Thursday 31 July 2014

NGUỒN GỐC ĐỊA DANH HÀNH CHÁNH TỈNH SÓC TRĂNG (Thư Viện Tỉnh Sóc Trăng)



----------------------------


Hinh_ST_xua_1
Hinh_ST_xua_2
Hinh_ST_xua_3


Địa danh Ba Thắc
----------------
Tên gọi đầu tiên của vùng đất Sóc Trăng, nơi đây vào thế kỷ XVIII có thương cảng Ba Thắc nức danh một thời.
Theo truyền thuyết: Ngày xưa, ông Bá-sák cùng vợ là công chúa nước Lèo (Lào) do phạm tội nên cùng đoàn tuỳ tùng chạy trốn về vùng sông Hậu. Đến cửa Vàm Tấn bị bão thình lình nên nhóm tùy tùng bị bão đánh bạt đến cửa biển Trấn Di (nay gọi là Trần Đề), không còn cách nào khác họ đành chọn đất cặm dều và định cư trở thành Sóc Lèo, hiện nay vẫn còn với tên gọi chính vào văn bản hành chánh là ấp Sóc Lèo xã Lịch Hội Thượng huyện Long Phú.
Trong khi đó thuyền của vợ chồng ông đi lạc vào đất Bãi Xàu (Srok Bai Chau) mà lúc này vẫn còn là khu rừng rậm hoang vu và rất ít người cư trú. Để định cư lâu dài, vợ chồng ông đã cùng với những tộc người chung quanh ra sức khai phá, đốn cây vở đất, từng bước mở mang khu vực cư trú trở thành nơi trù phú nhất so với các vùng đất chung quanh. Với đức độ và tài năng của mình ông đã thành công trong việc thu phục nhân tâm mở rộng khối đoàn kết đối với những người tha phương nên được mọi người kính phục. Khi ông mất, hài cốt được hỏa táng theo lễ nghi và xây tháp thờ tại chùa vùng Basasac (chùa vua Bassac) mà dân gian quen gọi là chùa 4 mặt. Chùa này hiện đang tọa lạc tại ấp chợ cũ, thị trấn Mỹ Xuyên huyện Mỹ Xuyên. Đồng thời để tưởng nhớ công đức to lớn của ông, xem như vị tiền hiền khai phá vùng đất Bãi Xàu, đồng bào 3 dân tộc còn xây thêm 1 ngôi miếu thờ phụng ngay gần chùa 4 mặt mà ta quen gọi là cổ miếu Ba Thắc (Neack ta Bassac).
Địa danh Ba Xuyên
---------------
Trong thực tế địa danh Ba Xuyên có 2 lần xuất hiện chính thức trong văn bản pháp lý hành chánh:
-         Năm 1835 Minh Mạng phê chuẩn thành lập phủ Ba Xuyên với 3 huyện Phong Nhiêu, Phong Thạnh và Vĩnh Định. Phủ lỵ đặt tại thôn Hòa Mỹ (thuộc Bãi Xàu) nhưng trong tư liệu “Những thay đổi địa lý hành chánh các tỉnh phía Nam trong thời kỳ Pháp thuộc” của ông Vũ Văn Tỉnh; in trong tạp chí NCLS số 146 năm 1972 trang 28 – 40 thì cho rằng Phủ lỵ Ba Xuyên đặt tại Vàm Ba. Xét về vị trí cho thấy Vàm Ba là Vàm cửa sông Ba Xuyên, còn gọi là Vàm Tấn (Đại Ngãi).
-         Năm 1957 (25/10/1957) Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh số 143.MV nhập tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng thành tỉnh Ba Xuyên với 8 quận:
1.     Quận Mỹ Xuyên
2.     Quận Kế Sách
3.     Quận Thuận Hòa
4.     Quận Thạnh Trị
5.     Quận Vĩnh Lợi
6.     Quận Giá Rai
7.     Quận Phước Long
8.     Quận Long Phú
Về nguồn gốc địa danh Ba Xuyên:
Có 2 truyền thuyết:
Truyền thuyết thứ nhất: cho rằng giai đoạn cuối triều Gia Long, đầu triều Minh Mạng tại vùng đất Bãi Xàu thường xảy ra các cuộc nổi dậy người bản địa chống chính quyền phong kiến. Đường bộ lúc bấy giờ chưa thuận tiện trong việc chuyển quân nên hầu hết các cuộc tảo thanh này đều đi bằng đường thủy. Từ sông Hậu muốn vào nội địa Sóc Trăng phải qua con sông nối liền Vàm Tấn đến Bãi Xàu đi qua 3 làng Đại Ngãi, Châu Khánh và Tân Thành mới đến được Bãi Xàu. Con sông này càng gần đến khu vực Bãi Xàu đi càng có những khúc quanh hiểm trở, nhưng với lòng can đảm với lối đi quân thần tốc nên hầu hết các cuộc tảo thanh đều thắng lợi. Để đánh dấu những chiến tích lịch sử này các vị quan chỉ huy đặt tên con sông này là Ba Xuyên (Ba []: sóng, nước; Xuyên []: là đi qua ). Năm 1835 Phủ lỵ đặt tại đầu con sông này nên lấy tên là phủ Ba Xuyên.
Truyền thuyết thứ 2: cho rằng xuất phát từ 3 cửa sông Bassac (nay là sông Hậu) gồm cửa Trấn Di (Trần Đề) cửa Định An và cửa Bassak. Ba cửa đi vào địa phận Sóc Trăng nên gọi là Ba Xuyên. Qua quá trình phù sa bồi đắp trên trăm năm, ngày nay cửa sông Ba Thắc không còn dấu tích, chỉ còn lại 2 cửa Trần Đề (Trần Di) và Định An là 2 cửa chính của con sông Hậu ngày nay.
Địa danh Sóc Trăng
-----------------
Là tên gọi đầu tiên được sử dụng rộng rãi trước thời vua Minh Mạng. Theo di cảo Trương Vĩnh Ký Sóc Trăng phiên theo cách gọi Khmer Srock Khleang: kho báu, kho bạc. Theo cụ Vương Hồng Sển thì nơi đây có đặt 1 kho bạc của vua Khmer tại làng Hòa Mỹ (huyện Mỹ Xuyên). Lại có thuyết cho rằng những cư dân khai phá đầu tiên của vùng đất này sau những vụ thu hoạch họ thu gom những sản phẩm làm được về cất giữ lại để sử dụng dần nhưng vì trộm cướp nhiều nên họ tập hợp thành 1 kho chứa lớn và thay phiên nhau bảo vệ giữ gìn.
Sóc Trăng thời Minh Mạng được gọi là Nguyệt Giang do ép chữ “Sóc” thành “Sông”, “Trăng” thành “Nguyệt” - Nguyệt Giang. Sau đó lại đổi tên thành Ba Xuyên (1835).
Năm 1889 Pháp nâng Phủ  thành Tỉnh lấy tên cũ là Sóc Trăng. Theo cụ Vương Hồng Sển chữ “Sóc” có “ô” là  “Sốc” mới đúng theo cách phát âm của người Khmer: Srok Khleang, người Hoa phát âm: Khắc Làng, người Việt đọc “trại” thành Sóc Trăng.
Khi thành lập Phủ Ba Xuyên vào năm 1835, Sóc Trăng có 3 Tổng (quận):
-         Vĩnh Định (gồm Châu Thành Ba Xuyên và Kế Sách).
-         Phong Nhiêu (khu vực Bãi Xàu).
-         Phong Thạnh (khu vực Nhu Gia  - Phú Lộc)


2. Địa danh Kế Sách – thuộc huyện Kế Sách:
Theo cụ Vương Hồng Sển và cụ Đào Văn Hội: tên Kế Sách xuất phát từ cách gọi của người Khmer Khsach (phnor Khsắt: Giồng Cát) đọc trại thành Kế Sách. Nơi đây có 1 dãy đất Giồng Cao ráo bắt đầu từ ấp Tập Rèn (xã Thới An Hội, Kế Sách ngày nay) xuyên qua thị trấn Kế Sách, Phú Tâm đến ngã ba An Trạch và Bưng Trốp (xã An Ninh thuộc huyện Mỹ Tú ngày nay). Ngày trước trên dãy đất giồng này đều thuộc huyện Kế Sách. Tại Phú Tâm ( Phú Nổ phiên từ Phnor) còn 1 ấp tên gọi là ấp giồng cát xã Phú Tâm huyện Mỹ Tú ngày nay. Kế Sách còn  một tên gọi khác là Cái Sách, xuất phát từ Vàm sông Kế Sách là nhánh của sông Hậu nên khoảng thời gian truớc nông dân nơi đây gọi chợ Kế Sách là chợ Cái  Sách hoặc chợ ruộng. Theo các vị cao niên kể lại chợ Kế Sách ngày trước không lớn nhưng do vùng đất còn thấp có những gò đất chỉ vài trăm mét vuông, người ta đặt những sản vật địa phương (trái cây, khô, cá...) để trao đổi, mua bán. Kế Sách từ 1910 – 1945 có 1 làng đắt tên Pháp là làng Hélèn Ville là tên con gái của LaBasthe, làng này thuộc  đị a phận của chủ điền LaBasthe, một đị a chủ khét tiếng gian ác lúc bấy giờ, số diền tích khai báo chính thức của chủ điền LaBasthe là 3.660 ha nhưng theo thực tế thì khoảng trên 4.000 ha bao gồm 3 xã ngày nay là Đại Hải, Kế An và một phần xã Đại Thành huyện Phụng HIệp tỉnh Cần Thơ ngày nay.  
3. Địa danh Mỹ Xuyên – thuộc huyện Mỹ Xuyên:
Tên gọi đầu tiên của huyện Mỹ Xuyên  Bãi Xàu (Ba Thắc chỉ là tên gọi chung cả khu vỷc Sóc trăng – Bạc Liêu) về nguồn gốc địa danh Bãi Xàu có 2 truyền thuyết:
Thứ nhất: truyền thuyết này do các sư sải người Khmer kể lại: Ngày trước tại vùng này có ngôi cổ miến thờ Neak ta Ba Thắc, phía sau cổ miếu có 1 cây bồ đề thật lớn và là nơi hang ổ của cặp rắn thần. Những cư dân lúc mới đến đã dừng chân nơi đây tạm nghỉ ngơi vì phong cảnh quang đãng thoáng mát. Họ bắt gặp phía trong gốc cây bồ đề có ổ trứng khá lớn nên họ bắt cơm và bỏ trứng vào luộc để làm thức ăn. Trong lúc cơm chuẩn bị sôi thì cặp rắn thần trở về thấy có người xâm phạm lãnh địa của mình lấy cắp trứng nên nổi cơn thịnh nộ, nổi cơn giông gió rượt đuổi nhóm người kia chạy bán sống bán chết không kịp mang theo vật dụng gì cả. Mãi đến khi trời êm gió lặng khi cơn đói hoành hành, họ len lén trở lại nơi cổ miếu thì thấy nồi cơm nửa sống nửa chín, còn ổ trứng trong nồi cũng không còn. Để đánh dấu tai nạn đầu tiên trên vùng đất mới họ đặt tên nơi đây là Srok Bai Xau (xóm ăn cơm sống hay là xứ cơm sống).
Thuyết thứ hai: Theo các kỳ lão cố cưu kể lại lúc tảo thanh đánh bại các cuộc nổi dậy. Đám tàn binh chạy đến nơi đây thì trời tối, họ tổ chức nấu cơm ăn uống dường quân. Nhưng cơm chưa kịp chín thì tin báo là quân nhà Nguyễn đã kéo đến rầm rộ họ đành phải hối hả nhai tạm đỡ số cơm chưa kịp chín để có sức khỏe chạy trốn khỏi sự truy lùng gắt gao.
Về địa danh Mỹ Xuyên: có tài liệu giải thích rằng Mỹ Xuyên là con sông đẹp, bởi bản thân chữ Xuyên là sông, còn chữ Mỹ là đẹp. Nhưng cũng có tài liệu giải thích theo truyền thuyết kể lại một vị quan chỉ huy cuộc tảo thanh đến nơi đây thấy vùng đất này có phong cảnh đẹp mứt nên đặt tên là Mỹ Xuyên.
Thật ra địa danh Mỹ Xuyên bắt nguồn từ hai làng Hòa Mỹ - Vĩnh Xuyên hợp lại lấy 2 chữ cuối của 2 làng mà thành. Sự hợp thành một làng Mỹ Xuyên do Nghị định ngày 18-04-1893 của thống đốc Nam Kỳ. Về cách hình thành địa danh như thế xuất hiện rất nhiều.
Ví dụ: tổng định chí: nhập 2 làng Tế Thới, Châu Thạnh Tây thành làng Thạnh Quới, nhập 2 làng Nhơn Hậu và Hiểu Thạnh thành Hậu Thạnh.
Tổng Định Khách: nhập 2 làng Hưng Đức, Long Điền thành làng Hưng Đức (sau này là Long Đức) làng Hiểu Đức, Đại Đồng thành Đại Đức ...  

4. Địa danh Nhu Gia – thuộc huyện Mỹ Xuyên:
Tên sử dụng trong các văn bản thời Nguyễn và Pháp: Giu Gia, Nho Gia và Nhu Gia.
Nguồn gốc có 3 cách giải thích khác nhau:
Thuyết thứ nhất: chuyện kể rằng có vị Tà thần người Khmer đang đêm làm phép đem hết 1 gia đình nọ (có sách nói nhóm thợ) đi qua xứ khác. Vị thần nọ buộc mọi người phải nhắm mắt lại trong khi làm ông phép. Nhưng có 1 người thiếu lòng tin, tò mò muốn xem vị thần kia làm những gì nên hé mắt nhìn mới biết cả gia đình đang ngồi trong chiếc thuyền nhỏ bay lơ lững trên mây. Vì hoảng sợ nên buộc miệng hét to, nên phép thuật bị phá đi, chiếc thuyền đột ngột rơi xuống mắc vào ngọn cây cổ thụ nên những người đời sau gọi nơi đay Sampu Thley (chiếc thuyền lủng) đọc trại thành Nhu Gia (Giu Gia). cũng cùng sự tích này giống như ở Long An như ở đó phần cuối câu chuyện nói rằng chiếc thuyền mắc trên ngọn núi và đọv trại thành Tầm Vu (ghi lại ý kiến của cụ Vương Hồng Sển trong “Tự vị Tiếng Việt miền Nam”).
Thuyết thứ hai: của cụ Đào Văn Hội cho rằng Nhu Gia bắt nguồn từ cách gọi khác của người Khmer là “Ompu yea” tức là “nhánh bần gie”. Bởi vì tại con sông này cặp hai bên bờ có hành bần chen nhau dày đặc. Có những cây bần cổ thụ rất lớn bị nghiệng ra bềo sông làm cho cảnh quan thiên nhiên càng trở nên thơ mộng như bắc thanh sơn thuye của tạo hóa. Chính vì vậy người Khmer gọi “Ompu yéai”: nhánh bần gie đọc trại thành Giu gia, Nhu Gia (thuyết này có vẻ thực tế hơn).
Thuyết thứ ba: các cụ già kể lại rằng khi vùng đất Sóc Trăng chưa được khai phá, những lưu dân từ Thuận – Quảng đi vào vùng đất mới để sinh cơ lập nghiệp. Họ chọn nơi đây làm điểm dừng chân bởi có nhiều mặt điều kiện thuận lợi (nhị cận giang) cho công cuộc mưu sinh. Sau ngày lao động cật lực những buổi chiều về họ lại đắm chìm trong nỗi nhớ quê hương. Dù cuộc sống tự do tự tại, không bị ràng buộc bởi những luật lệ hà khắc lễ nghi phong kiến nhưng hình ảnh quê cha đất tổ trong đó có con sông Vu Gia hiền hòa đã làm cho họ mang nỗi day dứt thương nhớc không nguôi. Để ghi dấu âsn về quê hương họ đặt tên con sông này là Vu Gia nhưng bởi do cách phát âm của người địa phương nên từ Vu Gia biến thành Giu Gia, Nhu Gia, Nho Gia.
Làng Nhu Gia từ 1835 là nơi đặt huyện lỵ Phong Thạnh thuộc phủ Ba Xuyên. Nhu Gia chính thức thành lập làng vào năm Tự Đức thứ 13 năm 1860.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực địa kết hợp với tham khảo ý kiến của một số vị cao niên sống lâu đời ở vùng đất này thì cho rằng nơi đây trên 70 năm trước khúc sông Nhu Gia – Dù Tho hầu hết đều đầy rẫy những dãi cây bần cổ thụ mọc san sát 2 bên mé sông. Chính vì vậy việc đặt tên Nhu Gia (Ompu Yea: nhánh Bần Gie) là chính xác).

5. Địa danh Bang Long – Giếng Nước – thuộc huyện Long Phú:
Địa danh Bang Long là địa danh được sử dụng rất thông dụng của huyện Long Phú trong thời điểm trước 1945. Trong các văn bản thành chánh chỉ sử dụng tên “Bang Long” còn thực tế bên ngoài thường Bang Long – Giếng Nước luôn đi liền nhau. Đôi khi chỉ cần nói đến Giếng Nước thì mọi người cũng hiểu là nói đến Bang Long. Theo những vị kỳ lão tại địa phương cho biết nguồn gốc Bang Long – Giếng Nước hình thành từ cách gọi của người Khmer. Chữ “Bang” do đọc trại từ chữ Bâng, Beng (Peang) của người Khmer chỉ những vùng đất thấp rộng lớn thuộc đất trầm thủy (cầm thủy) quanh năm, nơi đây cỏ dại mọc phủ đầy  tươi tốt quanh năm, là nơi ẩn náo của các loài tôm cá, chim muông mặc sức sinh sôi nảy nở. Dựa theo cách phát âm của người Khmer, người Việt đọc là “bưng”, nhưng Bưng Cóc, Bưng Trốp, Mỹ Tú, Bưng Tức  (Kế Sách) Bưng Thầy Cai, Bưng Xa Mo, mỗi tên đều có ý nghĩa theo địa hình, địa vật hoặc gắn liền với nhân vật tiêu biểu. Cho nên Bang Long thật ra là Bưng Long (Bâng Long), Bưng của ông Long. Hiện nay của Long Phú còn giữ lại được tên này đó là ấp Bang Long xã Long Phú huyện Long Phú.
Về tên gọi Giếng Nước, có 3 cách giải thích:
Thứ nhất: Thời kỳ Gia Long tẩu quốc xuống ẩn náo tại rạch Trường Tiền (lúc đó chưa có tên này) thuở đó nơi đây là vùng ngập mặn hầu như việc sử dụng nước ngọt tìm rất khó khăn, nhưng ở cuối con rạch này (nơi tiếp giáp Sầng Ke (Giang Cơ, Văn Cơ) có 1 búng nước ngọt đã giúp đoàn quân của Gia Long khỏi phải vất vả đi tìm nguồn nước ngọt.
Thứ hai: Vào thời Nguyễn, khi vùng đất Bang Long đã hình thành nhưng vẫn là vùng đất thấp, bị nước mặn bao bọc xung quanh. Để có nước ngọt phục vụ cho cộng đồng dân cơ nơi đây, những quan lại địa phương cho đào giếng nước tại trung tâm thị trấn hiện nay. Dần dần do nhu cầu ngày càng lớn nên từng hộ có giếng nước riêng nên giếng dùng chung dần dần bị lấp mất.
Thứ ba: Khi Pháp thành lập huyện Bang Long, tên chủ quận là người Pháp cho xây tại đây 1 giếng nước lớn để nhằm phục vụ cho bộ máy cai trị tại đây, giếng xây bằng gạch giống kiểu giếng của người Chăm.
Thật ra, Bang Long (Long Phú) chỉ có 1 giếng nước duy nhất do Pháp đào tại khu vực thị trấn Long Phú ngày nay để chủ yếu phục vụ cho tần lớp quan cai trị nhưng dần dần người dân cũng được xài chung. Đồng thời giếng nước này là giếng nước đầu tiên hình thành trên địa bàn Sóc Trăng nên tên “ Bang Long – Giếng Nước” là cách gọi thành thói quen của người dân bản địa lúc bấy giờ. Đôi lúc cũng có xuất hiện trong các văn bản hành chánh thời đó.



6. Địa danh chung:
Khi Pháp thiết lập chính quyền tại nơi đây, địa danh một số làng xã thời Pháp:
6.1 Làng An Nô:
Người Khmer gọi Beng Sno (hoặc Bâng Sno) rạch điên điển, lại cây mọc hoang ở vùng bưng bông màu vàng, mịn, nhỏ,...bàu trũng thấp, bông dùng để ăn uống, làm nhân bánh xèo hoặc ngâm thành dưa chua là những món ăn quen thuộc của nông dân Nam Bộ trong những lúc bông nhàn.
6.2 Làng An Ka:
Beng Ansna (Bâng Ansna), rạch cây chà là, là loại cây có hình dạng giống cây dừa nhưng nhỏ, có gai nọ n sắc, đọt chà là là món ăn lý tưởng của con đuông. Chúng đẻ trứng vào đó và nở ra ấu trùng, ấu trùng sống trong đọt và ăn củ hủ non. Khi đọt chà là vừa héo thì cũng là lúc ấu trùng đã lớn, người ta chặt đọt chà là bắt ấu trùng làm ăn rất ngon của giới giàu có lúc bấy giờ.
6.3 Làng Chắc Văn:
Chak Totưng, “dừa nước hàng ngang” có người dịch là “lá dừa đâm ngang”, đây là loại cây chuộng sống vùng nước ngập mặn, vùng đất lầy lội ở ven sông hoặc kinh rạch nhỏ. Tiếng Hán gọi là Đà Diệp, lá dùng làm tấm lợp nhà (lá cần đốp có người gọi là “lá chầm đốp”). Những năm chống Pháp, chống Mỹ có những vùng đất gọi là đám lá tối trời  là chỉ loại cây này. Đám lá tối trời ở Kế Sách thuộc đất của ông Hội đồng Ngàn, nay không còn. Làng này trước kia gọi là Chắc Tưng sau đổi thành Chắc Văn, sau này nhập với làng Tài Công thành tên Tài Văn như hiện nay.

6.4 Làng Hưng Ngôn:
Ampil tưk: cây me keo nước, lạoi cây dại lá nhỏ, thân xù xì và đầy gai nhọn, trái cong như trái me, khi chín nhân màu đỏ, ăn ngọt, là món khoái khẩu của trẻ em ở miệt ruộng đồng.

6.5 Làng Hưng Thạnh:
Preck lum po (rạch bần). Loại cây hoang dại mọc ven sông rạch, thịt giòn dễ gãy, xưa kia người dân bản xứ đốn những cây lớn (cổ thụ) để làm thuyền độc mọc. Trái non có vị chua chát dùng để ăn với mắm sống, trái chín có vị chua. Những năm tẩu quốc, Gia Long đến Cù Lao Dung nhìn vẻ đẹp của bần ông đặt tên là thủy liễu (rạch Thủy Liễu), nhưng ít ai dùng địa danh này nên không còn ai biết đến.

6.6 Cù Lao Dung:
Tọa lạc trên dòng sông Hậu gồm 3 cửa Trần Đề (Trần Di) Bassac và Định An. Ngày trước sách gọi Huỳnh Dung Châu, Cù lao ông Hổ (cù lao Hổ Châu). Bởi nơi đây vào trước năm 1714 Trấn Giang (Cần Thơ) và Trấn Di (Sóc Trăng) được thành lập thì nơi đây chưa có người ở, chỉ là nơi cư trú của cọp và các loài thú khác như chim cồng cộc (cồn cộc), chàng bè... lại có mang tên khác là Cù Lao Yung (cù lao Vuông) có tên gọi khác là “Kăs tung” hòn cồng cộc (loại chim khá lớn).
Thời kỳ đánh nhau với Tây Sơn, vua Gia Long chạy về nơi đây lánh nạn nên có địa danh rạch Long Ẩn, Rạch Thủy Liễu tức là rạch bần (do ông đặt), thời kỳ này Cù Lao Dung rất hoang du chỉ toàn loại cây dại như bần, dừa nước, cây tràm, cây giá (rạch Già, thật ra là “rạch Giá”).
- Năm 1835 làng An Thạnh Nhất, An Thanh Nhì được thành lập.
- Làng Phụng Sơn và làng Phụng Trường sau nhập lại thành xã Song Phụng ngày nay.
- Làng Trường Kế (Sầng ke): Cây trâm bầu, là loại cây mọc hoang, thịt chắc làm cột nhà tốt, trái nhỏ có 4 khía, có độc tính không ăn được. Lá có thể làm thuốc hút nhưng có độc, thân có gai tù. Mọc hoang dại trên các ven đất giồng. Trong tài liệu Pháp có dịch là loại cây dùng để làm thuốc hút
6.7 Làng Đại Ngãi:
Tên cũ “Vàm Tấn” do dịch từ chữ Khmer Vàm: “Peám”, Tấn: “Senn”. Theo truyền thuyết vào khoảng trước năm 1858 Đại Ngãi là nơi triều đình nhà Nguyễn đặt làm trạm quân cảng vừa trấn thủ về mặt quân sự, vừa là nơi thu thuế của các tàu buôn. Thời đó, các tàu buôn từ Trung Quốc, Singapor, Thái Lan,... đến đây để mua bán trao đổi các thương phẩm của địa phương như lúa gạo, bông vải, khô, cá, nước mắm, ngà voi, lông chim ... Các tàu thuyền đều phải cập bến vào quân cảng, sau khi được khám xét xong mới được phép đi vào nội địa Sóc Trăng. Những tàu buôn nào bị nghi ngờ là “hải tặc” đều bị xử phạt bằng roi (tấn). Dần dần về sau, trừ số thương buôn Trung Quốc, số còn lại đều phải chịu hình phạt này, nên gây sự bất bình trong giới thương buôn và họ đặt tên là Vàm Tấn.
Theo cụ Vương Hồng Sển giải thích rằng cũng bắt nguồn từ “Peam” nhưng “Senn” là cúng tế tức là nơi cúng nạp (hối lộ) cho các quan lại trấn thủ nơi đây.
Nhưng theo tư liệu của Pháp cho rằng Vàm Tấn bắt nguồn từ chữ Peam Mé Sên. Tên của công chua Vương quốc Lào Mé Sên cùng chị Mé Chanh đã có thời gian sinh sống ở vùng đất này (?) nên người dân địa phương vì tôn kính nên lấy tên Mé Sên đặt cho cửa sông Đại Ngãi và Mé Chanh được Việt hóa thành Mỹ Thanh tên một cửa sông lớn của con sông Cổ Cò ngày nay.
Ngoài ra Vàm Tấn còn gọi là Vàm Ba – xuất phát từ sông Ba Xuyên đi qua địa phận của các làng Đại Ngãi, Châu Khánh, Tân Thạnh đến thị trấn Mỹ Xuyên, một con sông không lớn nhưng rất quanh co hiểm trở (nên có tên đặt khúc sông này là Cái Quanh). Từ năm 1867 trở về trước, Vàm Tấn được vinh dự chọn đặt tên làm Phủ lỵ Ba Xuyên, mãi đến năm 1867 khi thực dân Pháp thành lập khu thanh tra Sóc Trăng thì trụ sở và phủ lỵ Sóc Trăng mới chuyển về khu vực Khánh Hưng (Sóc Trăng ngày nay). Nhưng vốn có tầm chiến lược về quân sự và kinh tế nên chính quyền thực dân vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động này Pháp cho lập một đồn địa phương quân, xây dựng phòng Bưu điện, Sở nấu rượu, đồn thương chính... biến Đại Ngãi trở thành một trong những khu kinh tế sầm uất của tỉnh Sóc Trăng lúc bấy giờ. Theo cụ Vương Hồng Sển trên con sông Vàm Đại Ngãi có giống cá cháy rất ngon, xứng đáng là món “kỳ trân thủy vật” là món ăn đắt tiền chỉ dành cho những bậc quyền quí. Nhưng giờ đây đã tuyệt chủng.
6.8 Làng Hé Lene Ville:
Vừa là tên của đồn điền La Basthe tọa lạc tại 3 xã Kế An, Đại Hải của huyện Kế Sách và một phần của xã Đại Thành huyện Phụng Hiệp tỉnh Cần Thơ ngày nay. Tổng diện tích đồn điền theo tên La Basthe khai báo là 3.600 ha nhưng trong thực tế có khoản 4.000 – 4500 ha. HéLène Ville là tên con gái đầu của La Basthe, đồn điền (làng He Len Ville) được thành lập vào những năm 1905 theo Nghị  định ngày 4-1-1899 của chính quyền thực dân với chủ trương mở rộng và ưu đãi cho những công dân Pháp (kể cả người Việt mang quốc tịch Pháp). Cơ ngơi của đồn điền được đặt tại ấp Mang Cá (trụ sở chính quyền xã Đại Hải ngày nay) gồm 1 tòa nhà lầu 1 tầng xây theo lối kiến trúc Tây Âu ngang 16m dài 21m (quen gọi là nhà kiểu Tây) với hàng chục kho chứa lúa, hàng chục dãy chuồng trâu và các nông cụ sản xuất, hàng chục loại ghe tải (ghe chài) lớn chuyên phục vụ cho vận chuyển từ đây về Sài Gòn với mỗi năm hàng trăm ngàn giạ lúa được kết tinh từ máu và nước mắt của cả trăm tá điền cùng khổ làng. Làng Hé Lèn Ville tồn tại đến năm 1940, khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra và thực sự chấm dứt trong cuộc tiêu thổ kháng chiến năm 1946 khi ngôi nhà lầu của tên La Basthe bị phá hủy hoàn toàn. Năm 1947 tên Robert con của La Basthe dẫn quân đi càn phá vùng Ba Trinh – Xuân Hòa (Kế Sách) đã bị du kích nơi đây kết hợp với du kích xã Đại Thành (huyện Phụng Hiệp - Cần Thơ) phục kích bắn chết.
.9 Làng Rạch Gòi hay Rạch Gỏi:
Xuất phát từ tên gọi Preck Koi: Rạch của Sở quan thuế. Theo truyền thuyết nơi đây từ khoảng những năm sau 1800 vốn là khu vực mua bán khá đông đúc của những cư dân địa phương với các thương buôn nước ngoài (Mã Lai, Trung Quốc, Singapore...) nhưng cũng là nơi hàng năm bọn hải tặc xâm nhập cướp phá thường xuyên. Để đảm bảo cuộc sống yên bình cho nông dân vùng biển, triều Nguyễn cho xây dựng một đồn trấn thủ vừa là nơi trấn giữ bọn hải tặc vừa làm nơi thu thuế thương chánh. Đồn đặt nơi đầu rạch để dễ dàng kiểm tra, kiểm soát các tàu thuyền, nên được người dân gọi là Preck Koi, dần dần phát âm thành Rạch Gòi hoặc Rạch Gỏi. Hiện nay Rạch Gòi thuộc xã Lịch Hội Thượng. Thời Pháp thuộc Rạch Gòi gồm 2 làng: Lịch Hội Thượng và Lịch Hội Trung. Ngày nay Lịch Hội Thượng thuộc huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng
6.10 Làng Phú Tâm:
Là tên thời Pháp thuộc gồm 2 làng Phước Tâm (nay là Phú Tân) và Phú Nổ (nay là Phú Tâm). hai làng này còn có tên gọi chung là Vũng Thơm. Địa danh này xuất phát từ cách gọi của người Khmer Kompong Tom: Bến (vũng) lớn. Bởi nơi đây hàng chục thế kỷ trước mực nước biển lấn sâu vào nội địa, Phú Tân trở thành vùng đất giống ven biển, là điểm cặp bến của các thương thuyền từ nơi khác đến. Tại đây còn có tích rằng cách đây hơn vài thăm năm trước có một chiếc thuyền to  từ nơi khác đến đi ngang qua vùng này bị giông bão đánh giạt sắp chìm, bọn thủy thủ cứ nhắm hướng chạy vào bãi Compong Thom mà lánh nạn, nhưng thuyền vẫn bị chìm khi cập bến , trong thuyền có chở tượng phật bốn mặt, nên dân chúng thỉnh lên lập chùa Buôn prăs phék (tục gọi là chùa bốn mặt). Khoảng năm 1984, người dân xã Phú Tân trong lúc sản xuất vụ mùa đã dào gặp chiếc thuyền lại nằm sâu trong khu vực nội địa chứng tỏ khu vực Phú Tâm ngày trước có mực nước khá sâu, là một nơi buôn bán khá sầm uất.
6.11 Làng Tài Xum:
Còn có tên gọi soài chrum hoặc toài chruom: Dịch theo nghĩa Khmer là chòm xoài, bởi nơi đây là vùng đất giồng cao ráo rất thích hợp với các loại cây trái, nhất là cây xoài. Theo cụ Vương Hồng Sển xoài ca nả cũng xuất phát từ đây. Theo cụ hàng năm đến mùa xoài chính rộ, khách đến mua thường được đựng bằng nãi – một loại giỏ có quai xách do người địa phương tự đan để dùng đựng xoài cho người mua – ngày nay tại khu vực này không còn dùng nãi nữa. Sau này làng Tài Xum sát nhập với làng Trà Tâm (Trà Tim) để thành làng Đại Tâm ngày nay, các địa danh “Tài Xum”, “Xoài ca nã” hầu như không còn ai nhớ tới. Riêng địa danh Trà Tim (Sà Tim) vẫn còn một số ít người lớn tuổi vẫn hay gọi (ngã ba Trà Tim).
6.12 Làng Phú Lộc:
Hình thành năm 1898 thuộc tổng Thạnh An. Tên đặt theo nguyện vọng của người dân địa phương mong có được cuộc sống tốt đẹp. Huyện lỵ đặt cạnh bờ kinh Chàng Ré (người Khmer gọi Chàng Prés có nghĩa là cuối sông)một con kênh chảy từ vàm của địa phận Bãi Xàu đến kết thúc tại vàm địa phận Bạc Liêu. Làng Phú Lộc ngày trước vẫn là vùng khá rộng, là nơi tập trung khá nhiều đồn điền của tên Gresisier (đồn điền ông Kho) nay còn sót lại một ngôi nhà lầu một tầng kiên cố tọa lạc tại xã Châu Hưng, điền Bắc Tam Băng thuộc xã Tân Long, điền chủ Manh...
Làng Phú Lộc mãi cho đến 1941 được đổi tên thành quận Phú Lộc, là một trong 4 quận hình thành đầu tiên của tỉnh Ba Xuyên thời Pháp thuộc.
6.13 Làng Ba Trinh:
Thuộc quận Kế Sách (có lúc gọi là Kế An). Tên Ba Trinh xuất phát từ cái tên gọi là Srok Cây Pring. Đây là loại cây thuộc gỗ tạp có rất nhiều ở vùng nước ngọt. Thân thẳng, gỗ hơi mềm, thịt mim đen, hạt lúc chín màu tím đen có vị ngọt chát, là món ăn của trẻ thơ trong vùng đồng ruộng.
Từ tên Pring dần dần đọc thành Ba Trinh. Làng này ngày trước gồm 2 làng: An Trinh và Ba Trinh sát nhập lại thành một làng gọi chung là Ba Trinh cho đến ngày hôm nay.
Kinh Ba Rinh thuộc huyện Mỹ Tú cũng xuất phát từ tên gọi Pring.
Riêng địa danh Ba Rẹt thuộc huyện Mỹ Tú xuất phát từ tên gọi Pourès (chưa truy được ý nghĩa nguồn gốc của từ này).

Friday 25 July 2014

Trích Nhật Ký Cải Cách Ruộng Đất (Trần Huy Liệu - Talawas)


18-5-1953
Nhưng mình không dự hội nghị, mà đi dự cuộc đấu địa chủ Nguyễn Văn Bính tức Tổng Bính tại xã Dân Chủ… Theo lối rẽ vào xã Trung Thần, đã thấy từng tốp người từ các ngả đường kéo đến…, trong đó có cả những bà bồng bế con thơ… đôi người đàn bà mặc quần mới. Lũ trẻ con giành nhau chạy trước. Một thanh niên leo lên cây me vệ đường rung cây cho quả rơi xuống để mọi người nhặt… Mình có ấn tượng như đi xem hội ở vùng quê. Họ không nói chuyện gì về đối tượng sắp đem tranh đấu cả. Vào một nhà tập hợp. Những ủy viên chấp hành nông hội xã và cán bộ đội công tác đương tíu tít về những công việc tổ chức. Ban tiếp tế nấu từng chảo cơm, bày từng dãy mâm cơm cho những “tân khách”, ai muốn ăn thì ghi tên vào với giá tiền 3.000 đồng một bữa. Mình mặc dầu đã mang cơm nếp đi theo cũng ngồi vào ăn. Dọc đường đi đến trường sở ở trong rừng, có dân quân du kích và công an xã vác súng đi lại canh gác. Từng chòm người ngồi xúm xít dưới gốc cây hay trong một chiếc nhà trống. Một chị phụ nữ bán xôi và bánh khúc tha hồ đắt hàng. Nhưng cho mãi đến gần 11 giờ, cuộc đấu mới bắt đầu. Vì thôn nọ phải chờ thôn kia, xóm nọ phải chờ xóm kia. Có người đi từ sáng sớm, chưa kịp ăn cơm. Có người gần trưa mới tới. Ban tổ chức đã không giao trách nhiệm chặt chẽ những người phụ trách các khu vực hướng dẫn quần chúng đến cho được đúng giờ hay ít nhất là không chậm trễ quá. Mình cố ý ngồi lẫn vào từng đám quần chúng để nghe ngóng dư luận, nhưng không thấy gì. Một anh bạn hỏi người ngồi bên thì y nói: “Tôi đối với ông ấy (chỉ địa chủ Tổng Bính) cũng không có chuyện gì”. Ban tổ chức đi gọi người nào có “vấn đề” với địa chủ thì vào trước. Một số lững thững đi vào. Có người không chịu vào trước, nói: “Tôi có ít thôi, để nói vào cuối cùng”. Nhưng có ai biết được người tố cuối cùng sẽ là ai? Trường sở tranh đấu tại một khu rừng thưa, gần cánh đồng, bên một cái đình. Không có hầm hố tránh máy bay gì cả. Cũng may trời nắng ráo. Mưa thì sẽ ra sao? Ngoài lá quốc kỳ và ảnh Hồ Chủ tịch, những khẩu hiệu “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm”, “Triệt để giảm tô, kể cả thoái tô. Thực hiện giảm tức, phát triển sản xuất. Thực hành tiết kiệm” và một chiếc băng dài đề “Đả đảo và trừng trị xứng đáng tên địa chủ cường hào gian ác Nguyễn Văn Bính”. Mình nhận thấy không có một khẩu hiệu phản đế nào. Một thói quen trong lúc này là người ta mải nhìn vào địa chủ phong kiến mà quên kẻ thù đương phải tranh đấu bằng vũ trang là đế quốc Pháp và can thiệp Mỹ. Trước mấy chiếc bàn để dành cho chủ tịch đoàn và ban thư ký, một chiếc bục kê lên cho địa chủ quỳ và đằng sau có những biển quy định chỗ ngồi: “địa chủ ngoan cố”, “địa chủ đã thanh toán”, “phú nông nói láo”, “phú nông chưa thành khẩn” và “những người phú nông”. Số quần chúng đến dự độ 700 trở lại. Có cả một số bộ đội và nhân viên cơ quan ở gần. Ban điện ảnh Nha Thông tin có đến quay phim. Theo lời căn dặn của chủ tịch đoàn, thì, khi máy quay phim kêu sè sè, mọi người không nên nhìn vào, mà phải “căm thù địa chủ”. Lễ khai mạc bắt đầu. Trên ghế chủ tịch đoàn là ban chấp hành nông hội, nghĩa là bần, cố, trung nông. Có cả một phụ nữ và một thương binh. Phát ngôn nhân của chủ tịch đoàn cũng dõng dạc mạnh bạo, không kể vô số những sai lầm về danh từ cũng như về văn phạm. Nhưng những lời tuyên bố đầu tiên đã lộn xộn giữa phú nông và địa chủ. Người ta không nói ngay đến địa chủ thủ phạm, mà đã kể đến từng “tên” phú nông thuộc các loại, do du kích áp giải “mời” đến hội trường. Chủ tịch truyền lệnh cho cử tọa hễ thấy địa chủ vào thì hô đả đảo. Một việc làm không cần đến mệnh lệnh. Đến lượt địa chủ vào. Hai tay bị trói quặt ra sau, nhưng vẫn phải bò từ ngoài vào, đeo bên mình những gói quần áo. Ngoài tiếng hô đả đảo, những người ngồi gần lối y vào cũng với tay ra đánh tát tơi bời. Không đợi để quỳ lên bục, một người đã túm lấy tóc mà “tố”. Trận vũ bão bắt đầu.
Mình đã đọc hồ sơ của B., biết rõ tội ác của B. B. trước làm lý trưởng rồi phó tổng hồi Pháp thuộc. Sau Cách mạng tháng Tám, B. làm chủ tịch Uỷ ban Hành chính Kháng chiến xã rồi UBHCKC huyện. B. cũng là đảng viên cộng sản đầu tiên ở đây. Một số người vào tố đầu tiên buộc tội B. đã làm tay sai cho Cung Đình Vận, tuần phủ Thái Nguyên ngày trước, để lùng bắt Việt Minh và đồng chí Chu Văn Tấn.
Tuy vậy, ngoài một người ra, hầu hết những người khác đều không đem được ra những bằng chứng cụ thể. Có người không nói được rõ cả việc xảy ra ở đâu ngày tháng nào. Kết quả là B. chỉ nhận sau cuộc Nhật đảo chính Pháp, có nhiều trộm cướp xảy ra, mình làm tổng lý phải đem lính dõng và tuần phiên đi canh gác, thế thôi. Đến lượt tố các vấn đề kinh tế. Một điểm đáng chú ý là trong khi đấu tố địa chủ mà không nổi bật lên cái gì là chiếm đoạt ruộng đất hay tô tức. Người ta chỉ len vào những việc phụ khác như ăn hối lộ, quỵt tiền công, tham ô, đánh người… Có một số người mà phần nhiều là phụ nữ tố tên B. bằng một giọng kể lể tự nhiên thì được công chúng nghe rõ ràng và thấm thía. Một bà đau xót vì chồng bị B. đánh 3 cái ba toong và khi B. vào nhà bà sục bắt cán bộ thời bí mật, cán bộ chạy làm vỡ một rổ bát để nhà bà không có cái bát mà ăn. Một chị ở giơ cái chân khấp khểnh vì bị sâu quảng để truy nguyên vì B. mà què chân. Một anh ở khác tố cáo vì B. không cấp thẻ thuế thân trong thời Pháp thuộc nên không đi đâu được. Tuy vậy, có bà kể lể vì bị quỵt 3 nồi thóc, đi tới kết quả là con ốm bị chết để kết luận bằng câu: “Vậy mày có trả tao 3 nồi thóc không?”. Cũng một bà khác có anh ở cho B. ốm chết, rồi cũng suy luận theo kiểu trên để đi tới đòi mấy nồi thóc tiền công. Một chị chấp hành nông hội, ngồi ghế chủ tịch đoàn là chị Bân đã tố B. cướp một con trâu với tinh thần căm tức dào dạt, nhưng chị vừa nói vừa vỗ tay xỉa xói vào mặt B. khiến mình có cảm tưởng như nghe cuộc cãi nhau của một mụ bán hàng chua ngoa ở chợ Đồng Xuân.
Ngoài ra, không thiếu những điều vô lý đến phì cười Có người tố B. đã quyên tiền của mình để đóng cho Việt Minh trước cuộc Cách mạng tháng Tám mà không nói rõ B. đe dọa nếu không quyên thì sẽ bị giết. Có người tố B. đã làm chết hai du kích chỉ vì B. đã phái đi bố trí trong khi quân Pháp tiến lên Thái Nguyên năm 1947. Có người còn tố B. đã làm thịt lợn đãi du kích mà con lợn đó là lợn nhà của B. Một anh tự xưng là bộ đội Anh Bắc trước cuộc cách mạng trong khi tố B. đã không quên “quảng cáo” cho B. là B. đã đốt bằng sắc của thời Pháp thuộc. Một anh phu phà nhắc lại chuyện năm xưa đã bị B. đánh một cái tát vì té nước vào quần B. rồi cứ sừng sộ mãi: “Mày có phải là cán bộ không?”. Nhiều người tố giác B. đã thừa cơ ăn cắp vải, đồng hồ, súng lục… khi quân ta đánh chiếm Thái Nguyên tháng 8-1945. Rồi sau khi nghe B. phân trần, người ta vẫn cứ truy mãi: “Thế còn đạn mày lấy ở đâu?”. Cuộc tranh đấu càng kéo dài, những vấn đề đem ra tố càng trở nên lung tung, tản mạn. Một chị phụ nữ là y tá của một cơ quan cũng lăng xăng chạy vào hỏi chiếc bút Pắc-ke bị mất năm trước khi cơ quan còn đóng ở nhà B. Một người khác kể tội B. khi dạy học đã dùng thước đánh mình. Nói tóm lại, người ta không còn thấy gì là tính chất giai cấp đấu tranh của nông dân chống địa chủ nữa.
Nếu mình hôm ấy chỉ là một người xa lạ đến dự thì sẽ không biết B. có phải là địa chủ cường hào gian ác không và vì sao phải đem ra đấu tố? Khuyết điểm là chủ tịch đoàn, trước khi đem tố, không giới thiệu tóm tắt những tội trạng của y rồi mọi người đem bằng cớ ra để chứng thực. Những phần tử cốt cán đem ra tố, đã bị bồi dưỡng theo một kiểu cách sai lệch đến lố bịch. Đại đế anh nào chạy ra cũng đầu tiên vỗ ngực bằng một câu hỏi: “Mày có biết tao là ai không?” và “Mày đã dựa vào thế lực nào?”, “Đéo mẹ tiên sư mày, không nhận tao đánh bỏ mẹ bây giờ”… bằng những cử chỉ hùng hổ và quát tháo om sòm, lại không có lý lẽ gì cũng như không đem được ra chứng cứ. Ngu ngốc đến nỗi khi nhắc đến những việc làm thời Pháp thuộc của B, rồi hỏi: “Mày đã dựa vào thế lực nào?”, là có ý chỉ vào thế lực đế quốc cái đó đã đành. Tới khi hỏi những việc làm của B. bằng danh nghĩa chính quyền của ta, cũng cứ gạn hỏi: “Mày đã dựa vào thế lực nào?”. Và nếu quên hỏi câu này thì lại có người nhắc hỏi. Đã thế, không cho “phạm nhân” được trả lời, vì trả lời tức là “ngoan cố”. Những tiếng quát tháo: “Mày còn chối tao đánh bỏ mẹ bây giờ” và những tiếng hò hét của công chúng ở ngoài: “Không cho nó nói”, “Không cho nó phân trần” chỉ tỏ ra những hèn kém, yếu ớt không tin được vào lý lẽ của mình. Sau khi chủ tịch đoàn đọc bản cáo trạng, mình phải lấy làm ngạc nhiên là cuộc tố đã không nêu ra được tội trạng của B. Chẳng những thế, người ta bắt tội nhân phải quỳ trên sàn gỗ tính ra từ 11 giờ đến 4 giở rưỡi chiều. Mỗi khi tội nhân run rẩy gục xuống thì những tiếng thét từ xung quanh lại vang lên: “Quỳ cao lên!”. Anh du kích đứng sau lưng thỉnh thoảng lại dọi một báng súng mỗi khi thấy phạm nhân quỳ thấp xuống, nghĩa là đặt đít vào hai gót chân. Có lúc chủ tịch đoàn ra lệnh cho B. được ngồi xuống một tí thì người tố và quần chúng lại bắt quỳ cao lên. Ngoài hình phạt bắt quỳ thường xuyên, người ta đã đánh đập tội nhân rất tàn nhẫn. Mỗi người ra tố, theo thói quen và bắt chước lẫn nhau, đều nắm tóc tội nhân để giật hỏi. Sau mấy câu hỏi không đi đến đâu, người tố thấy mình trơ trẽn nên phải kết thúc bằng một cái tát để xuống đài. Có người đã thoi vào mang tai tội nhân. Có người đã đá phốc lên bụng. Trong khi ấy, chủ tịch đoàn hay một vài người ở ngoài chỉ khuyên bằng một câu nhè nhẹ “Không cần đánh nó!” hay “Đánh nó thêm bẩn tay!”. Trước mắt mình đã có một ấn tượng rất xấu: một anh, cứ cách năm, mười phút lại lên nắm tóc tội nhân hay xen vào cuộc đấu tố của người khác để hỏi một vài câu trống rỗng, rồi theo đó một cái tát. Mình không thể thấy được ở y một căm thù giai cấp mà chỉ thấy ở y một hèn nhát của một kẻ đánh hôi trong trận đòn hội chợ. Mình còn thấy ở y, cũng như một số khác trong khi đánh đập tội nhân còn có ý biểu dương tinh thần trước mặt cán bộ. Cũng hôm nay, mình còn thấy hai đứa trẻ con trong đám quần chúng cốt cán cũng luôn chạy ra bắt địa chủ phải quỳ cao và túm tóc đánh tát theo kiểu này. Họ hiểu lầm hai chữ “đấu lực” bằng cách dùng nhục hình vô nhân đạo. Họ không biết sức mạnh của giai cấp không phải đánh hôi một cách hèn nhát, có tính chất báo thù cá nhân. Hiện tượng xấu xa này còn do ở những cán bộ của chúng ta, trong khi huấn luyện trong lớp cũng như nói ngoài quần chúng, là: “Kỷ luật thì cấm đánh ẩu, giết ẩu, nhưng nếu nông dân người ta căm thù quá độ mà đánh tát một vài cái thì cũng không sao”. Câu nói này đã trở nên như một châm ngôn. Nó gợi bảo quần chúng là có thể đánh một vài cái được, miễn là đừng đánh chết. Rồi đó, những kẻ lưu manh đã thừa cơ đánh để trả thù hay đánh để chơi, đánh cho thích. Mình thật không muốn thấy nhục hình khôn nạn còn diễn ra dưới chính quyền dân chủ nhân dân này!
Hôm ấy, còn diễn ra một cảnh tượng nữa là người trong gia đình tên B. cũng được áp giải ra hội trường. Trong đó có một bà cụ già khọm, mẹ của B, và một đứa trẻ độ 3, 4 tháng nằm trên bàn tay vợ của B. Chủ tịch đoàn gọi vợ B. lên khuyên chồng thú nhận tội lỗi. Cảnh này chỉ gây cho công chúng rủ lòng thương những kẻ mặc dầu đã sống vào bóc lột và áp bức đương bị trả thù!
Sau trận đấu, chủ tịch đọc bản cáo trạng và cho phép B. được ngồi nghe. Đến lượt cho nói, B. phân trần là trước kia làm tổng lý thì sự áp bức bóc lột nông dân là điều không tránh khỏi. Nhưng sau khi giác ngộ thì B. đã thấy rõ cuộc cách mạng của ta là đánh đổ phong kiến và đế quốc, làm cách mạng ruộng đất. Trên con đường tiến của Liên Xô vĩ đại, B. không dại gì đi vào con đường chết. Từ sau Cách mạng tháng Tám, B. đã tích cực phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nếu có những việc lặt vặt xảy ra, thì nó chỉ là bột phát, không chủ ý. Nếu nhân dân giết y thì y chịu, chớ y không chịu nhận là phản cách mạng, mưu bắt cán bộ. B. nói có thực không, đó là một chuyện. Điều đáng ghi ở đây là cuộc đấu hôm nay đã không đạt được mục đích yêu cầu và không làm cho B. khuất phục. Tuy vậy B. vẫn phải ký vào bản cáo trạng kể trên.
*
Đến lượt Phùng Thái Ký, một Hoa kiều địa chủ kiêm công thương nghiệp. Từ sáng, Phùng vẫn ngồi dưới tấm biển đề “địa chủ ngoan cố”. Thực ra Phùng không phải mục tiêu định đem đấu hôm nay. Nhưng chủ tịch đoàn vừa gọi ra chất vấn, Phùng nói líu tíu khó hiểu, thì mấy nông dân Hoa kiều đã ồ lại thoi đánh túi bụi con của Phùng. Đến đây thì trật tự bị mất hẳn. Chủ tịch đoàn bị động.
Cuộc chất vấn trở thành cuộc đấu. Những việc đem ra tố đều thuộc về hiềm thù cá nhân, xích mích xóm giềng giữa một số Hoa kiều, không có gì là tính chất của nông dân đấu địa chủ. Hầu hết mọi người lại chỉ nhằm vào thằng con của Phùng, một thanh niên ngỗ ngược. Khác với Nguyễn Văn Bính, thằng con của Phùng không thể quỳ cho người ta đánh, mà lăn ra khóc hu hu. Cuối cùng, hai bố con Phùng cũng phải ký vào bản cáo trạng, nhận bồi thường cho nông dân.
*
Ngoài hai địa chủ, đến lượt một số phú nông. Từ sáng, một số phú nông đã phải ngồi theo từng loại.
Khi mà cuộc đấu tố B. đến lúc quyết liệt nhất thì chủ tịch đoàn truyền lệnh cho đem những “phú nông” chưa chịu thanh toán ra một chỗ bắt phải nhận bồi thường cho nông dân. Mà ai cũng thấy rõ là một hình thức uy hiếp phú nông rõ rệt, vượt quá phạm vi “trung lập phú nông” theo sách lược của Đảng.
*
Sau cùng là những lời tuyên bố không phải của chủ tịch đoàn, mà của anh NQC, trưởng đội công tác xã Dân Chủ. Anh hoan hô cuộc thắng lợi của nông dân và nhắc nhở về việc củng cố nông hội.
Nhưng cái điệu lệch của cán bộ là chỉ nhắc đến Hồ Chủ tịch, đến Đảng, mà không nói đến chính quyền dân chủ nhân dân. Những khẩu hiệu hô trước khi mít tinh giải tán cũng thiếu hẳn khẩu hiệu chống đế quốc.
*
4 giờ rưỡi, mít tinh giải tán, mình ra về trong đám quần chúng, nhưng không nhặt được một dư luận nào thêm. Nhọc mệt. Bực bội. Một vài ấn tượng xấu trong cuộc mít tinh vẫn ám ảnh trong đầu mình.
Cuộc đấu tố thí điểm địa chủ Nguyễn Thị Năm tức Cát Hanh Long ở hai xã Đồng Bẩm và Dân Chủ ngày 22-5-1953
Số người tới dự độ 1 vạn trở lại, ngồi chen chúc trong một khu đất dưới lùm cây hai bên là núi. Hôm nay nắng nhiều, ánh mặt trời rọi vào khiến nhiều người phải cầm cành cây vừa che cho đỡ nắng, vừa để ngụy trang chống máy bay. Nhưng làm thế thì hàng trước sẽ che lấp hàng sau, không nhìn thấy gì, nên kết cục là phải bỏ cành lá đi và khi nắng quá thì dồn người sang hai bên…
Hôm nay cũng như hôm trước, chủ tịch đoàn lại phạm một khuyết điểm là ra lệnh cho quần chúng hễ thấy địa chủ vào là đả đảo kịch liệt. Một việc làm thừa! Nguyễn Thị Năm và hai con Hanh, Công cùng đầy tớ là đội Hàm, Chính, Chiêu vào. Quần chúng hô đả đảo vang dậy và đòi phải đứng lên cao quay mặt tứ phía cho ai nấy đều trông thấy mặt để đả đảo. Chủ tịch đoàn giới thiệu từng tên với một tràng lý lịch tư pháp mà không nêu tội ác. Tuy vậy quần chúng cũng chấm dứt từng đứa bằng một làn sóng đả đảo. Quần chúng ghét nhất là đội Hàm, vì tội ác đã đành, mà còn vì đôi mắt đầy khiêu khích. Nhiều người hô bắt nó phải cúi mặt xuống.
Rút kinh nghiệm lần trước, chủ tịch đoàn tuyên bố đề nghị quần chúng phải giữ vững trật tự và không cần đánh đập tội nhân hay bắt quỳ, bò. Bọn mẹ con và tay sai địa chủ được ngồi trên một cái bục dưới gốc cây. Quần chúng lần lượt vào tố, từ loại vấn đề kinh tế đến chính trị và sau hết là chống chính sách chính phủ và nói xấu cán bộ. Những người đấu tố hôm nay cũng có một phong độ và một nghệ thuật khác hôm đấu Tổng Bính. Những tiếng hò hét “Mày có biết tao là ai không?”, “Mày dựa vào thế lực nào?” kèm theo cái tát để xuống đài không còn nữa. Những người tố được quần chúng cảm động và tán thưởng nhiều nhất là bà Sâm, chị Đăng và anh Cò. Bà Sâm, với một giọng gợi cảm, kể lể vì Thị Năm mà mình phải suốt đời cô độc, có người rơi nước mắt. Nhưng sự thực, nội dung câu chuyện không có gì. Chị Đăng, một người ở với Thị Năm lâu ngày, tố lên rất nhiều sự việc bí mật và chi tiết. Nhưng, với một giọng lưu loát quen thuộc, chị trở nên một tay “tố nghề” và ít làm cho ai cảm động.
Còn anh Cò, một người thiểu số đã bị Hoàng Công, con Thị Năm, bắt vì có tài liệu Việt Minh, trước cuộc Cách mạng tháng Tám, bị tra tấn rất dã man, rồi trốn thoát trước giờ Công định lấy đầu nộp cho Cung Đình Vận. Bằng một giọng chân thành đến ngây ngô, anh đã làm cho Công không chối cãi được nửa lời.
Cũng có không ít những người nói không đạt ý, không rõ việc. Bà Minh nói việc chẩn bần tại đồn điền Đồng Bẩm năm 1945 đã làm bao nhiêu người chết đói, rồi kết luận bằng những câu: “Mày đừng nhận là chủ đồn điền có được không?”, “Mày chỉ có hình thức thôi” và “Mày nói nhân nghĩa mà mày không nhân nghĩa gì cả” khiến người nghe không hiểu tội Thị Năm ở đâu? Sự thực thì hồi ấy dân chết đói nhiều quá, bọn thống trị Pháp, Nhật muốn che lấp tội ác của chúng, bắt các chủ đồn điền phải hàng ngày xuất ra một số gạo phát chẩn cho dân. Thị Năm đã bớt và khai man số gạo này, nghĩa là ăn cắp số gạo mà dân đói đáng được hưởng để chết đói thêm. Ông Giồng tố cáo Thị Năm đã cướp gánh cỏ của ông cho ngựa nó ăn và giỏ củ mài làm cho cả nhà nhịn đói. Câu chuyện của ông đã được một văn nghệ sĩ làm thành một bài thơ tràng thiên rất cảm động Nhưng hôm nay, ông đã thuật lại một cách nhạt nhẽo. Con gái ông Giồng, hơn mười tuổi, đáng nhẽ cứ kể rành rọt cảnh đói rét của nhà mình phải chịu vì sự bóc lột của Thị Năm, nhưng nó lại nói bằng một giọng “bà cự” nên nhiều người không cảm động, mà lại phát ghét. Chị Lý, con nuôi của Thị Năm, được Thị Năm trang điểm cho để định gả cho một võ quan Nhật. Nhưng sau khi biết chị chỉ là thân phận tôi đòi, không có tiền của gì thì tên Nhật lại không lấy và chị lại bị Thị Năm bắt lột trả lại quần áo, trở lại thân tàn ma dại như trước. Chị vừa nói vừa khóc. Nhưng không ai rõ chị nói gì.
Tuy vậy, trong đám người tố, vẫn còn sót lại một ít những phong thái cũ. Câu hỏi “Mày có biết tao là ai không?” đã được chủ tịch đoàn ngắt đi bằng câu: “Cứ việc tố không cần bắt nó trả lời”. Một vài cái tát vẫn còn diễn ra. Trong khi tố tên Công, nhiều người hỏi những câu vô ý thức: “Mày có xứng đáng là cách mạng không?”, “Mày nói mày là cách mạng mà như thế à?”. Một người ở Phúc Trừu tố cáo Thị Năm về tội chiếm đoạt ruộng đất khẩn hoang của nông dân và cơi thùng thóc lên để thu thóc, rồi kết luận “Như thế mày có xứng đáng là địa chủ không?”. Một người khác tố Thị Năm, đội Hàm và Lý Nguyên Lập bảo an đoàn ở Phúc Trừu bắt nông dân gác và đánh đập tàn nhẫn, cũng để đi tới kết luận: “Mày là con chó! Chứ không phải địa chủ?”.
Một tá điền tố Thị Năm lấy ruộng của mình đương làm bán cho người khác vì mình không có tiền mua, bằng câu: “Lấy tiền ở mả bố mày mà mua à?”. Nhiều người vẫn gắn vào hai chữ “tiến bộ”: “Mày nói mày tiến bộ mà như thế à?” Đi xa hơn nữa, có người nói Thị Năm lập quán Bông Lau ở thị xã Thái Nguyên để đón gián điệp trong khi ai cũng biết đó là cơ quan sinh lợi của hội Phụ nữ liên hiệp tỉnh Thái Nguyên.
Về phía quần chúng, thì, khi nghe người tố không chịu bình tĩnh lắng nghe cho rõ sự việc cũng như luận điệu tố cáo, cứ việc “đả đảo” bừa đi. Nhiều lúc ầm ĩ quá làm không nghe gì được. Một người trong chủ tịch đoàn cũng phạm một lỗi quá nặng. Trong khi quần chúng đòi đem bày ổ thủ phạm ra ngồi ngoài nắng, lại trả lời: “Đem ra ngoài nắng ngộ nó lăn ra chết thì lấy gì mà tố?”. Đây là lời dặn của cán bộ với những phần tử cốt cán là không nên đánh đập địa chủ. Nếu lỡ tay đánh chết nó thì lấy gì mà tố. Hôm nay, vị chủ tịch ngốc nghếch kia đã theo ý đó nói toạc ra một cách công khai cho địa chủ biết.
Đến lúc đọc bản cáo trạng kết thúc, hội trường im lặng để lắng nghe trong một bầu không khí trầm nghiêm. Nhưng một vị chủ tịch đã đọc chữ nọ thành chữ kia. Có câu đọc đi đọc lại. Có lúc phải ngừng lại để lẩm nhẩm. Rồi mỗi lúc mỗi ngập ngọng thêm. Kết cục là nửa chừng phải thay người khác. Về việc này, mình hỏi một cán bộ phụ trách thì được biết là trước khi đọc, bản chữ viết đã chú ý viết rõ ràng và vị chủ tịch nọ đã đọc đi đọc lại, đảm bảo là đọc được.
… Tính ra suốt ngày hôm nay không được uống nước dưới trời nắng. Trời tối, nhiều lúc lạc đường, về đến cơ quan một cách mệt mỏi.
Nhật ký ngày 31-5-1953
31-5-1953
Sáng sớm, mình xuống xã Dân Chủ cùng hai người trong tổ kiểm tra để kiểm tra việc thoái tô, thoái tiền công và chia quả thực. Nằm ở nhà một bần nông, sáng và chiều vùi đầu vào trong đám giấy tờ của đội công tác để tìm ra vấn đề. Một điều nhận thấy là giấy tờ lộn xộn quá, vì kém văn hóa và thiếu khoa học. Thiếu đến cả những hình thức thông thường. Nhiều tài liệu phải vừa đọc vừa hỏi mới biết rõ sự việc. Trong khoản nông dân bắt địa chủ và phú nông bồi thường có cả khoản trâu bò phá hoại hoa màu từ mấy năm trước. Đến cả bần, cô nông với trung nông cũng thanh toán cả món nợ từ năm nảo năm nào. Có anh cố nông năm nay 39 tuổi khai bị một địa chủ quỵt công ở 25 năm, sau đem bình nghị phải giảm xuống 15 năm. Sau cùng là 9 năm. Có người đòi công ở 2 năm tới 86 nồi thóc (mỗi nồi 22 cân) trong khi công ở mỗi người nhiều nhất trong một năm chỉ có 20 nồi. Hơn nữa có anh bần nông bắt đến địa chủ bắn chết một con lợn 15 cân từ năm 1935 là 8 nồi thóc. Nếu tính theo giá hiện thời: 300 đồng bạc ngân hàng một cân thóc thì con lợn 15 cân ấy (kể cả lòng lẫn cứt), giá bồi thường mỗi cân tới 3.520 đồng, trong khi thời giá chỉ có 2.700 đồng. Ấy là chưa kể con lợn hồi ấy, địa chủ, người bắn chết, có ăn thịt không hay con lợn vẫn về nhà có lợn. Đại để những việc như thế đã nói rõ sự lạm quyền thế mới lên và sự tham lam trắng trợn của một số bần, cố nông chưa được giáo dục.
Buổi tối, mình dự một tổ nông hội bàn về mấy nguyên tắc chia ruộng công. Trong gian nhà bức, nóng, người đến dự vừa đau mắt, vừa buồn ngủ, mỏi mệt, uể oải sau một ngày làm việc dưới nắng hè để sáng mai lại phải dậy sớm đi làm. Trong khi ấy, chủ tọa buổi họp là một cố nông không biết điều khiển gọn ghẽ, cứ hỏi đi hỏi lại, bắt mọi người đều phải phát biểu ý kiến. Có nhiều vấn đề trở đi trở lại mãi. Thêm vào đấy, mấy phần tử cốt cán cứ nói theo giọng cán bộ, tuôn một tràng dài những lý luận và danh từ không cần thiết. Rồi, sau đó, cũng làm đủ mọi phương thức: phê bình hội nghị, duyệt y biên bản, kéo tới 11 giờ khuya.
NguồnTrần Huy Liệu – Cõi người. Tác giả: Trần Chiến. Nhà xuất bản Kim Đồng, 2009