Showing posts with label động vật. Show all posts
Showing posts with label động vật. Show all posts

Thursday 26 July 2012

Do đâu có tên chồn mác?

Mác có thể là từ mượn âm tiếng Pháp (martre) mà cũng có thể là dạng rút gọn của mác tét. Từ này có âm rất gần với tên La Tinh (Martes martes). Chồn mác Mỹ và chồn mác-tét Mỹ là một (tiếng La Tinh là Martes americana; tiếng Pháp là martre américain). Rất khó đoán được người đặt tên chồn lấy tiếng nào làm gốc. Tuy nhiên có thể thấy rõ dấu vết của tiếng La Tinh trong tên chồn mác ba-ra (Eira barbara)

Friday 2 December 2011

Ma mút có xấu không?

Nguyễn Kim Thản (2005:1008) chỉ có ma mút nghĩa là giống voi hóa thạch khổng lồ sống ở kỷ đệ tứ.
Hoàng Phê (2006) là tác giả duy nhất phân biệt ma-mút X. mammuth, với nghĩa là voi không lồ hóa thạch, kỉ đệ tứ (Hoàng Phê, 2006:607) với ma mút dùng trong khẩu ngữ, nghĩa là con ma mặt mũi rất khó coi, thường dùng để ví người mặt mũi xấu xí quá. Xấu như ma mút (Hoàng Phê  2006:602).


Từ ma mút vào tiếng Việt đã lâu, cách đây ít nhất là 90 năm:

Như các nhà bác-học đã phát-minh được một giống voi cổ gọi là “ma-mút” (mammouth), giống này may tìm được nguyên cả xác lấp trong bãi nước-đá đất Sibérie, không thối-nát gì cả, xét ra thời đã khác đời trước và gần giống con voi ta bây giờ . (Nam Phong Tạp Chí số 51, 1921:462, Hồng Nhân)


Danh từ khoa học của Đào Văn Tiến (1945:58) có lẽ là quyển từ điển đầu tiên ghi nhận từ ma-mút. Con vật to lớn dềnh dàng này còn được gọi là cổ tượng (Nam Phong Tạp Chí số 119, 1927:27,  Thượng-Chi) hay khổng tượng (Thanh Nghị, 1967 :776). Các từ điển tiếng Việt phổ thông từ Hội Khai Trí Tiến Đức (1931) đến Thanh Nghị (1967b), Lê Văn Đức (1970), Ban Tu Thư Khai Trí (1971) đều không có mục từ nào về/nhắc đến ma mút.

Ngay từ lúc mới nhập tịch Việt Nam, ma mút đã được dùng để chỉ những người có ngoại hình xấu xí:
* Bởi vì cái nguyên-nhân chủ-quan thì cứ xét về phần trọng-yếu riêng, nên những sự-vật đẹp và những hình-thức đẹp của giống người dã-man cho làm đẹp, tự người văn-minh xem ra thì xấu như ma-mút. (Nam Phong Tạp Chí số 117, 1927:462,  Đông-Châu)
* Thế chả nhẽ anh lấy một người như ma mút thì mới vừa lòng em ư? (Lê Lựu, 2006:244)
Không phải người Việt nào cũng biết ma trong ma mút thuần túy chỉ là âm tiết đầu của từ mammouth tiếng Pháp. Vì vậy người ta có khuynh hướng quy nó về ma của ma quỷ, ma da, ma xó... và của các thành ngữ xấu như ma, xấu ma chê quỷ hờn... Nhưng nếu ma mút là ma thì nó mút cái gì?

Thursday 10 November 2011

Cá héc-mô-ni là cá gì?


Những con cá thần tiên, những con cá kiếm, cá chọi, cá mã giáp, cá héc-mô-ni màu sắc rất lạ, ăn giun tơ thuỷ trần buổi sáng đang hứng khởi phùng mang trợn mắt, vè, xùy, chọi nhau, gây xao động, sóng gió ngay trong cái khối nước con con. (Ma Văn Kháng, 2003III:72)
Cá héc-mô-ni của Ma Văn Kháng chính là cá hắc mô-ly do hiện tượng lẫn lộn /l/ và /n/ ở miền Bắc đã trở nên quá phổ biến. Tên tiếng Anh của cá này là black molly, tiếng Pháp là molly noir, rất được giới chơi cá cảnh ưa chuộng. Cá hắc mô-ly còn có các tên tiếng Việt khác là cá hắc mô-ni, cá trân châu, cá bình tích, cá mố lũy, cá mã lệ, cá hắc bố lũy... 

Tuesday 4 October 2011

Con sa mù là con gì?

Sa mù là lạc đà. Gốc tiếng Pháp là chameau.
Bác đã đi nhiều, đâu cũng biết, biết cả con “sa mù” có hai cái bướu trên lưng quanh năm nhịn nước. (Tô Hoài, 2007:20)