Friday, 27 September 2013

Gặp lại những người thân của nữ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi (Thái Thanh - Công An Thanh Hóa)

Thứ ba, 30/09/2008, 16:11 GMT+7

Cách đây 58 năm, ngày 27/9/1950 tại vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hoá, Điệp báo Nha Công an Trung ương phối hợp với Công an Thanh Hoá đã lập chiến công vang dội, đánh đắm Thông báo hạm Amiôđanhvin của thực dân Pháp. Trong trận đánh lịch sử đó, nữ điệp báo CAND Nguyễn Thị Lợi (Bí số A16) đã anh dũng hi sinh. Ghi nhận công lao to lớn đó, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi...
   Tại thị xã Sầm Sơn hiện nay có một ngôi trường và một con đường mang tên Nguyễn Thị Lợi. Tượng đài nữ Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi được đặt trang trọng tại khuôn viên Công an tỉnh và tại trường PTTH Nguyễn Thị Lợi (Thị xã Sầm Sơn). Chiến công vang dội của tổ điệp báo viên và sự hi sinh anh dũng của nữ Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi sẽ trường tồn cùng dân tộc. Đó không chỉ là niềm tự hào của lực lượng CAND mà còn là niềm tự hào của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thanh Hoá trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc.
     Sau gần 60 năm do điều kiện chiến tranh gia đình ly tán, do hoàn cảnh cuộc sống và điều kiện công tác, vừa qua những người con, cháu của nữ Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi ở Hưng Yên, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mới có dịp về thăm Thanh Hoá, mảnh đất đã từng cưu mang, đùm bọc và là nơi mà bà đã công tác, chiến đấu và anh dũng hi sinh.

Bên tượng đài của nữ Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi tại Công an tỉnh

    Địa điểm đầu tiên mà những người thân của Nguyễn Thị Lợi đến thăm là Công an tỉnh Thanh Hoá nơi còn lưu giữ nhiều tư liệu, hình ảnh và hiện vật về chiến công đánh đắm Thông báo hạm Amiôđanhvin và sự hy sinh anh dũng của liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi. Dưới trời thu hửng sáng, tượng đài của bà được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong khuôn viên Công an tỉnh Thanh Hoá, thay mặt Lãnh đạo Công an tỉnh, Đại tá Tống Xuân Giáp – Phó giám đốc CA tỉnh và lãnh đạo các phòng chức năng, Ban công tác phụ nữ Công an tỉnh cùng các con, cháu, gia đình nữ Anh hùng Nguyễn Thị Lợi đã dâng hương tưởng niệm nhớ đến chiến công và sự hi sinh thầm lặng của người nữ điệp báo viên năm xưa.
    Những người con của bà kể cả những người do bà sinh ra và những người con riêng sau này của chồng  bà đều vô cùng xúc động khi nhìn thấy tượng đài Người mẹ cao cả của mình trong khuôn viên công an tỉnh Thanh Hoá với dáng vẻ hiên ngang, dũng cảm, tự tin, nén lại nhớ thương, sẵn sàng đi làm nhiệm vụ cho cách mạng. Những người con của bà giờ đây đều luống tuổi, tóc đã điểm bạc, quây quần, vịn tay và ôm tượng đài mà tưởng rằng mình đang được sà vào lòng mẹ, đang được mẹ âu yếm như những ngày thơ bé.
     Bà Nguyễn Thị Tường Vân người con gái mà Nguyễn Thị Lợi đã gửi lại gia đình trong những ngày Toàn quốc kháng chiến năm nay đã 66 tuổi. Ngày mẹ hi sinh bà mới lên 6 tuổi và đâu có biết gì. Chỉ đến khi, ông Hoàng Đạo – Nguyên trưởng ty Công an Thanh Hoá, Tổ trưởng tổ điệp báo vơí bí số A13 và cũng chính là người chỉ huy trực tiếp, dìu dắt, cưu mang, đưa Nguyễn Thị Lợi trở thành nữ điệp báo viên đã tìm gặp, làm theo đúng ước nguyện của người nữ Anh hùng trước lúc hi sinh thì bà mới hiểu được rằng mẹ bà sẽ không bao giờ có thể quay về với bà được nữa. Giờ đây, đã là bà nội, bà ngoại nhưng quì bên tượng đài, sờ lên tay, lên chân người mẹ anh dũng của mình bà vẫn nghĩ rằng mình còn rất nhỏ bé. Bà thầm hứa với mẹ sẽ nuôi dạy các con, các cháu nên người để sao cho xứng đáng với sự hi sinh cao cả của mẹ.
    Bà Nguyễn Thị Thu Yến là con dâu cả của nữ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi năm nay đã 72 tuổi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, cởi mở, xúc động nói rằng: “Khi tôi về làm dâu thì mẹ chồng đã hi sinh được gần 10 năm rồi. Tôi cũng đi làm cách mạng nên tôi đã hiểu rằng sự cống hiến, hi sinh của mẹ chồng tôi đã góp phần vào sự nghiệp cách mạng của đất nước, chúng tôi rất tự hào về điều đó. Mặc dù chồng tôi cũng đã mất, nhưng tôi vẫn hàng ngày thay chồng tôi thờ phụng bố, mẹ và nuôi dạy các con, các cháu nên người để xứng đáng với mẹ tôi”.
    Ông Nguyễn Quang Hưng nguyên là Giám đốc Công ty Liên doanh Việt Nam – Cu Ba là con thứ 5 trong gia đình và là con riêng của chồng nữ liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi với người vợ sau này đã tự hào nói rằng: “Mẹ tuy không đẻ ra tôi nhưng mẹ là mẹ của các anh, các chị tôi và chúng tôi. Tôi tự hào về mẹ tôi”.
    Cũng nhân dịp này, đoàn cán bộ Công an tỉnh Thanh Hoá, Câu lạc bộ Công an hưu trí Công an tỉnh cùng những người con, cháu của nữ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi đến thăm gia đình và thắp hương tưởng  nhớ ông Cao Sĩ  Quyết là một trong những dân quân xã Quảng Tiến năm xưa đã lái đò chở người mẹ anh hùng của họ ra chiến hạm Amiôđanhvin của thực dân Pháp để làm nhiệm vụ. Đoàn cũng đã đến thăm, gặp gỡ thầy cô giáo  trường PTTH mang tên người nữ anh hùng Nguyễn Thị Lợi tại phường Trung Sơn, Thị xã Sầm Sơn. Những người thân của người nữ Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi cũng đã đến nơi mà cách đây 58 năm người mẹ, người bà của họ đã giã từ bà con xóm chài Sầm Sơn, xách valy thuốc nổ xuống tầu giặc để cảm tử hi sinh cho Tổ Quốc.
Những người thân của  Nguyễn Thị Lợi đứng trước biển để tưởng nhớ người Anh hùng

    Trước khi chia tay rời Thanh Hoá, những người con, người cháu  của nữ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi xúc đông, bin rịn và tri ân những đồng đội, những người đã giúp đỡ mẹ, bà của họ làm nên chiến công vang dội trong lịch sử, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, bầy tỏ sự biết ơn sâu sắc tới Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân và Công an tỉnh Thanh Hoá đã trân trọng, khắc ghi, nâng niu những di vật, hình ảnh của nữ Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi để giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu sau này học tập và noi theo./.
Thái Thanh

No comments:

Post a Comment