Friday, 27 September 2013

Người chèo thuyền cuối cùng còn sống trong trận đánh đắm Thông báo hạm A-miô-đanh-vin lịch sử (Phương Thủy - Công An Nhân Dân)



Ở Công an Thanh Hóa, trước mỗi trận đánh lớn, CBCS lại thắp hương trước tượng đài nữ anh hùng Nguyễn Thị Lợi, bởi họ tin rằng, người chiến sỹ điệp báo anh hùng này sẽ phù hộ để họ chiến thắng trở về. Niềm tin chưa bao giờ vơi cạn, cứ nhân lên như một sự tri ân đối với người phụ nữ đã hy sinh thân mình cho sự nghiệp bảo vệ quê hương. Và, sau mỗi trận đánh, họ lại đến bên tượng đài, thắp nén nhang thơm để báo công với vị nữ anh hùng…
Chúng tôi về Sầm Sơn đúng vào ngày bão đổ bộ vào Việt Nam. Ở Thanh Hóa, dù không bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng những cơn sóng cao ngất cũng liên tục ập vào bờ, gió lật lá những rặng phi lao đứng quật cường ven biển. Nơi anh hùng Nguyễn Thị Lợi và đoàn cán bộ tổ điệp báo A13 xuất phát trong chuyến tàu ra biển đánh đắm Thông báo hạm A-miô-đanh-vin của Thực dân Pháp giờ đã được chính quyền và nhân dân dựng bia tưởng niệm.
60 năm về trước, tại vị trí này, tổ điệp báo của lực lượng Công an và 4 dân quân địa phương chèo thuyền đã xuất phát trong trận đánh lịch sử. Thấm thoát thoi đưa, bây giờ, 4 thanh niên chèo thuyền năm ấy thì 3 người đã về theo tiên tổ. Người còn lại cuối cùng giờ cũng đã 86 tuổi, mắt ông đã mờ, chân đã chậm nhưng ký ức về những chuyến chèo thuyền năm xưa vẫn còn tươi mới. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ ở khu phố Thân Thiện, phường Trung Sơn, Thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa, không ít lần giọng ông đã lạc đi khi nhớ về đồng chí, đồng đội của mình.
Ông tên là Nguyễn Hữu Sen, nguyên là cán bộ dân quân du kích bảo vệ quê hương. Sau khi hoàn thành sứ mệnh chèo thuyền trong trận đánh A-miô-đanh-vin, ông tiếp tục tham gia các công tác ở địa phương, trải qua nhiều cương vị từ Chủ nhiệm HTX nông nghiệp, Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND xã rồi Bí thư Đảng ủy xã.
Năm 1982, ông nghỉ hưu sống với con gái. Bây giờ, hai cha con, một già một trẻ nương vào nhau lúc trái gió trở trời. Nhìn ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, gian ngoài chừng chục mét vuông để làm phòng khách, bên trong cũng non chừng ấy diện tích, kê hai chiếc gường sát vào nhau chỉ còn chút lối đi ở giữa, tôi thấy thương cảm cho ông. Cả một đời cống hiến, đến lúc về già cũng chả có gì cho riêng mình. Mức lương cán bộ xã hơn 800.000/tháng, chỉ đủ cho bố con ông đắp đổi qua ngày nên ngôi nhà cũ đã dột nát nhiều nhưng cũng không có tiền sang sửa. Đành vậy, ông bảo. Chỉ mong đừng sóng to, bão lớn, nếu không bố con ông sẽ không biết nương tựa vào đâu...
Ông Nguyễn Hữu Sen kể chuyện về những chuyến chèo đò giúp tổ điệp báo trong việc đánh đắm hạm A - miô - đanh – vin.

Trong những năm kháng chiến, bãi biển Sầm Sơn quê ông là một trong những vị trí quan trọng ở Vịnh Bắc Bộ mà thực dân Pháp nhắm tới. Chính vì vậy, ở đây, phong trào giác ngộ cách mạng sớm được dấy lên. Năm 20 tuổi, ông Sen tham gia dân quân du kích địa phương, dạy chữ quốc ngữ trong phong trào bình dân học vụ, tham gia khởi nghĩa ở Sầm Sơn, thành lập Ủy ban kháng chiến lâm thời ở địa phương. Chính vì vậy, khi Nha Công an Trung ương chỉ đạo Công an Thanh Hóa tạo vỏ bọc đưa các điệp viên của ta vào "Chính phủ Quốc gia" của vua Bảo Đại, đồng chí Hoàng Đạo (Bí số A13) cùng các đồng chí Kim Sơn (A14), Chu Duy Kính (A15) được đưa vào hoạt động trong lòng địch.
6 người trong đội dân quân du kích địa phương giác ngộ nhất được đồng chí Hoàng Đạo trực tiếp tuyển vào đội chèo thuyền, trong đó ông Cao Sỹ Quyết, tổ trưởng Tổ Đảng chỉ đạo chung, ông Văn Đình Oong làm nhiệm vụ thông báo các nội dung đến từng thành viên, chuẩn bị hậu cần và các công việc khác. 4 người được giao nhiệm vụ chèo thuyền gồm các ông Nguyễn Hữu Sen, Nguyễn Hữu Chức, Văn Đình Đồ và Lê Nhữ Trông. Trong khoảng 2 năm rưỡi, từ năm 1948 đến khi hoàn thành nhiệm vụ vào ngày 27/9/1950, hàng trăm lần, các ông đã chở tổ điệp báo ra chiến hạm.
Ông Sen bồi hồi nhớ lại: "Hồi đó còn nghèo lắm, mỗi lần chở các anh ấy (tổ điệp báo - PV) đi, chúng tôi phải chuẩn bị khoai luộc để phòng sóng to, gió lớn không về được hoặc lúc đói lòng. Các chuyến đi thường xuất phát từ 20-21h, chèo khoảng 4 tiếng thì đến được hạm. Nếu các anh ấy bảo đợi thì chúng tôi cắm neo cách tàu Pháp khoảng mấy chục mét. Khi nhận được tín hiệu, chúng tôi lại áp thuyền vào đưa các anh ấy về".
Tín hiệu mà tổ điệp báo và các ngư dân quy định với nhau đó là cách thức vẫy chiếc đèn pin. Nói đến đấy, giọng ông Sen hồ hởi hẳn lên "Các anh ấy cho chúng tôi một cây đèn pin to lắm, sáng quắc. Đêm bão bùng mà có chiếc đèn ấy thì khỏi phải lo. Chúng tôi bảo vệ chiếc đèn pin ấy như bảo vệ con ngươi trong mắt mình bởi nhỡ sơ sẩy rơi hỏng thì coi như hỏng việc lớn. Theo quy định tín hiệu là việc vẫy đèn pin. Nếu đêm nào tổ điệp báo không đi từ trong bờ ra, chúng  tôi đều cử người ngồi trên các cây phi lao để trông ra biển, nhỡ các anh ấy cần vào. Chính vì vậy, khi có tín hiệu khoát đèn 3 lần vào phía trong, là chúng tôi hiểu. Nếu an toàn, chúng tôi cũng làm tương tự để các anh ấy biết rồi chèo thuyền ra đón, nếu có dấu hiệu gì lạ, chúng tôi dùng đèn pin xua tay...
Trong hàng trăm chuyến đi như vậy, các tổ công tác đã gặp không ít khó khăn, nguy hiểm. Có những đêm, trời mưa buốt, gió biển thổi lồng lộng, từng giọt mưa ngấm dần vào những vạt áo mỏng lạnh thấu xương. Có lần, đang đi thì biển nổi sóng, mưa dữ dội, nguy hiểm cận kề. Dù vậy, với kinh nghiệm của những người chèo thuyền chuyên nghiệp, các ông đã neo thuyền theo hướng gió, đưa các đồng chí làm nhiệm vụ và vũ khí đi đến nơi, về đến chốn an toàn. Sau những đêm chèo thuyền vất vả, trở về nhà, những dân quân yêu nước này lại trở thành những ngư dân chèo chống cuộc sống gia đình”.
Ông Sen nhớ lại "hôm nào về sớm thì chúng tôi đi đánh cá luôn, hôm nào về muộn, không kịp đi thì đành ở nhà, nhiều hôm bị vợ con cau có nhưng đành phải chấp nhận". Điều đáng trân trọng nhất, đó là sự hy sinh không tính toán thiệt hơn của những người lái thuyền năm xưa. Trong suốt 2 năm rưỡi đưa đón tổ điệp báo A13, họ hầu như không được bồi dưỡng chút gì, kể cả thuyền là phương tiện đi lại cũng là tài sản cá nhân của họ, khoai lang cũng của nhà đem đi.
Ông kể rằng: "Chỉ một lần duy nhất chúng tôi được bồi dưỡng, đó là hôm thực dân Pháp cho tàu đưa vũ khí, súng đạn vào tập kết ở nhà ông Cao Sỹ Quyết. Chúng tôi được lệnh vận chuyển lên Ty Công an sơ tán. Nhận lệnh, 8 người khênh 4 hòm đạn đi suốt đêm từ 8h tối đến 5h sáng thì đến được Ty Công an ở huyện Đông Sơn. Sau khi giao vũ khí xong, mỗi người được bồi dưỡng 1 hào để ăn xôi sáng rồi về". Ông Sen kể về sự vất vả của mình thoải mái như chính tấm lòng ông dành cho Cách mạng.
Sau khi đồng chí Hoàng Đạo đã móc nối sâu được với điệp báo Pháp và được giữ chức vụ Quốc vụ khanh trong chính quyền Bảo Đại, Bộ Công an đã quyết định kết thúc chuyên án. Tối 26/9/1950, cũng như những lần trước, 4 người chèo thuyền nhận nhiệm vụ đưa tổ điệp báo ra hạm như mọi lần. Hôm đó, lên tàu, không chỉ có đồng chí Hoàng Đạo, Kim Sơn, Chu Duy Kính như thường lệ mà còn một phụ nữ khoảng hơn 30 tuổi, người miền Nam, rắn rỏi, cương nghị, sau này các ông mới biết đó là nữ điệp báo Anh hùng Nguyễn Thị Lợi. Trong vai phu nhân Quốc vụ khanh đi chữa bệnh, chị Lợi đã đưa khối thuốc nổ lên tàu và lập chiến công xuất sắc, đánh đắm Thông báo hạm A-miô-đanh-vin vào sáng sớm 27/9/1950.
Ông Sen nhớ lại "Hôm đó, trời se se lạnh, chị Lợi mặc áo sáng màu, trông khá trẻ và xinh đẹp, dễ mến. Vì nhiệm vụ quan trọng nên chúng tôi không dám hỏi gì, chị ấy cũng vậy, chỉ ngồi trên thuyền nhìn ra biển xa. Lúc đến hạm, chúng tôi, người neo dây thuyền, người cùng với anh Hoàng Đạo đỡ chị Lợi lên tàu. Sau khi xong việc, chúng tôi về nhà. Đến khoảng gần 5h sáng, một ánh chớp sáng lòe lóe lên giữa bầu trời rồi cột khói cao ngất trùm biển khơi, kèo theo đó là tiếng nổ dữ dội. Chúng tôi cùng nhân dân đi xem, ai cũng vui mừng vì đoán chắc tàu của Pháp bị nổ. Chúng tôi cũng không hề biết rằng, chị Lợi đã dũng cảm hy sinh. Hai ngày sau khi Thông báo hạm A-miô-đanh-vin bị đắm, ông Sen và ông Chức đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng vì lập thành tích xuất sắc.
Sau chiến thắng vang dội trên, những người chèo thuyền lại quay về với cuộc sống thường nhật của các ngư dân ăn sóng nói gió. Hy sinh, đóng góp là vậy nhưng có những thời điểm họ bị hiểu nhầm, bị tổ chức, nhân dân xa lánh vì nghi tiếp tay cho giặc. Như trường hợp ông Cao Sỹ Quyết, tổ trưởng Tổ Đảng, người được gặp gỡ, trao đổi với các đồng chí trong tổ điệp báo nhiều nhất, gia đình ông cũng là nơi tập kết vũ khí của Pháp mỗi khi chúng vận chuyển vào cho "Chính phủ Quốc gia". Những nhiệm vụ này phải hoàn toàn bí mật, kể cả với đồng chí, đồng đội và gia đình của mình. Chính vì vậy, ông và gia đình bị hiểu nhầm.
Rất may, chỉ một thời gian ngắn sau, chính đồng chí Hoàng Đạo đã về địa phương, chính thức thông báo chiến công của ông Quyết và những cán bộ khác để chính quyền và nhân dân hiểu. Dù vậy, những ngư dân này cũng không lấy điều đó làm buồn bởi đối với họ, thành tích không phải là những phần thưởng, là Huân, Huy chương hay những gì cao hơn nữa, mà quan trọng là họ đã được đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho đất nước, quê hương.
Đến bây giờ cũng vậy, sau khi trải qua nhiều cương vị công tác ở địa phương, ông Sen nghỉ hưu với mức trợ cấp 850 nghìn đồng/tháng. Số tiền nhỏ đó, hai bố con trang trải qua ngày. Dẫu vẫn chưa được tặng thưởng thứ gì đáng kể, dẫu mọi trợ cấp khác có lẽ vẫn ở trên bàn của một cấp nào đó nhưng ông vẫn ấm lòng, bởi đồng đội của ông, họ cũng vậy, chỉ một lòng vô tư cống hiến cho quê hương. Đó mới là mục đích cuối cùng. Nhưng, một điều mà người chèo thuyền cuối cùng cũng như người dân Sầm Sơn trăn trở, đó là họ muốn tượng của Anh hùng Nguyễn Thị Lợi được đặt ở nơi năm xưa bà đã ra đi, để những người con của Sầm Sơn sau này có điều kiện để chiêm ngưỡng, tưởng nhớ công lao của người nữ anh hùng
Phương Thủy

No comments:

Post a Comment