Showing posts with label sử học. Show all posts
Showing posts with label sử học. Show all posts

Thursday 5 July 2018

Phướng pháp làm mờ điểm sáng làm sáng điểm mờ (Quan Văn Đàn - Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM)

(http://tuanbaovannghetphcm.vn/phuong-phap-lam-mo-diem-sang-lam-sang-diem-mo-so-499/)

Giáo sư Phan Huy Lê với đệ tử và cộng sự vừa xuất bản công trình Mấy vấn đề sử học Việt Nam cần làm sáng tỏ, do Tạp chí Xưa & Nay và Nhà Hồng Đức ấn hành, H.2018. Đây là tập hợp các bài viết của Giáo sư và cộng sự đã đăng trên Xưa & Nay nhằm phản bác lại ý kiến trao đổi của các tác giả trên Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Có vẻ khách quan, trong Bảng I. Thống kê bài viết trên Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh gồm 34 bài mục của 19 tác giả (theo bút danh). Bảng II. Thống kê bài viết trên tạp chí Xưa & Nay và tạp chí Nghiên cứu lịch sử, gồm 12 bài mục của 11 tác giả.

Đây là dấu hiệu chứng tỏ nạn học phiệt không còn ngự trị tuyệt đối trên diễn đàn sử học. Bởi một bên là Giáo sư Sử học – Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, một trong bộ tứ “Lâm – Lê – Tấn – Vượng” đã ngự trị trên Diễn đàn sử học từ đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước cho đến gần đây và có thể là cả hiện nay, tuy không còn vẹn nguyên và các cộng sự là các Giáo sư – Tiến sĩ, Phó Chủ tịch, Phó Tổng thư ký, Phó Hiệu trưởng… Còn bên kia là các nhà văn Vũ Hạnh, Chu Giang; nhà báo Đặng Minh Phương, còn lại đều là các bạn đọc rất quan tâm đến Sử học nước nhà, phần lớn làm việc ở các ngành nghề khác. Bởi thế… “các vị (các tác giả trên VN TP.HCM) không có cùng một nền tảng kiến thức, lại khác xa nhau về phương pháp tiếp cận, nên làm sao có thể cùng nhau đi đến ngọn nguồn của vấn đề” (Xưa & Nay, sđd, trg.190), cũng là dễ hiểu.
Đây là một ngộ nhận rất lớn của GS. Phan Huy Lê và các cộng sự mà chúng tôi sẽ trao đổi dưới đây.
Thông thường trong sự biện luận, các yếu điểm của đối phương được khai thác để tạo ra hiệu ứng đôminô, tựa như lấy đoản binh để thắng trường trận. Song, với nhà học thuật chân chính và cầu thị, thì bỏ qua những bắt bẻ vụn vặt, xem cái đại ý của người trao đổi có điều gì cần làm sáng tỏ, để nhân với một hay một số người mà làm sáng tỏ cho đông đảo bạn đọc. Tìm đến cái đại ý đại cục, bỏ qua cái tiểu tiết tiểu khí là một sự rất khó trong học giới từ xưa tới nay. Chúng tôi theo gương đó mà có lời thỉnh đáp với GS. Phan Huy Lê, qua đó với các vị học giả có nền tảng kiến thức cao sâu, chỉ vì một khao khát đến nền sử học khoa học và dân tộc ngày một tinh túy hơn lên. Nếu có phải dẫn đến các tiểu tiết là để làm rõ cái đại cục.
Chúng tôi xem quan niệm của GS. Hà Văn Tấn có tầm quan trọng hàng đầu cho nghiên cứu lịch sử: “Muốn viết sử, phải biết phương pháp Sử học, và trước hết, phải là người trung thực, chứ không phải là tên cơ hội” (Lịch sử, sự thật & sử học. 1999. Trg.15. Dẫn theo Nguyễn Thị Đông Thái, Tạp chí Hồn Việt số 33 (tháng 3-2010, trg.16).
Trung thực là khát vọng chung của nhân loại từ xưa tới nay. Nó dễ nói mà khó làm nên luôn luôn là vấn đề thời sự của học thuật. Trung thực như thế nào thể hiện ở việc làm cụ thể.
GS. Phan Huy Lê có quan điểm rất không đúng khi ông nói: “Phải vượt qua rào cản ý thức hệ để có cái nhìn khách quan trung thực”.
Tư tưởng này ông đưa ra vào tối ngày 22-10-2011 và được thuật lại trên báo Tuổi trẻ ngày 23-10-2011.
Nhưng vượt qua rào cản ý thức hệ nào, vượt qua rồi thì đứng ở đâu để nhìn lại lịch sử? Chúng tôi và nhiều bạn viết khác đã nêu ra vấn đề này nhưng GS. Lê không đáp lại, cho đến hôm nay, trong công trình đã dẫn trên.
Đây là vấn đề tiên quyết cho sử học nói riêng và khoa học – xã hội nói chung. Lẩn tránh nó tức là đã có một chỗ để lẩn tránh; cái chỗ đó không nói ra nhưng ai cũng hiểu được, qua đối chiếu với thực hành, thực tiễn.

So-499--Anh-minh-hoa---Phuong-phap-lam-mo-diem-sang-lam-sang-diem-mo---Anh-1
Theo chúng tôi, nhân loại cho đến hôm nay vẫn bị chi phối bởi các hệ tư tưởng khác nhau, dù có ý thức hay không. Ngay trong đời sống thường nhật nó hiện ra rất rõ ràng, đa dạng. Chỉ là có chú ý hay bỏ qua. Ta thường thấy nhiều đồng bào rất tự đắc khi bế con mèo, hôn hít con chó, vỗ về âu yếm như bé cưng. Và rất khinh bỉ những đồng bào đang lam lũ kiếm sống một cách cơ cực trên các bãi rác, hè phố… Họ lại rất “thông minh ý thức hệ” khi xua mèo xua chó ra phóng uế ngoài đường phố, ngõ phố, ở đâu cũng được, miễn đừng ở trong nhà họ. Yêu chó nuôi chó một cách chó như thế, có phải là tư tưởng chung của một giai tầng nào đó, có là biểu hiện của một ý thức hệ hay do một ý thức hệ nào đó chi phối hay không? Các đại gia tỉ phú bài bạc cá độ hàng ngàn tỉ đồng, biệt thự biệt phủ như lãnh chúa… có là biểu hiện của một ý thức hệ nào đó hay không? Nhà làm sử đứng ở đâu giữa các thái cực đó. Lịm chết theo người ở thế giới bên kia để “khách quan trung thực” hay đứng giữa cuộc đời hôm nay để nhìn lại lịch sử? Chúng tôi đã nói, lịch sử là cái đã qua, nghiên cứu lịch sử là nghiên cứu về cái quá khứ. Nhưng con người làm sử, nghiên cứu lịch sử lại thuộc về hiện tại, đang là… Cái đang là hay thuộc về cái đang là quyết định sự nghiên cứu chứ không phải vượt qua rào cản ý thức hệ quyết định. Chừng nào nhân loại vượt thoát sự tha hóa một cách triệt để, tứ hải giai huynh đệ, không còn các vấn đề Trung Đông, Biển Đông, Hai miền Triều Tiên, các đợt giải cứu lợn, gà, thanh long, dưa hấu… thì mới hết rào cản ý thức hệ, vì không còn ý thức hệ nào để phải vượt qua; khi Nhà nước của các quốc gia tự tiêu vong trở thành Nhà nước tự quản và loài người chỉ còn quan hệ duy nhất giữa các dân tộc trong tình hữu nghị mà nền tảng là chủ nghĩa nhân bản, nhân văn, nhân đạo. Chưa đến hay không đến được đoạn đó thì GS. Lê chỉ có thể thoát khỏi vỏ dưa lại gặp vỏ dừa mà thôi. Nôm na như thế, nhưng lẩn tránh nó thì không còn khoa học lịch sử, chỉ có thể là các dạng khác nhau của khoa học không khoa học mà thôi. Bảy năm qua (tháng 10-2011 đến nay), GS. Lê lẩn tránh sự chỉ nghị của bạn đọc về vấn đề cốt lõi này nhưng thực hành thì vẫn không thay đổi mà chúng tôi sẽ nói.
Về phương pháp tiếp cận toàn diện, toàn bộ lịch sử Việt Nam (Sđd. Trg.190) được xem là phương pháp luận tối ưu duy nhất để nhìn nhận và đánh giá lịch sử Việt Nam là chuyện rất mông lung, như đem tấm voan che phủ lên thực tế lịch sử. Chúng tôi đã nhiều lần nói đến. Nay Quí vị vẫn khẳng định lại thì chúng tôi xin nhắc lại.
Nhìn toàn diện là yêu cầu sơ đẳng của nghiên cứu khoa học, đâu phải thành tựu. Phát kiến mới. Không cần phải biện luận gì nhiều. Chỉ một chuyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi đủ biết trí tuệ dân gian Việt Nam đã phê phán cái nhìn không toàn diện từ xưa lắm rồi.
Cái quan trọng nhất là trên cái toàn diện đó, nhìn ra cái gì là chính, là bản chất, nếu trưng toàn bộ cái toàn diện ra thì là chụp ảnh lịch sử, đâu phải nghiên cứu lịch sử.
Cái nhìn toàn bộ chỉ có giới hạn. Ở cấp vi mô, như với con voi, hay cơ thể con người cụ thể đối với cuộc hội chẩn, thì có thể thực hiện được, tuy rằng cũng chỉ là tương đối, vì mỗi con người là một thế giới, nhân thân tiểu thiên địa, cho đến nay khoa học vẫn chưa khám phá hết.
Ở cấp vĩ mô của lịch sử, cái nhìn toàn bộ chỉ là một uyển ngữ, một lời nói quen miệng, một câu khẩu đầu (Phạm Thượng Chi). Lịch sử của một cộng đồng dù nhỏ, trong một khoảng thời gian xác định cũng đã khó nắm bắt hết, nói gì đến lịch sử của một dân tộc có đến hàng chục, nay là trăm triệu người, qua rất nhiều biến cố theo thời gian hàng ngàn năm, trên một địa dư hàng vạn, tới cả triệu kilômét vuông đất liền và vùng biển, làm sao một hay một nhóm người có thể thấu thị xuyên tầng được toàn bộ? Các sử gia đâu phải là các vị Bồ Tát có thiên nhãn thông! Đem một câu khẩu đầu, một lời văn nói ra làm phương pháp tiếp cận Sử học thì đó là khoa học gì? Mong Giáo sư và các Giáo sư – Tiến sĩ chỉ giáo cho. Nhìn toàn diện – là một yêu cầu – và nhìn toàn bộ – là một tham vọng – không sai nhưng chưa đủ và chưa phản ánh cái bản chất của phương pháp luận lịch sử. Bởi cái thuật ngữ sáo ngữ này dùng vào đâu cũng được. Khảo sát dân số, kế hoạch hóa gia đình, tình trạng dân cư và chất lượng đời sống cũng phải có cái nhìn “toàn diện toàn bộ”, đâu phải chỉ Sử học mới có. Một trưởng thôn hiện đại (tú tài hay cử nhân) đều nói được câu này, đâu cứ phải các Giáo sư – Tiến sĩ khoa học lịch sử. Đó là cái chỗ mơ hồ không mơ hồ của phương pháp sử học Phan Huy Lê. Bởi trong khoa học – xã hội và nhân văn hiện đại, theo khảo sát của chúng tôi, thì nhãn quan (cái nhìn, cách nhìn, góc nhìn, chỗ đứng để nhìn…) mới là quyết định. Vượt qua rào cản này ắt thuộc về rào cản kia, “chân không đến đất cật không đến giời” thì làm sao thấy được “toàn diện toàn bộ”!
Phải quan sát cái nhìn thực tế để phân định. Xin nêu ba đối tượng để khảo sát cái “toàn diện toàn bộ” của GS. Phan Huy Lê và các cộng sự.
1/ Nhìn nhận Gia Long và Vương triều Nguyễn.
2/ Nhìn nhận lại một số nhân vật lịch sử như Trương Vĩnh Ký, Phan Châu Trinh, Phạm Quỳnh…
3/ Một số sử liệu theo cách khai thác “toàn diện toàn bộ” của GS. Phan Huy Lê và các cộng sự.
- Về Gia Long và Vương triều Nguyễn đã được nói đến rất nhiều. Chúng tôi tiếp tục khẳng định là GS. Phan Huy Lê đã cắt xén về Gia Long và Vương triều Nguyễn, dương cái phụ ẩn cái chính, làm sáng chỗ mờ, làm mờ chỗ sáng, tự mâu thuẫn với mình. Về Gia Long, chúng tôi đã nói rõ trong bài Sự phủ định của lịch sử – VN TP.HCM, số báo 497 ngày 10-5-2018. Sao lại chỉ thấy có một tì vết, một điểm mờ là sự cầu viện quân Xiêm? Tội cắt đất để cầu viện quân Pháp qua Hiệp ước ủy quyền cho Bá Đa Lộc ký với người Pháp và tội cầu viện quân Xiêm là hai tội lỗi cụ thể, rất nặng nề trên phương diện quốc gia. Nhưng Gia Long mới chính là thủ phạm về tinh thần và tư tưởng đưa đất nước vào con đường bế quan tỏa cảng, bảo thủ lạc hậu, càng ngày càng suy yếu đến chỗ mất nước, chỉ sau 60 năm khi giành lại vương quyền, 1802 – 1862. Đây mới là yếu điểm của Vương triều Nguyễn. Nhưng GS. Lê không nói đến, không đưa ra. Không phải vì không nhìn thấy. Gia Long đã có cơ hội vàng trước người Nhật nửa thế kỷ. Người Nhật mở cửa đón nhận (1854), Gia Long đóng cửa sau khi lên ngôi (1802). Người Nhật lớn mạnh. Con cháu Gia Long lụn bại hết chỗ nói khi Bảo Đại tự nhận: Tôi mới là con điếm đích thực (Bảo Đại hay là những ngày cuối cùng của Vương quốc An Nam. Daniel Grandclément). Lẩn tránh chỗ tử huyệt này làm sao cắt nghĩa, đánh giá đúng được Vương triều Nguyễn.
GS Phan Huy Lê và cộng sự giành quá nhiều tâm huyết cho công lao thống nhất quốc gia, xây dựng bộ máy quản lý đất nước, để lại di sản văn hóa đồ sộ của Gia Long và Vương triều Nguyễn. Vâng, tất cả đều có như thế, đúng như thế. Nhưng Vương triều Nguyễn có trực tiếp để lại cái “gói thơm thảo” đó cho các thế hệ “thần dân” hay không? Lẩn tránh chỗ này, lịch sử Việt Nam hiện đại là vô nghĩa, nếu không nói là xuyên tạc, giả dối. Bởi từ chỗ tì vết, điểm mờ của Gia Long đến Tuyên ngôn Độc lập ở Thủ đô Hà Nội, giữa thanh thiên bạch nhật, trước toàn thể quốc dân và thế giới, cả dân tộc đã phải trả giá không kể xiết, núi xương sông máu gần trọn trăm năm (1858 – 1945). Kinh tế xã hội cũng do đó mà bị chậm lại rất nhiều. Thế mà cứ khăng khăng tôn vinh công ơn của Gia Long và Vương triều Nguyễn thì có phải là một thứ sử học bất công và vô đạo hay không?
- Một số nhân vật lịch sử văn hóa như Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh… đúng rằng họ là những người có tài, thậm chí rất tài, có đóng góp ít nhiều cho sự phát triển chữ quốc ngữ, nhưng nếu nhìn toàn diện thì họ đem cái tài để phục vụ cho ngoại bang là chính. Để đồng hóa dân An Nam (Trương Vĩnh Ký), để người nước Nam quên cả Tổ quốc của mình, chấp nhận nền đô hộ của Pháp như một ân huệ của Chúa hay một Thiên Hựu… (Phạm Quỳnh). Cái tài của họ có làm đẹp cho dân cho nước hay làm trở ngại cho công cuộc rửa nỗi nhục mất nước… Lẩn tránh những tử huyệt đó mà toàn diện toàn bộ, thì sẽ hướng đạo tinh thần cho quốc dân đi về đâu?
Lòng yêu nước, hành động xả thân vì nước của Cụ Phan Châu Trinh là vĩ đại, phải kính trọng và noi gương theo Cụ. Nhưng đường lối, chủ trương cứu nước của Cụ không đúng và đã thất bại. Chủ trương “tam dân” của Cụ (khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh) mới chỉ là một giả định lịch sử, một lời hô hào của Cụ. Thực tế nó đã không thành hiện thực được. Phải giành lại độc lập tự do mới có thể khai dân trí, chấn dân khí theo tinh thần dân tộc được. Nếu không chỉ là thứ dân trí nô lệ, tay sai, cao lắm là cố tránh những việc làm có hại cho dân cho nước. Làm sao có được dân trí và dụng dân trí vào sự nghiệp ích nước lợi dân nếu dân tộc còn nằm trong vòng nô lệ. Lịch sử đã hai năm rõ mười như thế mà cứ lặp lại kịch bản Nguyên Ngọc, dẫn lại một học giả Pháp, Daniel Hémery rằng Phan Châu Trinh mới là khuôn mặt chói sáng vĩ đại nhất, lãng quên con người và sự nghiệp vĩ đại của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh mà cả thế giới đã tôn vinh là Anh hùng dân tộc – Danh nhân văn hóa… Thế là toàn diện toàn bộ ư, thưa GS-TS. Nguyễn Văn Khánh?
Cuối cùng xin dẫn ra sự tự mâu thuẫn hay là tính chất “Double mission” (Theo tạp chí Hồn Việt, số 125, bài “Chung quanh vấn đề Phạm Quỳnh”) của GS. Phan Huy Lê.
Ông nói phải vượt thoát rào cản ý thức hệ… nhưng trong thực tế ông không dám rời ý thức hệ nửa bước:
- Ông có Đề án trình lên lãnh đạo Đảng về biên soạn bộ Quốc sử do ông làm Tổng chủ biên. Từ Đề án đến thực tiễn biên soạn là quá nhanh. Các ông đang dồn sức làm cho kỳ được bộ Quốc sử. Nếu các ông tự lo kinh phí biên soạn và xuất bản bộ Quốc sử là một chuyện khác. Còn vẫn phải có câu kinh phí cho Dự án là… thì đâu phải vượt qua rào cản ý thức hệ. Và bạn đọc, và quốc dân, và những người đóng thuế cho Ngân sách quốc gia có quan tâm đến phương pháp sử học “toàn diện toàn bộ Phan Huy Lê” cũng là điều chính đáng, phải không? Vậy thì xin ông nói với các cộng sự, đừng đưa ra cái “nền tảng kiến thức” để hù dọa bạn đọc. Kiến thức của quí vị đã hơn hay bằng với Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký chưa? Kiến thức và vận dụng kiến thức đâu phải là đồng nhất!
- Ông xin được Báo cáo thành tựu nghiên cứu sử học ở Hội trường Ban Tuyên giáo dưới sự chủ trì của Trưởng Ban Tuyên giáo mà vẫn nói sử học đến nay vẫn theo phương pháp sử học thời quân chủ, đó là lịch sử của các triều đại… còn lịch sử của nhân dân thì rất mờ nhạt… Chỗ này đúng là rối như công múa trong lồng. Không ra cướp diễn đàn cũng không ra mượn gậy ông. Mà sao lại mị dân đến như thế. Hãy đến các nghĩa trang Điện Biên Phủ, Trường Sơn, Bến Dược, Côn Đảo… xem lịch sử của nhân dân mờ nhạt như thế nào? Ông có biết đá cho kiến trúc cố đô Huế, lăng mộ, bia, tượng… là phải đem từ Núi Nhồi (An Hoạch, Đông Sơn – thuộc thành phố Thanh Hóa bây giờ) vào tận Huế hay không? Xương máu của dân ở đâu khi ông cứ một chiều ca ngợi di sản văn hóa đồ sộ mà nhà Nguyễn để lại. Tấm ván chạy ngạch suốt chiều dài cung điện Thái Hòa là một tấm ván lim liền mạch, nó được xẻ ra từ một cây lim phải là cổ thụ siêu trường siêu trọng (theo nhà Huế học Phan Thuận An). Nó ở rừng sâu núi thẳm lam sơn chướng khí nào của đất Thanh – Nghệ (xưa nổi tiếng là nhiều gỗ lim), ông đã thấy lịch sử của nhân dân ở đó chưa? Thế là Giáo sư bộc lộ rằng suốt hàng chục năm nghiên cứu và giảng dạy sử học Giáo sư đã cúc cung cho sử học Triều đại mà nhạt nhẽo với lịch sử của nhân dân. Đến bây giờ mới nhận ra cũng là rất quí, muộn còn hơn không, nhưng chẳng thấy Giáo sư trong dàn sử học thời quá khứ, chỉ thấy Giáo sư tuyên ngôn ở thời Hiện tại, Giáo sư có từ trên trời rơi xuống hay không?
Về tiểu tiết, xin nêu một số:
Giáo sư khai thác thư tay của GS. Trần Huy Liệu (xem trang 164, sách đã dẫn).
Nếu “GS. Trần Huy Liệu có nguyên tắc làm việc là những thư riêng do GS tự viết thì trước khi gửi, Thư ký chép lại một bản để lưu giữ trong hồ sơ” (Mấy tư liệu mới về Lê Văn Tám, Nguyễn Huy, sđd, trg.163). Vậy cần phải đối chiếu bản Thư ký chép lại với bản chính đã gửi đi (tới Ban Khoa giáo TW). Do bản của Thư ký chép lại không có thủ bút của GS. Trần Huy Liệu xác nhận nên cần có bản đã gửi đi để đối chiếu. Nếu không có sự đối chiếu nên xếp vào mục tồn nghi, không thể xem là một bản sao có giá trị. Trong trường hợp này phải chấp nhận tình ngay mà lý chưa ngay. Tư liệu dù rất quan trọng vẫn không có giá trị chính thức. Có thể sử dụng trong nghiên cứu như là một sử liệu còn tồn nghi, chưa thể khai thác như một sử liệu chính thức được. Bài viết của GS về sự tích Lê Văn Tám mới là sự nôn nóng khoe sử liệu, chưa qua hạch sử liệu trên tầm mức của lương tri sử học để tiếp nhận lịch sử.
Nếu đã cho Lê Văn Tám là anh hùng vô danh, là truyền thuyết có cốt lõi sự thật (sau này các ông Lý Hoài Châu và nhiều vị khác ở TP. Hồ Chí Minh đã tìm hiểu, xác nhận là có thực. Xem các số về chủ đề này trên Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh năm 2017 và trước đó), thì không nên khai thác, nhấn mạnh rằng chuyện này là do GS. Trần Huy Liệu, Bộ trưởng phụ trách công tác tuyên truyền lúc đó, bịa ra, sáng tác ra, đặt ra. Thực ra, tên Lê Văn Tám lại xuất phát từ vở kịch của Phan Vũ. Cách khai thác của GS. Phan Huy Lê là hướng người đọc theo chiều tuyên truyền của Cộng sản, của Cách mạng đều là bịa đặt.
- Nguyễn Ái Quốc năm 1922 đánh giá Gia Long như thế và Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh năm 1947 đánh giá Gia Long hoàn toàn khác. Chúng ta chọn bề nào. Ông Tống Văn Lợi (xem trang 159-160, sđd trên) chọn năm 1922, một đoạn trong truyện ngắn “Lời than vãn của bà Trưng Trắc”, hết lời ca ngợi vua Gia Long. Chúng tôi chọn thời điểm 1947, là phù hợp, khoa học, đúng đắn hơn. Tại sao? Nếu lấy thời điểm 1922 thì tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc là bất biến, chỉ dừng lại ở đó. Chúng tôi cho rằng nhận thức, tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh từ 1922 đến 1947 là một sự phát triển liên tục. Đỉnh cao là Tuyên ngôn Độc lập năm 1945. Nếu so sánh với Bản yêu sách 8 điểm gửi tới Hội nghị Versailles năm 1919 thì thấy rõ, qua thực tiễn cách mạng, nhận thức, tư tưởng của Người ngày càng sâu sắc hơn. Nhận thức, đánh giá Gia Long năm 1922 đến nhận thức, đánh giá Gia Long năm 1947, sau khi đã viết Tuyên ngôn Độc lập (1945), Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (1946) là một sự phát triển rất logic, rất biện chứng. Biện luận của Tống Thạc sĩ rõ ràng là một ngụy biện.
- Về Tuyên bố của Trần Văn Hữu ở Hội nghị San Francisco năm 1951 cần phải vận dụng qui luật phủ định biện chứng mới giải quyết được. Theo đó, không phủ định sạch trơn mà giữ lại những yếu tố tích cực. Lịch sử ghi nhận việc làm của Trần Văn Hữu trong bối cảnh đó và xem là tình tiết giảm khinh cho tội làm tay sai, bù nhìn cho thực dân Pháp. Trần Văn Hữu phải được đối xử như Nguyễn Cao Kỳ hay Phạm Duy sau này. Song không phải lấy tình tiết đó mà khôi phục lại cả thể chế quốc gia Việt Nam. Công, tội phải phân minh cụ thể.
- Về giá trị pháp lý quốc tế của các Hiệp định nhà Nguyễn đã ký với phương Tây của GS-TS. Nguyễn Văn Kim, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, chứng tỏ các vị rất sính các Hiệp định và rất kinh viện. Họ ký Hiệp định như thế, nhưng trên thực tế họ có tôn trọng không và công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc được hưởng lợi như thế nào từ các Hiệp định đó? Và có thể phủ nhận tuyên bố xóa bỏ mọi quan hệ với thực dân Pháp được nói đến trong Tuyên ngôn Độc lập (1945) của Chủ tịch Hồ Chí Minh hay không? Cũng cần tham khảo, trong Tuyên cáo độc lập của Bảo Đại có mục xóa bỏ mọi Hiệp ước đã ký với Pháp. Cần phải xem Hiệp định và thực tiễn. Nếu phía Pháp và Quốc gia Việt Nam thực hiện nghiêm túc Hiệp định Giơnevơ 1954 thì lịch sử đã như thế nào? Cãi lý trên văn bản giấy tờ với quân cướp nước bằng vũ khí hiện đại thì quả là một nền tảng kiến thức cao siêu lắm lắm!
Những điều chúng tôi trình bày trên chứng tỏ quan điểm lịch sử, nhãn quan lịch sử, chỗ đứng để nhìn nhận lịch sử là quyết định chứ không phải cái nhìn toàn diện, toàn bộ quyết định. Rất rõ trong trường hợp Gia Long. Chỉ thấy có một tì vết, một điểm mờ cầu viện quân Xiêm mà không thấy tham vọng vương quyền, tâm lý thỏa mãn khi giành được vương quyền liền đóng cửa quốc gia, củng cố quyền lực thống trị và hưởng thụ cung cấm đền đài lăng tẩm… Cái hãm địa của kinh đô Huế đã kìm hãm lịch sử dân tộc. Vương triều Nguyễn đã không chịu thừa kế Chiếu dời đô (Lý Thái Tổ), Hịch tướng sĩ (Trần Hưng Đạo), Cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi)… Họ nhất nhất noi theo Thiên Triều và kết cục ở vị Hoàng đế của săn bắn, sòng bạc, hộp đêm và gái nhảy: Chính tôi (Bảo Đại) mới là con điếm đích thực!
Đó là con đường lịch sử của Vương triều Nguyễn, rất dễ dàng nhận ra, thưa Phan sử gia đáng kính.

Hà Nội, tháng Năm lịch sử,
Năm Mậu Tuất – 2018


Quan Văn Đàn
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 499

Thursday 9 June 2016

Luận bàn về việc vận dụng phương pháp lịch sử (Thiên Phương - Nhân Dân)

http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/22729702-luan-ban-ve-viec-van-dung-phuong-phap-lich-su.html

Bình luận - Phê phán

Luận bàn về việc vận dụng phương pháp lịch sử

Thứ Sáu, 28/03/2014, 02:21:28
 Font Size:     |        Print
Tái hiện lịch sử phải trung thực, phản ánh đúng tiến trình vận động của nó, vì chỉ có như vậy, việc nghiên cứu lịch sử mới giúp hiểu về quá khứ và rút ra bài học hữu ích cho hiện tại. Và do đối tượng nghiên cứu rất phong phú nên trong quá trình thẩm định, nghiên cứu cần nắm vững phương pháp lịch sử để sử dụng một cách khoa học, triệt để, sâu sắc,... Trên thực tế, thực hiện điều này là không dễ dàng, và lâu nay không phải tác giả nào cũng nghiêm túc tuân thủ.
Từ lịch sử phát triển ngành sử học, các nhà nghiên cứu có quan điểm chung rằng: "không gì có thể thay thế tư liệu - không có chúng thì không có lịch sử". Sử liệu tồn tại khách quan, độc lập đối với chủ thể nhận thức; và trên cơ sở thông tin thu nhận được từ kết quả phân tích sử liệu, nhà sử học phục dựng lịch sử. Trong một thời gian khá dài trong sử học đã tồn tại quan niệm cho rằng, chỉ có nguồn sử liệu chữ viết (thư tịch) mới có thể coi là nguồn sử liệu và là nguồn sử liệu có giá trị, còn các nguồn sử liệu khác đều không đáng tin cậy. Quan niệm này khá phổ biến trong trường phái sử học Thực chứng (positivisme), mà đại diện điển hình là nhà sử học người Pháp Numa Denis Pustele De Coulage (1830 - 1889) - người được mệnh danh là "kẻ sùng bái thư tịch", khi ông tuân thủ và chỉ hành động theo một phương châm duy nhất: "Văn bản, chỉ có văn bản, không có gì khác ngoài văn bản".
Nhưng nếu nghiên cứu như vậy thì lịch sử các dân tộc chưa có chữ viết, hoặc những hình ảnh của thời kỳ tiền sử chưa có chữ viết sẽ không thể tái tạo? Tuy nhiên, việc phục dựng được lịch sử của các dân tộc chưa có chữ viết, những bức tranh thời tiền sử ở các khu vực (bằng nhiều phương pháp khác nhau) là câu trả lời với quan niệm sùng bái sử liệu chữ viết. Ðối với Việt Nam, có thể nói vấn đề khó khăn nhất khi nghiên cứu lịch sử là tư liệu. Tư liệu lịch sử nước ta từ thế kỷ 15 trở về trước cho đến nay còn lại rất ít và phân tán rải rác. Sự ra đời một số nhận định sai lầm về lịch sử là có nguyên nhân từ việc thiếu sử liệu. Những năm gần đây, nhiều vấn đề lịch sử, nhiều nhân vật lịch sử được đánh giá lại với tinh thần cởi mở. Tuy nhiên, trong không khí học thuật đổi mới đó đã xuất hiện một số luận điểm rất phi sử học, hoặc có dấu hiệu lợi dụng diễn đàn của sử học...
Có tác giả bao biện cho việc Nguyễn Ánh cầu viện Tây phương với lập luận: Trong lúc yếu thế, Nguyễn Ánh cần súng ống, tàu chiến, đã (ngẫu nhiên) gặp được một số đoàn truyền giáo đi mở đạo hứa giúp. Lẽ tất nhiên ông ta xem đây là một cơ hội, dù có thể là "một cái xấu cần thiết" (?), "Việc đầu tiên và cấp bách Nguyễn Ánh cần làm là diệt được quân Tây Sơn bằng bất kỳ phương tiện nào, chứ hoàn toàn không cố ý muốn cầu thân với Pháp" (?), và đó là hành động mang tính "sách lược tình huống"! Tác giả rút ra kết luận: Nói Nguyễn Ánh "cõng rắn cắn gà nhà" là không đúng với thực tại lịch sử khách quan, cũng như nói Alêchxăng đơ Rôt hay Bá Ða Lộc làm môi giới giữa Pháp với triều Nguyễn là những tên thực dân phản động lại càng sai lầm về quan điểm lịch sử (?). Bao biện như vậy, tác giả đã cố tình phủ nhận sự thật rằng khi cầu viện quân Xiêm, quân Pháp, Nguyễn Ánh đã đặt quyền lợi của gia tộc, của bản thân lên trên quyền lợi dân tộc, lên trên chủ quyền của đất nước và lên trên cả danh dự của dân tộc.
Người xưa thường nói: "Thời thế tạo anh hùng". Thời thế, nói theo sử học chính là "bối cảnh lịch sử" - điều mà khi tiếp cận bất kỳ một biến cố, phong trào, học phái nào, người nghiên cứu đều phải xem xét kỹ lưỡng. Bình luận về cá nhân trong lịch sử luôn phải đặt nhân vật đó trong bối cảnh lịch sử của họ cùng mối tương tác với các sự kiện chi phối bên ngoài. Lịch sử là cái đã diễn ra, cần nghiên cứu và tái hiện có phương pháp, không thể suy đoán kiểu: nếu không có những gì xấu xa của chủ nghĩa tư bản thế kỷ 19 thì không có C. Mác và chủ nghĩa Mác xuất sắc; nếu không có thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam thì cũng không có Phan Bội Châu hay Hồ Chí Minh với sự nghiệp lẫy lừng... Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự kiện trọng đại, đánh đổ ách áp bức của thực dân, phong kiến, mở ra kỷ nguyên độc lập và khẳng định trước thế giới rằng dân tộc Việt Nam có quyền, có chỗ đứng ngang hàng với mọi dân tộc khác trên thế giới. Vậy mà có người lại coi sự nghiệp giành độc lập của nhân dân Việt Nam như một sự "ăn may" của Việt Minh trong "khoảng chân không chính trị". Họ không coi Ngày 2-9 là ngày vinh quang, đánh dấu việc thoát khỏi ách thuộc địa. Từ lòng thù hận, đối với họ, Ngày 2-9-1945 chỉ khai sinh một nhà nước cộng sản và mở đầu cho một giai đoạn nội chiến kéo dài (!). Họ cố tình quên độc lập dân tộc là điều không thể nhân nhượng. Sau gần một thế kỷ là một xứ thuộc địa, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả tất yếu từ nhận thức, hành động của dân tộc Việt Nam; và sau quá trình đấu tranh kiên cường suốt hơn 15 năm với vô vàn tấm gương hy sinh anh dũng, Ðảng Cộng sản là tổ chức chính trị duy nhất có đủ thực lực để lãnh đạo nhân dân khi thời cơ đến đứng lên giành độc lập. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Ngày 2-9-1945 phải được ghi nhận là một trong những sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc.
Một số người lại lập luận rằng, cuộc cách mạng này là không cần thiết (?), vì chủ nghĩa thực dân đã chết sau Chiến tranh thế giới thứ hai và độc lập dân tộc ắt phải đến, dù có hay không có cách mạng, bởi đó là khuynh hướng tất yếu của lịch sử nhân loại; bằng cớ là mọi quốc gia muốn độc lập, đều đã có độc lập và hơn thế nữa, đa số các trường hợp còn giành được độc lập trước và ít tốn kém hơn Việt Nam (!). Với mấy người này, họ cố tình quên trước khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, chính quyền nước Pháp quyết "khôi phục lại những quyền lợi ở Ðông Dương". Quyết tâm này thể hiện qua hàng loạt các hành động quân sự trong những năm 1945 - 1946. Trong thời đoạn đó hoàn toàn không có một "cơ hội hòa bình bị bỏ lỡ", khi những người cầm quyền ở Pháp quyết đặt lại ách cai trị của thực dân ở Ðông Dương bằng vũ lực. Ở thời điểm cuối năm 1946, những cố gắng vãn hồi hòa bình đầy chính nghĩa của phía Việt Nam, đặc biệt là của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuối cùng vẫn bị những người điều hành chính sách của nước Pháp làm đổ vỡ, mặc dù lúc bấy giờ, thời đại của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ thật sự đã kết thúc. Nhân dân Việt Nam không muốn chiến tranh, "chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng", nhưng khi độc lập dân tộc bị đe dọa thì nhân dân Việt Nam "thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Người Pháp đã không thấy điều đó và đã nhận thất bại. Sau này người Mỹ cũng lặp lại sai lầm tương tự. Một vài người khi đề cập tới hai cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân Việt Nam trong thế kỷ 20 lại tập trung khai thác và nhấn mạnh một số biểu hiện bên ngoài để khẳng định: Người trong một nước giết nhau trên một quy mô lớn và trong một thời gian dài thì đó là nội chiến, dù có hay không có sự can thiệp từ bên ngoài (?). Luận điểm này là cố tình đánh đồng tinh thần yêu nước của nhân dân anh dũng đứng lên bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ các giá trị nhân văn với bộ phận xã hội đã tự biến mình thành công cụ trong tay ngoại bang.
Tựu trung, chỉ có thể giải thích hiện tượng "quên" đó là: tư liệu không được sử dụng để nghiên cứu toàn diện, khách quan theo phương pháp sử học đúng đắn, mà nhằm phục vụ mục đích đen tối, lấp liếm để đánh đồng chính nghĩa với phi nghĩa, đúng với sai, từ đó dẫn đến kết luận phiến diện, xuyên tạc,...
Phương pháp lịch sử được sử dụng để nghiên cứu, trình bày một sự vật, hiện tượng có thời gian xuất hiện, hình thành, và có các bước vận động, phát triển,... để thấy được tính liên tục, từ đó rút ra các tính chất, đặc điểm, xu hướng, quy luật vận động. Phương pháp lịch sử giúp đi sâu tái dựng được cả không khí lịch sử, tâm lý, tình cảm của con người trong những sự vật, hiện tượng tiêu biểu. Phương pháp lịch sử không phải là sự liệt kê nhiều sự vật, hiện tượng, mà cần biết lựa chọn sự vật, hiện tượng tiêu biểu, điển hình, là biểu hiện tập trung phản ánh quy luật vận động của lịch sử. Nghiên cứu các sự kiện quan trọng, không những phải làm sáng tỏ điều kiện hình thành và diễn biến của sự kiện, mà còn phải đi sâu tìm hiểu làm rõ sắc thái riêng của từng sự kiện, mô tả được tâm lý, tình cảm của quần chúng nhân dân và cả không khí xã hội ở thời điểm sự kiện lịch sử diễn ra. Dựng lại sự kiện lịch sử một cách sơ sài, giản đơn, sẽ sa vào lối phản ánh chung chung. Ðặc biệt, nghiên cứu lịch sử phải tỉ mỉ, công phu, phải xem xét mọi mặt biểu hiện, không được đơn giản, càng không được cắt xén làm cho lịch sử trở nên đơn điệu, tẻ nhạt, thậm chí méo mó.
Sự thật lịch sử chỉ có một, nhưng lại có thể xuất hiện ý kiến bình luận khác nhau. Bình luận có sức thuyết phục nhất là căn cứ vào sự thật và vận dụng phương pháp lịch sử nhuần nhuyễn, nhận được sự đồng tình của giới sử học và xã hội. Ðể đi tới sự thật lịch sử, không thể sử dụng lối đánh giá cảm tính "yêu nên tốt, ghét nên xấu", không được xuất phát từ quan điểm cá nhân, sử dụng tư liệu sơ sài, mà cần có quan điểm khách quan, toàn diện, dựa trên cơ sở sử liệu đầy đủ, được thẩm định kỹ lưỡng. Không ai có thể khẳng định mình có nhận thức lịch sử chính xác nếu không sử dụng có hiệu quả các nguyên tắc của phương pháp lịch sử. Nhận thức lịch sử có được sau một quá trình nhận thức, trong đó không phải không có yếu tố chủ quan, phiến diện và sai lầm là một khả năng. Tuy nhiên, có thể châm chước sai lầm do vô tình hay thiếu năng lực nghiên cứu, nhưng không thể bỏ qua các sai lầm về phương pháp luận, mục đích luận. Vì nếu sai lầm về phương pháp luận liên quan tới tư duy, thì sai lầm từ mục đích luận sẽ dẫn tới hành vi vi phạm đạo đức khoa học.
THIÊN PHƯƠNG

Friday 18 April 2014

Diễn từ nhận giải (Tạ Chí Đại Trường - Quỹ Phan Châu Trinh)


Diễn từ nhận giải - Tạ Chí Đại Trường


ÔNG TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG
DIỄN TỪ NHẬN GIẢI NGHIÊN CỨU

 


GARDEN GROVE ngày 12 tháng Ba năm 2014.

Kính thưa Bà Chủ tịch Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh,

Kính thưa Quý vị trong Ban Ðiều hành Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh,

Kính thưa Quý vị hiện diện,



Trước hết tôi xin được tỏ lòng biết ơn với tất cả những ai có lòng đề cử tôi vào việc nhận Giải của Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh lần thứ VII này. Tôi đã có lần nhắc đến câu Tái ông thất mã cho trường hợp viết một quyển sách của mình. Ðến nay, tuy không muốn cho ý tưởng mang tính định mệnh tiêu cực của câu nói trên chen vào quyết định đầy hướng vị tha nhưng chắc cũng phải gặp nhiều trở ngại này của Quý vị, tôi cũng vẫn cứ muốn nhắc lại nó để giữ vị trí kẻ bên lề của tình hình nghiên cứu sử học trong một nước mà tôi không được quyền tham dự. Theo tôi, có như thế, một kẻ suốt mấy mươi năm không bước chân vào một thư viện lớn nhỏ nào, không chịu sự kềm thúc của một cơ quan nghiên cứu nào như tôi mới có thể vượt, ít ra là một chút mất lòng, khi nhìn lại những vướng mắc cụ thể ngay từ trong quá khứ đến những hiển hiện trước mắt của một nền sử học muốn là khoa học cho Việt Nam. Xin Quý vị cho tôi tỏ bày:



NHỮNG VÒNG KIM CÔ CỦA NỀN SỬ HỌC VIỆT NAM



Một nền sử học truyền thống khu vực chưa qua...


Việt Nam có một nền sử học lâu đời lấy từ truyền thống viết sử khu vực Ðông Á, điều này không phải gây tranh cãi. Chứng cớ còn đó: Ðại Việt sử kí toàn thư, (Ðại) Việt sử lược, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Thực lục của nhà Nguyễn... Nhưng nằm trong phát triển riêng biệt của khu vực, các công trình ghi nhận quá khứ ấy cũng phải chịu nhiều ràng buộc từ thể chế chính trị, áp lực văn hoá sản sinh ra nó, chuyển biến từ trung tâm Trung Hoa lan ra vùng ngoại biên, ở đây là Việt Nam với tính chất riêng của vùng thụ nhận.



Trước tiên việc viết sử nước, với khởi thuỷ là của triều đại, là do một cơ quan chuyên trách ăn lương nhà nước, được gọi là Quốc sử quán, Quốc sử viện... tuỳ thời vụ. Tuy khi thiết lập thể chế, hoặc được thúc đẩy bởi những lí tưởng cao cả, hoặc từ thực tế muốn tạo sự quân bình quyền lực, người ta đã đưa ra cả một khuôn mẫu lí thuyết và thực hành để người viết sử có thể thực hiện nhiệm vụ của mình nhưng mối tương quan bất bình đẳng giữa người chủ làm-lịch-sử có quyền lực và kẻ làm công viết-lịch-sử vẫn là điều không tránh khỏi. Ở Trung Quốc, các ông sử quan ươn ngạnh hùng hổ xuất hiện trong các đời Xuân Thu Chiến Quốc mờ mịt, nhưng sự thực có thể kiểm chứng được là trường hợp Tư Mã Thiên bị thiến và Ban Cố nằm ngục của triều đại Hán. Ðịa vị người cầm bút ở Việt Nam càng thấp kém hơn khi đối với giới cầm quyền, họ chỉ là kẻ phụ thuộc với chỉ danh chung, “thư gia” còn mang chút nể trọng của Lí, đến sỗ sàng: “thư nhi”, “gia thần” của các hoàng tộc Trần trong tiếng gọi thường tình, và chỉ hẳn là “nô” khi cần phải trừng trị... Cho nên nho sinh Ðoàn Nhữ Hài sửa thực lục, đốt bỏ bản cũ hẳn là đã làm đúng chức phận của tầng lớp mình. Có tổ chức lại cho hợp với đời mới thì bầy tôi của vua, “quốc thần” cũng vẫn bị Lê Thánh Tông mắng sa sả như thường.



Cái luỵ vì làm kẻ đi sau, có khuôn mẫu để ngưỡng mộ đã khiến cho sử Việt có dấu vết được chép qua những hình ảnh xuất hiện ở phương Bắc trước đó. Ví dụ chuyện giữa Ðinh-Ngô với vai trò trung gian Ðinh Liễn có dáng của Lưu Bang, Hạng Vũ, chuyện Trần Thánh Tông đốt bỏ hòm sắc đầu hàng đã thấy ở Tam Quốc chí diễn nghĩa. Hoàng hậu Trần che cho chồng tránh con báo sỗng chuồng như chuyện trên một họa đồ cũ của Hán. Và điều này thì không phải là chuyện thóc mách của người đời nay: Nguyễn Nghiễm đã từng thắc mắc chuyện Lê Hoàn cướp ngôi Ðinh quá giống màn Binh biến Trần Kiều của Triệu Khuông Dẫn... Có thể coi những ghi chép này chỉ là kết quả vài trường hợp cụ thể của đường nét tiến triển chung học được về quan niệm thịnh suy của triều đại, như khi Ngô Sĩ Liên mượn nói về sự suy sụp đời thượng cổ, “chỉ vì vua Hùng say sưa, bỏ việc nước”! Cái “nước” đó cũng có khuôn mẫu là một hệ thống cai trị chuẩn mực quyền hành sâu sát từ trung ương đến địa phương, đầy tự tín cho sử thần!



Tai hoạ xảy ra cho tình trạng quá khứ Việt xuất hiện không đúng với sự thật, có phần cũng chỉ vì sử được viết bằng chữ nước ngoài, một điều kiện bất khả kháng của tiến triển dòng tộc cai trị trong suốt thời gian dài. Bố cáo của triều đình phải có người “dịch” ra cho dân chúng hiểu. Ngoại ngữ Hán đã khiến sử quan không đủ chữ để diễn tả các sự vật, sự việc chung quanh, nhất là khi tầng lớp cai trị trên cao còn có sinh hoạt gần với dân chúng, như trong thời gian của những thế kỉ đầu độc lập. Còn khi đã chen được vào các sinh hoạt của khuôn mẫu thì sự ghi chép lại trở nên nhàm chán vì quen thuộc như chứng dẫn ở giai đoạn Lê Trung hưng trong Toàn thư.Người học, học xong đã đuối thì thấy gì tương tự dễ  chộp ngay làm của mình cho khoẻ. 



Một khuôn mẫu có sẵn phát triển trên một vùng đất chật hẹp không tạo ra nhiều tình huống phức tạp cũng là nguyên nhân khiến cho phần sử cổ, trung đại Việt Nam bị bó gọn trong một quyển, gom lại có tên rút gọn ngày nay là Toàn thư, được coi như là bằng cớ chắc nịch của quá khứ, chỉ để noi theo, xê xích thêm bớt, tán rộng chứ không phải là những chứng dẫn để chịu đựng sự tra xét nghiêm ngặt khi muốn tìm hiểu quá khứ như đối với bất cứ tài liệu nào có dưới tay sử gia. Thái độ đó đã thấy ở người xưa, với Ngô Thì Sĩ trong Ðại Việt sử kí tiền biên, và, thật tội nghiệp, như vẫn thấy hầu hết ở “công trình sử học” của các danh gia lớn nhỏ bây giờ. Quyển thông sử cương mục của nhà Nguyễn chỉ nổi bật ở phần chú dẫn địa lí, tuy muộn màng những cũng là mang lại thành công đáng kể ở khía cạnh mới. Lỗi lặp lại, ghi chép qua loa không phải ở sử quan Nguyễn bởi vì phần lớn họ cũng xuất thân từ đất của các vương triều Lí, Trần, Lê, nơi cũng chỉ để lại trong quá khứ chừng ấy chuyện, không biết phải tìm thêm ở đâu khác, bởi vì những người đồng sự bậc tiền bối của họ không chịu khó làm việc chữ nghĩa ngoài phận sự “dân chi phụ mẫu” trên trước. Một số ít công trình lạc loài đâu đó về những sắc màu biến chuyển của những thành phần bên ngoài nơi chốn cung đình, hay cả những sự kiện nằm trong triều đình, hình như đã không đủ mức độ uy tín khiến cho các sử quan khi sử dụng chúng phải dồn vào trong hình thức chứng từ mơ hồ “dã sử”, rõ ràng là mang tính coi nhẹ ngay từ khởi đầu. Cái khuôn khổ chật hẹp được định hình rốt lại đã gây khó khăn cho các ý thức cởi mở khi đất nước lớn rộng, chứa chấp các đối tượng mang nhiều màu sắc phức tạp, khó nắm bắt.



Tính chất “độc quyền” lưu giữ quá khứ của quyển Toàn thư có nguyên nhân bởi chính thể chế đã tạo ra nó, lại vẫn chứa đựng những yếu tố lâu dài chực chờ yểm trợ hay biện minh cho những diễn biến tiếp nối. Quan niệm vể lịch sử duy trung tâm có thể xuất hiện bất cứ ở đâu có một chính quyền mạnh nhưng ở vùng Á Ðông thì đã có tên riêng khởi đầu trong vùng châu thổ Hoàng Hà với một Trung Quốc văn minh, bao quanh bằng một lũ Di Man phải được nâng cấp cho theo kịp vùng trung tâm, tất cả theo một tiến trình mang tên làVương hoá. Rồi đi theo với sự lan truyền trong thời gian, trên đất cựu thuộc địa của đế quốc Hán, Ðường trở nên độc lập, lại có thêm một khuôn mẫu Trung Quốc tự xưng khác mang những tên An Nam, Ðại Việt, cũng coi những tập đoàn chung quanh là Di Man với các tên riêng biệt của họ: Nùng, Thổ... Lâm Ấp, Chiêm Thành, Chân Lạp, Cao Miên (Khmer). Quan niệm về trung tâm ưu việt và tính chính nghĩa của quyền lực nằm ở trung tâm ấy đã khiến xảy ra những cuộc tàn phá, huỷ hoại chứng tích của những tập đoàn yếu thế, cùng chủng tộc hay không, như Việt đối với Chiêm Thành, Trịnh Lê đối với Mạc, Nguyễn Gia Miêu đối với Tây Sơn. Quan niệm trung tâm ưu việt đó vẫn thấy tiếp nối đến ngày nay với những huênh hoang dù có lúc ngượng ngùng: Ta là Nhất, là Riêng Biệt.



Sử sách Việt được viết tiếp nối theo quan niệm ứng xử đó với các dân tộc lân bang, cũng lại tiếp tục được đem dùng với cả những người ở xa, với bọn Dương Di “mắt xanh như của những xác chết trôi”, bị ghê tởm dù đã đi trên những tàu chiến áp đảo. Thực tế tương quan quyền lực dễ dàng làm thay đổi cách đối phó với nhóm người này nhưng sự tiếp xúc với thế giới to rộng cũng gây một chút điều chỉnh lúng túng với nhóm người cũ. Vào thời cổ động một thế giới đại đồng, chống đối thực dân xâm lược, quyển sử của VNDCCH, ngoài những nguyên nhân khác, đã né tránh đến việc phát triển phần đất phía nam trên chủ quyền của dân tộc Chiêm Thành. Công cuộc kinh dinh của một chúa Nguyễn bị thù ghét, đem lại một nửa diện tích cho đất nước ngày nay lại chỉ được trình bày trong vài chục trang ngắn ngủi. Và khi sửa lại sách của Trần Trọng Kim, tái bản năm 1999, người ta không nệ vấn đề tác quyền, đã bỏ cả vài  mục “nhạy cảm” trong quyển sách. Nhưng những điều chỉnh lặt vặt đó không ngăn chặn được vai trò to lớn của quyểnToàn thư vì sự độc quyền chép sử khu vực khá liên tục lâu dài trên phần đông bán đảo Ðông Dương. Nó được khai thác theo với sự thành lập nước Việt Nam độc lập mới, không những mang những kiến giải huênh hoang khá lạ lùng mà còn đang được sử dụng theo hướng thành lập một nền Quốc giáo, cho là dựa trên các sử liệu chắc nịch cũ để đảm bảo cho một chủ nghĩa dân tộc thần thuyết dẫn vào tương lai. 



Sự đứt đoạn cũ, mới



Những ràng buộc cụ thể hay vô hình, khắc nghiệt hay lơi lỏng tưởng có thể mất đi với sự sụp đổ của triều Nguyễn, triều đại gắn liền với một truyền thống viết sử mang nhiều hệ luỵ vật chất, tinh thần mà người viết sử phương Ðông phải gánh chịu qua nhiều ngàn năm. Bởi vì người Pháp xâm lăng Việt Nam không phải chỉ tước quyền một triều đại mà còn đem lại một vũ trụ quan, một nhân sinh quan mới trong đó có chỉ ra cách nhìn, cách viết về quá khứ theo đường lối phát triển của họ.

Nói đúng ra, ngay cả khi mất quyền cai trị đất nước, triều Nguyễn vẫn còn giữ được một dáng hình phụ trợ cần thiết với hệ thống vua quan, cả đến tận chức quyền xóm làng để có thể lưu giữ những cơ quan vô hại như Quốc sử quán, được tiếp tục làm công việc trong thầm lặng của mình. Các sách địa chí lịch sử đề xướng từ đầu đời, viết về thời gian còn chủ quyền, mãi đến gần cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX mới thấy đem ra in ấn chính thức, mà theo lối cũ, nghĩa là bằng bản văn chữ Hán, in mộc bản. Trong giai đoạn mất quyền thực sự của các đời cuối, vua quan gần như hết chuyện làm, đã cố vớt vát ghi thực lục trong vài mươi trang bản thảo lưu lạc chìm lấp, chỉ mới trở lại in, dịch trong thế kỉ XXI.



Dòng sử kí âm thầm, nuối tiếc ghi chép với một chút ấm ức đối với người cai trị mới đó, rõ ràng không đủ biểu hiện những biến chuyển đã xảy ra trên toàn đất nước trong cùng thời gian. Người Pháp đã đem lại một quan niệm mới về cách nhìn quá khứ của dân chúng trên phần đất họ chiếm được, ghi chép từ những sự việc vừa xảy ra, mới xảy ra cho đến việc tìm tòi đi sâu vào những mù mờ, tối tăm của lịch sử, đầu tiên là họ tự làm, nơi thường được gọi là Trường Viễn Ðông Bác Cổ đặt ở Hà Nội, và hội đoàn Les Amis du Vieux Hue nằm ở xứ Huế, hội Khảo Cổ Ðông Dương ở Sài Gòn. Người cai trị lo giữ gìn sự trị an, ép buộc dân chúng thuộc địa chuyển đổi theo cách cắt đứt quá khứ, bỏ chữ Hán thay bằng “quốc ngữ”, xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết lập các thể chế xây dựng kinh tế, cai trị theo thời mới, từng bước chuyển đổi giáo dục... khiến dân Việt dù muốn hay không cũng phải đi vào sinh hoạt toàn cầu, dứt khoát không có đường trở về lối cũ. Người Pháp chưa phải quan tâm tới việc đào tạo một thế hệ sử quan mới, sử quan khoa học nhưng chính những thay đổi mang tính “cách mạng” (đổi đời) của chế độ thuộc địa cũng mang lại một lớp người nhiều sắc màu, có lúc nhìn về quá khứ dân tộc, đất nước theo cách phản kháng nhưng vẫn khuất lấp chấp nhận những ân huệ từ cung cách thay đổi đất nước của những người cầm quyền thực dân.



Cũng có thể kể trường hợp riêng biệt về Trương Vĩnh Ký như một sử gia Việt (tự do) đầu tiên nằm trong giao thời nhưng với những ồn ào tranh chấp nghiêng nhiều về tính chất chính trị, kèm cặp với thành phần tôn giáo của ông, khiến hình như chưa ai có nhận định kĩ xem quyển sử Việt viết bằng tiếng Pháp của ông đã mang tính chất gì trong dòng sử học chung. Theo kịp với cải cách giáo dục mới, nhà giáo Trần Trọng Kim đã nhanh chóng khai thác sử liệu cũ, mới tập họp thành quyển An Nam sử lược (1918) nhưng có vẻ lạc loài trong tình hình kiến thức chung, chứng tỏ là nó chỉ nổi bật trong quần chúng theo tên sửa lại Việt Nam sử lược đi theo với khuôn khổ chính trị mang tên Quốc gia Việt Nam của thời Hoàng đế Bảo Ðại trở lại chính trường. Tất nhiên là ta chưa nói đến những người được đào tạo chính danh về sau qua các trường Ðại học mở ở Hà Nội hay dạy du học sinh tại Pháp, đã trực tiếp đào tạo Nguyễn Văn Huyên, Trần Văn Giáp... gián tiếp gây thành tựu cho một Hoàng Xuân Hãn. Nhưng một tinh thần khoa học mới thấm nhuần qua nền giáo dục cải cách cũng có tác động lên tầng lớp trí thức An Nam làm việc trong công quyền, chuyên môn hay không. Không những có một Nguyễn Văn Tố với vai trò trưởng ngành hành chính của Viễn Ðông Bác Cổ, vượt được công việc giấy má chắc là cồng kềnh nhàm chán, để tỏ bày thêm khả năng sửa chữa văn từ cho ông Việt trưởng mà còn thoát thân ra ngoài xã hội làm cây bút chính của tờ Tạp chí Tri Tân, nghiên cứu sử Việt phần lớn còn rụt rè theo những văn bản, thư sử cũ. Cả những người đến Trường Viễn Ðông Bác Cổ, thoảng qua so với thời gian lập nghiệp to lớn, như Phạm Quỳnh mà cũng thấy thâm nhập quan điểm mới để nghi ngờ rằng thời đại Hai Bà Trưng chắc không vĩ đại như hình ảnh “đầu voi phất ngọn cờ vàng” đi trả thù chồng, hùng dũng trong sử sách thơ ca hoà nhịp với những diễn tập ồn ào hàng năm ở các hội làng. Nhưng tất cả những người ấy sẽ lại trở thành những nạn nhân của một thời mới không thành hình của một đường hướng lịch sử khác, bắt nguồn từ tính chất bảo thủ truyền thống trong khu vực, mà lạ lùng thay, có sự đóng góp của những người cai trị thực dân đang muốn chuyển đổi truyền thống như đã thấy.



Khởi xướng đầu tiên là thành phần ưu tú chống đối chế độ thuộc địa. Lúc nào cũng cần phải có người cầm đầu nên phong trào Cần vương xuất hiện trong thời gian xung đột mất chủ quyền đầu tiên. Trước sức mạnh không chối cãi được của súng đạn, người ta không tin vào thế lực thế tục của chính mình nữa nên phải viện dẫn đến thần thánh. Ở cuối phần đất phương nam, thêm vào hình ảnh một ông Gia Long tẩu quốc / phục quốc có một ông Minh vương đuợc chờ đợi xuất thế, đôi khi dưới dạng ông Minh Mạng có chữ “minh”! Trên phần đồng bằng phía Bắc, người ta không cần đến dạng hình mơ hồ Minh vương, lại đang sẵn căm ghét một Minh Mạng “cấm quần không đáy”, gợi đến một triều đình với người khai sáng chiếm đất vua cũ của họ mà tội lỗi “cõng rắn cắn gà nhà” hiện hình ngay trong hiện tại với xác thân dòng dõi: “Ai về điện phủ hỏi Gia Long, Khải Ðịnh thằng này phải cháu ông?” (Ngô Ðức Kế). Các nhà trí thức chống đối ở đây đã đi tìm đấng thiêng liêng ngay trong hình ảnh được ghi chép trên quyền sử độc nhất có thẩm quyền như đã nói. Và vua cũ đã xa đời, quá mờ mịt thì hình ảnh ông tổ đất nước, dân tộc càng đậm thêm nhiều thắm thiết, ước ao. 



Ðã nói đến cái lối nhìn Toàn thư như hình tượng chân thật của quá khứ chứ không phải như một chứng từ còn gây tranh luận, nay thêm với tình cảm thúc đẩy, người ta đã coi chuyện Ngô Sĩ Liên đem kỉ Hồng Bàng vào phần mở đầu lịch sử nước như một xác nhận không phải bàn cãi, quên rằng ông sử quan cũng có lúc ngờ vực, phân vân, thấy có quái đản nên nhắc câu Dĩ nghi truyền nghi, như bất cứ ông nho sĩ nào của thời đại ông, giống như đã bắt gặp luôn cả ở các ông sử quan Triều Tiên / Ðại Hàn khi họ nói về khởi thuỷ của đất nước mình. Cũng có việc biện minh về sự kiện “truyền miệng” để Ngô Sĩ Liên làm cớ che chắn nhưng câu chuyện Hồng bàng thị rõ là một thứ tập họp bát nháo, xáo trộn từ  những quyển sách gốc Trung Quốc, có tác giả, chỉ về một khu vực chẳng dính dáng gì đến lưu vực sông Hồng không dễ dàng di chuyển đến khi chưa có máy bay. Sách có căn cước sai lầm chỉ rõ được, không phải đợi đến một vài tác giả ngày nay bài bác để bị mắng chửi mà ngày xưa ông Ngô Thì Sĩ cũng thấy ra rồi! Nhưng không hề gì, còn có trong khu vực một cái đền của thủ lĩnh địa phương Tày Thái nào đó, nối kết tên Hùng Vương lẫn lộn Lạc Vương còn lưu vài dòng chữ của khoảng thế kỉ V, VI đủ để các nhà nho Việt thế kỉ XIV cho nối cánh tay dài lên đến tận hồ Ðộng Ðình, để lập một phả hệ cho đất nước, với tâm ý có lẽ như một sự tự hào trong sự tranh đoạt vai trò Trung tâm / Trung Quốc. Nhưng chút ít như thế cũng là đủ cho các nhà nho, các người chống đối chế độ thuộc địa viện dẫn thành ưu thế tinh thần trong cuộc chiến đấu bất cân xứng, mà với đương thời của họ cho thấy toát ra một chút hụt hơi tuyệt vọng... 



Sự cố gắng kêu gào đến quá khứ con Rồng cháu Tiên cũng đến tai người cầm quyền mới để, với sự tinh ranh quen thuộc của nhà chính trị, họ đem ra khai thác lấy lợi về phần mình. Ðã có cái quảng cáo Rồng Nam phun bạc, đánh đổ Ðức tặc trong Thế chiến I, nhắc mãi về sau thành chứng cớ tội lỗi tầy đình cho một con người nổi tiếng. Và thật đúng,  những lối tuyên truyền vỗ về dân chúng như thế cũng mang lại hiệu quả là nguời Pháp đã giữ yên được thuộc địa Ðông Dương có khoảng 15 triệu người Việt, với chỉ vài ngàn quân trấn giữ, cùng một hệ thống hành chính xộc xệch vì đã mất nhiều cán bộ phải lâm chiến ở chính quốc. Hết chiến tranh, tuy ở phe thắng nhưng quyền lực vẫn mong manh, người Pháp lại phải o bế tiếp dân thuộc địa, và có vẻ vì thấy hiệu quả của món hàng con Rồng cháu Tiên, họ lại chăm chú khai thác tiếp. Họ để vua bù nhìn Khải Ðịnh vươn cánh tay dài ra đất Bắc, mang tiền của dồi dào tu sửa đền Hùng, dựng bia kỉ niệm, đặt mốc ngày tế hàng năm khiến cho một lễ hội mùa xuân co dãn trở thành có tính cách chính quy: ngày 10 tháng Ba, chọn lựa tình cờ trong khoảng mươi ngày hội lễ hàng năm ở đấy, sẽ mở đường cho sự thành hình cố định một Quốc lễ. Người ta đã thấy trong những năm 1920 sự thờ cúng Hùng Vương trên đất Bắc nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Sự phồn tạp của hình tượng đền đài phải dẫn đến một nội dung phong phú của đối tượng tế lễ. Cho nên có thể nói là các ông Hùng Vương xưa, với các thứ bực theo số lượng, trải qua đến cuối mùa Nguyễn vẫn chỉ có hai thuỵ hiệu Hùng Duệ Vương, Hùng Hiền Vương trên bia đá, chắc chắn là có đủ tên 18 ông ngay trong bản gốc Ngọc phả được sáng tác vào thời kì phục dựng này, trong hai hay ba dị bản mà người ta còn giữ để đem trưng dẫn trong các cuộc hội thảo ngày nay. Cho nên dù đã được Lê phong là Thánh tổ, ông thần đền Hùng đến giữa thế kỉ XX mới thâu lượm đủ uy thế quần chúng để làm mưa làm gió trong tiến trình tranh đấu cho nền độc lập thống nhất mới. Và chồng chất cho nền sử học nước nhà những hệ luỵ trên những vòng kim cô cũ nặng áp lực mới hơn.



Và một thời đại sử học khoa học nhiều ngáng trở



Tình hình chuyển biến trên thế giới đến mùa thu 1945 mở ra một nước Việt Nam độc lập, kéo dài phức tạp trong sự tranh chấp quyền hành với chính quyền cai trị cũ, với các phe phái trong ngoài. Tuy nhiên nước đã có thì việc nhìn lại quá khứ quốc gia dân tộc không phải chỉ bàng bạc trong tâm ý một số người mà còn được cố định bằng những cơ quan chuyên trách, nhất là khi đất nước Việt Nam độc lập, ngay từ lúc đầu đã nằm trong sự quản lí của một nhóm lãnh tụ đi theo một ý thức hệ không chừa cho một sự buông lỏng nào hết. Thế là mối tương quan giữa người làm lịch sử và người viết lịch sử trở lại theo chiều hướng xấu, càng lúc càng đem đến sự đổ vỡ không cơ cứu vãn cho một nền sử học khoa học vẫn phải len lách chật vật cho hợp thời đại.



Ðã thấy người Pháp, trong khi cai trị thuộc địa, mang đến một lề lối suy nghĩ theo hướng thực nghiệm, không phải chỉ lan toả dần bên trong đất nước mà còn có cơ hội mời gọi từ ngoài thế giới văn minh, qua sự trung gian của tiếng Pháp (trước khi là của tiếng Anh), giống như ngày xưa, qua văn tự Hán mà nhà nho Việt đã bước ra khỏi cổng làng mình. Ông Hoàng Xuân Hãn không tốt nghiệp một trường Ðại học Khoa học Xã hội Nhân văn nào hết mà viết được quyển Lý Thường Kiệt hẳn là từ cung cách thu nhận bài vở, lời giảng dạy trong ngôi trường không có thầy đồ bình văn và môn sinh ê a sách thánh hiền cũ. Mẫu hình làm việc cho sử Việt có thể tìm ngay trong các bài vở tiếng Pháp của nhân viên Viện Bác Cổ hay của Hội Ðô Thành Hiếu Cổ chẳng hạn. Rõ rệt hơn hết là trường hợp trưởng thành của học giả Ðào Duy Anh. Và ảnh hưởng không thú nhận từ các tên thực dân đáng căm ghét kia đã bàng bạc trong lớp người xây dựng nền sử học của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, dù vẫn có những tiếp tay của thế giới xã hội chủ nghĩa đồng thời.



Chỉ vì trong giai đoạn đầu của thời kì giành độc lập, các cán bộ sử ăn lương nhà nước đã có cơ hội thực hành chuyên môn của mình ít gặp xáo trộn như ở những bộ phận khác. Tất nhiên khi tổ chức thành hình thì người cầm quyền cũng không chịu đánh mất sự hiện diện của mình, như đã thấy trong một vài bài mang hơi hướng chỉ dẫn đường lối của ý thức hệ mới. Nhưng có lẽ vì thực tiễn ở một nước thuộc địa khuất lấp không hề có trong đầu óc của các lãnh tụ khởi xướng mácxít, các đồ đệ ở xứ tư bản cũng chưa kịp định hình để khai thác loại lí thuyết Phương thức sản xuất châu Á cổ đại chẳng hạn, còn các nhà macxít Trung Hoa thì cũng chưa nghĩ ra cách thức Hoa hoá lí thuyết cộng sản, nên chuyện vạch ra một đường lối sử học xã hội chủ nghĩa cho lớp người mới đào tạo ở Việt Nam có lẽ chỉ dừng lại nhiều ở các cuộc họp hành đảng bộ hoặc đoàn thể mà thôi. Vả lại thời thế còn dành chỗ khá rộng cho các nhà nghiên cứu mới có công ăn việc làm với đề tài trước mắt về công cuộc chống ngoại xâm xưa và nay, và đi xa hơn, hứa hẹn mang nhiều hãnh diện là khai thác vấn đề nguồn gốc dân tộc tiếp theo công trình của học giả Viễn Ðông Bác Cổ. 



Và đến đây thì có sự hội nhập với quá khứ, để truyền thống được tân trang bằng khoa học, một ngành khoa học thực nghiệm mới: khoa khảo cổ học. Ngành mới, người mới thật dễ dàng cho một sinh hoạt gây nhiều tự tín và nhà nước đổ tiền của, vun bồi khuyến khích cũng không thấy phải uổng công. Kết quả là một tập họp bốn tập Hùng Vương dựng nước ra đời làm căn cứ cho niềm tự tin về một quá khứ lâu đời của quốc gia dân tộc, mang chứng cớ vật chất dồi dào qua những giai đoạn văn hoá có tên Ðông Sơn, Phùng Nguyên, Ðồng Ðậu, Gò Mun tạo hấp dẫn cả trên phần đất phía Nam đang đắm chìm trong khói lửa. Dù ngay đương thời các công trình đó cũng đã lộ ra những sơ hở, rồi về sau xuất hiện sai sót càng nhiều nhưng quan điểm thành hình về một ông vua Hùng thời cổ đại được chứng minh, đã trở thành “di sản thiêng liêng của dân tộc”,  nói như một quan chức sử học đương thời (Phạm Huy Thông 1985) “không cho phép ai lấy danh nghĩa khoa học mà phát ngôn tuỳ tiện”. Chỉ có trong riêng tư người ta mới xì xầm về những kết quả giả tạo của đường hướng sử học mới, mang những lấn át, có khi trấn áp thô bạo đối với những ý kiến khác biệt.



Có điều khó thật khó chấp nhận với nhiều người ngày nay, là sử Việt thật nghèo nàn tài liệu để có thể kéo dài một bộ thông sử từ một tập của Trần Trọng Kim ra hai tập của Việt Nam DCCH thế kỉ XX, ba tập của CHXHCN Việt Nam đầu thế kỉ XXI, với dự tính 15 tập chưa thực hiện đủ ở thập niên trước và 24 tập, nhất định hoàn thành theo tuyên bố mới đây (BBC 15-2-2014). Ít tài liệu không phải chỉ là lời nhận định bi quan của triết gia Kim Ðịnh. Ít tài liệu mà không thể dừng lại việc “bàn sử” thì phải kéo dài nó ra, “vẽ” thêm tài liệu mà khôn ngoan che giấu bằng luận thuyết, gọi là sử dụng “huyền sử”. Ðúng ra thì cũng không có gì sai sót nặng nề ở ông linh mục triết gia này nếu ông vẫn dừng lại bên mép bờ huyền sử như ông đã quen với các hình ảnh ẩn dụ trong sách Cựu ước của ông để “lâu lâu nói chơi cho vui” với các nhân vật huyền sử Việt, hay đẩy đưa tìm tòi về một nền tảng uyên áo nào đó trong lề lối suy nghĩ của người dân cùng tổ quốc với ông. Có điều những biến động mang tính toàn cầu dồn dập xảy ra trên đất nước đã tạo ra ảo tưởng quá phận về những ý tưởng bất chợt lại tìm được quần chúng, khiến cho kết luận “Việt vào Tàu trước” của ông đã mở đường cho những khai thác được gọi là sử học có thể nhìn theo hai hướng. Một hướng của những kẻ liều lĩnh, nói huyên thiên, không cần chứng minh, “không chịu trói mình vào văn bản” – “có thế mới gọi là huyền sử”, viện dẫn những bằng chứng do nghe ngóng, càng cao cấp càng tốt, càng dễ đem ra hù doạ, phát xuất từ những kẻ tìm cách chòi đạp để hiện diện bên cạnh những người có đôi chút tiếng tăm. Cung cách ăn nói mạnh bạo, hùng hổ đòi san bằng, xoá bỏ toàn bộ kiến thức cũ để đem đến một thứ Copernic mới, tuy chỉ là một lối ghép-chữ của những người Cứ tưởng biết được chữ là viết được sử, nhưng vì có ẩn giấu một thứ mặc cảm bị trị chống thực dân vẫn còn bị chèn ép nên những bài vở loại này cũng được xuất hiện cả trên những đối đáp học thuật được nhún nhường trước, gọi là “trao đổi”, “phản biện”. Hướng thứ hai của những người kín đáo hơn -- để khiến có kẻ phải lên tiếng chỉ trích, tố cáo -- nhằm khai thác đại loại những thứ “Việt lí tố nguyên” trong lí số tử vi, trong khái niệm âm dương, Dịch lí để tìm ra, ví dụ tính chất “trọng âm”, “âm tính” trong văn hoá người Việt, hay chuyển qua loại đề tài Bách Việt, luồn những Viêm Ðế, Xi Vưu, Câu Tiễn, Triệu Ðà... dưới dạng hình map-Google tân thời. 



Phải chịu dừng lại ở “huyền sử” vì Kim Ðịnh chỉ là một ông thầy giáo của phần nửa phía nam Việt Nam, nơi cũng nhận được phần truyền đạt mơ hồ lãng mạn về nguồn gốc con Rồng cháu Tiên, hay vừa mới cụ thể hoá bằng câu “ca dao”: Mồng mười tháng Ba... từ nhóm người di cư đầy quyền lực quần chúng mang vào sau năm 1954. Tiếp theo, đối với tập đoàn chiến thắng 1975 gồm những người từng khai thác hiệu quả khẩu hiệu “4000 năm giữ nước và dựng nước” và lớp người kế tiếp xuất thân đồng quê, tách biệt đến vài thế hệ với quan niệm về chứng nghiệm khoa học của thế giới mới, đối với những người này, huyền sử là sự thật lịch sử không còn phải phân vân gì nữa. “Người dân Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc. Vua của Việt Nam cũng khởi tổ từ Trung Quốc, coi vua Trung Quốc như anh như cha...” Câu nói gây phản ứng ồn ào của Ðỗ Ngọc Bích (17-10-2010) không phải chỉ là lời thất thố vụng dại mà rõ ra là được un đúc từ sinh hoạt cổ sử đã trở thành bình thường trong nước, trong đó dấu ấn địa danh Trung Quốc (Ngũ Lĩnh, Ðộng Ðình), nhân danh anh/em Ðế Nghi / Lộc Tục của Hồng Bàng thị đã thấm vào tận tâm ý nhà khoa bảng. 



Hướng vọng xã hội chủ nghĩa cụt đường cũng mở lối cho ý định tìm một căn bản sâu thẳm nhằm kết tập toàn thể dân chúng dưới tay. Thế là có sự chuyển hướng chính sách của Ðảng, của Nhà nước nhắm vào việc phục hồi “có chọn lọc” các giá trị truyền thống, công nhận những lễ hội trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Những xây cất dồn dập tạo cơ sở vật chất để quyết định năm 2007 của Quốc hội CHXHCN VN mang tính chính thống mới đối với dân nước, tiếp theo bằng sự chuẩn nhận Lễ hội của quốc tế năm 2013, đóng thêm dấu ấn quyền lực trên sử gia thời mới về một vấn đề sử học vốn thuộc về quá khứ mà theo họ, vẫn phải chỉ được nhìn theo hướng chứng nghiệm đã qua mà thôi.



Những người làm lịch sử hiện tại như thế đã tạo được, không biết kéo dài trong bao lâu, mối tin tưởng vế một lịch sử thần thuyết của dân tộc để trang bị cho một chủ nghĩa huyết thống tập thể cần thiết cho sự cai trị dân nước dưới tay. Lí thuyết đó có quyền lực chính trị bên trên, có sự ủng hộ của quần chúng bên dưới vẫn mang tâm hồn nhiều thế kỉ truớc, không cần và cũng không màng đến một sự biện biệt nghiêm túc. Tất nhiên chính quyền cũng thấy cần có những lí thuyết gia để, trước hết là phải đánh bạt các quan điểm cũ, mới nâng cấp được hệ thống thần thuyết của mình. Nhưng bởi tính chất của một đất nước đắm chìm lâu dài vào một nền văn chương rổn rảng, mớ triết lí thu thập ở mức trung bình, với những người chưa từng nghe đến tinh thần thực nghiệm, vẫn hiểu sử như lúc đang bàn sử, nên các trí thức này, hoặc thốt ra những lời bài bác thô lỗ cục cằn, hoặc ba hoa những lí thuyết lạc đề sử sự. Nghe họ nói, viết thấy cứ như người lên đồng trên giảng đường, trước đám quần chúng vô danh trong những cuộc mit tinh chính trị, hay ở tập họp quần chúng vô hình thời đại internet. Không hề gì, họ vẫn hiện diện, đầy uy thế.



Lấy ra ví dụ cụ thể về một vấn đề sử học, vấn đề nguồn gốc dân tộc như thế, với tình trạng những người không chuyên môn đòi dạy dỗ chuyên viên khi họ xúm lại mắng mỏ Trần Trọng Dương, hay cao ngạo lấn lướt các sử gia im tiếng khác qua khúc đoạn Kinh Dương Vương của nhà Hán Nôm, mới thấy được áp lực trùng trùng của những kim cô quyền lực trong quá khứ đối với sử gia đã không nhẹ bớt đi mà còn gần như bít hẳn con đường phát triển của một nền sử học khoa học hằng mong ước. 



Có bi quan hay không thì đó cũng là hiện trạng không thể che giấu trên đất nước này, trong thời đại bây giờ.



Garden Grove 11-3-2014



Xin Kính chào Quý vị.