Một biểu hiện của lòng yêu nước | |
Vũ Hạnh (Nhà văn) | |
Trong các vị lãnh tụ trên thế giới này, từ xưa đến nay, hẳn không một ai biết nhiều ngoại ngữ như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Riêng về tiếng Hoa, không chỉ nói thông viết thạo, Người còn có những sáng tác giá trị, nhưng Người từng gọi “người dân quân gái” thay vì là “nữ dân quân”. Khi chính sách phòng hỏa, cứu hỏa đưa lên cho Người phê duyệt, Người đã vội vàng sửa ngay là “phòng cháy, chữa cháy”. Những chuyện như vậy rất nhiều, thể hiện rất rõ quan điểm của Người là không nên lạm dụng tiếng nước ngoài và chỉ“những chữ ta không có sẵn và khó dịch đúng thì cần phải mượn (…) Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc (…) Của mình có mà không dùng, lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao?”(1).
Trong Hồ Chí Minh toàn tập đã có trích dẫn khá nhiều những lần Người đã khuyên bảo là nên bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, khiến ta nhớ lại câu nói của một nữ văn sĩ Pháp “sử dụng đúng đắn tiếng nói của dân tộc mình là một biểu hiện của lòng yêu nước”(2).
Khốn nỗi, hiện nay không chỉ trên các đường phố mà trên báo, đài những tiếng nước ngoài đã được sử dụng hết sức tràn lan. Ngoài những ô kê, bái bai loạn xạ, còn là cực hot, tuổi teen nhan nhản và nhiều bảng hiệu vẫn rặt thứ tiếng nước ngoài. Lòng tự trọng dân tộc – thông qua lời nói, cách nói – đã bị thương tổn nặng nề. Ngày trước, dưới chế độ cũ, đa số những người chủ chốt trong các cơ quan đã được đào tạo nhiều năm ở Mỹ, gọi là “tổ hợp trí tuệ” (brain-trust), nhưng trong đời sống và trên báo đài, tiếng Mỹ rất bị hạn chế, và chẳng hề nghe nói đến em xi (MC), nói đến hót (hot)hoặc là huau, huau (wow) cùng nhiều từ ngữ khác nữa rất là buồn cười vì nó nhí nhố một cách thảm hại. Ai cũng thừa hiểu học tiếng nước ngoài là để mở rộng giao tiếp đồng thời tiếp thu cái hay, cái đẹp của người thiên hạ, chứ không để làm cho văn hóa mình trở thành tồi tệ, lai căng. Về vấn đề này, Bác Hồ cũng đã nhắc lại câu nói của ông bà ta “Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ” và ta lại nghĩ đến giải Nobel mà không ít người – gọi là có học – trong xã hội ta lên tiếng với niềm khao khát, mà quên hẳn rằng cái giải rất lớn lao ấy là một công cụ văn hóa để Mỹ mở rộng quyền lực của mình, và phải đáp ứng điều kiện từ yêu cầu ấy mới là “thí sinh” của giải. Vì vậy, dù được trao giải Nobel, nhưng người Việt Nam – cụ Lê Đức Thọ – đã từng chối từ, không nhận.
---------
(1) Trang 615, tập X, Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính Trị Quốc Gia, 1996.
(2) Bà Lucie Delarue-Mardrus – báo Liberté (Tự do), năm 1933.
No comments:
Post a Comment