Showing posts with label chính sách ngôn ngữ. Show all posts
Showing posts with label chính sách ngôn ngữ. Show all posts

Wednesday 8 July 2020

Vấn đề chuẩn chính tả (Hoàng Phê - Từ Điển Vietlex)

VẤN ĐỀ CHUẨN CHÍNH TẢ GS. Hoàng Phê (Trích trong: Hoàng Phê - Tuyển tập Ngôn ngữ học. NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, 2008)
(https://www.facebook.com/HoangPheTudien/posts/548797842133083/)
Một ngôn ngữ văn hoá dân tộc không thể không có chính tả thống nhất. Chính tả có thống nhất thì việc giao tiếp, bằng ngôn ngữ viết, mới không bị trở ngại giữa các địa phương trong cả nước, cũng như giữa các thời đại, đời trước và đời sau.
Chính tả muốn thống nhất thì phải có chuẩn chính tả, được quy định rõ ràng và được mọi người tuân theo. Chuẩn chính tả, có khi được hình thành dần dần trong thực tiễn sử dụng ngôn ngữ viết, được phản ánh trên sách báo và được ghi lại trong các từ điển, có khi được quy định bởi một cơ quan có quyền uy về mặt nhà nước hoặc về mặt học thuật. Và nhà trường là nơi phổ biến và duy trì chuẩn chính tả một cách có hiệu lực nhất. Trong những trường hợp đang có lưỡng lự, không có chuẩn chính tả rõ ràng và nhất trí, thì nhà trường có thể có một tác dụng lớn trong việc xác định, góp phần tiến tới chính thức quy định chuẩn chính tả. Vì vậy, việc áp dụng một chính tả thống nhất trong các sách giáo khoa, và giảng dạy chính tả thống nhất ấy trong nhà trường, bao giờ cũng là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng, được giới giáo dục và nói chung mọi người quan tâm.
Nhìn chung thì chính tả tiếng Việt thống nhất ở phần rất cơ bản: cách viết các âm tiết - hình vị. Chuẩn chính tả đã hình thành dần dần trong lịch sử, một cách ít nhiều tự phát, căn cứ vào những lối viết được ghi lại trong các từ điển, đặc biệt là từ giữa thế kỉ XIX lại đây. Nhưng giữa các từ điển không tránh khỏi có những trường hợp chính tả thiếu nhất trí. Mặt khác, tiếng Việt ngày nay đã phát triển khác trước khá nhiều, có nhiều hiện tượng mới, nhiều yêu cầu mới, đòi hỏi về mặt chữ viết cũng phải có những thay đổi và những phát triển tương ứng. Tình hình đó tạo ra tình trạng chính tả thiếu nhất trí, gây khó khăn cho nhiều mặt công tác, đặc biệt là công tác giảng dạy ở nhà trường.
Vấn đề chính tả bao gồm nhiều vấn đề cụ thể. Những vấn đề này có quan hệ chặt chẽ với nhau, cần được giải quyết một cách nhất quán, theo những nguyên tắc chung.
I. MỘT SỐ NGUYÊN TẮC CHUNG
1. Nguyên tắc chính tả
Mỗi chữ viết cụ thể được xây dựng trên cơ sở một (hoặc vài) nguyên tắc chính tả. Điều quan trọng là nguyên tắc chính tả cơ bản đó là gì, và nó đã được quán triệt đến đâu.
Chữ viết của tiếng Việt là một chữ viết ghi âm bằng chữ cái. Do đặc điểm của tiếng Việt (ngôn ngữ âm tiết tính, không biến hình), nguyên tắc chính tả cơ bản của chữ Việt đơn giản là nguyên tắc ngữ âm học: phát âm như nhau thì viết giống nhau, và viết giống nhau thì đọc như nhau, giữa phát âm và chính tả có mối quan hệ trực tiếp.
Nhưng nói chính tả dựa trên phát âm không có nghĩa là bất cứ phát âm nào cũng có thể là cơ sở của chính tả. Trán (cái trán), mà viết TRÁNG theo phát âm miền Nam, hoặc viết CHÁN theo phát âm miền Bắc, thì đều là sai chính tả. Chúng ta phát âm tiếng Việt không hoàn toàn thống nhất, có những từ phát âm có khác nhau giữa các địa phương, giữa các phương ngữ. Dựa vào những cách phát âm khác nhau đó mà viết thì chính tả cũng sẽ không thống nhất. Phát âm là cơ sở cho chính tả tiếng Việt không phải là phát âm thuần tuý của một phương ngữ nào. Phương ngữ miền Nam không phân biệt trán với tráng, đều phát âm là “tráng”; trong khi đó phương ngữ miền Bắc không phân biệt trán với chán, đều phát âm là “chán”. Phát âm làm cơ sở cho chính tả tiếng Việt vừa phân biệt -n với -ng như phát âm miền Bắc, vừa phân biệt tr- với ch- như phát âm miền Nam, nên phân biệt trán, một mặt với tráng, một mặt với chán (và do đó cả với cháng). Những sự phân biệt -n với -ng, tr- với ch-, có tác dụng làm phân biệt những âm tiết-hình vị trán, tráng, chán, cháng, gọi là những sự phân biệt âm vị học (phân biệt thành các âm vị đối lập -n với -ng, tr- với ch-). Những sự phân biệt âm vị học có tác dụng tích cực như vậy trong các phương ngữ đã được triệt để tận dụng. Với ý nghĩa đó, có thể nói rằng phát âm làm cơ sở cho chính tả tiếng Việt là một sự tổng hợp các sự phân biệt âm vị học có trong các phương ngữ. So với phát âm của phương ngữ miền Nam, thì phát âm của phương ngữ miền Bắc có những sự phân biệt âm vị học phong phú hơn rõ rệt, cho nên thực tế đây là một sự tổng hợp trên cơ sở phát âm của phương ngữ miền Bắc. Hoặc có thể nói đây là phát âm hình thành trên cơ sở phát âm miền Bắc, mà tiêu biểu là phát âm của thủ đô Hà Nội, có bổ sung những sự phân biệt âm vị học đặc trưng của phát âm miền Nam và các miền khác của đất nước; cụ thể là có bổ sung các phụ âm đầu tr-, đối lập với ch-; s- đối lập với x-; r- đối lập với z- (viết bằng D-/GI-); và các khuôn -ưu, đối lập với -iu; -ươu đối lập với -iêu.
Dạng tồn tại tự nhiên của ngôn ngữ là phương ngữ, cho nên phát âm tự nhiên của tiếng Việt chỉ có thể là các phát âm phương ngữ. Người Việt Nam chúng ta phát âm tiếng Việt một cách tự nhiên, chỉ có thể nói (cái) “chán”, nếu là người miền Bắc, hoặc (cái) “tráng” nếu là người miền Nam, phát âm cái “trán” vốn không tồn tại một cách tự nhiên. Nhưng dần dần chúng ta ý thức được rằng tiếng Việt chúng ta là một ngôn ngữ thống nhất, sự thống nhất đó thể hiện rõ rệt ở chính tả, đồng thời cũng cần được thể hiện ở phát âm; cần có một phát âm chung của cả nước, của dân tộc, một phát âm thống nhất của tiếng Việt, hay nói cách khác, một phát âm chuẩn, một chính âm của tiếng Việt. Trong trường hợp cụ thể này, nhiều người nghĩ một cách tự nhiên rằng phát âm chuẩn không thể là “tráng”, cũng không thể là “chán”, mà chỉ có thể là “trán”, vừa phân biệt -n với -ng, vừa phân biệt tr- với ch-. Nói cách khác, một khi chúng ta đã thừa nhận rằng chỉ có viết TRÁN mới đúng chính tả, thì chúng ta cũng mặc nhiên thừa nhận rằng chỉ có phát âm “trán” mới là đúng chính âm. Một khi chúng ta đã thừa nhận chính tả hiện nay của tiếng Việt, thì mặc nhiên chúng ta cũng thừa nhận rằng chính âm của tiếng Việt chính là phát âm đã làm cơ sở cho chính tả đó, hay nói cách khác, đã được phản ánh trên chính tả đó. Chính âm và chính tả có quan hệ trực tiếp với nhau, chính âm là cơ sở cho chính tả và chính tả phản ánh chính âm. Vấn đề chính âm của tiếng Việt đã từng là một đề tài tranh luận, nhưng trên thực tế nó đã được giải quyết về nguyên tắc từ lâu rồi và đơn giản như vậy. Và trên thực tế, cũng đã hình thành một lớp người, tuy hiện nay đang còn là số ít, có ý thức không những viết đúng chính tả mà còn cố gắng nói đúng chính âm, ít nhất là trong những trường hợp nhất định: một số người miền Nam cố gắng phát âm phân biệt v- với d-/gi-, -n với -ng, -t với -c, phân biệt các thanh điệu hỏi và ngã, v.v.; cũng như một số người miền Bắc cố gắng phát âm phân biệt tr- với ch-, s- với x-, v.v. Cùng với sự phát triển của văn hoá giáo dục, số người đó ngày một tăng. Tuy nhiên, phổ biến chính âm và thống nhất phát âm là cả một quá trình lâu dài, khó khăn hơn rất nhiều so với chuẩn hoá và thống nhất chính tả. Đi đôi với chính tả, nhà trường cũng cần dạy chính âm cho học sinh, nhưng yêu cầu có khác nhau: nếu yêu cầu viết đúng chính tả là tuyệt đối, thì yêu cầu nói đúng chính âm, ít nhất là hiện nay, chỉ có thể là tương đối. Nên giới thiệu chính âm cho học sinh, và yêu cầu học sinh cố gắng đọc đúng chính âm trong những trường hợp nhất định, như trong giờ tập đọc chẳng hạn. Ý thức coi trọng chính tả, và cùng với chính tả là chính âm của tiếng Việt, là biểu hiện của ý thức coi trọng tiếng Việt, một nhân tố quan trọng làm nên sự thống nhất của dân tộc ta.
2. Chuẩn chính tả
Chuẩn chính tả có một số đặc điểm khác những chuẩn khác (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) của ngôn ngữ.
a) Chuẩn chính tả có tính chất bắt buộc gần như tuyệt đối. Yêu cầu viết đúng chính tả là yêu cầu phổ biến đối với mọi người. Một cách viết rõ ràng là không hợp lí, thậm chí vô lí nhưng đã được công nhận là chuẩn chính tả, thì ai cũng phải theo. Về mọi mặt, viết NGỀ NGIỆP hợp lí hơn viết NGHỀ NGHIỆP, vừa khoa học hơn lại vừa giản tiện hơn, tiết kiệm hơn, thế nhưng trong chữ Việt cho đến ngày nay chỉ có viết NGHỀ NGHIỆP mới là đúng chính tả. Về mặt chính tả, không có sự phân biệt hay - dở, mà chỉ có sự phân biệt đúng sai (với chuẩn). Đối với chính tả, yêu cầu cao nhất là sự thống nhất. Một chữ viết không thật hợp lí, nhưng có chính tả thống nhất, quy đến cùng, vẫn tốt hơn, tiện lợi hơn là một chữ viết có phần hợp lí hơn nhưng chính tả lại không thống nhất. Để bảo đảm sự thống nhất của chính tả, cần có những chuẩn chính tả được xác định rõ ràng. Và với những điều kiện như nhau, thì quy tắc chính tả tốt nhất là những quy tắc rõ ràng và đơn giản, vừa không có trường hợp mập mờ, vừa dễ áp dụng cho số đông.
b) Chuẩn chính tả có tính ổn định cao, rất ít thay đổi. Chuẩn chính tả thường được giữ nguyên trong một thời gian dài, nên cũng thường tạo thành thói quen ít nhiều lâu đời, tạo nên một tâm lí bảo thủ khá phổ biến. Ngày nay chúng ta đã quá quen với những hình thức chính tả như YÊU GHÉT, đến mức nếu có người chủ trương viết (hợp lí hơn) IÊU GÉT chẳng hạn, thì phản ứng đầu tiên ở nhiều người là thấy chướng mắt, thậm chí khó chịu. Mặt khác, khi ngôn ngữ đã phát triển thành ít nhiều khác trước, đặc biệt là về mặt ngữ âm, mà chính tả (ghi âm) vẫn giữ nguyên không thay đổi, thì có thể phát sinh những mâu thuẫn nhất định, tạo nên những bất hợp lí hoặc rắc rối của chính tả. Tiếng Việt trước kia phát âm phân biệt hai phụ âm d- và gi-, nhưng từ ít nhất hơn một thế kỉ nay, sự phân biệt đó trong phát âm thực tế không còn nữa. Thế nhưng trên chính tả thì vẫn viết phân biệt D- với GI- như cũ, tạo nên một khó khăn về chính tả: nên viết (trau) DỒI hay GIỒI, (già) DẶN hay GIẶN? Gần đây có một số từ mượn của tiếng nước ngoài, chúng ta viết GI (gilê), GIĂM (giămbông), với GI- chỉ vì không có cách nào khác, chứ thật ra chúng ta đâu có phát âm “gi”, “giăm”, mà ở đây là một âm mới chúng ta tiếp thu của tiếng nước ngoài, “ji”, “jăm” (nếu tạm ghi bằng J). Bằng cải tiến chính tả có thể xoá bỏ những bất hợp lí như vậy. Nhưng điều cần thiết là sau một thời gian lại có mâu thuẫn mới phát sinh, cho nên thường chỉ có thể đòi hỏi ở chính tả một tính hợp lí tương đối (dĩ nhiên là trong phạm vi tương đối đó, một chính tả hợp lí vẫn tốt hơn).
c) Nhưng dù có tính ổn định cao, chuẩn chính tả cũng như các chuẩn ngôn ngữ khác, cũng không phải là bất di bất dịch. Ban đầu là có một số hình thức chính tả mới nảy sinh, hoặc để nhằm thay thế cho những chuẩn chính tả đã rõ ràng trở thành lỗi thời, hoặc để đáp ứng những yêu cầu mới của ngôn ngữ. Hình thức chính tả mới này có thể dần dần được nhiều người tán thành, đến mức được công nhận là chuẩn. Trước đây, viết ĐÀY TỚ, TRẰM TRỒ là chuẩn; ngày nay phổ biến hơn nhiều là viết ĐẦY TỚ, TRẦM TRỒ, phản ánh phát âm đã có biến đổi. Trước đây chỉ ít chục năm, viết PA, XTA là xa lạ đối với chính tả tiếng Việt; ngày nay, viết PIN (so sánh BIN), PARI (so sánh BA LÊ), APATIT, XTALIN (so sánh A-PA-TÍT, XÍT-TA-LIN) là bình thường. Tình hình nói trên thường tạo ra, trong một giai đoạn nào đó, tình trạng có thể gọi là lưỡng khả: có hai ba hình thức chính tả khác nhau cùng tồn tại, những hình thức chính tả này có thể có giá trị như nhau (đều là chuẩn), hoặc có giá trị khác nhau (có một hình thức là chuẩn phổ biến, còn những hình thức khác chỉ được sử dụng một cách hạn chế là những biến thể chính tả cũ, hoặc phương ngữ, ít dùng, v.v.). Lưỡng khả là một tình trạng quá độ trong quá trình hình thành của chuẩn ngôn ngữ, cũng như trong quá trình chuyển biến biện chứng từ cái không chuẩn trở thành chuẩn, và ngược lại. Trong những trường hợp nhất định, tính lưỡng khả còn đáp ứng yêu cầu của các phong cách, cung cấp những biến thể phù hợp với những phong cách khác nhau. Chuẩn chính tả không chỉ đơn giản là xác định (hoặc quy định) chuẩn chính tả, mà còn là xác định những trường hợp thật sự có lưỡng khả, và trong từng trường hợp, xác định giá trị khác nhau của mỗi hình thức chính tả.
d) Cũng như các chuẩn ngôn ngữ khác, chuẩn chính tả là kết quả của một sự lựa chọn: lựa chọn giữa nhiều hình thức chính tả đang cùng tồn tại. Những hình thức chính tả này có thể phản ánh những cách phát âm khác nhau: có khi đó là một phát âm cũ bên cạnh phát âm ngày nay, thí dụ, so sánh chỗi/trỗi (dậy), uý/uỷ (lạo); có khi đó là hai ba cách phát âm khác nhau đang cùng tồn tại trong phạm vi cả nước, khó xác định một chuẩn phát âm duy nhất, thí dụ, so sánh chưng/trưng (bày), (eo) sèo/xèo; có khi đó là một cách phát âm tuy là phổ biến, nhưng có ý kiến cho là “sai”, bên cạnh một cách phát âm khác, được một số người đánh giá là “đúng”, nhưng lại không phổ biến, thí dụ, so sánh (khoái) trá/chá, mãn/mạn (tính). Cũng có những trường hợp tuy rằng để phản ánh một phát âm duy nhất, nhưng lại đang tồn tại hai ba hình thức chính tả, hoặc là do bất hợp lí của bản thân chữ viết, thí dụ, so sánh HI/HY (sinh), QUÍ/QUÝ; hoặc là do đây là một từ phương ngữ, với một phát âm phương ngữ có thể viết hai ba cách khác nhau, thí dụ, so sánh MẮC/MẮT (rẻ), MẢNG/MÃNG/MÃN (cầu) (viết khác nhau, nhưng đều đọc giống nhau, trong phương ngữ miền Nam).
Giữa những hình thức chính tả khác nhau đang cùng tồn tại như vậy, qua thực tiễn sử dụng ngôn ngữ viết của số đông, đặc biệt là của lớp người có văn hoá, có ảnh hưởng về mặt chuẩn hoá ngôn ngữ, dần dần thấy rõ một sự lựa chọn của xã hội, có khi có ý thức, có khi không hoàn toàn có ý thức. Sự lựa chọn này dựa trên những tiêu chí nhiều khi khác nhau: tiêu chí ngữ âm (căn cứ vào phát âm ngày nay), tiêu chí thói quen (căn cứ vào thói quen đã hình thành của số đông), tiêu chí lịch sử (căn cứ vào phát âm hoặc hình thức chính tả đã có từ lâu trong lịch sử của ngôn ngữ, như đã được phản ánh trong sách cũ, từ điển cũ), tiêu chí từ nguyên (căn cứ vào phát âm hoặc hình thức chính tả phản ánh đúng nhất nguồn gốc của từ), v.v. Trong ngôn ngữ không thể đòi hỏi một tính hệ thống tuyệt đối, cho nên cũng không thể máy móc dựa vào một tiêu chí duy nhất trong mọi trường hợp, nhưng dựa trên tiêu chí nào là chính, coi trọng tiêu chí nào hơn những tiêu chí khác, phản ánh những quan điểm khác nhau, có khi đối lập nhau. Chuẩn chính tả phải lấy chuẩn phát âm làm cơ sở, và ngược lại, trong những trường hợp nhất định, nó phải có tác dụng trở lại phát âm, góp phần nhanh chóng xác định, củng cố và phổ biến chuẩn phát âm. Mặt khác, đối với sự hình thành cũng như sự duy trì, củng cố của chuẩn ngôn ngữ, thói quen của số đông thường có ý nghĩa quyết định cuối cùng. Khi đã là thói quen của số đông, nhất là một thói quen ngày một ăn sâu lan rộng, bất chấp mọi ý kiến phản bác, thì ở đây đã có tác động của một quy luật khách quan nào đó. Khi một phát âm mới đã trở thành thói quen như thế của số đông, thì chứng tỏ thực tế đã hình thành một chuẩn phát âm mới, làm cơ sở cho một chuẩn chính tả mới. Tiêu chí ngữ âm kết hợp với tiêu chí thói quen, phải là quan trọng nhất, là quyết định, vì chỉ khi nào, vì những lí do nào đó, không thể vận dụng được hai tiêu chí ấy kết hợp với nhau, thì mới vận dụng đến một số tiêu chí khác.
Hơn các chuẩn ngôn ngữ khác, chuẩn chính tả có thể chịu tác động trực tiếp và có ý thức của con người, và thường là kết quả trực tiếp của công tác chuẩn hoá. Chữ viết do con người đặt ra một cách có ý thức, cho nên con người hoàn toàn có thể quy định chuẩn chính tả một cách có ý thức, nhằm làm cho chính tả đạt cái mức tối đa thực tế cho phép của một sự hợp lí tương đối, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của ngôn ngữ.
II. CHÍNH TẢ ÂM TIẾT-HÌNH VỊ CỦA TIẾNG VIỆT
1. Về cách viết các âm tiết-hình vị của tiếng Việt, chúng ta có một chính tả về cơ bản thống nhất. Mặc dầu giữa các phương ngữ vẫn tồn tại những sự khác nhau đáng kể trong phát âm, các âm tiết-hình vị của tiếng Việt nói chung đều có chuẩn chính tả rõ ràng, ổn định và thống nhất cho cả nước.
2. Ở diện cách viết các âm vị, chính tả tiếng Việt không thật quán triệt nguyên tắc ngữ âm học (âm vị học): có nhiều trường hợp dùng hai ba kí hiệu (con chữ) khác nhau để ghi cùng một âm vị (như dùng C, K hoặc Q để ghi âm vị /k/). Nhưng điều đáng chú ý là việc dùng những con chữ khác nhau tuân theo những quy tắc chặt chẽ (thí dụ, nếu đã viết CA, KE, QUY, thì không viết KA, CE, CUY, KUY), trong sự thiếu nhất quán lại vẫn có được một sự nhất quán, cho nên mặc dầu trong nhiều trường hợp không có được sự tương ứng một đối một chặt chẽ giữa chữ và âm ở cách viết các âm vị, nhưng lại vẫn bảo đảm được sự tương ứng đó ở cách viết các âm tiết: nói chung mỗi âm tiết của tiếng Việt chỉ có một cách viết (một vần) nhất định, và ngược lại, mỗi vần chỉ có một cách đọc nhất định. Cho nên chỉ cần nắm cách phát âm chuẩn làm cơ sở cho chính tả (hoặc nói cách khác, nắm những sự khác nhau giữa cách phát âm phương ngữ với cách phát âm chuẩn), và một số quy tắc không nhiều lắm, là nói chung có thể viết căn bản không sai chính tả.
Tuy nhiên, có những trường hợp ngoại lệ, với cùng một âm tiết lại có hai cách viết khác nhau, tuỳ từng hình vị, từng từ cụ thể, tạo nên những khó khăn về chính tả và tình trạng chính tả thiếu nhất trí. Đó là trường hợp D- và GI-, vẫn viết phân biệt, tuy phát âm không còn phân biệt nữa, như đã nói ở trên. Ngoài ra, còn có trường hợp quy, có thể viết QUI hoặc QUY; và trường hợp chỉ riêng mấy âm tiết hi, ki, li, mi, ti, tuỳ từng hình vị, từng từ cụ thể mà viết khác nhau HI hoặc HY, KI hoặc KY, LI hoặc LY, MI hoặc MY, TI hoặc TY (so sánh HỈ (mũi) và (báo) HỶ, LI (bì), LI (ti) và LY (kỳ), (biệt) LY, v.v.). Đây là kết quả của một thói quen không rõ từ đâu, chỉ bắt đầu hình thành một cách tự phát từ cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Điều này tạo ra một bất hợp lí và những lộn xộn thấy rõ khi so sánh chẳng hạn cách viết một số từ trong bốn quyển từ điển tiếng Việt xuất bản trong vòng ba mươi năm lại đây (Tự điển Việt Nam phổ thông của Đào Văn Tập, viết tắt ĐVT; Từ điển Việt Nam của Thanh Nghị, viết tắt TN; Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, viết tắt LVĐ; và Từ điển tiếng Việt, Văn Tân chủ biên, viết tắt VT):
ĐVT: KÌ, KÌ kèo, HY sinh, MỴ dân
TN: KỲ cọ, KÌ kèo, HY sinh, MỊ dân
LVĐ: KÌ/KỲ cọ, KÌ kèo, HI/HY sinh, MỊ dân
VT: KỲ cọ, KỲ kèo, HI sinh, MỊ dân

Bỏ sự phân biệt D- và GI- (như thay nhất loạt bằng Z- chẳng hạn), là việc làm hợp lí, nhưng chỉ có thể thực hiện trong phạm vi một cải tiến chính tả. Còn nếu quy định viết HI, KI, LI, MI, TI (thống nhất với cách viết BI, CHI, DI, v.v.) trong mọi trường hợp, chứ không viết HY, KY, LY, MY, TY; đồng thời viết QUY (và do đó QUYT) (thống nhất với cách viết UY, DUY, HUY, SUY, và HUYT, SUYT, v.v.), chứ không viết QUI (và QUIT), thì đó chỉ là trong phạm vi chuẩn hóa chính tả: một việc có thể làm và nên làm để hợp lí hoá một bước chính tả.
3. Vấn đề quan trọng nhất là xác định chuẩn chính tả khi đang có hiện tượng chính tả không nhất trí. Cần so sánh mức phổ biến của các hình thức chính tả để có được một căn cứ khách quan đáng tin cậy. Muốn vậy, tốt nhất là tiến hành một công tác điều tra về tình hình chính tả thực tế trên sách báo trong cả nước và qua các thời kì (trong những trường hợp cần thiết, cần có sự phối hợp với một công tác điều tra về phát âm). Không có điều kiện làm việc này, những người biên soạn từ điển trước đây, kể cả biên soạn từ điển chính tả, ngoài việc tham khảo chính tả trong các từ điển xuất bản trước, chỉ có thể dựa vào những hiểu biết cá nhân rất hạn chế và khó tránh khỏi chủ quan của mình về phát âm, về chính tả trên sách báo, và có khi cả về từ nguyên, để quyết định chọn một hình thức chính tả nào đó. Kết quả là chính trong những trường hợp cần xác định rõ ràng, có căn cứ và nhất trí một chuẩn chính tả, thì giữa các từ điển thường có mâu thuẫn, và nhiều khi sai lầm ở một từ điển này được lặp lại ở các từ điển khác.
Gần đây chúng ta đã có được một cơ sở để nghiên cứu tình hình chính tả thực tế trên sách báo. Đó là tư liệu phiếu từ điển (mỗi phiếu ghi một câu chọn trích ở sách báo, chủ yếu là ở các tác phẩm văn học) của Viện Ngôn ngữ học thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam, với số lượng hiện nay đã đạt khoảng hai triệu rưỡi phiếu. Chúng tôi đã sử dụng tư liệu đó để so sánh mức độ phổ biến của các hình thức chính tả khác nhau của cùng một âm tiết hình vị, trong khoảng 1400 trường hợp, với từng trường hợp đều có đối chiếu với các hình thức chính tả trong các từ điển, chủ yếu là những từ điển xuất bản trong vòng 50 năm lại đây. Kết quả cho thấy rằng:
1. Có những trường hợp trong hai hình thức chính tả ghi không nhất trí giữa các từ điển, có một hình thức phổ biến hơn rõ rệt. Thí dụ, nhiều từ điển viết DA DIẾT, (láng) GIỀNG, nhưng các từ điển cũ, từ từ điển của A de Rhodes (1651) cho đến nói chung những từ điển xuất bản từ trước 1930, và một vài từ điển sau 1930, lại viết GIA GIẾT, (láng) DIỀNG; so sánh số phiếu từ điển (cho đến tháng 12-1982): GIA GIẾT: 1 phiếu; DA DIẾT: 202 phiếu; (láng) DIỀNG: 1 phiếu; (láng) GIỀNG: 84 phiếu. Như vậy có thể xác định chuẩn chính tả ngày nay là DA DIẾT, (láng) GIỀNG, còn GIA GIẾT, (láng) DIỀNG là những chuẩn chính tả cũ. Hoặc so sánh (chối) ĐAY ĐẢY: 4 phiếu; ĐÂY ĐẨY: 54 phiếu; ĐẴM (máu): 10 phiếu; ĐẪM: 241 phiếu; có thể xác định chuẩn chính tả ngày nay là ĐÂY ĐẨY, ĐẪM, còn ĐAY ĐẢY, ĐẴM vốn là những chuẩn chính tả cũ, ngày nay chỉ tồn tại như là những biến thể chính tả có tính chất phương ngữ (miền Nam).
2. Có những trường hợp có một hình thức chính tả mới, không thấy có trong các từ điển (trước kia bị đánh giá là “sai”), nhưng lại phổ biến hơn rõ rệt, gấp nhiều lần hình thức chính tả đã được ghi nhất trí trong các từ điển cho đến gần đây. Thí dụ: TRẦM (trồ): 212 phiếu, so với (chuẩn theo các từ điển) TRẰM (trồ): 10 phiếu; ĐẦY (tớ): 54 phiếu, so với ĐÀY (tớ): 3 phiếu; đề (kháng): 99 phiếu, so với để (kháng): 4 phiếu; hoặc (trường hợp phức tạp hơn) RUN RỦI: 40 phiếu, so với (hình thức chính tả ghi không nhất trí trong các từ điển) DUN DỦI: 14 phiếu, DUN GIỦI: 0 phiếu, DUN RỦI: 0 phiếu, GIUN GIỦI: 1 phiếu. Như vậy, có thể xác định chuẩn chính tả ngày nay là TRẦM (trồ), đầy (tớ), đề (kháng), RUN RỦI; còn TRẰM (trồ), DÀY (tớ) là những hình thức chuẩn chính tả cũ, ngày nay chỉ còn tồn tại như là những biến thể chính tả phương ngữ, ít dùng; ĐỂ (kháng) là hình thức chuẩn chính tả cũ, ngày nay thực tế không dùng nữa; DUN DỦI có thể là chuẩn chính tả cũ, hoặc biến thể phương ngữ, còn DUN GIỦI, DUN RỦI, GIUN GIỦI chỉ là những lối viết sai lầm, theo chủ quan của người biên soạn từ điển.
Khi một hình thức chính tả mới, phản ánh một cách phát âm mới, đã trở thành phổ biến đến mức được công nhận là chuẩn, thay thế cho chuẩn chính tả cũ thì điều đó có nghĩa là ngữ âm đã có biến đổi, một thói quen phát âm mới của từ đã hình thành, trở thành chuẩn, thay thế cho chuẩn cũ, làm cho vỏ ngữ âm của từ có thể biến đổi thành khác hẳn, hoặc thành càng xa hơn cái dạng gốc, từ nguyên của nó. Đây là một hiện tượng ngôn ngữ bình thường, có tính quy luật.
3. Nhưng cũng có những trường hợp đang có sự giằng co, nếu có thể nói được như vậy, giữa hai hình thức chính tả. Có khi một trong hai hình thức chính tả này phản ánh một phát âm phù hợp với từ nguyên, và cái căn cứ từ nguyên tương đối rõ làm cho phát âm (và hình thức chính tả tương ứng) ấy được một số người có văn hoá, duy trì, bảo vệ một cách có ý thức trước sự phổ biến của một phát âm khác, bị đánh giá là “sai”. Do đó mà trên chữ viết, hình thức chính tả phản ánh phát âm phù hợp với từ nguyên có thể vẫn tương đối phổ biến hơn (và thường đó cũng là hình thức chuẩn được ghi lại trong các từ điển). Thí dụ, so sánh HẰNG (trong “hằng ngày, hằng tháng”, từ gốc Hán; so sánh: “hằng nghĩ tới”, “vĩnh hằng”): 60 phiếu; HÀNG: 37 phiếu. Trong những điều kiện như vậy, nên xác định HẰNG vẫn là chuẩn chính tả (và phân biệt với HÀNG trong “hàng mấy ngày”, “đợi hàng giờ”, tuy không loại trừ khả năng có sự thay đổi về sau này, nếu quả phát âm “hàng ngày” và cả hình thức chính tả tương ứng, vẫn cứ tiếp tục ngày càng phổ biến. Nhưng những trường hợp như thế không nhiều, chỉ là cá biệt. Thường là khi có hai hình thức chính tả phổ biến tương đương như nhau, thì phải chấp nhận cả hai, thừa nhận sự tồn tại đồng thời của hai chuẩn chính tả có giá trị như nhau, hoặc căn bản như nhau, tuy rằng có thể một hình thức sẽ có khả năng dần dần trở thành chuẩn phổ biến duy nhất. Thí dụ (eo) SÈO: 37 phiếu, và (eo) XÈO: 34 phiếu; NHỎM (dậy): 119 phiếu, và NHỔM: 110 phiếu; (sinh) MẠNG: 46 phiếu và (sinh) MỆNH: 49 phiếu; (chuẩn theo các từ điển) ĐÀY (đoạ): 43 phiếu, và ĐẦY (đoạ): 47 phiếu; (chuẩn theo các từ điển) (trôi) GIẠT: 94 phiếu, và DẠT: 104 phiếu.
4. Sự diễn biến của chính tả tiếng Việt trong mấy chục năm gần đây cho thấy rõ một vài xu thế biến đổi của chuẩn chính tả tiếng Việt ngày nay. Đáng chú ý là trong nhiều trường hợp, hình thức chính tả vốn là biến thể phương ngữ miền Bắc đã dần dần trở nên phổ biến thành chuẩn chính tả của tiếng Việt văn hoá ngày nay, thay thế cho chuẩn chính tả trước đây, nay bị coi là cũ, hoặc bị đẩy xuống địa vị biến thể phương ngữ (miền Nam). Quá trình này đã diễn ra với ĐÂY ĐẨY, ĐẪM, TRẦM (trồ), ĐẦY (tớ) đã nêu ở trên; và với (ôm) CHẦM: 99 phiếu, thay cho (ôm) CHẰM: 5 phiếu; CHÂY (lười): 35 phiếu, thay cho TRÂY (lười): 8 phiếu; (nuốt) CHỬNG: 87 phiếu, thay cho TRỬNG: 9 phiếu; ĐẦM (đìa): 155 phiếu, thay cho ĐẰM (đìa): 3 phiếu; NHẤM (nháp): 103 phiếu, thay cho NHẮM (nháp): 12 phiếu; (công) XÁ: 35 phiếu, thay cho (công) SÁ: 12 phiếu, v.v.; quá trình này đang tiếp tục diễn ra với một số từ khác. Hiện tượng này xảy ra với loại từ nào và trong những điều kiện như thế nào, là vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, nhưng có điều tương đối rõ là phần lớn đây là những trường hợp phương ngữ miền Bắc phát âm với -â-, mà không có sự đối lập với -ă-, trong khi phương ngữ miền Nam phát âm với -ă-, (viết Ă hoặc A, trong AU, AY) có đối lập với -â-. Xu thế trên đây chứng tỏ vai trò và ảnh hưởng của phương ngữ miền Bắc đối với sự hình thành và phát triển của tiếng Việt văn hoá.
Một xu thế khác đáng chú ý là viết D- thay cho (chuẩn theo các từ điển) GI: không kể trường hợp DA DIẾT trong lịch sử, hiện tượng này đã xảy ra với: (già) DẶN: 153 phiếu, thay cho (già) GIẶN: 24 phiếu; DÂY (máu ăn phần): 48 phiếu, thay cho GIÂY: 26 phiếu; (mái) DẦM: 20 phiếu, thay cho GIẦM: 3 phiếu; DỀNH DÀNG: 103 phiếu, thay cho GIỀNH GIÀNG: 0 phiếu, v.v.; xu thế này đang tiếp tục diễn ra với một số từ khác. Điều này chứng tỏ sự phân biệt trên chữ viết D- với GI- đã không còn có cơ sở ngữ âm nữa, và khi lưỡng lự thì dễ có xu hướng viết D-, vì là đơn giản hơn.
5. Trên đây chỉ là một số nhận xét chung. Chuẩn chính tả cần được xác định một cách cụ thể, từng trường hợp một. Một quyển từ điển chính tả mới là cần thiết, để thiết thực chuẩn hoá chính tả.
(1983 – Hết trích)

Saturday 1 October 2016

Luận cứ khoa học của việc xây dựng Luật ngôn ngữ ở Việt Nam

Luận cứ khoa học của việc xây dựng Luật ngôn ngữ ở Việt Nam
Đề tài KH cấp Bộ
Nguyễn Đức Tồn
Viện Khoa học xã hội Việt Nam
Viện Ngôn ngữ học
01/01/2011 - 01/01/2012
Ngôn ngữ học, Luật ngôn ngữ, Tiếng dân tộc
Chủ nhiệm chương trình
Giới thiệu đề tài:

    Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ, chủ nhiệm chương trình GS.TS. Nguyễn Đức Tồn. Chương trình gồm có 9 đề tài, đó là:

TT
Tên đề tài
Cơ quan thực hiện
Chủ nhiệm đề tài
1
2
3
4
1
Những vấn đề lí thuyết và thực tiễn đối với việc xây dựng Luật ngôn ngữ ở Việt Nam
Viện Ngôn ngữ học
GS.TS. Nguyễn Văn Khang
2
Nghiên cứu, khảo sát thuật ngữ tiếng Việt phục vụ cho việc xây dựng Luật ngôn ngữ ở Việt Nam
Viện Ngôn ngữ học
GS.TS. Nguyễn Đức Tồn
3
Nghiên cứu, khảo sát ngôn ngữ hành chính tiếng Việt phục vụ cho việc xây dựng Luật ngôn ngữ ở Việt Nam
Viện Ngôn ngữ học
TS. Vũ Thị Sao Chi
4
Nghiên cứu, khảo sát ngôn ngữ trên phát thanh truyền hình phục vụ cho việc xây dựng Luật ngôn ngữ ở Việt Nam
Viện Ngôn ngữ học
PGS.TS. Vũ Kim Bảng
5
Nghiên cứu, khảo sát ngôn ngữ báo viết và báo điện tử phục vụ cho việc xây dựng Luật ngôn ngữ ở Việt Nam
Viện Ngôn ngữ học
TS.  Phạm Tất Thắng
6
Nghiên cứu ngôn ngữ quảng cáo phục vụ cho việc xây dựng Luật ngôn ngữ ở Việt Nam
Viện Ngôn ngữ học
TS. Mai Xuân Huy
7
Nghiên cứu, khảo sát tình hình ngôn ngữ khiếm thính ở Việt Nam: Thực trạng và đề xuất giải pháp
Viện Ngôn ngữ học
TS. Đỗ Thị Hiên
8
Nghiên cứu, khảo sát tình hình sử dụng ngoại ngữ ở Việt Nam phục vụ cho việc xây dựng Luật ngôn ngữ ở Việt Nam
Viện Ngôn ngữ học
PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương
9
Vấn đề giáo dục tiếng mẹ đẻ đối với cư dân sử dụng các ngôn ngữ nhóm Chăm ở Việt Nam hiện nay
Viện Ngôn ngữ học
PGS. TS. Đoàn Văn Phúc 

Và 01 nhiệm vụ trọng điểm: Nghiên cứu, khảo sát thái độ ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số đối với tiếng nói chữ viết dân tộc sử dụng trong giáo dục và trên sóng phát thanh truyền hình phục vụ cho việc xây dựng Luật ngôn ngữ ở Việt Nam, do GS.TS. Nguyễn Văn Khang & TS. Bùi Thị Minh Yến chủ nhiệm.

(http://vnctongiao.vass.gov.vn/noidung/nghiencuukhoahoc/Lists/nghiencuukhoahoc/View_Detail.aspx?iDCapCoQuan=47&ItemID=1478
)

Friday 9 August 2013

Sử dụng ngôn ngữ không chỉ cần đúng, hay mà còn phải có nghệ thuật (Nguyễn Đức Tồn)

Sử dụng ngôn ngữ không chỉ cần đúng, hay mà còn phải có nghệ thuật

Thời gian qua, trên lĩnh vực truyền thông đại chúng, nhất là trong thông tin quảng cáo các chương trình lễ hội lớn của đất nước, việc sử dụng ngôn ngữ đã để sót những hạt sạn không đáng có …


GS-TS Nguyễn Đức Tồn

Hoạt động ngôn ngữ trong đời sống xã hội có những hiện tượng khiến người ta cảm thấy xô bồ, thả nổi, đã làm dấy lên vấn đề cần phải có sự chuẩn mực hoá trong sử dụng ngôn ngữ nói và viết. Đối với nhiều người, đặc biệt là các nhà nghiên cứu,  các nhà văn hoá, giáo dục luôn canh cánh một nỗi niềm làm thế nào có thể ban hành được Luật Ngôn ngữ để điều chỉnh các hoạt động ngôn ngữ nhằm hạn chế, loại bỏ những hạt sạn ấy! Nhân dịp đầu xuân Tân Mão, phóng viên Nhà báo và Công luận đã có dịp trò chuyện cùng GS.TS Nguyễn Đức Tồn, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học.

PV:
 Thưa GS, những năm gần đây, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt dường như bị người ta lãng quên, bởi hiện nay trong "văn hóa nói và viết" có cảm giác là “mạnh ai nấy viết, mạnh ai nấy nói” bất kể đúng sai, GS nghĩ sao về điều này?

GS Nguyễn Đức Tồn: Năm 2010 cũng như các năm trước, nhiều vấn đề về ngôn ngữ nổi cộm  đã được đặt ra xoay quanh cuộc vận động do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khởi xướng - Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đây là cuộc vận động có nội dung tương đối rộng, bao hàm hầu hết các lĩnh vực của ngôn ngữ. Ví dụ như: vấn đề viết đúng chính tả. Nếu như viết sai thì không những năng lực của người viết bị phủ nhận, mà còn tai hại hơn nữa nếu như cái sai đó lại được đem trương lên các pa nô, áp phích trong một dịp lễ kỷ niệm lớn của đất nước thì chắc chắn nó sẽ gây ra sự phản cảm đối với người đọc, người xem, gây bất lợi cho mục đích tuyên truyền, vận động, đồng thời hạ thấp trình độ văn hoá, uy tín quản lí, lãnh đạo của một tổ chức,... và còn nhiều những nguy cơ khác nữa mà chúng ta không thể lường hết được! Chắc hẳn chúng ta còn nhớ những hạt sạn chính tả khó tẩy mờ kiểu như vậy trên băng rôn trong dịp lễ hội Đền Hùng vừa qua, dòng chữ “bánh chưng, bánh giầy” viết sai thành "bánh trưng, bánh dầy"; rồi trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, “vạch xuất phát” ở đường Thanh Niên ghi thành "vạch suất phát"(!). Đây là những lỗi sai đơn giản nhất, sâu hơn  chút nữa là vấn đề sử dụng từ ngữ.

Vấn đề sử dụng từ ngữ đúng về ý nghĩa, phong cách, hoàn cảnh nói năng… liên quan đến văn hóa trong ngôn ngữ mà ngôn ngữ học gọi là "sự trau dồi ngôn ngữ”. Chúng ta phải làm thế nào để sử dụng ngôn ngữ không chỉ đúng, hay mà cao hơn nữa còn phải sử dụng có nghệ thuật. Đó mới là cái đích cần hướng đến trong thuật ngữ “trau dồi tiếng Việt”. Vấn đề sử dụng câu chữ, hay là dùng từ đặt câu, cũng liên quan đến vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt mà sâu xa hơn nữa còn là vấn đề tự tôn dân tộc. Giữa từ nước ngoài và từ trong nước, từ thuần Việt và từ ngoại lai thì chúng ta nên chọn sử dụng từ nào? Hiện nay các bạn trẻ có xu hướng thích dùng các từ " tân kì", các từ nước ngoài, nhất là từ tiếng Anh. Hiện tượng này không còn chỉ bó hẹp trong giao tiếp cá nhân hằng ngày nữa, mà đã lan ra cả các phương tiện thông tin đại chúng. Tại sao không dùng các từ ngữ mà tiếng Việt đã có? Sao không dùng "buổi biểu diễn", " buổi công diễn" mà cứ phải là liveshow? Phải chăng tiếng ta không có từ để chỉ tiền thù lao buổi biểu diễn mà phải dùng từ cát-sê?

PV: Đúng vậy, sử dụng chêm từ tiếng nước ngoài hiện nay đang là một trào lưu "mốt" trong giới trẻ, đặc biệt trong ngôn ngữ “chat”, nhiều ngôn từ sử dụng đến kì lạ, rất khó hiểu và dư luận từng lên tiếng báo động về hiện trạng này đã làm vẩn đục tiếng Việt vốn rất phong phú và trong sáng, GS nghĩ sao về điều này? 

GS Nguyễn Đức Tồn: Có nhiều đồng bào Việt kiều về thăm quê hương đã tâm sự, ở nước ngoài, chúng tôi mong muốn cho con em mình thường xuyên sử dụng tiếng Việt, nên ngoài thời gian học trong trường, thì khi ở nhà, giao tiếp trong gia đình, thường chúng tôi quy định phải dùng tiếng mẹ đẻ để mọi người không quên cội nguồn.Thế nhưng trở về nước thì chúng tôi lại thấy một điều trái ngược là con em mình trong nước lại rất thích sử dụng chêm đệm các từ tiếng Anh, đặc biệt là những từ lóng. Những trường hợp này cần phải suy nghĩ, cân nhắc, nếu như sử dụng từ tiếng Anh để học tập và làm giàu vốn từ của mình thì đó là một việc rất đáng khuyến khích, nhưng sử dụng từ tiếng Anh tràn lan, tùy tiện, không đúng chỗ, không đúng mục đích thì sẽ phản tác dụng, làm hỏng cả tiếng mẹ đẻ, gây phản cảm cho những người giao tiếp xung quanh.

Đặc biệt hiện nay, nhiều người cảm thất rất bức xúc với ngôn ngữ “chát” của lớp trẻ. Ngôn ngữ “chát”, nếu đứng về mặt phong cách học, nó không có lỗi gì cả, trái lại còn đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng - đó là tầng lớp thanh thiếu niên. Cách sử dụng từ ngữ và viết các kí tự khi“chát” thoả mãn được 2 yêu cầu: nhanh và "biểu cảm" hơn.Thứ nhất, thường thì chúng ta nói nhanh hơn viết, nhiều khi viết chậm không theo kịp dòng tư tưởng cần trao đổi, nên ngôn từ “chát” được thu gọn, viết tắt tối đa; thứ hai, nhiều từ ngữ, cách nói được thể hiện qua cách viết trong ngôn ngữ "chát" có sắc thái biểu cảm rất cao, thể hiện được tình cảm âu yếm, trìu mến đối với nhau giữa các đối tượng cùng "chát". Cho nên trong các dòng tin nhắn khi "chát", người ngoài cuộc thấy có rất nhiều các hình thức diễn đạt cùng cách viết đến kỳ dị là vì vậy. Thực ra đây là một thứ biệt ngữ của giới trẻ giao tiếp trong thời đại "A còng". Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên lên án hiện tượng này vì khi nhu cầu giao tiếp của đời sống đòi hỏi thì ngôn ngữ sẽ phải đáp ứng, do vậy , ngôn ngữ "chát"- tạm gọi như thế, ít nhiều có lí do riêng để ra đời và tồn tại. Trong hoàn cảnh giao tiếp có tính cá nhân khi giới thanh thiếu niên "chát" với nhau, thì việc họ sử dụng biệt ngữ của mình thiết nghĩ cũng  hoàn toàn bình thường.Ngôn ngữ "chát" thể hiện cá tính nhanh, nhạy, thích cái mới, lạ, tân kì của lớp trẻ, nhưng vì về mặt hình thức nó có nhiều điểm lệch với ngôn ngữ chuẩn mực, toàn dân nên không phải với ai, nhất là những người có tư tưởng "bài bản", truyền thống, cũng thấy thuận mắt xuôi tai và do đó không dễ gì một sớm một chiều nó được người ta chấp nhận. Đó là lí do vì sao có nhiều ý kiến hay dư luận xã hội phê phán hiện tượng này.Theo tôi nghĩ, chúng ta không nên quá khắt khe, cấm đoán, hay lên án cách sử dụng biệt ngữ của lớp trẻ khi “chát” với nhau trong phạm vi giao tiếp cá nhân, mà chỉ nên "có ý kiến" nếu họ mở rộng việc sử dụng ngôn ngữ “chát” sang các phạm vi giao tiếp chính thức, mang tính quy thức, ví dụ, khi làm bài, phát biểu trong lớp, nơi công cộng, hay khi giao tiếp với thầy cô giáo... Chân lý chỉ đúng trong một phạm vi, giới hạn nhất định của nó, nếu đẩy quá giới hạn thì nó sẽ trở thành phi lý. Vì thế, chúng ta cần  có sự thống nhất quan điểm trong xã hội, nhìn nhận vấn đề "ngôn ngữ chát" đúng đắn hơn khi nó được sử dụng đúng trong hoàn cảnh giao tiếp của nó - đó là khi lớp trẻ "chát" trong nội bộ với nhau.

PV: Thưa GS, hiện nay trong việc dạy và học của học sinh phổ thông đang có rất nhiều ý kiến bàn luận như: Có nên dạy chữ Nho cho học sinh hay không, … và cần thiết phải có Luật Ngôn ngữ. Ý kiến của GS như thế nào, và với việc ra đời Luật Ngôn ngữ liệu có hạn chế được tình trạng nói và viết sai tràn lan?

GS Nguyễn Đức Tồn: Chữ Hán ngày xưa ông cha ta học và sử dụng trong thi cử... còn gọi là chữ Nho. Đây là thứ chữ Hán của văn bản cổ đại mà người Trung Quốc gọi là văn ngôn. Những người chủ trương dạy chữ Hán cho học sinh phổ thông thực chất là chủ trương dạy văn ngôn chứ không phải là dạy tiếng Hán hiện đại như hiện nay trong trường phổ thông Việt Nam học sinh học môn tiếng Trung cùng các môn sinh ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, v.v... Học chữ Nho thì phát âm theo cách đọc Hán Việt, còn học chữ Hán của tiếng Hán hiện đại thì phát âm theo hệ thống ngữ âm Bắc Kinh hiện đại.

Theo tôi, không nên, không cần thiết phải dạy chữ Nho cho học sinh phổ thông với tư cách là một môn học bắt buộc. Trước đây đã có một số người viết bài tỏ rõ ý kiến không đồng tình với chủ trương dạy chữ Nho cho học sinh phổ thông, nhất là ý kiến trao đổi gần đây mang tính chuyên sâu hơn về ngôn ngữ học của PGS.TS Lê Xuân Thại về vấn đề này trên trang điện tử (Website) của Viện Ngôn ngữ học.

Một vấn đề nữa cũng đang được rất nhiều nhà khoa học, nhà văn hóa lớn đề xuất là lập pháp trong ngôn ngữ. Hiện nay trước tình hình sử dụng ngôn ngữ có phần xô bồ, gần như thả nổi, thì rất cần phải có luật về ngôn ngữ. Hoạt động ngôn ngữ được sử dụng hầu hết trong tất cả các lĩnh vực của xã hội, từ quản lý  nhà nước đến các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, giáo dục… Việc sử dụng ngôn ngữ nếu như không có tổ chức, không được chuẩn hoá, thì sẽ làm vẩn đục tiếng Việt, thậm chí có thể còn làm cho máy vi tính không thể hoạt động được để giúp cho con người trong lĩnh vực quản lí.... Ví dụ: các từ phiên âm tên riêng của cùng một người nước ngoài, được viết tách rời có gạch nối hay viết liền, tư duy con người dễ dàng nhận ra đó chỉ là cùng một tên gọi một người, nhưng máy coi đó là những tên gọi những người khác hẳn nhau. Cho nên việc xây dựng Luật Ngôn ngữ là hết sức cần thiết. Luật ngôn ngữ sẽ bao hàm nhiều nội dung như: việc chọn và tuyên bố ngôn ngữ chính thức của Nhà nước, ngôn ngữ quốc gia là ngôn ngữ nào;  vấn đề quy định, phân công chức năng, nhiệm vụ cho các ngôn ngữ cùng tồn tại trong một quốc gia; vấn đề dạy các ngôn ngữ trong nhà trường; vấn đề sử dụng ngôn ngữ trên các phương tiện thông tin đại chúng ra sao… Ngoài ra còn vấn đề sử dụng, dạy ngoại ngữ như thế nào? Xin lưu ý là luật ngôn ngữ chỉ điều chỉnh các phạm vi giao tiếp chính thức, có tổ chức , chẳng hạn, trong giao tiếp hành chính, trong báo chí, đài phát thanh, các văn bản pháp quy... Nó không điều chỉnh hoạt động ngôn ngữ trong các phạm vi giao tiếp không chính thức của cá nhân, hay các tổ chức tôn giáo, xã hội, nghề nghiệp... Khi có luật ngôn ngữ thì tất nhiên việc sử dụng ngôn ngữ  trong các phạm vi giao tiếp có tổ chức sẽ tốt hơn, đồng thời nó cũng sẽ có tác dụng đưa ra những khuôn mẫu hướng dẫn việc sử dụng ngôn ngữ trong các phạm vi giao tiếp không chính thức như đã nêu.

PVThưa GS, Viện Ngôn ngữ học đã có truyền thống trên 40 năm, và mới đây (năm 2008) đã tách ra làm 2 viện, là Viện Ngôn ngữ học và Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam… Vậy việc này có ảnh hưởng gì đến hoạt động nghiên cứu khoa học và một số công việc khác của Viện ta hay  không?

GS Nguyễn Đức Tồn: Năm 2010 là năm ổn định và phát triển của Viện Ngôn ngữ học. Nhờ vậy, trong năm qua Viện Ngôn ngữ học đã có những bước tiến vững chắc về mọi mặt. Công tác khoa học đã được đặc biệt chú trọng. Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ (2009-2010) với 7 đề tài do Viện trưởng làm Chủ nhiệm đã được tổ chức chu đáo, mang tầm chiến lược phát triển của Viện: Các phòng chuyên môn đều chủ trì đề tài cấp Bộ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của từng phòng. Viện đã rất chú ý tạo điều kiện cho tất cả mọi cán bộ dù là nghiên cứu hay phục vụ nghiên cứu đều được tham gia vào các đề tài theo khả năng chuyên môn và năng lực của từng cá nhân để vừa có thể nâng cao về chuyên môn vừa có thu nhập cải thiện đời sống. Trong thời gian tới, Viện sẽ quyết tâm giữ vững khối đoàn kết nhất trí trong toàn cơ quan; xây dựng tốt kế hoạch 2011 và có lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, kế hoạch chuyên môn đã đề ra ngay từ những tháng đầu tiên của năm mới. Viện cũng sẽ chú trọng đặc biệt tới việc bồi dưỡng cán bộ khoa học trẻ mà hiện nay chiếm tới một nửa số cán bộ của Viện để có lực lượng kế tục trong những năm tiếp theo.

PVXin cảm ơn GS!
Lan Hương (thực hiện)

Sunday 28 July 2013

“ĐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM” NHÌN TỪ KHÍA CẠNH VĂN HOÁ HỌC VÀ VĂN BẢN HỌC (Trần Ngọc Thêm)


“ĐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM” NHÌN TỪ KHÍA CẠNH VĂN HOÁ HỌC VÀ VĂN BẢN HỌC
Trần Ngọc Thêm*

I- ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA CỦA MỘT DÂN TỘC YÊU CHUỘNG VĂN HÓA
1.1. Trong đời sống của một xã hội, bên cạnh kinh tế (cơ sở hạ tầng) thì văn hoá và chính trị (kiến trúc th­ượng tầng) đóng một vai trò hết sức quan trọng. Những t­ư tưởng và hoạt động văn hoá thư­ờng hay đi tr­ước để dọn đư­ờng và/hoặc đi sau để hoàn tất các cuộc cách mạng xã hội.
 Ở Pháp, những t­ư tư­ởng văn hoá mới của Voltaire, Montesquieu, Rousseau, Diderot đã chuẩn bị mảnh đất cho Cách mạng Pháp 1789 thành công, nh­ưng đó mới là những tư­ tư­ởng cá nhân. Ở Trung Quốc, Cuộc vận động Ngũ Tứ (4-5-1919) đã dọn đường cho Cách mạng Trung Hoa gi­ương cao ngọn cờ dân chủ, nh­ưng chất “văn hoá” mà ngư­ời ta th­ường nhắc tới của cuộc vận động này chỉ là ở chỗ nó khởi đầu từ giới sinh viên, còn nội dung vẫn là sự phản kháng nhà cầm quyền nói chung. Bài nói chuyện của Mao Trạch Đông ở cuộc toạ đàm văn nghệ Diên An năm 1942 là tiếng nói của lãnh tụ nhưng nó giới hạn ở việc trình bày quan điểm văn nghệ phục vụ công nông nhằm mục đích chỉnh phong chứ chưa phải một loại đề c­ương văn hóa.
Như vậy là có lẽ chư­a ở đâu mà trư­ớc khi cách mạng thành công, đã có một văn kiện đề c­ương về văn hóa đ­ược công bố rõ ràng như­ ở Việt Nam.
1.2. Sự xuất hiện của Đề cư­ơng về văn hóa trong tiến trình cách mạng của Việt Nam hoàn toàn không mang tính ngẫu nhiên. Có thể thấy có ba lí do:
a) Dân tộc Việt Nam với truyền thống 4000 năm của mình không chỉ coi trọng các giá trị văn hoá theo nghĩa rộng mà còn rất coi trọng các giá trị văn hoá theo nghĩa hẹp văn hoá tinh hoa, văn hoá nghệ thuật; coi trọng các giá trị tinh thần hơn vật chất, coi trọng nội dung hơn hình thức, coi trọng đức hơn tài, coi trọng văn hơn v”... Đưa ra Đề cư­ơng về văn hóa chính là Đảng đã đáp ứng nguyện vọng cháy bỏng này của nhân dân. Hồi kí của những người trong cuộc về những ngày tháng này cho thấy ở khắp những nơi nào có Đề cư­ơng đến, mọi người đều say sưa vùi đầu vào đọc ngay, chép lại, rồi bàn bạc, truyền tay... Nếu dân chúng không có nhu cầu và nguyện vọng thiết tha thì dù một đề cương hay mười đề cương đưa ra cũng sẽ bị rơi vào quên lãng.
b) Chính là nhắm vào những nhu cầu văn hoá của nhân dân mà trong thời kì này có cả rừng sách báo, tạp chí... cùng các trào lưu văn hoá nghệ thuật được bung ra. Trong khi ngay văn hoá bất hợp pháp cũng còn có nhiều nhược điểm thì thực dân Pháp khuyến khích các xu hướng lãng mạn, vui vẻ, trẻ trung trong đời sống văn học, nghệ thuật, cho xuất bản các sách khiêu dâm, kiếm hiệp, thần bí...; cho mở nhiều tiệm hút, tiệm nhảy; tổ chức các Nha thông tin, tuyên truyền; ủng hộ các phong trào phục cổ, tôn sùng các tục lệ cũ; đề xướng các phong trào thể dục rầm rộ... Phát xít Nhật thì lập ra Viện văn hoá Nhật, tuyên truyền chủ nghĩa Đại Đông Á... bởi vậy mà trong bài Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hoá mới Việt Nam lúc này viết năm 1944, Tổng bí thư Trường Chinh đã nhận định rằng văn hoá Việt Nam hiện nay hay nói cho đúng, văn hoá hợp pháp Việt Nam hiện nay mang ba nhược điểm, ba căn bệnh lớn: phản dân tộc, phản khoa học, phản đại chúng (Trường Chinh 1985: 29). Đưa ra Đề cư­ơng về văn hóa chính là Đảng đã trực tiếp tuyên chiến với phản văn hoá nói chung và văn hoá ru ngủ quần chúng của thực dân Pháp và phát xít Nhật nói riêng.
c) Dân chúng có nhu cầu về văn hoá, văn hoá thực dân và phát xít cần phải được đánh đổ, nhưng nếu Đảng Cộng sản Đông D­­ương không có những lãnh tụ am hiểu về văn hoá, có tầm nhìn chiến lược về văn hoá thì cũng không thể có được Đề cư­ơng về văn hóa Việt Nam. Lại cũng chính là vì dân tộc Việt Nam với truyền thống 4000 năm đã luôn đề cao văn hoá nên trong lịch sử, các nhà quân sự thiên tài như Lí Thường Kiệt, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ... đều đồng thời là những người uyên thâm về văn hoá. Trong thời hiện đại thì Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... cũng đều là những nhà văn hoá. Hồ Chí Minh là một nhà văn hoá kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực, còn Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... cho dù tham gia lãnh đạo về quân sự hay chính trị, cũng đều có sáng tác văn hoá, quan tâm đến các vấn đề lí luận văn hoá (sử học, văn học, ngôn ngữ học, Việt Nam học...).  Trong đó Trường Chinh, trên cương vị Tổng bí thư Đảng những năm 40, là người có đóng góp trực tiếp nhất cho việc hình thành Đề cư­ơng về văn hóa Việt Nam.
1.3. Theo hồi kí của Học Phi, anh Trư­ờng Chinh rất quan tâm đến văn hoá, văn nghệ ngay từ hồi Mặt trận bình dân (Một chặng đường 1985: 136). Theo Trần Độ thì từ năm 1941 trở đi, anh Trư­ờng Chinh càng chú ý thường xuyên theo dõi và nghiên cứu tình hình các sách báo xuất bản và văn hoá nói chung; anh đọc cuốn sách tiếng Pháp dày cộp nói về nghệ thuật và văn học của Mác và Ăng-ghen do Jăng Frê-vin xếp đặt và đề tựa (Một chặng đường 1985: 98, 97). Hồi ký này còn cho biết: Theo anh Trư­ờng Chinh kể lại thì anh suy nghĩ từ lâu về bản Đề c­ương văn hoá này... Năm 1941, tại Hội nghị trung ư­ơng lần thứ 8 họp ở hang Pắc Bó, gặp Bác, anh Trư­ờng Chinh báo cáo tình hình hoạt động văn hoá. Bác có nhận xét và chỉ thị nhiều ý kiến. Đầu năm 1943, tại nhà cụ Bạch ở làng Võng La - ... huyện Đông Anh, tỉnh Vĩnh Phú, các anh Tr­ường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt đã bàn bạc rất nhiều... Sau đó anh Tr­ường Chinh căn cứ vào ý kiến hội nghị đã bàn bạc để khởi thảo Đề cư­ơng tại làng Phú Gia bây giờ thuộc xã Phú Th­ượng ngoại thành Hà Nội (Một chặng đường 1985: 98-99).

II- TÍNH KHOA HỌC VÀ TÍNH CÁCH MẠNG CỦA ĐỀ CƯƠNG
Đọc Đề cư­ơng, ta thấy nổi lên hai đặc điểm rõ nhất là tính khoa học và tính cách mạng.
2.1. Tính khoa học thể hiện trước hết ở bố cục: Đề cư­ơng gồm 5 phần có quan hệ với nhau rất chặt chẽ và sắp xếp rất khoa học.
Các phần
Các mục
A- Cách đặt vấn đề
1.      Khái niệm văn hoá
2.      Quan hệ giữa văn hoá với kinh tế và chính trị
3.      Thái độ của Đảng đối với vấn đề văn hoá
B-  Lịch sử và tính chất văn hoá VN
1.      Các giai đoạn trong lịch sử văn hoá VN
2.      Tính chất văn hoá VN hiện tại
C-  Nguy cơ văn hoá VN dưới ách Nhật-Pháp
1.      Những thủ đoạn mà phát xít trói buộc và giết chết văn hoá VN
2.      Hai ức thuyết về tiền đồ văn hoá VN
D- Vấn đề cách mạng văn hoá VN
1.      Quan niệm của người CS về v/đ cách mạng văn hoá
2.      Mục tiêu của cách mạng văn hoá Đông Dương
3.      Quan hệ giữa cách mạng văn hoá VN và cách mạng dân tộc giải phóng
4.      Ba nguyên tắc của cuộc vận động văn hoá mới VN trong giai đoạn này
5.      Tính chất của nền văn hoá mới VN
E-  Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hoá Mác-xít Đông Dương...
1.      Mục đích trước mắt
2.      Công việc phải làm
3.      Cách vận động văn hoá

Khởi đầu từ Cách đặt vấn đề (A) với 3 nội dung (định nghĩa đối tượng, xác định các mối quan hệ của đối tượng, và thái độ của chủ thể đối với đối tượng), Đề cư­ơng chuyển sang trình bày về Lịch sử vấn đề (B) và hiện trạng của vấn đề (C) từ đó đi tới khả năng giải quyết vấn đề (D) và cuối cùng là các việc phải làm để giải quyết vấn đề (E).
Tính khoa học của Đề cư­ơng thể hiện ở cách lập luận chặt chẽ theo lối cấu trúc móc xích, giàu sức thuyết phục, ví dụ: “c- đảng tiên phong phải lãnh đạo văn hoá tiên phong; d- có lãnh đạo được phong trào văn hoá, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mói có hiệu quả”. Hoặc: “a) Phải hoàn thành cách mạng văn hoá mới hoàn thành đ­ược cuộc cải tạo xã hội; b) Cách mạng văn hoá muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông D­ương lãnh đạo; c) Cách mạng văn hoá có thể hoàn thành khi nào cách mạng chính trị thành công...”.
Tính khoa học của Đề cư­ơng cũng thể hiện ở việc đưa ra các khả năng khác nhau: “Tiền đồ văn hoá Việt Nam: hai ức thuyết: - Nền văn hoá phát xít (văn hoá Trung cổ và nô dịch hoá) thắng thì văn hoá dân tộc Việt Nam nghèo nàn thấp kém; - Văn hoá dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hoá tân dân chủ thế giới”.
Tính khoa học của Đề cư­ơng còn thể hiện ở cách diễn đạt ngắn gọn, rõ ràng, dứt khoát: “Thái độ Đ.C.S.Đ.D. đối với vấn đề văn hoá: a-... b-.... c-... d-...”, “Quan niệm của ng­ười C.S. về vấn đề cách mạng văn hoá: a-... b-... c-...”, ở cố gắng phân biệt rành mạch các cặp phạm trù đối lập: “Văn hoá Việt Nam hiện nay về hình thức là thuộc địa, về nội dung là tiền t­ư bản”; “Văn hoá mới Việt Nam là một thứ văn hoá có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung”.
2.2. Tính cách mạng của Đề cư­ơng thể hiện ở thái độ dứt khoát, sử dụng những từ ngữ có nghĩa rất r” ràng: “Phải hoàn thành...”, “chống mọi ảnh h­ưởng... / mọi chủ trương...”, “chống lại tất cả những cái gì...”, “phải kịch liệt chống...”, “Tranh đấu về học thuyết, t­ư tưởng (đánh tan những quan niệm sai lầm của triết học Âu, Á...làm cho thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng”, “Tranh đấu về tông phái văn nghệ (...) làm cho xu hư­ớng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng”...
2.3. Chính là nhờ tính khoa học và tính cách mạng này mà Đề cư­ơng có được sức truyền cảm và sức thu hút lớn, làm cho những người đương thời khi cầm lấy Đề cư­ơng đều phải “đọc luôn một mạch”, đọc xong rồi thì “như thấy có lửa cháy bừng bừng trong người”...
III- GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VÀ NHỮNG HẠN CHẾ CỦA ĐỀ CƯƠNG
3.1. Đề cư­ơng đề cập đến văn hoá, thực chất là đưa ra cương lĩnh về “cách mạng văn hoá” như một bộ phận của cách mạng xã hội (“Phải hoàn thành cách mạng văn hoá mới hoàn thành đư­ợc cuộc cải tạo xã hội”) bên cạnh cách mạng chính trị (“Cách mạng văn hoá có thể hoàn thành khi nào cách mạng chính trị thành công (cách mạng văn hoá phải đi sau cách mạng chính trị...)”). Không phải ngẫu nhiên mà trong Đề cương, cụm từ “cách mạng văn hoá” được nhắc lại tới bảy lần. Có trường hợp cụm từ  “cách mạng văn hoá” còn xuất hiện ngay ở tên gọi của Đề cư­ơng. Hồi kí của Vũ Quốc Uy cho biết: “Một buổi tối vào khoảng cuối thu năm 1943, anh Lê Quang Đạo đưa cho tôi một phong bì dán kín... Tôi khoá chặt cửa, hồi hộp mở phong bì, và thấy tám trang giấy kẻ ô, đặc sít chữ viết nhỏ... Trên trang đầu đề rõ ràng mấy chữ: “Đề cư­ơng về cách mạng văn hoá Việt Nam(Một chặng đường 1985: 50).
Do Đề cư­ơng có nhiệm vụ lịch sử cụ thể như vậy, cho nên xem xét Đề cư­ơng cũng phải đặt trong bối cảnh lịch sử cụ thể ấy.
Khi nêu ra ba nguyên tắc “dân tộc - khoa học - đại chúng”, Đề cư­ơng viết rất rõ rằng đó là “Ba nguyên tắc vận động của cuộc vận động văn hoá nư­ớc Việt Nam trong giai đoạn này”. Những đặc điểm của văn hoá (hợp pháp) của Việt Nam giai đoạn này đã được Trường Chinh nói rất rõ trong bài “Mấy nguyên tắc của cuộc vận động văn hoá mới Việt Nam” viết ngày 23-9-1944: đó là thứ văn hoá vừa lố lăng, lai căng, thiếu tính dân tộc; vừa duy tâm, thần bí, kém cỏi, bị giáo dục theo kiểu nhồi sọ, thiếu óc khoa học; lại vừa chỉ hướng vào tầng lớp quyền quý, xa rời quần chúng (Trường Chinh 1985: 26-31). Bởi vậy mà ba nguyên tắc dân tộc hoá, đại chúng hoá, khoa học hoá là hoàn toàn thích hợp với tình hình lúc bấy giờ.
Nguyễn Khánh Toàn (với bút danh Hồng Lĩnh) bảo vệ ba nguyên tắc này vào năm 1946 với bài viết “Văn học Việt Nam còn nên dựa vào ba nguyên tắc dân tộc, khoa học và đại chúng nữa không?” (Một chặng đường 1985: 238-244) cũng hoàn toàn hợp lý vì sau khi cách mạng vừa mới thành công, tình hình văn hoá chưa được cải thiện gì hơn. Nhưng đến ngày nay thì đã khác hẳn. Văn hoá ngày nay là văn hoá của nhân dân, vì vậy nguyên tắc đại chúng không còn thích hợp. Óc khoa học của dân ta cũng không đến nỗi kém cỏi, vì vậy nguyên tắc khoa học cần được thay bằng yêu cầu hiện đại, tiên tiến. Không phải ngẫu nhiên mà điều 30 của Hiến pháp Việt Nam năm 1992 nói đến một nền văn hoá Việt Nam “dân tộc, hiện đại, nhân văn”. Nghị quyết 5 BCH TW khóa VIII (tháng 7-1998) nói đến “một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” càng chính xác hơn nữa, vì văn hoá từ trong bản chất đã mang tính nhân văn rồi.
3.2. Cũng phải được xem xét đúng như nó đã được trình bày trong Đề cương là chủ trương “Tranh đấu về học thuyết, t­ư t­ưởng (đánh tan những quan niệm sai lầm của triết học Âu, Á có ít nhiều ảnh hư­ởng tai hại ở ta: triết học Khổng, Mạnh, Đê-các-tơ (Descartes), Béc-son (Bergson), Căng (Kant), Nít-sờ (Nietzsche), v.v..., làm cho thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng)”. Hiển nhiên là Khổng, Mạnh, Descartes, Kant... đều là những triết gia lớn mà nhiều điều trong tư tưởng của các ông đã được Hồ Chí Minh, Engels ca ngợi. Nhưng nếu ta đọc kỹ thì sẽ thấy trong Đề cương, chủ trương “đánh tan những quan niệm sai lầm” của các ông nằm trong mục E.II là những “Công việc phải làm” nhằm phục vụ cho “Mục “ (E.I) là “Chống lại văn hoá phát xít phong kiến, thoái bộ, nô dịch, văn hoá ngu dân và phỉnh dân”. Có mục đích trư­ớc mắt ấy là vì tình hình cụ thể lúc bấy giờ thực dân Pháp đang khuyến khích phong trào trở về với tư tưởng Khổng-Mạnh của Trần Trọng Kim, phong trào sùng bái truyện Kiều của Phạm Quỳnh, phong trào chạy theo các tư tưởng bảo thủ, tư tưởng cổ điển và lãng mạn phương Tây của Nguyễn Văn Vĩnh... nhằm đề cao đạo đức phong kiến, đánh lạc hướng trí thức, thanh niên, gián tiếp chống lại các tư tưởng dân chủ và cách mạng. Không phải ngẫu nhiên mà trước đó không lâu, cụ Ngô Đức Kế vừa ở Côn Đảo về đã lập tức lên án phong trào sùng bái truyện Kiều là thủ đoạn mê hoặc thanh niên, Phan Khôi đã mở cuộc bút chiến với Trần Trọng Kim về học thuyết Khổng-Mạnh...
Việc quá đề cao, tán dương như nói rằng suốt từ đó đến nay toàn bộ Đề cương vẫn “giữ nguyên giá trị”, cũng như việc phê phán, coi chủ trương tranh đấu với những quan niệm sai lầm của triết học Khổng, Mạnh, Descartes, Kant... là “tả khuynh, quá đà” đều là những biểu hiện của việc chưa hiểu đúng chân giá trị lịch sử của Đề cương.
3.4. Đề cương không phải là không có những hạn chế.
3.4.1. Trước hết, “văn hoá” là một khái niệm rất phức tạp, trong Đề cương, đây là khái niệm duy nhất chưa đủ rõ ràng. Đề cương viết “Văn hoá bao gồm cả t­ư tư­ởng, học thuật, nghệ thuật” và là một trong ba thành tố, bên cạnh kinh tế và chính trị. Chữ cả ở đây có thể hiểu theo hai cách: cả là đại từ với nghĩa “hết thảy” (vd, “cả nước”) và cả là trợ từ với nghĩa là bao gồm bổ sung (“ngoài A còn cả B”). Nếu hiểu theo cách thứ hai thì không rõ phần còn lại của văn hoá có những gì, còn nếu hiểu theo cách thứ nhất thì nội dung của văn hoá lại bị thu hẹp quá. Quan niệm hẹp này có vẻ như được xác nhận khi ta đọc thấy trong bài “Mấy nguyên tắc của cuộc vận động văn hoá mới Việt Nam” của Trường Chinh viết năm 1944 có câu: “Những nhà văn ấy phải đấu tranh trên tất cả các mặt trận văn hoá, nghệ thuật, ngôn ngữ, phong tục, tín ngưỡng, v.v.” (Trường Chinh 1985: 32; tôi nhấn mạnh - TNT) - ở đây, văn hoá được dùng với nghĩa còn hẹp hơn nữa, khi nó đứng cạnh không chỉ phong tục, tín ngưỡng mà cả nghệ thuật, ngôn ngữ là những thành tố mà trong Đề cương đã được bao gồm vào văn hoá.
Đến báo cáo của Trường Chinh tại Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ hai tháng 7-1948 nhan đề Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam”, nội dung của khái niệm văn hoá mới trở nên phong phú hơn. Lúc này, ông viết: “văn hoá là một vấn đề rất lớn bao gồm cả văn học, nghệ thuật, khoa học, triết học, phong tục, tôn giáo...” và chú thích: “đây là nói văn hoá theo nghĩa hẹp, nghĩa thông th­ường. Nói rộng ra, văn hoá gồm cả văn hoá tinh thần và văn hoá vật chất” (Trường Chinh 1985: 53; tôi nhấn mạnh - TNT) - cách hiểu này đã hoàn toàn phù hợp với các quan niệm khoa học về văn hoá.
3.4.2. Khi đưa ra chủ trương “Tranh đấu về tông phái văn nghệ (chống chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tư­ợng trư­ng, v.v... làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng)”, Đề cương không tránh khỏi hạn chế chung của thời đại bấy giờ, khi mà ở Liên Xô, phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa đang giữ địa vị độc tôn.
Tuy nhiên, chính ở chỗ này, phải nói rằng Trường Chinh đã có cái nhìn khá sáng suốt khi trong Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam, ông đã lưu  ý rằng “thái độ của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là thái độ khách quan” và giải thích rằng có những sự thật không có lợi cho ta, ví dụ một trận ta thua chẳng hạn, vẫn hoàn toàn có thể đưa vào tác phẩm, chỉ có điều là nên tả sao cho ngư­ời xem nhận thấy các chiến sĩ của ta anh dũng hy sinh nh­ư thế nào, vì sao ta thua, và trong cái thua ấy, đâu là phần ta thắng... (Trường Chinh 1985: 115-116). Đây là một gợi ý rất chí lý. Ngoài sai lầm từ phía trên coi chủ nghĩa hiện thực là độc tôn, nếu các văn nghệ sĩ ta không quá dễ dãi với mình, mà bỏ công sức tìm tòi theo hướng Trường Chinh đã gợi ý thì vẫn có thể thu được những sáng tác hiện thực chủ nghĩa có giá trị chứ không đến nỗi cho ra những sáng tác theo kiểu minh hoạ, tô hồng...
III- MỘT SỐ VẤN ĐỀ VĂN BẢN HỌC
3.1. Đề c­ương về văn hóa Việt Nam đã, đang và sẽ còn là một trong những văn kiện cực kỳ quan trọng đối với lịch sử văn hoá Việt Nam nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung. Bởi vậy, tính chính xác về mặt văn bản học là điều không thể xem thường.
Ra đời tháng 2 năm 1943, ban đầu Đề c­ương tồn tại dưới dạng viết tay, cũng có khi nó được in thạch (Một chặng đường 1985: 148). Mãi đến năm 1945, đư­ợc phép của trên, một nhóm 5 ngư­ời trong Hội Văn hoá Cứu quốc gồm Khuất Duy Tiến, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy T­ưởng, Nh­ư Phong và một người nữa về quê Nguyễn Huy T­ưởng ở làng Dục Tú (Bắc Ninh) để làm số 1 báo Tiên phong mà trong đó lần đầu tiên chính thức công bố toàn văn bản Đề c­ương. Báo in ch­ưa xong thì đã tổng khởi nghĩa, vì vậy đến tháng 11 in lại mới ghi là tái bản (Một chặng đường 1985: 69). Như­ vậy, trong khi không có đư­ợc bản viết tay của chính Tổng bí thư Trường Chinh năm 1943, thì bản in trên tạp chí Tiên phong số 1 này có thể chấp nhận là bản gốc.
Về sau, năm 1977, Đề c­ương về văn hóa Việt Nam đã đ­ược in lại trong sách Văn kiện Đảng 1930-1945, tập III, do Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ư­­ơng xuất bản (tr. 365-368). Đến năm 1985, nhân kỷ niệm 40 năm Đề c­ương, Ban nghiên cứu lý luận của Viện văn học và Nhà xuất bản “Tác phẩm mới” đã cho ra mắt cuốn sách Một chặng đường văn hoá, trong đó Đề c­ương đ­ược in ở các tr. 15-20. Tiếp đến gần đây, theo quyết định của Ban Bí thư­ khoá VII (số 101 QĐ/TW, ngày 12-l-1995) và Bộ Chính trị khoá VIII (số 25-QĐ/TW, ngày 3-2-1997), bộ Văn kiện Đảng Toàn tập đã được xuất bản năm 1998 dư­ới sự chỉ đạo của một Hội đồng xuất bản, trong đó Đề cương về văn hóa Việt Nam đư­ợc in trong tập 7 (1930-1945), tr. 316. Bản này in lại hoàn toàn theo bản in trong Văn kiện Đảng 1930-1945, tập III, xuất bản năm 1977.
3.2. Nh­ư vậy là hiện ta có hai bản Đề c­ương về văn hóa Việt Nam - một bản in trong hai bộ Văn kiện Đảng và một bản in trong sách Một chặng đ­ường văn hoá - cả hai đều được tuyên bố là theo đúng bản gốc. Tuy nhiên, sau khi đối chiếu sơ bộ, chúng tôi thấy giữa hai bản này có một số dị biệt cơ bản như­ trình bày trong bảng sau (các chữ cái hoa A, B, C, D... chỉ các phần trong đề c­ương):
Stt
Địa chỉ
Bản in trong
Văn kiện Đảng
Bản in trong Một chặng đường văn hoá
Số lần
Phân loại
1.       
nhiều nơi
Đảng Cộng sản Đông D­­ương
Đảng C.S.Đ.D. / Đ.C.S.Đ.D.
3
A. Viết tắt
2.       
D.1
ng­ười cộng sản
ng­ười C.S.
1
3.       
nhiều
Đông D­­ương
Đông-d­­ương
5
B. Dấu ngang nối trong địa danh
4.       
C.1.b
Nhật Bản
Nhật-bản
2
5.       
C.1.b
Đi Đông Á
Đi-Đông-Á
2
6.       
D.4
trtkít
tờ-rt-kít
1
C. Dấu ngang nối trong phiên âm nhân danh
7.       
E.II.a
Đcác
Đê-các-tơ
1
8.       
E.II.a
Bécsông
Béc-son
1
9.       
E.II.a
Nítsơ
Nít-sờ
1
10.   
B.1.a
Trung Quốc  
Tàu
1
D. Biến thể địa danh
11.   
E.III
III- Cách vn đng
III- Cách vận động văn hoá
1
Đ. Rút gọn
12.   
B.1.b
xu hư­ớng tiểu t­ư sản
xu h­ướng tiền t­ư bản
1
E. Nhầm lẫn, sai sót
13.   
B.2
nội dung là tiền t­ư bản
nội dung là tiểu t­ư sản
1
14.   
D.4
Ba nguyên tắc vận động cuộc vận động văn hoá nước Việt Nam trong giai đoạn này:
Ba nguyên tắc vận động của cuộc vận động văn hoá mới Việt Nam trong giai đoạn này:
1
15.   
E.II.a
Niesche
Nietzsche
1
16.   
E.II.b
Tranh đấu về tông phái văn nghệ (chống chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tư­ợng trư­ng, v.v.) làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng.
Tranh đấu về tông phái văn nghệ (chống chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tư­ợng trư­ng, v.v... làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng).

17.   
C.1.a
Đàn áp các nhà văn hoá cách mạng dân chủ chống phát xít.
Đàn áp các nhà văn hoá cách mạng, dân chủ, chống phát xít.
1
F. Thiếu dấu phảy
18.   
C.1.a
Ra tài liệu tổ chức các cơ quan...
Ra tài liệu, tổ chức các cơ quan...
1
19.   
C.1.a
Làm ra vẻ săn sóc đến trí dục, thể dục và đức dục cho dân.
Làm ra vẻ săn sóc đến trí dục, thể dục, và đức dục cho dân.
1
20.   
A.3.c
-
c) đảng tiên phong phải lãnh đạo văn hoá tiên phong.
1
G. Bỏ sót nguyên một đoạn

3.3. Tuy ch­ưa có điều kiện tiếp xúc với bản gốc in trên tạp chí Tiên phong số 1, như­ng qua phân tích những khác biệt này, chúng tôi có thể kết luận rằng bản Đề c­ương in trong sách Một chặng đ­ường văn hoá gần với (hoặc theo đúng) bản gốc hơn, vì bốn lý do sau:
1-́́Các chữ viết tắt Đảng C.S.Đ.D. / Đ.C.S.Đ.D., ngư­ời C.S. của bản in trong sách Một chặng đ­ường... phản ánh đúng văn phong “đề c­ương” hơn cách viết đầy đủ trong Văn kiện Đảng;
2-́́Cách viết địa danh với dấu ngang nối như­ Đông-dư­­ơng, Nhật-bản của bản in trong sách Một chặng đ­ường... là đúng theo cách viết của đồng chí Trường Chinh, người chấp bút khởi thảo Đề cư­ơng;
3-́́Cách viết nhân danh của các ngôn ngữ ph­ương Tây theo kiểu phiên âm có ngang nối như­ Đê-các-tơ, Nít-sờ của bản in trong sách Một chặng đ­ường... là đúng với cách viết những năm 40, còn cách phiên âm viết liền Đềcác, Nítsơ trong Văn kiện Đảng là cách viết hiện đại;
4-́́Cách dùng chữ Tàu để chỉ Trung Quốc trong sách Một chặng đư­ờng... cũng là đúng với cách dùng từ phổ biến trong những năm này (chẳng hạn, năm 1946 Nguyễn Khánh Toàn với bút danh Hồng Lĩnh trong bài Văn học Việt Nam còn nên dựa vào ba nguyên tắc: dân tộc, khoa học và đại chúng nữa không? đã viết: “Ở Tàu cũng vậy... mấy năm gần đây, người ta vẫn hết sức biểu dương tinh thần dân tộc Tàu, những giai đoạn tranh đấu giải phong trong buổi quá khứ của dân tộc Tàu (Một chặng đường 1985: 240).
3.4. Bốn tr­ường hợp dị biệt vừa nêu của bản in trong Văn kiện Đảng có lẽ đều là những chỉnh sửa có chủ ý nhằm giúp cho ng­ười đọc tiếp thu đ­ược dễ dàng hơn. Việc rút gọn tiêu đề “III- Cách vận động văn hoá” thành “III- Cách vận động” (dị biệt số 11) cũng gọn hơn, phù hợp hơn với hai tiêu đề nhỏ trư­ớc đó (“I- Mục đích tr­ước mắt” và “II- Công việc phải làm”). Song công bằng mà nói, những sửa chữa dễ dãi này không phù hợp với những nguyên tắc khoa học văn bản học và với chính những yêu cầu của việc xuất bản Văn kiện Đảng Toàn tập đ­ược nêu trong Lời nói đầu là “trung thực, chính xác, khách quan, tư­ơng đối đầy đủ, toàn diện, có hệ thống, bảo đảm tính khoa học và tính lịch sử”.
Hai trư­ờng hợp dị biệt số 12-13 giữa bản in trong Văn kiện Đảng và bản in trong sách Một chặng đ­ường văn hoá là sự đổi chỗ của hai từ “tiền t­ư bản” và “tiểu t­ư sản” thì không còn là chỉnh sửa có chủ ý nữa mà là sự nhầm lẫn rõ ràng, và đã dẫn đến sự sai biệt lớn về nội dung. Căn cứ vào nội dung thì bản in trong sách Một chặng đư­ờng... cũng hợp lý hơn:
- “Thời kỳ từ Quang Trung đến khi đế quốc Pháp xâm chiếm: văn hoá phong kiến có xu hướng tiền tư ­­ bản” thì đúng hơn là “tiểu tư­­ sản”.
- “Tính chất văn hoá Việt Nam hiện tại: văn hoá Việt Nam hiện nay về hình thức là thuộc địa, về nội dung là tiểu tư­­ sản” thì đúng hơn là “tiền tư­­ bản”.
Trư­ờng hợp 14 ở bản in trong Văn kiện Đảng thiếu một chữ “của” và sai một chữ - “cuộc vận động văn hoá mới Việt Nam” bị in sai thành “cuộc vận động văn hoá nước Việt Nam”.  “Văn hoá mới” là một thuật ngữ được dùng rất phổ biến lúc bấy giờ, còn “cuộc vận động văn hoá nước Việt Nam” là một cụm từ vô nghĩa.
Trư­ờng hợp 15-16 ở bản in trong Văn kiện Đảng tên riêng Nietzsche được ghi thành Niesche, và dấu đóng ngoặc đơn đặt sai vị trí.
Ba tr­ường hợp dị biệt số 17-19 do bản in trong Văn kiện Đảng thiếu một loạt những dấu phẩy. Tuy chỉ là những dấu phẩy nh” nh­ưng đã làm sai lạc lớn về nội dung. Chẳng hạn, Văn kiện Đảng in là Đàn áp các nhà văn hoá cách mạng dân chủ chống phát xít” nghĩa là chỉ có những nhà văn hoá đồng thời hội đủ cả ba đặc trư­ng “cách mạng, dân chủ, và chống phát xít mới bị đàn áp; trong khi đúng ra phải là Đàn áp các nhà văn hoá cách mạng, dân chủ, chống phát xít - nghĩa là cả ba loại nhà văn hoá đều bị đàn áp!
Cuối cùng, tr­ường hợp dị biệt số 20 là nghiêm trọng nhất: trong mục (3) thuộc phần đầu của Đề c­ương (“Cách đặt vấn đề” - “Thái độ của Đ.C.S.Đ.D. đối với vấn đề văn hoá”), ở bản in trong Văn kiện Đảng thiếu hẳn một đoạn (c) là “đảng tiên phong phải lãnh đạo văn hoá tiên phong” (ở bản in trong Văn kiện Đảng, mục A.3 này chỉ có 3 tiểu mục a-b-c, còn ở bản in trong sách Một chặng đư­ờng... thì có 4 tiểu mục a-b-c-d).
Do tính chính thống của việc tổ chức xuất bản Văn kiện Đảng và uy tín của cơ quan xuất bản nên dễ hiểu là bản Đề cư­ơng về văn hóa Việt Nam in ở đây th­ường đư­ợc xem là bản chính thức, và có lẽ cũng chính vì vậy mà theo điều tra “bỏ túi” của chúng tôi thì khá nhiều các nghiên cứu và trích dẫn lâu nay đ­ược tiến hành theo bản in này. Bởi vậy, nhân dịp này chúng tôi đề nghị Hội đồng xuất bản Văn kiện Đảng Toàn tập nên cho rà soát, đối chiếu lại kỹ càng từng văn bản in trong đó theo văn bản gốc, xứng đáng với những giá trị của Đề cư­ơng về văn hóa Việt Nam và những văn kiện quan trọng khác của Đảng.

Tài liệu tham khảo

1.      Một chặng đường 1985: Một chặng đường văn hoá (Tập hồi ức và tư liệu về Đề cư­ơng văn hóa của Đảng và đời sống tư tưởng văn nghệ 1943-1948). -  H.: NXB Tác phẩm mới.
2.      Trường Chinh 1985: Về văn hoá và nghệ thuật, tập I. H.: NXB Văn học.
3.      Văn kiện 1977: Văn kiện Đảng 1930-1945, tập III. H.: Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ư­­ơng xuất bản.
4.      Văn kiện 1998:  Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 7. H.: NXB Chính trị Quốc gia.

Tóm tắt
“ĐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM” NHÌN TỪ KHÍA CẠNH VĂN HOÁ HỌC VÀ VĂN BẢN HỌC
Prof. Dr. Trần Ngọc Thêm

Bài viết phân tích bối cảnh ra đời của đề cương văn hóa 1943 như đề cương văn hóa của một dân tộc yêu văn hóa. Phân tích tính khoa học và tính cách mạng như những đặc điểm nổi bật nhất của đề cương. Đồng thời bài viết cũng chỉ ra những giá trị lịch sử cùng những hạn chế của đề cương. Cuối cùng, tác giả chỉ ra những khác biệt và sai sót về mặt văn bản học tồn tại trong những văn bản đề cương đang lưu truyền phổ biến hiện nay.


Nguồn: Trần Ngọc Thêm. “Đề cương văn hoá Việt Nam” nhìn từ khía cạnh văn hoá học và văn bản học. – Tập san Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp.HCM, số 34, tháng 3-2006,tr. 5-12.


* GS.TSKH, Trường ĐH KHXH & NV, TP.HCM