Friday, 27 September 2013

Nữ anh hùng của tổ điệp báo A13 trong truyện của nhà văn Văn Phan (Nguyễn Thị Việt Hà - Văn Nghệ Công An)

Trang nhất > Văn Nghệ Công An > Tư liệu văn hóa
Nữ anh hùng của tổ điệp báo A13 trong truyện của nhà văn Văn Phan
8:09, 10/04/2005


Bìa cuốn sách của nhà văn Văn Phan.

Chị tình nguyện trở thành một cảm tử quân hóa thân cùng tiếng nổ trên Thông báo hạm Amyot D’inville nổi tiếng một thời. Đó là nữ anh hùng Nguyễn Thị Lợi - nhân vật trong một cuốn tiểu thuyết tư liệu “người thật việc thật” của nhà văn Văn Phan.
Nhà văn Văn Phan là thế hệ những nhà văn có những đóng góp và tâm huyết với văn học đề tài an ninh quốc phòng - đề tài vốn vẫn được xem là một lãnh địa khó với nhiều người cầm bút. Ông đã đạt được thành công với mảng tiểu thuyết tư liệu, trong đó có những cuốn sách có giá trị được nhiều người nhắc đến như “Đội Công an số 6”, “Lớn lên với Điện Biên”, “Đoàn mật vụ của Ngô Đình Cẩn”…
Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot D’inville” được nhà văn suy  nghĩ, nung nấu trong nhiều năm. Ông đã dành thời gian chăm chút tư liệu, cố gắng tái hiện những biến cố, diễn biến các sự kiện và tính cách các nhân vật có liên quan đến tổ điệp báo A13 huyền thoại.
Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot Dinvill” ra đời đã nhận được sự đón nhận tích cực của độc giả vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân. Tác phẩm cũng được tặng thưởng của Ban Văn học An ninh Quốc phòng của Hội Nhà văn năm 1995.
Nhà văn Văn Phan không phải là người đầu tiên tiếp cận, khai thác, tái hiện chiến công của tổ điệp báo A13. Trước đó, nhà văn Lê Tri Kỷ đã có cuốn Câu lạc bộ chính khách và nhà văn Nguyễn Đình Lạp với tập Chiếc valy và nhiều bài báo đã được in rải rác trên các báo, tạp chí. Tuy nhiên những tác phẩm này vẫn chưa tái hiện được tầm vóc, những chiến công, sách lược cũng như những mối nguy hiểm mà tổ điệp báo A13 đã vượt qua.
Nhà văn Văn Phan cho biết, các nhân vật trong tiểu thuyết này hầu hết là có thật, trong đó có nhân vật nữ là bà Nguyễn Thị Lợi. Bà Lợi nguyên là một phụ nữ Nam Bộ, lấy chồng người Hưng Yên và theo chồng ra Bắc, nhưng lại chịu phận làm lẽ. Cảnh “chồng chị chồng em” không đem lại cho bà một cuộc sống êm đềm, hạnh phúc, vậy là bà lại phải tìm đường vào Nam.
Trên đường về lại quê nhà, đến Thanh Hóa bà gặp được đồng chí Hoàng Đạo là Trưởng ty Công an Thanh Hóa, là người đồng hương Nam Bộ đã giúp đỡ để về quê. Nhưng vào đến Hoàng Mai thì bà gặp phải một ổ tập kích, nên phải quay trở lại. Một đứa con của bà Lợi đã bị chết.
Tại Thanh Hóa, người vợ của đồng chí Hoàng Đạo đã giúp đỡ bà Nguyễn Thị Lợi vào làm phụ cấp dưỡng ở Ty Công an Thanh Hóa. Về sau bà được cảm hóa và vào tổ điệp báo A13, cùng với các đồng chí tình báo cốt cán như Kim Sơn, Hoàng Đạo và Hải (tức Chu Duy Kính). Khi tổ chức quyết định đánh phá một thông báo hạm, chị Nguyễn Thị Lợi trong vai là phu nhân của đồng chí Hoàng Đạo - lúc ấy là Quốc vụ khanh - đã nhận nhiệm vụ là một người cảm tử, được tổ chức gửi vào thông báo hạm cùng với một khối thuốc nổ lớn.
Nữ học viên Học viện ANND bên tượng Anh hùng Nguyễn Thị Lợi.

Thông báo hạm Amyot D’inville nổ tung, tan xác hơn 200 sĩ quan và binh lính Pháp cùng hàng trăm tấn vũ khí, khí tài hiện đại của địch. Người phụ nữ can trường ấy thanh thản nằm lại trong lòng biển Đông nhưng chiến công của bà và của tổ điệp báo A13 huyền thoại còn mãi trong lịch sử ngành Công an Việt Nam.
Trong quá trình đi sưu tầm tài liệu để tái hiện Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot D’inville, nhà văn Văn Phan đã may mắn được chính những thành viên lão thành trong tổ điệp báo A13 kể cho nghe những câu chuyện có thật trong quá trình hoạt động. Đó là các ông Kim Sơn, Hoàng Đạo, Chu Duy Kính…
Tác giả đã bỏ khá nhiều thời gian, công sức đi tìm hiểu, tiếp xúc với những người trong cuộc, tra cứu hồ sơ, tài liệu lưu trữ, cùng các nhân vật về lại những vùng đất căn cứ cách mạng xưa để khảo sát, kiểm chứng, chắp nối các thông tin. Ông so sánh, lựa chọn, cân nhắc các chi tiết và huy động trí tưởng tượng để chọn bối cảnh sao cho thật hợp lý.
Nhà văn đặc biệt chú ý tới nhân vật bà Ba Lợi trong quá trình nhận một nhiệm vụ quan trọng như vậy. Ông cho biết: “Tôi rất xúc động khy nghĩ đến tâm lý của nhân vật nữ là bà Nguyễn Thị Lợi khi đối diện với cái chết đang đến gần với mình từng giây từng phút”.
Trong dòng tâm sự với độc giả cuốn “Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot D’inville”, với tư cách là nhân vật còn sống, ông Hoàng Đạo xúc động viết: “…Càng thương tiếc người điệp viên Nguyễn Thị Lợi, trước lúc vĩnh biệt, lời trối trăng của chị như còn văng vẳng bên tai. Giờ đây, tôi phải sống trọn lời thề của mình trước người đã khuất…”.
Ngày 3/8/1995, bà Nguyễn Thị Lợi đã được Nhà nước ta truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND
  Nguyễn Thị Việt Hà

No comments:

Post a Comment