Sunday, 15 September 2013

Học giả An Chi: Bình thường và khác thường (Phan Hoàng - Văn Nghệ Công An)

Học giả An Chi: Bình thường và khác thường
8:00, 21/03/2013


Học giả An Chi trong phòng làm việc của mình.

Cuối năm 2012, bộ phim tài liệu "An Chi - hành trình thầm lặng" do Lư Trọng Tín viết kịch bản và đạo diễn, được TFS sản xuất trình chiếu đã gây xúc động giới học thuật và những người trọng kiến thức, chữ nghĩa. Được mời tham gia viết lời bình cho bộ phim, với riêng tôi, đó là một vinh dự lớn.
Nhiều người bảo, An Chi không có học hàm học vị cao, chưa từng giữ bất cứ chức vụ gì trong cơ quan nhà nước, lại được làm phim, ắt là khác thường. Thực ra, con người An Chi chẳng có gì bí ẩn cả, chỉ có hành trình cuộc đời lận đận cùng sự dung nạp tri thức và lý luận, kiến giải của ông về học thuật là khác thường mà thôi. Đó cũng là lý do nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng sinh thời trong một bài viết về giới trí thức Việt Nam đương đại đăng trên Báo Tuổi Trẻ, cái tên duy nhất ông nhắc tới là An Chi, với tư cách một người không có bằng cấp cao nhưng lao động khoa học nghiêm túc, chuẩn mực, mang lại niềm tin cho đời sống học thuật nước nhà vốn có lúc thật giả lẫn lộn.
Học giả An Chi còn có bút danh Huệ Thiên. Bút danh này là do ông chơi chữ từ tên thật Võ Thiện Hoa mà đặt thành. Quê ông ở xã Bình Hoà, tỉnh Gia Định, nay thuộc quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Ông sinh năm 1935, thời chống Pháp là học sinh kháng chiến. Ông vốn mang hai quốc tịch Việt và Pháp, nên còn có tên Pháp là Emile Pierre Lucatos. Đây là một "sản phẩm" của lịch sử, bây giờ nghe thấy lạ, nhưng với thế hệ ông điều đó là bình thường.
Hồi nhỏ cậu bé Võ Thiện Hoa thường lẽo đẽo theo ông nội đi thăm một người bạn của nội. Ông này là vị sư trụ trì trong một ngôi chùa nhỏ, hành nghề bốc thuốc Nam chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Ông nội mất, cậu bé họ Võ vẫn theo mẹ đến thăm nhà sư. Lần nọ, vị sư già nhìn cậu bé rồi trầm ngâm quay sang mẹ anh nhỏ nhẹ nói đại ý rằng: Cậu bé này dù có làm gì đi chăng nữa cũng sẽ quay về con đường của chữ "sĩ". Câu nói bất chợt ấy của vị sư già đã "vận" đúng vào đời ông.
Năm 1954, không thuộc diện cán bộ đi tập kết, nhưng vì lòng yêu nước, ông đã vượt tuyến ra Bắc bằng đường hàng không. Ông được một cán bộ lãnh đạo hoạt động bí mật ở miền Nam viết thư giới thiệu với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, nhưng ông cố ý không liên lạc để phải chịu mang tiếng "được tiến cử".  Thay vào đó, ông hăm hở tham gia xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, rồi lại chuyển sang Nhà máy chè Phú Thọ, vừa làm công nhân, vừa nuôi giấc mơ được theo đòi việc học. Ước mơ thành hiện thực, ông ghi danh học lớp sư phạm trung cấp, ra trường được bổ nhiệm về dạy học ở Thái Bình. Chính trong thời gian vật lộn với nghề gõ đầu trẻ đầy gian khó giữa nơi heo hút, ông đã bắt đầu tự học, tích lũy kiến thức làm nền tảng văn hoá cho mình. Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, người gốc Thái Bình hiện sống ở Tp HCM cho biết, ngày ấy ở Thái Bình giới văn nghệ trí thức không ai không biết Võ Thiện Hoa. "Ông ấy là "đặc sản" của Thái Bình đấy. Uyên bác thì khỏi nói rồi, mà dường như vẫn giữ được cái khí phách của người quân tử"!

Đất nước thống nhất, ông lên tàu hoả xuyên Việt về Nam đoàn tụ với mẹ già và người thân, tiếp tục dạy học và nghiên cứu, từ chối mọi đề bạt làm quản lý trong ngành Giáo dục. Sự vượt khó tự học, tinh thông nhiều ngoại ngữ, niềm đam mê chữ nghĩa, nghiên cứu đã đưa con người nhỏ thó, rắn rỏi, điềm đạm này từ vô danh, không học vị học hàm, trở thành tên tuổi quen thuộc đáng kính. Mọi người tìm đọc Huệ Thiên - An Chi qua những bài phản biện sâu sắc, thuyết phục được đăng tải trên chuyên mục "Chuyện Đông chuyện Tây" của Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay và "Từ chữ đến nghĩa" của Tạp chí Đương Thời, rồi tập hợp in thành nhiều tập trong công trình "Chuyện Đông chuyện Tây", "Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm".
Những phản biện về ngôn ngữ và lịch sử của An Chi đề cập từ những vấn đề căn bản, phổ cập của đời sống tới những vấn đề nan giải của học thuật. Ông không ngại đụng chạm đến những kiến giải sai lầm của các "cây đa cây đề" mà trước đó khá lâu giới nghiên cứu dường như tránh đề cập đến. Bản lĩnh hiếm có ấy của An Chi cùng kiến thức sâu rộng, luận chứng cụ thể, được trình bày khúc chiết, dễ hiểu đã được đông đảo bạn đọc cùng giới nghiên cứu đồng tình.
Chẳng hạn ông chỉ ra những chỗ sai trong "Từ điển Truyện Kiều" của GS. Đào Duy Anh và cả những điểm mà GS. Phan Ngọc sửa chữa "nâng cấp" không đúng về cuốn từ điển này. Rồi trong 2 cuốn "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam", "Từ điển từ và ngữ Việt Nam" đều của GS. Nguyễn Lân, ông chỉ ra chính xác những "chỗ sai khó ngờ". Ông cũng chứng minh thuyết phục về sự nhầm lẫn của GS. Hoàng Xuân Hãn trong việc dùng thuyết "tự nhiên" lý giải ngôn ngữ "Truyện Kiều"…
Về lịch sử, An Chi cũng có những công trình đáng chú ý khi kiến giải: "Hùng Vương hay Lạc Vương?", "Vấn đề "thành" của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng", "Mạc Đăng Dung có dâng đất cho nhà Minh hay không?"… Đặc biệt, về vấn đề Mạc Đăng Dung, sau khi đưa ra những sử liệu để phản biện một cách minh bạch, An Chi đã đi đến kết luận: "Vậy thì không làm gì có chuyện Mạc Đăng Dung cắt đất của quốc gia Đại Việt để dâng cho nhà Minh; chỉ có việc sử thần của nhà Lê đã xuyên tạc sự thật lịch sử để hạ nhục nhà Mạc mà thôi". Đặt lại vấn đề này, An Chi còn mong muốn "nhấn mạnh đến lương tâm và trách nhiệm của các sử gia và nhà nghiên cứu lịch sử trong việc ghi chép và việc bình phẩm về hành động của các nhân vật lịch sử".
Sự quan tâm lớn nhất của An Chi là từ nguyên học, một bộ môn vốn còn khá mới mẻ và chưa được chú ý lắm ở Việt Nam. Cũng nhờ đó, ông được giới ngôn ngữ học trân trọng. Giáo sư Cao Xuân Hạo chính là người viết lời tựa cho bộ sách "Chuyện Đông chuyện Tây" nổi tiếng của An Chi. Các nhà ngữ học nổi tiếng hiện nay như Nguyễn Đức Dương, Hoàng Dũng, Lý Việt Dũng cũng luôn đánh giá cao những cống hiến khoa học của ông.
Dù tuổi đã gần bát tuần, nhưng hiện nay An Chi vẫn hăng say làm việc. Phần lớn tiền nhuận bút sách báo ông dành dụm để mua sách. Tủ sách của An Chi chứa đầy sách quý và đây là một trong những thư viện gia đình hiếm có ở nước ta. Giữa thế giới sách được sắp xếp ngăn nắp, học giả An Chi thường lặng lẽ cô đơn đi lại ngẫm ngợi. Trước đây ông chỉ quen dùng bút giấy. Bây giờ ông lại đăm chiêu với máy tính, để viết và kết nối với bạn bè, đồng nghiệp cùng những người đồng điệu chia sẻ với mình.
Học giả An Chi may mắn có được người vợ hiền, đảm đang, chỗ dựa tin cậy và luôn chia sẻ với ông từng trang viết, từng vấn đề khó khăn nảy sinh trong cuộc sống. Bà vốn cũng công tác trong ngành Giáo dục. Ông thổ lộ: "Tôi rất sung sướng và hãnh diện về sự hỗ trợ của gia đình cho công việc của mình. Sau khi tôi phụ trách "Chuyện Đông chuyện Tây" trên Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay một thời gian thì mẹ tôi, vợ tôi, mẹ vợ tôi và dì tôi đều gọi tôi là An Chi một cách thân thương, chứ không gọi tên thật hoặc dùng một từ trực chỉ nào khác. Riêng cậu tôi thì gọi bằng bút hiệu đầu tiên của tôi là Huệ Thiên. Lúc mẹ tôi còn khoẻ thì ngày nào bà cũng quét dọn bàn làm việc của tôi, sắp xếp sách vở, giấy tờ cho ngay ngắn. Mỗi khi có "Chuyện Đông chuyện Tây" số mới, mẹ tôi đều đem ra băng đá trước sân ngồi đọc, bất chấp có hiểu hay không hoặc hiểu đến đâu. Tôi mới dùng máy tính chừng 5 năm trở lại đây. Trước kia, tôi viết tay, thường thì 9 tờ A4 theo cỡ chữ của tôi là vừa một kỳ "Chuyện Đông chuyện Tây". Có khi gần đến ngày nộp bài mà chưa xong, bà nhìn kỹ trên bàn rồi nói nhỏ với vợ tôi: "Mới có mấy tờ hà, con". Bà không muốn con trai mình bị toà soạn trách móc. Vợ tôi cũng không để cho tôi phải bận tâm gì về công việc nhà cửa, kể cả những việc thường lẽ ra phải do người đàn ông lo liệu. Cô ấy lo cho tôi từ cái ăn đến viên thuốc, tóm lại là mọi thứ liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của chồng. Vợ tôi không trực tiếp giúp đỡ tôi trong công việc viết lách nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nhờ cô ấy cân nhắc, lựa chọn từ, ngữ hoặc đọc hộ bản thảo để góp ý...".
Vào mỗi cuối tuần, gia đình An Chi hay đón bạn bè, đồng nghiệp đến thăm. Đồng thời, ông cũng tranh thủ đến thăm bạn bè. Học giả An Chi từng phải ngậm ngùi tiễn đưa những người bạn thân thiết ra đi, như Giáo sư Cao Xuân Hạo hoặc thi sĩ Bùi Giáng láng giềng... Ông cũng luôn nâng niu tình bạn với những người còn lại như Nguyễn Đức Dương, Hoàng Dũng, Lý Việt Dũng, Lê Nguyễn,…
Trước đây, mỗi dịp đến chúc Tết gia đình học giả An Chi, tôi cũng qua thăm người bạn láng giềng của ông là thi sĩ tài danh Bùi Giáng. Số phận đã đưa hai "quái kiệt" Sài Gòn ở cạnh nhau. Bây giờ, bậc tiền bối họ Bùi đã "bay" về trời, chỉ còn lại An Chi cặm cụi với chữ nghĩa. Gặp nhau, những hồi ức đẹp và kỳ dị về đàn anh Bùi Giáng sống lại trong lòng ông…
Bộ phim tài liệu "An Chi - hành trình thầm lặng" là một thành công của đạo diễn Lư Trọng Tín và ê kíp làm phim. Sau những bậc thức giả đáng kính như Cao Xuân Hạo, Nguyễn Tài Cẩn,… qua bộ phim này, khán giả hiểu sâu hơn về một An Chi đã và đang để lại dấu ấn của mình cho đời sống học thuật nước nhà, đặc biệt là từ nguyên học. Hành trình thầm lặng miệt mài từ Võ Thiện Hoa đến Huệ Thiên - An Chi cũng mang lại cho những thế hệ đi sau một tấm gương đáng kính về sự tự học không ngừng, niềm say mê lao động và biết vượt lên số phận khắc nghiệt...

  Phan Hoàng

No comments:

Post a Comment