Monday 11 March 2019

Nguồn gốc của địa danh Chu Lai từ “truyền kỳ” đến hiện thực (An Chi - An Ninh Thế Giới)



Nguồn gốc của địa danh Chu Lai từ “truyền kỳ” đến hiện thực

09:30 28/01/2009

Hầu hết các tác giả đều cho rằng nguyên từ (etymon) của địa danh Chu Lai chính là họ của Victor Krulak, Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ tại Thái Bình Dương và rằng cái tên này ra đời vào giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, theo nhu cầu của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Saturday 2 March 2019

Chiến hạm nổ tung và tổ điệp báo huyền thoại (Nhân Dân)

Chiến hạm nổ tung và tổ điệp báo huyền thoại

Thứ Bảy, 25/07/2015, 13:53:33
(http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/26979402-chien-ham-no-tung-va-to-diep-bao-huyen-thoai.html)
Công tác điệp báo là một trong bốn công tác nghiệp vụ cụ thể của lực lượng An ninh nhân dân. Điệp báo mang đầy đủ tính chất của ngành An ninh nhưng là hoạt động trong lòng địch, nên gay go, ác liệt, nguy hiểm lâu dài.
Chiến hạm nổ tung và tổ điệp báo huyền thoại
Thiếu tướng, bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng Đạo (người thứ ba từ trái sang), con trai Trưởng nhóm điệp báo A13 - Hoàng Đạo với cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Thanh Hóa dưới Tượng đài nữ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi.
Ngay từ thời kỳ đầu chống thực dân Pháp xâm lược, công tác điệp báo - tình báo đã được Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm xây dựng, phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến. Lực lượng Công an nhân dân phải đương đầu các cơ quan tình báo, gián điệp nhà nghề của địch. Chúng không chỉ giàu kinh nghiệm, có tiềm lực mạnh hơn ta nhiều lần, mà còn được sự hậu thuẫn của lực lượng quân sự hùng hậu và nhiều thế lực phản động. Dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, lực lượng điệp báo - tình báo Công an nhân dân qua các thời kỳ đã đóng góp không nhỏ vào thành tích và truyền thống của Công an nhân dân Việt Nam, trong đó có chiến công xuất sắc của Tổ Điệp báo mang bí số A13, đánh đắm Thông báo hạm A-miô-đanh-vin của Pháp trên biển Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Cuối năm 1947, bị thất bại thảm hại trong cuộc "hành quân Thu - Đông" trên chiến khu Việt Bắc, thực dân Pháp chuyển hướng chiến lược quân sự, đồng thời tính đến việc sử dụng quân bài Bảo Đại, lập một Chính phủ bù nhìn theo "lý tưởng quốc gia", trao trả độc lập giả hiệu cho Việt Nam. Ngày 5-6-1948, Hiệp ước Pháp - Việt (Bảo Đại) được ký kết. Thực dân Pháp ra sức mua chuộc, lôi kéo các thế lực phản động ủng hộ Chính phủ của Bảo Đại. Cơ quan tình báo chiến lược Pháp (SEH) ra sức tìm kiếm, mua chuộc những cán bộ kháng chiến "ly khai" về hợp tác "Chính phủ quốc gia bù nhìn". Ty Điệp báo Nha Công an Trung ương "tương kế tựu kế" lần lượt đưa các điệp báo viên: Kim Sơn (bí số A14), Hoàng Đạo (bí số A13) vào hoạt động trong lòng địch. Tổ Điệp báo mang bí số A13 do đồng chí Hoàng Đạo làm tổ trưởng có nhiệm vụ đi sâu leo cao trong hàng ngũ địch, thu thập những tin tức chiến lược quan trọng về quân sự và chính trị..., gây được nhiều tín nhiệm rất cao trong hàng ngũ chỉ huy cao cấp cơ quan tình báo quân sự, tình báo chiến lược, Bộ tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, bọn cầm đầu Chính phủ bù nhìn, bọn cầm đầu các đảng phái phản động, bọn cầm đầu phản động lợi dụng đạo Thiên Chúa. Các đảng phái phản động tranh giành ảnh hưởng, đảng nào cũng muốn lôi kéo A13 và những người "ly khai kháng chiến" về mình; đồng ý "hợp tác chặt chẽ với A13" thủ lĩnh của "tổ chức ly khai kháng chiến" gọi là "Phục Việt cách mạng đảng", gọi tắt là "đảng Phục Việt", một đảng "ma" không có trong thực tế.
Với uy tín đã tạo được, A13, A14 lần lượt tiếp xúc, hội đàm bí mật với hầu hết chỉ huy cao cấp của cơ quan quân sự, tình báo Pháp, bọn cầm đầu Chính phủ bù nhìn Bảo Đại và các đảng phái phản động. Để tạo thêm sự tin cậy cho tổ chức điệp báo A13, Ty Điệp báo Nha Công an Trung ương đã bố trí một "chiến khu" giả tại vùng rừng núi thuộc huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa và mở một đại hội "đảng Phục Việt" giả tại "chiến khu" để mời một số tên cầm đầu Việt gian ra thăm. Đinh Xuân Cầu, Ủy viên Trung ương Đại Việt quốc dân đảng đã cùng đi với A13, A14 ra "chiến khu" dự đại hội đảng Phục Việt. Khi trở về, Cầu viết một báo cáo tường trình lên Bảo Đại và quan thầy Pháp. Báo cáo này được đánh giá cao, do đó Pháp và Bảo Đại càng tin tưởng và đặt nhiều hy vọng vào "đảng Phục Việt". Bảo Đại đã phong cho A13 chức "Quốc vụ khanh" và A14 là đại úy "võ phòng Ngự lâm quân".
Mưu đồ đánh chiếm vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh từ lâu nhưng chưa có điều kiện thực hiện, nay có "chiến khu quốc gia" của "đảng Phục Việt", thực dân Pháp liền chớp lấy thời cơ. Trong "hội đàm" giữa Trung tướng A-lếch-xăng-đơ-ri và Hoàng Đạo (A13) và về việc "giải phóng khu IV", thực dân Pháp thỏa thuận sẽ cung cấp đầy đủ vũ khí, tiền bạc cho "chiến khu quốc gia" để đảng Phục Việt "đảm nhiệm công cuộc giải phóng khu IV" và Pháp sẽ có vai trò hỗ trợ.
Trước tình hình hết sức phức tạp và nhạy cảm đó, Trung ương chỉ đạo: Không nên gây cho Pháp ảo tưởng trong vùng hậu phương của ta lại có một lực lượng ly khai chống lại kháng chiến, không có lợi về chính trị, ảnh hưởng đoàn kết dân tộc tập trung đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Do đó phải kết thúc sớm chuyên án này. Thực hiện chỉ đạo, Ty Điệp báo Nha Công an Trung ương chỉ đạo Tổ Điệp báo A13 đánh một đòn mạnh vào thực dân Pháp và tay sai, kết thúc chuyên án.
Trước nhiệm vụ vinh quang, Nguyễn Thị Lợi đã chủ động nói với đồng chí Hoàng Đạo: "Tôi hiểu rất rõ ý nghĩa của trận đánh này, tôi xin nộp cho tổ chức một bức thư tình nguyện cảm tử, mong tổ chức chấp nhận lời đề nghị của tôi". Trong thư, bà viết: "Tôi Nguyễn Thị Lợi quê Phú Châu - Châu Đốc. Chiến sĩ tình báo xin tình nguyện hy sinh cho Tổ quốc, rửa nhục cho thù nhà...".
Ngày 26-9-1950, Tổ Điệp báo A13 điều được ba tên cầm đầu phản động là Đinh Xuân Cầu, Nguyễn Văn Hưởng (Trung ương Đại Việt) và Nguyễn Quang Minh (Trung ương Quốc dân đảng) ra vùng tự do Thanh Hóa để bắt, khai thác tin tức. Đồng thời, quyết định tổ chức đánh đắm Thông báo hạm A-miô-đanh-vin của Pháp đang neo đậu ở biển Sầm Sơn, chuẩn bị chở vũ khí, đạn dược và nhiều phương tiện hậu cần tiếp viện cho chiến trường Bắc Bộ. Các phương án, như sử dụng chất nổ, mìn hẹn giờ, kíp mìn, va-li ngụy trang sao cho khéo léo, che mắt địch khi lên tàu, nhất là phải tìm được người đóng vai "Phu nhân Quốc trưởng" "xách va-li" lên tàu ra Hà Nội, tất cả đều được A13 tiên liệu trước. Khoảng 3 giờ sáng 27-9-1950, Công an Thanh Hóa sử dụng năm thanh niên dân quân khỏe mạnh của xã Quảng Tiến, Sầm Sơn giỏi nghề đi biển, chèo thuyền đưa tổ điệp báo gồm Hoàng Đạo (A13), Kim Sơn (A14), Nguyễn Thị Lợi (A16) đóng vai "vợ Quốc vụ khanh Hoàng Đạo" và đồng chí Hải (A15) mang va-li có chứa 30 kg thuốc nổ ra khơi, lên Thông báo hạm A-miô-đanh-vin để ra Hà Nội. Sau khi bố trí xong va-li thuốc nổ và chia tay tạm biệt, 7 giờ sáng cùng ngày, Hoàng Đạo, Kim Sơn và đồng chí Hải đi thuyền trở về, chị Lợi với tư cách là "khách quý" ở lại Thông báo hạm A-miô-đanh-vin tiếp tục hành trình ra Hà Nội.
Sau 30 phút, một cột khói đen bốc cao, Thông báo hạm A-miô-đanh-vin nổ tung, 200 lính và sĩ quan Pháp (trong đó có một trung tá, hai đại úy, tám trung úy) cùng hàng tấn vũ khí, quân trang, quân dụng bị nhấn chìm xuống đáy biển Sầm Sơn. Chị Nguyễn Thị Lợi, chiến sĩ Công an Hà Nội anh dũng hy sinh. Chị đã được Chính phủ truy tặng Huân chương Quân công hạng ba. Năm 1995, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho chị Nguyễn Thị Lợi, vì đã lập công đặc biệt xuất sắc, trực tiếp đánh đắm Thông báo hạm A-miô-đanh-vin.
Chiến công vang dội, đánh đắm Thông báo hạm A - miô - đanh - vin tại biển Sầm Sơn, Thanh Hóa, trên đường ra Bắc Bộ, có ý nghĩa lịch sử không chỉ đập tan âm mưu của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ cùng bọn tay sai hòng đánh chiếm vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, mà còn phá âm mưu đen tối của địch định lôi kéo mua chuộc những người kháng chiến "ly khai" thành lập "chiến khu quốc gia" chống lại kháng chiến, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, tạo nên thắng lợi của chiến dịch Biên giới thu đông năm 1950. Hoạt động của Tổ Điệp báo A13 trong lòng địch đánh dấu một trình độ nghiệp vụ sắc sảo của công tác điệp báo CAND Việt Nam...
Đại tá, Tiến sĩ PHAN THANH LONG
Tôi còn nhớ ông Nguyễn Hữu Sen, sống ở phố Thân Thiện, phường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn, một trong năm người tham gia chèo thuyền đưa tổ điệp báo lên tàu. Năm 2011, ông kể lại với tôi: "Hôm đó, trời se lạnh, chị Lợi mặc áo sáng mầu, trông khá trẻ và xinh đẹp, dễ mến. Vì nhiệm vụ quan trọng nên chúng tôi không dám hỏi gì, chị ấy cũng vậy, chỉ ngồi trên thuyền nhìn ra biển xa. Lúc đến hạm, chúng tôi, người neo dây thuyền, người cùng với anh Hoàng Đạo đỡ chị Lợi lên tàu. Sau khi xong việc, chúng tôi về nhà. Đến khoảng gần 5 giờ sáng, một ánh chớp sáng lòe lóe lên giữa bầu trời, rồi cột khói cao ngất trùm biển khơi, kèo theo đó là tiếng nổ dữ dội. Chúng tôi cùng nhân dân đi xem, ai cũng vui mừng, vì đoán chắc tàu của Pháp bị nổ. Chúng tôi cũng không hề biết rằng, chị Lợi đã dũng cảm hy sinh". Hai ngày sau khi Thông báo hạm A-miô-đanh-vin bị đắm, ông Sen đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng vì lập thành tích xuất sắc. Hiện ông đã 90 tuổi, mắt đã lòa, nhưng trí óc vẫn còn minh mẫn, sống cùng con gái.
(Nhà báo Phương Thủy, Báo Công an nhân dân)