bác sĩ Trung Quốc đã kết luận, Người bị viêm dây thần kinh ngoại biên. Điều trị trong một tháng, kết quả khá tốt. Đến tháng 10-1963, Bác trở về nước. Đây là lần đầu tiên Bác đi chữa bệnh dài ngày bên Trung Quốc.
Tháng 5-1964, Bác đi nghỉ ở Côn Minh. Tuy nhiên, các bác sĩ Trung Quốc thấy không phù hợp đã mời Bác đến nghỉ ở suối nước nóng Tùng Hoá. Tại đây các bác sĩ kiểm tra và cho kết quả, tuần hoàn não của Bác không tốt.
Năm 1965, do tuần hoàn não không tốt nên thị lực mắt trái của Bác bị giảm sút nghiêm trọng. Nhận lời đề nghị của Đảng ta, trung tuần tháng 9-1965, Trung Quốc cử giáo sư bác sĩ Trương Hiểu Lâu, chuyên gia nhãn khoa đầu ngành của bệnh viện Đồng Nhân - Bắc Kinh, dẫn đầu một tổ y tế đến Hà Nội để kiểm tra sức khỏe và điều trị cho Bác. Cuối tháng 9-1965, giáo sư Trương Hiểu Lâu tháp tùng Bác đi Quảng Châu chữa bệnh. Sau một tháng rưỡi điều trị, kết quả tốt. Đầu tháng 11-1965, Bác về nước.
Từ tháng 11-1966, do tuổi cao, bệnh của Bác có chiều hướng ngày càng xấu. Từ tháng 1-1967 đến tháng 4-1968, Bác đến Trung Quốc chữa bệnh 3 lần. Ngày 14-4-1967, Bác kiểm tra sức khỏe và điều dưỡng ở Tùng Hóa (Quảng Đông, Trung Quốc). Sau hai tháng chữa bệnh và điều dưỡng, đến tháng 6-1967 Bác trở về Hà Nội. Từ 10-9-1967 đến 23-12-1967, Bác tiếp tục đi Bắc Kinh để chữa bệnh. Đợt chữa bệnh này kéo dài hơn 2 tháng. Thời gian này ở Trung Quốc đang xảy ra biến động lớn với cuộc “Đại cách mạng văn hóa”, cho nên các đồng chí trong Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc không bố trí Bác nghỉ và điều dưỡng trong nội thành Bắc Kinh, mà bố trí Bác nghỉ tại khu nghỉ dưỡng của Trung ương ở ngoại thành Bắc Kinh, cách Bắc Kinh 70km. Sau hơn hai tháng điều trị và chữa bệnh ở Bắc Kinh, ngày 23-12-1967, Bác về Hà Nội nghe Bộ Chính trị trình báo cáo một số tình hình quan trọng của chiến dịch Mậu Thân. Ngày 31-12-1967, Bác đọc vào máy ghi âm lời chúc tết Mậu Thân năm 1968. Người thu âm bài chúc tết của Bác là anh Tăng Bá Thư, cán bộ Đài Tiếng nói Việt Nam.
Một tuần sau, sáng mùng một tháng Giêng năm 1968, Bác tiếp tục bay trở lại Bắc Kinh. Đúng kế hoạch Bác sẽ đi thẳng đến Bắc Kinh, nhưng do thời tiết xấu, máy bay chở Bác phải dừng lại ở Quảng Châu, ngày 2-1-1968 rời Quảng Châu đi Bắc Kinh. Đợt này Bác ở lại Bắc Kinh điều trị rồi chuyển tới Quảng Châu, tổng thời gian cả đợt kéo dài từ hơn 3 tháng (2-1-1968 đến 21-4- 1968). Trong đợt chữa bệnh này, nhiều bác sĩ giỏi như Tôn Chấn Hoàn, Dương Khắc Cần, Quách Trung Hòa, những người đã từng chữa bệnh cho rất nhiều nguyên thủ của các quốc gia đã trực tiếp khám sức khỏe cho Bác. Ngày 21-4 Bác về nước, hôm đó 8 giờ 45 phút sáng, máy bay chở Bác rời Bắc Kinh, 11 giờ 55 phút máy bay chở Bác về đến Quảng Châu. Bác về đến Quảng Châu thì nghỉ tạm tại Quân khu Quảng Châu (Trung Quốc) mấy tiếng. 17 giờ, máy bay từ Quảng Châu bắt đầu xuất phát và 18 giờ 15 phút về đến sân bay Bạch Mai, Hà Nội.
Sau đợt điều trị này, theo kế hoạch Bác về nước vài tuần rồi quay trở lại tiếp tục điều trị. Đến cuối tháng 4-1968, Bác viết cho Thủ tướng Chu Ân Lai và bà Đặng Dĩnh Siêu (Phu nhân Thủ tướng Chu Ân Lai) một bức thư, bằng chữ Hán, nội dung thông báo tình hình sức khỏe đã khá lên, một thời gian nữa sẽ quay trở lại. Trong thư Bác thông qua đồng chí Chu Ân Lai, Đặng Dĩnh Siêu hỏi thăm các đồng chí Lưu Thiếu Kì, Chu Đức… gửi lời cảm ơn Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (hiện bản nháp bút tích bức thư này vẫn còn tại Bảo tàng Hồ Chí Minh).
Trong cuộc gặp gỡ tại tỉnh Nghệ An năm 2008, những người đã từng chữa bệnh, phục vụ Bác khi Bác đi chữa bệnh tại Trung Quốc đã kể lại những câu chuyện rất đời thường và giản dị về Bác. Ông Văn Trang, là một trong 3 đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc sang Việt Nam từ cuối năm 1948, đã có hơn 10 năm làm việc tại Việt Nam, làm việc tại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và có nhiều dịp ở bên Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại: Khi Bác đọc chữ Trung Quốc, những chữ khó hiểu, từ khoa học quá khó, Bác vẫn phải hỏi ông. Ví dụ khi Bác đọc Nhân dân nhật báo, có ba chữ mà âm Hán - Việt là “di đảo tố”, đấy là chất hóa học, rất khó hiểu, ngay như người Trung Quốc cũng rất khó hiểu. Khi Bác đọc tới 3 chữ đó, Bác viết ở mép tờ báo, “Thân gửi chú VT, nhờ chú giải thích 3 chữ này cho B” (B là Bác). Lúc đó, đồng chí Văn Trang lại phải viết lại cho Bác mấy chữ: “Riêng chữ này, cho phép cháu trả lời là cháu chưa biết, vì nó là danh từ khoa học, để cháu đi tham khảo”. Sau đó trong thư gửi Bác, Văn Trang có trả lời Bác, đó là chất In-su-lin, một chất quan trọng trong quá trình chuyển hóa nội tiết, rất cần cho bệnh nhân tiểu đường.
Ông Trương Đức Duy, nguyên thư ký của nhóm bác sĩ Trung Quốc chăm sóc Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm công tác phục vụ bên Bác Hồ, từ 1967 đến 1969 và sau này là Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam (1989 -1993) kể lại: Thời điểm đó, tại Trung Quốc đang là thời kì “cánh mạng văn hóa”, để bảo đảm an toàn, Bác phải hạn chế đi lại. Tâm trạng Bác lúc đó buồn lắm, Bác cảm thấy như thiếu thốn một điều gì rất ghê gớm. Lúc đó Bác hỏi tôi: “Đồng chí Trương Đức Duy này, cổng trước thì kín rồi, cổng sau có gì không”.
Đồng chí Trương Đức Duy trả lời: “Thưa Bác, cổng sau cháu cũng chưa đi, không biết có gì không?”.
Nghe đồng chí Trương Đức Duy trả lời xong, Bác nói: “Chiều nay tôi với chú và mấy anh em ta cùng đi luôn xem thế nào”.
Lúc đó đồng chí Trương Đức Duy rất khó xử, Bác là khách của Trung ương Đảng và Chính phủ Trung Quốc. Lệnh của Trung ương là phải giữ an toàn tuyệt đối cho Bác. Thế nhưng Bác lại là người mà ông vô cùng ngưỡng mộ. Chẳng biết làm thế nào, cuối cùng ông cũng chiều theo ý Bác.
Khi Bác và ông Trương Đức Duy ra cổng phía sau ngôi nhà, thấy cỏ cây um tùm rậm rạp, Bác nói: “Ta cứ đi chú à”.
Sau khi đi hết một quãng cây cối um tùm rậm rạp, trước mắt Bác và đồng chí Trương Đức Duy mở ra một cánh đồng rất đẹp, không xa là một ngôi làng của người bản địa. Trước cảnh đẹp nên thơ như vậy, Bác liền đọc hai câu thơ:
“Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ
Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn”
(Dịch nghĩa: Nơi sơn cùng thủy tận này tưởng rằng không còn đường nữa. Trong khung cảnh bị cây liễu che phủ, tối mờ mờ có điểm một vài bông hoa, bỗng phía trước xuất hiện một thôn nhỏ).
Ông Duy không giấu được xúc động nói: Vậy đó, Bác ốm như vậy, nhưng trong lòng Bác luôn muốn gần dân, nhớ dân. Tư tưởng này của Bác theo nhận xét của nhiều nguyên thủ quốc gia, là điều vô cùng đặc biệt, chỉ có ở Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Một trong những kỉ niệm đẹp trong những lần Bác đi chữa bệnh tại Trung Quốc đó là vào tháng 5-1964. Khi đó sức khỏe Bác khá tốt, khuôn mặt hồng hào, sắc thái tươi tỉnh. Đúng ngày sinh nhật Bác, ngày 19-5-1964, đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác báo cáo về Bộ Chính trị rằng, đợt này Bác đang hồng hào, đầy đặn, khuôn mặt Bác rất đẹp, Bộ Chính trị đã xin phép Bác chụp một kiểu ảnh. Sau khi nghe đồng chí Vũ Kỳ báo cáo lại nguyện vọng của Bộ Chính trị, Bác vui vẻ đồng ý. Người chụp ảnh cho Bác lúc đó là Lục Văn Tuấn, người Trung Quốc, là phóng viên của Quảng Đông họa báo. Kiểu đầu tiên sau khi chụp xong anh Lục Văn Tuấn thấy tóc Bác có mấy sợi xõa xuống, anh nói chưa được, đồng chí Vũ Kỳ ra vuốt tóc lại giúp Bác, sau đó đồng chí Tuấn chụp liền mấy kiểu, cuối cùng chọn được kiểu đẹp nhất, đó là chân dung Bác được dùng phổ biến hiện nay.
Mùa xuân năm 1969, bệnh tình của Bác Hồ diễn biến xấu, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc đã cử các đồng chí bác sĩ giỏi như Trương Hiếu, Tôn Chấn Hoàn, Hoàng Vấn cùng đồng chí Trương Đức Duy (phiên dịch) để lập thành một tổ cứu chữa đi chuyên cơ sang Hà Nội. Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai hết sức quan tâm và lo lắng cho sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, để gửi các thuốc quý cho Bác trị bệnh là cả một công trình gian nan. Lúc bấy giờ trong hoàn cảnh giặc Mỹ đã leo thang đánh phá ra miền Bắc, thuốc men rất thiếu thốn, đặc biệt là các loại thuốc quý. Nhiều loại thuốc phải chuyển từ Trung Quốc sang.
Những loại thuốc ấy lấy từ đâu và gửi sang Việt Nam cho Bác bằng cách nào đều được đích thân Thủ tướng Chu Ân Lai chỉ thị cụ thể. Các chuyến hàng đặc biệt này đều được tạo điều kiện thuân lợi và nhanh chóng nhất. Trong bài viết “Tùng bách mãi xanh tươi, tình nghĩa sáng muôn đời” của ông Hồng Tả Quân, cán bộ công tác tại Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, người nhiều lần trực tiếp phiên dịch các cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc như Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai kể lại: Trong suốt quá trình chữa bệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi bệnh tình của Bác tương đối ổn định, việc gửi thuốc khá thong thả. Thủ tướng Chu Ân Lai chỉ thị có thể giao thuốc cho Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh chuyển về. Đồng chí Ngô Minh Loan, Đại sứ nước ta tại Trung Quốc lúc bấy giờ cho biết, Thủ tướng Chu Ân Lai vẫn thường xuyên hỏi thăm về việc gửi thuốc cho Bác.
Trong thời gian chữa bệnh và điều dưỡng ở Tùng Hóa (Trung Quốc), các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta thăm Bác. Ảnh tư liệu.
Khi bệnh tình của Bác nặng hơn, yêu cầu thuốc gấp hơn, cách làm như trước đây giao cho Đại sứ quán chuyển không đáp ứng kịp với tình hình. Làm thế nào bây giờ? Câu hỏi được đặt ra và người nghĩ ra sáng kiến lại là Thủ tướng Chu Ân Lai. Ông chỉ thị giao thuốc cho các tổ lái máy bay của đường bay quốc tế Bắc Kinh - Hà Nội. Mỗi chuyến bay sẽ kèm theo những “thùng hàng đặc biệt”. “Thùng hàng đặc biệt” này được chuyển tới Đại sứ quán Trung Quốc tại ViệtNam. Khi đó mỗi tuần có hai chuyến bay Bắc Kinh – Hà Nội. Nhờ cách làm này mà việc vận chuyển các loại thuốc quý cho Bác vẫn bảo đảm thông suốt.
Mỗi lần chúng ta đề nghị gửi thêm thầy thuốc, thì chỉ trong vòng 24 giờ, những nhân viên y tế, những bác sĩ, giáo sư giỏi nhất Trung Quốc đã có mặt ở Hà Nội.
Trước nghĩa cử này, nhiều lãnh đạo cao cấp của nước ta rất cảm kích. Khi đó, đồng chí Lê Văn Lương, Ủy viên Bộ Chính trị được Bộ Chính trị phân công theo dõi việc chữa bệnh cho Bác, cũng đã từng nhận xét: “Lần thứ nhất chúng tôi yêu cầu vào trưa hôm nay, thì ngày hôm sau các đồng chí đã đến rồi; lần thứ hai chúng tôi vừa nêu vấn đề tăng thêm bác sĩ thì các thấy thuốc Trung Quốc đã bước lên máy bay rồi…”.
Các ông Triệu Khánh Cúc và Châu Thuật Hoa, những người trực tiếp phụ trách việc cấp thuốc ngày đó nhớ lại ba đặc điểm đặc biệt của công việc này “Một là, thời gian rất khẩn trương. Mỗi lần bác sĩ riêng của Thủ tướng Chu Ân Lai gọi điện đến, mấy tiếng đồng hồ sau các loại thuốc đã phải đầy đủ. Có lúc gặp những thứ thuốc khan hiếm, tất cả các nhân viên trong phòng thuốc phải đi lấy ở các bệnh viện. Có lúc để kịp gửi thuốc sang Hà Nội, anh chị em phải làm ca đêm hoặc đi làm sớm hơn. Nhiều khi thông báo cần thuốc tới vào lúc nửa đêm, mặc dầu anh chị em đã thức suốt đêm để huy động thuốc nhưng vẫn chưa đủ, chuẩn bị không kịp, ai nấy lòng dạ rối bời. May có sự phối hợp tốt của ngành hàng không, phòng điều độ bay quyết định lùi giờ bay để kịp gửi thuốc. Máy bay cứ chờ cho đến khi bác sĩ riêng của Thủ tướng là Trương Tả Lương đến giao thuốc cho cơ trưởng mới cất cánh. Hai là, lượng thuốc nhiều và dùng nhiều loại. Có lần dùng tới 120 viên Đông y Thạch hồ dạ quang hoàn, có đợt phải dùng tới 20-30 loại thuốc, trong đó có những loại rất khan hiếm, trong nước không có, Bắc Kinh đã phải đặt mua từ nước ngoài bảo đảm đúng yêu cầu của bác sỹ. Ba là, yêu cầu cao về chất lượng thuốc. Có những thứ thuốc trước khi gửi đi phải kiểm tra lại chất lượng. Để có kết quả nhanh chóng, có lúc nhân viên xét nghiệm bỏ qua giai đoạn thử trên động vật, đã thử ngay trực tiếp lên chính cơ thể mình để bảo đảm tiêu chuẩn an toàn trước khi gửi sang Hà Nội”.
Sau đợt điều trị đầu tiên, sức khỏe của Bác có biểu hiện tốt. Tổ cứu chữa Trung Quốc được trở về Trung Quốc nghỉ ngơi. Bác được các bác sĩ căn dặn: Tổ chức làm việc ít, một tuần chỉ một lần.
Tháng 8-1969 Bác bị mệt nặng. Trước tình hình sức khỏe của Bác ngày càng xấu, đoàn thầy thuốc Trung Quốc đã trở lại Việt Nam, phối hợp với các bác sĩ Việt Nam tiếp tục chữa bệnh cho Bác. Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Vương Ấu Bình và các đồng chí ở Đại sứ quán Trung Quốc rất lo lắng, vì vậy đã sắp xếp trực điện thoại ngoại tuyến về Bắc Kinh, trực 24/24 giờ để thông báo và xin chỉ thị chữa bệnh cho Bác. Ngày 24-8-1969, 8 giờ, Đại sứ Vương Ấu Bình gặp đồng chí Lê Văn Lương, thông báo diễn biến sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 25-8-1969, 8 giờ Trung Quốc đưa máy bay chuyên cơ chở tổ cứu chữa thứ hai tới, trong đó có nhiều bác sĩ giỏi của Trung Quốc như Lí Băng Kì, Vương Phúc Thành, Nhạc Mĩ Trung. 11 giờ đồng chí Lê Văn Lương chuyển cho đồng chí Đại sứ Vương Ấu Bình bức điện báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thủ tướng Chu Ân Lai, thông báo các bác sĩ Trung Quốc đã tới Việt Nam để Chủ tịch Mao Trạch Đông và các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc yên tâm. Ngày 26-8-1969, Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi điện tới Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo đã nhận được điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc mong Chủ tịch Hồ Chí Minh chóng khỏi bệnh. Trung Quốc cử tổ bác sĩ thứ ba tới Hà Nội trong ngày 26-8 để tăng cường các bác sĩ giỏi, tập trung cứu chữa cho Bác.
Ông Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc khu di tích Phủ Chủ tịch. Ảnh: Hoa Huyền
Khi biết bệnh tình của Bác đang theo chiều hướng xấu, ngày 31-8-1969, Thủ tướng Chu Ân Lai tiếp tục phái giáo sư nổi tiếng Ngô Giai Bình sang Hà Nội để nắm tình hình rồi quay trở lại ngay Bắc Kinh để báo cáo tình hình. Ngay ngày hôm sau, ngày 1-9-1969, giáo sư Ngô Giai Bình quay trở lại báo cáo. Thủ tướng Chu Ân Lai đã biết, tình hình thực sự rất nghiêm trọng. Ngay lập tức Thủ tướng cho triệu tập một cuộc họp kéo dài 5 tiếng với các cơ quan hữu quan, sau đó tiếp tục phái giáo sư Ngô Giai Bình và một nhóm các bác sĩ giỏi của Trung Quốc quay trở lại Hà Nội. Sáng sớm ngày 2-9-1969, đoàn lên đường, tuy nhiên máy bay đi được nửa đường thì nhận tin báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ trần. Máy bay đưa đoàn các bác sĩ Trung Quốc quay trở lại Bắc Kinh. Vậy là phương án cứu chữa mà Thủ tướng Chu Ân Lai vạch ra và đích thân chỉ đạo đã không thể thực hiện.
Ông Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc Khu di tích Phủ Chủ tịch, lúc đó là chiến sĩ cận vệ tại Phủ Chủ tịch kể lại: “Khi Bác mất, tất cả những bác sĩ, y tá Trung Quốc trong kíp trực hôm đó đã khóc rất nhiều, thật khó diễn tả tình cảm của mọi người lúc đó. Tôi chỉ cảm nhận được một điều là họ coi Bác thật sự như người thân của mình vậy”.
Ông Hoàn là cận vệ canh gác khu nhà ở và khu làm việc của Bác, đã tận mắt chứng kiến sự tận tụy của các bác sĩ Trung Quốc, chứng kiến tinh thần làm việc của các bác sĩ Trung Quốc vô cùng trân trọng, đúng như bức điện mà Đại sứ Vương Ấu Bình đã đọc cho các bác sĩ nghe lệnh của Trung ương Đảng và đích thân Thủ tướng Chu Ân Lai căn dặn: “Chăm sóc Chủ tịch Hồ Chí Minh, không được rời dù chỉ một khắc”.
Những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lâm trọng bệnh, Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc nhân dân Trung Quốc đã cử sang Việt Nam các giáo sư, bác sĩ, y tá giỏi của Trung Quốc để chăm sóc và chữa trị bệnh cho Người. Đảng, Nhà nước Việt Nam ghi nhớ công lao của Đảng, Chính phủ, nhân dân Trung Quốc, trong đó có các bác sĩ, y tá, nhân viên phục vụ. Xét công lao của Đoàn các bác sĩ, y tá và nhân viên phục vụ, quyền Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ký tặng thưởng Huân chương Lao động cho các đồng chí trong đoàn y tế Trung Quốc, cảm ơn sự tận tụy hết lòng của các đồng chí đã chăm lo sức khỏe cho Bác Hồ. Trong đó có 9 Huân chương Lao động hạng nhất cho các đồng chí: Trương Hiếu, Đào Thọ Kì, Lí Ban Kì, Hoàng Uyển, Vương Thúc Hàm, Tôn Chấn Hoàn, Nhạc Mĩ Trung, Hồ Húc Đông, Trương Đức Duy. 6 Huân chương Lao động hạng nhì cho các đồng chí: Cao Nhật Tân, Lưu Chiếm Khoa, Khổng Phàm Anh, Lương Hoán Trân, Vương Tinh Minh, Viên Khang Anh.
NGUYỄN HÒA

No comments:

Post a Comment