Wednesday 18 July 2018

Săn bắn thú vật hoang dã ở Nam Bộ đầu thế kỷ 20 (Nguyễn Đức Hiệp - Hiệp's Blog)


Săn bắn thú vật hoang dã ở Nam Bộ đầu thế kỷ 20

Nguyễn Đức Hiệp

Trong vòng chỉ khoảng hơn 100 năm, môi trường sinh thái ở Saigon và các tỉnh xung quanh đã thay đổi nhanh chóng không thể tưởng tượng được. Cả bao ngàn năm trước đó, môi trường thiên nhiên thật hoang dã, hầu như không thay đổi bao nhiêu qua các năm tháng, với sông nước chăng trịt, rừng dầy đặc đầy hoang thú, nơi mà các dân tộc bản địa như Mạ, Stiêng đã sống bao đời từ thời tiền sử cho đến cuối thế kỷ 19. Nhưng ngày nay dân số con người tăng trưởng, rừng bi tàn phá và các loài sinh vật dần biến mất: tê giác, cọp, beo, voi, bò tót, cá sấu và cá heo nước ngọt (không còn trên sông Đồng Nai. Và Cửu Long)…
Vào đầu thế kỷ 19, một thương gia người Anh, ông Purefroy đến Saigon buôn bán dưới thời tổng trấn Lê Văn Duyệt đã có viết (16) là trong các sản phẩm buôn bán trong vùng này có sừng tê giác, sừng nai, ngà voi, cá khô. Vào giữa thế kỷ 19, khi quân Pháp trú đóng ở Saigon, trong đêm 2, 3 tháng 9 năm 1864 có con cọp vào vườn nơi lính pháo binh ở. Những điều này cho thấy Saigon và các tỉnh chung quanh vào thế kỷ 19 còn rất hoang dã, thưa dân và còn nhiều thú vật như cọp, voi, tê giác, nai, heo rừng.
Cho đến cuối thế kỷ 19, nhiều loài thú trên vẫn còn sinh sống ở nhiều nơi khắp đồng bằng và trong lưu vực sông Đồng Nai và sông Cửu Long. Ông George Dürrwell, luật sư người Pháp và là chủ tịch Hội “Etudes indochinoises de Saigon” sống ở Nam Kỳ từ năm 1881 đến 1910, đã mô tả như sau (2):
Những con cọp và beo không phải là các loài thú duy nhất sống ở vùng quê Nam Kỳ, mà còn có các đoàn voi hoang dữ phá hoại. Ngày xưa chúng ở khắp nơi trong vùng Đồng tháp mười (plaine des Joncs) rộng lớn, nơi mà một vài thợ săn gan dạ, người Âu và người bản xứ, đã có một cuộc chiến tranh đẫm máu với chúng, và sau đó chúng đã dần dần rút về phía bắc, để vào xứ sở đất Khmer, nơi mà trong số các con voi có những con đã được thiên nhiên cẩn thận quan tâm sinh ra màu trắng (albino), các con voi trắng này trở thành con vật đặc biệt được người Khmer sùng bái, tôn kính.
Gần đây những con voi to lớn vẫn còn làm nhiều người nói về chúng khi các con voi này đi vào vùng Cần Thơ mà chúng phá hoại không thương tiếc, tàn phá tất cả những gì trên đường chúng đi qua. Những cuộc săn bắn thật sự được tổ chức chống lại các đàn voi đều không có hiệu quả: những thợ săn voi cự phách nổi tiếng, thực tế đã biến mất khỏi thuộc địa này khi Tổng đốc Lộc ngủ giấc ngủ cuối cùng trong một nghĩa địa nhỏ ở Cái Bè, và người bạn đồng hành dũng cảm trong các cuộc thám hiểm của ông Lộc, bá tước V., cựu thống sứ (resident superieur) ở Cam Bốt, mà mới đây tôi đã có dịp đi đưa đám tang ở trong thành phố lớn Paris của chúng ta, nơi mà ông ta đã tìm thấy một nơi yên nghỉ tốt đẹp xứng đáng. 
Để có thể hình dung về sự thay đổi môi trường sinh thái qua thời gian và không gian ở vùng Nam Bộ, ta có thể đọc lại các tư liệu và hồi ký về thú tiêu khiển săn bắn của một số người Pháp, người ngoại quốc và người Việt giàu và có thế lực tổ chức đi săn ở các tỉnh Nam Kỳ, được coi là một trong những địa đàng săn bắn ở Đông Dương vào đầu thế kỷ 20.
Ông L. Roussel (11) đã tả ở chung quanh Saigon vào đầu thế kỷ 20, thú hoang dã còn nhiều, người ta tổ chức những chuyến đi săn vịt trời, gà rừng, nai, heo, bò rừng ở Tây Ninh, bò rừng, heo rừng, chim trĩ, công, cọp ở vùng Thủ Dầu Một (Hương Quan), hươu, gấu ở Biên Hòa (Vĩnh Cửu, Phước Thọ, Phước An), voi, gấu ở Đồng Nai.
Hoàng tử Thụy Điển Wilhem, viếng Saigon đầu năm 1912 đi qua các vùng phụ cận Saigon (và sau đó không lâu đi săn bò tót với ông hoàng Duc de Monpensier ở rừng núi Chứa Chan) đã mô tả (12) về nhiều loài thú vật như khỉ, cọp, beo, cá sấu, voi, các loài chim…
Các địa điểm có thú rừng quanh Saigon hấp dẫn các thợ săn vào cuối thế kỷ 19 đến các thập niên đầu thế kỷ 20 gồm có Thủ Đức, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Long Thành – Bà Rịa, Chứa Chan Bình Thuận, Bảo Lộc – Djiring, và nhất là khu vực chung quanh thành phố Đà Lạt và Ban Mê Thuột ở vùng Cao Nguyên Lang Bian.
hinh-1
Hình 1: Bản đồ các trung tâm săn bắn ở Nam Đông Dương

(1) Khu vực Thủ Đức, Biên Hòa, Tây Ninh và Bà Rịa

Chỉ cách đây khoảng 100 năm, qua các tư liệu như một số đã đề cập trên, ta thấy muôn thú và sự đa dạng sinh học rất cao ở Việt Nam ngay cả ở gần thành phố.
hinh-2
Hình 2: Cá sấu bắt được ở Mỹ Tho
Người Pháp thường tổ chức đi săn thú trong rừng gần Saigon. Năm 1891, nhân dịp hoàng tử Nga Nicolas II (sau này là vị vua, sa hoàng, cuối cùng của Nga trước cách mạng tháng 10) ghé Saigon trên đường đi chu du nhiều nước ở Á Châu (Siam, Nhật, Hong Kong, Ấn Độ, Tích Lan), chính quyền thuộc địa Pháp ở Saigon có tổ chức đi săn cho hoàng tử Nicolas II (nhưng thật ra họ lấy thú nai, hươu từ sở thú rồi thả vào rừng ở Thủ Dầu Một) để chúng dễ được săn cho vị hoàng tử này (1)(2).
Vị Sa hoàng cuối cùng (1868-1918) trong lịch sử Nga viếng Saigon vào ngày 21 tháng 3.1891 trong chuyến viễn du đi nhiều nước như Siam, Đông Dương, Trung Quốc và Nhật. Hạm đội hải quân Nga và vị Sa hoàng tương lai được đón tiếp trọng thể ở cảng Saigon, có cổng chào ở công trường Rigault de Genouilly (Mê Linh).
Nhiều người dân được Pháp vận động và những người tò mò đứng chen xem đoàn xe ngựa và kỵ binh tùy tùng của thái tử Nga đi trên đường phố Saigon như trên đường Catinat, đại lộ Norodom. Trong những ngày viếng thăm có buổi dạ tiệc ở dinh thống đốc do toàn quyền Piquet chiêu đãi, dạ vũ trên tàu hải quân “La Loire”, xem opera Giroflé-Girofla ở nhà hát, đến Chợ Lớn xem múa lân ở rạp người Hoa, đến vườn thành phố, và đi săn…
hinh-3
Hình 3: Cổng chào mừng hoàng tử Nga Nicolas II viếng thăm Saigon
Những người Pháp ở Saigon, Biên Hòa và Tây Ninh cũng đi săn bằng xe hơi ban đêm dọc trên đường nối Saigon với miền Đông, các con thú ra ăn cỏ dọc đường bị đèn xe chiếu không thấy nhảy qua hai bên đường để trú ẩn, xe chỉ chạy chậm và bắn chúng dễ dàng (2). Ở những cánh rừng giữa Biên Hòa và Bà Rịa thuộc địa phận Long Thành là nơi săn bắn thú đủ loại, hoặc đi săn chim, cò ở Gò Công.
Cọp, beo, voi có mặt khắp Nam Kỳ. Ở Đồng Tháp Mười, có nhiều đàn voi hoang dã phá phách đến tận vùng Cần Thơ và các cuộc săn voi trong đó có Tổng đốc Lộc. Cọp, beo có nhiều ở miền Đông Nam Bộ lên đến tận Trung Kỳ, tuy vậy ngay cả ở miền Tây Nam Bộ cũng có chúng, chúng ở các cánh rừng, bụi cây vùng Châu Đốc, Hà Tiên và ngay cả vùng đầm lầy Rạch Giá.
Có những lúc cọp tấn công người, như một người đưa thư cưỡi ngựa băng qua rừng ở Bình Thuận đã bị cọp bắt ăn cả người và ngựa (2). Hay trong bụi rậm ở Phuoc Thinh, một người Pháp đi săn phải đánh nhau với cọp và đã bị thương nặng ở chân, phải cưa đi. Ở Vũng Tàu, có một con cọp đi vào nhà ăn ở trong khu ở của các người Anh đang xây dựng trạm điện tín. Ngay ở giữa chợ Bà Rịa, cọp bắt và ăn một bà già. Khoảng năm 1889, có nhiều người đi săn ở ngoại ô Saigon và đã săn bắt được cả beo.
hinh-4
Hình 4: Người Cho Ro bắt cọp ở Biên Hòa hinh-5
5b
Hình 5: Săn cọp ở Nam Kỳ
Hoàng tử Thụy Điển Wilhem ghé Saigon, Nam Kỳ và tham dự một chuyến đi săn gần Saigon đã viết:
.. Nhưng ngoài những thông tin trên, tôi dám nói chắc là có một nơi nữa như là thiên đàng Eldorado của săn bắn, trong lãnh vực các thú lớn, mà có thể chắc chắn so sánh được với vùng hoang dại ở Phi châu, đó là Nam Kỳ và Trung Kỳ ở bán đảo Viễn Ấn. Nơi đây voi hoang dã vẫn còn đi lại tư do trong những cánh rừng mà phần lớn chưa bao giờ con người hẻo lánh đến; nơi đây có hàng ngàn trâu bò rừng dương những sừng cong của chúng trên đầu ngọn cỏ cao trong những cánh đồng, hăm dọa bất cứ ai đến xâm phạm lãnh địa đồng cỏ của chúng qua quyền của thú nào có sức mạnh hơn; nơi đây các con tê giác da dầy đi trên các đường lối ẩn xuyên qua rừng dây lá dầy đặc, và cọp, beo với chân mềm ẩn hiện trong rừng ít ánh sáng, nằm chờ mai phục các con mồi, trong lúc các con khỉ nhảy không nghĩ từ cành này qua cành khác. Thế giới loài chim cũng hiện diện rất nhiều, từ con công màu lòe loẹt cho đến các con két kêu la, con chim mỏ kèn (hornbill) xấu xí, hay con chim địa đàng (bird of paradise) rực rỡ. Những loài nai, tuy vậy không có nhiều như ở Đông Phi; và ngựa vằn dĩ nhiên thì ở đây không có.
Wilhem cũng có nói chung quanh Saigon và ngay cả vùng rất cận sát Saigon có rất nhiều muông thú mà ông thấy hay được cho biết qua các chuyến đi ra ngoài Saigon:
.. khi thì qua nhiều dặm các đồn điền cao su, khi qua các rừng rậm, khi qua cầu nhẹ làm băng cây tre mà bên dưới là các kênh phân nửa phủ bởi cây lá, chảy qua những thực vật nhiệt đới choáng ngợp. Các con khỉ la hét nhảy từ cành này qua cành nọ, và đủ loại chim nhiều màu sắc khác nhau bay nhanh trước xe khi xe hơi chạy sát đến.
Có một câu chuyện là một ngày nọ có một con trăn to lớn nằm giữa đường, trải hết mặt đường. Người tài xế không kịp thắng lại và nguyên chiếc xe cán băng qua chướng ngại vật là con trăn này. Con trăn, tuy vậy, không hề bị suy xuyển, chỉ lắc mình một chút cái thân hình dài của nó và trườn đi mất như không có việc gì xảy ra. Những sự kiện nhỏ như vậy dĩ nhiên là ngoại lệ, nhưng chỉ cách đây vài năm dã thú là gây sợ hãi thực sự trên nhiều nơi của xứ này.
Trên tất cả sợ hãi, dĩ nhiên, là cọp mà con người gặp nạn rất nhiều, nhất là những người bản xứ, nhưng các con voi cũng gây rất nhiều phiền toái, đặc biệt là trên các đường xe lửa. Cách đây không lâu, một trong những quái vật khổng lồ này đã làm một xe lửa trật đường rầy và lật đi một phần. Đúng thật là con voi đã bị đụng chết bởi cú sốc này, nhưng từ đó trở đi các xe lửa chỉ còn chạy ban ngày mà thôi. 
Mùa săn bắn thuận lợi nhất ở phía nam Đông Dương là từ tháng 5 đến tháng 10 và ở phía bắc Đông Dương là từ tháng 10 đến tháng 4 (7). Các thú săn gồm: voi (nhiều ở nam Đông Dương, những cũng có ở Thượng Lào và Bắc Kỳ), bò rừng (Bos gaurus, bắc Nam Kỳ, nam Trung Kỳ, Hạ Lào và vùng gần Vinh), tê giác (trong những rừng có đầm lầy và rậm rạp ở Nam Đông Dương), trâu rừng (sống từng đàn ở cánh đồng và thung lũng đầm lầy ở nam Đông Dương), cọp và beo (khắp Đông Dương), gấu, nai hưu, cá sấu (đầm lầy, sông ở Nam Kỳ), các loài khỉ, công, trĩ, vịt trời, chim có bộ lông quí đẹp như cò già (marabouts) vùng Cà Mau, Bà Rịa, bồ nông (pelican) và cò bạch (aigrettes) vùng đồng bằng châu thổ Nam Kỳ, Bắc Kỳ và biển hồ ở Cam Bốt…
Trong nghị định (arrêté) quản lý điều hành săn bắn ở Nam kỳ được ban hành ngày 11 tháng 3.1926, ngoài các thú được bảo vệ và cấm buôn bán sản phẩm thú như da, đầu thú… thì trong điều 7 của nghị định này săn bắn được cho phép trong mọi thời gian, không cần giấy phép và không giới hạn số lượng các thú vật được coi là phiền nhiễu, có hại như: cọp, beo, mèo rừng, chó hoang dại, chó ngao (loup-cervier), chồn đen (martre), chồn sóc (fouine), chồn hôi (putois), sóc (belette), chồn hương (civette), đại bàng, diều mốc (buse), chim ưng (faucon), chim bồ cắt (épervier), diều hâu, chim kền kền (vautour), quạ, chim biềm bịp (coq de pagoda), trăn (pithon). Săn bắn các thú khác như voi, tê giác, bò tót (gaurs), bò và trâu rừng thì phải có giấy phép (loại A) có giá trị trong 1 năm và lệ phí 120 đồng (piastres) và chỉ được săn tối đa 2 voi, 2 tê giác, 2 bò tót, 4 trầu rừng và 4 bò rừng và phải chịu thuế phụ thâu 40 đồng mỗi con (trừ trâu và bò rừng là 20 đồng mỗi con) (9).
Sau đây là đoạn trích từ sách “Continental Saigon” của ông Philippe Franchini, chủ khách sạn Continental ở Saigon, viết về sự thình hành của thú đi săn bắn ở Nam Kỳ như sau:
Sau hoàng tử Henri d’ Orléans, tiếc đã ra đi quá sớm, thì hoàng tử Waldemar của Đan Mạch, kế đó là ông hoàng Duc de Montpensier, đến Saigon, họ đều bị thu hút bởi đi săn thú. Heo rừng, nai đực cao, nai con chạy rông chỉ vài cây số cách thủ đô Nam kỳ (Saigon). Trong vùng Thủ Đức, người ta nghe từ rừng tiếng tù và săn và tiếng đàn chó săn sủa. Ngạc nhiên bởi những cách săn bắn này, người Việt nhanh chóng chạy biến mất vì họ sợ chính họ có thể trở thành vật bị săn. Những tai nạn xảy ra nhiều.Những con cọp và beo cũng thường đến rừng này và khi chúng đến thì cả đàn chó săn đều chạy hết
Ông hoàng Duc de Montpensier thì đi săn bò rừng và voi ở nơi xa hơn.”
Ông hoàng Monpensier là người ở Việt Nam trong một thời gian khá lâu, ông thích đi săn bắn nên rất thông thuộc các nơi đi săn. Chính ông là người đã mời hoàng tử Thụy Điển Wilhem đi săn trong lúc Wilhem và vợ là công chúa Maria Pavlovna ghé Đông Dương vào đầu năm 1912 để viếng thăm Angkor trong chuyến đi du lịch các nước Á châu của gia đình hoàng tử Wilhem (3).
Wilhem vì ham săn bắn nên sau khi thăm quốc vương Cam Bốt vua Sisowath, đã để vợ và phái đoàn đi Angkor còn ông và một thân tín tên là Lewenhaupt đi tàu trở về Saigon bỏ dở cuộc viếng thăm Angkor để được đi săn cùng với ông hoàng Monpensier.

(2) Khu vực núi Chứa Chan, Bình Thuận

Hoàng tử Wilhem đã viết hồi ký đầy đủ về chuyến đi săn chung quanh Saigon trong vùng rừng núi Chứa Chan (12). Ông cho biết vùng hoang dã này có rất nhiều trâu rừng (hay bò tót) và nai. Sau đây là một đoạn ông nói về một chuyến đi săn với ông hoàng Duc de Monpensier :
Ngay sau khi cái nóng tệ nhất của buổi trưa đã qua, chúng tôi tiếp tục lên ngựa và đi qua cánh đồng với kính che mắt. Một vài con nai thấp thoáng trong cỏ cao và nhanh chóng nhảy qua các khoảng trống. Ông hoàng (Monpensier) – với một trong những cú bắn đạt nhất mà tôi được chứng kiến – đã có cơ hội bắn được hai con; phát đầu của ông hạ gục con nai cách khoảng 150 bước chân (yards), và phát thứ hai bắn vào con chim đại bàng lớn, lúc đó đang bay trên đầu chúng tôi làm nó rơi xuống đất với một viên đạn 0,405 li xuyên qua mình.
Sau đó đoàn bắn được một con bò tót lớn. Ngày hôm sau ông kể đoàn của ông bị hàng trăm con bò tót đuổi, nhưng may mắn thoát khỏi cảnh bị đàn bò tót đạp chết như sau :
Ngày hôm sau, chúng tôi trải qua một cuộc mạo hiểm thích thú nhất, mà tôi tin rằng cho đến nay là một sự kiện rất hi hữu. Dù gì chăng nữa, ông Oddéra, người đã tham dự vào nhiều cuộc đi săn và đã bắn hơn ngàn con bò tót, cũng đã chưa từng gặp trường hợp như vậy.
Chúng tôi cỡi ngựa đi trong cánh đồng gần nguyên cả buổi sáng mà chưa thấy con vật nào, và mặt trời bắt đầu hâm nóng làm khó chịu, thì thình lình các lưng đen của một vài con bò tót xuất hiện trên cỏ cao. Chúng tôi vui mừng nhảy xuống ngựa, ngựa sau đó được dắt ra một khu rừng nhỏ, và chúng tôi như thường lệ bò rạp tiến tới gần các con bò tót. Khi chúng tôi bò một lát và cảm thấy đúng trong tầm khoảng cách, chúng tôi cẩn thận ngửng đầu lên trên cỏ cao. Và đúng là khoảng cách tốt, trước mắt chúng tôi trong một vùng bán nguyệt rộng, không phải có một hay vài con bò tót mà chúng tôi tưởng, mà là khoảng hai mươi đến ba chục con bò tót to lớn, tất cả đều đăm mắt nhìn về hướng chúng tôi. Các khẩu súng hầu như bắn liền một lúc, tuy vậy không thấy có ảnh hưởng gì. Cả đàn bò tót quay đi chậm rãi. Chúng tôi đứng lên không mãn nguyện và đứng nhìn một lúc đàn bò rút lui, thì thình lình chúng quay đầu lại và bắt đầu đi thẳng đến chúng tôi.
Nhưng chưa hết. Từ một vũng bùn cạnh đó, mà chúng tôi không thấy do vị trí của chúng tôi, từng con quái vật đen này đến con khác trỗi dậy và gia nhập đàn bò tót vừa bị bắn ; và chẳng bao lâu, ở khoảng cách chưa đầy 200 bước (yards, 1 yard dài khoảng 0.9m) là một dãy hàng dài có khoảng 120 con bò tót trải dài khoảng 300 bước đứng đối diện với chúng tôi. Quả là một quang cảnh vĩ đại khi ta thấy tất cả các con quái vật này tiến tới phía mình, với cổ của chúng giãn thẳng về phía trước và mặt mõm ướt của chúng ở độ cao cùng với cổ, phản chiếu dưới ánh sáng mặt trời và chớp sáng như sét. Nhưng do vì chúng tôi là đối tượng của sự giận dữ của chúng, và khoảng cách giữa chúng tôi và đàn bò như lũ tràn đến ngắn dần một cách báo động sau mỗi giây phút, đây chính là thời khắc chúng tôi phải chạy cứu lấy mình, nếu không muốn bị đè bẹp, bị cán nghiền dưới sức nặng của những quái vật khổng lồ này, và sau đó trở thành bữa ăn tối thuận tiện cho các con chim kên kên
Tình hình thật nghiêm trọng không chối cãi. Khoảng cách tới bờ khu rừng nhỏ, nơi các con ngựa của chúng tôi đứng thì vào khoảng 5 fulông (1 furlong dài khoảng 200m) nên chắc chắn không có cơ hội nào chạy đến được trước khi lũ bò tràn đến chúng tôi. Đứng yên chờ sự tấn công của chúng, bắn hạ vài con nhưng bị đè nát bởi các con khác cũng không có gì hấp dẫn cho chúng tôi cả. Bắn một vài viên đạn vào con đầu đàn, môt con bò tót lớn tuổi với sừng khổng lồ mà tôi rất mong ước có được để thêm vào bộ sưu tập của tôi – trúng đích rất tốt, nhưng không có tác dụng gì đối với sự tiến công bạo lực của đàn bò. Trong khoảnh khắc chúng tới chúng tôi, không làm gì được ngoài cách chạy để cứu mình. Đó là một trong những lúc thất vọng nhất tôi đã trải qua : bị bắt buộc bỏ chạy trước những con vật săn tuyệt diệu khi trong tay có khẩu súng tốt. Nhưng sự tất yếu không có luật, vì thế chúng tôi chạy.
Đàn bò hoang dã tiếp tục tiến chạy khoảng 100 yards, khoảng cách giữa chúng tôi và đàn bò chạy đuổi ngắn dần, và đến phía trú bờ rừng vẫn còn xa. Tình hình thật là tuyệt vọng.
Thế rồi đàn bò đang nước phóng thình lình dừng lại ngay tại chỗ mà chúng tôi lúc trước đã nằm và bắn chúng. Những vỏ đạn vung vãi và có lẽ mùi của chúng tôi để lại ở đó dường như ảnh hưởng đến những miệng mõm chớp sáng của chúng một cách khó chịu. Sự kiện này cho chúng tôi có cơ hội một lúc, một khoảng cách thở. Một vài phát súng bắn ra, lúc đó một hay hai con quay hẳn lại, kế đó đàn bò tiếp tục tiến. Hàng dãy bò dài lúc này được chia ra làm hai, một tiếp tục tiến chạy tiếp, trong khi dãy kia làm một động thái bọc chung quanh chúng tôi, hiển nhiên có ý định ập về phía sườn chúng tôi\. Nhưng không biết có một lý do nào đó, chúng dần dần chạy chậm lại và chạy sau chúng tôi từ từ. Hết hơi và chảy đầy mồ hôi, chúng tôi cuối cùng chạy được đến chỗ ngựa của chúng tôi, và cảm thấy làm chủ lại được tình hình.
6
Hình 6 : Săn beo ở Nam Kỳ

(3) Tây Nguyên : Cao nguyên Lang-Bian, Djiring

Vùng nhiều thú và đa dạng nhất ở Đông Dương có thể nói là cao nguyên Lang-Bian ở Tây Nguyên. Ông Fernand Millet, một viên chức kiểm lâm và cũng là thợ săn lão luyện đã tổ chức nhiều cuộc đi săn cọp, bò tót, voi, bò Kouprey,… trên cao nguyên Lang Bian cùng với một số nhân vật mạo hiểm như phi công Pelletier-Doisy, nhà văn Albert Londres, các quan chức cao cấp trong các thập niên đầu thế kỷ 20.
Pierre Bouvard (18) cho biết và quảng cáo trong sách về cao nguyên Lang-Bian là nơi thu hút khách du ngoạn thế giới vì nơi đây là nơi lý tưởng săn những thú lớn như cọp, beo, gấu, voi, tê giác, nai, bò tót, trâu rừng. Ngoài ra còn có chim trĩ, công và nhiều loài chim khác. Ở các thung lũng trung lưu sông Đồng Nai và các suối phía dưới Di Linh còn có tê giác một sừng. Toàn quyền Philippines (lúc này là thuộc địa của Mỹ), Sir Harrison, đã đến cao nguyên Lang-Bian đi săn và đã bắn được 2 con cọp, 3 con conminh (một loại bò rừng nhưng lớn hơn, bibos concavifrons, cao 1m9 va dài 3m) và 5 hay 6 con Cà Tong (katang là một loài nai, Rucervus Eldi).
7
Hình 7: Bản đồ trong sách hướng dẫn của Pierre Bouvard, Fernand Millet
các vùng săn các loại thú (cọp, bò tót, voi, nai) gần Đà Lạt trên cao nguyên
Lang Bian (nay là tỉnh Lâm Đồng và Daklak) (10).
8
Hình 8: Các lộ đường quanh Đà Lạt (10). 9
Hình 9: Những thú săn được sau một tuần đi săn ở cao nguyên Lang-Bian
(trích trong sách “Dalat, sanatorium de l’Indochine française.
La chasse au Lang-bian”
của Pierre Bouvard và Fernand Millet)

Cao nguyên Lang-Bian đầu thế kỷ 20 còn rất nhiều cọp. Ông Millet, người đi săn cùng với Sir Harrison, vào tháng 11 năm 1906 đã săn được trên đỉnh Lang-Bian một con cọp với bộ long dầy không kém các con cọp vùng núi lạnh ở Vân Nam và Himalaya. Gần Đà Lạt, ông Barthe, một cảnh vệ địa phương, đã bắn được hai con cọp.

(4) Kỹ nghệ săn bắn dã thú

Saigon là trung tâm dịch vụ cho kỹ nghệ săn bắn đầu thế kỷ 20. Trên đường Catinat (Đồng Khởi), có tiệm bán súng đạn để đi săn của ông Cafford ở số 32-36 đường Catinat (theo niên giám Đông Dương năm 1910, 1911). Sau này vào thập niên 1950-1960, tiệm súng đạn Cafford được chuyển về ở góc đường Tự Do và Nguyễn Thiệp, đối diện với quán café Brodard.
Cửa hàng bán súng đạn dược « Comptoirs Généraux de l’Indochine » lớn nhất cũng nằm trên đường Catinat. Ở đây bán đủ các loại súng săn của các hảng Merkel và Walter, đạn dược từ công ty Coopal và là đại lý cho hãng Mauser (5).
Công ty du lịch « Didier & Defrosse Safari Service », của ông Didier và ông Defrosse, trụ sở đặt ở số 61 đường Pellerin (Pasteur ngày nay), tổ chức các chuyến đi săn, cắm trại, du ngoạn viếng các bộ lạc dân tộc thiểu số, bắt thú cho các viện nghiên cứu, bảo tàng, chuyến bay thưởng ngoạn trên vùng có thú săn, bán các da thú như voi, cọp, beo. Các hướng dẫn viên của công ty này đều nói được tiếng Anh, phục vụ cho khách hàng từ các nước khác đến đi săn ở Việt Nam (5).
Ngoài ra còn có công ty vận chuyển du lịch, « Société Indochinoise de Transports », có các chuyến xe hơi và xe ca đi Saigon-Pnom Penh-Kampot-Angkor-Poipet, và các chuyến đi săn những thú lớn, có hướng dẫn viên nói tiếng Anh, trụ sở đặt ở 93 đường Mac-Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) ở Saigon và 35 đường Hassokan ở Pnom Penh. Công ty này có liên hệ trực tiếp với các công ty Thomas Cook & Sons, The American Express, The Borneo Company, Siam Steam Navigation, K.P.M Line…
10
Hình 10: Quảng cáo bán phim chụp ảnh của hãng Kodak-Pathé
ở tiệm “Pharmacie Solirène” trên đường Catinat, Saigon, năm 1937 (5)
11
Hình 11: Nhóm đi săn gần Saigon dừng nghỉ uống rượu.
Các sản phẩm của các thú được phép săn, như ngà voi, da cọp,… được một số các cửa tiệm ở Saigon bán cho công chúng. Ông Dương Chấn Kỷ, một gia chủ giàu có ở Bình Thủy, Cần Thơ có mua một cặp ngà voi ở một tiệm trên đường Catinat, Saigon mà Hồng Hạnh, trong sách “Dấu xưa Nam bộ” (17), đã kể lại như sau:
..Cụ Dương Chấn Kỷ vốn có một đam mê lạ lùng với việc sưu tập đồ cổ mặc dù trông bề ngoài của cụ không ra vẻ tay chơi mấy. Ấy mới sinh chuyện về sau. Số là trong một dịp về Sài Gòn xem mấy cái chành lúa, tiện đi ngang qua đường Catinat, ông vào xem chơi một gian hàng bán tiêu bản thú vật của một tay chủ tiệm, thợ săn người Pháp. Tay nầy thấy ông già mặc đồ bà ba, tay cắp bị bàng cứ đứng mân mê cặp ngà voi bèn nạt lớn – “Nè ông già, đây không phải là chỗ chơi của ông đâu. Lỡ tay ông có làm trầy xước nó thì bán cả gia sản cũng không đủ thường bồi cho tôi”. Liếc nhìn tay chủ tiệm bằng nửa con mắt, cụ Dương Chấn Kỷ thủng thỉnh hỏi lại: “Cỡ bao nhiêu mà dữ vậy chú em. Nói qua nghe thử coi”.
Tấn hài kịch vừa nêu không biết diễn ra bao lâu, chỉ biết rằng ông Dương Chấn Kỷ đã đặt cọc một số tiền lớn để rồi dong xe về Cần Thơ chở lên 4 ngàn đồng bạc trắng “con cò” – tiền Liên bang Đông Dương chính hiệu để rinh về quê nhà. Tay chủ tiệm cầm tiền rồi mà ngỡ như mơ. Chỉ một ngày sau đó, đích thân gia đình công tử Bạc Liêu đánh tiếng mua lại cặp ngà với giá gấp đôi. Quả là không có một thương vụ nào lại sinh lãi cỡ đó chỉ sau một ngày, thế nhưng cụ Dương Chấn Kỷ nhất định không bán. Một phần vì máu mê đồ cổ, một phần vì sĩ diện với tay chủ tiệm người Tây vốn coi người Việt như rơm, như rác.
Cũng xin mô tả một chút cho bạn đọc được rõ. Cặp ngà này có một cái dài độ 1,9 mét, cái kia độ 2,2 mét. Dương lão gia đoan chắc, cặp ngà của ông Diệm để trong dinh Độc lập cũng chưa lớn bằng (?). Ông đưa tôi xem tấm hình đen trắng tuy hơi ố vàng như vẫn còn nguyên nét – hình chụp ông lúc trai trẻ đứng bên cạnh cặp ngà, ông to cao là thế nhưng cũng chỉ mới tới mức hai phần ba độ dài của chiếc ngà. Nhưng tiếc một nỗi, gia tộc họ Dương lại không có duyên để giữ cặp ngà.
12
Hình 12: Săn voi ở Cần Thơ 13
Hình 13: Bán da cọp ở Saigon (1952).
Ngoài ra ở Chợ Lớn, có bán các bộ da thú săn có nguồn gốc ngoài Đông Dương. Theo tờ báo “The Straits Times” ngày 2/7/1902 (15) thì trong Chợ Lớn giá bán các bộ da cọp, da mèo rừng, da beo từ Trung Quốc cực kỳ rẻ.

(5) Chính sách và quản lý săn bắn thời Pháp thuộc

Những biện pháp đầu tiên quản lý săn bắn ở Đông Dương qua luật lệ bắt đầu từ năm 1891, nhất là bảo vệ các loài chim cò bạch (aigrettes), cò già (marabouts) và chim hồng hạc (flamants) ở Nam Kỳ, điều hành qui luật bắt voi và ngăn cấm sự tiêu diệt chúng (7).
Năm 1911, một bộ luật của bộ trưởng Thuộc địa được ban hành để nghiên cứu những biện pháp thích hợp bảo đảm bảo tồn và sự trường tồn các loài sinh vật trong các loài hoang dã ở các thuộc địa.
Qua bộ luật đó, các chính quyền ở các thuộc địa đã ban hành các biện pháp điều hành bảo về dã thú, giới hạn quyền săn bắn của những người Âu cũng như bản xứ trong những thời hạn thích hợp ở mỗi nơi.
Ở cao nguyên Liang-Bian, một vùng có nhiều cuộc săn bắn lớn, đã được chia ra vùng nào là vùng được bảo tồn ngăn cấm săn, vùng tự do săn bắn và vùng bảo vệ.
Nghị định ngày 11 tháng 3 1926 ở Nam kỳ và đạo luật (decret) ban hành ngày 7 tháng 4 1927, quản lý điều hành săn bắn ở Đông Dương phản ảnh những điều luật và các biện pháp như trên. Đạo luật này áp dụng ở Nam Kỳ, vì lúc ấy là thuộc địa Pháp. Trong chương II của đạo luật này là các điều khoản cụ thể, như bằng và giấy phép săn bắn, giấy phép miễn phí săn bắn cho các công trình nghiên cứu khoa học, hay cho những người Âu đang sống biệt lập, xa cách trong rừng đôi khi cần thực phẩm hoang dã. Và cuối cùng là dân bản xứ săn bắn thường ngày trong cuộc sống của họ bằng cung, nỏ, lao, kiếm mà không dùng súng thì hoàn toàn được phép.
Chương III của đạo luật gồm các phương cách bảo vệ động vật hoang dã; dự kiến thành lập các công viên bảo tồn quốc gia, mà trước tiên thành lập các rừng bảo hộ tạm thời mà số lượng và diện tích để cho các chính quyền địa phương xác định; ngoài ra còn có nhiều biện pháp đa dạng khác như bảo vệ chặc chẻ một số loài động vật càng ngày càng quí và hiếm, một số các động vật khác không cần thiết bảo vệ lắm để bảo đảm an ninh cho dân chúng và canh nông mùa màng.
Và cuối cùng là dự kiến một loạt các biện pháp cấm một vài vũ khí có độ tàn phá cao các thú bị săn, cấm săn bắn ban đêm bằng đèn và buôn bán động vật đã chết và da của chúng. Một số các hình phạt tùy theo mức độ vi phạm và các qui định xử lý khi vi phạm, giao phó trách nhiệm theo dõi quản lý săn bắn cho nhân viên kiểm lâm cũng được trình bày trong bộ luật (7).

Kết luận

Những tư liệu để nói về động vật và môi trường sinh thái ở chung quanh Saigon và các tỉnh Nam Kỳ cho thấy từ cuối thế kỷ 19 cho đến những thập niên đầu thế kỷ 20, sự đa dạng sinh học rất lớn với môi trường sống còn hoang dã và dân cư còn thưa thớt và người dân tộc sống còn nhiều ở các tỉnh thành chung quanh Saigon, nhất là vùng Đông Nam Bộ.
Chỉ trong vòng chưa đến 100 năm, môi trường sinh thái hoàn toàn thay đổi. Các động vật lớn như voi, cọp, beo, trâu rừng, bò tót, tê giác, nai, heo rừng, cá sấu hoàn toàn biến mất. Rừng nơi chúng trú ẩn, sinh sống đã bị khai phá hay hoàn toàn biến mất. Hiện nay chỉ còn lại khu rừng Cát Tiên ở gần Saigon thuộc vùng Đông Nam Bộ và một số các vườn quốc gia ở Tây Nguyên là những cụm sinh thái rời rạc còn sót lại
Ngày nay không còn nơi nào ở Việt Nam được phép cho săn bắt. Nhưng ngay cả ở những nơi còn được bảo tồn như vườn quốc gia, con người vẫn còn xâm lấn trái phép để săn bắt động vật hoang dã hay phá rừng lấy gỗ. Nếu chúng ta muốn con cháu chúng ta trong tương lai vẫn còn có cơ hội được xem và biết đến di sản thiên nhiên, sinh vật đặc hữu và sự phong phú của đa dạng sinh học ở Việt Nam thì sự bảo tồn những môi trường sinh thái còn sót lại phải được thực thi nghiêm chỉnh và ưu tiên là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái trong công đồng. Vì thế các tổ chức xã hội dân sự có vai trò quyết định trong sự bảo tồn di sản sinh học ở một nước văn minh văn hóa.

Nguyễn Đức Hiệp

Chú thích:

(1) Chính quyền Pháp ở Saigon trước đó cũng cho một hoàng tử Miến Điện , Myingun Min, được lưu vong tại đây từ năm 1889 cho đến 1921 (4).
(2) Hoàng tử Wilhem là em của ông nội của vua Thụy Điển ngày nay

Tham khảo

  1. Albert Morice, Voyage en Cochinchine 1872, Le Tour du Monde – Volume 30 -1875-2nd semestre – Pages 369-38, http://collin.francois.free.fr/Le_tour_du_monde/Frame7_textes/TdM_frame7.htm
  2. George Dürrwell, Ma chère Cochinchine, trente années d’impressions et de souvenirs, février 1881-1910, E. Mignot (Paris), 1911
  3. Nguyễn Đức Hiệp, Saigon-Chợ Lớn và Nam bộ: Từ tiền sử đến Phù Nam, đế quốc Khmer và vương quốc Champa (Phần 2), 2011, http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/nam-bo-tu-tien-su-2/
  4. Tsaw Hla Phroo, France Burma and the Myingun prince, The Singapore Free press and Mercantile Advertiser, 16 September 1893. pp. 2, http://newspapers.nl.sg/Digitised/Article/singfreepressb18930916.2.7.aspx
  5. Les grandes chasses en Indochine / édité par le Bureau officiel du tourisme indochinois, Bureau officiel du tourisme indochinois, 22 Rue Grandière, Saigon, 1937
  6. Exposition coloniale internationale de Paris. Commissariat général, Publisher : Société d’éditions géographiques, maritimes et coloniales (Paris), Vol. 1, 1931
  7. Exposition coloniale internationale de Paris. Commissariat général, Éditeur : Société d’éditions géographiques, maritimes et coloniales (Paris), Vol. 2, 1931, Contributeur : Exposition coloniale (1931 ; Paris). Éditeur scientifique.
  8. Recueil Général de la Législation et de la Réglementation de l’Indochine”, Textes locaux 1926-27, pp 168-179, March 11, 1926.
  9. Pierre Bouvard, F. Millet, Dalat, sanatorium de l’Indochine française. La chasse au Lang-bian. Nouveau guide illustré , Impr. de J. Castenet (Bergerac), 1920.
  10. Lucien Roussel, La chasse en Indochine, dix neuf gravures, Plon-Nourrit et Cie, Paris, 1913 http://www.archive.org/stream/lachasseenindoc00rousgoog#page/n11/mode/2up
  11. Wilhem, Prince of Sweden, In the lands of the sun: notes and memories of a tour in the East, Eveleigh Nash, London, 1915, http://ebooks.library.cornell.edu/cgi/t/text/text-idx?c=sea;idno=sea026
  12. Fernand Millet, Les grands animaux sauvages de l’Annam, leurs mœurs, leur chasse et leur tir, Plon, Paris 1930.
  13. Fernand Millet, Le Lang-Bian, joyau touristique de l’Indochine, A. Tournon, Paris . In-8°, 60 p.
  14. R. Purefoy, Cursory remarks on Cochin-China, The Asiatic Journal and monthly register for Bitish India and its dependencies, Vol. 22, pp. 143-147, pp. 652-655 London, 1826.
  15. Hồng Hạnh, Dấu xưa Nam bộ, Nxb Văn Nghệ, Tp HCM, 2005.
  16. Pierre Bouvard, Le Lang-Bian (Indochine française), sanatorium et chasses. Nouveau guide illustré, avec texte anglais-français, S. Montégout (Saïgon), 1917.

No comments:

Post a Comment