Tuesday, 3 September 2013

Việt Nam - Hồ Chí Minh với những lời ngợi ca tình hữu nghị Việt - Lào (Trương Sĩ Hùng)


Thứ Hai ,8, Tháng Mười 2012
Bình sinh, Hồ Chủ Tịch có câu thơ chung đúc:
Việt-Lào hai nước chúng ta
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.
Với vai trò lịch sử của Người trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở ba nước Đông Dương. Người khai sinh ra nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đầu tiên ở Đông Nam Á, cũng là người sáng lập ra Đảng Cộng sản Đông Dương—tiền thân của tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam—Lào—Campuchia ngày nay. Chính vì thế, tình hữu nghị Việt-Lào vốn là tự nhiên, khăng khít, khi có chính Đảng Mác—Lênin lãnh đạo ngày càng được củng cố vững chắc, phát triển. Nhiều tác phẩm văn học Lào viết về Việt Nam—Hồ Chí Minh với mọi thủ pháp nghệ thuật truyền thống.
Trong một tác phẩm chính luận, đồng chí Xuvanuvông viết: Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm tới cuộc đấu tranh cứu nước của nhân dân Lào, chăm lo vun đắp mối tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước, góp phần làm cho sự nghiệp cứu nước của nhân dân lào dành được thắng lợi to lớn và vẻ vang như ngày nay. Cách nói, cách nghĩ chân tình, chí lý đó cũng là nguồn cảm hứng thường trực đối với đội ngũ sáng tác văn học Lào đương đại.
Việt Nam—Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh—Việt Nam, nếu chỉ nói một danh từ e không đủ sắc thái trữ tình cho những vần thơ Konlăm—vừa là chất liệu dân ca vừa là hình thức phổ biến đi suốt chiều dài lịch sử chống Pháp và chống Mỹ với các văn nghệ sĩ Lào. Vi-lay-kẹo-ma-ni sử dụng cái tôi trữ tình để gửi gắm tâm tình, suy tưởng có dung lượng lớn:
Việt Nam mến yêu ơi
Nhắc tên anh lòng tôi ngàn vạn nhớ
Thuở ban đầu chung sức đánh giặc Tây
Anh ở bên kia, tôi ở bên này
Chung một dãy Trường Sơn hùng vĩ
Anh và tôi dựa lưng đánh Mỹ
Và:
Anh đi trước, gương sáng dân Lào soi
Đẹp tuyệt vời người đồng chí của tôi.
(Hai anh em sinh đôi—Văn nghệ 8/10/1966).
Hình ảnh giang sơn đất Việt, đất Lào có chung biên giới bởi dãy Trường Sơn hùng vĩ—nhà thơ ví như Hai anh em sinh đôi, gợi cho người đọc thấm thía hơn sức mạnh của trái tim, sức mạnh của khối óc con người. Tiểu kết của khổ bốn của bài thơ, nhạc điệu từ ngữ như bừng sáng, lan xa, lan xa rồi đọng lại… đẹp tuyệt vời—với người đồng chí, từ tuyệt vời chưa trở thành khẩu ngữ, văn phong. Người Lào quen gọi dãy Trường Sơn (theo tiếng Việt) và cũng quen gọi dãy Phu Luông hùng vĩ trùng điệp (thơ Thoong-in). Dưới con mắt Bun-chăn, thi sĩ dùng thủ pháp nhân cách hóa, để hát vang lên miền mến thương tha thiết, niềm mến yêu, gắn bó một mối tình:
Trường Sơn vĩ đại anh ơi
Anh đứng đó tôi tưởng Việt Nam đứng đó
Cho tôi làm đóa Chămpa đang nở
Dâng tặng anh bằng cả trái tim tôi.
(Chung một chiến hào—Văn nghệ 10/1968).
Đấy là cái chung, cái ban đầu anh viết. Đề từ cho bài thơ này, anh trân trọng: Kính tặng nhân dân Việt Nam anh hùng. Chiều sâu cảm xúc còn khiến anh có được nhiều tứ thơ hay, đậm đà hương sắc của cuộc sống ngoài đời:
Chiếc áo rách vai chúng mình chung mặc
Hạt muối cắn chung, trái ướt bẻ đôi
Nỗi buồn vui vì chung quý giọt mồ hôi
Ở trong tôi không biết tự thuở nào
Thấm máu anh những ngày đi đánh giặc.
Phải trải biết bao gian khổ trên chặng đường hành quân kháng chiến, phải nắm bắt hiện thực đến tinh, đến nhạy mới có được những câu thơ như thế. Đúng là ngọt bùi nhớ lúc đắng cay, qua sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm,… Đọc bài thơ dễ dàng chợt nhớ bài thơ kháng chiến chống Pháp của Chính Hữu—bài Đồng chí, nhưng chủ đề thể nghiệm của bài thơ là đương nhiên khác nhau. Ngày đầu kháng chiến (1940-1954), tiếng súng gây tội ác của thực dân Pháp lại diễn ra liên tiếp ở cả hai nước Việt-Lào. Các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã lên đường sang với bạn, sống với dân bản, đi xây dựng cơ sở du kích quân, lấy lòng dân, ý Đảng mà gột dậy phong trào chiến tranh yêu nước, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả mà cùng quân Lào đánh đuổi lũ ngoại xâm, bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, chân lý Cách mạng của chúng ta càng sáng suốt hơn, thủy chung hơn.
Nhà thơ có thể viết về hôm qua-hôm nay-ngày mai, song, mấu chốt thành công vẫn ở tài năng sử dựng ngôn từ và nội dung cụ thể được phản ánh. Hai yêu cầu đó dường như ẩn hiện với cảm hứng sáng tạo, nhưng nó có vai trò quyết định sự chấp nhận của bạn đọc, khẳng định uy tín của tác giả. Giở lại tập Vài hình ảnh Pa-thét Lào chiến đấu in ở Việt Nam năm 1955, Xôm-xi-đê-xa có bài Ngày căm thù 21/3 với những câu thơ nóng hổi:
Chúng tiến vào thị xã
Cho tàu bay bắn phá
Thuyền đồng bào tản cư
Bị bắn chìm mất cả
Thanh niên chúng dẫn tới bờ sông
Bắn chết thả xác trôi theo dòng
Máu Lào-Việt quyện lấy nhau
Đỏ ngầu làn nước…
Đó là ngày 21/3/1946, dưới sự che chở của quân đội Anh, bè lũ Quốc dân Đảng, thực dân Pháp đánh chiếm Thà-khẹc. Hàng ngàn sư sãi, trẻ, già,… đổ máu trước lưỡi lê, họng súng. Ngày đầu trở lại xâm lược nước Lào do thực dân Pháp gây ra trở thành ngày căm thù của nhân dân Lào. Ngày căm thù của nhân dân Lào ghi nhận sự hi sinh vô bờ của chiến sĩ tình nguyện Việt Nam sát cánh cùng quân dân Lào đánh giặc cứu nước. Hai mươi năm sau, khi tuổi đời già dặn, khi ngòi bút còn sung sức, anh viết về Thắng lợi bản Đông, chúc mừng năm mới:
Lào-Việt chiến đấu hợp đồng đặc biệt
Và ở chiến trường Khe-sanh
Chúng tập trung làm nơi bàn đạp
Lùa quân tiến vào Bản Đông
Trực tiếp đến theo đường số 9
Bị Việt Nam chặn gốc, Lào đánh ngọn
Xác địch ngổn ngang đổ xuống ầm ầm.
Thơ Lào rất hay, nhưng trong tay nhà thơ dân tộc Lào rất điêu luyện tiếng dân tộc, nên bản dịch sang Tiếng Việt chưa được hay lắm. Thơ ca chịu sự rung động, đi sâu vào tâm hồn tác giả và độc giả mạnh mẽ nhất còn ở chính môi trường ngôn ngữ xã hội của nó.
Thơ của các bạn Lào viết về Bác cũng vô cùng phong phú. Xôm-xi-đê-xa viết về Việt Nam cứ như nghĩ viết về Bác. Phải chăng, đây đó trong mỗi bước trưởng thành nghệ thuật sáng tác của anh, Việt Nam-Hồ Chí Minh tuy hai mà là một. Đọc thơ anh, ta cứ nghĩ nhà thơ đang suy nghĩ lung lắm, suy nghĩ về Bác biết viết câu thơ như thế nào cho hết ý, hết lời. Hình ảnh cao đẹp của Bác trong nhịp điệu trái tim, trong máu thịt, tâm linh của anh hay chính nhân dân Lào, trọn vẹn là người chiến sĩ Cộng sản kiên cường, mẫu mực.
Đạo đức của Người là tấm gương trong
Cần, kiệm, liêm, chính, sắt son một lòng
Trọn cuộc đời 79 năm-hy sinh tận tụy
Chẳng chút vì mình, chỉ vì Việt Nam, vì năm châu
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Công sức của Người hơn cả lúc bình sinh.
Thật sự có tâm lý chung trong nhân dân Lào-Việt, hằng mong muốn được Bác đến thăm, muốn được Bác ân cần chỉ bảo, ôm hôn. Bác đến trong lương tri mọi người ấm áp, hiền từ, độ lượng, thương yêu như người cha, người ông muôn vàn kính mến từ ngàn xưa tụ lại. Nhưng rồi, sự thật phũ phàng đưa Bác đi gặp cụ Các Mác—Lênin, trái đất nghiêng mình trước anh linh Bác. Nhà văn Xu-văn-thon bày tỏ lòn tôn kính với Bác rằng:
Mọi tầng lớp nhân dân Lào
Yêu mến Bác như người nhà, chẳng khác
Dù chỉ một lần, cầu mong Bác sang chơi
Mà giờ đây cả nước Lào nhớ Bác-Bác đi xa.
Cảm xúc thơ xuất phát từ tình người. Bác trở thành nguyên mẫu cho các loại hình nghệ thuật. Tuy nhiên, bằng sự quan sát thực tiễn lịch sử, Xu-văn-thon muốn thủ bút thi ca với hình ảnh sinh động của Bác trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Lào-Việt. Ngay từ cuối thế kỷ XIX—đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam có Phan Đình Phùng, Đốc Ngữ, Đề Thám,… thì ở Lào cũng dấy lên cao trào chống Pháp trong lòng dân, vua Hàm nghi được nhân dân Lào chở che, để giúp ông nuôi chí phục thù. Các thủ lĩnh Kôm-ma-đam Phô-xa-đuột, Chậu-pha-pa-chay,… tập hợp nhân dân Lào đứng lên chống Pháp. Rốt cục, khi chưa có chính Đảng lãnh đạo, các cuộc khởi nghĩa đó chỉ nhóm lên ngọn lửa truyền thống yêu nước của dân tộc một thời rồi dịu tắt. Chỉ có Bác Hồ—người Việt Nam yêu nước đầu tiên đã mang lại chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin cho nhân dân hai nước Lào-Việt, cho niềm tin tất thắng của Cách mạng vô sản ở mỗi nước. Xu-văn-thon sử dụng thơ ca nói lên ý đó:
Bác Hồ Chí Minh ơi
Bác là Phi-tun ngọc quý
Trái đất này chẳng có ai sánh kịp
Đời Bác như ngọn đuốc vĩ đại
Soi đường cho bà con thức tỉnh nơi nơi…
Năm 1969, ngày đau thương vô hạn của toàn thể loài người, Bác Hồ mất ngày 3/9. Không cam tâm làm nô lệ cho phong kiến, đế quốc, nửa thế kỷ Bác dắt dìu từng giây, từng phút, nhân dân Lào-Việt đoàn kết bên nhau, kề vai sát cánh sướng khổ vui chung, kiên quyết đánh đuổi Pháp, Mỹ dành độc lập—tự do, gắng xây dựng giang sơn giàu đẹp. Thế mà, sự thật, ngày 3 tháng 9 năm 1969, Bác đã đi xa, giờ phút đau thương vô hạn vụt trở thành thiêng liêng, hóa thành con người bất tử. Giữa lúc nhân dân Việt Nam phải chịu nỗi đau thương không có gì sánh nổi, nhân dân Lào hòa quyện mình, chia sẻ nỗi đau chung. Nhà thơ Xôm-xi-đê-xa viết:
Ôi, năm 69 này
Mãi mãi là những ngày đau thương nhất
Những ngày vô hạn đau thương
Vì phải vĩnh biệt người
Ngày mồng 3 tháng 9
Trời đất bỗng tối sầm
Mặt trăng, mặt trời u ám
Mưa rơi tầm tã ngày đêm
9 giờ 47 phút
Giờ khắc thiêng liêng
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Viên ngọc quý của bản mường
Đã vĩnh biệt đi xa
Đã về nơi vĩnh viễn
Có trái tim nào không đập mạnh hôm nay.
Song, dù muốn hay không, không ai có thể cưỡng lại quy luật được. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân càng đau thương, nhớ Bác, tỏ lòng biết ơn Bác là phải trấn tĩnh lại, biến đâu thương thành hành động Cách mạng, mỗi người hãy mang hết sức mình cho Tổ quốc, sống vì Đảng, chết vì dân, để sớm thực hiện lý tưởng cao đẹp của Bác, độc lập-tự do và chủ nghĩa xã hội: Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Khi viết bài thơ này, Xôm-xi-đê-xa đi từ việc Vĩnh biệt đau thương đến Về nơi vĩnh viễn của Bác đến Thiêng liêng, thơ có kết cấu chặt chẽ như thế mà thật rung động lòng người quả không dễ có:
Người để lại một lời di chúc
Còn quý hơn mọi châu báu ngọc ngà
Lời di chúc tương lai chỉ hướng
Gương sáng soi năm châu bốn bể
Rọi chiếu khắp nhân gian
Soi sáng mãi không bao giờ tắt
Tuy đã đi rồi
Lời di chúc do chính tay Người viết
Nét bút của Người
Còn đó cho ta…
Văn học hiện đại Cách mạng Lào viết về Bác có sự đóng góp của nhiều thế hệ tác giả. Có người đi suốt hai cuộc kháng chiến như Xôm-xi-đê-xa và có người bắt đầu xuất hiện trong cao trà chống Mỹ. Đặc biệt, ở phần dầu tác phẩm Một vài kinh nghiệm chính và một số vấn đề về phương hướng mới của Cách mạng Lào (1979), đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn (Tổng Bí thư Đảng nhân dân Cách mạng Lào) đã viết: Do tìm được chân lý vĩ đại từ Cách mạng tháng Mười: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường Cách mạng vô sản. Đồng chí Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế đã truyền bá vào Đông Dương chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin, gắn phong trào Cách mạng Đông Dương với phong trào Cách mạng thế giới.
Tình hữu nghị Việt-Lào mãi xanh tươi, đời đời bền vững, chắc chắn đề tài Việt Nam-Hồ Chí Minh trong văn học Lào sẽ còn nhiều tác phẩm hay hơn nữa. Nhân dân Việt Nam trân trọng cảm ơn, giữ gìn và thưởng thức văn học Lào như chính nền văn học của mình.
Việt Nam—Hồ Chí Minh đã trở thành danh từ quen thuộc trên toàn cầu. Hà Nội—thủ đô nghìn năm văn hiến và Viêng Chăn—kinh thành khởi sắc đang cùng nhau vươn tới trở thành hai trung tâm văn hóa làng giềng, có quan hệ ngày càng gắn bó.

No comments:

Post a Comment