Friday, 27 September 2013

Điệp viên A14 - một thời oanh liệt (Thùy Linh - Công An Nhân Dân)

Phóng sự - Tư liệu 
Sau điệp vụ nổ Thông báo hạm hạng nhất Amyot D'Inville ông Kim Sơn vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng khẩu súng ngắn mà hiện nay đang được trưng bày tại Bảo tàng Công an nhân dân - số 1 - phố Trần Bình Trọng - Hà Nội.
Đã ở độ tuổi ngoài 80 - cái độ tuổi mà không phải ai cũng dám mơ đến, nhưng ông vẫn nhanh nhẹn hoạt bát như cái thời đầy nhiệt huyết, hăng hái, say sưa với những mạo hiểm, phong lưu của thời trai trẻ. Trong cuộc đời làm điệp báo, ông đã từng lập nên nhiều chiến công làm cho quân đội Pháp ở Đông Dương lúc đó hoang mang, bị động, không kịp trở tay. Một trong những chiến công điển hình là tạo vỏ bọc trong lòng địch: "Đại úy hộ phòng ngự lâm quân" của Chính phủ Bảo Đại và với tấm "Giấy chứng nhận" do Phòng Nhì Pháp cấp, ông đã tung hoành một thời trong chính giới của Chính phủ Bảo Đại và sự bảo hộ của Pháp.
Để có được những kỳ công ấy ông đã phải trải qua biết bao nhiêu gian truân, nguy hiểm, những lần thử thách của địch và cả sự hy sinh một mất một còn trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, đơn độc trong lòng địch. Ông là Nguyễn Kim Sơn, điệp viên A14 trong tổ điệp báo A13 của Công an Hà Nội năm xưa.
Tổ điệp báo A13 (từ trái qua phải Kim Sơn, Hoàng Đạo, Chu Duy Kính) trực tiếp đánh Thông báo hạm Amyot D'Inville của thực dân Pháp tại vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hoá (27/9/1950).

Sinh năm 1928 trong một gia đình buôn giàu có tại Sài Gòn hoa lệ, Nguyễn Kim Sơn sống chủ yếu tại Campuchia cùng gia đình bằng nghề buôn bán. Ông tốt nghiệp trung học tại Campuchia. Đầu năm 1945, tình hình chính trị ở Đông Dương có những biến động lớn. Nhật đảo chính Pháp. Ông cùng gia đình trở về Sài Gòn. Khi về đến quê hương, ông bắt gặp không khí sôi động của phong trào cách mạng. Với trí thông minh, thích mạo hiểm, và rất đào hoa, Nguyễn Kim Sơn nhanh chóng đến với cách mạng. Ông tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại Sài Gòn và là nhân viên Quốc gia tự vệ cuộc quận Phú Nhuận - Sài Gòn.
Ngày 23/8/1945, Sài Gòn và các tỉnh miền Nam lần lượt bị thực dân Pháp tái chiếm. Thực hiện chỉ thị của Đảng, ông cùng một số cán bộ tập kết ra Bắc và được cử theo lớp Công an trung cấp Liên khu III tại Chợ Dầu thuộc Phủ LýNam Hà.
Trong lễ bế giảng, vì khâm phục tài diễn của Kim Sơn trong vở kịch do chính Kim Sơn viết kịch bản lại trực tiếp đóng 3 vai, ông được đồng chí Nguyễn Phủ Doãn (tức Nguyễn Tạo, tức Trần Châu Phong) lúc đó là Trưởng "Ty tập trung tài liệu" Nha Công an Trung ương để ý và quyết định chọn ông về làm việc tại Chi Lam Điền -  Nha Công an Trung ương, với nhiệm vụ tiêu diệt tề điệp, ác ôn trên tuyến quốc lộ số 5 Hà Nội - Hải Phòng.
Cũng tại đây, tài năng của Kim Sơn được ông Lê Văn Lăng - Trưởng Chi Lam Điền - Nha Công an Trung ương xây dựng một kế hoạch lâu dài hoạt động ngầm trong lòng địch thu thập tin tức tình báo phục vụ kháng chiến.
Bằng những cú lừa ngoạn mục, Kim Sơn đã trở thành nhân vật vô cùng quan trọng trong âm mưu lôi kéo những người kháng chiến ly khai quay về phục vụ chính quyền Bảo Đại mà thực dân Pháp đang rắp tâm thực hiện. Ông trở thành đầu mối quan trọng duy nhất trong việc "đưa đại đội độc lập thuộc Trung đoàn 48 của đại đội trưởng Hồng Quân, một nhân vật người Nam Bộ" được ông thủ vai để đánh lừa địch. Sau những thành công bước đầu, ông hào hứng chuẩn bị cho vai diễn của mình trong một điệp vụ mới.
Sau thất bại chiến dịch Thu - Đông năm 1947, Thực dân Pháp tăng cường hoạt động thu nạp những người không cộng tác với Chính phủ Hồ Chí Minh, tiếp tục thực hiện sách lược "dùng người Việt đánh người Việt" trong kế hoạch mở rộng vùng chiếm đóng, âm mưu đánh chiếm khu IV (vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh), vì chúng biết đây là khu vực căn cứ cung cấp lương thực, thực phẩm và nhân lực cho kháng chiến của ta, do đó chúng dự định tìm kiếm, lợi dụng những tổ chức chống đối để tấn công căn cứ Việt Minh.
Cũng thời điểm này, một tổ điệp báo mang bí số A13 do Công an Hà Nội chỉ đạo đã tiến hành những cuộc thương thuyết giữa "Phục quốc Việt Nam" gọi tắt là "Phục Việt" (do Hoàng Đạo, Trưởng ty Công an Thanh Hoá làm "đảng trưởng") với Phòng Nhì Pháp và đi đến kế hoạch thống nhất: "Phục Việt" sẽ khởi nghĩa ở Khu IV cướp chính quyền từ tay Việt Minh, sau đó Pháp sẽ đổ quân hỗ trợ cho Phục Việt, tiến tới khởi nghĩa của các đảng phái phản động trong toàn quốc. Kế hoạch được trù tính vào khoảng cuối năm 1949 ngay sau Đại hội của tổ chức Đảng Phục Việt.
Tình hình chính trị lúc này có những yêu cầu đòi hỏi phải bảo toàn lực lượng, cấp trên yêu cầu phải chấm dứt vai trò của tổ. Trước khi rút, tổ điệp báo được phép tìm mục tiêu đánh một trận thật lớn gây tiếng vang cho cuộc kháng chiến của ta, làm tiêu hao sinh lực địch.
Với vai trò là một "Đại úy hộ phòng ngự lâm quân", hộ tống trực tiếp Hoàng Đạo - "Quốc vụ khanh của chính phủ Bảo Đại", cùng Quốc trưởng Bảo Đại và nội các Trần Văn Hữu vào Nam ra Bắc bằng chuyên cơ Dakota, trong đầu óc phiêu lưu của Nguyễn Kim Sơn một kế hoạch bắt cóc nội các được hình thành. Song không thể thực hiện được bởi tính an toàn cho đồng đội không khả thi. Ông không nản chí mà nghĩ ngay đến một dự định táo bạo nhưng đảm bảo hơn.

Đó là việc tổ chức bí mật bắt 3 tên Việt gian (ngày 15/9/1949) khống chế và khai thác (gồm Đinh Xuân Cầu - mật thám của Pháp, Lê Quang Thiện - đại biểu Quốc dân đảng và Nguyễn Văn Hướng - nguyên Tổng bí thư đảng Đại Việt từ vĩ tuyến 16 trở vào) do tuần dương hạm Annamite đưa vào Sầm Sơn bàn kế hoạch đánh khu IV. Để giữ được mạng sống, Đinh Xuân Cầu gửi thư về thông báo với Phòng Nhì về "thắng lợi" bước đầu và yêu cầu chuyển vũ khí, điện đài, quân trang, quân dụng vào cho "Phục Việt".
Kế hoạch đánh Thông báo hạm được Nha Công an Trung ương nhất trí, đồng chí Nguyễn Duy Soạn - Phó Giám đốc Ty Công an Hà Nội được cử vào chỉ huy trực tiếp trận đánh. Theo kế hoạch, công tác chuẩn bị phải được tính tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất. Ngay cả khả năng xấu nhất là Dupra, Barberit hoặc Jacquemin phát hiện ra Kim Sơn còn sống thì thật là nguy hiểm cho tính mạng của cả tổ điệp báo. Song tình hình lúc này không thể khác bởi ngoài Kim Sơn không ai thông thạo tiếng Pháp như anh, do đó buộc phải dựa vào việc hóa trang tài tình của tổ.
Thật may mắn, mọi điều lo ngại đều đã vượt qua. Công việc thuận lợi ngoài sức tưởng tượng. Đúng đêm 26/9/1950, chiếc Thông báo hạm hạng nhất Amyot D'Inville, dài 150 thước, rộng 15 thước - là chiếc tầu lớn nhất của Pháp đã từng lập nhiều "chiến tích" trong Đại chiến thế giới thứ II, đậu ngoài khơi có nhiệm vụ trao cho Phục Việt vũ khí, điện đài và đón "bà Quốc vụ khanh" ra Hà Nội.
Theo kế hoạch, Kim Sơn trong vai thông ngôn của Hoàng Đạo, hộ tống "ông bà Hoàng Đạo" lên tàu (Đồng chí Nguyễn Thị Lợi, nhân viên điệp báo Ty Công an Hà Nội đóng giả vợ "Quốc vụ khanh"). Đồ tư trang của "bà" là chiếc valy quần áo cùng một lượng thuốc phiện (đóng giả, được hóa trang cẩn thận bên trong là khối thuốc nổ) với mục đích mang ra Hà Nội để "lo kinh phí cho Phục Việt".
Kim Sơn hoàn thành xuất sắc vai diễn thông ngôn của mình trong suốt thời gian tiếp xúc với quan thầy Pháp trên Tàu để đồng đội thực hiện kế hoạch đặt chiếc valy thuốc nổ ngay sau khoang lái, bố trí cho "bà Hoàng Đạo" nghỉ trên tàu, sau đó cả tổ rút về bờ an toàn.
Tại núi Độc Cước, thuộc vùng biển Sầm Sơn, tổ điệp báo hồi hộp chờ đợi. Sau hơn 1 tiêng đồng hồ lo âu, thắc thỏm, bỗng, một tiếng nổ long trời lở đất vang lên phía ngoài khơi xa. Một cột nước bốc lên trắng xóa. Chiếc thông báo hạm dần dần chìm xuống biển khơi mang theo gần 200 lính thủy thủ Pháp cùng toàn bộ trang thiết bị phương tiện, vũ khí, điện đài chìm đắm xuống biển khơi. Cả tổ reo lên mừng rỡ bởi chiến thắng. Cũng lúc đó, từ trong sâu thẳm của lòng mình, ông cùng đồng đội bỗng lặng đi vì sự hy sinh cao cả của người nữ điệp báo Nguyễn Thị Lợi. Trong mất mát đau thương ấy, điệp vụ của tổ điệp báo A13 đã kết thúc hoàn toàn thắng lợi.
Đối với Kim Sơn, trong cuộc đời binh nghiệp của mình, chắc ông cũng cảm nhận rằng đây là màn kịch lớn nhất trong đời với những ấn tượng sâu sắc không bao giờ nhạt phai. Bởi riêng ông sau điệp vụ này ông còn vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng khẩu súng ngắn mà hiện nay đang được trưng bày tại Bảo tàng Công an nhân dân - số 1 - phố Trần Bình Trọng - Hà Nội.
Bây giờ ở tuổi 82, người cán bộ điệp báo ấy vẫn sống với bộn bề bao kỷ niệm quá khứ của một thời oanh liệt. Còn nhớ, trong dịp ra thăm lại Hà Nội, cũng đúng vào dịp khánh thành Bảo tàng CAND, tháng 8/2000, ông đến tham quan Bảo tàng Công an nhân dân. Đứng lặng hồi lâu trước pho tượng của Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi - người đồng đội kiên cường của ông, ông ngắm lại những kỷ vật thiêng liêng của đời mình từng lừng lẫy, phong ba một thời nay đã đi vào lịch sử như một huyền thoại. Ông nghẹn ngào không cất nổi thành lời, một tâm trạng, một cảm xúc lạ kỳ mà chính ông không sao diễn tả nổi
Thuỳ Linh

No comments:

Post a Comment