Tuesday 11 September 2018

Saigon-Chợ Lớn và Nam bộ: Từ tiền sử đến Phù Nam, đế quốc Khmer và vương quốc Champa (Phần 2) (Nguyễn Đức Hiệp - Văn Chương Việt)


Saigon-Chợ Lớn và Nam bộ: Từ tiền sử đến Phù Nam, đế quốc Khmer và vương quốc Champa (Phần 2) Nguyễn Đức Hiệp

Thời kỳ vương quốc Phù Nam, từ 200 B.C đến thế kỷ thứ 7 

Trong những năm biến loạn giữa thế chiến thứ hai, có một sự kiện ít ai bận tâm nhưng có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử và khảo cổ vùng hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long. Đó là di chỉ Óc Eo và sự khám phá của nhà khảo cổ Louis Malleret về thành phố cảng quan trọng của một nền văn minh chưa được biết đến nhiều, nền văn minh Phù Nam.

Trước đó ta chỉ biết về Phù Nam qua sử liệu Trung quốc nói về vương quốc này ở vùng Thủy Chân Lạp. Vị trí trung tâm của Phù Nam được nhiều nhà nghiên cứu cho là ở vùng hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long hiện nay bao gồm Rạch Giá, Hà Tiên, Long Xuyên, Sambor Prei Kuk, Banteay Prei Nokor và Angkor Borei. Lãnh thổ và ảnh hưởng của Phù Nam thì rộng lớn từ Mon-Dvaravati (Miến Điện, Thái Lan ngày nay), Nam Lào đến cả vùng Nam bộ.

Phù Nam bắt đầu được chú ý khi vào năm 1903, P. Pelliot đã dịch các thư tịch trong sử Trung Quốc nói về vương quốc Phù Nam, cho thấy đây là một vương quốc Ấn hóa hùng mạnh đầu tiên ở Đông Nam Á và có sự liên hệ với Trung Quốc và các vùng khác vào thế kỷ 1 đến thứ 5 sau công nguyên. Một số khám phá và công trình nghiên cứu của các học giả Pháp ở trường Viễn Đông bác cổ vào các thập niên đầu thế kỷ 20 như Parmentier, Claeys, Malleret, Coedes, De Lajonquiere… ở các di chỉ tìm được ở hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long cho chúng ta biết thêm là vùng này có một nền văn hóa cổ xưa ở các thế kỷ đầu công nguyên. Các di tích khảo cổ này được cho là các di chỉ kiến trúc thuộc văn hóa Phù Nam “tiền Angkor”, di sản để lại cho văn minh Khmer Chân Lạp khi Phù Nam biến mất, và là bước đầu làm nền tảng cho văn hóa Khmer Angkor phát triển rực rở ở thế kỷ 12.

Ngay ở tại Saigon, ở gần giao lộ đường 3/2 và đường Hùng Vương là chùa Phung Sơn hay còn gọi là chùa Gò. Nơi đây là di tích của một di chỉ đền thờ thuộc nền văn hóa Óc Eo hay còn gọi là “tiền Angkor”. Di tích gò ở chùa Phụng Sơn nằm trên gò đất hình gần vuông mỗi cạnh khoảng 100m có hào nước chung quanh. Di tích được biết khoảng năm 1930-1940. Tại gò này năm 1938 đã phát hiện một tượng thần Vishnu bằng đá tìm được ở một giếng phía đông bắc ngôi đên trên gò. Cuộc khai quật nghiên cứu năm 1991 đã làm rõ di chỉ kiến trúc điện thờ, thu thập thêm được những đồ gốm Óc Eo điển hình, tượng bán thân và linga ở khu mộ táng dưới và quanh miếu Ông Tà, về phía bên trái của chùa gò Linh Sơn ngày nay. Ở phía bên phải của chùa, cũng tìm được di tích gạch đá của cửa chính ở phía đông và cửa hậu ở phía tây (Đền Phù Nam luôn có cửa chính hướng về phía đông nơi mặt trời mọc, nhận ánh sáng thần linh)

Vậy ta biết gì về Phù Nam và con người của vương quốc này, đã cư trú hay ít nhất có ảnh hưởng trực tiếp vào các thế kỷ đầu công nguyên ở vùng đất Saigon mà ta biết ngày nay?

Phù Nam (扶南) là tên sử Trung quốc gọi tên vương quốc này, hiện nay ta không biết người Phù Nam gọi họ và đất nước của họ là tên gì (Phù Nam có thể là phiên âm từ chữ Môn-Khmer phnom, có nghĩa là núi). Vào giữa thế kỷ thứ 3 A.D, vào thời Tam Quốc hai sứ giả nước Ngô (Wu, 222-280), Khang Thái (康泰, Kang Tai) và Chu Ứng (朱應, Zhu Ying), đã đến viếng thủ đô huyền thoại của Phù Nam là Đặc Mục (T’e-mu). Thủ đô này cách bờ biển khoảng 500 li (200km). Theo bia ký bằng chữ Phạn sanscrit (khoảng 655 A. D) thì thủ phủ của Phù Nam hay ít nhất là một thành phố lớn là Vyadharapura (thành phố thợ săn). Theo Pelliot và Vickery (17) thì thủ đô của Phù Nam là Angkor Borei vì gần với núi Phnom Da tương ứng với sự mô tả của sứ giả Phù Nam đến Trung quốc là Nagasena cho biết thủ đô cạnh chân núi gọi là Mayentiram, và Vyadharapura không phải là thủ đô mà có thể chỉ là Banteay Prei Nokor, một thành phố phía đông bắc Angkor Borei. Coedes thì cho rằng thủ đô của Phù Nam là Ba Phnom (giữa Angkor Borei và Óc Eo) vì tên núi tương ứng với Vrah Vnam, một tên gọi xưa của Ba Phnom.

Những quan sát về Phù Nam được hai ông Khang Thái và Chu Ứng viết trong quyển Ngô thì Ngoại quốc truyện (Wu shi Waiguo Zhuan, 吳時外國傳) và sau đó được nhiều bộ sử khác sau này ghi lại vào trong một phần nói về vương quốc Phù Nam như trong bộ “Lương Sử”. Pelliot năm 1903 là người đầu tiên đã dùng những tư liệu này để viết về những nước cổ ở Đông Nam Á được đề cập trong thư tịch Trung quốc.    

Bộ sử “Lương thư” (635 A.D) trong sách sử Trung quốc viết về Phù Nam, thu thập từ nhiều nguồn, như sau (14)

Vương quốc Phù Nam ở phía nam của quận Nhật Nam (Rinan, bắc Việt Nam), nằm trong một vịnh ở phía tây của vùng biển (Nam Hải). Vương quốc này cách Nhật Nam 7000 lý (li) và hơn 3000 lý về phía tây nam của Lâm Ấp (Champa). Thủ đô cách biển 500 lý. Có một con sông lớn, bề ngang rộng 10 lý, chảy từ tây bắc và đổ ra biển ở phía đông. Vương quốc này có đường kính hơn 3000 lý, và đất ở vùng thấp và phẳng. Khí hậu và phong tục nói chung giống như ở Lâm Ấp. Nơi đây sản xuất vàng, bạc, đồng, thiếc, gỗ trầm hương (降真香, giáng chân hương, lakawood, Liana Indiana), ngà voi, ngọc và các con két 5 màu. (ghi chú: 1 lý trong “Lương thư” tương đương với khoảng 77 mét)

Người dân Phù Nam lúc ban đầu có tục ở trần truồng, xâm mình và để tóc xỏa dài không búi. Thủ lãnh của họ là một người đàn bà tên là Liễu Diệp (柳葉, Liuye, Lá Liễu, còn gọi là Soma ở truyền thuyết Chăm tương tự). Người đàn bà này trẻ và khỏe mạnh, như một người đàn ông. Ở phía nam có một vương quốc Ji,(徼, kiêu) nơi có một thầy tu phù phép thần thánh tên là Hỗn Điền (Huntian, tương đương với Kaundinya trong truyền thuyết Ấn độ tương tự). Ông ta mơ trong một giấc mộng có một vị thần cho ông một cây cung, và đi trên một thuyền buôn. Lúc buổi sáng khi tỉnh dậy, ông đi đến đền và tìm thấy một cây cung ở dưới một gốc cây thiêng. Vì thế ông làm theo như trong mộng và đi ra biển trên một tàu, đến vùng ngoại biên của Phù Nam. Liễu Diệp (Liuye) và đoàn tùy tùng thấy thuyền đến gần và muốn bắt thuyền này. Hỗn Điền rút cung ra và bắn vào thuyền của Liễu Diệp, đâm thủng một bên và trúng một người hầu. Liễu Diệp sợ hãi và cùng với thần dân đầu hàng Hỗn Điền. Hỗn Điền dạy Liễu Diệp làm một lỗ ở giữa mãnh vãi và để đầu xuyên qua lỗ này, dùng làm quần áo để che than. Sau đó Hỗn Điền ngự trị trên toàn lãnh thổ và cưới Liễu Diệp làm vợ. Họ có bảy người con trai, mỗi người con được làm vua ở mỗi vùng khác nhau. Sau này, vua Hỗn Bàn Huống (Hun Pankuang) dùng mưu mẹo để gây mâu thuẫn giữa các vùng, làm cho họ nghi ngờ và ngăn cản. Sau đó Bàn Huống mang quân lính tấn công và thống trị tất cả, và gởi con và cháu của mình ngự trị mọi vùng với tước hiệu tiểu vương.
..”

Đoạn miêu tả về đặc tính của nền công lý Phù Nam:

“Họ nuôi cá sấu trong hào chung quanh thủ đô, và một chuồng thú dữ ngoài cửa thành. Những người bị kết tội phạm bị cho thú dữ hay cá sấu ăn, và nếu họ không bị thú vật ăn trong vòng 3 ngày, họ được coi là vô tội và được thả. Những con cá sấu lớn dài hơn 2 trượng (zhang) và giống loại cá sấu ở sông Dương Tử với 4 chân và mõm dài từ 6 đến 7 chi, răng ở hai bên sắt như kiếm. Chúng thường ăn cá nhưng cũng nuốt ăn nai hay người nếu đến ngang gần chúng. Có những cá sấu ở phía nam quận Cangwu và ở nước ngoài (ở phía nam).
Sau thời huyền thoại lập quốc, là đến thời kỳ có sử liệu ghi lại sự kiện qua thư tịch và sử Trung quốc (14):

“Trong thời nhà Ngô (thời kỳ Tam Quốc), tướng vệ binh Khang Thái và quan Chu Ứng được gởi là sứ giả đến vương quốc Phù Nam của vua Phạm Tần (Fan Xun). Người dân ở đây vẫn còn trần truồng, trừ đàn bà mặc vải có lổ để đầu xỏ vào. Khang Thái và Chu Ứng nói với họ, ‘Đây là một nước tốt đẹp, nhưng thật không tốt để người dân không có gì mặc như vậy’. Vì thế lần đầu tiên, người đàn ông ở xứ này được lệnh mặc hengfu. Hengfu là y phục mà nay gọi là ganman (tức sarong). Người giàu làm hengfu từ bông vải, nhưng người nghèo chỉ dùng vải thường (hemp) đơn giản.

Vào thời Thái Khang (太康,Taikang 280-289 AD) trị vì của Tấn Vũ đế (晋武帝, Jin Wudi), Phù Nam gởi sứ bộ triều cống đầu tiên. Trong năm đầu (357 A.D) thời Thăng Bình (升平, Shengping) của Tấn Mục đế (晉穆帝, Jin Mudi), vua Zhuzhantan (Chu Chan-T’an) gởi vật triều cống là một con voi thuần. Vua Mục đế ra chỉ thị cho vua Phù Nam “Con thú này rất khó chuyên chở, ngươi không cần phải gởi cống con voi nào nữa”.
..
Vào thời Vĩnh Minh (永明, YongMing, 483-493) của triều đại nhà Nam Tề (南齐), vua Sheyebamo (Jayavarman) gởi sứ bộ triều cống.

Vào năm thứ hai của thời Thiên Giám (天監, Tianjian, 503 A.D) của vua Lương Vũ đế (Liang Wudi), Jayavarman lần nữa gởi vật triều cống là một bức tượng Phật làm băng san hô và các sản vật Phù Nam. Nhà vua đã ra dụ, “Vua Phù Nam Qiaochenru Sheyebamo (Kaundinya Jayavarman) sống cạnh biển và vương quốc của nhà vua đã thần phục chúng ta từ nhiều đời. Sự thành khẩn của nhà vua được biết lan ra xa ngoài nước và nhà vua đã coi trọng công việc dịch ra các kinh kệ và triều cống các vật quí. Ta rất quí nhận chúng và thưởng cho nhà vua, phong chức cao cho nhà vua. Nhà vua có thể được phong chức là Tướng bình định phương Nam và Vua của Phù Nam."

Dân ở vương quốc này tất cả đều xấu và đen, với tóc quăn. Nơi họ sống, họ không có đào giếng và vài chục hộ dân dùng một ao chung để lấy nước. Họ thờ thần thiên giới, qua tượng đồng có hai mặt và bốn tay. Hay bốn mặt và tám cánh tay. Mỗi bàn tay cầm một vật – một đứa trẻ hay con chim, thú hay mặt trời hoặc mặt trăng. Nhà vua cởi voi đi ra vào cung, cũng như các thê thiếp. Nhà vua ngồi với đầu gối phải thẳng đứng và đầu gối trái trên đất và một dĩa trắng đặt trước mặt nhà vua trên đó có một bồn vàng với hương đèn. Tục lệ ở vương quốc này là lúc đau buồn để tang, người ta cạo râu mép, râu hàm và tóc. Người chết được chôn bằng bốn cách: bằng nước, quẳng xác xuống sông; bằng lửa, đốt ra tro; bằng đất, chôn dưới đất; bằng chim, để ở ngoài chổ hoang dại cho chim ăn. Dân xứ này tham lam và nhỏ nhen, không hổ thẹn, và đàn ông đàn bà liên hệ ăn ở  với nhau không giới hạn.
..

Trong năm thứ năm Đại Thông (大通, Datong, 539), một sứ bộ được gởi đến với một con tê giác. Qua đó cũng được biết là vương quốc Phù nam này có một sợi tóc của Đức Phật, dài 1 trương và 2 chi, và hoàng đế Lương Vũ đế đã cho gởi nhà sư Shi Yunbao đi cùng với sứ giả trở về Phù Nam để mang tóc đức Phật đến Trung quốc

Ngày 11/4/1942, nhà nghiên cứu Louis Malleret ở viện bảo tàng Blanchard de la Brosse (nay là Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh), xuống vùng núi Ba Thê gần Rạch Giá xem xét sau khi có tin rất nhiều người đổ sô đến cánh đồng và các gò chung quanh núi Ba Thê để đào bới tìm vàng và cổ vật quí giá qua sự tình cờ khám phá các hiện vật nữ trang vàng của một nông dân gần gò Cây Thị. Đoàn khảo cổ do Malleret đứng đầu đã đi tìm và mua lại các di vật đã bị mất cắp và khởi công khai quật các di chỉ mới tìm thấy đã bị đào xới bởi các người tìm vàng.

Những khám phá qua khai quật các di vật ở Óc Eo như đồng tiền La Mã có hình của hoàng đế Antonious Pious và hoàng đế Marcus Aurelus, các tiền hình vua Ba Tư, các hạt chuổi, lưu ly, thủy tinh cho thấy Óc Eo có liên hệ thương mại với vùng Đông Nam Á và Ấn Độ (chuyển tiếp với thế giới La Mã ở Địa Trung Hải). Nhiều học giả cho rằng Óc Eo tương ứng với Kittigara (hay Cattigara) mà Ptolemy có đề cập trong quyển Geographia của ông soạn khoảng 150 A.D mà nhiều nhà hàng hải trong nhiều thế kỷ đã tranh luận và tìm hiểu về cảng này trong sử sách.

Óc Eo ở vị trí thuận tiện trong nền thương mại hàng hải giữa Ấn Độ, vùng Đông Nam Á và Trung quốc từ vài thế kỷ trước công nguyên cho đến đầu thế kỷ thứ 5 sau công nguyên.

P. Paris năm 1931 đã cho thấy qua các không ảnh chụp trong các tỉnh Takeo, Châu Đốc, Long Xuyên và Rạch Giá có sự hiện diện dấu vết của một hệ thống kênh đào xưa chung quanh Óc Eo, Angkor Borei và hai nơi này nối với nhau qua các kênh rạch và từ đó chảy ra cửa biển gần Rạch Giá ngày nay. Gần các di chỉ đền và mộ táng trên các gò ở Óc Eo có (rạch) Lung Giếng Đá (Lung từ tiếng Khmer “stung” nghĩa là rạch) chảy 20km về phía Đông Bắc đến di chỉ Tráp Đá (Brai Angrun, tiếng Khmer nghĩa là “bãi lầy đá”) và phía Tây Nam đến di chỉ Nền Chùa ở Kiên Giang. Di chỉ văn hóa Óc Eo ở Nền Chùa (Takev) gần Rạch Giá được Malleret coi là vị trí “tiền cảng” của “thành phố Óc Eo” (15).

Qua kết quả khai quật của Malleret, G. Coedes cho là Óc Eo là thị cảng lớn nhất của văn hóa Óc Eo với đền đài theo tôn giáo thờ thần Shiva, Vishnu là chủ yếu và Phật giáo có ảnh hưởng mạnh. Malleret cho là Óc Eo còn có tên là Naravaranagara (Na-Phật-Na) và là nơi vua Phù Nam dời đến khi kinh đô Đặc Mục (T’emu) bị vua Chân Lạp là Isanavarman (Y-Chư-na) chiếm đóng (15). Thủ đô của Chân Lạp lúc đó là Isanapura (Sambor Prei Kuk, gần Kompong Thom ngày nay). Theo thư tịch Trung quốc thì vua Phù Nam chạy từ Đặc Mục đến nơi gọi là “na-fu-na/na-fu-na/*nã-piuet-nã” mà Coedes cho là naravaranagara, và là thành phố Angkor Borei ngày nay.


Hình 9 - Gò Cây Thị nơi Malleret khảo sát và khai quật năm 1944 (1).


Hình 10 - Di tích Gò Cây Thị ngày nay nằm giữa đồng gần núi Ba Thê về hướng Đông Nam. Để ý 4 ngăn trong hình của Malleret nằm ở bên trái hình trên, tức là phía chính điện (ở hướng tây). Tiền điện ở hướng đông, bên phải hình trên. Tỉnh An Giang đã cho xây rào bảo vệ di tích gò Cây Thị và khuôn viên chùa Linh Sơn trên triền núi Ba Thê. Tuy vậy các di tích khác chưa có được bảo vệ. (Anh của tác giả năm 2011).


Hình 11 - Nhẫn và trang sức vàng tìm được ở di chỉ Gò Xoài (Đức Hòa, Long An) (9)

Ngoài các di tích ở Óc Eo, trong cánh đồng Giồng Cát và Giồng Xoài, có rất nhiều di chỉ khảo cổ thuộc nền văn hóa Phù Nam được khám phá khắp vùng đồng bằng Nam bộ và cho đến vùng chung quanh Angkor Borei ở Cam Bốt. Hầu hết các di chỉ là năm trên các gò (cũng dễ hiểu là vì đây là nơi cao ráo không bị nước ngập trong mùa nước lũ). Di chỉ Gò Xoài (Chòm Mã) ở Đức Hòa, Long An trước kia được Henri Parmentier khám phá năm 1910, sau đó J. Cleays khai quật năm 1931 di tích Gò Tháp Lấp cạnh đó, và năm 1987 các nhà khảo cổ Việt Nam đã khai quật lại khu Gò Xoài cho thấy nhiều hiện vật vàng như nhẫn, vàng lá có hình các thú, và một lá vàng có chữ cổ sanscrit. Tất cả được xác định là thuộc nền văn hóa Óc Eo, Phù Nam.

Trong khu vực Saigon-Chợ Lớn, ở gò Cây Mai tìm được những gạch vỡ, các mãnh sa thạch và tượng thần Vishnu bốn tay thời tiền Angkor làm bằng sa thạch và gần đấy ở Rạch Lò Gốm, trong một thửa ruộng ở Phú Thọ vào năm 1928 chủ nhà đã tìm thấy hai pho tượng bằng đá. Một trong hai pho tượng là tượng Lokesvara thời tiền Angkor.

Các nhà khảo cổ Việt nam từ năm 1977 đến 1993 đã có nhiều khai quật và nghiên cứu (15) ở các di chỉ trước đây và mới tìm được ở nhiều nơi như An Giang (Óc Eo, Ba Thê, Đá Nổi), Đồng Tháp (Gò Tháp hay Tháp Mười), Kiên Giang (Nền Chùa hay Ta kev, Đá Nổi, Kè Một, Cạnh Đền hay “Cent Rues” Trăm Phố), Long An (Gò Hàng, Gò Gòn, Gò Chàm, Gò Sao, Tho Mo, Bình Tả gồm Gò Xoài hay Chòm Mã, Gò Đồn, Cái Tháp, Gò Năm Tước hay Cái Gò và Gò Sáu Huấn), Tiền Giang (Gò Thành), Trà Vinh (Lưu Cừ), Cần Thơ (Nhơn Thành, Thạnh Lợi), Bạc Liêu (Vĩnh Hưng hay tháp Trà Long), Vĩnh Long (Thành Mới), Tây Ninh (Thanh Điền, Phước Thạnh, Phước Chỉ, Chót Mạt), Thành phố Hồ Chí Minh (Cần Giờ gồm Giồng Am, Giồng Cá Trăng, Giồng Cháy... và di chỉ trong khuôn viên chùa Linh Sơn tự, Saigon), Đồng Nai (Cây Gáo, Miếu Ông Chồn, Gò Bường hay Nhà Mát), Lâm Đồng (Đồng Nai, gò Quảng Ngãi, Cát Tiên).

Qua những di tích, các di vật tìm thấy, các công trình nghiên cứu mới này đã xếp loại các di chỉ thành 3 loại: di chỉ mộ táng, di chỉ đền và di chỉ cư trú. Các nhà khảo cổ Việt nam đã gọi các di chỉ với các di vật tìm thấy như hoa văn gốm, tượng đá, gỗ, nhẫn vàng, bông tai vàng, vàng lá có chạm hình thần, người, các thú như voi, rùa, rắn, nai, hoa sen… đều có sự liên hệ gần gủi chung với nhau là thuộc một nền văn hóa gọi là văn hóa Óc Eo (15). Cũng như trước đây thời Pháp thuộc, từ năm 1977 rất nhiều các di chỉ được khám phá và khai quật sau khi đã có nhiều người đã đào xới tìm vàng làm hư hại các di tích và nhiều hiện vật bị mất cắp.  Hiện nay một số di chỉ không được bảo quản hoặc nằm trong khu đất nhà hay ruộng dân và bị xuống cấp trầm trọng hay mất hẳn.

Đặc biệt ở nhiều di tích cư trú văn hóa Óc Eo tìm thấy rất nhiều hạt chuỗi hình cầu tròn bằng đá quí mã não, ngọc, thủy tinh nhiều màu, nhiều hình như lục lăng, lục giác, hình thoi…, hạt chuỗi bằng đất nung, hạt chuổi nhỏ tròn dẹt bằng lưu ly, các đá quí nhiều màu. Đây có khả năng là các sản phẩm được nhập từ các tàu thương mại trong vùng thế giới Austronesian hải đảo qua thương mại hạt chuổi, đá quí, ngọc. Ngoài ra ở các di chỉ văn hóa Óc Eo còn tìm thấy các vòng tay, khuyên tai, nhẫn, lục lạc, huy chương, bùa đeo bằng kim loại, thủy tinh, bằng đá.

Trong các di chỉ mộ táng, có tìm thấy được các xương sọ người và thú. Hiên nay chưa được xác định rõ chính xác nhân chủng người Phù Nam mà chỉ được các nhà khảo cổ Việt Nam cho biết là “có đặc điểm người Thượng (mà nhiều tác giả gọi là “Indonesian”) với rất nhiều đặc điểm của đại chủng Australoid” (tr. 55, (15)). Malleret cho rằng người Phù Nam ở các thành phố cảng là thuộc chủng Mã Lai Austronesian ở đầu thế kỷ 1 sau công nguyên.  Hall và Thurgood cho rằng người Austronesian cư trú ở cảng Óc Eo và theo Võ Sĩ Khải thì các sọ tìm thấy ở di chỉ Cạnh Đền có lẽ là thuộc người Austronesian.

Ngược lại Vickery cho rằng cơ bản người Phù Nam là Mon-Khmer Austroasiatic có thể thuộc nhóm Môn (16) và chỉ ở các cảng gần biển có thể có người Austronesian như Chăm, Mã Lai đến cư trú do sự tiếp xúc buôn bán thương mại hàng hải giữa Phù Nam với Austronesian hải đảo. Qua thương mại giữa thế giới Ấn độ và vùng Đông Nam Á, người Austronesian hải đảo có thể là yếu tố chính làm thuận lợi sự du nhập mang văn hóa Ấn độ đến Phù Nam. Vì vậy theo Vickery thì ngoài các cảng buôn bán thì đa số người Phù Nam là Môn-Khmer austroasiactic.

Một số các đồng tiền tìm thấy ở Óc Eo có hình đền và mặt trời mọc lên cũng được tìm thấy ở U-Thong (Thái Lan) và Halin, Pegu (Pyu, Miến Điện). Hai nơi này cũng là xứ sở của người Môn. Vì thế, trái với Aymonier, Pelliot và Coedes cho là Phù Nam chủ yếu ở nam Cam Bốt và Việt Nam, Jean Boisselier cho rằng trung tâm của Phù Nam là U-Thong, ở phía bắc trung điểm Thái Lan ngày nay, trong khi Hoshino lại cho là trung tâm Phù Nam ở đông bắc Thái Lan ngày nay (17). Cả hai nơi này đều là xứ sở của người Môn- Dvaravati.

Miksic và Vickery cho rằng có thể là vùng hạ lưu châu thổ sông Cửu Long chủ yếu là người thuộc ngôn ngữ Mon-Khmer cư trú và sau đó tiếp xúc với thuyền buôn người Austronesian (Mã Lai, Java, Phi Luật Tân) và từ đó phát triển cơ cấu xã hội, tôn giáo, kinh tế, văn hóa của Phù Nam (16). Kinh tế sản xuất chủ yếu ở Phù Nam là trồng lúa gạo như thư tịch Trung quốc đã cho ta biết.

Về nghệ thuật các tượng với khuôn mặt hình thái có nét giống với nghệ thuật Mon-Dvaravathi hơn là phong cách Phnom Da, tiền Angkor. Vickery (17) cho rằng dân Phù Nam có thể là Môn thuộc chủng Austroasiatic có liên hệ mật thiết với người Khmer. Các hạt chuỗi, ngọc, đồ trang sức vàng, thiết, loại gốm ở Óc Eo rất giống với nghệ thuật Môn-Dvaravati nhưng ở Chân Lạp thì hoàn toàn không có.

Vì vậy ta có thể tạm kết luận, vùng đất Saigon-Đồng Nai được cư trú bởi người Mạ, một tộc thuộc hệ ngôn ngữ Mon-Khmer, và trong thời kỳ Phù Nam có ảnh hưởng lan tỏa từ hạ lưu sông Cửu Long, người Phù Nam đã có đến hay ít nhất ảnh hưởng đến vùng đất này. Người Phù Nam, cũng thuộc hệ ngôn ngữ Mon-Khmer, có văn hóa và tổ chức kinh tế xã hội cao hơn. Và không lâu sau đó đã được tiếp thay bởi người Khmer Chân Lạp. Người Khmer coi người Mạ anh em ở vùng phía trong miền đông Nam bộ cho đến cao nguyên Lâm Đồng là sơ khai. Người Mạ thường bị các tộc khác bắt làm tù binh, nô lệ trong các trận bắt đánh nhau, vì thế trong ngôn ngữ họ có từ “bắt Mạ” để chỉ chiến tranh, đánh nhau.

Giai đoạn vào cuối thế kỷ thứ 5, là lúc vương quốc Champa bắt đầu có ảnh hưởng lan rộng từ miền trung và nam trung bộ xuống miền đông Nam bộ. Từ đó giữa Phù Nam và Champa đã có những xung đột tranh chấp xảy ra. Thư tịch Trung quốc có nói đến sứ giả Phù Nam đã kêu gọi nhờ Trung quốc giúp đỡ đánh Champa nhưng bị từ chối. Chiến tranh giữa hai dân tộc, một có nguồn gốc là Austroneasian hải đảo (Champa) và một là thuộc Mon-Khmer trên lục địa (Phù Nam-Chân Lạp-Khmer Angkor), nhưng có cùng một nền văn minh Ấn hóa đã xảy ra liên tục mà cao điểm là trong thời kỳ Angkor. Đông Nam bộ trở thành vùng độn giữa hai thế giới Austronesian Champa và Mon-Khmer.

Cuối cùng, vào thế kỷ 17 thì bắt đầu có lưu dân người Việt và Hoa đến vùng đất Saigon-Đồng Nai.

Thời kỳ Chân Lạp, đế quốc Angkor và vương quốc Champa

Vết tích của văn hóa Chân Lạp-Angkor và Champa tìm được ở nhiều nơi trong vùng Saigon Gia Định xưa. Ở ngay Saigon, tại góc đường Lê Hồng Phong và Trần Hưng Đạo trước đây có lộ ra các tấm đan bằng sa thạch hay phiến thạch và năm 1940 Malleret đã khai quật địa điểm này. Ông đã phát hiện một bức tường xây bằng gạch cở lớn và một pho tượng nhỏ bằng đồng của một nhân vật quì gối, hai tay nâng chậu lớn đầu đội mũ hình chóp, y phục ngắn có sọc theo phong cách Baphuon thuộc thế kỷ 11 thời kỳ Angkor (19).

Ở chùa Bửu Sơn, Biên Hòa có một tượng Champa Vishnu bốn tay bằng đá, tạc trong tư thế ngồi, lưng dựa vào một phiến đá hình vòng cung đỉnh nhọn có khắc 9 dòng chữ Champa cổ nói về chiến công của hoàng tử Nauk Glaun Vijaya (con của Sri Jaya Simhavarman) đánh thắng người nước Việt (Yvan) và chiếm nước (nagara) Brah Kanda (19) (20). Hoàng tử đánh thắng nhiều trận, trở về vương quốc Champa vào năm (?) caka, xây tượng Tribbhuvanã-krãnta này từ chiến lợi phẩm sau khi thắng người Khmer (Kvir) (chú thích: dòng chữ về năm thuộc lịch caka không đọc rõ, năm theo lịch caka sau dương lịch 78 năm). Đây là một bia ký quan trọng, giúp vào nổ lực của các nhà khảo cổ và sử học trong sự xác định các triều vua trong lịch sử Champa, đối chiếu với sử liệu Việt Nam và Trung Quốc.

Niên đại của tượng có lẽ vào cuối thế kỷ 14 (sử liệu theo Coedes cho biết hoàng tử Nauk Glaun Vijaya lên ngôi năm 1400 với vương hiệu Vira Bhadravarman, tức Ba Đích Lai, và sau này là Indravarman VII) (19) (21).  E. Aymonier cho là Brah Kanda là tên gọi nước Chân Lạp xưa và niên đại trong dòng chữ là 1282 caka (1360 A. D) (nếu như Aymonier đúng thì thời kỳ này tương ứng với Chế Bồng Nga và hoàng tử Nauk Glaun Vijaya là vua Chế Bỗng Nga sau này chứ không phải Indravarman VII) (20)

Ngoài ra ở chùa Giác Quan (tổng Bình Trị, Gia Định nay thuộc Bình Thạnh) có tượng đá sư tử theo phong cách Chăm đứng với tư thế tấn công, tượng hiện nay được lưu trữ ở viện bảo tàng Saigon.

Các di tích Chân Lạp-Khmer và Champa ở rãi rác nhiều nơi quanh Saigon vùng miền đông nam bộ cho thấy đây là vùng tranh chấp và đệm giữa vương quốc Champa và Khmer. Quả thật trong lịch sử đã có những hồi chiến tranh kịch liệt giữa hai dân tộc. Năm 1145 vua Suryvarman II, người xây dựng Angkor Wat, mang quân qua đường theo ngã vùng đông nam bộ đánh Champa chiếm thành phố Vijaya (Trà bàn, Bình Định ngày nay), tiến lên đến bắc Champa phá hủy đền đài ở Mỹ Sơn và chiếm đóng Champa cho đến năm 1149 thì vua Champa Jaya Harivarman ở Pandugara mới thu phục lại được xứ sở. Năm 1177 thì đến phiên Champa đánh vào vương quốc Angkor, vua Champa Jaya Indravarman IV mang quân và chiến thuyền theo ngược sông Mekong vào Biển Hồ Tonlé Sap đánh úp Yasodharapura (“thành phố thiêng” hay “thủ đô”) ở vùng Angkor, giết vua Khmer và cướp phá thành phố. Trên tường của đền Angkor Thom (Bayon) vẫn còn hình khắc các chiến thuyền cùng binh lính Champa đánh thủy chiến với quân Khmer.

Không lâu sau đó, năm 1190, vua Khmer Jayavarman VII, người xây Angkor Thom, đã chỉ định một hoàng tử Champa tên là Vidyanandana chỉ huy quân Khmer mang đi đánh Champa và đã chiếm được Vijaya và không lâu sau năm 1203 cả Champa. Champa bị cai trị như một tỉnh của đế quốc Khmer Angkor cho đến năm 1220 thì Champa tìm lại độc lập. Thời kỳ này cũng là thời kỳ mà văn hóa kiến trúc Khmer có ảnh hưởng nhiều đến nghệ thuật Champa. Chiến tranh triền miên giữa Champa và Angkor cũng là một nguyên nhân làm suy yếu thêm Champa và cuối cùng dẫn đến mất nước và diệt phong với Đại Việt sau này.

Châu Đạt Quan, trong đoàn sứ giả Mông Cổ, đi đến vương quốc Angkor Khmer vào thế kỷ 13. trong quyển “Chân Lạp phong thổ ký” (24) (25) đã để lại cho ta một vài thông tin về vùng đất gần Saigon và ở Nam bộ khi ông đi tàu đến Angkor qua Chen-P’u (Chân Bồ, tức là Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay) đến cửa sông Cửu Long và từ đó đi ngược dòng đến Biển Hồ và tới Angkor.

“.. Từ đó, rời Chiêm Thành, khi thuận gió, trong mười lăm ngày là có thể tới Chen-p’u (Chân Bồ (25), theo P. Pelliot là Vũng Tàu, Bà Rịa ngày nay), nơi mà biên giới của Cambodia bắt đầu. Từ Chân Bồ, đi theo hướng tây nam, chúng tôi băng qua biển K’un-lun (biển Côn Sơn) và tới vùng châu thổ của một con sông (Mekong). Có vài chục cửa sông đổ ra biển, nhưng chỉ có cửa sông thứ tư là cho phép ta lưu thông dễ dàng, còn tất cả các cửa sông khác đều có các cồn cát mà các tàu lớn không thể băng qua được. Trong mọi hướng thì ta chỉ thấy các đợt sóng cao, các cây bị chết, cát vàng, và các sậy màu lợt; rất khó biết được phương hướng và ngay các thủy thủ cũng gặp khó khăn để chấm định được đúng luồng nước.”

 “.. Sau khi đi qua khỏi biên giới ở Chân Bồ (Chen-P'u, Vũng-tàu hay Bà-Rịa), ta thấy mọi nơi um tùm các cây đan chen nhau trong khu rừng thấp, những cửa sông rộng lớn của con sông (Mekong) chạy dài hàng trăm lí, bóng mát um tùm của những gốc cổ thụ và cây mây leo quanh dài tạo thành nhiều chỗ trú ẩn xum xê. Tiếng chim hót và tiếng thú vật kêu vang liên tục khắp nơi. Ở khoảng nửa đường trong chuyến đi vào từ cửa sông, thình lình người ta mới thấy vùng đất mở ra với cánh đồng hoang, không thấy có một gốc cây nào. Khắp nơi trong tầm mắt có thể nhìn được, không có gì ngoài cỏ kê đầy rẫy. Hàng trăm hàng ngàn trâu rừng tựu họp từng bầy ăn cỏ trong vùng nầy. Đi tiếp theo đó, là vùng đất cao dần trãi dài hàng trăm lí. Từ các khúc nối của các cây cây tre nầy có gai mọc và măng tre thì lại có vị rất đắng. Ở chân trời chung quanh bốn phía có các dãy núi cao.”

Qua mô tả trên của Châu Đạt Quan vào thế kỷ 13 thì Nam bộ lúc này là vùng rừng rậm nhiều thú, chim. Cánh đồng hoang bát ngát rộng lớn tận chân trời với hàng ngàn trâu rừng ăn cỏ. Và dĩ nhiên có nhiều cọp săn mồi, voi rừng và con người thì thưa thớt. Nói về người thổ dân sống ở Chân Lạp (và Nam bộ), Châu Đạt Quan cho ta biết (24)(25):

“Có hai loại người thổ dân: loại đầu là những người hiểu ngôn ngữ của xứ Chân Lạp và họ được bán làm nô lệ trong các thành phố. Loại hai là những người sống hoang dã từ chối nền văn minh và không thông hiểu ngôn ngữ xứ sở Chân Lạp. Họ không có nhà cửa, dẫn gia đình lang thang trong vùng núi đội các bình thực phẩm bằng đất sét trên đầu của họ. Nếu họ tìm thấy một con thú hoang, họ sẽ giết nó bằng cung tên hay cây giáo, nhóm lửa bằng cách đánh các viên đá vào nhau, nấu con thú, cùng nhau ăn nó, và sau đó tiếp tục đi lang thang. Bản chất của họ là hung dữ, và các thuốc độc chất của họ rất nguy hiểm. Ngay cả trong nhóm của họ, họ giết lẫn nhau là thường tình. Trong vùng gần với văn minh, trong số họ có người chuyên tâm vào trồng cây bạch đậu khấu, bông vải và dệt vải. Tuy vậy vải của họ trông còn thô với các kiểu mẫu kỳ lạ đạp mắt.”

Các người hoang dã có thể được mua để dùng làm nô lệ đầy tớ trong nhà. Các gia đình giàu có có thể có hơn một trăm đầy tớ, còn những gia đình có phương tiện khiếm tốn hơn thì hài lòng với số mười hay hai mươi nô lệ; chỉ có những người nghèo thì không có đầy tớ nào. Những người hoang dã này bị bắt ở các vùng núi hoang dại và họ thuộc vào một loại chủng tộc hoàn toàn khác; họ được gọi là “Chuang” (“Chàng” nghĩa là kẻ trộm cướp theo Lê Hương là tiếng của người Hoa phiên âm lại tiếng thổ ngữ Chân Lạp (25)). Khi họ được mang đến thành phố, họ không dám ra khỏi nhà chủ lộ diện trên đường phố. Những người khốn khổ này rất bị khinh miệt đến nổi, khi trong một cuộc cãi cọ, một người Chân Lạp bị đối thủ gọi là “Chàng”, thì đó là một sự sỉ nhục nặng nề gây căm phẩn tận đáy tủy.

Khi còn trẻ và khỏe mạnh, nô lệ có thể có giá một trăm mảnh vải; khi già và yếu, họ chỉ còn giá ba hay bốn mươi mảnh vải. Họ chỈ được nằm và ngồi xuống ở dưới nhà sàn mà thôi. Khi được lên trên nhà để làm việc, nhưng trước hết họ phải quỳ, cuối xuống đất, hai tay đan lai tỏ vẽ cung kính. Họ gọi chủ nhân của họ là “pa-t’o (cha) hay mi (mi: mẹ). Nếu họ phạm lỗi lầm, họ bị đánh. Khi bị trừng phạt đánh, họ cúi đầu xuống nhận đánh mà không dám làm một cử động nhẹ nhàng nhất.”

Các người đàn ông và đàn bà nô lệ ăn ở với nhau, nhưng không bao giờ nghe thấy chủ nhân nào lại ngủ với một nữ nô tì bao giờ. Nếu tình cờ có  một người Trung Hoa, đến cư trú lâu năm tại xứ sở đó, vì thèm khát và do đó có các quan hệ với một phụ nữ nô lệ và việc này được chủ nhân của cô ta biết được, thì vị chủ nhân từ đó trở đi sẽ cự tuyệt không ngồi xuống chung cùng với người Trung Hoa bởi người đó đã tự hạ mình với một người dã man. Và nếu một người nô lệ mang thai bởi một người lạ đến trọ ở nhà, thì chủ nhân không cần biết đến ai là người cha, bởi vì người mẹ không có vị trí gì trong xã hội. Ông chủ chỉ thấy lợi là đứa bé như một nô lệ khác cho gia đình của ông ta. Khi một nô lệ chạy trốn và bị bắt lại, mặt của anh ta bị xâm bằng một dấu màu màu xanh da trời, them nữa một vòng sắt được buộc quanh cổ anh ta, hay tay và chân anh ta bị xiềng lại.”

Một trong những người nô lệ mà Chu Đạt Quan tả trên rất có thể là người Mạ. Người Mạ ở miền Đông Nam bộ và vùng Tây nguyên thường bị các dân tộc khác đánh cướp và bắt làm nô lệ. Người Chăm, Chân Lạp và ngay cả Stieng thường tổ chức những trận cướp bóc, đánh vào vùng Tây Nguyên và chung quanh nơi người Mạ sinh sống để bắt nô lệ.

Trước khi lưu dân người Việt đến miền Nam, người Mạ sống ở lưu vực sông Đồng Nai và vùng phụ cận, từ Lâm Đồng, Long Khánh, Bình Thuận, Biên Hòa, Đồng Nai đến Bà Rịa-Vũng Tàu và Cần Giờ.  Vì thế khi đến vùng đất mới, rừng rậm phía nam Bình Thuận, ở đại phận Bà Rịa và Cần Giờ, lưu dân Việt cũng đã xử dụng họ như nô tì, đầy tớ như trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn có ghi (6) là từ các cửa biển như Cần Giờ, Xoài Rạp đi vào toàn là những đám rừng hoang vu đầy cỏ rậm, mỗi đám rừng có thể rộng hơn nghìn dặm, nhà Nguyễn cho dân được tự nhiên chiếm đất, cho họ thâu nhận những người Mọi từ trên đầu nguồn xuống để mua làm đầy tớ, đứa ở, sai khiến, hầu hạ.

Ngày nay khu vực Saigon và Nam bộ là vùng dân cư đông đúc, do khai hoang từ thế kỷ 17, rừng rậm đã biến mất, các thú như voi, cọp, tê giác, hươu nai lúc trước có mặt khắp Nam bộ, cá sấu, cá heo sông trên sông Đồng Nai,… đã tuyệt chủng. Người bản sứ đã biến mất ở đồng bằng, chỉ còn sót lại ở thượng lưu sông Đồng Nai và Lâm Đồng và rừng cuối cùng ở nam Cát Tiên, mặc dù là vườn quốc gia, trên thượng lưu sông Đồng Nai còn sót lại vài con tê giác cuối cùng của Đông Dương cũng bị đe dọa tuyệt chủng.

Tổng luận

Saigon là giao điểm của vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ và cũng là vùng giao thoa của hai chủng tộc và nền văn minh lớn ở Đông nam Á: Môn-Khmer với nền văn minh Phù Nam-Chân Lạp-Angkor có nguồn gốc lục địa và Austronesian Chăm với nền văn minh Champa có nguồn gốc hải đảo hàng hải. Trong hai chủng tộc và nền văn minh trên thì ảnh hưởng của Môn-Khmer và Angkor có phần mạnh hơn.

Người tiền sử đã đến vùng đất Nam bộ và Tây nguyên cách đây khoảng 40000 năm (BP). Tuy không có di tích hang động cư trú như trong các vùng khác ở Đông Nam Á nhưng di tích cự thạch Hàng Gòn và các sọ cổ tìm được ở Cần Giờ, ở hạ lưu sông Cửu Long như An Sơn, Gò Tháp, Óc Eo cho thấy sinh hoạt thời tiền sử ở vùng Saigon và Nam bộ. Các sọ cũng cho thấy họ rất gần gủi với loại hình sọ người Thượng (Stieng, Mạ) hiện nay, chứng tỏ người Stieng và Mạ là hậu duệ của cư dân tiền sử vùng Nam bộ và địa bàn của họ xưa kia tản rộng từ Đông Nam Bộ đến đồng bằng sông Cửu Long.

Từ khi lưu dân người Việt bắt đầu từ thế kỷ 17 ồ ạt di dân xuống vùng Đông và Tây Nam bộ, người Mạ dần bị biến mất, dân số từ đa số đến thiểu số và mất hẳn bắt đầu từ đồng bằng ở Bà Rịa, Cần Giờ đến Biên Hòa–Đồng Nai do môi trường sống của họ chủ yếu là rừng, thú đã bị khai hoang phá hủy bởi lưu dân từ phương bắc xuống mang dấu ấn văn hóa Việt-Trung.

Hiện nay họ còn lại một số ít sống ở vùng thượng nguồn sông Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng, nhưng nguy cơ bị hủy diệt của họ cũng không kém xưa mà họ đã đối diện lúc lưu dân đến đồng bằng vào thế kỷ 17. Rừng tiếp tục bị tàn phá, dân thiên cư người Việt tiếp tục lan tỏa đến định cư càng nhiều trên Tây nguyên. Làng, bản, văn hóa bản sứ càng bị xâm nhập và sức ép ảnh hưởng bên ngoài càng tăng. Phá rừng, khai hoang, khai thác quặng bauxite, đô thị hóa nhanh chóng huyện, xã… và vì thế sự tuyệt chủng của người bản sứ cuối cùng còn sót lại của Nam bộ chỉ là vấn đề thời gian không lâu.


Tham khảo

(1)     Louis Malleret, Les fouilles d'Oc-èo (1944). Rapport préliminaire, Les fouilles d'Oc-èo (1944). Bulletin de l'Ecole française d'Extrême-Orient, 1951, Vol.  45, No.   45-1, pp. 75-88.
(2)     George Dürrwell , Ma chère Cochinchine, trente années d'impressions et de souvenirs, février 1881-1910, E. Mignot (Paris), 1911.
(3)     Ludovic-Henry Jammes, Souvenir du pays d’Annam, Challamel (Paris), 1900.
(4)     Antoine Brébion, Dictionnaire de bio-bibliographie générale, ancienne et moderne de l'Indochine française, publié après la mort de l'auteur par Antoine Cabaton, Societé d’editions, Geographiques, Maritimes et Coloniales, Paris, 1935
(5)     Henri Parmentier, Vestiges megalithiques à Xuân-Lộc, Bulletin de l'Ecole française d'Extrême-Orient, 1928, no. 3-4, p. 479-485,
(6)     Lê Qúy Đôn, Phủ biên tạp lục,  dịch : Ngô Lập Chí, Khoa Xã Hội Truờng Đại Học Tổng Hợp Hà Nội. 1959,
(7)     Bình Nguyên Lộc, Lột trần Việt ngữ,
LotTranVietNgu/LotTranVietNgu_00.html
(8)     Bình Nguyên Lộc, Việc mãi nô dưới vòm trời Ðông Phố và chủ đất thật của vùng Ðồng Nai, tập san Sử Ðịa, Sài Gòn, số 19-20, 1970.
(9)     James Khoo, Art and Archeology of Fu Nan, ed. by J. Khoo, Bangkok 2004.
(10) Michael Vickery, Funan reviewed: Deconstructing the Ancients, Bulletin de l' Ecole Francaise d' Extreme Orient, 101–143, 2003, 2004.
(11) Louis Malleret, L'Archéologie du Delta du Mékong, Part 1.
 L’Exploration Archéologique et Les Fouilles d’Oc-Èo, Paris, École Française d'Extrême-Orient, 1959
(12) Louis Malleret, L'Archéologie du Delta du Mékong, Part 2.
La Civilisation Matérielle d’Oc-Èo. 2 vols., Paris, École Française d'Extrême-Orient, 1960.
(13) Louis Malleret, L'Archéologie du Delta du Mékong, Part 3.
 La Culture du Fou-Nan. 2 vols, Paris, École Française d'Extrême-Orient, 1963.
(14) The Virtual museum of Khmer art, The Wintermeier collection,
(15) Lê Xuân Diệm, Đào Linh Côn, Võ Sĩ Khải, Văn hóa Óc Eo, những khám phá mới, Nxb Khoa học Xã hội, 1995.
(16) Dougald J. W. O'Reilly, Early civilizations of Southeast Asia, AltaMira Press, Plymouth, 2007
(17) Michael Vickery, Deconstructing the ancients, Bulletin de L’école francaise d’Extrême-Orient, 2003, Volume   90, Numéro   90-91, pp. 101-143.
(18) Lê Trung Khả, Sài Gòn thời tiền sử, trong “Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh”, tr. 13-77, Nxb thành phố Hồ Chí Minh, 1987.
(19) Võ Sĩ Khải, Đất Gia Định thế kỷ 7 đến thế kỷ 16, trong trong “Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh”, tr. 81-124, Nxb thành phố Hồ Chí Minh, 1987.
(20) Antoine Cabaton, L’inscription Chame de Bien-Hoa, Bulletin de L’école francaise d’Extrême-Orient, 1904, Vol. 4, No. 4, pp.687-690.
(21) G. Coedes, The Indinanized states of South East Asia, East West Center Press, University of Hawai, Honolulu, 1968.
(22) Kevin Pope, John Terrel, Environmental setting of human migrations in the circum-Pacific region, Journal of Biogeography, 2008, 35, pp.1-21.
(23) Nguyễn Đức Hiệp, Người cổ Đông Nam Á,
(24) Chou Ta-Kuan, The Customs of Cambodia, transl. by John Gilman d'Arcy Paul, Bangkok: The Siam Society 1993.
(25) Lê Hương, Chân Lạp phong thổ ký, 1973,



Nguyễn Đức Hiệp
Số lần đọc: 1949
Ngày đăng: 06.06.2011