Showing posts with label chiến tranh Đông Dương lần 2. Show all posts
Showing posts with label chiến tranh Đông Dương lần 2. Show all posts

Monday 26 September 2022

BÁO CÁO CỦA ÔNG TÔN QUANG PHIỆT, PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TẠI PHIÊN HỌP BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI, NGÀY 23-1-1959 VỀ VỤ THẢM SÁT PHÚ LỢI (VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960 )

 

VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

BÁO CÁO
CỦA ÔNG TÔN QUANG PHIỆT,
PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI
TẠI PHIÊN HỌP BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI, NGÀY 23-1-1959 VỀ VỤ THẢM SÁT PHÚ LỢI

 

Thưa các vị đại biểu,

Tôi rất lấy làm đau đớn và căm phẫn báo cáo trước Hội nghị Ban Thường trực Quốc hội và các đại biểu Quốc hội có mặt ở Hà Nội một tội ác mới mà đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng là tập đoàn Ngô Đình Diệm đã phạm ở miền Nam, một tội ác vô cùng dã man mà nói đến ai cũng phải ghê tởm, mà người có một chút lương tâm không thể tưởng tượng được. Tức là vụ đầu độc ở trại tập trung Phú Lợi giết hại hơn một ngàn chính trị phạm – một ngàn đồng bào ruột thịt của chúng ta – trong ngày 1-12-1958 vừa qua.

*

*      *

Trại tập trung Phú Lợi thuộc tỉnh Thủ Dầu Một (nay chúng đổi tên là Bình Dương) cách thị xã tỉnh 4 cây số và cách Sài Gòn 33 cây số ở một vùng rừng hẻo lánh. Trại rộng 120 mẫu tây, xung quanh có tường cao 3 thước. Có một hệ thống đồn bốt gồm 12 tháp canh với một tiểu đoàn bảo an vũ trang đầy đủ và mật thám, cảnh sát bao vây xung quanh.

Số đồng bào cả nam lẫn nữ (nữ có trên 1.000) cả già lẫn trẻ, có những em 2, 3 tuổi nữa, cả thảy gần 6.000 người gồm đủ các thành phần xã hội: lao động, trí thức, giáo sư, học sinh, tư sản dân tộc, các giáo phái, các nhân sĩ đã tham gia phong trào hòa bình Sài Gòn – Chợ Lớn năm 1954 và phong trào cứu tế nạn nhân năm 1955, cũng có những đồng bào không hề tham gia kháng chiến trước.

Ở miền Nam Việt Nam có hàng ngàn nhà giam và trại tập trung thì trại Phú Lợi là trại lớn nhất.

Để lừa bịp dư luận, che đậy những hành động khủng bố tàn sát đồng bào yêu nước ở miền Nam, bọn Mỹ - Diệm gọi các nơi này là “Trung tâm huấn chính” hoặc lớp “huấn chính”. Trại tập trung Phú Lợi được chúng gọi là “Trung tâm huấn chính trung ương”.

Sát cạnh trại tập trung này Mỹ - Diệm đã tổ chức một sân tập bắn, hàng ngày có tiếng súng nổ, để che mắt nhân dân khi chúng bắn chết người hàng loạt.

Hầu hết số đồng bào bị tập trung ở đây đều đã bị giam ở các nơi Côn Lôn, Biên Hòa, Chí Hòa, Thủ Đức, Bà Chiểu, Phú Quốc, Phú Lâm nay bị dồn về đó.

Vì không có lý do để đưa ra tòa án xử tội anh chị em, nên chính quyền miền Nam đã áp dụng chính sách giam giữ lưu niên, đánh đập tàn nhẫn, ai chết thì bỏ. Chế độ trại tập trung vô cùng cực khổ. Mỗi ngày mỗi người chỉ được phát một ít cơm gạo mục ngâm nước vôi với một nhúm muối và cá khô mục nát. Nước uống bị hạn chế, chỉ phát từng lon nước lạnh. Có người hàng tháng không được tắm giặt một lần. Chỗ giam thì chật hẹp, xung quanh bị bít kín. Người nằm, ngồi, chen chúc nhau rất là nghẹt thở. Các bệnh nguy hiểm phát ra thường xuyên: kiết lỵ, phù thũng, sốt rét, ho lao. Thuốc men thiếu thốn, gia đình phạm nhân có gửi thuốc đến cũng bị tịch thu; ngày nào cũng có 5, 7 người chết, có tháng chết đến trên dưới 200 người.

Thế mà bọn cảnh sát gác lại hàng ngày chửi mắng đánh đập các người bị giam giữ.

Ở trong các trại giam chính quyền miền Nam lại tổ chức ra các cuộc “tố cộng” để tìm cớ đánh đập hãm hại đồng bào.

Mặc dù ăn ở cực khổ, mặc dù bị hành hạ hàng ngày, mặc dù bị đe dọa dụ dỗ đủ cách, các anh chị em vẫn kiên quyết không chịu khuất phục Mỹ - Diệm, mà vẫn đoàn kết đấu tranh, giữ lấy tư cách con người, chống lại bọn phản bội quyền lợi dân tộc, quyền lợi Tổ quốc.

Thấy không thể phá hoại được tinh thần anh chị em, và chưa thỏa mãn với cách để anh chị em chết hao chết mòn dần dần, bọn Mỹ - Diệm đã âm mưu giết chết hàng loạt anh chị em. Đó là nguyên nhân vụ thảm sát ngày 1-12-1958. Hôm đó như thường lệ, đến bữa ăn anh chị em cùng nhau ra ăn cơm. Nhưng vừa ăn xong thì ai nấy đều ôm bụng kêu la, nằm xuống dẫy dụa, có người thể chất yếu hoặc trúng độc mạnh thì chết lịm ngay.

Cảm biết là nhà cầm quyền miền Nam bỏ thuốc độc, cả trại náo động kêu la ầm ỹ đòi bọn chúng mở cửa nhà giam cứu chữa.

Nhưng bọn cai ngục đã được chỉ thị ra lệnh cho lính khóa chặt các cửa nhà giam, đồng thời bủa lính bao vây trại, canh giữ nghiêm ngặt các ngả đường ra vào.

Một số ít anh chị em đã cố đu người lên xà nhà dỡ nóc nhà
trèo lên kêu cứu, đòi chính quyền miền Nam phải đem thuốc men cứu chữa. Nhưng bọn Mỹ - Diệm đã cho lính bắn xả vào giết chết một số.

Tính ra chỉ trong ngày 1-12 hơn 1.000 anh chị em đã bị chết rất thê thảm. Số còn lại thì nằm mê man bất tỉnh.

Trong lúc anh chị em trong các trại giam kêu la ầm ĩ thì đồng bào xung quanh dò hỏi biết tin rất kinh hoảng và căm phẫn, nhiều người kéo nhau tản cư về phía Sài Gòn, Chợ Lớn.

Đến ngày 2-12 thêm một số anh chị em nữa bị chết. Hơn 4.000 anh chị em còn lại đã nhất tề tuyệt thực đấu tranh đòi Mỹ - Diệm phải cứu chữa những người còn lại. Nhiều anh em cố gượng leo lên dỡ nóc nhà kêu cứu. Tiếng la thét vang dậy cả khu trại.

Bọn Mỹ - Diệm lập tức điều động thêm về Phú Lợi một trung đoàn bộ binh bao vây chặt chẽ trại tập trung, lùng khắp các xóm làng lân cận, hạ lệnh giới nghiêm, cấm nhân dân tụ họp bàn tán.

Chúng lại cho xe vòi rồng đến phun nước đàn áp cuộc đấu tranh. Từ sân tập bắn, hàng loạt súng liên thanh nổ dồn vào phía các nhà giam. Anh chị em đã yếu sức bị chết thêm một số, có anh chị em bị nước phun ngã từ trên xà nhà xuống gẫy tay chân hay vỡ sọ mà chết lập tức.

Bọn Mỹ - Diệm muốn làm cho phi tang đã đưa dầu xăng phun vào trại và ném bùi nhùi đốt. Có một nhà giam bốc cháy, một số anh chị em còn sống bị chết thiêu. Nhiều xác chết từ hôm 1-12 đã bị cháy tiêu.

Đồng bào xung quanh châu thành rất căm phẫn Mỹ - Diệm và thương xót cho các nạn nhân, đã mua thuốc men kéo đến đòi được giúp đỡ những người bị nạn. Các gia đình có thân nhân bị giam giữ rất là xao xuyến đã đòi các báo chí Sài Gòn cho biết tin tức. Nhưng bọn Mỹ - Diệm cố tình bưng bít không cho các báo đả động đến việc này.

Muốn đánh lừa dư luận bọn Mỹ - Diệm cho tung tin là ở Bình Dương có bệnh ôn dịch, tù nhân bị bệnh mà chết.

Nhưng ai cũng biết là nói láo, vì sau khi vụ này xảy ra, người ta đã đem cơm cho chó ăn thì chó chết, bỏ cho cá ăn thì cá chết. Cuối cùng chính quyền miền Nam lại tung tin là các tù nhân uống thuốc độc tự tử để đánh lừa dư luận. Nói láo nữa! đồng bào chúng ta ở miền Nam là những người yêu nước đã có một truyền thống anh dũng bất khuất, dẫu bị khổ sở dưới sự khủng bố của Mỹ - Diệm vẫn đấu tranh để sống, để đuổi Mỹ - Diệm ra khỏi miền Nam, để thống nhất nước nhà, không khi nào có cái tư tưởng tự sát. Luận điệu Mỹ - Diệm nhất định không lừa dối được ai, không lừa dối được nhân dân ta, không lừa dối được dư luận thế giới.

*

*           *

Thưa các vị đại biểu,

Những hành động điên cuồng của bọn Mỹ - Diệm chứng tỏ điều gì?

Nó chứng tỏ rằng bọn đế quốc Mỹ cướp nước, bọn Ngô Đình Diệm bán nước không từ một thủ đoạn gì mà không dùng để duy trì quyền thống trị của chúng. Mấy năm nay do Mỹ xúi giục Ngô Đình Diệm đã gây ra rất nhiều tội ác. Những vụ tàn sát người kháng chiến cũ và đồng bào ta ở Vĩnh Trinh, Hướng Điền, Ngân Sơn, Chí Thanh, Mỏ Cày, Bình Thành, những cuộc khủng bố tra tấn đến chết người ở các trại tập trung Hòa Vang, Đại Lộc, ở các nhà lao Côn Đảo, Chí Hòa… đã gây căm thù sôi sục trong đồng bào cả nước. Những hành động dã man đối với chị Trần Thị Nhâm mà mọi người chúng ta đều biết đã phơi bày rõ rệt bản chất bất nhân phi nghĩa của bọn độc tài thống trị ở miền Nam. Đến vụ thảm sát Phú Lợi thì bộ mặt ghê tởm của Mỹ - Diệm đã đến cực độ. Tìm những ví dụ trong lịch sử chúng ta phải nghĩ đến thời Hítle với các trại tập trung như: Anschwitz – Birkenau Pawiack ở Ba Lan, Dachau ở Đức. Có khác là Hítle đã giết người trong thời kỳ chiến tranh. Nhưng Ngô Đình Diệm đã giết người hàng loạt trong thời kỳ hòa bình lập lại đã hơn 4 năm!

Những hành động điên cuồng ấy không phải nói lên sức mạnh của Mỹ - Diệm đâu. Trái lại nó làm cho mọi người thấy thái độ của một kẻ yếu thế hoảng sợ làm liều mà thôi. Mỹ càng thâm nhập vào miền Nam, tình hình miền Nam càng bế tắc, nhân dân miền Nam càng căm thù mà đấu tranh thêm mãnh liệt. Thấy dư luận miền Nam và cả nước phản đối, Mỹ - Diệm đã báo thù bằng cách giết những người tay không, không những tay không, mà lại đã bị mất tự do, bị giam hãm trong trại tập trung. Có cái hành động nào hèn bằng cái hành động giết người ở trong nhà tù mà lại giết bằng cách bỏ thuốc độc vào bữa ăn!

Chúng ta hãy tưởng tượng hàng nghìn đồng bào ruột thịt của chúng ta vì yêu Tổ quốc, yêu hòa bình, muốn thống nhất đất nước mà đã chịu giam cầm bấy lâu nay, đang cố chịu đựng mọi gian khổ để sống, để rồi được về với gia đình, góp phần xây dựng Tổ quốc, mong có ngày được thấy mặt Hồ Chủ tịch để thỏa lòng mong ước mấy lâu nay. Mà nay bỗng nhiên ăn phải thuốc độc của Mỹ - Diệm, ôm bụng kêu la, người thì trợn mắt, người thì sùi bọt miếng, ỉa đái lan tràn, nằm xuống giẫy giụa trên cứt đái, trên đồ ăn mửa ọe ra, rồi nằm chết gục ngay, xác này sắp trên xác khác. Kẻ ở trên sạp, kẻ ở dưới nền, kẻ còn thoi thóp thì cố bò ra cửa để kêu cứu! Ai mà cầm lòng được trước tình cảnh thê thảm như thế! Chúng ta tự hỏi: Mỹ - Diệm còn tàn ác đến mức nào nữa? Các đồng bào ta bị giam ở trại Phú Lợi còn sống lại đã có một số bị Mỹ - Diệm chuyển đi nơi khác nay còn sống hay đã chết? Rồi các đồng bào ta ở hàng ngàn nhà giam khác thì sao? Và toàn thể nhân dân miền Nam đang ở dưới ách thống trị của Mỹ - Diệm thế nào. Mối lo âu của chúng ta bao giờ mới hết, lòng căm phẫn của chúng ta lên đến mức nào?

Chúng ta quả quyết rằng: những hành động tàn ác bỉ ổi của Mỹ - Diệm không làm nhụt trí đấu tranh của đồng bào miền Nam mà chỉ gây căm phẫn thêm cho đồng bào miền Nam, cho đồng bào toàn quốc.

Hơn bốn năm nay Diệm theo lệnh của Mỹ đã bày ra trò tố cộng để tàn sát đồng bào miền Nam. Nhưng kết quả là càng tố cộng thì nhân dân ta càng đoàn kết đấu tranh và Diệm càng bị cô lập.

Vụ thảm sát Phú Lợi cùng với các cuộc tàn sát khác chẳng những không cứu vãn được tập đoàn Ngô Đình Diệm, không dập tắt nổi phong trào đấu tranh của đồng bào miền Nam, mà trái lại nhất định càng làm cho lửa căm thù của nhân dân ta bốc cháy thêm mạnh, phong trào tố cáo tội ác Ngô Đình Diệm thêm kịch liệt.

Nhân dân ta thấy thêm rõ Mỹ - Diệm đã hết bày trò giả nhân giả nghĩa, đã lòi mặt đại gian đại ác, đối với Mỹ - Diệm chỉ có một cách là tích cực và bền bỉ đấu tranh để đi đến tiêu diệt chúng.

Ở đây chúng ta không nói đến việc tập đoàn Ngô Đình Diệm vi phạm Hiệp định Giơnevơ, chúng đã vi phạm Hiệp định Giơnevơ nhiều lần, chúng ta không lấy làm lạ nữa. Chúng ta cũng thừa hiểu Ngô Đình Diệm chỉ có thể duy trì thế lực bằng lừa phỉnh và đàn áp, lừa phỉnh không được thì đàn áp, điều đó cũng là tất nhiên. Điều mà chúng ta không thể tưởng tượng được là cũng là người, cũng là người Việt Nam mà lại mất lương tri đến chỗ dùng thủ đoạn hèn mạt giết hại đồng bào đã lọt vào trong tay mình rồi, đang bị giam giữ chặt chẽ với bộ đội, công an, cảnh sát vòng trong vòng ngoài, mà lại giết một lần đến hơn ngàn người!

Trước cái tang đau đớn này, nhân dân cả nước ta biến đau thương thành sức mạnh càng phải quyết tâm đoàn kết chống lại dã tâm phản nước hại dân của Ngô Đình Diệm, phản đối đế quốc Mỹ can thiệp vào miền Nam nước ta.

Chúng ta kêu gọi dư luận thế giới kịch liệt lên án hành động phản nhân đạo của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Bọn đế quốc Mỹ và tay sai của chúng càng hung hãn thì càng bị đông đảo nhân dân ta phản đối và nhất định càng mau đi đến chỗ thất bại nhục nhã.

Để tỏ lòng thương tiếc các đồng bào ta đã bị nạn ở trại tập trung Phú Lợi, tôi đề nghị các vị đứng dậy mặc niệm một phút.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
(https://quochoi.vn/tulieuquochoi/anpham/Pages/anpham.aspx?AnPhamItemID=600)


Saturday 15 January 2022

Hồ Thị Kỷ đã hy sinh trong hoàn cảnh nào?

Thượng tướng Trần Văn Trà viết về chiến công của Hồ Thị Kỷ:

Ở thị xã Cà Mau, Hồ Thị Kỷ chỉ huy đội biệt động giấu mìn trong giỏ xách làm nổ tung 3 xe đầy giặc và hy sinh anh dũng.

Quách Thu Nguyệt (2021-1:138)

Căn bản tướng Trà tóm tắt câu chuyện in trong sách Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – tập 2:

Sáng ngày 3 tháng 4 năm 1970, Hồ Thị Kỷ dẫn tổ vào gần mục tiêu thì bọn cảnh sát đang tập trung để hành quân. Trước tình hình địch có sự thay đổi, xét thấy thời cơ diệt địch rất tốt, đồng chí quyết định cho tổ lùi lại, còn mình ôm mìn lao thẳng vào đội hình địch. Mìn nổ, 27 tên cảnh sát khét tiếng gian ác bị tiêu diệt, 3 xe quân sự bị cháy. Hồ Thị Kỷ anh dũng hy sinh. Tinh thần vì nước quên mình của chị đã để lại cho đồng bào, đồng chí sự khâm phục và kính trọng.

Nội dung câu chuyện đó có thể tìm thấy ở nhiều chỗ khác, như ở đây:

Sáng 3/4/1970, chị mang 10kg mìn vào đánh Ty cảnh sát nhưng tình huống diễn ra không như dự định vì địch tập trung ở trước cổng để chuẩn bị hành quân, càn quét. Trước tình huống bất ngờ, các đồng chí chuyển ngay phương án đánh địch trước khi đi chúng gây tội ác.

   Đồng chí Hồ Thị Kỷ xách giỏ có mìn tiến thẳng đến đoàn xe của địch giả bộ làm quen và bất ngờ ấn kíp cho nổ mìn tiêu diệt 18 tên địch, trong đó có một sĩ quan Mỹ, một trung úy và một thiếu úy ngụy; bị thương một đại úy và 9 tên lính khác, phá hủy một xe Zeep, 2 xe quân sự GMC, sập một lô cốt, hỏng một mảng tường rào và một góc phòng quân cảnh.

(http://trianlietsi.vn/portal/trang-vang-liet-si/bien-minh-thanh-thuoc-no-quyet-tieu-diet-quan-thu)

Trang này dẫn nguồn là Báo Cà Mau. Nhưng trên Báo Cà Mau không thể tìm được câu chuyện như vậy. Chỉ có một version rất khác được kể hai lần trong cùng dịp kỷ niệm ngày Hồ Thị Kỷ hy sinh:


Người trực tiếp chỉ huy trận đánh là Ðội trưởng Ðội Biệt động Tạ Minh Nghiệp (Tư Bình), người chứng kiến những ngày luyện tập của các chị là chị Hồ Thị Sao, em gái của chị Hồ Thị Kỷ, (hiện đang sinh sống tại phường 7, TP Cà Mau), kể lại: "Trận đánh được chuẩn bị hết sức tỉ mỉ. Ðội Biệt động nắm được kế hoạch hành quân của lực lượng cảnh sát, phối hợp với lực lượng của quân đội nguỵ, Ðội lập phương án và lựa chọn các chiến sĩ vào các vị trí đánh địch. Ðể trận đánh chắc thắng, đội tổ chức 2 mũi tấn công, mũi chính là mũi của chị Hồ Thị Kỷ, Huỳnh Thị Kim Liên và Hồ Thuý Nghiêm, đánh từ phía phải (nhìn từ ngoài vào); mũi thứ hai do Tư Tâm, Tư Hoa ( chị ruột của Hồ Thị Kỷ) đi từ phía Rạch Rập, đặt mìn từ phía Chùa Bà đánh qua".

Những ngày chuẩn bị đánh, phải mang giỏ mìn nặng hàng chục ký, cộng với trái cây phủ lên nghi trang, cho nên chị Kỷ đã phải tập xách để nếu nhìn  thì không thấy việc xách chiếc giỏ nặng. Ðịa điểm tập là ở vườn sau nhà Bí thư Chi bộ ấp Cây Khô Châu Văn Trương.

Phương án đánh chính là chị Liên (tổ trưởng) bồng con nhỏ Hồ Thuý Nghiêm cùng đi với chị Kỷ, nếu địch có hỏi thì nói là đi chợ rồi ghé thăm người nhà làm tại Ty Cảnh sát, sau khi đặt giỏ “trái cây” đã hẹn giờ vào vị trí thì trở ra.   

Nhưng vào trận thì tình huống cụ thể đã phát sinh ngoài dự kiến. Khi đến cổng Ty Cảnh sát thì địch đã lên xe, xe đã nổ máy chuẩn bị hành quân. Chị Liên và chị Kỷ đưa mắt cho nhau, như thống nhất hành động. Nhanh như cắt, chị Kỷ điểm hoả quả mìn trong giỏ đệm, một tay đu lên cửa chiếc xe chở đầy lính. Quả mìn hàng chục ký phát nổ. Chị đã hy sinh anh dũng, thi thể của chị chỉ còn lại một chút phần chân. Chị Liên và cháu Nghiêm cũng hy sinh tại chỗ, cách chiếc xe vài mét…

Nguyễn Thế Cường, "Viết tiếp về chiến công của các nữ anh hùng”, Báo Cà Mau Online ngày 2 tháng 4 năm 2015

(https://www.baocamau.com.vn/nam-thang-khong-quen/viet-tiep-ve-chien-cong-cua-cac-nu-anh-hung-36080.html)


Chiến công lẫy lừng của Ðội Biệt động Thị xã Cà Mau diễn ra vào ngày 3/4/1970, người trực tiếp tổ chức trận đánh là Tạ Minh Nghiệp (Tư Bình), Chính trị viên Ðội Biệt động. Ông kể lại việc chuẩn bị như sau: “Từ khu vườn nhà ông Châu Văn Trương, Bí thư Chi bộ ấp Cây Khô, xã Tân Lợi, nay là xã Hồ Thị Kỷ, Hồ Thị Kỷ và đồng đội của mình tập dượt sao cho khi bước đi, tay cầm giỏ xách để mìn nặng mấy ký lô vẫn có thể giữ thăng bằng như người đi chợ bình thường. Tham gia trận đánh vào Ty Cảnh sát của địch lần này, ngoài Hồ Thị Kỷ còn có các chị Sáu Liên (Huỳnh Thị Kim Liên), Tư Tâm, Bảy Hoa và Thanh Hùng (Hùng mới 16 tuổi).

Ðể nguỵ trang che mắt địch, Tạ Minh Nghiệp đề nghị chị Sáu Liên bồng theo đứa con gái thứ 9, mới lên 3 tuổi của chị là Hồ Thị Thuý Nghiêm. Khi đến nơi, chị Liên bồng con vào trước như người đi chợ, nếu thấy thời cơ thuận lợi, ra ám hiệu để Hồ Thị Kỷ xách mìn vào. Ðây là mũi chính, đánh phía tay trái Ty Cảnh sát (từ trong nhìn ra). Mũi thứ hai do Tư Tâm, Bảy Hoa, đi từ hướng Rạch Rập lên, đặt mìn phía chùa Bà Mã Châu đánh qua”.

Thanh Hùng cho biết: Anh là người trực tiếp liên lạc giữa hai tổ đặt mìn của chị Kỷ và chị Tâm. Khi gặp chị Kỷ tại trận địa và trao đổi xong khẩu, ám, tín hiệu (tình hình ổn), thực hiện phương án I, Hùng vừa đi qua tổ của chị Tâm và chị Hoa thì nghe mìn nổ. Anh chạy trở lại, thấy khói lửa nghi ngút, địch la hét, tán loạn, nhốn nháo, báo động… Tổ của chị Tâm lập tức rút lui qua phía Rạch Rập, trong khi đó Hồ Thị Kỷ, Huỳnh Thị Kim Liên và cháu Hồ Thị Thuý Nghiêm đều hy sinh. Ðịch rú còi inh ỏi, kéo dây chì gai giăng kín cửa ra vào.

Cái chết của những người con gái rạch Cây Khô, xã Tân Lợi làm cho quân thù khiếp vía. Dù nếm trải đau thương nhưng không một ai nao núng. Mọi người đều hứa hẹn tại lễ truy điệu Hồ Thị Kỷ, Huỳnh Thị Kim Liên và cháu Hồ Thị Thuý Nghiêm: “Quyết biến đau thương thành hành động để trả thù cho đồng đội”. Sau đó, Ðội Biệt động thị xã Cà Mau được mang tên Ðội Biệt động Hồ Thị Kỷ.

Trường Sơn, “Ðội Biệt động Hồ Thị Kỷ anh hùng”, Báo Cà Mau Online ngày 10 tháng 4 năm 2015

(https://www.baocamau.com.vn/nam-thang-khong-quen/%C3%B0oi-biet-dong-ho-thi-ky-anh-hung-36161.html)

Nhiều khả năng là mìn phát nổ bất thình lình và cháu bé ba tuổi Hồ Thị Thúy Nghiêm chết oan.

Ngày 19 tháng 5 năm 1972 Hồ Thị Kỷ được phong anh hùng lực lượng vũ trang căn cứ câu chuyện đầu tiên về chiến công của Hồ Thị Kỷ (không kể mẹ con Huỳnh Thị Kim Liên và Hồ Thị Thúy Nghiêm). Mãi đến ngày 31 tháng 11 năm 2011 Huỳnh Thị Kim Liên mới được phong anh hùng vì phiên bản mới của huyền thoại Hồ Thị Kỷ kể rằng Chị Liên và chị Kỷ đưa mắt cho nhau, như thống nhất hành động.

May quá, có ông Lâm Anh Lữ, chỉ huy đội biệt động, xác nhận Hồ Thị Kỷ vào trận với tinh thần quyết tử.

Ông Lữ diễn giải tiếp: “Còn chỗ đánh Ty Cảnh sát, mình bố trí 2 mũi, Hồ Thị Kỷ đánh trước vô, 1 mũi đánh từ Chùa Bà ốp qua. Huỳnh Thị Kim Liên cùng tổ Hồ Thị Kỷ, bồng con theo để nguỵ trang, nói là vào ty thăm người quen, nhưng chủ yếu là để quan sát, ra ám hiệu cho Hồ Thị Kỷ đặt mìn”. 

Giọng ông trầm xuống: “Trước trận này, Hồ Thị Kỷ có hỏi tôi, nếu muốn cho nổ liền tay thì sao? Tôi dần dừ rồi bảo: Hỏi làm chi? Kỷ nói: Để phòng, trường hợp kẹt quá cũng cho nổ. Tôi hướng dẫn: Chỉ cần nhấn mạnh nút xuống thì a xít sẽ ăn thủng giấy tới “mắt ngỗng”, gây nổ. Ai ngờ…”./.

Trận đánh Ty Cảnh sát diễn ra ngày 3/4/1970. Theo kế hoạch, Hồ Thị Kỷ đem giỏ xách nguỵ trang (có mìn) đặt ngay trung tâm Ty Cảnh sát. Nhưng tình huống hôm ấy diễn biến trái với dự kiến, bọn địch tập trung ra đường chuẩn bị cho trận càn. Nhanh trí, Hồ Thị Kỷ ra ám hiệu thay đổi kế hoạch với đồng đội và xách giỏ mìn tiến đến đoàn xe địch, mời thuốc bọn giặc hút rồi nhanh tay ấn kíp mìn. Trận đánh làm thương vong nhiều tên địch, phá huỷ 1 xe Zeep, 2 xe quân sự GMC, sập 1 lô cốt, bẻ gãy hoàn toàn kế hoạch hành quân, khủng bố của địch.

Hồ Thị Kỷ, Huỳnh Thị Kim Liên và bé Hồ Thuý Nghiêm hy sinh.

Trang Thăm, “Ðội biệt động thị xã Cà Mau gặp người trong cuộc sau hơn 40 năm – Bài 1: Chuyện ‘đánh trong lòng địch’”, Báo Cà Mau Online ngày 13 tháng 1 năm 2020

 

(https://www.baocamau.com.vn/phong-su-ky-su/doi-biet-dong-thi-xa-ca-mau-gap-nguoi-trong-cuoc-sau-hon-40-nam-bai-1-chuyen-danh-trong-long-dich-64127.html)

Và ở một chỗ khác:

Theo ông Lữ kể, khi ấy có 2 mũi đánh, mũi Hồ Thị Kỷ phụ trách đánh ty cảnh sát. Trước khi đi, Hồ Thị Kỷ có hỏi ông về cách làm sao để cho nổ mìn trong tình huống khẩn cấp. Nói tới đây, ông rơm rớm nước mắt: “Chính tôi chỉ cách cho Kỷ ấn kíp nổ mìn”. Trận đánh làm thiệt hại nặng cho giặc: 18 tên đền tội, 9 bị thương, phá huỷ 1 xe Zeep, 2 xe quân sự GMC, sập một lô cốt, hỏng một mảng tường rào và một góc phòng quân cảnh. Trận đánh cũng làm tê liệt hoàn toàn kế hoạch hành quân càn quét của địch. Nhưng nữ Anh hùng Hồ Thị Kỷ, nữ Anh hùng Huỳnh Thị Kim Liên và bé Hồ Thuý Nghiêm (con ruột của đồng chí Huỳnh Thị Kim Liên, khi đó mới 3 tuổi) cũng anh dũng hy sinh.

Hỏi ông Lữ, sau trận đánh của Hồ Thị Kỷ, tâm trạng ông khi ấy ra sao, ông chậm rãi: “Trong mọi tình huống, là người chỉ huy, phải bình tĩnh, dù lòng rất đau”. Nhưng từ trận đánh này, ông đã ngẫm ra một điều: “Nhân dân Cà Mau anh hùng, những người con gái xuân sắc như Kỷ dám hy sinh cuộc đời vì lý tưởng cao đẹp, một bà mẹ ôm con mình vào trận đánh, một cháu bé 3 tuổi cũng góp phần diệt giặc, thì cuộc kháng chiến của ta nhất định thắng lợi”. Hồ Thị Kỷ đã chọn một cuộc đời vinh quang, thay vì lẽ sống thường tình.

Phạm Quốc Rin, “Người chỉ huy biệt động thành Cà Mau”, Báo Cà Mau Online 18 tháng 2 năm 2021

(https://www.baocamau.com.vn/nam-thang-khong-quen/nguoi-chi-huy-biet-dong-thanh-ca-mau-67763.html)

Hồ Thị Sao, em gái Hồ Thị Kỷ, cũng xác nhận là Hồ Thị Kỷ chấp nhận hy sinh khi lâm trận:

Đêm trước lúc đi, hai chị em thức gần trắng đêm tâm sự. Chị nói, cỡ nào chị cũng không để chúng bắt và lấy trái nổ. Vì trái của mình quý lắm, tốn nhiều tiền của, công sức mới có được. Chị thà chết mà giết được chúng chớ không để bị chúng lấy trái nổ, uổng phí lắm. Thêm nữa, anh em đồng đội mình ở Khám Lớn nhiều lắm, để nó bắt, nó đánh đập sợ mình đau rồi không giữ được khí tiết, khai lung tung thì nguy hiểm tới anh em. Thà mình hy sinh. Học theo gương chị Võ Thị Sáu, phải sống hiên ngang...

Chị nói, 8 giờ tới 9 giờ hôm sau là chị về. Hoặc 11-12 giờ. Chậm lắm cũng cỡ 3 giờ chiều là chị về tới. Nếu 3 giờ mà không thấy chị về là coi như chị hy sinh...

Chị em tâm sự tới 12 giờ đêm, chị quay sang chuẩn bị và nói chuyện, chia tay với mấy anh bộ đội. Tới 1 giờ 30 là chị xuống xuồng đi ra Cà Mau làm nhiệm vụ. Lúc đó chị đi cùng chị Huỳnh Thị Kim Liên, bồng theo bé Hồ Thuý Nghiêm. Hai chị em xuống xuồng chèo đi. Bấy giờ là mùa hạn, nước sông cạn, xuồng chèo cứ nghe ọt ẹt…”.

Trang Thăm, “Ðội biệt động thị xã Cà Mau gặp người trong cuộc sau hơn 40 năm – Bài 2: Chuyện ít biết về Hồ Thị Kỷ và gia đình”, Báo Cà Mau Online ngày 14 tháng 1 năm 2020

(https://www.baocamau.com.vn/phong-su-ky-su/doi-biet-dong-thi-xa-ca-mau-gap-nguoi-trong-cuoc-sau-hon-40-nam-bai-2-chuyen-it-biet-ve-ho-thi-ky-va-gia-dinh-64154.html)

Không ai nhận xét gì về tinh thần quyết tử của Huỳnh Thị Kim Liên. Người phụ nữ này không giữ một vai trò nào trong phiên bản gốc của huyền thoại Hồ Thị Kỷ. Bốn mươi mốt năm sau, cái chết của  Huỳnh Thị Kim Liên mới được xem là một cái chết anh hùng.