Tuesday 31 July 2018

Đại lộ Charner cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 – Phần 2 – (Nguyễn Đức Hiệp - Lê Quý Đôn Khung Trời Kỳ Niệm)

Đại lộ Charner cuối thế kỷ 19đầu thế kỷ 20– Phần 2 –



Nguyễn Đức Hiệp




Đường Charner từ năm 1888 đến 1930



Năm 1880, ông Vương Thái đề nghị bán ngôi nhà ông đang ở tại bến Sài Gòn cho chính quyền với giá 45.000 piastres (đồng) tương đương với 225.000 francs. Sau khi xem xét kinh phí mà chính quyền lúc đó đang mướn và tiền quản lý bảo trì căn nhà đó, cùng với số tiền còn đang nợ chưa trả, Hội đồng Quản hạt đã đồng ý bỏ ra 254.000 francs để mua lại căn nhà của ông Vương Thái. Nhà của ông Vương Thái được chính quyền mua lại vào năm 1882.
Sau khi mua lại, chính quyền đã phải bỏ ra nhiều tiền để tu bổ lại. Ngày 23/12/1884 kiến trúc sư A. Foulhoux (chef du service des batiments civils), dựa trên hai báo cáo của ông Sambet, người chịu trách nhiệm sửa chữa ngôi nhà này, làm bản tường trình lên giám đốc sở công chánh (directeur des traveaux publics), ông Caille, về việc tinh trang ngôi nhà Wangtai, làm sáng to hơn đề nghị mua lại và sửa chữa để làm các văn phòng thuế vụ. Bản tường trình của ông Foulhoux được đưa ra Hội đồng Quản hạt (Conseil Colonial), nó cho thấy (11).
(1) Tường nhà được làm bằng các gạch đủ các kích thước và dính với nhau bằng hồ có chất lượng kém và vì thế việc sửa chữa các sàn lầu có nguy cơ sẽ xảy ra tai nạn nguy hiểm.
(2) Ngoài các bức tường thì nền của tòa nhà cũng không thể chịu được nặng thêm 60 tấn khi sửa chữa thay các chất liệu gỗ bằng chất liệu sắt. Vì thế công trình sửa chữa đã được đình chỉ, chờ việc thiết lập một ủy ban xem xét tình hình.
Bê tông của nền nhà được làm bằng hồ loại số 2 có rất ít xi măng, có độ dày thay đổi từ 50 cm đến 1,6 mét. Hầu như không còn thấy các cột được cắm dựng xuống khi bắt đầu làm nền. Có tìm được vài mảnh vỡ mà người ta phải dùng tay kéo ra dài từ 20cm đến 30cm mà đường kính đã bị co lại vài centimet. Phần lớn các tường được sửa chữa gồm có hai thành tường dầy 10cm và ở chính giữa thì trống rỗng. Các tầng lầu cắt ngang những tường như vậy và được dựa trên các thanh đỡ sàn nhà mà ngay các thanh đỡ này lại dựa trên một dàn gỗ đã mục.
Vì thế tất cả những lỗ hổng này đã phải được bồi đắp thêm và sửa chữa lại để tránh sử sụp đổ có nguy cơ sắp xảy ra. Do vậy tiền sửa chữa dự đoán là khoảng 30,000 piastres
Bản tường trình đề nghị phá bỏ hoàn toàn các kiến trúc văn phòng thuế vụ và xây lại với chi phí 75000 piastres.
Trong buổi họp ngày 14/1/1885 ở Hội đồng Quản hạt đã có nhiều ý kiến của các ông Carabelli, Jordan, Schroeder, Garcerie nêu lên câu hỏi về chi phí cao và về hợp đồng sửa chữa và xây giữa nhà thầu Pháp và người Hoa. Cuối cùng Hội đồng cũng biểu quyết thông qua ngân sách 37,000 piastres cho năm 1885 mà trước đó vào năm 1884 đã bỏ ra 37000 piastres cho công trình (11).
Chính ông kiến trúc sư Foulhoux là người sửa và hoàn thành làm lại tòa nhà “maison Wangtai” vào năm 1887 để trở thành tòa nhà “Hôtel des douanes”mà ngày nay là tòa nhà hải quan ở bến Bạch Đằng đầu đường Nguyễn Huệ. Ông Foulhoux còn xây các công trình kiến trúc độc đáo có giá trị ở Saigon, đó là tòa nhà Palais de Justice (1885) (tòa án nhân dân) và Hôtel des Postes (1891) (Bưu điện Saigon).
Tư gia của ông Foulhoux ở số 1 đường Amiral Courbet. Đường Amiral Courbet (trước là đường rue Batavia), đường này không còn sau khi chợ Saigon được xây. Lúc này cũng chưa có đường Trần Hưng Đạo.



Hình 10: Alfred Foulhoux (1840-1892), kiến trúc sư trưởng các tòa nhà dân sự ở Saigon dưới thời thống đốc dân sự Le Myre de Vilers – Ảnh mộ Foulhoux ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, Saigon


*



Như đã nói phần trên, ông Wang-tai tên thật là Trương Bội Lâm, nguyên quán ở Quảng Đông. Ông đến Nam Kỳ vào năm 1858. Công ty Wang-Tai đi vào các lãnh vực khác của kinh tế như mua bán, sản xuất gạo. Ông Zhang Peilin (Trương Bội Lâm) sau được chọn bầu vào công ty China Merchants’ Steam Navigation Company (Công ty hàng hải tàu hơi nước của thương nhân Trung Hoa) để xuất khẩu gạo sang Trung quốc. Đến thập niên 1880, ông là chủ của nhiều đất đai nhà cửa ở Saigon, trong đó có khu Wang-Tai (la cité Wang-tai), một khu nghèo và dơ mà các người di dân Trung quốc đến Saigon - Chợ Lớn lúc ban đầu cư ngụ chung với gà, vịt, trái cây và các đồ nhập khẩu (4). Năm 1879, ông gởi con ông (Wangtai Foo) và một người Hoa Quảng đông khác là Lưu Chap (Pháp gọi là A Chap hay “Taokhe” Tào Kê Chap) sang Cam Bốt mở tiệm cầm đồ ở Nam Vang. Sau này Lưu Chap là một người giàu có khét tiếng có thế lực ở Nam Vang.
Sự giàu có và thế lực của ông Vương Thái có thể được biết sơ qua một mẩu tin về buổi mừng sinh nhật ông Vương Thái, một sự kiện mà nhiều người và báo chí Saigon và ngay cả ở Paris thời đó có nói đến. Tờ báo Pháp có tên là Saigon Republicain ra ngày 10/11/1888 đăng như sau
Một sinh nhật
Các con trai của ông Wangtai là Wangtai Suon, quan lại; Wangtai Foo, nhà kinh doanh tại Cam Bốt; Wangtai Suu, thương nhân ở Sài Gòn; Wangtai Pio, Wangtai Xương, sinh viên đang học ở Trung Quốc; Wangtai Khai; Wangtai Sing và Wangtai Thang, muốn làm lễ kỷ niệm sinh nhật thật xứng đáng cho 61 năm sinh thời và 30 năm định cư tại Nam Kỳ của cha mình, một thương gia ở Sài Gòn, nên đã mời toàn bộ dân chúng thuộc địa vào thứ bảy tuần trước để tham dự một bữa tiệc được tổ chức với mục đích này.
Một lều rơm khổng lồ được xây dựng trên Boulevard Charner, trang trí bên ngoài và bên trong là các lá cờ tam tài, màn trướng lộng lẫy và rèm bằng lụa thêu các chữ vàng Trung Quốc với các câu chữ và các con rồng tuyệt vời, Từ tám ngày qua, quà tặng tuôn đổ vào người đồng hương của chúng ta – vì Wangtai, như chúng ta biết, đã là công dân Pháp – không chỉ ở Sài Gòn và Chợ Lớn, mà còn từ cả Cam Bốt, Xiêm La (Siam) và thậm chí từ những nơi xa xôi ở Trung Quốc gởi đến. Chúng bao gồm các mảnh lụa, đồ nội thất cẩn ngọc trai, các con thú vật bằng vải được thêu thật điêu nghệ, các đồ trang sức, cũng có đủ tiền kim loại và tiền giấy. Tập quán văn hóa Trung Quốc rất động lòng mà các chú bác hỡi ôi! quá thường xuyên quên đi đối với các cháu trai của họ trong đất nước xinh đẹp của chúng ta.
Từ chín giờ tối đến một giờ sáng, các khách đã lũ lượt đến! Các bản nhạc quân sự thi nhau trong dịp đại lễ này. Mọi người được tiếp đón bởi Vương Thái, ông ta trông giống như độ tuổi anh trai của các con trai mình. Vị tộc trưởng của sông Hoàng Hà (patriarche du fleuve jaune) đã được bao quanh bởi các con cháu của mình, trong bộ y phục lễ to lớn, lụa màu đen đầy kim tuyến. Những người trẻ nhất trong con cháu của ông quỳ trước quan khách và bắt buộc phải lạy. Chúng ta không phải là dân duy nhất đã phát minh ra những lễ nghi xã giao có tính cách trẻ con và trung thực!
Trong căn phòng lớn, có rất nhiều bàn được trang bày trang trí. Chúng tôi rất hài lòng hỗ trợ thật dũng cảm để tôn vinh cho xứng đáng với những đồ ăn tuyệt vời được mời. Phụ nữ quyến rũ nhất của Sài Gòn đã uống rượu sâm banh rất ngon để vinh danh 61 năm sinh nhật Vương Thái. May mắn cho ông Vương Thái !
Vào lúc 9 giờ, ngài thống đốc toàn quyền và bà Richaud được hộ tống bởi kèm đại úy (capitaine) Dol, có đến nhưng chỉ ở trong một vài khoảnh khắc.
Báo Saigon Republicain, chúc mừng mọi điều tốt và hạnh phúc đến với công dân Vương Thái.”
Không lâu sau, tờ tuần báo “Les tablettes coloniales” xuất bản tại Paris ngày 19/12/1888, có đăng một mẩu tin nhỏ về ngày lễ sinh nhật của ông Vương Thái như sau (2):
Một ngày lễ rất thành công và ấn tượng vừa diễn ra ở Saigon, để mừng sinh nhật thứ 61 và kỷ niệm 30 năm ngày ông thương gia người Hoa tên là Vương Thái đến Saigon. Những người con trai ông Vương Thái và gia đình của họ, những đồng hương và bạn bè của ông trong dịp lễ này đã mời “quí bà, quí ông người Pháp và người Âu ở Saigon, Chợ Lớn và các tỉnh”. Cộng đồng người Âu đã đáp lại lời mời ân cần này.
Đèn đuốc, pháo bông, trình diễn kịch, hát tuồng, không thiếu cái gì trong ngày lễ vui này. Ông Vương Thái là một trong những chức sắc người Hoa được kính trọng nhất ở Saigon; ông không những đã có những cống hiến lớn lao cho đồng bào ông mà còn cho chính quyền Pháp. Vì thế đương nhiên đúng khi người ta đáp lại tương ứng qua sự tham dự hoạt động hòa bình này mà ông là đối tượng”.
Ông Trương Bội Lâm (Wang-Tai, hay Vương Thái) mất năm 1900, thọ 73 tuổi (ông sinh năm 1827). Các con trai và cháu nội ông ở Chợ Lớn mang quan tài ông về quê hương, làng Ya-kang, huyện Hoàng Sơn ở Quảng Đông để chôn cất. Rất nhiều người Hoa, Pháp, Việt và quan chức, chức sắc trong chính quyền ra bến tàu để tiễn ông. Sau đó có một con đường ở Chợ Lớn được mang tên ông (3).

*

Bây giờ ta hãy bắt đầu duyệt qua hai dãy nhà hai bên đường đi từ đầu đường Charner ở Quai de Commerce (Quai Francis Garnier) đến cuối đường Charner dừng lại trước Hôtel de Ville (Ủy ban Nhân dân Thành phố ngày nay). Theo cách xếp đặt các đường xá trong Saigon thời Pháp thì từ đầu đường đến cuối đường dãy bên mặt là số chẵn và dãy bên trái là số lẻ.
Những thông tin sau đây là tổng hợp các tư liệu theo niên giám Đông Dương các năm 1905, 1906, 1908 và 1933.
Đầu đường Charner về phía bên phải là số 2 Charner, trụ sở của công ty Dumarest et fils d'Indochine. Công ty có trụ sở chính ở Roanne (gần thành phố Lyon), Pháp. Ở Đông Dương công ty có văn phòng ở Saigon và Nam Vang. Vào đầu thế kỷ 20, giám đốc công ty ở Saigon là ông Auguste Rimaud, ông cũng là một hội viên trong hội đồng quản trị trường trung học Pháp-Hoa (Lycée franco-chinois, trường Bác Ái), cũng là phó chủ tịch và sau này là chủ tịch Hội đồng Quản hạt. Công ty Dumarest et fils d'Indochine chuyên về nhập khẩu các hàng như bông vải, chén đĩa, nước hoa, xe đạp, bảo hiểm. Thành phố Roanne và Lyon, trên khu vực sông Loire trung tâm nước Pháp, là chuyên về kỹ nghệ bông vải, tơ lụa, may mặc, giống như Manchester ở Anh. Các công ty và các nhà kinh doanh từ vùng này có kinh doanh và làm ăn rộng rãi ở Viễn Đông (Đông Dương, Trung Hoa) từ cuối thế kỷ 19.



Hình 11: Ảnh này có thể là chụp từ trên tàu trên bến Bạch Đằng. Tòa nhà bên phải hình, nơi có một người áo trắng đứng trước cửa, đầu đường Charner là trụ sở của công ty Dumarest et fils d'Indochine.


Số 8 Charner là cơ sở của công ty Speidel et Cie, của thương gia người Đức, ông Speidel, buôn bán các hàng kim loại. Năm 1914, khi thế chiến thứ nhất bùng nổ, ông Speidel và các kiều dân Đức bị trục xuất khỏi Đông Dương. Ông mất hết tất cả sản nghiệp kể cả hai nhà máy xay lúa lớn nhất Nam Kỳ bấy giờ ở bến Chương Dương. Số 10 đường Charner là văn phòng và tiệm mua bán máy ảnh của nhà nhiếp ảnh Planté, sau này vào khoảng năm 1933 là của hãng phim Pathe-Orient (13).
Trên báo Phụ Nữ Tân Văn (2/5/1929)Pathé-Orient có đăng quảng cáo như sau:




Vui thú trong gia đình
Cái vui thú trong-bóng nhứt, bền-bỉ nhứt, là cái vui thú trong gia-đình. Trong các sự giải-trí, giúp vui trong gia-đình thì không có vật gì bằng : Máy hát PATHÉ và dĩa hát PATHÉ
Nghe nhạc hay thì có thể đổi tánh tình con người, và nhạc cũng giống một thứ tiếng nói riêng mà tinh thần, trí não chưa tỏ ra đặng.
Lúc trước, nghe máy hát, dĩa hát thì khó ưa thiệt, dọng thì rè rè, tiếng thì khan-khan, nghẹt-ngẹt, khi nào cũng giống dọng ông già khò-khè trong ông. Chớ như bây giờ nghề làm dĩa hát đã tinh xảo lắm. Dĩa chạy bằng kim sắc, lấy hơi điện-khí đã khá rồi, mà mới đây hàng Pathé lấy hơi bản Annam, lại dung máy Vô-tuyến-điện mà lấy; thì hết sức tinh thần, hết sức êm ái, rỏ rang. Hiện bây giờ dĩa hát kim-thời nhứt là dĩa hát Pathé vô-tuyến-điện, tròng đỏ có con gà.
Đàn-bà khôn thì làm gia-đình vui vẽ và nên sắm máy hát PATHÉ\. Chồng khỏi đi chơi lảng phí, con cái tuy là chơi mà mở mang trí nảo.
Máy hát đủ thứ, dĩa hát vô-tuyến điện bán tại:
PATHÉ-ORIENT
10 Boulevard Charner - Saigon


Số 12 là trụ sở của công ty Cie de Commerce et de Navigation d’Extrême-Orient (1910) và công ty Alliatini et Cie. mà sau này (1933) là trụ sở của công ty dầu hỏa Mỹ, công ty The Texas Company (China) Ltd và kế bên (số 14) là văn phòng của ông bà luật sư Marquié, ông bà luật sư Thiollier và công tySociété Bordelaise Indochinoise (SBI). Công ty Société Bordelaise Indochinoise có văn phòng ở Saigon và Hải Phòng, chuyên cung cấp hàng sĩ và lẻ, công ty cũng có in các “carte postale” ở Đông Dương. Sau này (1933) số 14 đường Charner là trụ sở công ty quảng cáo Société de Publicité et d'Affichage de Cochinchine.
Từ số 16 đến 30 là các cửa tiệm của người Hoa và Việt. Số 16 là tiệm làm và bán bánh mì của ông Lương foc (Phúc ?) Tài, số 18 là nhà kho của ông Huỳnh Quoi Nhân, số 20 tiệm bán sỉ của người có tên là A. Ba, số 22 nhà kho của Lương Định. Và cạnh bên là hai tiệm vải, may mặt, tiệm bán túi giỏ của các ông Trần Đông, Trần Các và Trần Hồ ở số 24 và 26. Sau này (1926) số 22-24-26 là cửa hàng sang trọng Magasin Henri Blanc, có quảng cáo đăng trong báo Écho Annamite bán bánh mứt, nước hoa, giỏ, hộp, trái cây (Écho Annamite, 30/12/1926, A7, N768).



Hình 12: Ảnh do nhà nhiếp ảnh Auguste Gabriel Paullussen chụp năm 1921. Trong hình là văn phòng studio "Saigon-photo" của ông ở số 10 Boulevard Charner. Ông nối nghiệp nhà nhiếp ảnh George Victor Planté ở cùng địa chỉ như trên sau khi ông Planté mất vào năm 1921.


Giờ ta hãy nhìn qua phía bên kia đường, số 3-5-7 là Café méridional của bà Lachal. Kế bên chợ là số 9 là Thuận Thành của ông Trương Điền, dỡ hàng và số 11 là ông Ah-Lec, mãi biện cho công ty tàu biển (ship compradore). Trước đó số 7 Charner vào khoảng năm 1869, theo niên giám Nam kỳ thuộc Pháp xuất bản năm 1870 (29) là cửa hàng của nhà nhiếp ảnh nổi tiếng ở Hong Kong là ông Pun Lun (Tân Luân). Tân Luân được coi là nhiếp ảnh tiên phong trong lịch sử nhiếp ảnh Trung Quốc, đã có chụp những bức ảnh chân dung xưa nhất ở Saigon trong các năm 1870 đến 1880, một số ảnh này được chụp ở văn phòng nhiếp ảnh của ông ở số 7 Charner.
Café de Marseille nằm ở Quai de Commerce (bến Bạch Đằng ngày nay) do ông J. Freund làm chủ. J. Freund cũng là chủ của "cafe du Marché" ở đường Rue Amiral-Roze (đường ngang hông chợ Cũ). Số 33 Charner cũng là Café du marché nhưng là do bà Truhaut là chủ. Gần Chợ Cũ, từ số 21 cho đến số 113 cạnh tòa nhà Hòa giải (Justice de Paix ở số 115), đa số là các cửa tiệm của người Hoa bán sỉ và lẻ các hàng hóa, làm nghề xay lúa, bán thuốc phiện, bán bánh mì, thợ sắt, thợ rèn, thợ xẻng cuốc và rất nhiều tiệm bán hàng ngũ kim đồ sửa chữa, làm gia dụng (quincaillier). Đây là vết tích của thời gian khi nơi đây là các cửa hàng buôn bán dọc theo con kinh chợ Vải. Các cửa hàng ngũ kim này phục vụ cho các thương nhân đi ghe từ lục tỉnh đến Bến Nghé để trao đổi buôn bán, họ bán hàng hóa nông phẩm ở chợ Cũ và mua các đồ dùng cần thiết để mang về lục tỉnh. Đến cuối thập niên 1910 và đầu thập niên 1920, các cửa hàng này dần biến mất và nhường chỗ cho Chợ Lớn, nơi vẫn còn kinh rạch và làm hàng ngũ kim sản xuất nhỏ.
Số 49 là tiệm may của ông Nguyễn An Khương, thân phụ của ông Nguyễn An Ninh. Trên lầu là khách sạn Chiêu Nam Lầu, nơi cụ Phan Chu Trinh đã cư ngụ trong thời gian ngắn khi trở lại Saigon từ Pháp. Phan Chu Trinh cũng mất tại Chiêu Nam Lầu.





Hình 13: Chợ Cũ nhìn về hướng Quai de commerce (bến Bạch Đằng), cạnh chợ là tòa nhà có quán Café méridional



Hình 14: Ga trạm tramway ở Saigon (truớc chợ cũ) đi Chợ Lớn – Đằng sau hình là mái nhà gian hàng ở chợ Cũ



Hình 15: Saigon đầu thế kỷ 20 – dãy nhà kế chợ, góc đường Charner và Vannier vẫn còn như trong hình của Emile Gsell chụp năm 1870s (hình 3)



Từ khi chợ Mới được thành lập (chợ bến Thành ngày nay), ba gian nhà ở Chợ Cũ sau này khi phá đi được xây thành tòa nhà ngân khố kho bạc mới thay thế tòa ngân khố cũ trên đường Catinat gần nhà thờ Đức Bà. Công ty Brossard & Mopin trúng thầu xây tòa nhà ngân khố mới Saigon mà ngày nay vẫn còn trên đường Nguyễn Huệ.



Hình 16: Góc đường Charner và Vannier (Ngô Đức Kế). Hình chụp từ đường Charner nhìn về hướng đường Vannier và Catinat (Đồng Khởi).


Trở lại bên kia đường Charner, số 34 là trụ sở của công ty Union Commerciale Indochinoise & Africaine do ông Labbé quản lý. Công ty Union Commerciale Indochinoise et Africaine sau này là công ty mẹ của công ty Société Coloniale des Grands Magasins, sở hữu chủ của cửa hàng bách hóa Grand Magains Charner (GMC) nổi tiếng ở sô 135 Charner.
 Số 38 Charner là cửa hàng của công ty Pachod Frères & Cie, công ty này có trụ sở chính ở số 16 đường Avenue de Saxe, thành phố Lyon, Công ty nhập các hàng mỹ phẩm, xà bông, xe đạp, kim chỉ, vải vóc, rượu... Công ty không những có cửa hàng, chi nhánh ở Saigon, Hải Phòng, Hà Nội mà còn có chi nhánh ở Casablanca, Maroc (Pachod Frères & Cie, Maroc). Ở Đông Dương, Pachod Frères & Cie d'Indochine có bán xà bông cao cấp hiệu Cô-Bà sản xuất ở Lyon, xà bông đựng trong hộp thiết rất đẹp và sang, khác với các loại xà bông nhập từ Marseille, được nhiều người biết tiếng, mà sau này xà bông Việt Nam của ông Trương Văn Bền cạnh tranh với nhãn hiệu hình Cô Ba (hình một người phụ nữ Nam Kỳ búi tóc).

*

Ngay góc đường Charner và rue d’Ormay ở số 52-56 là trụ sở của báo Journal l‘Indochine française, và số 52-54 Café de Provence do bà Genon làm chủ, cạnh bên số 56-64 Hôtel de la Paix  Café de la Paix do bà Soudan làm chủ. Ở dây cũng có Café de l’Orient của bà Tisseyre. Ta có thể thấy trên đường này và nhiều nơi khác ở Saigon - Chợ Lớn, đa số chủ các tiệm café là phụ nữ. Chính ở Café de la Paix mà ông Đỗ Hữu Phương và các nhân vật giàu có và quan chức trong chính quyền như Paul Blanchy, Morin, Bonnet tụ tập ăn uống, trao đổi nói chuyên thì lúc đó ở mé đối diện đường Charner trong dãy phố gần tòa hòa giải (Justice de Paix), ông Nguyễn An Khương, một nhân sĩ trong phong trào Minh Tân, có khách sạn và tiệm may, bán vải ở số 49 Charner. Ông bà Nguyễn An Khương rời Tân An lên Saigon mướn tại đây để mở cơ sở làm ăn.
Từ cái ngày cả gia đình rời Tân An lên Sài-Gòn, ông bà nội tôi mướn hai căn phố liền nhau ở đường Kinh Lấp nay là đường Nguyễn Huệ. Hồi ấy ở đó là một con kinh từ bờ sông Sài-Gòn chảy vào tận nhà Xã Tây. Khi chưa cất nhà Xã Tây người ta gọi đó là Kênh Sài-Gòn. Kênh Sài-Gòn là con kênh đào rộng và thẳng tấp, dọc theo hai bên bờ kênh là hai con đường chạy dài, bờ kênh có cẩn đá ong, có bậc thang lên xuống ở nhiều đoạn. Sau đó kênh Sài-Gòn bị lấp đoạn cuối để xây nhà Xã Tây nên người ta lại gọi là Kênh Lấp. Nhà Xã Tây sau đổi là dinh Đốc Lý, rồi Tòa Đô Chính, bây giờ là Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Hai bên bờ kênh nhà cửa san sát, phố xá nhộn nhịp, dưới bến thì ghe thuyền tấp nập đến tận khuya. Thật là nơi thuận tiện giao thông, nhất là đường sông. Hai căn phố ông bà nội tôi mướn nằm bên trái nhà Xã Tây. Lúc đầu ông bà tôi lập khách sạn cho thuê phòng trọ và mở thử tiệm may vì bà nội và bà cô tôi may rất khéo. Sau này ba má tôi quen thân với ông Diệp Văn Kỳ mới nghe ông nói: “Nghe tiếng bà Chiêu Nam Lầu may khéo nên vua Thành Thái trước khi đi đày sang đảo Réunion đã đến may cả chục áo dài gấm”.
(Nguyễn Thị Minh, “Nguyễn An Ninh: Tôi chỉ làm cơn gió thổi”,)
Không lâu sau nơi đây trở thành tiệm ăn và trên lầu là khách sạn Chiêu Nam Lầu (khách sạn chiêu đãi cho người Việt Nam), nơi nhiều người Việt trong phong trào Minh Tân đến ăn ở, hội họp để tìm cách canh tân đất nước và con người trước sự thay đổi quá lớn lao mà chỉ hơn vài chục năm trước đó xã hội truyền thống Việt Nam vẫn còn khép kín và xa lạ.
Tiệm may đông khách. Thấy chỗ này làm ăn tốt, ông bà nội tôi khuếch trương mở thêm tiệm cơm. Khách sạn lấy tên Chiêu Nam Lầu.
Mục đích của Chiêu Nam Lầu là nơi chiêu hiền đãi sĩ của người Việt Nam, nơi gặp gỡ của anh hùng hào kiệt ba miền, nơi tá túc của những nhà ái quốc Bắc Trung lưu lạc vào Nam”
Nguyễn Thị Minh, “Nguyễn An Ninh: Tôi chỉ làm cơn gió thổi”,
Con trai ông Nguyễn An Khương là nhà yêu nước nổi tiếng Saigon sau này, nhà cách mạng Nguyễn An Ninh. Sau khi du học ở Pháp, Nguyễn An Ninh trở về và thay vì an phận cuộc sống đầy tương lai cho bản thân đã dồn hết tâm trí tranh đấu cho công bằng tự do mà ông đã học từ chính nước cộng hòa Pháp dựa trên nền tảng lý tưởng Liberté,Egalité và Fraternité của cách mạng Pháp. Ông viết báo, nói chuyện, hội họp kêu gọi canh tân, chống lại sự bất công của chính quyền thuộc địa. Chính tại Chiêu Nam Lầu mà hoàng tử Miến Điện, Mingoon, đang lưu vong tại Saigon đã có đến và từ đó thân quen với gia đình Nguyễn An Khương. Cô của Nguyễn An Ninh có học cách làm dầu cù là Miến Điện mà sau này Nguyễn An Ninh có lúc phải đi bán dạo dầu cù là để kiếm sống và che dấu hoạt động cách mạng của mình.
Cũng chính tại Chiêu Nam Lầu, số 49 Charner, là nơi cụ Phan Chu Trinh khi từ Pháp trở về nước lúc ở Saigon, đã cư ngụ cho đến khi cụ mất ở đấy vào ngày 24 tháng 3 năm 1926. Đám tang Phan Chu Trinh từ đây đi đến nghĩa địa Gò Công (gần Tân Sơn Nhất ngày nay) là sự bày tỏ tâm tư ước vọng lớn nhất về đất nước, cuộc sống xã hội của người Việt Nam ở Saigon, một đám tang khổng lồ với lượng người đi rước, các cửa tiệm của người Việt ở Saigon - Chợ Lớn đều đóng cửa, mà báo chí Pháp nói ngày đó là ngày Việt Nam thức tỉnh.
Một câu chuyện mà ít ai biết là bà Nguyễn Thị Minh (con gái Nguyễn An Ninh) có kể lại trong sách hồi ký của bà “Nguyễn An Ninh: Tôi chỉ làm cơn gió thổi" (26). Đó là lúc Kỳ Ngoại Hầu Cường Để đang trú ngụ tại Chiêu Nam Lầu. Cường Để suýt bị cảnh sát mật vụ Pháp bắt khi đang nằm ngủ ở Chiêu Nam Lầu.

*

Số 58-60-62-64 là cửa hàng bán lụa, vải của công ty Ấn Độ Pohoomull frères (Pohoomull Brothers) nổi tiếng có chi nhánh tại nhiều nước từ Ai Câp. Bắc Phi (Algiers, Tenerife, Port Said), Gibraltar Địa Trung Hải, Budapest, Durban, Cape Town, đến Viễn Đông như Hong Kong, Singapore, Manila, Kuala Lumpur, Quảng Châu (Trung Quốc), Kobe, Yokahoma (Nhật Bản)... Thành lập ở tỉnh Sind do 4 anh em năm 1858, vào các năm 1870s đã có mặt ở Ai Cập. Ở Saigon, công ty còn có cửa tiệm ở đường Ormay và ở các tỉnh. Với một địa điểm ngay góc đường Charner và rue d’Ormay và cửa tiệm lớn rộng ta có thể thấy Pohoomull là một công ty đa quốc gia quan trọng. Hiện nay không có hình ảnh nào để lại cho thấy bên trong cửa hàng của công ty vảiPohoomull frères nhưng ta có thể mường tượng đến cửa tiệm bán vải lụa, đồ trang sức này như hình dưới đây về một cửa tiệm của cùng công ty ở Algiers.





Hình 17: Bên trong cửa tiệm bán hàng sản phẩm
và Cận Đông của công ty Pohoomull frères ở Algiers, Bắc Phi.
Nơi đây sau này là khách sạn Hôtel au Coq d’Or (số 56) trong thập niên 1930 và ngày nay là Palace Hôtel xây năm 1968 và hoàn thành năm 1971. Khách sạn Palace thực ra là khách sạn thứ hai có cùng tên. Khách sạn Palace đầu tiên là ở số 82-98 Charner do ông Patrice Luciani, người Pháp gốc Corse làm chủ. Luciani mua lại khách sạn từ gia đình Hérald năm 1928. Khách sạn Saigon Palace có đăng quảng cáo hàng tuần trên báo l'Avant Garde nhấn mạnh đến với món ăn Bouillabaisse nổi tiếng mỗi ngày, còn ngày thứ thì sáu có sauce aioli vùng Provençal, thứ năm và chủ nhật thì có soupe Corse.




Hình 18: Góc đường Charner và d’Ormay (Mạc Thị Bưởi), hình chụp khoảng 1904-1905 hướng về Hôtel de Ville đang xây. Tòa nhà bên phải hình ở góc đường là cửa tiệm bán vải lụa và nữ trang của công ty Ấn ĐộPohoomull Frères.



Hình 19: Ngay góc đường Charner (Nguyễn Huệ) và d'Ormay (Mạc Thị Bưởi) ở phía phải trong hình là khách sạn Grand Hôtel du Coq d'Or (của ông C. Payre, theo niên giám Đông Dương 1933/1934). Ngày nay nơi đây là Khách sạn Palace Hotel. Bên kia đường Charner (trái hình), đối diện với Hôtel de Coq d’Or là tòa nhà hòa giải


Số 66-68 là của nhà thương gia J. Berthet, sau nay là trụ sở của công ty Berthet Lucien & Cie. (68 và số 68-E.là văn phòng của công ty dầu hoả Hoa KỳStandard Oil. Đi xuống chút nữa ở số 80 Charner, là cửa tiệm Nam Xuân, bán hàng vải lụa nổi tiếng. Chủ tiệm Nam Xuân có đăng quảng cáo cửa hàng của ông trên báo Écho Annamite như sau




MAGASIN DE SOIERIES
AU PRINTEMPS COCHINCHINOIS
NAM-XUÂN
80, BOULEVARD CHARNER. — SAIGON
Bổn hiệu chuyên rộng một món hàng lụa và mua bán châc chắn, thât thà, nên Qui ông, Qui bà chiếu cố tới lui vui vẻ ; chúng tôi hết lòng cảm ơn.
Tiừ dày đến Tết, mỗi kỳ tàu Bổn hiệu sẽ tiếp đặng nhiều hàng mới, bông la, trông cày. Quí ông, Quí bà sẽ vui lòng chọn liựa, nào là hàng tây, hàng ta, hàng tàu, hàng Huê-kỳ, hàng Nhựt-bổn, vân vân.
Bổn hiệu bán sỉ, và bán lẻ càc thứ hàng, lụa, lảnh đen, lânh trắng, satin đủ thứ màu, dệt rông tơ Thượng hâi, của Nhà dệt ông Lê-Phât-Vĩnh, Cầu kho. Hàng này đồ chắc, tôt không đổ lông cũng không phai màu, vì gởi nhuộm bên Phàp-Quốc.
Lại từ đây Bổn hiệu cũng trữ càc thứ sách tuồng của nhà in Qui-nhơn, tiện bề cho Quí ông. Quí bà ở Nam-kỳ muốn mua khỏi viết thơ chờ đợi.
Kiuh mời Quí ông, Quí bà đến viếng. Bổn hiệu sẳng lòng tiếp rước.
Nay kính,
Au Printemps Cochinchinois.
NAM-XUÂN
80, Boulevard Charner. Sàigon.
(Écho Annamite, 8/1/1927, A8, N775)


Tiệm này có bán vải, lụa từ nhà máy dệt của ông Lê Phát Vĩnh. Hàng của nhà máy dệt này được nhiều người ưa chuộng. Khi nhà thơ Ấn Độ Tagore đến viếng Saigon năm 1929, ông đã mua hàng vải lụa, áo dài khăn đóng đặc trưng của người An Nam từ nhà máy dệt này ở Cầu Kho. Ngoài vải lụa, tiệm Nam Xuân cũng bán các sách tuồng từ nhà in ở Qui Nhơn. Điều này cho thấy tuồng hát bội lúc này rất phổ biến.
Qua bên kia đường Bonnard, số 104-106 là khách sạn Grand-Hotel des Nations của ông bà Pancrazi, sau này (1933) nơi đây cũng là văn phòng của Hội phim ảnh Société Indochine Films & Cinémas. Ông bà Pancrazi là người Pháp gốc Corse và cũng có tiệm Café de la Musique ở góc đường Catinat và Bonnard, đối diện với khách sạn Continental.
Công ty Indochine Films & Cinémas số 106 Charner có đăng quảng cáo trên báo Phụ Nữ Tân Văn (16/5/1929) như sau




Dĩa hát hay hơn hết ! Có giá trị hơn hết !
Đồng-Lạc-Ban  Nghĩa-Hiệp-Ban – Phước-Tường  Tân-Thịnh  Văn-Hí-Ban
Ca ngợi Đức-Bà và Đ.C.G – Tụng Kinh Cầu An,
Cải-Lương Cao-Mên.
ODEON,
Bán sỉ và bán lẻ tại hảng:
Indochine Films & Cinémas
106 Blv. Charner. Saigon


Lúc này cuối thập niên 1920, cải lương bắt đầu thành hình và phổ biến. Các ban cải lương Đồng-Lạc-Ban, Nghĩa-Hiệp-Ban, Phước-Tường, Tân-Thịnh, Văn-Hí-Ban là những ban cải lương đầu tiên trong lịch sử cải lương Việt Nam.
Cuối cùng ở bên phải đường theo số chẵn là số 116 Café restaurant de l'Hôtel de ville, và sau này là trụ sở của công ty bảo hiểm Compagnie d'Assurances “Le Secours” (114 Charner).




Tham Khảo

  1. Saigon Republicain, 10/11/1888, A1, N53.
  2. Les Tablettes coloniales. Organe des possessions françaises d'outre-mer, No. 45, 19/12/1888
  3. Claudine Salmon, Tạ Trọng Hiệp, De Batavia à Saigon: notes de voyage d’un marchand chinois (1890), Archipel, 1994, Vol. 47, pp. 155-191.
  4. Nola Cooke, King Norodom’s Revenue Farming System in Later-Nineteenth-Century Cambodia and his Chinese Revenue Farmers (1860-1891), Chinese Southern Diaspora Studies, Volume One, 2007. (http://csds.anu.edu.au/volume_1_2007/Cooke.pdf).
  5. Nguyễn Đức Hiệp, Singapore – Saigon – Hong Kong: Quan hệ thương mại người Hoa từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20,http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-the-gioi/van-hoa-dong-nam-a/1957-singapore--saigon--hong-kong-quan-he-thuong-mai.html
  6. Charles Lemire, Cochinchine française et royaume de Cambodge, avec l'itinéraire de Paris à Saïgon et à la capitale cambodgienne, Challamel aîné (Paris), 1869
  7. Le Monde Illustré 29/7/1865, A9, T17,N433
  8. Le Monde Illustré 24/12/1864, A8, T15,N402
  9. Nguyễn Đức Hiệp, Saigon đầu thế kỷ 20 đến 1945 : Việt Nam thức tỉnh, http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/saigon-111au-the-ky-20-111en-1945-viet-nam-thuc-tinh
  10. Albert Morice, Voyage en Cochinchine pendant les années 1872-73-74, par M. le Dr Morice, H. Georg (Lyon), 1876.
  11. Cochinchine françaises, Procès-verbaux du Conseil colonial, Session ordinarie 1884-1885, Imprimerie du gouvernement, Saigon 1885.
  12. Oscar Chapuis, The last emperors of Vietnam: From Tu Duc tớ Bảo Đại, Greenwood Press, Connecticut, 2000.
  13. Annuaire complet (européen et indigène) de toute l'Indochine, commerce, industrie, plantations, mines, adresses particulières... : Indochine, adresses, 1ère année 1933-1934, éditeurs L. Lacroix-Sommé, R. J. Dickson et A. J. Burtschy, impr. A. Portail (Saigon), 1933.
  14. L'Information d'Indochine. économique et financière, Saigon, 1935, 1936, 1940.
  15. Tim Doling, Icons Of Old Saigon: Établissements Bainier Auto Hall, http://saigoneer.com/saigon-buildings/3697-icons-of-old-saigon-etablissements-bainier-auto-hall
  16. Écho Annamite, 22/1/1927, A8, No. 787
  17. Notice historique, administrative et politique sur la ville de Saigon. Publiée par les soins du secrétaire général de la mairie, Impr. để l'Union (Saigon), 1917
  18. Annuaire général de l'Indo-Chine française, 1901, Part 2, 1905, 1906, 1908.
  19. Excursions et reconnaissances, 1882, N14, pp. 372, Imprimerie du Gouvernement, 1882, Paris, Challamel, 5 rue Jacob.
  20. Procès-verbaux du Conseil Colonial, Imprimerie du Gouvernement, Saigon 1883.
  21. Procès-verbaux du Conseil Colonial, Session ordinaire 1885-1886, Imprimerie du Gouvernement, Saigon 1886.
  22. Annuaire de l'Indo-Chine, 1890, T1, pp. 198-199, Imprimerie Coloniale, Saigon, 1890.
  23. Annuaire de l'Indo-Chine, 1897, T1, Imprimerie Coloniale, Saigon, 1897.
  24. Bulletin official de l’Indochine française, N1, P1, 1898.
  25. Recueil du Conseil d’État, 1913, T82, S2.
  26. Nguyễn Thị Minh, “Nguyễn An Ninh: Tôi chỉ làm cơn gió thổi”, Nxb Trẻ, 2005.
  27. Phillipe Peycam, The Birth of Vietnamese Political Journalism: Saigon, 1916-1930, 2012, Columbia University Press.
  28. Le Nouvelliste d'Indochine, 6/3/1937, 1/5/1937, 11/7/1937, 7/5/1939.
  29. Annuaire de la Cochinchine française pour l’année 1870, Imprimerie du Governemnt, Saigon 1869.
  30. Người Lao Động, Đường Nguyễn Huệ hiện đại nhất nước, 30/3/2015,
    http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/duong-nguyen-hue-hien-dai-nhat-nuoc-20150330232220484.htm
    (http://thaolqd.blogspot.com/2015/09/ai-lo-charner-cuoi-ky-19-au-ky-20-phan.html)

Monday 30 July 2018

Đại lộ Charner cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 – Phần 1 – (Nguyễn Đức Hiệp - Lê Quý Đôn Khung Trời Kỷ Niệm)

Đại lộ Charner cuối thế kỷ 19đầu thế kỷ 20– Phần 1 –



Nguyễn Đức Hiệp




Mỗi thành phố đều thường có một đại lộ xuyên trục dẫn đến trung tâm hay nằm trong trung tâm thành phố, nơi có nhiều cơ sở, công trình văn hoá, kinh tế, chính trị quan trọng làm tâm điểm tượng trưng đặc thù cho thành phố. Nếu Paris có Champ-Élysée thì Saigon có Đại lộ Nguyễn Huệ. Đại lộ Nguyễn Huệ được thành lập từ hơn 125 năm nay từ ngày con kinh chạy từ bến Bạch Đằng chảy lên gần cửa thành Saigon (gọi là thành Qui hay thành Bát quái xưa kia thời vua Gia Long), đã được lấp đi để trở thành một đại lộ hoành tráng.
Năm 1887, kinh chợ Vải, từ sông Saigon chạy lên khu vực đường Lê Lợi hiện nay, được lấp trở thành một đại lộ lớn mà người Pháp gọi là Boulevard Charner, gồm con kinh lấp và hai con đường dọc hai bờ kinh, đuờng Charner bên trái kinh và đường Rigault de Grenouilly bên phải kinh. Đại lộ Charner (Nguyễn Huệ ngày nay) trở thành đường rộng nhất Saigon, nơi diễn ra các lễ hội lớn, các cửa hàng và trụ sở các công ty, và các di tích văn hoá lịch sử không kém đường Catinat (Đồng Khởi ngày nay).
Chỉ trong vài chục năm sau khi lấp kinh, đại lộ Charner trở thành nơi buôn bán phồn thịnh không thua kém con đường bên cạnh có lịch sử lâu đời hơn, đường Catinat nằm song song kế bên. Phạm Quỳnh khi đi thăm Nam Kỳ vào năm 1918 đã có nói về con đường Charner và Catinat phồn hoa phát đạt như sau:
Đông đúc phồn thịnh đến nỗi đã phải mở một con đường chạy dọc theo, to lớn rộng rãi hơn nhiều, gọi là đường Charner – tức là tên quan thuỷ quân phó nguyên súy coi chiếc tàu Catinat vào đánh Sài Gòn – để rút bớt cái sức bành trướng đi ít nhiều, mà vẫn hằng ngày hằng phát đạt, không giảm đi chút nào. Các cửa hàng lớn, hàng tây, hàng ta (phần nhiều người Bắc Kỳ), hàng Chà (phần nhiều người Bombay bên Ấn Độ), hàng khách, chen nhau xin xít. Lại thêm có mấy nhà khách sạn lớn, nhà chớp bóng, nhà hát tây, nên chiều chiều cứ tự năm giờ trở đi kẻ đi người lại như nước chẩy. Người sang trọng, kẻ thượng lưu, tất mỗi buổi phải dạo qua đường Catinat một lượt mới là nền.
Những trai thanh gái lịch đất Sài Gòn lấy đấy làm chốn cực phẩm phong lưu. Trên đường thì xe hơi không biết mấy trăm mấy chục mà kể, tiến lên êm như ru, như vô số những làn sóng tự ngoài xa đưa lại, rạt cả bên bờ nhà “Đại lục khách sạn” (Hôtel Continental). Nhất là ngày chúa nhật, sau khi tan lễ nhà Thờ Chánh, không cảnh tượng gì đẹp bằng đường Catinat chừng hồi chín mười giờ. Đàn ông, đàn bà, con trai, con gái, người Tây, người Nam, ăn bận rất lịch sự, ở nhà thờ ra đi dạo qua các cửa hàng, lũ lượt như ngày hội. Thật là nghiễm nhiên ra cái cảnh tượng một nơi đại đô hội, đương buổi quốc dân phong phú, thiên hạ thái bình. Coi đó không ngờ rằng trong thế giới hiện còn mấy nghìn vạn con người đương lầm than trong vòng máu lửa!"
(Phạm Quỳnh, Một tháng ở Nam Kỳ, 1918)
Bài biên khảo này ghi lại những nơi, các địa chỉ có dấu vết của các tiệm, cơ sở, cảnh quan và con người đã để lại ký ức trong người Saigon qua các năm từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Cảnh quan và kiến trúc con đường Charner thay đổi nhiều và biến dạng rất nhanh chóng so với các con đường nổi tiếng khác ở trung tâm Saigon như đường Catinat và đường Bonnard (Lê Lợi).
Ta có thể phân loại lịch sử con đường Charner qua các giai đoạn thay đổi như sau
    • Từ 1861 đến 1887: từ lúc có phố chợ, buôn bán sầm uất qua cảng Saigon được mở cửa tự do, thông thương qua kinh rạch cho đến lúc kinh Chợ Vải được lấp
    • Từ 1887 đến 1920: thời kỳ hoàng kim của đường xe lửa, tramway và khu chợ Cũ chấm dứt và được dời đến chợ Bến Thành
    • Từ 1920 đến 1960: thời kỳ của xe hơi, các cửa hàng xe hơi và cửa hàng bách hoá như Garage CharnerEtablissement BainierGrand Magasin Charner (GMC, thương xá Tax)
    • Từ 1960 đến 1990: thời kỳ cận đại với kiến trúc Pháp lần được thay thế
    • Từ 1990 đến nay: Thời phát triển các cao ốc cao tầng với kiến trúc toàn cầu hoá và cảnh quan đặc thù, ký ức lịch sử dần biến mất
Trên đường này có bao nhiêu các công ty và cửa hàng đã xuất hiện và biến mất qua thăng trầm của thời gian và lịch sử. Ngoài ra cũng còn có nhiều nhân vật lịch sử đã có để lại tại đây dấu vết mà ít ai biết hay chú ý đến. Từ Vương Thái, Émile Gsel, Pun Lun (Tân Luân) đến Phan Chu Trinh, Nguyễn An Khương, Cường Để, Roland Garros đã từng sống hay trú ngụ trong một thời gian trên con đường này.
Bài này chủ yếu chú trọng vào 3 thời kỳ đầu từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Thời kỳ chuyển biến từ xã hội cổ truyền, gọi là cựu thời hay cựu trào đến thời kỳ tư tưởng văn hoá Tây phương (qua người Pháp) hay tân trào. Lịch sử và sự thay đổi trên con đường Charner ở Saigon phản ảnh lịch sử những gì mà xã hội, kinh tế, chính trị Việt Nam đã trãi qua. Tìm hiểu lịch sử của một con đường cũng là tìm hiểu một góc cạnh lịch sử ở cấp con người, cấp địa phương với các chi tiết có giá trị nhân văn độc đáo hơn lịch sử cấp lớn hơn như lịch sử quốc gia.


Đường Charner từ 1861 đến 1887.



Tờ Le Monde Illustré năm 1864 (8) có tả chợ Saigon như sau và kèm theo bản khắc vẽ độc đáo về hình ảnh khu chợ bên cạnh sông Saigon và kinh Chợ Vải như sau
Một chợ ở Saigon
Tường trình tại chỗ
Các tin tức mới nhất, mà chúng tôi nhận được từ Nam Kỳ cho thấy rất là thuận lợi, các binh lính của chúng ta, sau khi đặt được sự cai trị của Pháp trong xứ này, giờ đang làm việc rất cực nhọc cũng như trước đó để mang nền văn minh của chúng ta đến vùng đất giàu có và màu mỡ này.
Thành phố Sài Gòn, nơi cư trú của chính quyền quân sự và dân sự cao cấp, được hưởng lợi nhiều nhất qua sự tiếp xúc hàng ngày giữa người châu Âu và tập hợp pha trộn của các dân bản địa và ngoại lai làm cho một thành phố càng đặc sắc hơn.
Thành phố Sài Gòn, mà chúng ta đã nói thường xuyên có dân số vào khoảng 180.000 người, trong đó có 10.000 người Hoa. Chợ Saigon lớn đáng kể và các thương gia ở chợ thường xuyên cung cấp thực phẩm đầy đủ các loại nhất. Chợ này nằm trên một khu rộng lớn, gần bờ sông Donnai (Đồng Nai) (*), sông này được kết nối với khu vực sông Mei Kông (Cửu Long) bởi một con kinh, và do đó được đặt làm thủ đô của vùng đất chúng ta làm chủ ở An Nam để thông thương với Vương quốc Cam Bốt mà chúng tôi đã có nói đến trong số báo vừa rồi. Các mặt hàng chính mà người ta tìm thấy ở chợ Saigon bao gồm ngũ cốc, rau quả đủ các loại, gạo, đường, dứa, trà, hạt tiêu, dừa, và đủ tất cả các loại trái cây của vùng nhiệt đới."
LEO BERNARD-JULIEN.
(*) Chú thích dịch giả: thật sự là sông Saigon ngày nay





Hình 1: Một góc chợ Saigon, 1864.


Khu vực Saigon-Chợ Lớn xưa kia có rất nhiều người Hoa làm ăn sinh sống mà đa số là từ Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến. Ngay trung tâm Saigon gần sông Saigon, trên các con đường dọc các kinh rạch như Kinh Chợ Vải, kinh Cầu Sấu, v.v. là những gia đình thương gia người Hoa sinh sống. Dọc kinh cầu Sấu có đường “rue de Canton” (đường Quảng Đông, ngày nay là đường Hàm Nghi) để chỉ là nơi này có rất nhiều người Quảng sinh sống làm ăn.
Vì thế ta không lạ gì khi trong giai đoạn thuở ban đầu ở trung tâm thương mại Saigon quanh Chợ Cũ có nhiều hoạt động văn hoá của người Hoa. Ông Charles Lemire có tả cảnh Hội thuyền rồng, phong tục của người Quảng Đông, nhân dịp tết Đoan Ngọ (5 tháng 5 âm lịch) như sau :
“Ở Saigon mỗi năm đến ngày 15 tháng tám (*) có cuộc đua xuồng rất lý thú. Trên sông Sài Gòn, rộng từ 300 đến 400 mét chảy qua thành phố, hai mươi chiếc thuyền dài xếp thẳng hàng, nhọn và được trang trí với lá cờ; phía trước thuyền là một đầu rồng bằng carton vẽ sừng hoặc dây râu antenne dài bằng sắt; đằng sau (desinit in piscem, như một người đàn bà đẹp có đuôi cá) là đuôi của con quái vật. Những chiếc xuồng rất hẹp mà hai người đàn ông khó có thể ngồi vừa trên cùng một hàng ghế trước. Các thuyền này được làm nguyên mảnh từ một thân cây, và các cạnh thuyền chỉ vừa cao hơn mặt nước.
Ba mươi người đàn ông được dồn chặt chẽ trong những chiếc thuyền mỏng manh và chờ đợi các tín hiệu. Một tiếng đại bác nổ từ tàu đô đốc, các trống và cồng chiêng lập tức đáp ứng và các ghe đã miệt mài thi nhau vượt sóng, tranh vận tốc. Bạn sẽ tin rằng minh đã nhìn thấy các con rắn, các con rết kỳ thần trượt nhanh trên mặt nước. Các tay đua chèo thuyền ở trần đến thắt lưng, da của họ tái xám, cơ bắp căng phồng; họ được trang bị với các mái chèo ngắn và khi chèo làm nước sông sủi bọt. Những âm thanh từ các nhạc cụ kỳ lạ, những tiếng kêu hoang dã làm ta mơ tuởng như cuộc tấn công của hải tặc, thường rất phổ biến ở các vùng biển này.
Nhưng đây này, một chiếc xuồng không may đụng phải một cột buồm của tàu Duperré, lật úp, và tất cả các thuỷ thủ đoàn lõm bõm trong nước. Người ta nói rằng các quái vật ở biển gặp phải con rắn biển lớn; người ta nghĩ đến họ là những người chìm tàu chiến đấu chống lại một con cá voi.
Chỉ trong vòng một giây thuyền được lật ngửa lại, trên gợn sóng, mọi người leo nhanh lên thuyền và các người chèo thuyền tiếp tục tranh đua, một trong số họ dùng xô nước lá cọ múc nước đổ ra khỏi thuyền. Các thuyền bắt đầu quay lại, các tiếng đập trống tăng gấp đôi. Một chiếc đến cột cờ, được dùng làm điểm đích kết của cuộc đua và là nơi mọi người tập hợp: chiến thắng, chiến thắng vòng đua ! các thị trưởng người An Nam, đứng trên nóc ghe của họ hay ở trên bến hổ trợ cuộc đua và cổ động người của họ.
Các người Hoa châm lửa đốt các bánh pháo treo trên cột cây tre. Trống, cồng chiêng, pháo nổ, các tiếng kêu gọi lạ kỳ, đây là sự biểu hiện niềm vui cũng như đau khổ của các dân tộc này”. 
(*) Chú thích của dịch giả: Thật ra là mỗi năm
vào ngày 5 tháng 5 âm lịch tức là Tết Đoan Ngọ)





Hình 2: Đám rước rồng – Saigon 1865 theo tập san Le Monde Illustré ngày 29/7/1865
Chợ trên bến (Bạch Đằng) dọc sông Saigon.
Theo tập san “Le Monde Illustré” của tác giả ký tên là Julien, có nói về một đám rước hội lễ rồng vào năm 1865 ở Saigon như sau
Mỗi năm ở tất cả các nước nơi có người Trung Quốc sinh sống, đều có diễn hành lễ rước Rồng. Lễ hội này được tổ chức tại Sài Gòn bởi mỗi bang hội của người Hoa, các bang hội này được thành lập ở ngay tại xứ Saigon này, lễ rước rồng của bang Quảng Đông không nghi ngờ gì nữa là lễ rước rồng đẹp nhất, và vì thế là đại diện tiêu biểu cho những gì ghi trong bài viết này.
Những đám rước này rất đáng chú ý bởi sự phô trương của những bộ trang phục, dụng cụ và trang trí đủ các loại; người Hoa chủ yếu muốn người châu Âu thấy được sự phong phú của các ngày lễ của họ và họ không ngần ngại chi tiêu hết sức để cho người khác thấy được sự rực rỡ hào quang của ngày lễ của họ: ngày hôm đó họ mặc đồ phù hợp cho nhân vật mà họ đại diện, và những bộ trang phục, lụa vải cài hoa và vàng, rất đắt tiền, và chỉ một đám rước này thôi chi phí của họ đã lên đến 8000 piastres, tương đương với 48000 tiền franc của chúng ta.
Các bà chúa thần nữ tôn thờ được đóng bởi các cô gái trẻ, họ mặc những gì mang đặc tính của vai trò mà họ đại diện và gắn kết, có người thì ngồi ở trên kiệu, hoặc có người đứng trên cây, ở những vị trí rất độc đáo. Hình vẽ (trong bài này) sẽ cho bạn thấy hai trong số các vị trí của các cô này: cô đầu tiên, một cô gái trẻ được đặt ở cuối một nhánh cây mà không thấy có phương tiện hỗ trợ nào rõ ràng và người thứ hai, một cô gái trẻ cầm ở tay một thanh gậy dọc ngang trước mặt mà ở cuối thanh gậy cân bằng một đứa trẻ; tất cả điều này là hoàn toàn sắp xếp và làm thích thú các khán giả người Á châu.
Điều mà bạn cho là những tiếng ồn chói tai của pháo nổ, tiếng trống, chiêng, tù và, và nhiều thiết bị khác, là điều không thể có. Nhưng người Hoa thực sự sinh ra tiếng ồn và khi mà họ muốn bày tỏ niềm vui của mình hay cảm xúc nào, thì họ cầm một cặp chũm chọe khoảng 50 cm đường kính, một cây đàn guitar và sáo hay một trống nhỏ và sử dụng với tất cả sức mạnh của mình để tạo ra âm nhạc du dương này, mạnh nhất và quan trọng hơn hết là đánh càng lâu càng tốt.
Ở đầu đám rước rồng có rất nhiều người Hoa mang cờ hiệu hình tam giác và các lọng che hình trụ. Các lọng dù che này là thiêng liêng và chỉ các quan hạng cao nhất mới có quyền được dùng; đi sau những người hầu mang lọng che này là một đám đông chơi âm nhạc cuồng nhiệt mà tôi đã nói ở trên và các kiệu mang đầy đồ ăn, như nguyên cả con heo rô ti để ăn trong chùa, trái cây đủ các loại hoặc bánh mứt.
Đằng sau những lương thực là những người mang vũ khí, đủ các loại vũ khí cũ và mới được dùng ở Trung Quốc như giáo, mâu, cung, tên, dao lớn, chuỳ, cây đinh ba, vv, vv
Tất cả đám đi rước này được xen kẽ với các cá nhân luôn tay đốt pháo nổ, những đứa bé người An Nam muốn nhìn thấy đám rước cho thật gần và vì thế nhận các pháo nổ vào người nhưng tất cả đều không làm chúng sợ; tinh thần Pháp chắc đã thâm nhập vào chúng trước khi vào gia đình của chúng nên chúng làm mặt nhăn nhó và làm cử chỉ chọc các người Hoa mà có thể được trẻ em của chúng ta ở Paris đồng chấp thuận.
Tôi sẽ không kể cho bạn một dãy các ông thần và bà thần sau đám rước, tôi sợ là sẽ kể quá dài và vì thế tôi đi ngay đến phần cuối cùng của đám rước, đó là con rồng vĩ đại, con rồng dài khoảng 30 đến 35 mét chiều dài, nếu không nói là dài hơn, và con rồng được khoảng hai mươi người Hoa khiêng mang; ở phía trước, người ta nhử con rồng với một quả cầu bằng thép bóng láng, mà con quái vật này cố làm hết sức mình để nuốt quả cầu này bằng cách lắc qua lại lúc phía bên phải lúc phía bên trái, nhưng người khiêng quả cầu biết tránh được cái chụp của con rồng và liệng quả cầu qua phía khác cùng lúc le lưỡi mình chọc con rồng. Những người khác khiêng rồng chỉ bắt chước sự uốn lượn của con rồng theo phong cách để làm sao mà từ xa khán giả tin rằng con rồng đi theo đám rước như đi dạo bộ.
Hai người Hoa mang quả cầu và đầu rồng được thay thế cứ mỗi 15 phút; Tôi có thể đảm bảo với bạn là hai người này rất cần và có nhu cầu lớn để được thay thế."
JULIEN.
Kinh lớn hay kinh Chợ Vải được lấp vào năm 1887. Dự định lấp kinh đã được bàn cãi từ những năm đầu thập niên 1860s sau khi Pháp đã chiếm Saigon. Lý do chính kinh được lấp là do vấn đề vệ sinh và y tế. Do sự chống đối từ các nhà buôn bán kinh doanh dọc hai bờ kinh, sống nhờ hàng hoá di chuyển bằng ghe thuyền, nên mãi đến năm 1887 kinh mới thật sự được lấp. Đa số các nhà kinh doanh buôn bán dọc hai bờ sông và ở chợ Saigon (Chợ cũ) là người Hoa và người Ấn.
Sau khi kinh được lấp thành Boulevard Charner (đại lộ Nguyễn Huệ ngày nay), các cửa hàng thương mại vẫn phát triển nhưng dần dần sau này người Pháp và người Việt bắt đầu hiện diện cạnh tranh với người Hoa, Ấn. Cả hai con đường, “rue Catinat” (Đồng Khởi) và “Boulevard Charner” đều là con đường kinh doanh thương mại quan trọng ở Saigon nhưng Đại lộ Charner vì to lớn hơn nên đường Charner cũng là nơi có tổ chức nhiều lễ hội lớn ở Saigon như ngày lễ quốc khánh 14/7 của Pháp và ngày lễ hội rước rồng của người Hoa.
Ngày nay ta còn có thể thấy lại một vài cảnh quan của kinh Chợ Vải, hai con đường dọc kinh (đường Charner và Rigault de Genouilly) và nhà cửa, hàng quán trước năm 1887 (khoảng 150 trước đây) là nhờ những hình ảnh cực kỳ quí hiếm của nhà nhiếp ảnh tiên phong ở Nam Kỳ, ông Émile Gsell, đã chụp và may mắn còn tồn tại.



Hình 3: Saigon 1870s (Ảnh Emile Gsell) – Kinh lớn hay kinh Chợ Vải. Cây cầu bắc ngang kinh nối đường “rue de l’Eglise” (“rue d’Ormay” sau này, Mạc Thi Bưởi ngày nay) và Rigault de Genouilly (bờ phải kinh) bên phải hình với nhà thờ (sau này là toà nhà hoà giải, Justice de Paix) ở đường Charner (bờ trái kinh).





(a)

(b)
Hình 4: Saigon 1870s (Ảnh Émile Gsell) - Ảnh chụp từ nhà trên đường Rigault de Genouilly chụp ra hướng cảng Saigon. Toà nhà lớn đầu đường Charner cạnh sông Saigon là nhà của ông Wangtai (Vương Thái). Trong toà nhà bên cạnh, ở số 7 đường Charner là cửa hàng nhiếp ảnh của ông Pun Lun (Tân Luân). Đây là ảnh của nhà nhiếp ảnh Émile Gsell, người chụp các bức ảnh rất xưa ở Saigon và ở đền Angkor trong đoàn thám hiểm sông Mekong lên Vân Nam của Pháp.
Lúc này trên hai con đường dọc bờ kinh đã có nhiều nhà kinh doanh và một vài trụ sở của các công ty thương mại. Công ty Compagnie française des tramways de l’Indo-Chine (CFTI) có văn Phòng (Bureaux, et caisse), số 12, rue Rigault-de-Genouilly (sau khi kinh được lấp, đường Rigault-de-Genouilly và Charner nhập lại thành Boulevard Charner, Nguyễn Huệ ngày nay).
Người Hoa nổi tiếng ở Sài Gòn - Chợ Lớn cuối thế kỷ 19 là ông Cheung Ah Lum (Trương Á Lâm, hay Zhang Peilin, Trương Bội Lâm). Cũng như ông Ban-hap (Vạn Hoà, tên thật là Gan Wee Tin hay Nhan Vĩ Thiên), người Pháp gọi ông là Wang-Tai (王太, Vương Thái). Wang-Tai là tên công ty ông lập ở Sài Gòn sau khi ông đến từ Hồng Kông vào năm 1862 để giao các tàu buồm (junks) mà một sĩ quan người Pháp, đại diện cho chính quyền Pháp mới thành lập ở Sài Gòn, đã đến Macao trước đó vào năm 1860 để đặt hàng đóng các tàu từ công ty của ông ở Macao. Sau khi giao tàu xong, ông quyết định ở lại định cư hẳn tại vùng Sài Gòn - Chợ Lớn. Có kinh nghiệm ở Hồng Kông khi người Anh đến ở đó để lập thuộc địa, công ty Wang-Tai đi ngay vào kỹ nghệ xây cất, thiết lập các xưởng gạch và xây các nhà kiểu Âu châu khi người Pháp còn chân ướt chân ráo. Các nhà này được cho mướn cho chính quyền Pháp và Phòng Thương mại mà ông là một hội viên từ lúc ban đầu. Ông trở thành phát đạt và giàu có còn hơn lúc ở Hồng Kông. Bưu điện thành phố, nhà thờ đức bà và toà ngân khố (gần nhà thờ) là những công trình ông trúng thầu xây dựng.
Vương Thái sinh vào tháng 12 năm 1827 tại Trung Quốc. Ông là một thương gia rất giàu có và thế lực, từng giữ chức bang trưởng bang Quảng Đông tại Sài Gòn thời bấy giờ. Theo tư liệu ngân sách do chính phủ Pháp ở Sài Gòn in năm 1876, ông có ba căn nhà cho chính quyền Pháp mướn: một căn nhà ba tầng ngay cảng thương mại Sài Gòn, một căn nhà ở phố Triệu Quang Phục, Chợ Lớn làm văn phòng điện tín và một ở Bình Tây, Chợ Lớn làm bốt cảnh sát.
Các xưởng gạch của ông sản xuất gạch tốt, phục vụ cho nhu cầu của người dân ở Sài Gòn và ở nhiều nơi trong khu vực Nam Kỳ. Trong cuộc triển lãm công nghiệp và nông nghiệp năm 1880, sản phẩm gạch của ông đã giành được huy chương bạc. Ông cũng tham dự triển lãm quốc tế năm 1878 ở Paris với các sản phẩm đồ gốm được sản xuất ở Chợ Lớn.
Ngoài cơ sở sản xuất gạch, đồ gốm, Vương Thái còn có những thửa ruộng lớn được khai hoang ở Phước Lộc để trồng lúa. Bên cạnh đó,Vương Thái còn là một trong những chức sắc người Hoa được kính trọng nhất ở Sài Gòn vì ông không những đã có những cống hiến lớn lao cho cộng đồng mà cho cả chính quyền Pháp.
Công ty Wang-Tai đi vào các lãnh vực khác của kinh tế như mua bán, sản xuất gạo. Ông Zhang Peilin (Trương Bội Lâm) sau được chọn bầu vào công ty China Merchants’ Steam Navigation Company (Công ty hàng hải tàu hơi nước của thương nhân Trung Hoa) để xuất khẩu gạo sang Trung quốc. Đến các năm của thập niên 1880, ông là chủ của nhiều đất đai nhà cửa ở Sài Gòn, trong đó có khu Wang-Tai (la cité Wang-tai), một khu nghèo và dơ mà các người di dân Trung quốc đến Sài Gòn - Chợ Lớn lúc ban đầu cư ngụ chung với gà, vịt, trái cây và các đồ nhập khẩu (4). Năm 1879, ông gởi con ông và một người Hoa Quảng Đông khác là Lưu Chap (Pháp gọi là A Chap hay “Taokhe” Tào Kê Chap) sang Cam Bốt mở tiệm cầm đồ ở Nam Vang. Sau này Lưu Chap là một người giàu có khét tiếng có thế lực ở Nam Vang.
Ông Trương Bội Lâm (Wang-Tai, hay Vương Thái) mất năm 1900, thọ 73 tuổi. Các con trai và cháu nội ông ở Chợ Lớn mang quan tài ông về quê hương, làng Ya-kang, huyện Hoàng Sơn ở Quảng Đông để chôn cất. Rất nhiều người Hoa, Pháp, Việt và quan chức, chức sắc trong chính quyền ra bến tàu để tiễn ông. Sau đó có một con đường ở Chợ Lớn (cité Wangtai) được mang tên ông.
Cạnh toà biệt thự của ông là dinh cơ của một người Hoa giàu có ở Sài Gòn trước thời Pháp thuộc. Người này có các tiệm vải, may đồ, hàng thủ công, sửa giày, sửa đồng hồ và hàng nhập ngoại mà ngay cả người Pháp cũng thường đến mua. Còn vào lúc ban đêm, các ngôi nhà đằng sau biệt thự ông Vương Thái lại trở thành các sòng bạc. Cửa hàng của người Hoa ở đường Catinat, đường Rigault de Genouilly dọc kinh chợ Vải, đường nối đến đường rue d’Adran (đường Hồ Tùng Mậu) thời xưa đều mở đến 9 giờ tối. Đường rue d'Adrian vốn là khu buôn bán tấp nập với nhiều cửa hàng của người Hoa, người Ấn, nằm kế Chợ Sài Gòn cũ. Khu chợ này nằm dọc kinh chợ Vải, nay gọi là chợ Cũ.
Ông Anatole Petiton khi đến thăm Sài Gòn, đã viết về đời sống, sinh hoạt của thành phố trong sách “La Cochinchine française: la vie à Saïgon, notes de voyage” xuất bản năm 1883 như sau :
Khi đi tàu đến cảng Sài Gòn, du khách có thể thấy hai nhà nổi bật là nhà Rồng (messageries maritime) và nhà của ông Vương Thái, xây hầu như ở giữa góc điểm của rạch Bến Nghé và sông Sài Gòn.
Tất cả Sài Gòn đều biết ông Vương Thái. Nhà của ông rất lớn với cột cửa vòng cong và mái hiên (portique), có thể nói nhà ông được coi như là trung tâm Sài Gòn.
Nhà có ba tầng với sân mái hiên. Đây cũng là toà đô chánh thành phố Sài Gòn và là nơi ở của ông thị trưởng. Ông thị trưởng quả là người công chức được chu cấp chỗ ở tốt nhất.”
Cũng theo mô tả của ông Petiton thì kinh Chợ Vải dài khoảng vài trăm thước (gọi là kinh Rigault de Genouilly, sau đổi thành kinh Charner), bắt đầu từ sông đi vào thì ở phía bên phải là các ngôi nhà của người Âu và một vài nhà người Hoa và Ấn (ở Saigon người Pháp dùng từ malabar để gọi người Ấn), bên trái là các ngôi nhà, chợ và những cửa hàng khác của người Hoa.
Kinh chấm dứt ở khoảng nhà thờ. Ở phía trên phần kéo dài của kinh, hai bên có chỗ chơi trò chơi Bowling (một thứ trò chơi của người Anh) rất hợp với việc giải trí lúc chiều tối. Nhà thờ lúc bấy giờ do đô đốc Bonard cho dựng dọc kinh chợ Vải năm 1863 sau khi vừa chiếm xong hoàn toàn Sài Gòn - Gia Định, được làm bằng gỗ và hoàn thành năm 1865. Nhà thờ này chỉ là một nhà thờ tạm thời cho đến khi nhà thờ chính (nhà thờ Đức Bà) được xây.



Hình 5: Saigon 1870s (Ảnh Émile Gsell) – Kinh lớn và dãy phố trên đường Charner gồm các tiệm bán hàng ở tầng trệt và nơi ở ở tầng trên. Cầu băng qua kinh nối hai bờ (trái là đường Rigault de Genouilly và phải là đường Charner). Đường rue Vannier (Ngô Đức Kế ngày nay) chạy ngang hông dãy nhà đi thẳng đến cầu qua hai bên bờ kinh. Cuối toà nhà dãy phố này ở góc phải phía trên hình là toà nhà hoà giải (Justice de Paix) mà trước kia là nhà thờ St Marie immaculée.




(a)




(b)
Hình 6: (a) Ảnh (Émile Gsell ?) – Dãy nhà bên trái kinh gần chợ và toà nhà hoà giải (phía phải ảnh) (b) Tranh khắc vẽ năm 1863 - Lễ khánh thành nhà thờ đầu tiên ở Saigon. Nhà thờ này xây bằng gỗ ở vị trí sau này là toà hoà giải Justice de Paix và ngày nay là toà nhà Sun Wah, góc Nguyễn Huệ và Tôn Thất Thiệp.



Hình 7: Saigon 1870s, Chợ Saigon cạnh kinh Chợ Vải, Bên phải, ngang hông chợ là đường rue Vannier (Ngô Đức Kế ngày nay) và đường hông bên trái là rue Amiral Roze (Hải Triều ngày nay). Địa điểm này ngày nay là toà nhà ngân khố.



Hình 8: Bản đồ Saigon 1873 (nguồn manhhai
https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/9099981132/)



Hình 9: Saigon - Khách sạn Cosmopolitan,
nhà ông Wangtai (Vương Thái) 1872 -
nguồn: Bs Albert Morice – La revue Tour du Monde 1875 (10).

Nguyễn Đức Hiệp




Tham Khảo



  1. Saigon Republicain, 10/11/1888, A1, N53.
  2. Les Tablettes coloniales. Organe des possessions françaises d'outre-mer, No. 45, 19/12/1888
  3. Claudine Salmon, Tạ Trọng Hiệp, De Batavia à Saigon: notes de voyage d’un marchand chinois (1890), Archipel, 1994, Vol. 47, pp. 155-191.
  4. Nola Cooke, King Norodom’s Revenue Farming System in Later-Nineteenth-Century Cambodia and his Chinese Revenue Farmers (1860-1891), Chinese Southern Diaspora Studies, Volume One, 2007. (http://csds.anu.edu.au/volume_1_2007/Cooke.pdf).
  5. Nguyễn Đức Hiệp, Singapore – Saigon – Hong Kong: Quan hệ thương mại người Hoa từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20,http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-the-gioi/van-hoa-dong-nam-a/1957-singapore--saigon--hong-kong-quan-he-thuong-mai.html
  6. Charles Lemire, Cochinchine française et royaume de Cambodge, avec l'itinéraire de Paris à Saïgon et à la capitale cambodgienne, Challamel aîné (Paris), 1869
  7. Le Monde Illustré 29/7/1865, A9, T17,N433
  8. Le Monde Illustré 24/12/1864, A8, T15,N402
  9. Nguyễn Đức Hiệp, Saigon đầu thế kỷ 20 đến 1945 : Việt Nam thức tỉnh, http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/saigon-111au-the-ky-20-111en-1945-viet-nam-thuc-tinh
  10. Albert Morice, Voyage en Cochinchine pendant les années 1872-73-74, par M. le Dr Morice, H. Georg (Lyon), 1876.
  11. Cochinchine françaises, Procès-verbaux du Conseil colonial, Session ordinarie 1884-1885, Imprimerie du gouvernement, Saigon 1885.
  12. Oscar Chapuis, The last emperors of Vietnam: From Tu Duc tớ Bảo Đại, Greenwood Press, Connecticut, 2000.
  13. Annuaire complet (européen et indigène) de toute l'Indochine, commerce, industrie, plantations, mines, adresses particulières... : Indochine, adresses, 1ère année 1933-1934, éditeurs L. Lacroix-Sommé, R. J. Dickson et A. J. Burtschy, impr. A. Portail (Saigon), 1933.
  14. L'Information d'Indochine. économique et financière, Saigon, 1935, 1936, 1940.
  15. Tim Doling, Icons Of Old Saigon: Établissements Bainier Auto Hall, http://saigoneer.com/saigon-buildings/3697-icons-of-old-saigon-etablissements-bainier-auto-hall
  16. Écho Annamite, 22/1/1927, A8, No. 787
  17. Notice historique, administrative et politique sur la ville de Saigon. Publiée par les soins du secrétaire général de la mairie, Impr. để l'Union (Saigon), 1917
  18. Annuaire général de l'Indo-Chine française, 1901, Part 2, 1905, 1906, 1908.
  19. Excursions et reconnaissances, 1882, N14, pp. 372, Imprimerie du Gouvernement, 1882, Paris, Challamel, 5 rue Jacob.
  20. Procès-verbaux du Conseil Colonial, Imprimerie du Gouvernement, Saigon 1883.
  21. Procès-verbaux du Conseil Colonial, Session ordinaire 1885-1886, Imprimerie du Gouvernement, Saigon 1886.
  22. Annuaire de l'Indo-Chine, 1890, T1, pp. 198-199, Imprimerie Coloniale, Saigon, 1890.
  23. Annuaire de l'Indo-Chine, 1897, T1, Imprimerie Coloniale, Saigon, 1897.
  24. Bulletin official de l’Indochine française, N1, P1, 1898.
  25. Recueil du Conseil d’État, 1913, T82, S2.
  26. Nguyễn Thị Minh, “Nguyễn An Ninh: Tôi chỉ làm cơn gió thổi”, Nxb Trẻ, 2005.
  27. Phillipe Peycam, The Birth of Vietnamese Political Journalism: Saigon, 1916-1930, 2012, Columbia University Press.
  28. Le Nouvelliste d'Indochine, 6/3/1937, 1/5/1937, 11/7/1937, 7/5/1939.
  29. Annuaire de la Cochinchine française pour l’année 1870, Imprimerie du Governemnt, Saigon 1869.
  30. Người Lao Động, Đường Nguyễn Huệ hiện đại nhất nước, 30/3/2015,
        http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/duong-nguyen-hue-hien-dai-nhat-nuoc-20150330232220484.htm
    (http://thaolqd.blogspot.com/2015/09/ai-lo-charner-cuoi-ky-19-au-ky-20-phan_12.html)