Monday, 2 September 2013

Tuyên ngôn Độc lập và nghệ thuật viết văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trần Trọng Đăng Đàn - Sài Gòn Giải Phóng)

Tuyên ngôn Độc lập và nghệ thuật viết văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thứ ba, 01/09/2009, 23:02 (GMT+7)
Đọc Tuyên ngôn Độc lập ta thấy: lý lẽ, suy tư, luận giải của nhà khoa học, nhà văn, của sử gia, triết gia, luật gia, chính trị gia, kinh tế gia v.v… được thể hiện thông qua suy nghĩ và ngôn từ của chỉ một lớp người đó là quảng đại công chúng Việt Nam hồi Cách mạng Tháng Tám.
Sau Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt và Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi,Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xem như là Tuyên ngôn độc lập thứ ba trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập chỉ có 1.010 chữ, sắp xếp trong 49 câu, nhưngTuyên ngôn Độc lập đã hàm chứa một nội dung rất to lớn và sâu sắc. Đó là sự đúc kết cao nhất, cô đọng nhất nội dung cuộc Cách mạng Tháng Tám - cuộc cách mạng đã đem lại cho xã hội Việt Nam một sự biến đổi chưa từng thấy trong lịch sử, cuộc cách mạng đầu tiên ở Việt Nam nhằm dựng lên một xã hội tương lai không có áp bức giai cấp, không có tệ người bóc lột người.
Một trong những yếu tố quan trọng đưa Tuyên ngôn Độc lập lên tầm của một áng văn chính luận kiệt xuất là nghệ thuật viết ngắn, viết giản dị.
Rất giản dị mà lại rất vững chãi. Giản dị vì ai cũng hiểu. Vững chãi vì không ai bẻ được, vì nó lấy thực tế sôi bỏng của cách mạng làm cốt lõi, vì nó bắt nguồn từ lòng yêu thương, kính trọng quần chúng nhân dân. Lý luận đó càng tăng tính thuyết phục khi ta thấy chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã áp dụng thật nghiêm túc và thu được những thành công rực rỡ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên viết ngắn. Ngắn mà có nội dung. Trong cuốn Sửa đổi lối làm việc viết năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Viết dài mà rỗng thì không tốt, viết ngắn mà rỗng cũng không hay. Chúng ta phải chống tất cả những thói rỗng tuếch. Nhưng trước hết phải chống thói đã rỗng lại dài”. Đọc Tuyên ngôn Độc lập ta thấy nội dung đậm đặc trong từng câu, từng chữ. Toàn bộ lịch sử xã hội Việt Nam trong hơn 80 năm dưới ách cai trị của thực dân Pháp, rồi phát xít Nhật được khái quát lại trong 622 chữ, 186 chữ dành cho việc vận dụng pháp lý quốc tế suốt hơn một thế kỷ rưỡi để khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam, toàn bộ những trói buộc về mặt pháp lý mà thực dân Pháp đã bỏ ra ngót một thế kỷ để tạo dựng đối với Việt Nam bị xóa bỏ gọn trong một câu với 58 chữ, còn chí khí Việt Nam, sức mạnh Việt Nam, tương lai Việt Nam thì được khẳng định trong 144 chữ.
Nhiều người nghiên cứu văn học, nghệ thuật trên thế giới đã tập trung trí tuệ vào một vấn đề được xem như là đặc biệt quan trọng. Đó là vấn đề tiếp nhận văn học, nghệ thuật. Sau khi đã hao tốn không biết bao nhiêu thì giờ, giấy mực, không biết bao nhiêu là chất xám, người ta mới phát hiện ra một điều rất giản dị rằng: chẳng phải ai khác mà chính là công chúng và chỉ có công chúng mới là trọng tài công minh nhất của văn học, nghệ thuật. Mà khi đã suy tôn công chúng lên cái vị trí danh dự ấy thì trước hết phải lấy họ làm đối tượng chính để phục vụ.
Điều này, với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành một chân lý hiển nhiên. Viết cho ai đọc và viết để làm gì? Câu hỏi đó được Người trả lời dứt khoát: “Viết cho đại đa số nhân dân đọc” và “viết để phục vụ quần chúng nhân dân”. Mà muốn thế thì trước hết những gì viết ra phải thật dễ hiểu, những gì nói ra phải đến tận tai người dân.
Báo Cứu Quốc, số ra ngày 5 tháng 9 năm 1945 cho biết: trong khi đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói thêm một câu không có trong văn bản. Câu đó là: “Tôi nói thế đồng bào có nghe rõ không?”. Đó là một cử chỉ hết sức đẹp của một vị lãnh tụ cách mạng. Nó thể hiện cái cao cả về đạo đức, cái sâu đậm về tình cảm.
Lý luận về nghệ thuật viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là như vậy. Nó nằm trong cả một hệ thống lý luận của Người về quan điểm quần chúng. Lý luận này rõ ràng đã được thể nghiệm nhiều qua thực tiễn viết và nói của Người. Mà một thể nghiệm thành công lớn nhất là Tuyên ngôn Độc lập. Trong 49 câu của văn bản lịch sử trọng đại ấy có tới 45 câu thuộc loại câu đơn giản. Có cả một loại câu rất ngắn. Mỗi câu chỉ 10 chữ trở lại. Câu thì ngắn mà ý nghĩa nội dung thì đầy ắp.
Sau khi trích ra hai đoạn ngắn trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ hạ một câu: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. - Chỉ 10 chữ thôi mà ý nghĩa tổng kết thật cao, chính nghĩa được khẳng định một cách đanh thép. Câu thứ 19: tố cáo thực dân Pháp: “Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu” - chỉ 9 chữ. Câu thứ 13: “Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học” - cũng chỉ 9 chữ. Câu thứ 11: “Chúng thi hành những luật pháp dã man” - chỉ 8 chữ thôi...
Những câu ngắn gọn, giản dị như muôn triệu câu nói thường ngày của bình dân, vậy mà đặt vào đây lại có sức buộc tội thật là chặt đối với kẻ thù!
Và câu thứ 15: “Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu” - sức tố cáo sắc bén là thế, văn chương ngời hình ảnh là thế mà cũng chỉ phải dùng tới 12 chữ mà thôi. Còn bức tranh toàn cảnh của phía kẻ thù trước bão táp Cách mạng Tháng Tám thì được vẽ lên bằng một câu rất ngắn: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị” - 9 chữ thôi mà thật là sinh động, thật là sắc bén, làm hiện lên trước mắt người đọc, người nghe cả một cảnh tượng phía kẻ thù vừa tan tác, vừa tiêu điều, vừa thảm hại!
Trong 49 câu của Tuyên ngôn Độc lập có ba câu dài. Dài nhất là câu thứ 42, gồm 58 chữ. Câu dài nhưng không phải là câu phức tạp. Dài nhưng không rối. Nó được xếp đặt theo thứ tự của luận lý thông thường trong suy nghĩ của đông đảo công chúng. Cho nên nó rất dễ dàng thấm vào nhận thức của quảng đại quần chúng nhân dân - đối tượng mà suốt đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết lòng, hết sức phục vụ và Người thường khuyên người cầm bút, người cán bộ cách mạng nói chung, hãy hướng vào đó mà phục vụ.
Trần Trọng Đăng Đàn (Viện Khoa học xã hội)

No comments:

Post a Comment