Showing posts with label lịch sử hiện đại. Show all posts
Showing posts with label lịch sử hiện đại. Show all posts

Tuesday 2 January 2024

Trích Lịch Sử Hải Phòng tập 3 (Nguyễn Văn Khánh chủ biên) từ trang 355 đến trang 358



 Trang 355:
Để phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ, Tổng Quân ủy, Bộ
Tổng tư lệnh, Khu ủy và Bộ Tư lệnh khu Tả ngạn chỉ thị cho tỉnh
Kiến An tổ chức tập kích sân bay Cát Bi - một trong những sân
bay lớn nhất của Pháp ở Đông Dương nhằm triệt phá cầu hàng
không chủ yếu của địch tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên
Phủ. Chấp hành chủ trương của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư
lệnh, chỉ thị của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu Tả ngạn, ngay từ
tháng 7/1953, Tỉnh ủy, tỉnh đội Kiến An đã xây dựng phương án
tập kích sân bay Cát Bi.
Tập kích vào một căn cứ không quân thuộc loại lớn nhất của
địch ở Đông Dương, trong khi kinh nghiệm tác chiến của ta đối
với loại mục tiêu này chưa có, là một nhiệm vụ rất nặng nề đối
với quân, dân Kiến An. Nhưng với ý thức chấp hành mệnh lệnh
rất cao, từ tháng 7/1953, tỉnh đội đã huy động các chiến sĩ quân
báo đột nhập vào sân bay điều tra tình hình. Một mũi trinh sát
từ Đồ Sơn dùng thuyền vượt biển vào Đình Vũ, rồi từ đó vượt qua
bãi sình lầy vào sân bay. Nhưng do địa hình phức tạp, lương thực
hết và chưa tổ chức được cơ sở nên tổ phải rút ra ngoài. Một mũi
khác dựa vào xã Hòa Nghĩa (huyện Kiến Thụy), ven đường 14 xây
dựng cơ sở, từ đó vượt sông Lạch Tray sang sân bay. Sau hơn
bảy tháng trời ròng rã với 36 lần đột nhập vào sân bay tiến hành
trinh sát thực địa, kết hợp với các nguồn thông tin khác, các
chiến sĩ quân báo của ta đã nắm được khá chính xác tình hình
địch, các vị trí, khu tập kết máy bay, tháp canh, quy luật tuần
tra, canh gác của chúng.

Trang 356:
Công tác xây dựng cơ sở các xã ven đường 14 để từ đó vượt
sông sang sân bay được Thường vụ Tỉnh ủy được giao cho huyện
Kiến Thụy phụ trách. Huyện ủy Kiến Thụy phân công hai đồng
chí Huyện ủy viên trực tiếp xuống các xã Tân Phong, Hợp Đức,
Hòa Nghĩa làm nhiệm vụ. Nhân dân đã hăng hái giúp đỡ bộ đội,
cung cấp tình hình địch. Nhiều gia đình đào hầm bí mật ngay
trong nhà để che giấu cán bộ, bộ đội. Riêng tại xã Hòa Nghĩa, 250
căn hầm bí mật đã được chuẩn bị cho 250 đồng chí tham gia trận
đánh theo phương án chiến đấu ban đầu.
Trong khi ta đang khẩn trương chuẩn bị cho trận đánh thì
địch càn lớn. Chúng bắt được 2 đồng chí Huyện ủy viên phụ trách
việc chuẩn bị cơ sở. Các đồng chí đã hy sinh trước những đòn tra
tấn dã man của địch nhưng kế hoạch tác chiến vẫn được giữ bí
mật. Tiếp đến, trong một trận càn của địch, 2 chiến sĩ quân báo
và 1 du kích đã hy sinh.
Mặc dù bị địch càn quét khốc liệt, nhưng Tỉnh ủy xét thấy
kế hoạch tác chiến chưa bị lộ nên chủ trương tiếp tục đẩy mạnh
công tác chuẩn bị, đồng thời tổ chức tập kích sân bay Đồ Sơn để
rút kinh nghiệm cho trận Cát Bi.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy và Khu ủy, đêm 31/01/1954,
một phân đội bộ đội địa phương Kiến An tập kích vào sân bay Đồ
Sơn phá hủy 5 máy bay, đốt cháy 1 kho xăng của địch. Qua trận
tập kích sân bay Đồ Sơn, ta có thêm nhiều kinh nghiệm chuẩn bị
cho trận Cát Bi.
Yêu cầu của Khu ủy là phải phá hoại được ít nhất 50 máy
bay, đồng thời phải bảo toàn được lực lượng, bảo đảm thắng lợi cả
về quân sự và chính trị. Qua công tác nắm tình hình địch, nhất
là từ thực tiễn của cuộc tập kích sân bay Đồ Sơn, kế hoạch tập
kích sân bay Cát Bi đã kịp thời được điều chỉnh. Lực lượng ban
đầu dự kiến là 225 người - là những cảm tử quân, chấp nhận

Trang 357:
hy sinh, nay chỉ cần sử dụng 32 người. Đánh xong phải tổ chức
cho bộ đội vượt qua 3 con sông, vượt chặng đường dài 20km rút
nhanh về Tiên Lãng trước khi trời sáng. Các chiến sĩ đã tiến
hành luyện tập các phương án đánh địch dựa trên sơ đồ bố trí các
mục tiêu. Anh em phải thực hành “bôn tập” trong đêm tối trên
các cánh đồng chiêm trũng. Mỗi đêm phải chạy 30km, tốc độ phải
đạt 7km/h, phải tập bơi có mang theo vũ khí, và bảo quản tốt bộc
phá. Về cách tiếp cận mục tiêu, thời gian đầu do chưa hình dung
cụ thể về chiều cao máy bay, anh em tập chồng hai đến ba người
để có thể gắn bộc phá vào nơi quy định. Nhưng sau trận đánh vào
sân bay Đồ Sơn, ta đã xác định chính xác chiều cao máy bay cùng
các vị trí có thể gắn hoặc treo bộc phá. Công tác bảo đảm hành
quân, tác chiến và rút lui cũng được chuẩn bị chu đáo.
18 giờ ngày 05/3/1954, lực lượng tập kích sân bay Cát Bi dưới
quyền chỉ huy của đồng chí Lê Thừa Giao và đồng chí Đỗ Tất Yến
nhận lệnh xuất phát. Vị trí tập kết của đơn vị là xã Hòa Nghĩa.
Đêm 06/3/1953, từ xã Hòa Nghĩa đơn vị băng qua đường 14 sau
đó vượt sông Lạch Tray và vùng bãi lầy rộng 4 - 5km tiếp cận
sân bay.
1 giờ sáng ngày 07/3/1953, tiếng nổ của lựu đạn và bộc phá
bất ngờ vang dội sân bay Cát Bi. Một tiểu đội Âu - Phi đi tuần
và bọn lính canh gác khu vực máy bay đỗ bị tiêu diệt tại chỗ. Số
bom đạn địch chuẩn bị sẵn trong các máy bay bị nổ tung. Bọn
địch hoàn toàn bất ngờ trước đòn tiến công của ta. Chúng tập
trung hỏa lực bắn lên không trung. Mười phút sau chúng mới
phát hiện ra sân bay bị tập kích bằng bộ binh. Xe bọc thép của
địch gầm rú chạy vòng quanh sân bay, nhưng lực lượng ta đã rút
ra ngoài an toàn.
Suốt 17 tiếng đồng hồ, sân bay Cát Bi ngùn ngụt trong biển
lửa và tiếng nổ dữ dội. Nhiều máy bay địch bị phá hủy.


Trang 358:
Chiến thắng to lớn ở Cát Bi có ảnh hưởng vang dội đến chiến
trường cả nước, cổ vũ tinh thần chiến đấu và chiến thắng của
quân và dân ta. Ngược lại, quân địch bị một đòn sấm sét bất ngờ
ở Cát Bi càng thêm hoang mang, bối rối, càng thêm khó khăn
trong việc vận chuyển tiếp tế cho các chiến trường, nhất là chiến
trường Điện Biên Phủ. Đây là chiến thắng lớn nhất về tiêu diệt,
phá hủy nhiều máy bay của địch trong cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử
Điện Biên Phủ của quân và dân cả nước. Chiến thắng Cát Bi là
kết quả của một quá trình chuẩn bị và tổ chức chiến đấu hết sức
công phu, đầy hy sinh, gian khổ của quân, dân Hải Phòng - Kiến
An. Chiến thắng Cát Bi là cơ sở thực tiễn đầu tiên để hình thành
cách đánh dùng lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, luồn sâu, đánh
hiểm của bộ đội binh chủng đặc công Quân đội nhân dân Việt
Nam sau này.
Ngay sau khi nhận được báo cáo về chiến thắng Cát Bi, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện khen và tặng đơn vị tập kích sân
bay danh hiệu “Đoàn dũng sĩ Cát Bi” và Huân chương Quân công
hạng Nhất. Đồng chí Tỉnh đội trưởng Kiến An và hai chiến sĩ
quân báo được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì.
Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ tham gia trận đánh được tặng thưởng
Huân chương Chiến sĩ (Huân chương Chiến công) hạng Nhất.


Thursday 23 June 2022

Có phải là nhà báo nói gà và nói luôn cả vịt?



Trang 2 Báo Cứu Quốc số 43 ra ngày 14 tháng 9 năm 1945 đăng tin về cuộc tiếp xúc 8 giờ tối ngày 11 tháng 9 giữa các đại biểu Ủy Ban Nhân Dân Trung Bộ,  Ủy Ban Nhân Dân Thừa Thiên, Việt Minh, Hoa kiều và báo giới với các đại biểu quan sát Mỹ vừa tới Thuận Hóa. Trong cuộc tiếp xúc ấy:

Đại-biểu quan sát Mỹ lại nói thêm rằng, theo lời người Pháp và Nhật thì Chính-phủ Việt-Nam cấm nhân dân bán thực phẩm cho người Pháp. Chủ-tịch Thừa-thiên cải-chính và y sĩ Lê-Đình-Phẩm đại-biểu Phật-giáo yêu cầu đại-biểu quan sát Mỹ không nên tin những lời của người Pháp và Nhật vì hai kẻ đó rất ghét Chính-phủ nhân-dân Việt-Nam do Việt-Minh, một tử thù của Nhật lập nên, còn Pháp căm hờn người Việt-Nam vì họ không thể nào trồng (sic) ách nô-lệ lên Đông Dương một lần nữa.

Trên cùng trang báo, ngay cột bên cạnh là sắc lệnh số 6 của Chủ-tịch Chính-phủ Lâm-thời Dân-chủ Cộng-hòa Việt-Nam. Khoản thứ nhất của sắc lệnh đó như sau:
Nay cấm nhân-dân Việt-Nam không được đăng lính, bán thực phẩm, dẫn đường, liên lạc, làm tay sai cho quân đội Pháp.

Người ký là Võ Nguyên Giáp, Bộ Trưởng Nội Vụ. Ngày ký là 1 tháng 9 năm 1945.
Trên cơ sở dữ liệu của Thư Viện Pháp Luật, ngày ký là 5 tháng 9 năm 1945. Ngày 1 hay  ngày 5 thì cũng là việc đã xảy ra rồi trước khi người Mỹ hỏi chuyện.

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Sac-lenh-06-cam-nhan-dan-khong-duoc-dang-linh-ban-thuc-pham-lam-tay-sai-quan-doi-Phap-35848.aspx

Saturday 15 January 2022

Hồ Thị Kỷ đã hy sinh trong hoàn cảnh nào?

Thượng tướng Trần Văn Trà viết về chiến công của Hồ Thị Kỷ:

Ở thị xã Cà Mau, Hồ Thị Kỷ chỉ huy đội biệt động giấu mìn trong giỏ xách làm nổ tung 3 xe đầy giặc và hy sinh anh dũng.

Quách Thu Nguyệt (2021-1:138)

Căn bản tướng Trà tóm tắt câu chuyện in trong sách Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – tập 2:

Sáng ngày 3 tháng 4 năm 1970, Hồ Thị Kỷ dẫn tổ vào gần mục tiêu thì bọn cảnh sát đang tập trung để hành quân. Trước tình hình địch có sự thay đổi, xét thấy thời cơ diệt địch rất tốt, đồng chí quyết định cho tổ lùi lại, còn mình ôm mìn lao thẳng vào đội hình địch. Mìn nổ, 27 tên cảnh sát khét tiếng gian ác bị tiêu diệt, 3 xe quân sự bị cháy. Hồ Thị Kỷ anh dũng hy sinh. Tinh thần vì nước quên mình của chị đã để lại cho đồng bào, đồng chí sự khâm phục và kính trọng.

Nội dung câu chuyện đó có thể tìm thấy ở nhiều chỗ khác, như ở đây:

Sáng 3/4/1970, chị mang 10kg mìn vào đánh Ty cảnh sát nhưng tình huống diễn ra không như dự định vì địch tập trung ở trước cổng để chuẩn bị hành quân, càn quét. Trước tình huống bất ngờ, các đồng chí chuyển ngay phương án đánh địch trước khi đi chúng gây tội ác.

   Đồng chí Hồ Thị Kỷ xách giỏ có mìn tiến thẳng đến đoàn xe của địch giả bộ làm quen và bất ngờ ấn kíp cho nổ mìn tiêu diệt 18 tên địch, trong đó có một sĩ quan Mỹ, một trung úy và một thiếu úy ngụy; bị thương một đại úy và 9 tên lính khác, phá hủy một xe Zeep, 2 xe quân sự GMC, sập một lô cốt, hỏng một mảng tường rào và một góc phòng quân cảnh.

(http://trianlietsi.vn/portal/trang-vang-liet-si/bien-minh-thanh-thuoc-no-quyet-tieu-diet-quan-thu)

Trang này dẫn nguồn là Báo Cà Mau. Nhưng trên Báo Cà Mau không thể tìm được câu chuyện như vậy. Chỉ có một version rất khác được kể hai lần trong cùng dịp kỷ niệm ngày Hồ Thị Kỷ hy sinh:


Người trực tiếp chỉ huy trận đánh là Ðội trưởng Ðội Biệt động Tạ Minh Nghiệp (Tư Bình), người chứng kiến những ngày luyện tập của các chị là chị Hồ Thị Sao, em gái của chị Hồ Thị Kỷ, (hiện đang sinh sống tại phường 7, TP Cà Mau), kể lại: "Trận đánh được chuẩn bị hết sức tỉ mỉ. Ðội Biệt động nắm được kế hoạch hành quân của lực lượng cảnh sát, phối hợp với lực lượng của quân đội nguỵ, Ðội lập phương án và lựa chọn các chiến sĩ vào các vị trí đánh địch. Ðể trận đánh chắc thắng, đội tổ chức 2 mũi tấn công, mũi chính là mũi của chị Hồ Thị Kỷ, Huỳnh Thị Kim Liên và Hồ Thuý Nghiêm, đánh từ phía phải (nhìn từ ngoài vào); mũi thứ hai do Tư Tâm, Tư Hoa ( chị ruột của Hồ Thị Kỷ) đi từ phía Rạch Rập, đặt mìn từ phía Chùa Bà đánh qua".

Những ngày chuẩn bị đánh, phải mang giỏ mìn nặng hàng chục ký, cộng với trái cây phủ lên nghi trang, cho nên chị Kỷ đã phải tập xách để nếu nhìn  thì không thấy việc xách chiếc giỏ nặng. Ðịa điểm tập là ở vườn sau nhà Bí thư Chi bộ ấp Cây Khô Châu Văn Trương.

Phương án đánh chính là chị Liên (tổ trưởng) bồng con nhỏ Hồ Thuý Nghiêm cùng đi với chị Kỷ, nếu địch có hỏi thì nói là đi chợ rồi ghé thăm người nhà làm tại Ty Cảnh sát, sau khi đặt giỏ “trái cây” đã hẹn giờ vào vị trí thì trở ra.   

Nhưng vào trận thì tình huống cụ thể đã phát sinh ngoài dự kiến. Khi đến cổng Ty Cảnh sát thì địch đã lên xe, xe đã nổ máy chuẩn bị hành quân. Chị Liên và chị Kỷ đưa mắt cho nhau, như thống nhất hành động. Nhanh như cắt, chị Kỷ điểm hoả quả mìn trong giỏ đệm, một tay đu lên cửa chiếc xe chở đầy lính. Quả mìn hàng chục ký phát nổ. Chị đã hy sinh anh dũng, thi thể của chị chỉ còn lại một chút phần chân. Chị Liên và cháu Nghiêm cũng hy sinh tại chỗ, cách chiếc xe vài mét…

Nguyễn Thế Cường, "Viết tiếp về chiến công của các nữ anh hùng”, Báo Cà Mau Online ngày 2 tháng 4 năm 2015

(https://www.baocamau.com.vn/nam-thang-khong-quen/viet-tiep-ve-chien-cong-cua-cac-nu-anh-hung-36080.html)


Chiến công lẫy lừng của Ðội Biệt động Thị xã Cà Mau diễn ra vào ngày 3/4/1970, người trực tiếp tổ chức trận đánh là Tạ Minh Nghiệp (Tư Bình), Chính trị viên Ðội Biệt động. Ông kể lại việc chuẩn bị như sau: “Từ khu vườn nhà ông Châu Văn Trương, Bí thư Chi bộ ấp Cây Khô, xã Tân Lợi, nay là xã Hồ Thị Kỷ, Hồ Thị Kỷ và đồng đội của mình tập dượt sao cho khi bước đi, tay cầm giỏ xách để mìn nặng mấy ký lô vẫn có thể giữ thăng bằng như người đi chợ bình thường. Tham gia trận đánh vào Ty Cảnh sát của địch lần này, ngoài Hồ Thị Kỷ còn có các chị Sáu Liên (Huỳnh Thị Kim Liên), Tư Tâm, Bảy Hoa và Thanh Hùng (Hùng mới 16 tuổi).

Ðể nguỵ trang che mắt địch, Tạ Minh Nghiệp đề nghị chị Sáu Liên bồng theo đứa con gái thứ 9, mới lên 3 tuổi của chị là Hồ Thị Thuý Nghiêm. Khi đến nơi, chị Liên bồng con vào trước như người đi chợ, nếu thấy thời cơ thuận lợi, ra ám hiệu để Hồ Thị Kỷ xách mìn vào. Ðây là mũi chính, đánh phía tay trái Ty Cảnh sát (từ trong nhìn ra). Mũi thứ hai do Tư Tâm, Bảy Hoa, đi từ hướng Rạch Rập lên, đặt mìn phía chùa Bà Mã Châu đánh qua”.

Thanh Hùng cho biết: Anh là người trực tiếp liên lạc giữa hai tổ đặt mìn của chị Kỷ và chị Tâm. Khi gặp chị Kỷ tại trận địa và trao đổi xong khẩu, ám, tín hiệu (tình hình ổn), thực hiện phương án I, Hùng vừa đi qua tổ của chị Tâm và chị Hoa thì nghe mìn nổ. Anh chạy trở lại, thấy khói lửa nghi ngút, địch la hét, tán loạn, nhốn nháo, báo động… Tổ của chị Tâm lập tức rút lui qua phía Rạch Rập, trong khi đó Hồ Thị Kỷ, Huỳnh Thị Kim Liên và cháu Hồ Thị Thuý Nghiêm đều hy sinh. Ðịch rú còi inh ỏi, kéo dây chì gai giăng kín cửa ra vào.

Cái chết của những người con gái rạch Cây Khô, xã Tân Lợi làm cho quân thù khiếp vía. Dù nếm trải đau thương nhưng không một ai nao núng. Mọi người đều hứa hẹn tại lễ truy điệu Hồ Thị Kỷ, Huỳnh Thị Kim Liên và cháu Hồ Thị Thuý Nghiêm: “Quyết biến đau thương thành hành động để trả thù cho đồng đội”. Sau đó, Ðội Biệt động thị xã Cà Mau được mang tên Ðội Biệt động Hồ Thị Kỷ.

Trường Sơn, “Ðội Biệt động Hồ Thị Kỷ anh hùng”, Báo Cà Mau Online ngày 10 tháng 4 năm 2015

(https://www.baocamau.com.vn/nam-thang-khong-quen/%C3%B0oi-biet-dong-ho-thi-ky-anh-hung-36161.html)

Nhiều khả năng là mìn phát nổ bất thình lình và cháu bé ba tuổi Hồ Thị Thúy Nghiêm chết oan.

Ngày 19 tháng 5 năm 1972 Hồ Thị Kỷ được phong anh hùng lực lượng vũ trang căn cứ câu chuyện đầu tiên về chiến công của Hồ Thị Kỷ (không kể mẹ con Huỳnh Thị Kim Liên và Hồ Thị Thúy Nghiêm). Mãi đến ngày 31 tháng 11 năm 2011 Huỳnh Thị Kim Liên mới được phong anh hùng vì phiên bản mới của huyền thoại Hồ Thị Kỷ kể rằng Chị Liên và chị Kỷ đưa mắt cho nhau, như thống nhất hành động.

May quá, có ông Lâm Anh Lữ, chỉ huy đội biệt động, xác nhận Hồ Thị Kỷ vào trận với tinh thần quyết tử.

Ông Lữ diễn giải tiếp: “Còn chỗ đánh Ty Cảnh sát, mình bố trí 2 mũi, Hồ Thị Kỷ đánh trước vô, 1 mũi đánh từ Chùa Bà ốp qua. Huỳnh Thị Kim Liên cùng tổ Hồ Thị Kỷ, bồng con theo để nguỵ trang, nói là vào ty thăm người quen, nhưng chủ yếu là để quan sát, ra ám hiệu cho Hồ Thị Kỷ đặt mìn”. 

Giọng ông trầm xuống: “Trước trận này, Hồ Thị Kỷ có hỏi tôi, nếu muốn cho nổ liền tay thì sao? Tôi dần dừ rồi bảo: Hỏi làm chi? Kỷ nói: Để phòng, trường hợp kẹt quá cũng cho nổ. Tôi hướng dẫn: Chỉ cần nhấn mạnh nút xuống thì a xít sẽ ăn thủng giấy tới “mắt ngỗng”, gây nổ. Ai ngờ…”./.

Trận đánh Ty Cảnh sát diễn ra ngày 3/4/1970. Theo kế hoạch, Hồ Thị Kỷ đem giỏ xách nguỵ trang (có mìn) đặt ngay trung tâm Ty Cảnh sát. Nhưng tình huống hôm ấy diễn biến trái với dự kiến, bọn địch tập trung ra đường chuẩn bị cho trận càn. Nhanh trí, Hồ Thị Kỷ ra ám hiệu thay đổi kế hoạch với đồng đội và xách giỏ mìn tiến đến đoàn xe địch, mời thuốc bọn giặc hút rồi nhanh tay ấn kíp mìn. Trận đánh làm thương vong nhiều tên địch, phá huỷ 1 xe Zeep, 2 xe quân sự GMC, sập 1 lô cốt, bẻ gãy hoàn toàn kế hoạch hành quân, khủng bố của địch.

Hồ Thị Kỷ, Huỳnh Thị Kim Liên và bé Hồ Thuý Nghiêm hy sinh.

Trang Thăm, “Ðội biệt động thị xã Cà Mau gặp người trong cuộc sau hơn 40 năm – Bài 1: Chuyện ‘đánh trong lòng địch’”, Báo Cà Mau Online ngày 13 tháng 1 năm 2020

 

(https://www.baocamau.com.vn/phong-su-ky-su/doi-biet-dong-thi-xa-ca-mau-gap-nguoi-trong-cuoc-sau-hon-40-nam-bai-1-chuyen-danh-trong-long-dich-64127.html)

Và ở một chỗ khác:

Theo ông Lữ kể, khi ấy có 2 mũi đánh, mũi Hồ Thị Kỷ phụ trách đánh ty cảnh sát. Trước khi đi, Hồ Thị Kỷ có hỏi ông về cách làm sao để cho nổ mìn trong tình huống khẩn cấp. Nói tới đây, ông rơm rớm nước mắt: “Chính tôi chỉ cách cho Kỷ ấn kíp nổ mìn”. Trận đánh làm thiệt hại nặng cho giặc: 18 tên đền tội, 9 bị thương, phá huỷ 1 xe Zeep, 2 xe quân sự GMC, sập một lô cốt, hỏng một mảng tường rào và một góc phòng quân cảnh. Trận đánh cũng làm tê liệt hoàn toàn kế hoạch hành quân càn quét của địch. Nhưng nữ Anh hùng Hồ Thị Kỷ, nữ Anh hùng Huỳnh Thị Kim Liên và bé Hồ Thuý Nghiêm (con ruột của đồng chí Huỳnh Thị Kim Liên, khi đó mới 3 tuổi) cũng anh dũng hy sinh.

Hỏi ông Lữ, sau trận đánh của Hồ Thị Kỷ, tâm trạng ông khi ấy ra sao, ông chậm rãi: “Trong mọi tình huống, là người chỉ huy, phải bình tĩnh, dù lòng rất đau”. Nhưng từ trận đánh này, ông đã ngẫm ra một điều: “Nhân dân Cà Mau anh hùng, những người con gái xuân sắc như Kỷ dám hy sinh cuộc đời vì lý tưởng cao đẹp, một bà mẹ ôm con mình vào trận đánh, một cháu bé 3 tuổi cũng góp phần diệt giặc, thì cuộc kháng chiến của ta nhất định thắng lợi”. Hồ Thị Kỷ đã chọn một cuộc đời vinh quang, thay vì lẽ sống thường tình.

Phạm Quốc Rin, “Người chỉ huy biệt động thành Cà Mau”, Báo Cà Mau Online 18 tháng 2 năm 2021

(https://www.baocamau.com.vn/nam-thang-khong-quen/nguoi-chi-huy-biet-dong-thanh-ca-mau-67763.html)

Hồ Thị Sao, em gái Hồ Thị Kỷ, cũng xác nhận là Hồ Thị Kỷ chấp nhận hy sinh khi lâm trận:

Đêm trước lúc đi, hai chị em thức gần trắng đêm tâm sự. Chị nói, cỡ nào chị cũng không để chúng bắt và lấy trái nổ. Vì trái của mình quý lắm, tốn nhiều tiền của, công sức mới có được. Chị thà chết mà giết được chúng chớ không để bị chúng lấy trái nổ, uổng phí lắm. Thêm nữa, anh em đồng đội mình ở Khám Lớn nhiều lắm, để nó bắt, nó đánh đập sợ mình đau rồi không giữ được khí tiết, khai lung tung thì nguy hiểm tới anh em. Thà mình hy sinh. Học theo gương chị Võ Thị Sáu, phải sống hiên ngang...

Chị nói, 8 giờ tới 9 giờ hôm sau là chị về. Hoặc 11-12 giờ. Chậm lắm cũng cỡ 3 giờ chiều là chị về tới. Nếu 3 giờ mà không thấy chị về là coi như chị hy sinh...

Chị em tâm sự tới 12 giờ đêm, chị quay sang chuẩn bị và nói chuyện, chia tay với mấy anh bộ đội. Tới 1 giờ 30 là chị xuống xuồng đi ra Cà Mau làm nhiệm vụ. Lúc đó chị đi cùng chị Huỳnh Thị Kim Liên, bồng theo bé Hồ Thuý Nghiêm. Hai chị em xuống xuồng chèo đi. Bấy giờ là mùa hạn, nước sông cạn, xuồng chèo cứ nghe ọt ẹt…”.

Trang Thăm, “Ðội biệt động thị xã Cà Mau gặp người trong cuộc sau hơn 40 năm – Bài 2: Chuyện ít biết về Hồ Thị Kỷ và gia đình”, Báo Cà Mau Online ngày 14 tháng 1 năm 2020

(https://www.baocamau.com.vn/phong-su-ky-su/doi-biet-dong-thi-xa-ca-mau-gap-nguoi-trong-cuoc-sau-hon-40-nam-bai-2-chuyen-it-biet-ve-ho-thi-ky-va-gia-dinh-64154.html)

Không ai nhận xét gì về tinh thần quyết tử của Huỳnh Thị Kim Liên. Người phụ nữ này không giữ một vai trò nào trong phiên bản gốc của huyền thoại Hồ Thị Kỷ. Bốn mươi mốt năm sau, cái chết của  Huỳnh Thị Kim Liên mới được xem là một cái chết anh hùng.